Sau khi nêu rõ ràng các dục, khi thọ dụng, đem lại thích thú, và khi chín mùi đem lại khổ não, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo có tâm luyến ái chứng được quả Dự lưu, một số chứng quả Nhất lai, một số chứng quả Bất lai, một số chứng quả A-la-hán.
PHẨM APAYIMHA81. CHUYỆN UỐNG RƯỢU (Tiền thân Suràpàna)
Chúng con đã uống rượu...,
Câu chuyện này, khi bậc Ðạo Sư ở tại vườn Ghosita gần Kosambi, đã kể về Trưởng lão Sàgata.
Sau khi an cư mùa mưa ở Xá-vệ, đức Thế Tôn đi bộ đến một thị trấn tên là Bhaddavatikà. Tại đây, các người chăn bò, chăn dê, làm ruộng, người đi đường thấy bậc Ðạo Sư liền đảnh lễ Ngài và ngăn chận Ngài:
- Bạch Thế Tôn, chớ đi đến bến nước Amba (Cây xoài). Tại bến nước cây xoài, trong am thất của những ngoại đạo bện tóc, có con rắn thần (Nàga) nguy hiểm tên Ambatitthaka (rắn thần ở bến cây xoài). Nó có thể làm hại Thế Tôn.
Thế Tôn làm như không nghe lời nói của họ, dù họ nói lời can ngăn lần thứ ba, vẫn cứ đi tới. Trong khi Thế Tôn trú trong một khu rừng không xa Bhaddavatikà, thì Trưởng lão Sàgata, một thị giả của đức Phật, đầy đủ thần thông của hạng phàm phu, đi đến am thất ấy, tại trú xứ của xà vương ấy, trải niệm cỏ và ngồi kiết-già.
Không thể giấu nổi ác tánh, con rắn thần phun khói. Trưởng lão cũng phun khói. Con rắn thần phun lửa. Trưởng lão cũng phun lửa. Lửa con rắn thần không làm hại Trưởng lão nhưng lửa của Trưởng lão lại làm hại con rắn thần. Như vậy, trong giây lát, Trưởng lão nhiếp phục con rắn thần khiến nó thọ Tam quy và Ngũ giới, rồi đi đến bậc Ðạo Sư. Sau đó bậc Ðạo Sư ở tại Bhaddavatikà cho đến khi thỏa thích rồi đi đến Kosambi.
Tin Trưởng lão Sàgata nhiếp phục con rắn thần lan khắp vùng ấy. Các thị dân ở Kosambi đến nghênh đón bậc Ðạo Sư, đảnh lễ ngài, sau đó họ đi đến gần Trưởng lão Sàgata, đảnh lễ Trưởng lão, đứng một bên và nói như sau:
- Thưa Tôn giả, hãy nói lên những vật gì Tôn giả cần, chúng con sẽ lo liệu đủ.
Trưởng lão giữ im lặng. Nhưng nhóm Sáu Tỷ-kheo nói:
- Này chư Hiền, đối với các người xuất gia, rượu trắng khó tìm và rất thích ý. Các ông xem có thể tìm được rượu trắng trong cho Trưởng lão không?
Các vị thị dân bằng lòng, mời bậc Ðạo Sư ngày mai thọ trai. Rồi họ đi vào thành, sắp đặt mọi người, mỗi nhà phải có rượu trắng trong để cúng dường Trưởng lão.
Hôm sau, họ mời Trưởng lão vào cúng dường rượu trắng. Trong mỗi nhà, Trưởng lão đều uống rượu và bị say. Khi đi ra khỏi thành, Trưởng lão ngã xuống tại cửa thành, vừa nằm vừa nói mê sảng. Bậc Ðạo Sư dùng cơm xong, đi ra khỏi thành, thấy Trưởng lão nằm trong hoàn cảnh như vậy, liền bảo các Tỷ-kheo mang Sàgata về tịnh xá. Các Tỷ-kheo đặt Trưởng lão nằm, đầu Trưởng lão dưới chân đức Như Lai, nhưng Trưởng lão xoay trở lại nằm đặt chân trước mặt đức Như Lai. Bậc Ðạo Sư hỏi các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, nay Sàgata có tỏ sự kính trọng đối với Ta như trước kia đã làm không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Này các Tỷ-kheo, ai đã nhiếp phục con xà vương Ambatitthakà?
- Sàgata, bạch Thế Tôn.
- Nhưng nay Sàgata có thể nhiếp phục được một con rắn nước không?
- Thưa không được, bạch Thế Tôn.
- Này các Tỷ-kheo, có thích hợp chăng khi uống một loại gì khiến con người mất lý trí?
- Thưa không thích hợp, bạch Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn chỉ trích Trưởng lão và bảo các Tỷ-kheo:
- Ai uống rượu men rượu nấu, người ấy phạm tội cần phải thú nhận và xin sám hối.
Sau khi thiết lập học giới, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào Hương phòng. Các Tỷ kheo, hội họp tại Chánh pháp đường, nói lời chỉ trích uống rượu:
- Thật là một tội lỗi lớn nếu uống rượu, vì uống rượu làm cho một người có trí tuệ và thần thông như Sàgata mù quáng không thấy công đức của đức Phật.
Bậc Ðạo Sư đến Pháp đường và hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi tại đây đang bàn vấn đề gì?
Sau khi được biết vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay các vị xuất gia này mới uống rượu và mất lý trí, mà trước kia họ cũng đã làm vậy rồi. Nói xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Ngày xưa, khi vua Bramadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình phương bắc ở nước Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành, người xuất gia làm tiên nhân du sĩ, đạt được các Thắng trí và Thiền chứng, vui hưởng thiền lạc, trú ở dãy Hy-mã-lạp Sơn, được vây quanh giữa năm trăm môn sinh. Khi mùa mưa đến, các môn sinh thưa với Bồ-tát:
- Thưa Sư trưởng, chúng con sẽ đi đến chỗ có người ở để xin muối và giấm.
- Các Hiền giả, ta sẽ ở lại đây. Các con hãy đi, hãy bảo trọng lấy thân, và sống qua mùa mưa rồi trở về.
- Thưa Sư trưởng, vâng.
Họ đảnh lễ Sư trưởng, đi đến Ba-la-nại, và sống trong công viên của vua. Ngày kế tiếp, họ đi khất thực ngoài cửa làng, nhận đồ cúng dường đầy đủ, ngày kế tiếp nữa, họ trở về thành. Mọi người thương mến cúng dường đồ ăn và sau vài ngày họ báo cho vua biết:
- Thưa Thiên tử, có năm trăm ẩn sĩ từ Hy-mã-lạp Sơn đến trú ở công viên, tu hạnh khắc khổ, nhiếp phục các căn, và giữ giới.
Vua nghe công đức của các vị ấy, liền đi đến công viên, đảnh lễ, tiếp đón họ niềm nở, và mời họ ở lại đó trong bốn tháng mùa mưa. Từ đấy trở đi, họ ăn trong cung điện nhà vua và ở tại công viên. Một hôm có một ngày hội lớn uống rượu trong thành. Nhà vua nghĩ rằng, các vị xuất gia khó có được rượu, nên cúng dường họ nhiều rượu thượng hạng. Các nhà khổ hạnh uống rượu, đi vô công viên, bị rượu làm cho say, một số người đứng dậy múa, một số người hát, một số sau khi múa và hát, vứt lung tung những thúng đựng gạo v.v... rồi nằm xuống ngủ. Khi hết say rượu, họ tỉnh dậy, nghe và thấy những hành động bất chánh của mình, họ khóc than:
- Chúng ta đã làm những hành động không xứng đáng với người xuất gia. Chúng ta sở dĩ làm điều ác như vậy vì chúng ta sống không có bậc sư trưởng của chúng ta.
Ngay lúc ấy, họ từ bỏ công viên, đi về Hy-mã-lạp Sơn. Sau khi dọn dẹp các vật cần dùng, họ đảnh lễ Sư trưởng và ngồi xuống, Sư trưởng hỏi:
- Này các con thân, các con có được an lạc không? Khi đi khất thực có mệt nhọc không? Các con có sống hòa hợp với nhau không?
- Thưa Sư trưởng, chúng con đã sống được an lạc. Nhưng chúng con đã uống rượu, lẽ ra, không được uống; rượu làm cho mất lý trí, không giữ được chánh niệm nên chúng con đã hát và đã múa. Họ báo rõ mọi sự việc rồi đọc bài kệ này:
Chúng con đã uống rượu,
Ðã hát, múa và khóc,
Uống rượu mất lý trí,
Ðâu được hóa thành vượn ?
Bồ-tát nói:
- Do vì không ở với vị Sư trưởng nên sự việc như vậy đã xảy ra.
Sau khi quở trách các vị tu khổ hạnh ấy, Bồ-tát khuyến giáo họ:
- Từ nay chớ làm như vậy nữa.
Rồi trọn đời tu tập Thiền định không gián đoạn, Bồ-tát được sanh lên cõi Phạm Thiên.
*
Sau khi thuyết pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân (Bắt đầu từ đây, sẽ không nói đến "Sau khi kết hợp") như sau:
- Lúc bấy giờ, hội chúng của vị ẩn sĩ là hội chúng đức Phật, vị Sư trưởng hội chúng là Ta vậy.
-ooOoo-
82. CHUYỆN NAM TỬ MITTAVINDA (Tiền thân Mittavinda)
Thế là vượt qua rồi...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo khó bảo. Câu chuyện của Tiền thân này xảy ra trong thời kỳ đức Phật Ca-diếp sẽ được nói đến trong Chương mười, Tiền thân Mahà-Mittavindaka, số 439.
*
Rồi Bồ-tát nói lên bài kệ này:
Thế là vượt qua rồi
Lâu đài bằng thủy tinh
Bằng bạc, bằng châu báu,
Khi ngươi đã đội vào
Chiếc mũ bằng đá cứng
Trọn đời ngươi không thoát.
Sau khi đọc bài kệ này, Bồ-tát đi lên trú xứ thiên giới của mình. Còn Mittavindaka, khi đã đội chiếc mũ ấy, phải chịu đựng đau khổ lớn, và khi các ác hành đã đoạn tận, nó mạng chung và đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, Mittavindaka là Tỷ-kheo khó bảo, và vua chư Thiên là Ta vậy.
-ooOoo-
83. CHUYỆN ÐIỀM XUI XẺO (Tiền thân Kàlakanni)
Bạn quen chính là người...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một người bạn của ông Cấp Cô Ðộc. Tương truyền người bạn ấy đã cùng ông Cấp Cô Ðộc chơi thân với nhau, đã đi học nghề cùng một thầy, người baïn ấy tên là Kàlakanni (Ðiềm xui xẻo). Thời gian qua, kẻ ấy trở thành nghèo đói, không thể sống được nên đã đi đến vị triệu phú. Vị Triệu phú khích lệ kẻ ấy, trả lương, giao kẻ ấy quản lý gia sản của mình. Kẻ ấy trở thành người làm công cho vị triệu phú và làm tất cả công việc. Trong thời gian đi đến với vị triệu phú, kẻ ấy thường nghe những câu:
- Hãy đứng lại, này Kàlakanni! (Ðồ xui xẻo!) Hãy ngồi xuống, này Kàlakanni! Hãy ăn đi, này Kàlakanni!
Một hôm, các bạn thân của vị triệu phú đi đến thăm nhà vị ấy và nói như sau:
- Này vị Ðại triệu phú, chớ để người này sống gần ông. Nghe những lời xui xẻo như: Hãy đứng lại này Kàlakanni; hãy ngồi xuống Kàlakanni; Hãy ăn, này Kàlakanni, thì quỷ Dạ-xoa cũng chạy trốn. Nó đâu có được ngang bằng với ông. Nó nghèo đói, một kẻ bần cùng. Sao ông có liên hệ với nó?
Ông Cấp Cô Ðộc nói:
- Không phải vậy! Cái tên chỉ để gọi một người. Bậc Hiền trí không đánh giá người bằng cái tên. Chớ nên xem là điềm lành, điềm xấu khi nghe tiếng gọi. Tôi không thể từ bỏ một người bạn đã cùng chơi thân với nhau chỉ vì một cái tên.
Vị triệu phú không chấp nhận lời khuyên của họ. Một hôm, vị triệu phú đi đến làng mà vị ấy làm thôn trưởng và để người bạn ấy giữ nhà. Bọn cướp biết vị triệu phú đã đi về làng, dự định đến cướp phá nhà triệu phú. Với nhiều loại vũ khí cầm tay, ban đêm, chúng vây quanh nhà.
Nhưng Kàlakanni đã nghi thế nào bọn cướp cũng đến, nên không ngủ, ngồi chờ chúng. Khi biết bọn cướp đã đến, kẻ ấy đánh thức mọi người dậy, bảo mọi người thổi tù và, người kia đánh trống, khiến cho toàn gian nhà đầy cả tiếng động như là một hội chợ lớn. Những tên cướp nói:
- Chúng ta nghe lầm là nhà không có người, sao vị Ðại triệu phú có mặt ở đây?
Chúng bỏ chạy và quăng tại chỗ các hòn đá, và vô số dụng cụ khác. Ngày hôm sau, người trong nhà thấy những cục đá quăng bỏ chỗ này chỗ kia, họ hoảng hốt lo sợ và tán thán người bạn ấy:
- Nếu hôm nay, không có một người tuần phòng ngôi nhà sáng suốt như vậy, thì bọn cướp đã bước vào nà tùy theo sở thích và đã ăn cướp lấy cả nhà rồi. Nhờ người bạn kiên trì này, vị triệu phú được lợi ích và hạnh phúc.
Khi người triệu phú trở về, họ báo cáo tất cả tin này cho ông biết, ông nói:
- Các chú muốn ta tẩn xuất một người bạn đã giữ nhà cửa của ta như vậy đó. Nếu ta nghe theo lời các chú tẩn xuất người này thì nay gia sản của ta không còn gì nữa. Chính cái tên không có giá trị gì. Chính cái tâm tốt mới có giá trị.
Nói vậy xong, người triệu phú tăng lương cho người bạn. Nghĩ rằng đây là một câu chuyện đáng kể, ông đi đến bậc Ðạo Sư và tường thuật đầy đủ từ đầu câu chuyện ấy. Bậc Ðạo Sư nói:
- Này gia chủ, không phải chỉ nay, Kàlakanni mới bảo vệ gia sản của bạn mình, lúc trước kẻ ấy cũng làm như vậy.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của vị triệu phú, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị triệu phú có danh tiếng lớn. Bạn của Bồ-tát là Kàlakanni (Ðiềm xui xẻo). Tất cả đều giống như câu chuyện hiện tại. Khi từ làng mình làm thôn trưởng trở về, Bồ-tát nghe câu chuyện ấy liền nói:
- Nếu ta nghe lời nói các chú, tẩn xuất người bạn như vậy, thì nay ta không còn gia sản gì hết.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ:
Bạn quen chính là người
Ði bảy bước giúp đỡ
Bạn thân mới là người
Ði đến mười hai bước
Thời gian tháng, nửa tháng,
Mới thật là bà con
Thời gian có dài hơn,
Mới thật là bằng ta
Sao ta lại có thể
Vì an lạc của ta,
Ðuổi Kà-la-kan-ni,
Người ta biết đã lâu?
*
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, Kàlakanni là Ànanda và vị triệu phú Ba-la-nại là Ta vậy.
-ooOoo-
84. CHUYỆN CỬA NGÕ HẠNH PHÚC (Tiền thân Atthassadvàra)
Hãy tìm cầu không bệnh...,
Câu chuyện này khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một người con trai tài giỏi vấn đề hạnh phúc tinh thần. Tại Xá-vệ một triệu phú giàu có, sanh một người con trai. Khi lên bảy tuổi, cậu con trai có trí tuệ và chăm lo hạnh phúc tinh thần.
Một hôm, cậu con trai đến hỏi cha về cửa ngõ đưa đến hạnh phúc tinh thần. Người cha không biết, nhưng vẫn suy nghĩ: "Ðây là một câu hỏi rất tế nhị. Ngoài đức Phật toàn tri, không một ai trên trời dưới đất có thể trả lời câu hỏi này". Rồi người cha dắt con trai, mang theo nhiều vòng hoa, hương liệu, dầu thơm đi đến Kỳ Viên. Ông cúng dường bậc Ðạo Sư, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đứa trẻ này có trí tuệ, thiện xảo về hạnh phúc tinh thần, hỏi con một câu hỏi về cửa ngõ đưa đến hạnh phúc tinh thần. Con không trả lời được câu hỏi ấy, nên con đã đến yết kiến Ngài. Lành thay nếu Thế Tôn trả lời câu hỏi ấy.
Bậc Ðạo Sư nói:
- Này cư sĩ, thuở trước ta đã được đứa trẻ này hỏi câu ấy, và Ta đã trả lời cho nó. Lúc bấy giờ, nó đã biết câu trả lời. Nhưng nay, nó không có nhớ được, vì đã đi qua nhiều đời kiếp.
Nói vậy xong, theo yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một triệu phú có rất nhiều tiền của. Con của Bồ-tát mới có bảy tuổi đã có trí tuệ và thiện xảo và hạnh phúc tinh thần. Một hôm, nó đi đến hỏi cha nó về cửa ngõ đưa đến hạnh phúc tinh thần:
- Thưa cha thân, thế nào là cửa ngõ đưa đến hạnh phúc tinh thần?
Người cha trả lời nó với bài kệ này:
Hãy tìm cầu không bệnh,
Là lợi đắc tối thượng.
Giữ giới, kính trưởng thượng,
Biết nghe học kinh điển.
Hãy tùy thuận Chánh pháp,
Thoát ly các chấp thủ,
Chính sáu cửa ngõ này
Ðưa đến chân hạnh phúc.
Như vậy, Bồ-tát trả lời câu hỏi về cửa ngõ đưa đến hạnh phúc tinh thần. Từ đấy trở đi, đứa trẻ sống đúng theo sáu pháp ấy. Còn Bồ-tát trọn đời làm các công đức như bố thí ... và đi theo nghiệp của mình khi mệnh chung.
*
Bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này xong, Ngài nhận diện Tiền thân:
- Ðứa con trai thời ấy là đứa con trai hiện tại và vị đại triệu phú là Ta vậy.
-ooOoo-
85. CHUYỆN CÂY CÓ TRÁI LẠ (Tiền thân Kimpakka)
Không biết hại tương lai...,
Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo có tâm luyến ái. Tương truyền có một thiện nam tử đặt lòng tin vào Giáo pháp Phật và xuất gia. Một hôm, trong khi đi khất thực ở Xá-vệ, thấy một thiếu nữ trang sức đẹp đẽ, Tỷ-kheo ấy khởi tâm luyến ái. Vị Sư trưởng và Giáo thọ sư đưa Tỷ-kheo ấy đến gặp Thế Tôn. Bậc Ðạo Sư hỏi:
- Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông bị luyến ái?
Khi được đáp có thật vậy, bậc Ðạo Sư nói:
- Này Tỷ-kheo, năm dục này khi được thọ dụng, thật là khả ái, nhưng thọ dụng nhiều tạo thành nghiệp và sẽ sanh vào địa ngục v.v... Cũng như ăn trái cây Kimpakka. Trái cây Kimpakka có sắc, có hương, có vị nhưng khi được ăn, nó phá vỡ nội tạng đưa đến mạng chung. Thuở trước, nhiều người không thấy sự tác hại của nó, đã tham đắm sắc, hương, vị, đã ăn trái ấy, và đi đến mạng chung.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là người lãnh đạo một đoàn lữ hành, đang đi với năm trăm cỗ xe từ đông sang tây. Bồ-tát đến đầu của khu rừng, họp các người tùy tùng lại và khuyên như sau:
- Tại ngôi rừng này, có những cây độc, các bạn chớ ăn trái cây trước đây chưa từng ăn mà không hỏi ta.
Khi họ đã vượt qua khu rừng, đến biên địa của rừng bên kia, họ thấy một cây Kimpakka (Cây có trái lạ), với cành cây cong xuống vì mang nặng trái. Về hình dáng, màu sắc, vị và hương, thân cây, cành cây, lá và trái cây ấy giống như cây xoài. Một số người lầm về màu sắc, hương vị của những trái cây ấy, tưởng chúng là những trái xoài, nên đã ăn những trái ấy. Một số người đứng lại, hái và đứng chờ, quyết định chỉ ăn sau khi hỏi vị lãnh đạo đoàn lữ hành.
Bồ-tát đến chỗ ấy, bảo quăng các trái cây đã hái. Những ai đã ăn, Bồ-tát làm cho họ nôn ra và cho uống thuốc. Một số người trong họ khỏi bệnh, nhưng những ai đã ăn trước tiên đều mệnh chung.
Sau đó Bồ-tát đã đi đến chỗ mình muốn, thâu hoạch lợi tức, rồi đi về trú xứ của mình. Trọn đời Bồ-tát làm các công đức như bố thí rồi đi theo nghiệp của mình khi mệnh chung.
*
Kể xong câu chuyên, bậc Ðạo Sư nói lên bài kệ này:
Không biết hại tương lai,
Ai thọ dụng các dục,
Quả chín, chúng khổ não,
Như ăn Kim-pak-ka.
Sau khi nêu rõ ràng các dục, khi thọ dụng, đem lại thích thú, và khi chín mùi đem lại khổ não, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo có tâm luyến ái chứng được quả Dự lưu, một số chứng quả Nhất lai, một số chứng quả Bất lai, một số chứng quả A-la-hán.
Pháp thoại kết thúc, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Hội chúng thời ấy là hội chúng đức Phật, và vị lãnh đạo đoàn lữ hành là Ta vậy.
-ooOoo-
86. CHUYỆN THỬ THÁCH GIỚI ÐỨC (Tiền thân Sìlavìmamsana)
Giới được xem chí thiện..,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Bà-la-môn thử thách giới đức. Vị này sống dựa vào vua Kosala, thọ Ba quy y, giữ Năm giới không sai phạm và thông suốt ba tập Vệ-đà. Vua nghĩ rằng đây là một người có giới đức và đối xử rất kính trọng. Vị Bà-la-môn ấy suy nghĩ: "Vua kính trọng ta hơn các vị Bà-la-môn khác, và đặt ta vào địa vị đạo sư tối thượng. Nhưng vua kính trọng ta là do thiện sanh, dòng họ, gia đình, quốc độ, nghề nghiệp thành đạt của ta, hay là do giới đức của ta? Ta hãy đem ra thử thách".
Một hôm, sau khi đi hầu vua, vị ấy trở về nhà, và không hỏi ai, đã lấy một đồng tiền vàng tại quầy của người giữ tiền. Người giữ tiền, vì kính trọng vị Bà-la-môn, ngồi yên không nói gì. Ngày kế tiếp, người ấy lấy hai đồng tiền vàng. Người giữ tiền vẫn chịu đựng như trước. Ngày thứ ba, người ấy lấy một nắm đồng tiền vàng. Người giữ tiền nói:
- Hôm nay là ngày thứ ba, ông đánh cắp tài sản của vua.
Rồi anh ta la lên ba lần:
- Ta đã bắt được tên ăn trộm tài sản của vua!
Người ta chạy từ nhiều phía đến và nói:
- Từ trước cho đến nay, ông giả bộ có đức hạnh !
Họ đánh người ấy hai ba đấm, trói lại và dắt đến trước vua. Lòng đầy buồn phiền, vua nói:
- Này Bà-la-môn, sao ông lại làm ác giới, ác hạnh như vậy? Hãy đem nó đi và xử tội theo lệnh ta.
Vị Bà-la-môn nói:
- Thưa Ðại vương, tôi không phải là người ăn trộm.
- Vậy sao ông lấy đồng tiền vàng ở quầy của người giữ gia sản của ta?
- Vì ngài đối xử với tôi rất mực cung kính, nên tôi làm như vậy để thử xem ngài hết sức kính trọng tôi vì thiện sanh... của tôi hay là vì giới đức. Nay tôi được biết một cách chắc chắn rằng, vì giới đức mà ngài đối xử với tôi rất kính trọng, chớ không phải do thiện sanh... Do đó tôi kết luận: Trong đời này, giới là tối thượng, giới là đệ nhất. Tôi cũng biết rằng tôi không thể nào thành tựu giới này một cách tốt đẹp, khi tôi còn sống trong nhà, thọ hưởng các dục lạc uế nhiễm. Hôm nay, tôi sẽ đi đến Kỳ Viên và sẽ xin xuất gia với bậc Ðạo Sư. Xin Ðại Vương cho phép tôi xuất gia.
Sau khi được vua chấp thuận, vị ấy đi đến Kỳ Viên. Các bạn bè thân quyến hội họp lại, không thể ngăn chặn lại vị ấy được, nên đi trở về. Vị ấy đi đến bậc Ðạo Sư, xin phép xuất gia. Sau khi được xuất gia và thọ đại giới, với sự tu hành không ngừng nghỉ, tăng trưởng Thiền quán, vị ấy chứng quả A-la-hán, rồi đi đến bậc Ðạo Sư và nói lên chánh trí của mình:
- Bạch Thế Tôn, con xuất gia đã được quả tối thượng này.
Lời tuyên bố về chánh trí của vị ấy được chúng Tỷ-kheo biết đến. Một hôm, tại Chánh pháp đường, các Tỷ-kheo ngồi họp, tán thán công đức của vị ấy như sau:
- Thưa các Hiền giả, vị này Bà-la-môn hầu cận của vua, muốn thử thách giới đức của mình, rồi từ giã nhà vua rồi xuất gia, cuối cùng chứng quả A-la-hán.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, nay các ông đang ngồi bàn luận câu chuyện gì?
Khi được nghe câu chuyện ấy, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay người Bà-la-môn này, sau khi thử thách giới đức của mình, đã xuất gia và đã đạt được những giải thoát cho mình. Thuở xưa các bậc Hiền trí, sau khi thách thức giới đức của mình, cũng đã xuất gia và đạt được giải thoát cho mình.
Nói xong bậc Ðạo Sư nói câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm một người Bà-la-môn chuyên lo tế tự, thiên về bố thí, hướng đến giới đức, giữ năm giới rất tinh tấn. Vua đối xử với Bà-la-môn ấy rất đặc biệt, kính trọng hơn các Bà-la-môn khác. Tất cả giống như câu chuyện trước. Sau khi bị trói và dắt đến nhà vua, giữa đường Bồ-tát gặp một số người dụ rắn đang trình diễn các trò chơi rắn. Họ nắm rắn ở đuôi, ở cổ và cuốn rắn quanh cổ họng. Thấy vậy, Bồ-tát nói:
- Này các bạn thân, con rắn hổ giữ giới, theo chánh hạnh, không có ác giới như ông. Vì ác giới và không chánh hạnh, ông thành kẻ trộm cướp, phá gia sản nhà vua, nay đã bị bắt và bị dẫn đi.
Bồ-tát suy nghĩ: "Ngay các con rắn, khi chúng không cắn, không làm hại cũng được gọi là có giới đức. Còn nói gì là loài người nữa? Giới trong đời này là tối thượng, không có gì cao hơn giới nữa". Rồi họ dắt Bồ-tát đến trước mặt nhà vua. Vua hỏi:
- Người này là ai vậy?
- Ðây là kẻ ăn trộm đã cướp phá gia sản của vua.
- Vậy hãy xử tội nó theo lệnh của nhà vua.
Bồ-tát thưa:
- Thưa Ðại Vương, tôi không phải là người ăn trộm.
- Vậy sao ngươi lại lấy những đồng tiền vàng? Tất cả được báo cáo giống cách thức ở trên. Bồ-tát nói:
- Do lý do này, tôi đi đến kết luận rằng: Trong đời này, giới là tối thượng, giới là đệ nhất. Con rắn hổ do không cắn, không làm hại, cũng được gọi là có giới đức. Giới là tối thượng, giới là tuyệt diệu. Tán thán giới như vậy, Bồ-tát nói lên bài kệ:
Giới được xem chí thiện
Giới vô thượng ở đời
Hãy xem con rắn độc
Có giới không làm hại.
Như vậy Bồ-tát với bài kệ này, thuyết pháp cho vua rồi đoạn trừ các dục, xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ, đi vào Hy-mã-lạp Sơn, chứng được năm Thắng trí và tám Thiền chứng, về sau được sanh lên cõi Phạm Thiên.
*
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Thời ấy, hội chúng của Vua là hội chúng đức Phật và vị Bà-la-môn tế tự là Ta vậy.
-ooOoo-
87. CHUYỆN ÐIỀM LÀNH DỮ (Tiền thân Mangala)
Ai thoát điềm lành dữ...,
Câu chuyện này khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư đã kể về một vị Bà-la-môn giỏi đoán tướng các loại vải. Truyền thuyết nói rằng, ở Vương Xá, một vị Bà-la-môn hết sức mê tín, không tin Ba ngôi báu, theo tà kiến nhưng rất giàu có tài sản lớn.
Một hôm, sau khi tắm xong, người Bà-la-môn báo đem cặp áo lại và được báo cho biết là áo bị con chuột cái cắn. Người ấy suy nghĩ: "Nếu cặp áo bị chuột cắn, trong nhà này sẽ có đại nạn xảy ra. Ðấy là một điềm xấu, giống như một lời nguyền rủa. Khi áo bị chuột cắn thì không thể cho con trai, con gái, nô tỳ hay các người làm công... được. Ai lấy cặp áo này, đại nạn sẽ đến với tất cả những người xung quanh. Ta hãy qiăng nó vào nghĩa địa, chỗ quăng xác chết (không thiêu, không chôn). Nhưng ta không thể giao cho những ngưới nô tỳ làm việc này được. Chúng có thể khởi lòng tham, lấy cặp áo và gặp nạn. Vậy ta hãy trao tận tay cho con trai ta đi vứt áo".
Người Bà-la-môn gọi con trai và nói rõ sự việc ấy:
- Này con thân, chớ lấy tay xúc phạm cặp áo này. Hãy lấy gậy mang cặp áo này, quăng nó vào nghĩa địa, rồi tắm cả đầu cho thật sạch và trở về.
Sáng sớm ngày hôm ấy, bậc Ðạo Sư nhìn xem ai có thể được Ngài hóa độ, thấy cha con ấy có căn duyên quả Dự lưu. Như người thợ săn thú, Ngài đi theo con đuờng thú đi và ngồi trước cửa nghĩa địa ấy, phóng ra hòa quang sáu sắc của đức Phật. Thanh niên Bà-la-môn vâng theo lời cha, mang cặp áo ấy trên đầu một cây gậy, như mang con rắn nhà và đi đến cửa nghĩa địa. Bậc Ðạo Sư nói:
- Này thanh niên Bà-la-môn làm gì vậy?
- Thưa Tôn giả Gotama, cặp áo này bị con chuột cái cắn, được xem như là lời nguyền rủa, được ví như nọc độc con rắn. Cha tôi sợ rằng nếu giao người khác quăng cặp áo ấy, lòng tham có thể khởi lên và lấy cặp áo, nên mới sai tôi làm việc này. Tôi cầm lấy cặp áo, hứa rằng tôi sẽ quăng và sẽ tắm cả đầu. Tôi đến đây vì việc ấy, thưa Tôn giả Gotama.
- Vậy ngươi hãy quăng đi.
Thanh niên Bà-la-môn liền quăng cặp áo ấy. Bậc Ðạo Sư nói:
- Cặp áo này thích hợp với chúng ta.
Rồi Bậc Ðạo Sư đến lượm áo ngay trước mặt chàng thanh nên. Nhưng chàng thanh niên ngăn chận bậc Ðạo Sư:
- Tôn giả Gotama chớ lấy, chớ lấy cặp áo giống như lời nguyền rủa này.
Bậc Ðạo Sư vẫn cứ lấy cặp áo có điềm xấu ấy và đi về hướng Trúc Lâm.
Chàng thanh niên ấy vội vàng đi thật mau về nhà thưa với cha:
- Thưa cha thân, cặp áo con quăng ở nghĩa địa, nhưng Sa-môn Gotama, dầu con đã ngăn cản, vẫn cứ lấy cặp áo vì cho là chúng thích hợp với Ngài và đã đi đến Trúc Lâm.
Vị Bà-la-môn suy nghĩ: "Cặp áo ấy là điềm xấu, giống như lời nguyền rủa. Nếu dùng nó, Sa-môn Gotama sẽ bị tai hại. Do vậy, chúng ta sẽ bị chỉ trích. Ta sẽ đem cho Sa-môn Gotama nhiều áo khác và bảo Ngài quăng cặp áo ấy đi".
Vị Ba-la-môn cho đem theo nhiều áo, cùng với con trai đi đến Trúc Lâm. Thấy bậc Ðạo Sư, vị ấy đến đứng một bên và thưa:
- Thưa Tôn giả Gotama, có thật chăng Tôn giả đã lấy một cặp áo đã bị vứt ở nghĩa địa?
- Thật vậy, này Bà-la-môn.
- Thưa Tôn giả Gotama, cặp áo ấy sẽ đem lại điềm xấu. Nếu Tôn giả sử dụng nó, Ngài sẽ bị tai hại và cả tinh xá cũng bị tai hại. Nếu Tôn giả không có áo mặc hay áo đắp, hãy lấy những áo này và vứt cặp áo kia đi.
Bậc Ðạo Sư nói với người Bà-la-môn:
- Này Bà-la-môn, chúng tôi là người xuất gia. Ðối với chúng tôi, các mảnh vải bị vứt tại các chỗ như nghĩa địa, giữa đường, trong đống rác, chỗ tắm rửa, vẫn còn có thể dùng được. Nhưng ông đã mê tín điềm lành, dữ ngày nay cũng như thuở trước.
Và theo lời yêu cầu của vị ấy, bậc Ðạo sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa tại nước Ma-kiệt-đà, ở thành Vương Xá, có vua Ma-kiệt-đà trị nước đúng pháp. Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn phương bắc. Ðến tuổi trưởng thành, ngài xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ, chứng được các Thắng trí và Thiền chứng, rồi đến sống ở Hy-mã-lạp Sơn.
Một thời, Bồ-tát rời khỏi Hy-mã-lạp Sơn, đi đến công viên của vua Vương Xá, trú tại đấy, đến ngày hôm sau Ngài đi vào thành để khất thực. Nhà vua thấy Bồ-tát, bảo gọi vào, mời ngồi trong cung điện, cúng dường đồ ăn và mời ở lại tại công viên. Bồ-tát ăn tại cung điện nhà vua và ở tại công viên.
Lúc bấy giờ, trong thành Vương Xá có người Bà-la-môn làm nghề đoán tướng vải mặc. Thấy cặp áo để trong rương bị chuột cắn, ông ta sợ điềm chẳng lành sẽ xảy ra nên sai con trai liền đem vứt vào nghĩa địa, Bồ-tát đã đi đến trước, ngồi tại cửa nghĩa địa, nhặt lấy cặp áo, và đi về công viên. Chàng thanh niên về báo tin cho người cha biết. Người cha suy nghĩ: "Vị tu khổ hạnh thân cận với vua sẽ bị tai nạn", ông liền đi đến gặp Bồ-tát và thưa:
- Thưa vị khổ hạnh, hãy quăng cặp áo mà ngài đã lượm được, nếu không ngài sẽ gặp tai nạn.
Bồ-tát nói:
- Ðối với chúng tôi, các tấm vải quăng ở nghĩa địa vẫn còn dùng được. Chúng tôi không mê tín về điềm lành dữ. Mê tín điềm lành dữ này không được các đức Phật, Ðộc Giác Phật và Bồ-tát tán thán. Do vậy, bậc hiền trí không mê tín điềm lành dữ.
Khi Bồ-tát thuyết pháp cho vị Bà-la-môn như vậy, vị ấy từ bỏ quan niệm sai lầm của mình và quy y với Bồ-tát. Còn Bồ-tát giữ thiền quán không gián đoạn, về sau được sanh lên cõi trời Phạm Thiên.
*
Sau khi kể câu chuyện quá khứ cho vị Bà-la-môn, bậc Ðạo Sư nói lên bài kệ này:
Ai thoát điềm lành dữ,
Thoát mộng và các tướng,
Vị ấy vượt qua được
Lỗi lầm do mê tín,
Hai ách được nhiếp phục,
Không còn phải tái sanh.
Như vậy, bậc Ðạo Sư thuyết pháp cho vị Bà-la-môn với bài kệ này, rồi giảng về các Sự thật. Cuối bài thuyết giảng, vị Bà-la-môn cùng với người con trai chứng quả Dự lưu. Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
Người cha và con trai hiện nay là cha và con trai trong thời quá khứ, còn vị tu khổ hạnh chính là Ta vậy.
-ooOoo-
88. CHUYỆN CON BÒ SÀRAMBHA (Tiền thân Sàrambha)
Hãy nói lời tốt lành ...,
Câu chuyện này, khi ở tại Xá-vệ, bậc Ðạo Sư đã kể về học giới liên hệ đến lời mắng chửi. Hai câu chuyện hiện tại và quá khứ giống như câu chuyện trong Tiền thân nandivisala (số 28) đã nói ở trên. Nhưng trong Tiền thân này, Bồ-tát là một con bò đực, tên là Sàbrambha, của một bà-la-môn trú ở Takkasilà, trong nước Gandhara.
*
Nói câu chuyện quá khứ xong, bậc Ðạo Sư là bậc Chánh Ðẳng Giác, đọc bài kệ này:
Hãy nói lời tốt lành,
Chớ nói lời độc ác,
Lành thay, lời tốt lành!
Lời ác sanh ưu não.
Như vậy, sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, vì Bà-la-môn là Ànanda, nữ Bà-la-môn là Uppalavannà, còn Sàrambha là Ta vậy.
-ooOoo-
89. CHUYỆN KẺ LỪA ÐẢO (Tiền thân Kuhaka)
Nghe lời của người nói...,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một kẻ lừa đảo. Các chi tiết của câu chuyện sẽ được kể trong Tiền thân Uddala (số 487).
*
Thuở xưa, khi vua Barhmadatta trị vì ở Bà-la-môn, gần một ngôi làng nhỏ, có một người tu khổ hạnh lừa đảo, thuộc ngoại đạo bện tóc. Một người điền chủ làm cho người ấy một cái chòi lá trong rừng để ở và nuôi sống kẻ ấy trong chòi với đồ ăn ngon lành. Người điền chủ tin người ngoại đạo bện tóc lừa đảo ấy là người có giới đức. Vì sợ ăn trộm, một hôm, người điền chủ đem đến chòi lá của người ngoại đạo ấy năm trăm đồng tiền vàng, chôn dưới đất và yêu cầu người ấy coi ngó dùm. Vị tu khổ hạnh nói:
- Thưa Hiền giả, đối với những người xuất gia, không nên nói lời như vậy. Chúng tôi không có lòng tham với gia sản của người khác.
- Lành thay, Tôn giả.
Người điền chủ, tin lời của kẻ ấy và ra đi. Kẻ ác khổ hạnh suy nghĩ: "Chừng ấy tiền đủ sống trọn đời người". Sau một vài ngày, kẻ ấy lấy số tiền, chôn tại một chỗ bên vệ đường, rồi trở về sống tại chòi lá. Ngày kế tiếp, kẻ ấy đi đến nhà người điền chủ sau khi ăn cơm và nói:
- Thưa Hiền giả, nhờ ngài, tôi đã sống đây một thời gian dài. Sống tại một chỗ quá lâu cũng như người sống chung đụng với loài người. Sống chung đụng là một cấu uế đối với những người xuất gia. Do vậy tôi sẽ ra đi.
Nói vậy xong, dầu được yêu cầu nhiều lần, kẻ ấy cũng không muốn trở lại. Người điền chủ nói:
- Sự việc là như vậy, thưa Tôn giả, Tôn giả hãy đi.
Người điền chủ tiễn kẻ ấy ra tận cửa làng rồi mới trở về. Người tu khổ hạnh, đi một lát, rồi suy nghĩ: "Ta nên lừa dối người điền chủ này". Nghĩ vậy, kẻ ấy cầm một ngọn cỏ giữa búi tóc và đi trở về. Người điền chủ hỏi:
- Sao Tôn giả trở về?
- Thưa Hiền giả, một ngọn cỏ từ mái nhà của Hiền giả đã mắc vào bện tóc của tôi. Người xuất gia không được lấy sự vật không cho. Vậy tôi trở về đem trả ngọn cỏ ấy.
Người điền chủ nói:
- Tôn giả hãy vứt ngọn cỏ rồi đi.
Và nghĩ: "Vị này không lấy gia sản của người khác dù chỉ một ngọn cỏ. Ôi, Tôn giả này thật tế nhị đối với ta". Người chủ điền sanh tịnh tín, đảnh lễ kẻ ấy, rồi từ biệt.
Lúc bấy giờ, vì mục đích buôn bán, Bồ-tát đi đến biên địa, và ở tại trú xứ ấy. Nghe lời người tu khổ hạnh nói. Bồ-tát suy nghĩ: "Chắc hẳn kẻ ác khổ hạnh này có lấy tiền bạc gì của người điền chủ này". Bồ-tát hỏi người điền chủ:
- Này bạn, bạn có giao cái gì cho người tu khổ hạnh này giữ không?
- Thưa bạn, tôi có giao cho vị ấy giữ năm trăm đồng tiền vàng.
- Vậy hãy tìm kiếm số tiền ấy.
Người điền chủ đi đến chòi lá, tìm không thấy số tiền, liền trở về hết sức nhanh báo cho Bồ-tát là tiền không còn nữa.
Bồ tát nói:
- Không có ai khác lấy tiền vàng của bạn ngoài tên khổ hạnh bện tóc lừa đảo. Chúng ta hãy đuổi theo bắt lấy nó.
Họ chạy đuổi theo, bắt được tên tu khổ hạnh lừa đảo, đánh nó và bảo nó đem trả tiền vàng. Thấy số tiền vàng đã được trả lại, Bồ-tát khinh bỉ nói với tên tu khổ hạnh:
- Ngươi thật không dính một ngọn cỏ, mà lại dính đến năm trăm đồng tiền vàng!
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ này:
Nghe lời của ngươi nói,
Lời nhẹ nhàng êm dịu,
Không dính đến ngọn cỏ,
Mà dính năm trăm vàng.
Rồi Bồ-tát nói thêm:
- Này kẻ bện tóc gian dối kia, chớ làm như vậy nữa.
Khuyên giáo, và khiển trách kẻ ấy xong, Bồ-tát sống làm các công đức đến lúc mạng chung, Bồ-tát đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Tỷ-kheo này mới lừa đảo mà trong quá khứ cũng đã lừa đảo rồi.
Rồi bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc ấy, người tu khổ hạnh lừa đảo là Tỷ-kheo lừa đảo này, còn người hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
90. CHUYỆN KẺ VONG ÂN (Tiền thân Akatannu)
Ai trước được làm lành...,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về ông Cấp Cô Ðộc. Tương truyền, một người triệu phú sống tại biên địa là một người bạn của ông Cấp Cô Ðộc, nhưng hai người chưa từng gặp nhau. Một hôm người bạn này chất đầy năm trăm cỗ xe với hàng hóa biên địa và bảo những người làm công:
- Các bạn hãy đi. Ðem hàng hóa này đến Xá-Vệ, bán trước mặt ông Cấp Cô Ðộc là người bạn của chúng tôi và đem về hàng hóa nhận được do đổi hàng.
Họ vâng lời dặn của vị triệu phú ấy đi đến Xá-Vệ gặp vị đại triệu phú, trao tặng phẩm và trình bày sự việc. Vị đại triệu phú tiếp đón họ niềm nở, cho họ chỗ ở và tiền tiêu, hỏi thăm người bạn có được an lạc không, rồi bán các hàng hóa, và giao cho họ hàng hóa trao đổi. Rồi họ đi về biên địa, báo cáo sự việc lên vị triệu phú.
Một thời gian khác ông Cấp Cô Ðộc, như lần trước cho đánh năm trăm cỗ xe đến biên địa. Những người của ông Cấp Cô Ðộc đến biên địa, đem theo tặng phẩm, đi đến gặp vị triệu phú sống ở biên địa. Ông này nói:
- Các người từ đâu đến?
- Chúng tôi từ Xá-Vệ đến, là những người hầu cận của ông Cấp Cô Ðộc, người bạn của ông.
- Cấp Cô Ðộc, người nào cũng có tên như vậy!
Rồi ông cười mỉa mai họ, nhận lấy quà tặng, và bảo họ đi mà không cho họ chỗ ở và tiền tiêu. Vì vậy họ tự bán các hàng hóa, mang các hàng hóa trao đổi, rồi đi về Xá-Vệ và báo cáo sự việc cho vị triệu phú.
Rồi người triệu phú ở biên địa, một lần nữa, như lần trước, cho đánh năm trăm cỗ xe đến Xá-Vệ. Các người thuộc hạ mang quà tặng đến gặp vị đại triệu phú. Thấy họ, người nhà ông Cấp Cô Ðộc liền thưa:
- Thưa ông chủ, chúng tôi sẽ lo cho họ chỗ ở, cơm ăn và tiền tiêu.
Nói xong, họ đưa các cỗ xe của những người ấy ra khỏi thành, bảo họ tháo xe tại một chỗ đã lựa chọn và nói:
- Các bạn hãy ở đây. Từ nhà chúng tôi, chúng tôi sẽ đưa đến cho các bạn cháo, cơm và tiền tiêu.
Nói xong họ đi, họp các người làm công lại, lúc nửa đêm vào canh giữa, họ đến cướp năm trăm cỗ xe, cướp sạch áo mặc, áo đắp, đánh đổi các con bò, tháo bánh xe ra khỏi các cỗ xe, đặt các cỗ xe xuống đất, lấy các bánh xe, rồi bỏ đi. Những người trú ở biên địa chỉ còn làm chủ một cái áo mặc, không còn gì cả, sợ hãi chạy mau đi trốn và trở về biên địa.
Những người nhà triệu phú báo cáo sự việc ấy lên vị triệu phú Cấp Cô Ðộc. Ðại triệu phú nghĩ: "Ðây là một câu chuyện quan trọng có thể trình bậc Ðạo Sư".
Ông Cấp Cô Ðộc đi đến bậc Ðạo Sư, tường thuật tỉ mỉ đầu đuôi câu chuyện. Bậc Ðạo Sư nói:
- Này gia chủ, không phải chỉ nay, kẻ ở biên địa ấy có hạnh như vậy. Trong quá khứ kẻ ấy cũng đã có hạnh như vậy rồi.
Nói xong, theo lời yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một người triệu phú có tài sản lớn ở Ba-la-nại. Một người triệu phú ở biên địa là một người bạn chưa bao giờ thấy mặt của Bồ-tát. (tất cả đều giống như câu chuyện hiện tại trên). Ðược những người của mình báo cáo:
- Ðây là việc chúng tôi làm hôm nay.
Bồ-tát nói:
- Do không biết báo đáp một công việc đã làm trước cho mình, nên về sau họ phải gặp sự việc như vậy.
Nói vậy xong, trước hội chúng tụ họp, Bồ-tát thuyết pháp với bài kệ này:
Ai trước được làm ơn,
Không biết đáp ứng lại,
Về sau, việc xảy đến,
Không tìm được người giúp.
Như vậy với bài kệ này, Bồ-tát thuyết pháp, và trọn đời làm các công đức như bố thí v.v... rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể lại pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Người ở biên địa thời ấy là người ở biên địa hiện nay, còn vị triệu phú Ba-la-nại là Ta vậy.
Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét