Ngày nay không ít người chẳng thiết hỏi han, chăm lo cho bố mẹ khi các bậc sinh thành còn sống mà chỉ biết khóc thật nhiều, làm đám tang thật lớn, đốt thật nhiều vàng mã như một sự an ủi, ăn năn khi bố mẹ ra đi. Đó vẫn là sự hiếu thuận, nhưng là sự hiếu thuận muộn màng, không tác dụng.
Hiện nay, việc người dân mang vàng mã vào chùa để thắp hương rồi hóa đã trở thành một thói quen khó bỏ. Trong khi đó, giáo lý Phật giáo không ủng hộ chuyện này…
Khói, tro mù mịt chốn cửa thiền
Không cứ gì rằm tháng 7, Đại lễ Vu Lan, bất cứ ngày rằm, mùng một nào cũng có thể thấy người dân đến chùa lễ Phật với túi hoa quả, kèm một tập vàng mã. Sắp lễ hương hoa dâng Phật không quên cúng kèm vàng mã, rồi mang đi hóa khi hết tuần hương.
Việc làm này của người dân, hầu hết các sư sãi trong chùa đều biết rằng không phù hợp với giáo lý nhà Phật, không nên làm. Nhưng vì nó đã ăn sâu vào đầu óc nhiều thế hệ người Việt nên không thể một sớm một chiều mà thôi ngay được nên nhà chùa đành… bỏ lơ. Thậm chí, rất nhiều nhà chùa còn phải xây hẳn một khu vực hóa vàng mã, ở xa Tam Bảo vì nếu không có người đi lễ sẽ tiện đâu đốt đó làm tàn tro theo gió bay khắp nơi gây ngột ngạt, khói bụi mù mịt, dễ gây hỏa hoạn hoặc ảnh hưởng tới sinh hoạt cộng đồng và môi trường chùa chiền.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cho biết trong hoạt động Phật sự rất chú trọng tuyên truyền để cho các Phật tử, người dân nhận thấy rõ rằng việc đốt vàng mã là tín ngưỡng dân gian gây lãng phí tiền bạc và ô nhiễm môi trường để từ đó, có thái độ rõ ràng và đúng đắn đối với việc làm không chánh pháp này.
Tuy nhiên, một khi người dân đã mang vàng mã đến chùa thì nhà chùa chỉ có thể khuyên răn chứ không thể tịch thu hay cấm họ đốt được. Trong nhiều buổi giảng đạo, các sư thường nhấn mạnh việc không dùng vàng mã. Nhưng vì việc đốt vàng mã đã có từ lâu đời trong nhận thức nên phải chấp nhận giảm từ từ.
Hiếu đạo cho đúng cách
Đó là lời nhắn gửi của giáo lý Phật giáo tới Phật tử và người dân trong Đại lễ Vu Lan này. Theo sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề, Gia Lâm, HN, “ngày nay không ít người không biết hỏi han, chăm lo cho bố mẹ khi các bậc sinh thành còn sống mà chỉ biết khóc thật nhiều, làm đám tang thật lớn, đốt thật nhiều vàng mã như một sự an ủi, ăn năn khi bố mẹ ra đi. Đó vẫn là sự hiếu thuận, nhưng là sự hiếu thuận muộn màng, không tác dụng”.
Làm thế nào để hiếu đạo cho đúng cách, thay vì những tro tàn bay tứ tung từ những “núi” vàng mã khổng lồ? Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật Giáo VN cho rằng, đạo Phật luôn khuyên con người coi trọng quy luật nhân - quả.
Cha mẹ vất vả sinh thành ra chúng ta sau 9 tháng 10 ngày. Cha mẹ không quản ngại công sức chăm sóc khi chúng ta ốm đau, khi chúng ta chập chững những bước đi đầu tiên, học hành…. Thay vì chuẩn bị những đồ vàng mã đắt tiền để hóa trong dịp lễ Vu Lan, mọi người nên có những hành động thực tế chăm sóc tới sức khỏe, giấc ngủ của cha mẹ. Lễ Vu Lan chính là dịp để mọi người nhìn lại chính mình, nhìn lại những việc đã làm để báo hiếu trước công đức sinh thành, nuôi nấng của cha mẹ, ông bà.
Đã và đang chăm sóc rất nhiều trẻ mồ côi tại chùa, sư thầy Thích Đàm Lan cho biết thầy vẫn hàng ngày dạy con trẻ rằng, tuy lớn lên không có mặt mẹ cha, nhưng ngày ngày khi soi gương thấy mình trong đó là cũng như thấy được hình bóng của cha mẹ mình vì khuôn mặt, mái tóc, nụ cười chính là do cha mẹ tặng cho, phải biết ơn mẹ cha về điều đó. Thiết nghĩ rằng lời dạy này, thay vì rã tan bay theo gió như những mảnh tro bụi của vàng mã, sẽ như hạt mầm nẩy sinh lòng yêu thương, từ bi, không oán hận - nền tảng không thể thiếu của nhân cách mỗi con người.
Hồng Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét