...Các dự luật dở dang ấy cho thấy còn nhiều lúng túng, vướng mắc, ngại ngần trước quyền tự do của người dân...
Xây dựng HP đã đi được nửa chặng đường, mà kết quả là những gì người dân đã đóng góp cho dự thảo tháng 1-2013. Tất cả được thể hiện trong bản báo cáo 150 trang, và phần nào trong dự thảo HP mới - bản tháng 5 - mà Ủy ban dự thảo HP đã gửi tới các ĐBQH.
Tất cả mới chỉ là dự thảo, nên ngày mai (27/5), QH với tư cách cơ quan đại diện dân cử cao nhất sẽ thảo luận đánh giá quá trình tiếp thu ý dân ấy.
Nếu coi thảo luận HP là một quá trình dân chủ, thì trước hết việc tiếp thu ý dân cần được phản ánh bằng cách nội dung nào trong HP còn ý kiến khác nhau thì dự thảo cũng thể hiện bằng các phương án khác nhau tương ứng.
Theo cách ấy, Ủy ban dự thảo HP sửa đổi từng trình ra bản dự thảo tháng 4, mà ở đó có tới 28 vấn đề lớn được thể hiện bằng hai phương án.
Tới dự thảo mới nhất chỉ còn 6 điều khoản là được diễn đạt bằng nhiều phương án quy định. Nhưng thu hẹp như vậy không có nghĩa nhân dân đã đồng thuận ở các điều khoản còn lại.
Tạm gác những nội dung có thể bị coi là nhạy cảm - như tên nước, trở lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay giữ nguyên; hiến định nền tảng liên minh giai cấp hay trở về với giá trị truyền thống là nền tảng đại đoàn kết dân tộc… thì vẫn còn vô vàn vấn đề quan trọng khác cần tiếp tục thảo luận.
Sát sườn nhất là quyền con người, quyền cơ bản của công dân. “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được”. Được tuyên ngôn ngót 80 năm trước, nhưng những quyền ấy đến nay vẫn chưa thực sự được bảo đảm. HP 1992 và cả dự thảo HP sửa đổi mới nhất chưa bảo đảm rằng các quyền ấy được bảo đảm thực hiện bằng luật và chỉ có thể bị hạn chế bởi luật.
Thảo luận về các quyền cơ bản, một lần nữa QH nhắc lại món nợ của mình với nhân dân. Ba nhiệm kỳ liên tục, các đại biểu dân cử đã đưa ra, rồi lại rút vào các dự luật về quyền biểu tình, quyền tiếp cận thông tin...
Các dự luật dở dang ấy cho thấy còn nhiều lúng túng, vướng mắc, ngại ngần trước quyền tự do của người dân. Vậy thì, hơn lúc nào hết, giờ đây QH trong thảo luận HP phải tìm được đồng thuận để phúc đáp lại đòi hỏi của nhân dân, đã thể hiện trong đợt lấy ý kiến HP vừa qua.
HP về bản chất là bản khế ước mà qua đó người dân ủy quyền cho các nhánh quyền lực nhà nước. So sánh dự thảo mới nhất với các dự thảo trước đó sẽ thấy đã có những điều chỉnh theo hướng tăng quyền cho nhánh lập pháp QH, và cho Chủ tịch nước với tư cách đứng đầu nhà nước, thay mặt nhà nước về đối nội, đối ngoại. Tuy nhiên, quyền lực nhánh hành pháp về cơ bản không có thay đổi nào.
Nếu coi Cương lĩnh của Đảng là cơ sở chính trị quan trọng định hướng cho lập hiến, thì yêu cầu kiểm soát quyền lực - nét mới nhất của Cương lĩnh 2011 cần được hiến định theo cách nào?
Giữ nguyên thẩm quyền của nhánh quyền lực này và tăng quyền cho nhánh quyền lực khác đã phải là cách tốt nhất để kiểm soát quyền lực? Hay nên chăng phân công rạch ròi hơn, mạnh mẽ hơn cho tất cả các nhánh quyền lực theo đúng các nguyên tắc phân quyền, để lập pháp - hành pháp - tư pháp thực sự độc lập với nhau, qua đó tương tác kiểm soát lẫn nhau?
QH ta với đặc thù thành phần gồm đại diện cả ba nhánh quyền lực nhà nước cần mạnh dạn tranh luận để xây dựng nên những mô hình, nguyên tắc tiên tiến cho vận hành quyền lực nhà nước. Quyền lực tập trung nơi dân và được ủy quyền rành mạch cho các nhánh cơ quan nhà nước, có thế quyền lực mới được kiểm soát, và được thực thi một cách có trách nhiệm.
Từ ngày lập nước đến nay 68 năm, nước ta trải qua bốn bản HP, và mỗi bản văn đều khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới. Nếu tính cả dự thảo đang được thảo luận, thì 21 năm mới có một lần HP được đưa ra thảo luận rộng rãi. Vậy nên, QH khóa XIII đang nhận trọng trách nặng nề, quyết định đường đi cho đất nước.
Dựa trên ý dân trong đợt tổ chức lấy ý kiến vừa qua, thảo luận rộng rãi, hình thành các phương án HP với lập luận chặt chẽ, chỉ có thế QH mới hoàn thành trọng trách lịch sử của mình. Một cơ hội lịch sử của đất nước, của dân tộc không thể bị bỏ lỡ.
Nghĩa Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét