Đối với Phật giáo, trong kinh điển và giới luật của người xuất gia lẫn tại gia, đức Phật dạy không nên uống rượu, vì cái hại lớn nhất của rượu là làm mất giống trí tuệ. Trí tuệ là điều kiện cần của đời sống an lạc hạnh phúc và là mục tiêu cứu cánh của sự nghiệp giác ngộ, giải thoát.
Nếu uống vừa phải, điều độ, rượu cũng có ích cho sức khỏe. Rượu còn có thể dùng làm thuốc trị bệnh, thuốc bổ, rượu giúp cơ thể dẫn thuốc rất tốt.
Tuy nhiên, ít người biết tiết độ trong ăn uống, biết kiềm chế mình trong những cuộc vui, từ đó mà chuốc lấy vô số tác hại từ việc uống rượu mang lại. Say xỉn nói càn nói bậy, ăn mặc lôi thôi, làm điều càn rỡ, phóng uế bừa bãi trên đường phố, lái xe không kiểm soát, bạ đâu ngủ đó, dáng vẻ trông thật khó coi trong mắt mọi người, mất hết văn hóa, lịch sự. Khi rượu vào thì lời ra, hành động lỗ mãng, gây bạo lực gia đình, bạo lực xã hội, làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, xã hội. Tác hại lâu dài của rượu là tác hại về sức khỏe, rượu gây ra nhiều bệnh cho hệ tiêu hóa, tim mạch, thần kinh và ảnh hưởng đến con cái sau này của người uống rượu.
Tuy rượu làm tăng thêm niềm vui và hương vị cuộc sống, nhưng so với tác hại của rượu thì lợi ích mang lại không nhiều, do đó mà các chuyên gia y tế, các nhà giáo dục, xã hội học khuyến cáo cần nên hạn chế uống rượu, tốt hơn nữa là không uống.
Đối với Phật giáo, trong kinh điển và giới luật của người xuất gia lẫn tại gia, đức Phật dạy không nên uống rượu, vì cái hại lớn nhất của rượu là làm mất giống trí tuệ. Trí tuệ là điều kiện cần của đời sống an lạc hạnh phúc, và là mục tiêu cứu cánh của sự nghiệp giác ngộ, giải thoát. Trong Sa di Luật nghi, giới không uống rượu viết: “Thà uống nước đồng nấu chảy, thận trọng không phạm vào rượu” (Ninh ẩm dương đồng, thận vô phạm tửu). Trong kinh Trung A hàm có nói: “Phàm người uống rượu có 6 điều lỗi: 1.Mất của, 2.Sinh bệnh, 3.Gây gổ, đánh nhau, 4.Mang tiếng xấu, 5.Khởi tâm sân, si, 6.Trí tuệ ngày càng lu mờ.
Trong kinh Phân Biệt Thiện Ác Sở Khởi, đức Phật chi tiết chỉ rõ nhiều tác hại do rượu mang lại cho cá nhân, gia đình và xã hội: “Với người thế gian ưa uống rượu say phạm 36 lỗi:
1.Người uống rượu say, con chẳng kính cha, tôi chẳng kính vua; vua tôi cha con không còn kẻ trên người dưới.
2.Nói năng phạm nhiều lầm lỗi.
3.Say rượu thường nói nhiều lời, nói lời không cân nhắc gây hiềm khích, mất lòng, mất đoàn kết.
4. Nói chuyện không giữ gìn ý tứ, không tế nhị, không biết kiềm chế, đem cả những việc riêng tư cần giấu kín của mình và người khác ra mà nói.
5. Say rượu thì mắng trời chửi đất, xúc phạm thánh hiền, chẳng biết kiêng cử.
6. Say rượu nằm giữa đường không thể về nhà, có cầm giữ vật gì thì quên mất.
7.Say rượu đi đứng không đàng hoàng, trông thật khó coi trong mắt người khác.
8. Say rượu không còn tỉnh táo dễ bị sa hầm sụp hố, hoặc ngủ bờ ngủ bụi bị nhiễm phong sương mà sinh bệnh, thậm chí chết đột ngột.
9. Say rượu dễ bị té xe, té ngựa mang thương tật, có khi đi bộ cũng té ngã.
10. Mua bán bị nhầm lẫn, dễ đụng chạm với mọi người.
11. Say sưa bỏ phế công việc làm ăn, chẳng lo sinh sống.
12. Tiêu hao tài sản của cải gia đình.
13. Bỏ bê cha mẹ, vợ con.
14. Chẳng biết tôn trọng ai, chẳng kể nền nếp gia đình, chẳng sợ pháp luật.
15. Say rượu cởi bỏ áo quần ngoài phố chợ, đánh mất tư cách, tác phong.
16. Say rươu đi bậy vào nhà người, lôi kéo vợ con người khác, nói năng bậy bạ.
17. Say rượu gây sự, đánh nhau với người khác, với chòm xóm láng giềng.
18. Say rượu la lối, quậy quạng làm kinh động hàng xóm.
19. Say rượu giết quấy gà heo.
20. Say rượu đập phá nhà cửa, đồ đạc.
21. Say rượu coi rẻ người nhà, không biết tôn trọng ai, nói năng hành xử ngang ngược.
22. Làm bạn với phường ác nhơn, thích tụ tập với kẻ xấu không có tư cách, đạo đức.
23. Xa bỏ bực hiền thiện.
24. Khi tỉnh rượu, thân thể như đau bệnh.
25. Say rượu ói mửa làm người khác gớm ghê, vợ con phải cực nhọc.
26. Say rượu không tỉnh táo gặp phải nguy hiểm cũng chẳng đề phòng, né tránh.
27. Say rượu rồi thì không còn kính kinh sách Thánh hiền, chẳng kính sa môn, đạo sĩ gì cả.
28. Say rượu dễ dẫn đến hành vi dâm loạn.
29. Lúc say rượu như người điên, ai thấy cũng tránh xa.
30. Say như người chết chẳng còn biết gì cả.
31. Bị nhiều chứng bệnh do rượu gây ra.
32. Thiên thần tránh xa không phù hộ.
33. Những bạn bè là hiền nhân, trí thức ngày càng xa dần.
34. Say sưa nghiện ngập chẳng những đánh mất tương lai sự nghiệp mà còn dễ sinh tâm trộm cướp vì cần tiền bạc để tiêu xài, hưởng thụ.
35. Sau khi chết bị đọa địa ngục khổ sở trăm bề, cầu sống chẳng yên mà cầu chết cũng không được.
36. Hết thời hạn ở địa ngục thì sinh làm người ngu si ám độn”.
Hạn chế bia rượu là việc cần thiết để giảm thiểu tình trạng bất ổn xã hội do hành vi của người say rượu gây ra, đồng thời giúp Nhà nước bớt được khoản ngân sách khá lớn hàng năm phải chi cho ngành y tế.
Riêng người Phật tử, cần kiên quyết bỏ rượu. Bởi rượu là nguyên nhân dẫn đến hậu quả lu mờ tâm trí (si mê), đánh mất lòng từ bi (do sân hận). Khi uống bia rượu vào, người Phật tử không còn sáng suốt, dễ bị kích động, mất bình tĩnh, không kiểm soát được hành vi, ngôn ngữ và dễ dàng phạm giới, tạo các nghiệp bất thiện.
Say rượu có thể dẫn đến phạm các giới sát (đánh đập, hành hung người, vật), dâm (tà dâm, dâm loạn với vợ người, với ruột thịt, họ hàng thân thuộc, với những phụ nữ không phải là vợ của mình), vọng ngữ (chửi bới, mắng nhiếc, nói lời hung ác, xúc phạm, làm tổn thương người khác), đánh mất tư cách đạo đức. Người Phật tử nghiện rượu sẽ không phát triển được những giá trị đạo đức và tâm linh, không thành tựu được trí tuệ đưa đến an lạc, giải thoát trong đời sống hiện tại cũng như tương lai.
Minh Hạnh Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét