Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Quan điểm ăn chay theo Phật giáo nguyên thủy

Những loại thịt nào không cố ý giết, không bảo người khác giết, cũng không thấy người khác giết mà tỏ ý đồng thuận vui theo, những loại thịt đó Tỷ kheo được thọ dụng. Có nghĩa là Tỷ kheo đi khất thực, được tín thí cúng dường bất cứ loại vật thực gì, ngay cả cá thịt… Tỷ kheo thọ nhận và ăn vật ấy.
Trong Phật giáo có hai trường phái lớn: Đại thừa và Tiểu thừa hay còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy hay Nam Tông, nếu chúng ta tìm hiểu vấn đề ăn chay qua hai trường phái này thì quả nhiên mỗi phái có quan niệm khác nhau. Theo Phật giáo Nam Tông, người xuất gia được phép thọ dụng các thức ăn thịt cá… do thí chủ cúng dường, gọi là "tam tịnh nhục", nhưng theo truyền thống Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc người xuất gia không được ăn mặn, cho dù những loại thịt đó là tam tịnh nhục. Lý do tại sao có sự dị biệt này, chúng ta cần làm sáng tỏ. Ở đây, trước tiên chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa ăn chay qua các kinh điển Phật giáo Nam Tông. Đề cập đến truyền thống ăn chay theo truyền thống Phật giáo Nam Tông được tìm thấy từ "Kinh Jivaka" (Jivakasuttam) số 55 trong “Kinh Trung Bộ” tập 2, với nội dung và ý nghĩa được mô tả như sau:
“Này Jivaka, những ai nói như sau: “Vì Sa môn Gotama, họ giết hại sinh vật. Sa môn Gotama biết thế mà vẫn thọ dụng các loại thịt được giết vì mình, được làm cho mình”, những người ấy không nói chính lời của ta, họ xuyên tạc ta, không như chân, như thật. Này Jivaka ta nói trong 3 trường hợp thịt không được thọ dụng: Thấy nghe và nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, Ta nói trong 3 trường hợp, thịt được thọ dụng: Không thấy, không nghe và không nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, ta nói trong 3 trường hợp này, thịt được thọ dụng”.
Ở đây, đức Thế Tôn phủ nhận lời xuyên tạc cho rằng, Ngài biết người khác vì mình mà giết hại sinh vật, nhưng Ngài vẫn thọ dụng các loại thịt ấy. Mặt trái của lời phủ nhận này, lại xác định Thế Tôn là người thọ dụng các loại thịt được cúng dường, nhưng Ngài hoàn toàn không hay biết gì về sự giết hại đó. Thật ra đức Phật còn tại thế và Tăng đoàn đều ăn chay theo nguyên tắc này. Ai cúng thức ăn gì, Ngài thọ dụng thức ăn ấy, không đòi hỏi, tuyệt đối không khuyến khích người khác vì mình mà giết hại sinh vật, chính mình cũng không thấy người khác giết hại, hay thấy người giết mà đồng lòng. Qua đó, Ngài xác định có 3 loại thịt không được thọ dụng, và 3 loại thịt được thọ dụng. 3 loại thịt không được thọ dụng là thấy nghe và nghi. Thế nào gọi là thấy nghe và nghi? Có nghĩa là khi thấy người khác giết hại sinh vật mà không ngăn cản, lại thọ dụng loại thịt đó, như thế là vi phạm; khi nghe tiếng kêu la của các loài sinh vật bị giết, mà không tìm cách ngăn cản hành vi giết hại, lại ăn những loại thịt này, như thế là vi phạm; thứ 3 là hoài nghi người nào đó có ý định giết hại sinh vật, nhưng lại không tìm cách ngăn cản, thịt đó không được thọ dụng. Ngoài ra, còn một trường hợp nữa, thịt cũng không được thọ dụng là tự mình giết hại.
Ngược lại, thế nào là 3 loại thịt được thọ dụng? 3 loại thịt được thọ dụng là không thấy không nghe và không nghi. Không thấy có nghĩa là không thấy người khác giết hại sinh vật; không nghe là không nghe thấy tiếng kêu la của loài cầm thú bị giết; không nghi là không nghi ngờ ai đó giết hại sinh vật. Thịt được cúng dường trong những trường hợp này Tỷ kheo được thọ dụng, không phạm giới sát sinh. Nói cách khác, những loại thịt nào không cố ý giết, không bảo người khác giết, cũng không thấy người khác giết tỏ ý đồng thuận vui theo, những loại thịt đó Tỷ kheo được thọ dụng. Có nghĩa là Tỷ kheo đi khất thực, được tín thí cúng dường bất cứ loại vật thực gì, ngay cả cá thịt… Tỷ kheo thọ nhận và ăn vật ấy. Tỷ kheo không được quyền lựa chọn, không được bảo thí chủ nên cúng dường vật này, không nên cúng vật kia, thí chủ cúng gì ăn nấy, cúng dường thịt ăn thịt, cúng dường rau đậu thì ăn rau đậu, không được khen chê.
Khi đức Phật còn tại thế, Ngài và Tăng đoàn cũng sống theo hình thức khất thực này, sống bằng những vật thực do tín thí cúng dường, là các loại thức ăn của người dân sống hằng ngày, họ lấy ra một phần nhỏ trong phần ăn của mình để cúng dường Tăng sĩ, bao gồm những vị Tăng sĩ của những tôn giáo khác. Có thể nói, đây là bài kinh cơ bản để hình thành quan điểm ăn chay theo Phật giáo Nam Tông, cho đến ngày nay Phật giáo Nam Tông vẫn còn giữ hình thức ăn chay này. Khái niệm ăn chay ở đây mang ý nghĩa ‘sống bằng đời sống khất thực, không cố ý sát sinh’, nhưng nó không đồng nghĩa với cách ăn chay theo Phật giáo Đại thừa ở Trung Quốc, hay những nước Phật giáo chịu ảnh hưởng Phật giáo này.
Có người đặt nghi vấn: Theo tinh thần giới luật của Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông đều qui định: Tỷ kheo vi phạm giới sát sinh thì phạm giời Ba la di, là một trong 4 giới trọng của Phật giáo, thế thì tại sao là vị xuất gia lại ăn thịt sinh vật? Nếu bảo rằng, các loại thịt không thấy không nghe không nghi được thọ dụng, có nghĩa là những thịt cá làm sẵn được thọ dụng. Thế thì vấn đề được đặt ra là, nếu không có người mua thì làm gì có người bán? có nghĩa là vì có người ăn thịt cho nên có người sát sinh, người giết là trực tiếp sát sinh, người ăn là gián tiếp sát sinh, cả hai đồng phạm tội sát. Thế thì tại sao cho rằng, ăn thịt thuộc ‘tam tịnh nhục’ thì không phạm tội sát?
Dù sao đã thành nghi vấn thì người viết cũng xin được trình bày ý kiến riêng của mình. Điểm chung nhất giữa các luật, trong 4 tội Ba la di, tội thứ 3 là cấm Tỷ kheo không được "sát sinh". Nội dung và ý nghĩa của tội này qui định: “Nghiêm cấm Tỷ kheo không được cố ý sát hại sinh mạng cho dù dưới hình thức nào”. Với ý nghĩa này, Phật giáo Nam Tông ăn chay theo quan điểm "Tam tịnh nhục" tức không thấy không nghe và không nghi thì nó không trái với tinh thần giới luật, vì cố ý giết hại. Nếu cho rằng, "tam tịnh nhục" là loại thịt Tỷ kheo không trực tiếp giết, nhưng nó vẫn mang ý nghĩa Tỷ kheo gián tiếp giết hại, có nghĩa là Tỷ kheo ăn thịt là vi phạm tội sát sinh. Nếu như chúng ta chấp nhận cách lý giải này, điều đó đồng nghĩa cho rằng giới cấm "không sát sinh" của đức Phật là vô nghĩa, vì không ai sống trên cuộc đời này lại không sát sinh, ngay cả người xuất gia, hay người đã chứng quả. Vì còn là con người thì còn đi lại, còn có nhu cầu ăn uống, nấu nướng…còn ăn uống nấu nướng là còn sát sinh. Thế thì với tư cách là con người làm thế nào triệt để tuân giữ giới không sát sinh? Nếu như mọi người không ai tuân giữ được giới này, như vậy phải chăng giới luật nhà Phật là những giới điều vô nghĩa, không có giá trị gì với cuộc sống con người ? Nếu như Ngài từng tuyên bố rằng: “Giáo pháp của ta là thiết thực hiện tại”, có nghĩa là lời giảng dạy của Ngài có liên hệ, gần gũi với cuộc sống và ai cũng có thể làm được, thế thì tại sao có sự mâu thuẫn này? Theo tôi, sự mâu thuẫn này bắt nguồn từ sự nhận thức không đúng của chúng ta, không phải là giáo lý của Ngài. Để lý giải vấn đề này, theo tôi, bản chất cuộc sống của con người là như vậy, không thể tránh khỏi những sự sát hại vô tình, cho nên Ngài chỉ khuyên con người không nên cố ý giết hại sinh vật.. Đó là nguyên do tại sao Phật giáo đề cao vai trò ý nghiệp trong 3 nghiệp, lấy ý nghiệp làm tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức, thiện ác...
Tuviện.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét