Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Cơ hội hành thiền rất hiếm hoi

Ðức Phật dạy: "An lạc Niết bàn không thể đạt được bằng sự tinh tấn bình thường mà chỉ đạt được bằng sự tinh tấn tột bậc".
Chỉ khi sanh làm người, ta mới có thể hành thiền. Sanh vào ba đường ác đạo (địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ) thì không thể có cơ hội để hành thiền, bởi vì người sanh vào cõi đó không có khả năng và cũng không có ý muốn thích hành thiền. Ngay cảnh giới đó đã thấp kém, đầy đau khổ, đầy những cảnh tượng, âm thanh và cảm giác hãi hùng, nên chúng sanh ở đó kiệt lực, không còn khả năng để có thể hành thiền.
Ở cõi trời hay cõi thần (Atula) chúng ta cũng không có động cơ để hành thiền bởi vì sắc khả ái luôn bao quanh chúng ta. Tất cả những lạc thú tiên cảnh luôn thỏa mãn chúng ta. So sánh với loài người, thì từ lúc thụ thai cho tới lúc sinh ra, trong suốt 9 tháng 10 ngày ở trong bụng mẹ, chúng ta đã trải qua khổ sanh. Chư thiên ở cõi Xuất sanh thiên (Upapatti Bhàva) hóa sanh như những vật thể từ trên hư không rơi xuống. Họ đột nhiên xuất hiện trước cổng thiên cung của mình.
Một vị thiên nam sinh ra là đã 20 tuổi, cùng với y phục và trang sức của cõi trời, trong khi một vị thiên nữ chỉ 16 tuổi và cũng sinh ra với đầy đủ xiêm y sang trọng. Ðời sống rất mực xa hoa. Không hề có những cảnh khổ. Thời tiết ở cõi trời luôn ôn hòa và dễ chịu chứ không hề cực nóng hay cực lạnh như ở cõi người. Thức ăn, thức uống, áo quần tất cả đều hiện ra khi họ vừa nghĩ tới. Muốn đi đâu thì họ đã ở đó ngay chỉ bằng ý muốn. Khi họ muốn nghe hay thấy điều gì thì dù âm thanh hay cảnh sắc có ở xa vài dặm họ cũng có thể nghe hay thấy bằng thiên nhĩ và thiên nhãn. Ðời sống của họ thật sự vô cùng hoan lạc.
Chư thiên không bao giờ phải thấy những cảnh tượng hãi hùng. Họ không bao giờ thấy người già, người bệnh và người chết. Ở cõi trời không có ai lưng còng, tai điếc hay tóc bạc. Ở đó không có bệnh viện vì chẳng có ai bị bệnh. Cũng chẳng có dịch vụ mai táng hay hỏa thiêu vì ngay khi hết tuổi thọ thì thân thể họ biến mất như ngọn lửa tàn. Không ai phải thấy cảnh tượng hải hùng của sự chết.
Trong cảnh giới huy hoang tráng lệ đó, chư thiên không hề chứng kiến những cảnh khổ như già, bệnh, chết nên không hề có cảm giác ăn năn hay thôi thúc sự tu hành. Họ phung phí thời gian vào việc thụ hưởng dục lạc.
Vì vậy nếu ở cõi trời, cõi thần chúng ta sẽ không có động cơ để hành thiền. Chỉ có ở cảnh giới này, cảnh giới của loài người, mới là nơi duy nhất có thể hành thiền. Vậy thì khi đã được sinh ra ở một nơi thuận tiện như vậy, có phải mọi người ai cũng cố gắng hành thiền hay không? Không đâu, nhiều người đã phí hoài cuộc đời này mà không tu tập gì cả.
Hiện, quý vị may mắn có được nhiều duyên lành như:
- Ðược sanh làm người.
- Ðược mạnh khỏe.
- Ðược gặp chánh pháp.
- Ðược sanh ra trong thời có Phật.
Nhờ những duyên lành này mà chúng ta có thể hành thiền. Ðiều đó có dễ được không? Không dễ đâu. Ở trong ba đường ác đạo không thể có cơ hội để hành thiền. Ở cõi trời, thần thì lại không có động cơ nào để thúc đẩy việc hành thiền.
Chỉ khi ở trong cõi người chúng ta mới có cơ hội đó. Nhưng trong những kiếp trước, khi được làm người, chúng ta có chịu hành thiền không? Trong quá khứ, hầu như chúng ta đã không biết hành thiền.
Giờ đây, nhờ các thiện nghiệp mà quý vị đã tích lũy trong nhiều kiếp và nhờ sự thành tựu Ba-la-mật, nên quý vị mới có quả lành là gặp được cơ hội để hành thiền.
Ðược sanh làm người, có sức khỏe, được sanh ra trong thời có Phật, được gặp chánh pháp là những nhân duyên đầy đủ cho quý vị hành thiền. Ðiều đó không hiếm hoi hay sao? Thật vô cùng hiếm hoi.
Việc tu tập khó khăn như vậy há chẳng phải là một điều tốt đẹp hay sao? Quý vị nên thực hành bằng tâm hồn cao thượng. Ðức Phật dạy: "Muốn thành tựu đạo nghiệp, mỗi người phải tinh tấn với tất cả sức lực và khả năng của mình".
Ở đây quý vị hành thiền Tứ Niệm Xứ vì quý vị mong muốn đạt đến an lạc Niết-bàn, không còn đau khổ. Không nên xem đó là một công việc nhẹ nhàng, bởi vì mục đích của nó là giải thoát mọi hình thức của khổ đau. Sự giải thoát đề cập ở đây không chỉ là tạm thời, mà là sự giải thoát được gọi là an lạc Niết-bàn. Bởi vậy không thể tu tập với tâm hời hợt và sự cố gắng sơ sài, mà phải thực hành với sự liên tục, kiên trì và nỗ lực. Ðể đạt đến an lạc Niết-bàn là nơi thoát khỏi mọi đau khổ, thì một sự quyết tâm bình thường là chưa đủ, mà đòi hỏi sự tinh tấn tột bậc của cả thân lẫn tâm. Ðể giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội có khi chỉ cần đầu tư công sức vừa phải, nhưng việc hành thiền thì không phải vậy, vì an lạc Niết-bàn không phải là một hạnh phúc bình thường. Ðó là trạng thái hạnh phúc miên viễn luôn luôn hiện hữu nơi quý vị không bao giờ đau khổ nữa.
Do đó Ðức Phật dạy: "An lạc Niết-bàn không thể đạt được bằng sự tinh tấn bình thường mà chỉ đạt được bằng sự tinh tấn tột bậc".
Vì vậy phải thực hành với tất cả khả năng của mình, phải không? Vâng, đừng quan tâm nhiều đến cái thân này, thậm chí cả mạng sống này. Xin hãy đọc 3 lần:
Yếu Pháp:
"Với thân mạng này
Tôi không thương cảm
Hoàn toàn lãnh đạm
Tôi quyết hành trì".
Kundalàbhivamsa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét