Người trên thế gian đều ở trong cảnh sống mê chết mộng, không có lúc nào tỉnh ngộ để tìm ra lối thoát khỏi luân hồi. Từ thời vô thỉ đến nay, chúng sanh bị vô minh đưa đẩy, đi trong sáu nẻo luân hồi, sống rồi chết, chết rồi sống, quẩn quanh lên xuống không có hạn kỳ.
Cuộc đời như một vở tuồng. Trong tuồng, khi thì đóng vai vua, vui thú với vinh hoa, phú quý; khi thì đóng vai ăn mày, chịu đủ thứ khổ nạn. Khi Làm hoàng đế thì không biết cái lúc khổ làm thân ăn mày; làm ăn mày không biết cái vui khi làm vua. Những cảnh bi hoan ly hợp thoáng qua như trong nháy mắt, chẳng khác gì một giấc mơ xuân.
Nghiệp chướng của mình, tăng nhiều hay ít? Không hay biết. Ðức hạnh của mình gieo trồng được bao nhiêu? Không hay biết. Không hay biết tức là vô minh, vô minh là gốc rễ của sanh tử. Nếu không vô minh thì đâu có còn bị khổ trong cảnh luân hồi. Mục đích của chúng ta tu đạo là phá vô minh, chuyển thức thành trí, chuyển thức a-lại-da thành trí Ðại Viên Kính.
Người có vô minh của người, thú vật có vô minh của thú vật, cho đến quỷ đói, chúng sanh địa ngục, mỗi loài đều có vô minh riêng. Trong chỗ vô minh, các chúng sanh tìm lối ra (ra khỏi tam giới), nhưng càng tìm càng hồ đồ, tìm không ra lối, vẫn chịu khổ sở trong luân hồi. Tại sao? Bởi vì vọng tâm tác quái, và không biết dùng chân tâm (trí huệ) đến kiếm lối ra.
Vô minh tức không có trí huệ. Người không có trí huệ thì bất luận làm việc gì cũng làm trong sự điên đảo, lấy trái cho là phải và ngược lại. Biết rõ điều sai quấy mà vẫn làm, ấy chỉ vì vô minh che lấp khiến ta phải lầm đường. "Chọn đường gai góc mà đi", thì vĩnh viễn không kiếm ra đường chánh.
Kẻ học Phật pháp, cần phải phá vô minh này, cho pháp tánh hiển lộ. Bởi có vô minh, nên vui vẻ mà làm chuyện hồ đồ. Có các loại tà tri tà kiến này nên tâm tự tư, ích kỷ mới nổi lên tác quái, mất hết cả sự công bằng và vô tư. Từ đó, mỗi kiếp sanh ra là mỗi lần đi xuống, cho đến tận cùng là kiếp súc sanh, hoặc làm thân con kiến, hoặc làm thân con muỗi, lúc đó chỉ còn chút xíu tri giác mà thôi, Vậy mà vẫn tham, tham không biết chán, vẫn hành động trong hồ đồ. Quý vị coi! Các loại động vật đều có tánh cả. Các chúng sanh vốn sẵn có Phật tánh, nhưng không hoàn toàn, ấy bởi lý do “tánh hóa linh tàn,’’ cho nên chúng ngu si, thường xuyên sống trong vô minh.
Con người tuy gọi là vạn vật chi linh, có trí huệ, nhưng lại tạo ra nghiệp ác, cũng vì lý do vô minh che khuất trí huệ, nên mới lấy vọng tâm làm hành động. Có câu kệ tụng nói về tác dụng của cái “tâm’’ ( ¤ß ), nay tôi lược giải ra như sau:
Tam điểm như tinh bố
Loan câu tự nguyệt nha
Phi mao tòng thử khởi
Tác Phật dã do tha
Dịch nghĩa:
Ba chấm như sao bầy
Móc cong như trăng mới
Mang lông từ đây ra
Thành Phật cũng từ đấy.
Tam điểm như tinh bố: Trên đầu của chữ “tâm’’ là ba chấm, giống như mấy ngôi sao ở trên trời bầy thành một hàng.
Loan câu tự nguyệt nha: Ở dưới chữ “tâm’’ là một cái móc cong, giống như vầng trăng mới vào các ngày mồng ba hay mồng bốn âm lịch, nằm cong cong trên bầu trời.
Phi mao tòng thử khởi: Phi mao, đái giác, là mang lông đội sừng, chỉ các loài súc sanh. Tất cả đều do ảnh hưởng tâm lý mà tạo thành. Làm thân chó, thì có quả báo của loài chó, làm thân mèo có quả báo của mèo, cho đến thân ngựa, trâu, dê, rồi gà, vịt, ngỗng cũng như vậy.
Tác Phật dã do tha: Thành Phật làm Tổ sư, cũng do tâm mà nên, cho nên nói “nhất thiết do tâm tạo.’’ Chịu khổ ở địa ngục, hưởng phước ở thiên đàng, tất cả đều từ cái niệm trong tâm mà tạo ra cả
Nếu khởi lên một niệm thiện, thần cát tường sẽ hộ trì ta. Khởi lên niệm ác tức thì hung thần ác quỷ cũng sẽ bám sát ta. Người xưa nói: “Một lần lỡ bước hận thiên thu,’’ cũng như nói: “Một niệm sai là thiên cổ hận,’’ Thiện hay ác chỉ cách nhau một niệm. Nghĩ thiện thì đi lên, nghĩ ác sẽ đi xuống. Tâm người như hạt bụi, bay lơ lửng trong không, bỗng chốc lên thiên đường, bỗng chốc xuống địa ngục, bỗng chốc là thú vật, bỗng chốc là quỷ đói, chẳng bao giờ ngưng tạo nghiệp rồi chịu quả, chịu quả rồi tạo nghiệp, cứ vậy mà tuần hoàn luân chuyển.
Tới khi nào thì hiểu được “biển khổ vô bờ, quay đầu là bến’’? Biết được biển nghiệp là mênh mông, không bờ không bến, mau quay đầu lại thì đến được bến bờ. Học Phật pháp là học điều này, ngoài ra chẳng có điều gi huyền diệu cả. Nói giản dị hơn, phá bỏ các tập khí, phá bỏ tâm tự tư, tự lợi, sống không tranh, không tham, không cầu, tức là nắm được yếu nghĩa của Phật pháp.
Ngày ngày nghe pháp, phải hiểu yếu nghĩa của pháp. Ðâu là chỗ khẩn yếu nhất của pháp? Chính là các điểm không tranh, không tham, không cầu, không tự tư, không tự lợi, không nói dối. Sáu tiêu chuẩn này chính là mực thước dẫn dắt chúng ta hàng ngày trong mọi hành động. Nếu có gì không đúng với tiêu chuẩn chúng ta biết ngay để sửa đổi. Sửa làm sao để không còn sai nữa thì toàn là công đức, lúc đó mới đúng là tín đồ Phật giáo. Ðây cũng là sáu tôn chỉ của Vạn Phật Thánh Thành, hy vọng mọi người chúng ta đều tuân theo, mọi người đều giác ngộ, mọi người đều thành Phật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét