Ngũ giới là 5 điều ngăn cấm và bổn phận người Phật tử phải nghiêm khắc hành trì. Tuy nhiên, trong đời thường không phải ai cũng hành trì tốt được cả 5 giới mà nhà Phật đã chế định.
Phóng viên (PV) đã gặp gỡ với Phật tử Tâm Liên Hoa (sinh viên năm thứ 3, trường ĐH.Công Nghiệp Hà Nội) về việc thực hiện Ngũ giới. Tại cuộc trò chuyện, Tâm Liên Hoa không ngần ngại chia sẻ với PV về giới thứ nhất: Không sát sinh, tức là tôn trọng sự sống của muôn loài.
“Khi mình quy y Tam Bảo tức là lúc phải thực hành Ngũ giới của nhà Phật. Tại thời điểm được nghe quý thầy giảng về giới thứ nhất thì mình ý thức được những khổ đau do sự sát sinh gây ra. Bởi vậy, mình đã xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người, mọi loài. Mặt khác để chánh sự giết chóc, sát hại sinh vật.
Đặc biệt không sát sinh sẽ làm cho tâm mình an lành, nhẹ nhõm. Ý thức được điều đó, mình đã phát nguyện ăn chay trường. Tuy nhiên, việc ăn chay trường của mình đã có chút vấn đề từ nhiều phía.
Quả thật, làm sao có thể thực tập được trọn vẹn Ngũ giới khi chúng ta đang là Phật tử tại gia? Chẳng hạn khi về quê, bố mẹ phát hiện ra con ăn chay thì lo lắng, thậm chí còn cấm đoán hoặc khi nhà có cỗ phải giết gà, vịt... và bố mẹ muốn mình làm việc này.
Hay trong các trường hợp bạn bè mời đi liên hoan, ăn uống họ thấy mình ăn chay nên có phần dị nghị. Trên thực tế còn rất nhiều những vấn đề khác nữa mà người Phật tử phải gặp khi hành trì Ngũ giới trong nhà Phật.
Với Tâm Liên Hoa, khi ở nhà trọ thì không sao nhưng mỗi khi về quê thì gặp nhiều khó khăn. Mới đầu bố mẹ không phát hiện ra rằng con ăn chay nhưng dần dần về sau thấy con mình thật lạ, không ăn chút thịt nào.
Cuối cùng, bố mẹ phát hiện con đi chùa nhiều mới thế, từ đó bố mẹ mắng và cấm đoán. Mình biết, bố mẹ chưa hiểu nên mới có những suy nghĩ như vậy nhưng khi bố mẹ hiểu ra thì sẽ ủng hộ việc ăn chay của mình.
Một thời gian dài về quê, mình cứ ăn chay và chịu nghe bố mẹ mắng. Không lần nào về quê là nước mắt con không chảy. Cứ như thế mối quan hệ giữa bố mẹ và mình trở lên xấu dần.
Thậm chí bố còn nói: “Cứ như thế sẽ cấm không cho đi học nữa mà cho ở nhà hoặc cho anh trai ở trên Hà Nội nhắc nhở và theo sát”.
Một thời gian sau, nhờ sự thực tập tốt trong quá trình tu học thấy tâm mình vững vàng hơn. Nhất là sau khóa tu “Cha mẹ có trong con” tại chùa Đình Quán (Hà Nội), mình cảm thấy thương và yêu bố mẹ rất nhiều.
Bố mẹ làm như vậy là mong những điều tốt đến với mình và vì lo lắng sức khỏe cho mình khi phải sống xa gia đình mà thôi. Khi quán chiếu được điều này, mình đã về quê nhiều hơn hoặc gọi điện hỏi thăm bố mẹ đều đặn, biết nói lời yêu thương với bố mẹ.
Mỗi lần về quê, mình không còn duy trì được sự phát nguyện ăn chay trường của mình như hồi mới quy y Tam Bảo. Trong bữa ăn mình vẫn phải dùng một ít thức ăn mặn song chỉ là để bố mẹ an lòng và hoan hỷ. Khi nhà có cỗ phải giết con này con kia, mình đều “lẩm bẩm” và cầu nguyện cho con vật đó “hóa kiếp này thành kiếp khác”.
Bây giờ, quan niệm về ăn chay trường của mình có chút thay đổi so với thời gian đầu mới quy y. Quan trọng nhất vẫn là sự thực tập của mình như thế nào còn việc ăn chay trường thì tùy duyên. Mình ăn chay trong tâm là được rồi hoặc ăn theo kiểu Tam tịnh nhục (không thấy, không nghe và không nghi - PV).
Hiện tại, mình cảm thấy rất an trú và thoải mái khi hành trì Ngũ giới nói chung và giới thứ nhất nói riêng. Chúng ta không ai là hoàn hảo và tất cả cũng chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. Việc thực tập và hành trì năm giới cũng vậy. Chúng ta làm sao cảm thấy an lạc, hạnh phúc là một điều rất là tốt rồi.
Bùi Hiền (ghi lại)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét