Tuy vậy nữ Bà-la-môn, vì lòng ham muốn quá lớn, một hôm, thấy con ngỗng trời vàng đến, bà kêu con ngỗng đến gần bà, với hai tay bắt giữ ngỗng và nhổ tất cả lông. Nhưng các lông của Bồ-tát có đặc điểm là nếu bị nhổ lên bằng sức mạnh ngoài ý muốn của mình, thì chúng trở thành như lông con cò thường...
131. CHUYỆN KẺ VONG ÂN (Tiền thân Asampadàna)
Nếu người này người kia ...
Câu chuyện này, khi ở tại Trúc Lâm, bậc Đạo sư kể về Đề-bà-đạt-đa. Lúc bấy giờ, các Tỳ kheo tại Chánh pháp đường, khởi lên câu chuyện :
- Thưa các Hiền giả, Đề-bà-đạt-đa không biết ơn, không biết công đức của Như Lai.
Bậc Đạo Sư đi đến và hỏi :
- Này các Tỷ kheo, nay các ông ngồi họp ở đây bàn vấn đề gì ?
Khi được nghe vấn đề ấy, bấc Đạo Sư nói :
- Này các Tỷ kheo, không phải chỉ nay Đề-bà-đạt-đa mới vô ơn. Trong quá khứ, kẻ ấy cũng đã vô ơn như vậy rồi.
Nói xong bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, trong nước Ma-kiệt-đà ở Vương Xá, khi một vị vua Ma-kiệt-đà đang trị vì, Bồ-tát là một vị triệu phú có gia sản trị giá tám trăm triệu, tên là Sankha. Tại Ba-la-nại, một triệu phú tên là Piliya cũng có gia sản trị giá tám trăm triệu. Hai vị ấy là bạn thân với nhau. Trong thời ấy, vì một lý do nào đó, triệu phú Piliya gặp đại nạn và tất cả gia sản đều bị mất sạch. Trở thành nghèo túng, không nơi nương tựa, Piliya đoán biết triệu phú Sankha là chỗ có thể nhờ cậy được liền đem vợ ra khỏi Ba-la-nại, đi bộ đến Vương Xá tận trú xứ của triệu phú Sankha. Khi triệu phú Sankha thấy Piliya, liền ra đón và nói:
- Ồ bạn thân của tôi đã đến.
- Và ông đối xử với bạn rất kính trọng. Sau khi để cho bạn ở vài ngày, một hôm ông hỏi:
- Này bạn, bạn đến có mục đích gì?
- Này bạn, đại nạn đã xảy đến cho tôi. Tất cả tài sản đều mất sạch. Hãy giúp đỡ tôi!
- Lành thay này bạn, chớ sợ hãi.
Sankha mở kho bạc, cho bạn bốn trăm triệu đồng tiền vàng, rồi chia tất cả gia sản còn lại của mình, kể cả vật nổi, vật chìm, động sản, bất động sản, thành hai phần và cho bạn một nửa. Piliya đem tài sản ấy đi về Ba-la-nại và sống tại đấy.
Sau một thời gian, một tai nạn tương tự đến với triệu phú Sankha. Ông tìm chỗ để nương tựa và suy nghĩ: "Ta đã giúp đỡ rất nhiều cho bạn ta. Ta cho bạn nửa gia sản. Thấy ta, bạn sẽ không từ chối. Ta hãy đi đến bạn của ta". Nghĩ vậy, hai vợ chồng ông đi đến Ba-la-nại, rồi Sankha nói với vợ:
- Này hiền thê, thật không thích hợp nếu bà đi bộ với tôi giữa đường xa thế này. Bà hãy đi đến sau. Tối nay tôi sẽ cho xe đến với một người tùy tùng để đưa bà vào thành cho đúng phép, hãy chờ tại đây.
Sau đó, Sankha để người vợ ở trong một nhà trọ, tự mình đi vào thành, đến nhà triệu phú và báo tin cho biết:
- Bạn của ngài tên là triệu phú Sankha đã từ Vương Xá đến.
Khi thấy Sankha, Piliya từ ghế đứng dậy, không đón mừng thân mật, chỉ hỏi:
- Bạn đến đây có mục đích gì?
- Tôi đến để thăm bạn.
- Hiện nay bạn ở đâu?
- Cho đến nay, tôi chưa có chỗ ở. Tôi để vợ tôi tại nhà trọ và đến đây.
- Ở đây, không có chỗ ở cho bạn. Hãy lấy một ít gạo, nấu tại một chỗ nào đó, ăn xong rồi đi. Ðừng để tôi thấy mặt bạn nữa.
Rồi ông sai một người nô lệ:
- Hãy cho bạn ta một lon gạo có nhiều trấu và gói vào một góc vải.
Người ta nghe rằng ngày trước đó nó đã có được gạo đỏ tốt chở đầy một ngàn cỗ xe và sau khi cho sàng gạo, đã chất đầy kho. Tên Piliya ngày trước đã được bạn cho bốn trăm triệu đồng tài sản và đi về không biết ơn, nay tên đại cướp chỉ cho bạn ân nhân một lon gạo nhiều trấu! Theo lệnh chủ, người nô lệ đong một lon gạo trấu trong một cái giỏ rồi đi đến Bồ-tát. Bồ-tát suy nghĩ: "Con người phi nhân nghĩa này, được ta cho bốn trăm triệu đồng, nay chỉ cho ta một lon gạo trấu, không biết ta có nên nhận hay không?". Rồi Bồ-tát suy nghĩ: "Người bạn ác vô ơn này đã phá vỡ tình bạn với ta, khi ta gặp nạn. Nếu ta không nhận lon gạo trấu quá ít, ta sẽ phá vỡ tình bạn. Kẻ mù loà ngu si không nhận vật cho ít ỏi, sẽ phá hoại tình bạn. Nhưng ta, nhờ chế ngự được cơn giận vì lon gạo trấu do nó cho, sẽ duy trì được tình bạn".
Do vậy Sankha cột vào vạt áo lon gạo được cho và từ lâu đài bước xuống đi đến nhà trọ. Vợ Sankha hỏi:
- Này ông, ông nhận được gì?
- Này hiền thê, triệu phú Piliya, bạn của chúng ta, đã cho một lon gạo trấu và đuổi chúng ta đi.
Bà vợ nói:
- Vì sao ông lại nhận ? Và nào có xứng đáng gì với bốn trăm triệu đồng tài sản?
Rồi bà vợ khóc, Bồ-tát nói:
- Này hiền thê, chớ khóc. Vì sợ phá vỡ tình bạn nên ta nhận để duy trì tình bạn. Sao bà lại sầu muộn?
Nói xong Bồ-tát đọc bài kệ này:
Nếu người này người kia
Không có cho chút gì.
Với kẻ ngu si, tình bạn
Ði đến chỗ tối đen
Do vậy ta vẫn nhận
Lượng được nửa phần trấu.
Ta không để tình bạn
Vì ta bị hủy diệt,
Ta muốn tình bạn này
Mãi mãi được trường cửu.
Tuy nghe nói vậy, bà vợ triệu phú vẫn khóc. Trong lúc ấy, một người nô lệ do triệu phú Sankha đã cho triệu phú Piliya, đi ngang qua cửa trọ, nghe tiếng khóc của bà triệu phú, liền đi vào nhà trọ. Thấy ông bà chủ của mình, anh ta đảnh lễ dưới chân họ, khóc than và hỏi:
- Thưa ông bà chủ, ông chủ đến đây có việc gì?
Triệu phú kể lại tất cả sự việc. Người nô lệ nói:
- Thưa ông bà chủ, hãy để sự việc như vậy. Chớ lo nghĩ.
Sau khi an ủi cả hai người, anh ta đưa họ về nhà mình dùng nước thơm để hai người tắm rửa, mời họ ăn cơm và tin cho các người nô lệ khác biết:
- Ông chủ bà chủ cũ của các bạn đã đến.
Và anh ta bảo họ đến thăm. Một vài ngày sau, anh ta họp toàn thể nô lệ cùng đi đến sân chầu vua, tạo ra tiếng vang lớn. Vua cho gọi họ vào và hỏi có việc gì. Họ trình lên vua hết tất cả sự việc. Vua nghe lời của họ xong, liền cho mời hai vợ chồng triệu phú đến và hỏi triệu phú Sankha:
- Có đúng sự thật chăng, này đại triệu phú, khanh đã cho triệu phú Piliya bốn trăm triệu đồng tiền vàng?
- Thưa Ðại vương, khi bạn tôi đi đến Vương Xá, và đặt lòng tin vào tôi, tôi không cho toàn thể tài sản của tôi, nhưng tôi chia tất cả động sản và bất động sản của tôi thành hai phần đồng đều và cho bạn tôi một nửa.
Vua hỏi triệu phú Piliya:
- Có đúng sự thật chăng?
Piliya trả lời:
- Thưa Ðại vương, đúng sự thật.
- Còn khi bạn của ngươi đến đặt lòng tin vào ngươi, ngươi có lòng cung kính tôn trọng bạn ngươi không?
Piliya im lặng.
- Có phải ngươi bảo đổ một lon gạo trấu vào một góc áo và cho bạn của ngươi chăng?
Nghe nói vậy Piliya vẫn giữ im lặng. Sau đó, nhà vua hỏi ý kiến các đình thần nên xử trí thế nào. Cuối cùng, khi quyết định xong, vua ra lệnh:
- Hãy đi lấy tất cả tài sản trong nhà của triệu phú Piliya giao cho triệu phú Sankha.
Bồ-tát thưa:
- Tâu Ðại vương, tôi không muốn gia sản của người khác, tôi chỉ xin nhận tài sản trước đây tôi đã cho.
Nhà vua giao gia sản theo yêu cầu của Bồ-tát. Sau khi nhận lại gia sản mình đã cho, Bồ-tát cùng với đoàn nô lệ vây quanh đi về Vương Xá, gầy dựng cơ nghiệp, và trọn đời làm các công đức như bố thí v.v..., rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, triệu phú Piliya là Ðề-bà-đạt-đa, còn triệu phú Sankha là Ta vậy.
-ooOoo-
132- CHUYỆN NGŨ DỤC LẠC (Tiền thân Pancagaru)
Nghe theo lời khuyên tốt ...,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về sự cám dỗ của các cô gái của Ma vương (Màra) tại cây bàng Ajapàla của Người chăn dê.
Bậc Ðạo Sư đọc bài kinh bắt đầu với những lời này:
Rực rỡ sáng, chúng đến,
Ái, bất lạc và tham,
Ngay tại đấy, Ðạo Sư
Thổi chúng bay tán loạn,
Chẳng khác bay tán loạn,
Chẳng khác gì bông rơi,
Tan tác trước gió thổi!
Sau khi Thế Tôn đọc xong bài kinh, các Tỷ-kheo họp tại Chánh pháp đường, bắt đầu câu chuyện:
- Thưa các Hiền giả, trong khi các con gái của Màra tự tạo ra hàng trăm thiên sắc đi đến với mục đích, cám dỗ, bậc Chánh đẳng giác vẫn không thèm mở mắt để nhìn. Ôi, Phật lực thật là vi diệu!
Bậc Ðạo Sư đi đến và hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi họp ở đây và bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, thật không có gì vi diệu nếu Ta không nhìn các con gái của Màra, khi Ta đã chứng được Toàn Giác và đoạn tận tất cả các lậu hoặc. Trong thời quá khứ, khi Ta đang tìm đạo Bồ-đề, khi đang còn các kiết sử, Ta đã cương quyết không nhìn các thiên sắc hóa hiện đến như vậy và do sự chế ngự ấy, Ta đã đạt được đại vương quốc.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là em trai út của một gia đình có một trăm anh em. Tất cả câu chuyện mạo hiểm của ngài cần được diễn tả đầy đủ ở đây cũng như ở Tiền thân Telapatta (số 96). Lúc bấy giờ dân chúng trú ở thành Takkasilà dâng vương quốc cho Bồ-tát đang ở nhà trọ ngoài thành. và sau khi ngài được làm lễ quán đảnh phong vương, dân chúng trang hoàng thành phố như thành phố chư Thiên và trang hoàng cung điện của vua như cung điện của Thiên chủ Indra (tức là Sakka hay Ðế Thích).
Khi ấy Bồ-tát vào thành, đi ngang qua hành lang lớn trong cung vua, ngự lên vương tọa làm bằng châu báu vi diệu, dưới một lọng trắng được giương cao, và ngồi xuống với vẻ đẹp siêu phàm của vị Thiên chủ.
Các đại thần, Bà-la-môn, gia chủ v.v... các hoàng tử trong vương tộc, tất cả đều trang sức lộng lẫy, đứng bao vây xung quanh. Trong khi ấy mười sáu ngàn vũ nữ, đẹp như các Thiên nữ, rất giỏi về đàn múa, hát, đầy đủ sắc đẹp tuyệt trần, biểu diễn các điệu múa, các bài hát và các loại đàn, cho đến khi toàn cung điện vang dội tiếng hát, tiếng đàn, giống như lòng đại dương vang dội tiếng sấm sét. Bồ-tát ngồi nhìn cảnh huy hoàng lộng lẫy của mình, và suy nghĩ: "Nếu ta nhìn thiên sắc huyễn hóa của các nữ Dạ-xoa ấy, thì ta đã mệnh chung rồi. Nhờ ta không nhìn chúng, nên mới có cảnh huy hoàng lộng lẫy này. Nhờ nghe theo lời khuyên của các vị Ðộc Giác Phật, nên ta mới đạt được kết quả này". Sau khi suy nghĩ như vậy, ngài nói lên lời cảm hứng với bài kệ:
Nghe theo lời khuyên tốt,
Kiên trì, không lay động,
Tiếp tục con đường,
Không có gì sợ hãi.
Ta không muốn đi vào
Chỗ cám dỗ Dạ-xoa,
Nên ta được an toàn,
Khỏi sự sợ hãi lớn.
Như vậy, bậc Ðại Sĩ thuyết pháp với bài kệ này, rồi ngài trị vì quốc độ đúng pháp, và trọn đời làm các công đức như bố thí v.v... cho đến khi mạng chung, ngài đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, Ta là hoàng tử đi đến Takkasilà và đạt được vương quốc.
-ooOoo-
133. CHUYỆN LỬA CHÁY (Tiền thân Ghatàsana)
Tại chỗ được an ổn ...,
Câu chuyện này, khi tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một vị Tỷ-kheo. Tỷ-kheo này lấy một đề tài thiền quán từ bậc Ðạo Sư, đi đến biên địa an cư mùa mưa tại một trú xứ trong rừng gần một ngôi làng nhỏ. Trong tháng đầu, khi đi vào làng khất thực, cái chòi lá bị cháy, bị mệt mỏi vì không có chỗ trú ẩn, Tỷ-kheo nói cho các vị hộ trì biết, họ đáp:
- Thưa Tôn giả, hãy yên tâm. Chúng tôi sẽ làm chòi lá lại cho Tôn giả.
Ban đầu họ đến nói vậy, nhưng ba tháng đã trôi qua, họ vẫn chưa làm. Vì không có trú xứ thích hợp, Tỷ-kheo ấy không đạt được kết quả đề tài thiền quán. Ngay cả một tia ánh sáng cũng không khởi lên cho vị ấy.
Khi an cư mùa mưa xong, vị ấy đi đến Kỳ Viên đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư tiếp đón Tỷ-kheo ấy thân mật và hỏi:
- Này Tỷ-kheo, đề tài thiền quán của ông có thích hợp không?
Tỷ-kheo ấy trình lên Thế Tôn biết về trú xứ của mình. Bậc Ðạo Sư nói:
- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, ngay các loài bàng sanh cũng đã biết được trú xứ của mình, khi thích hợp thì chúng sống, khi không thích hợp thì chúng từ bỏ trú xứ ấy đi đến chỗ khác trước khi trú xứ an lạc của chúng trở thành nguy hiểm. Và nếu loại bàng sanh cũng đã biết như vậy, vì sao ông lại không biết trú xứ thích hợp hay không thích hợp cho mình?
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh làm con chim. Khi đến tuổi trưởng thành, đạt được dung sắc tối thượng, làm vua các loài chim, ở lại trong rừng, sống với đàn chim tùy tùng, nương tựa một cây lớn. Cây ấy có nhiều lá sum suê, với các cành lá vươn ra trên một hồ nước, và nhiều con chim sống trên các cành cây làm cho phân rơi trong nước.
Bấy giờ có con rắn chúa tên Canada sống trong hồ nước ấy. Nó suy nghĩ: "Những con chim này làm rơi phân trong hồ nước của ta. Vậy ta hãy làm cho lửa từ trong nước cháy lên thiêu rụi cây và đuổi chúng đi". Trong cơn nóng giận, con rắn chúa đợi ban đêm trong khi tất cả đàn chim đang nằm ngủ. đầu tiên nó làm cho nước hồ sôi; kế đó làm cho khói bốc lên và phun cao hơn cây thốt nốt. Bồ-tát thấy lửa từ nước phun lên, liền gọi bầy chim:
- Này các bạn chim, nước thường hay dập tắt lửa. Nay chính nước đốt cháy. Chúng ta không thể ở đây được. Chúng ta sẽ đi tìm chỗ khác.
Nói xong, Bồ-tát đọc bài kệ:
Nơi chốn được an ổn,
Tại đấy, rắn nổi lên,
Chính ở giữa lòng nước,
Lửa từ đấy cháy lên,
Nay không nên trú ở
Tại cây mọc trên đất,
Hãy bay tản các phương,
Hồ này rất đáng sợ.
Sau đó, Bồ-tát đem các con chim nghe theo mình bay đi tìm chỗ khác. Còn những con chim không nghe lời Bồ-tát vẫn ở lại, đều bị thiêu cháy.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư giảng Bốn sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo chứng đắc quả A-la-hán và Ngài nhận diện tiền thân:
- Lúc bấy giờ mấy con chim nghe theo lời Bồ-tát là hội chúng của Ðức Phật, còn vua loài chim là Ta vậy.
-ooOoo-
134. CHUYỆN THIỀN QUÁN (Tiền thân Thànasodhana)
Những ai còn có tưởng ...,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về lời giải thích rộng rãi của vị Tướng quân Chánh pháp Xá-lợi-phất (Sariputta), tại cửa thành Sankassa liên hệ đến một vấn đề do bậc Ðại Sư thuyết giảng vắn tắt. Câu chuyện quá khứ được kể như sau:
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát mệnh chung ở trong rừng đã nói:
- Phi tưởng phi phi tưởng.
Các vị tu khổ hạnh không tin lời giải thích của vị đệ tử đầu tay về lời dạy của vị Ðạo Sư. Vì vậy Bồ-tát từ cõi trời Quang âm trở về, và đứng trên hư không đọc lên bài kệ này:
Những ai còn có tưởng,
Chúng cũng đi ác thú;
Những ai không có tưởng,
Chúng cũng đi ác thú,
Hãy từ bỏ cả hai,
Ðạt được lạc thiền chứng,
Không còn các uế nhiễm.
Như vậy Bồ-tát thuyết pháp, tán thán vị đệ tử của ngài và đi lên cõi Phạm Thiên. Khi ấy, các vị tu hành khổ hạnh còn lại đã tin vị đệ tử đầu tay.
*
Sau khi kể pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ vị đệ tử đầu tiên là Xá-lợi-phất, còn vị đại Phạm Thiên là Ta vậy.
-ooOoo-
135. CHUYỆN NGUYỆT QUANG (Tiền thân Candàbha)
Nguyệt quang và nhật quang ...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về lời giải thích một vấn đề của trưởng lão Xá-lợi-phất tại cửa thành Sankassa.
*
Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát vào lúc mệnh chung ở trong rừng, đã trả lời các câu hỏi của các đệ tử với các chữ: "ánh sáng của mặt trăng, ánh sáng của mặt trời", nói xong, ngài sanh lên Quang âm thiên.
Bấy giờ vị đệ tử đầu tay giải thích lời của bậc Ðạo Sư, các vị khổ hạnh không tin tưởng vị ấy. Cho nên sau đó, Bồ-tát từ Quang âm thiên xuất hiện xuống, đứng trên hư không và đọc lên bài kệ:
Nguyệt quang và nhật quang,
Ai tu với trí tuệ
Với thiền không tầm này,
Ðược sanh Quang âm thiên.
Như vậy, Bồ-tát dạy cho các vị tu khổ hạnh hiểu và tán thán đức hạnh của vị đệ tử đầu tay, rồi trở lại cõi Phạm Thiên.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, vị đệ tử đầu tay là Xá-lợi-phất, còn đại Phạm Thiên là Ta vậy.
-ooOoo-
136. CHUYỆN THIÊN NGA VÀNG (Tiền thân Suvannahamsa)
Ðược gì, hãy biết là đủ ...,
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Tỷ-kheo-ni Thhullanandà (Nandà Mập). Một nam cư sĩ ở Xá Vệ muốn cúng dường tỏi cho chúng Tỷ-kheo-ni bảo người giữ ruộng:
- Khi nào các Tỷ-kheo-ni đến, hãy cho mỗi Tỷ-kheo-ni hai hay ba nhánh tỏi.
Từ khi ấy trở đi, các Tỷ-kheo-ni thường đi đến nhà người ấy, hay ra đồng ruộng để lấy tỏi, Một hôm, vào một ngày lễ, trong nhà người ấy tỏi không còn nữa. Tỷ-kheo-ni Thullanandà đến nhà người ấy với một số tùy tùng và hỏi:
- Thưa ông có tỏi không?
- Thưa ni sư, tôi không có. Tỏi đem về đủ dùng hết rồi. Ni sư hãy đi ra ngoài đồng.
Nghe nói vậy, Thullanandà đi ra ngoài đồng, không chế ngự được lòng tham, đã mang tỏi về quá nhiều. Ngưòi giữ ruộng tức giận:
- Vì sao các Tỷ-kheo-ni không biết vừa đủ, đem tỏi đi quá nhiều vậy?
Nghe nói vậy, các Tỷ-kheo-ni thiểu dục cũng bực bội phiền muộn; và các Tỷ-kheo ở nhà nghe các Tỷ-kheo-ni ấy nói cũng bực bội và phiền muộn không kém. Sự phiền muộn của chư Ni được các Tỷ-kheo trình lên Thế Tôn rõ. Thế Tôn phê bình Tỷ-kheo-ni Thullanandà và nói:
- Này các Tỷ-kheo, một người có lòng dục lớn xử sự không thân ái, không làm vừa ý ngay cả mẹ sanh ra mình, không gây được lòng tin đối với những người chưa tin, không thể làm tăng trưởng lòng tin của những người đã có lòng tin; không tạo nên các lợi dưỡng chưa được tạo nên. Và đối với lợi dưỡng đã có rồi, cũng không thể duy trì được. Còn người ít dục có thể làm khởi lên lòng tin ở người chưa có lòng tin, có thể làm tăng trưởng lòng tin với những người đã có lòng tin, tạo nên các lợi dưỡng chưa được tạo nên, và đối với lợi dưỡng đã có rồi vẫn có thể duy trì được.
Với phương pháp ấy, bậc Ðạo Sư thuyết giáo thích hợp cho các Tỷ-kheo ấy và nói:
- Này các Tỷ-kheo không phải chỉ nay Thullanada mới có tham dục lớn, trong quá khứ Thullanandà cũng đã có lòng dục lớn như vậy rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi đến tuổi trưởng thành, họ cưới cho Bồ-tát một người vợ từ một gia đình ngang hàng. Với người vợ ấy, Bồ-tát có được ba con gái đều tên là Nandà. Khi Bồ-tát mệnh chung, vợ và các con gái phải đi đến ở với các gia đình khác.
Bồ-tát tái sanh làm con ngỗng trời vàng có trí nhớ được các đời trước. Khi con ngỗng trời vàng đến tuổi trưởng thành, thấy thân thể to lớn của mình, với lông vàng che thân, với sắc đẹp tuyệt trần, nó hướng tâm tìm hiểu: "Ta từ đâu mạng chung mà đến đây?"
Biết được mình từ loài người đến, Bồ-tát hiểu: "Nay nữ Bà-la-môn và các con gái ta ở đâu?". Ðược biết họ đang làm thuê cho người khác và sống một cách khó khăn, Bồ-tát suy nghĩ: "Trong các lông bằng vàng trên thân ta hiện nay, nếu ta cho họ một cái lông bằng vàng của ta, thì với lông vàng ấy, vợ và các con gái ta sẽ sống hạnh phúc". Vì vậy, Bồ-tát đi đến chỗ họ ở và đậu trên cây xà ngang chính. Nữ Bà-la-môn và các con gái thấy Bồ-tát, liền hỏi:
- Thưa ngài, ngài từ đâu đến?
Bồ-tát trả lời:
- Ta là cha các con. Ta mệnh chung được sanh làm con ngỗng trời vàng. Ta đến để thăm các con. Bắt đầu từ nay các con không còn phải làm thuê cho người khác và sống một cách khổ sở như vậy nữa. Ta sẽ cho các con mỗi lần một cái lông vàng của ta. Các con bán lông ấy và sống hạnh phúc.
Nói xong, Bồ-tát cho họ một cái lông vàng và bay đi. Từ đó với cách thức này, Bồ-tát tiếp tục đi đến và mỗi lần cho họ một cái lông vàng. Và các nữ Bà-la-môn được sống sung túc và hạnh phúc. Một hôm, nữ Bà-la-môn nói với các con gái:
- Này các con, tâm của loài súc sanh khó mà tin được. Một ngày nào đó, cha các con có thể không đến đây, vậy khi nào cha các con đến, chúng ta hãy nhổ tất cả lông vàng và lấy các lông ấy để dành.
Các cô gái không chịu, liền nói:
- Làm như vậy cha chúng con sẽ đau đớn.
Tuy vậy nữ Bà-la-môn, vì lòng ham muốn quá lớn, một hôm, thấy con ngỗng trời vàng đến, bà kêu con ngỗng đến gần bà, với hai tay bắt giữ ngỗng và nhổ tất cả lông. Nhưng các lông của Bồ-tát có đặc điểm là nếu bị nhổ lên bằng sức mạnh ngoài ý muốn của mình, thì chúng trở thành như lông con cò thường. Bấy giờ Bồ-tát xòe hai cánh ra, nhưng không có thể bay được. Nữ Bà-la-môn quăng Bồ-tát vào một cái thùng lớn và cho Bồ-tát ăn ở đấy. Theo thời gian, các lông của Bồ-tát được mọc lên, nhưng chúng toàn màu trắng. Với cánh được mọc lại, Bồ-tát về chỗ ở của mình, và không bao giờ trở lại nữa.
*
Sau khi kể câu chuyện quá khứ này, bậc Ðạo Sư lại nói:
- Này các Tỷ-kheo, Thullanandà không phải nay mới có ham muốn lớn. Thuở trước nàng cũng có ham muốn lớn rồi. Lòng ham muốn lớn của nàng lúc ấy làm cho nàng mất vàng, cũng như lòng ham muốn lớn của nàng hôm nay làm cho nàng mất tỏi. Cũng như Thullanandà, chính vì nàng, chúng Tỷ-kheo còn lại không được tỏi. Do vậy, nếu được nhiều, phải biết lượng vừa đủ; nếu được ít, phải bằng lòng với đồ nhận được. Chớ mong mỏi nhiều hơn.
Rồi bậc Ðạo Sư đọc bài kệ:
Ðược gì, hãy biết đủ,
Quá tham là ác pháp,
Do bắt chúa ngỗng trời,
Bao nhiêu vàng tiêu hết.
Nói xong, bậc Ðạo Sư dùng nhiều phương tiện chỉ trích rồi đặt ra học giới: "Tỷ-kheo-ni nào ăn tỏi, phải bị tội đọa địa ngục".
Nói xong pháp thoại, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, nữ Bà-la-môn là Thullanandà, ba người con gái ấy là ba chị em của nàng, và con ngỗng trời vàng là Ta vậy. (Câu chuyện này được nói đến trong Luật tạng, tập IV).
-ooOoo-
137. CHUYỆN CON MÈO (Tiền thân Babbu)
Tại chỗ, cho một mèo...,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một học giới liên hệ đến mẹ của Kànà. Ở Xá-vệ có một nữ cư sĩ, được biết qua người con gái, tên là Kànàmata (mẹ của Kànà). Nữ cư sĩ này đã chứng quả Dự lưu, một Thánh đệ tử. Bà gả con gái cho một người đàn ông đồng giai cấp thọ sanh tại một ngôi làng khác. Vì một vài công việc, Kànà đi đến nhà mẹ. Chồng của Kànà, sau một vài ngày, sai một người đưa tin rằng chàng muốn Kànà hãy về. Kànà nghe lời đưa tin, hỏi mẹ:
- Thưa mẹ, con có nên đi về ngay không?
Bà mẹ nói:
- Con ở đây lâu như vậy, sao con có thể về tay không?
Rồi bà mẹ bắt đầu làm bánh. Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo khất thực đi đến nhà nữ cư sĩ ấy. Bà mời vị ấy ngồi, và cúng dường bánh đầy bát. Vị ấy ra đi, lại nói với một người khác đến khất thực, và bà mẹ cũng cúng dường người ấy như vậy. Vị ấy ra đi lại nói với một người khác nữa, và bà mẹ cúng dường, cho đến bốn người cùng được cúng dường như vậy. Vì vậy, bánh được làm ra đều hết sạch. Và Kànà gửi người đưa tin thứ hai, rồi thứ ba. Ðến lần gửi người đưa tin thứ ba, người chồng nhắn: Nếu nàng không về, ta sẽ lấy vợ khác.
Lần thứ ba cũng vì lý do ấy, Kànà không đi về được. Chồng Kànà lấy một người vợ khác. Kànà nghe tin ấy liền đứng khóc.
Bậc Ðạo Sư biết được nguyên do, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến nhà mẹ của Kànà, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn và hỏi mẹ của Kànà:
- Vì sao, Kànà này lại khóc?
Khi được nghe nói lý do, bậc Ðạo Sư an ủi mẹ của Kànà, thuyết pháp thoại xong, từ chỗ đứng dậy và đi về tinh xá. Câu chuyện bốn Tỷ-kheo, ba lần nhận lấy bánh ở nhà mẹ Kànà vô tình ngăn chận việc Kànà đi về, được chúng Tỷ-kheo biết đến. Một hôm, các Tỷ-kheo, họp tại Chánh pháp đường, bắt đầu nói chuyện:
- Này các Hiền giả, bốn Tỷ-kheo trong ba lần ăn bánh do mẹ của Kànà nấu đã làm trở ngại việc Kànà đi về, do nguyên nhân ấy, người con gái bị chồng ruồng bỏ, khiến cho đại nữ cư sĩ sầu muộn.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp tại đây đang bàn vấn đề gì?
Khi được nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay bốn Tỷ-kheo mới ăn tài vật của mẹ Kànà, khiến bà ấy sinh sầu muộn. Thuở trước, họ cũng đã làm như vậy rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một người thợ đẽo đá và khi đến tuổi trưởng thành, trở thành tinh xảo trong nghề. Trong nước Kàsi, tại một thị trấn, có một nhà triệu phú rất giàu. Số tiền cất giữ lên đến bốn trăm triệu đồng tiền vàng. Vợ vị triệu phú mệnh chung, và vì quá luyến ái tài sản nên tái sanh làm con chuột sống trên đống tài sản. Như vậy, dần dần tất cả gia đình đi đến hủy diệt. Người chồng cũng chết. Ngôi làng trở thành hoang phế và vắng người.
Lúc ấy Bồ-tát đang đào và đẽo dá tại ngôi làng cũ. Rồi con chuột ấy đi tìm đồ ăn, thấy Bồ-tát nhiều lần, khởi lên tâm luyến ái, nghĩ như sau: "Tài sản lớn của ta vô cớ bị hủy diệt. Ta sẽ ăn tiêu tài sản cùng chung với người nầy!". Nghĩ vậy, một hôm nó ngậm trong miệng một đồng tiền vàng và đi đến Bồ-tát, Bồ-tát thấy nó, liền nói lên lời thân ái:
- Này bạn, có gì khiến bạn đến đây với đồng tiền vàng?
- Này ông chủ, tiền này để ông chủ tiêu dùng cho mình và đem thịt cho ta.
Bồ-tát chấp nhận nói:
- Tốt lắm!
Rối lấy đồng tiền vàng đi về nhà, dùng một nửa mua thịt và đem đến cho con chuột. Con chuột lấy thịt đem về hang của mình và ăn thật thỏa thích. Từ đấy trở đi, với cách thức này, hằng ngày nó đem đến cho Bồ-tát một đồng tiền vàng, và Bồ-tát lại cung cấp thịt cho nó. Một hôm con chuột bị một con mèo bắt được. Nó nói:
- Này bạn, chớ giết ta.
- Vì sao? Ta nay đang đói muốn ăn thịt. Ta không thể không giết mầy được.
- Trước hết hãy nói cho ta biết ngày nào bạn cũng đói hay chỉ đói hôm nay thôi.
- Ồ ngày nào ta cũng đói cả.
- Vậy nếu bạn muốn ăn thịt hằng ngày, xin hãy thả ta ra.
Con mèo nói:
- Mầy nhớ đấy.
Và nó thả con chuột ra. Từ đấy trở đi, con chuột chia thành hai phần thịt, một phần cho nó, một phần cho con mèo. Một ngày kia, nó bị một con mèo khác bắt, nó cũng hứa tương tự và được thả ra. Từ đấy trở đi chúng chia thịt thành bốn phần, và chúng ăn. Rồi một con mèo khác bắt nó, nó cũng hứa tương tự và được thả ra. Giữ lời hứa, chúng chia thịt thành năm phần và ăn. Con chuột, vì ăn ít, bị mệt mỏi và trở thành ốm yếu, gầy còm. Bồ-tát thấy con chuột như vậy, bèn hỏi: - Này bạn, sao bạn ốm yếu thế?
Khi được biết lý do, Bồ-tát nói:
- Lâu nay sao bạn không nói với tôi? Ở đây, tôi sẽ biết việc gì nên làm.
Bồ-tát an ủi con chuột, rồi làm một cái hang bằng đá pha lê trong suốt, đem đến và nói với con chuột:
- Này bạn, hãy vào trong hang này mà nằm. Với những ai đến đấy, hãy dọa nạt chúng với những lời thật là ác độc.
Con chuột vào trong hang nằm. Rồi một con mèo đến và nói:
- Hãy đem thịt cho ta.
Con chuột nói với nó:
- Ôi con mèo độc ác kia, sao ta lại đem thịt cho mầy? Hãy về ăn thịt các con mèo con của mầy đi!
Con mèo không biết con chuột nằm trong hang bằng pha lê, quá tức giận, liền dùng sức mạnh nhảy đến để bắt con chuột, quả tim nó đập mạnh vào cái hang bằng pha lê, bị vỡ khiến hai con mắt lồi ra. Như vậy, con mèo chết và rơi xuống tại một chỗ kín. Cũng với cách thức ấy, bốn con mèo đều chết.
Từ đấy trở đi, con chuột không còn sợ hãi nữa và hằng ngày đem cho Bồ-tát hai ba đồng tiền vàng. Như vậy dần dần nó cho Bồ-tát tất cả tài sản. Cả hai sống với nhau cho đến trọn đời với tình thân ái không chia rẽ, rồi khi mạng chung đi theo nghiệp của mình.
Khi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ này xong, với danh nghĩa bậc Chánh Ðẳng Giác, Ngài nói lên bài kệ:
Tại chỗ cho một mèo,
Mèo thứ hai hiện ra,
Rồi mèo thứ ba, bốn,
Tất cả con mèo chết,
Vì chạm hang gương này.
*
Sau khi bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, bốn con mèo là bốn Tỷ-kheo ấy, con chuột là mẹ của Kànà, và người thợ đẽo đá là Ta vậy.
-ooOoo-
138. CHUYỆN CON CẮC KÈ (Tiền thân Godha)
Kẻ ngu có ích gì...,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ viên, bậc Ðạo Sư kể về một người lừa đảo. Các chi tiết câu chuyện cũng giống như Tiền thân Bilàra số 128.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con cắc kè. Lúc bấy giờ một vị tu khổ hạnh chứng được năm Thắng trí, sống trong một chòi lá tại một khu rừng, gần một ngôi làng ở biên địa. Những người làng hầu hạ vị tu khổ hạnh rất kính trọng vị ấy. Bồ-tát sống trong một gò mối tại cuối con đường đi kinh hành của vị tu hành. Sống tại đây, Bồ-tát hằng ngày hai ba lần đi đến vị tu khổ hạnh, nghe những lời liên hệ đến pháp, liên hệ đến nghĩa, và đảnh lễ vị tu khổ hạnh rồi đi về trú xứ của mình.
Sau một thời gian, vị tu khổ hạnh ấy báo tin cho những người trong làng biết mình sẽ ra đi. Khi vị tu khổ hạnh có giới đức này ra đi, một vị tu khổ hạnh giả dối đến ở tại am thất ấy. Bồ-tát suy nghĩ: "Ðây là vị có giới hạnh" và cũng đi đến vị ấy với cách thức như trước. Một hôm, trong mùa nắng hạn, một cơn dông trái mùa khởi lên, những con kiến mối từ những gò mối bò ra; và các con cắc kè cũng bò ra để ăn chúng. Những người trong làng đi ra bắt nhiều con cắc kè, nấu chúng, xào trộn chua ngọt rồi cúng dường cho vị tu khổ hạnh. Vị tu khổ hạnh ăn thịt cắc kè, tham đắm vị ngon, liền hỏi:
- Món thịt thật là ngon ngọt, đó là thịt gì vậy?
Khi được trả lời là thịt cắc kè, vị ấy suy nghĩ: "Có con cắc kè lớn thường đến với ta. Ta sẽ giết nó để ăn thịt". Nghĩ vậy vị ấy đem lại son chảo để nấu, bơ chín, muối... các món gia vị, để chúng một bên, cầm một cái vồ lấy áo che lại, rồi ngồi tại cửa chòi lá để chờ Bồ-tát đến với một dáng điệu hết sức an tịnh.
Bồ-tát đi ra, suy nghĩ: "Vào buổi chiều, ta sẽ đi đến vị tu khổ hạnh". Khi đang đi đến, Bồ-tát thấy sắc diện của người tu khổ hạnh này đổi khác, liền suy nghĩ: "Người tu khổ hạnh này ngồi với dáng điệu khác với ngày trước. Hôm nay, vị ấy đang nhìn ta với cặp mắt như muốn nuốt sống ta và suy nghĩ: ta sẽ bắt nó".
Con cắc kè là hiện thân của Bồ-tát, vì đứng trong gió dưới vị tu khổ hạnh, ngửi được mùi thịt cắc kè, suy nghĩ: "Người tu khổ hạnh dối trá này hôm qua đã được ăn thịt cắc kè, bị trói buộc bởi lòng tham vị, hôm nay nó chờ ta đến gần để lấy vồ đánh ta, nấu và ăn ta". Nghĩ vậy, Bồ-tát không đi đến gần nó nữa, và trở lui chỗ khác.
Người tu khổ hạnh biết rằng Bồ-tát không tới nữa, liền nghĩ: "Chắc con cắc kè này biết ta muốn giết nó nên nó không đến, nhưng dầu nó không đến, làm sao nó thoát được?". Nghĩ vậy, vị ấy rút vồ và ném vào con cắc kè nhưng chỉ trúng cái chóp đuôi của con cắc kè, Bồ-tát chạy mau vào gò mối, thò đầu ra từ một lỗ khác, và nói:
- Này kẻ bện tóc giả dối kia, ta đi đến gần ngươi vì ta nghĩ ngươi là kẻ có giới hạnh. Nay ta đã biết ngươi là kẻ giả dối. Một kẻ đại ăn cướp như ngươi thì xuất gia để làm gì?
Sau khi chỉ trích người tu khổ hạnh ấy, Bồ-tát đọc bài kệ trong Pháp cú (394):
Kẻ ngu có ích gì,
Bện tóc với da dê,
Nội tâm đầy phiền não,
Ngoài mặt đánh bóng suông?
Như vậy, sau khi lên án kẻ tu khổ hạnh giả dối, Bồ-tát liền đi vào gò mối. Còn người tu khổ hạnh ác độc bỏ đi chỗ khác.
*
Sau khi kể lại pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, người tu khổ hạnh giả dối là kẻ lừa đảo này, người tu khổ hạnh có giới đức trước là Xá-lợi-phất và con cắc kè là Ta vậy.
-ooOoo-
139. CHUYỆN CẢ HAI MẶT THẤT BẠI (Tiền thân Ubhatobhattha)
Mắt hư, áo bị mất...
Câu chuyện này khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về Ðề-bà-đạt-đa. Lúc bấy giờ, người ta nghe nói các Tỷ-kheo tại Chánh Pháp đường bắt đầu nói chuyện:
- Thưa các Hiền giả, như một que củi từ nghĩa địa, bị cháy hai đầu, ở giữa bị dính phân, không thể dùng làm củi rừng, cũng không thể dùng làm củi làng, cũng vậy, Ðề-bà-đạt-đa được xuất gia trong Giáo pháp dẫn đến giải thoát nhưng cả hai mặt đều thất bại, cả hai mặt bị vứt bỏ, đó là tài sản tại gia bị đoạn tận, và Sa-môn hạnh không viên mãn.
Trong lúc ấy bậc Ðạo Sư đi đến và hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, các ông nay đang ngồi họp và thảo luận vấn đề gì?
Khi được nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, Ðề-bà-đạt-đa không phải chỉ nay mới gặp thất bại cả hai mặt, thuở xưa, cũng đã thất bại như vậy rồi.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm một thần cây. Lúc bấy giờ, tại một ngôi làng những người câu cá đang sống, có một người câu cá mang theo lưỡi câu, cùng với đứa con trai đến một đầm nước mà các người chài lưới thường bắt cá. Anh ta đi chỗ này chỗ kia quăng lưỡi câu. Lưỡi câu mắc vào một khúc cây đang ẩn kín trong nước. Người đánh cá không thể kéo lưỡi câu lên. Anh ta suy nghĩ: "Lưỡi câu này chắc mắc vào con cá lớn. Ta hãy bảo đứa con trai đi về nhà, báo cho mẹ nó biết". Nghĩ vậy anh ta nói với đứa con:
- Con thân, hãy đi tin cho mẹ biết chúng ta câu được con cá lớn, và nói với mẹ hãy tìm cách gây sự với hàng xóm để giữ họ ở nhà, vì thế sẽ không ai đến đòi chia phần cá của ta cả.
Ðứa con ra đi, còn anh ta ở lại, kéo lưỡi câu nhưng vì sợ đứt dây, bèn để áo ngoài trên bờ, đi xuống nước. Vì say mê tìm bắt con cá nên anh ta va chạm vào khúc cây, bị hư hai con mắt. Một tên ăn trộm lấy cắp cái áo anh ta để trên bờ. Trong cơn đau đớn, anh ta lấy tay bịt hai con mắt mù từ nước đi lên, run rẩy đi tìm cái áo.
Trong lúc ấy, vợ anh ta huênh hoang với ý định: "Ta sẽ làm cho không một ai đến đòi chia phần". Nghĩ vậy, chị đeo một lá thốt nốt trên một tai, lấy lọ nồi bôi một con mắt, ôm trong nách một con chó, và đi đến gọi người hàng xóm. Một người bạn nói với chị:
- Chao ôi! Ðeo lá thốt nốt vào tai của bạn, bôi một con mắt, ôm một con chó như đứa con thân yêu, bạn đi từ nhà mình đến nhà người ta, bạn điên rồi sao?
- Ta không điên. Ngươi không có lý do gì lại mắng ta, nhiếc ta? Nay hãy đi đến thôn trưởng, ta sẽ làm cho ngươi bị phạt tám đồng tiền vì tội mắng nhiếc ta.
Sau khi cãi vã như vậy, cả hai cùng đi đến gặp người thôn trưởng. Nhưng sau khi cuộc cãi vã được giải quyết thì chính vợ người đánh cá bị phạt. Người ta trói và đánh chị để đòi chị trả tiền phạt. Khi vị thần cây thấy sự việc xảy ra cho vợ người đánh cá ở làng, và sự bất hạnh xảy ra cho người đánh cá ở trong rừng, vừa đứng ở trên nhánh chĩa ba của thân cây, vị thần cây vừa nói:
- Này bạn câu cá ơi, việc ác bạn làm dưới nước và trên cạn, cả hai đều thất bại.
Nói vậy xong, vị thần đọc bài kệ:
Mắt mù, áo bị mất,
Cãi vã, vợ bị đánh,
Hai việc đều hư hỏng,
Dưới nước và trên cạn.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Thuở ấy, người câu cá là Ðề-bà-đạt-đa, còn vị thần là Ta vậy.
-ooOoo-
140. CHUYỆN CON QUẠ (Tiền thân Kàka).
Tâm thường bị chấn động...,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một vị Sư Trưởng có danh. Các chi tiết của chuyện sẽ được kể trong Chương mười một, ở Tiền thân Bhaddasàla (số 465).
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con quạ. Một hôm, vị cố vấn tế tự của vua đi tắm trong một con sông ở ngoại thành, sau đó thoa nước thơm, đeo vòng hoa, mặc áo đẹp rồi đi vào thành. Có hai con quạ đang đậu trên lầu cạnh cửa thành, một con nói với con kia:
- Này bạn, tôi sẽ đi đại tiện trên đầu người Bà-la-môn này.
Con kia can:
- Chớ làm như vậy, vị Bà-la-môn này có quyền thế, chúng ta không nên gây hận thù với người có quyền thế. Người này phẫn nộ có thể sát hại tất cả loài quạ.
Nhưng nó cương quyết:
- Tôi không thể không làm được.
- Nếu không nghe tôi, rồi bạn sẽ được nếm mùi.
Nói vậy xong con quạ kia bay đi. Khi người Bà-la-môn đi đến dưới lầu canh, con quạ làm rơi phân trên đầu ông như làm rơi một tràng hoa. Vị Bà-la-môn phẫn nộ và nuôi lòng hận thù với loài quạ.
Lúc bấy giờ, một nữ tỳ được thuê để đập và phơi lúa giữa nắng. Tại cửa này nó ngồi để giữ lúa rồi ngủ gật. Biết nó không để ý, một con dê lông dài đi đến ăn lúa. Người nữ tỳ thức dậy, thấy con dê bèn đuổi đi. Lần thứ hai, lần thứ ba, khi người nữ tỳ đang ngủ như vậy, con dê lại đến ăn lúa. Người nữ tỳ, sau ba lần đuổi con dê, suy nghĩ: "Con vật này tiếp tục ăn, ăn hết nửa phần lúa, sẽ thiệt hại nhiều cho ta, nay ta sẽ chận con dê đến ăn lúa". Nó đứng dậy lấy que lửa đánh con dê. Lông con dê bắt lửa. Con vật với thân bị cháy, chạy thật mau đến một kho chứa cỏ gần một chuồng voi để dập tắt lửa, và chà thân vào kho chứa cỏ làm cho kho cỏ cháy lên, và từ đó, bắt cháy qua chuồng voi. Khi chuồng voi bị cháy, lưng voi bị cháy, và nhiều con voi bị vết thương ở thân. Các thầy thuốc voi không thể nào chữa các con voi lành bệnh, báo cho vua biết. Vua hỏi vị cố vấn tế tự:
- Này Sư trưởng, các thầy thuốc không thể chữa trị các con voi lành bệnh. Khanh có biết thứ thuốc nào không?
- Thưa Ðại Vương, thần biết.
- Cần lấy thuốc gì?
- Thưa Ðại Vương, cần lấy mỡ quạ.
Vua nói:
- Vậy hãy giết quạ và đem mỡ quạ lại.
Từ đấy trở đi họ giết các con quạ nhưng không tìm được mỡ. Tại chỗ này chỗ khác, họ chất thây quạ thành đống. Một nỗi sợ hãi lớn khởi lên trong loài quạ. Lúc bấy giờ Bồ-tát sống với tám mươi ngàn con quạ vây quanh tại một khu rừng lớn dùng làm bãi tha ma. Một con quạ đến, báo cho Bồ-tát biết về sự sợ hãi khởi lên cho loài quạ. Bồ-tát suy nghĩ: "Ngoài ta ra, không có một ai có thể giải tỏa sự sợ hãi khởi lên cho bà con ta. Ta sẽ giải tỏa sự sợ hãi khủng khiếp ấy". Rồi Bồ-tát hướng niệm mười Ba-la-mật, đề cao lòng từ Bà-la-mật, bay một mạch đến cung vua, vào cửa sổ mở lớn, và đến núp dưới chiếc ngai của vua. Lúc bấy giờ một người muốn bắt con quạ, nhưng vua vừa đi vào cung ngăn anh ta lại. Bậc Ðại Sĩ nghỉ mệt một lát, rồi niệm lòng từ Ba-la-mật, và từ dưới chiếc ngai đi ra, thưa với vua:
- Tâu Ðại Vương, một vị vua trị vì quốc độ không nên đi theo các dục v.v... Khi cần làm việc gì, phải quan sát, và rõ biết toàn bộ vấn đề, rồi mới làm. Nếu vị vua làm một việc không có kết quả thì không nên làm, vì công việc ấy đưa đến sợ hãi hoặc chết chóc cho mọi loài. Vị cố vấn tế tự bị hận thù xúi giục đã nói láo: Vì các con quạ không có mỡ.
Khi nghe nói vậy, vua rất bằng lòng với Bồ-tát, cho Bồ-tát ngồi trên ghế bằng vàng, tại đấy Bồ-tát được xoa đôi cánh với những loại dầu được nấu trăm lần ngàn lần, rồi cho Bồ-tát ăn các món thịt ngon dành cho vua, được đựng trong các bát đĩa bằng vàng. Sau khi cho Bồ-tát uống nước để được an lạc, vua nói với bậc Ðại Sĩ:
- Thưa bậc Hiền trí, ngài nói các loài quạ không có mỡ? Vì lý do gì chúng không có mỡ?
Bồ-tát nói:
- Vì lý do sau đây:
Với tiếng nói lớn vang dậy cả cung điện, Bồ-tát thuyết pháp qua bài kệ này:
Tâm thường bị chấn động,
Bị thế giới làm hại,
Do vậy không có mỡ,
Bà con quạ chúng tôi.
Như vậy, sau khi nói lên lý do này, bậc Ðại Sĩ dạy vua như sau:
- Thưa Ðại Vương, các vị vua chớ làm những việc gì mà không quan sát, không biết rõ toàn bộ vấn đề.
Nhà vua với tâm tư thỏa mãn, cúng dường Bồ-tát cả vương quốc. Nhưng Bồ-tát không nhận vương quốc của vua, dạy vua giữ Năm giới, và xin vua chớ làm cho mọi loài chúng sanh sợ hãi.
Vua xúc động trước những lời này nên ban lệnh tha chết cho mọi loài, và đặc biệt vua thường xuyên bố thí cho các loài quạ. Mỗi ngày vua bảo nấu sáu đấu gạo rồi nêm gia vị thơm ngon và bố thí cho bầy quạ. Riêng bậc Ðại Sĩ được ban các thứ đồ ăn chỉ mình vua dùng.
*
Sau khi kể pháp thoại này xong bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, vua Ba-la-nại là Ànandà, và vua loài quạ là Ta vậy.
Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét