Dưới những điều kiện thuận lợi, quả của nghiệp sẽ được tạo ra cũng như lá và thân cây sẽ nhú ra từ hạt giống bé nhỏ của nó khi đủ độ ẩm và ánh sáng vậy.
Những giải thích sai lầm và những quan niệm vô lý về nghiệp đã được nói rõ trong Tăng Chi Bộ kinh (Anguttara Nikāya). Ở đây Đức Phật khuyên những người có trí nên thẩm xét và từ bỏ những quan niệm sau:
Tin rằng mọi việc là kết quả của những hành động đã làm trong những kiếp trước (Tiền định kiến).
Tin rằng tất cả chỉ là kết quả của sự sáng tạo của một đấng quyền năng tối thượng (Tạo hoá kiến)
Tin rằng mọi việc phát sinh không do nhân hoặc duyên gì cả (Vô nhân kiến).
Nếu một người trở thành kẻ sát nhân, trộm cắp, hoặc gian dâm, và nếu những hành động của họ chỉ do nghiệp quá khứ tác động, hoặc do sự sáng tạo của một đấng quyền năng gây ra, hoặc nếu mọi việc xảy ra chỉ là tình cờ, thời người này sẽ không có gì phải chịu trách nhiệm đối với ác nghiệp của họ.
Một quan niệm sai lầm nữa về nghiệp là cho rằng nghiệp chỉ có hiệu lực đối với một số người hợp theo tín ngưỡng của họ - nghĩa là ai tin nghiệp thì nghiệp mới có hiệu lực với họ, ngoài ra thì không. Tuy nhiên, số phận của một người trong đời sau tuyệt đối không lệ thuộc vào tôn giáo họ chọn. Dù tôn giáo của họ là gì chăng nữa, số phận con người hoàn toàn tùy thuộc vào những hành động bằng thân, khẩu và ý của họ. Cái mác tôn giáo họ tự gán cho mình không quan trọng, hễ họ làm được những việc thiện và sống một cuộc đời không hoen ố, họ chắc chắn sẽ được sinh vào cõi an vui trong đời sau. Còn nếu họ phạm những ác nghiệp và dưỡng nuôi tư tưởng độc ác trong tâm, chắc chắn họ sẽ phải tái sinh để sống một cuộc đời khốn khổ, bất hạnh. Vì thế, người Phật tử không tuyên bố rằng họ là những người may mắn duy nhất được sinh lên thiên giới sau khi chết. Dù theo tôn giáo nào, chỉ có ý nghĩ tạo nghiệp của con người mới quyết định số phận của họ cả đời này lẫn đời sau. Như vậy, giáo lý nghiệp báo không chỉ cho biết một công lý sau khi chết, và Đức Phật cũng không dạy quy luật nhân quả này để bảo vệ người giàu và an ủi người nghèo bằng cách hứa hẹn hạnh phúc hão huyền trong một đời sau.
Theo Phật giáo, nghiệp giải thích được những bất bình đẳng hiện hữu giữa nhân loại. Những bất bình đẳng này không chỉ do đặc tính di truyền, môi trường chung quanh và thiên nhiên tạo ra, mà còn do nghiệp hay kết quả của những hành động chúng ta làm nữa. Thực sự nghiệp chỉ là một trong những yếu tố có trách nhiệm cho sự thành công và thất bại của cuộc đời chúng ta.
Vì lẽ nghiệp là một sức mạnh vô hình, nên với mắt trần chúng ta không thể thấy được nó làm việc như thế nào. Để hiểu được sự vận hành của nghiệp, chúng ta có thể so sánh nó với những hạt giống: những kết quả của nghiệp được cất chứa trong tâm tiềm thức (tức tâm hữu-phần duy trì kiếp sống) giống như cách lá, hoa, trái, và thân của một cái cây chứa đựng trong hạt giống của nó. Dưới những điều kiện thuận lợi, quả của nghiệp sẽ được tạo ra cũng như lá và thân cây sẽ nhú ra từ hạt giống bé nhỏ của nó khi đủ độ ẩm và ánh sáng vậy.
Sự vận hành của nghiệp cũng có thể so sánh với một tài khoản ngân hàng: một người giới đức, có lòng từ thiện và quảng đại trong kiếp hiện tại này cũng giống như một người đang bổ sung thêm vào thiện nghiệp của mình. Thiện nghiệp tích lũy này có thể được họ dùng để bảo đảm một cuộc sống không gặp phải những biến cố bất hạnh. Tất nhiên họ phải biết bổ sung cái mới vào những gì họ đã lấy ra, vì nếu không, một ngày nào đó tài khoản của họ sẽ cạn kiệt và họ sẽ bị phá sản. Lúc đó họ sẽ đổ lỗi cho ai về tình trạng bất hạnh của mình? Họ không thể đổ thừa cho người khác hoặc cho số phận được. Chỉ có họ là người phải chịu trách nhiệm cho khổ đau và hạnh phúc của bản thân. Như vậy một người Phật tử chân chính không thể là một người chạy trốn thực tại. Họ phải đối diện với cuộc đời đúng như nó là và không được quyền lẩn tránh nó. Một thái độ thụ động không thể nào ngăn chặn được nghiệp lực. Tích cực hoạt động vì điều thiện là điều hết sức thiết yếu cho hạnh phúc của con người. Khuynh hướng thoát ly là giải pháp của kẻ nhu nhược và chạy trốn thực tại như vậy cũng không thể nào thoát được luật nhân quả.
Trong kinh Pháp-cú, Đức Phật dạy: “Không nơi ẩn náu nào có thể thoát khỏi quả của nghiệp”.
Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét