Trong Kinh Kotigāma, Đức Phật giảng về nguồn gốc chúng sanh phải sanh tử luân hồi như sau:
- Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt bốn Thánh đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn?
Do không giác ngộ, do không thông đạt Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, nên Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Do không giác ngộ, do không thông đạt Thánh đế về Khổ tập nên Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Do không giác ngộ, do không thông đạt Thánh đế về Khổ diệt nên Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Do không giác ngộ, do không thông đạt Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, nên Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này.
Và Đức Phật đã giảng cách làm thế nào để đoạn tận khổ đau, thoát khỏi sanh tử luân hồi trong Kinh Ngôi Nhà có Nóc Nhọn như sau:
Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ tập, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ diệt, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau”; sự kiện này không xảy ra.
Ví như, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Không xây dựng tầng dưới của ngôi nhà có nóc nhọn, tôi sẽ xây dựng tầng trên của ngôi nhà”, sự kiện này không xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ tập, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ diệt, không có như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ chơn chánh đoạn tận khổ đau”; sự kiện này không xảy ra.
Ví như, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Sau khi xây dựng tầng dưới của căn nhà có nóc nhọn, tôi sẽ xây dựng tầng trên của ngôi nhà”; sự kiện này có xảy ra. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ, sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ tập, sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Khổ diệt, sau khi như thật giác ngộ Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, ta sẽ đoạn tận khổ đau“; sự kiện này có xảy ra.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ tập”, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.
Như vậy, chúng ta cần phải giác ngộ và thông đạt đầy đủ Bốn Thánh Đế để thoát khỏi sanh tử luân hồi. Và Đức Phật đã giảng thế nào là Bốn Thánh Đế trong Kinh Như Lai Thuyết như sau:
Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.
Ðây là Thánh đế về Khổ tập, này các Tỷ-kheo, chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.
Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, chính là ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước.
Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Như vậy, để chứng ngộ Thánh đế về Khổ Diệt (Niết-bàn), ta phải thực hành Thánh Đế về Con đường đưa đến Khổ Diệt. Và Đức Phật đã giảng về Khổ diệt đạo Thánh đế trong Kinh Đại Niệm Xứ:
Này các Tỷ kheo, thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế. Ðó là bát chi Thánh đạo, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh tri kiến? Này các Tỷ kheo, tri kiến về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tri kiến.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh tư duy? Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này các tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tư duy.
Này các Tỷ kheo thế nào là Chánh ngữ? Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh ngữ.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh nghiệp? Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cướp, tự chế không tà dâm. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh nghiệp.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh mạng? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh mạng.
Này các Tỷ kheo, và thế nào là Chánh tinh tấn? Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh tinh tấn.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh niệm? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; trên các cảm thọ… trên các tâm… quán pháp trên các pháp, tinh cần tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh niệm.
Này các Tỷ kheo, thế nào là Chánh định? Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỷ kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỷ kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Tỷ kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là Chánh định.
Như vậy, Đức Phật đã dạy Khổ Diệt Đạo Thánh Đế chính là Bát Thánh Đạo, vậy thì có còn con đường nào khác ngoài Bát Thánh Đạo trong Giáo Pháp của Đức Phật nữa hay không? Trong Kinh Đại-Bát-Niết-Bàn, Đức Phật đã dạy về điều này.
- Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát Thánh đạo, thời ở đâykhông có đệ nhất Sa-môn, ở đây cũng không có đệ nhị Sa-môn, cũng khôngcó đệ tam Sa-môn, cũng không có đệ tứ Sa-môn. Này Subhadda trong pháp luật nào có Bát Thánh đạo, thời ở đây có đệ nhất Sa-môn, cũng có đệ nhị Sa-môn, cũng có đệ tam Sa-môn, ở đấy cũng có đệ tứ Sa-môn. Này Subhadda, chính trong pháp luật này có Bát Thánh Ðạo, thời này Subhadda, ở đây có đệ nhất Sa-môn, ở đây cũng có đệ nhị Sa-môn, cũng cóđệ tam Sa-môn, cũng có đệ tứ Sa-môn. Những hệ thống ngoại đạo khác đều không có những Sa-môn. Này Subhadda, nếu những vị Tỷ-kheo này sống chơn chánh, thời đời này không vắng những vị A-la-hán.
Như vậy, không một chúng sanh nào có thể chứng ngộ Thánh đế về Khổ diệt (Niết-bàn) mà lại không cần thực hành đúng đắn Bát Thánh Đạo. Chúng ta không thể đến Niết-bàn với “Một Đạo” là Chánh Niệm hay “Hai Đạo” là Chánh Niệm và Tỉnh Giác (một “đạo” mới) hay “Bảy Đạo” là Tám Đạo trừ Chánh Định. Với Ba-la-mật chân thật đã viên mãn và trí tuệ của một vị Phật Toàn Giác, Đức Phật đã không liên hệ đến cái gọi là “Thất Thánh Đạo” nào dành riêng cho người có ba-la-mật đặc biệt nào, từ Đức Phật cho đến ngài Sāriputta, ngài Mahā Moggallāna và cho đến các vị Thường Thanh Văn. Tuy nhiên, với trí tuệ phàm nhân, chúng ta hoàn toàn có thể thêm bớt, sửa đổi đạo lộ giải thoát và cho rằng các đạo lộ “tân kỳ” ấy cũng dẫn đến Niết-bàn. Tất nhiên, với sự tu tập theo đạo lộ “tân kỳ” ấy, chúng ta sẽ rất dễ dàng và nhanh chóng chứng đắc Niết-bàn, và Niết-bàn ấy đương nhiên cũng là Niết-bàn “tân kỳ”, tức nó không có liên hệ gì đến sự đoạn tận khổ đau, chấm dứt sanh tử luân hồi. Vì vậy, để có thể chứng ngộ Niết-bàn – sự an lạc tối hậu – như lời Đức Phật chỉ dạy, chúng ta không thể không nỗ lực tu tập đúng đắn chỉ duy nhất Bát Thánh Đạo như lời dạy của Đức Phật.
Trong Kinh Định, Đức Phật đã giảng làm thể nào để như thật rõ biết Bốn Thánh đế như sau:
- Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập định. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có định,như thật rõ biết (pajānāti). Và như thật rõ biết gì?
Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”. Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ tập”. Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”. Như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.
Như vậy, nếu không có Chánh Định, chúng ta sẽ không thể viên mãn được Bát Thánh Đạo cũng như không thể như thật rõ biết Khổ Đế, Khổ Tập Đế và càng không thể chứng ngộ Niết-bàn. Vai trò quyết định của Chánh Định đối với sự giải thoát lại được Đức Phật chỉ dạy một lần nữa trong Kinh Đại-Bát-Niết-bàn trước khi Ngài nhập Vô Dư Niết-bàn như sau:
Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt bốn Pháp mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Thế nào là bốn? Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Giới mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Ðịnh mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Thánh Tuệ mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Này các Tỷ-kheo, chính vì không giác ngộ, không chứng đạtThánh giải thoát mà Ta và các Ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử.
Vì vậy, nếu không dựa trên nền tảng Chánh Định nói riêng và Bát Thánh Đạo nói chung thì tất cả các phương pháp tu tập với thân và tâm chỉ là các giải pháp tâm lý trị liệu hoặc chỉ là các phương cách tự kỷ ám thị mà thôi. Mặc dù các giải pháp tâm lý trị liệu có thể giúp ta ngăn ngừa một số phiền não hay một số hành động bất thiện, cũng như các phương cách tự kỷ ám thị có thể giúp ta đạt được ít nhiều sự an lạc; nhưng tựu chung tất cả các phương pháp này đều không thể giúp ta giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Mỗi một đề mục thiền đều phải có đối tượng của nó. Với thiền Định thì đó chính là đối tượng (tướng) tục đế. Còn đối tượng của thiền Tuệ chính là các pháp chân đế, ngũ thủ uẩn (Khổ Đế) và các nhân của chúng (Khổ Tập Đế). Điều này có nghĩa rằng không thể thực hành thiền Tuệ hay sát-na định (khanikasamādhi) của thiền Tuệ trên các đối tượng mà ta thấy rõ ràng là tục đế như: chân tay, bụng, hơi thở… Tương tự, ta cũng không thể thực hành thiền Tuệ haysát-na định (khanikasamādhi) của thiền Tuệ trên các đối tượng tục đế đã được ta gán cho cái tên là sắc, là danh mà lại không trực tiếp rõ thấy biết các đặc tính, phận sự, biểu hiện và nhân gần của chúng. Thiền Tuệ chỉ có thể được tiến hành trên các đối tượng mà bằng con mắt trí tuệ, ta rõ thấy chúng là 28 sắc chân đế, 81 tâm hiệp thế, 52 tâm sở (Khổ Đế) và các nhân của chúng (Khổ Tập Đế) mà thôi.
Với sự giảng dạy về sự tu tập Định học và Tuệ học, trong Kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật đã giảng về Bốn Niệm Xứ.
Này các Tỷ kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn. Ðó là Bốn niệm xứ.
Thế nào là bốn? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời.
Như vậy con đường độc nhất đi đến giải thoát là phải thực hành viên mãn cả Bốn niệm xứ. Đức Phật đã không liên hệ gì đến sự thực hành chỉ với một trong bốn niệm xứ là có thể đưa đến chứng ngộ Niết-bàn. Với sự thực hành lần lượt Bát Thánh Đạo về Thiền Định (Định học) có đối tượng là tục đế và Bát Thánh Đạo về Thiền Tuệ (Tuệ học) có đối tượng là Khổ Đế và Khổ Tập Đế, hành giả sẽ dần đi đến viên mãn Bát Thánh Đạo (Đạo Đế) Hiệp Thế. Với sự viên mãn Bát Thánh Đạo Hiệp Thế, Bát Thánh Đạo (Đạo Đế) Siêu Thế vốn lấy Niết-bàn (KhổDiệt Đế) làm đối tượng sẽ ngay tức khắc được sanh khởi. Với sự viên mãn tam học Giới Định Tuệ và chứng ngộ Niết-bàn, hành giả chứng ngộ toàn vẹn Bốn Thánh Đế và thoát khỏi sanh tử luân hồi:
Này các Tỷ-kheo, khi Thánh Giới được giác ngộ, được chứng đạt; khiThánh Ðịnh được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Tuệ được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Giải thoát được giác ngộ, được chứng đạt, thời tham ái một đời sống tương lai được trừ diệt, những gì đưa đến một đời sống mới được dứt sạch, nay không còn một đời sống nào nữa.
Ngược lại, nếu chỉ tu tập với mỗi niệm thân hay niệm thọ hay niệm tâm hay niệm pháp, hành giả không thể thực hành viên mãn đầy đủ Định học cũng như không thể thông đạt sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn và thức thủ uẩn (Khổ Đế) và các nhân của chúng (Khổ Tập Đế) vốn là đối tượng của Tuệ học.Ví dụ, nếu chỉ thực hành niệm thân với đối tượng là sắc chân đế (quán sắc), hành giả chỉ có được trí tuệ hiểu biết về sắc chân đế mà thôi và không thể nào có được sự hiểu biết về các uẩn khác. Tóm lại, nếu không tu tập bốn niệm xứ một cách có hệ thống theo kinh điển, hành giả không thể chứng ngộ được Bốn Thánh Đế và vì vậy mà cũng không thể thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Trong Kinh Tượng Pháp (Kinh Giả Mạo Diệu Pháp), Đức Phật có giảng về việc Diệu Pháp bị giả mạo như sau:
Ở đây, khi nào các người ngu có mặt, chính họ làm diệu pháp biến mất.
Này Kassapa, có năm thối pháp khiến cho diệu pháp bị hỗn loạn và biến mất. Thế nào là năm?
Ở đây, này Kassapa, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống không tôn kính, không tùy thuận bậc Ðạo Sư, sống không tôn kính, không tùy thuận Chánh Pháp, sống không tôn kính, không tùy thuận Chúng Tăng, sống không tôn kính, không tùy thuận Học Giới, sống không tôn kính, không tùy thuận đối với Thiền Định.
Thật kỳ lạ là Đức Phật dạy về Tam học Giới Định Tuệ nhưng lại bảo chỉ riêng việc sống không tùy thuận Giới học và Định học là làm tiêu hoại Diệu Pháp. Trong khi đó, chúng ta ai cũng muốn thoát khổ nhanh nhất mà lại tốn ít công sức nhất và với trí tuệ phàm nhân của mình, nhiều người trong số chúng ta thấy rằng chỉ có Tuệ học mới là cứu cánh. Tuệ học là pháp luôn được mọi người kính trọng và mong được thực hành. Với suy luận như vậy, Tuệ học xứng đáng được coi là chỉ dấu cho Diệu Pháp. Và như vậy, trong khi coi Tuệ học là cứu cánh, ta dễ dàng từ bỏ Giới học và Định học. Tuy nhiên, trong Chánh Pháp, không thể thực hành Định học tốt đẹp mà lại không cần tu tập tốt Giới học, và càng không thể tiến hành Tuệ học mà lại không cần viên mãn Định học:
Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâmcùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.
Như vậy, khi sống không tôn kính, không tùy thuận Giới học và Định học thì tự động, ta không thể thực hành được Tuệ học. Và cái mà ta gọi là tu tập Tuệ mà không cần dựa trên nền tảng Giới và Định thì chẳng phải là Định mà cũng chẳng phải là Tuệ. Do vậy mà Diệu Pháp sẽ bị hỗn loạn và biến mất.
Nhưng làm thế nào chúng ta có thể nhận biết được Chánh Pháp? Trong Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn, Đức Thế Tôn đã giảng về điều này.
- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng bốn Ðại giáo pháp, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Các Tỷ-kheo ấy vâng lời Thế Tôn, Thế Tôn giảng như sau:
- Này các Tỷ-kheo, có thể có Tỷ-kheo nói: “Này Hiền giả, tôi tự thân nghe từ miệng Thế Tôn, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư”. Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm“. Và này các Tỷ kheo, các Ngươihãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh“. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ nhất, các Ngươi hãy thọ trì.
Này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo nói: “Tại trú xứ kia, có Tăng chúng ở với các vị Thượng tọa, với các Thủ chúng. Tôi tự thân nghe từ miệng Tăng chúng, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư”. Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này khôngphải là lời Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm“. Và này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh“. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ hai, các Ngươi hãy thọ trì.
Này các Tỷ-kheo, có thể có vị Tỷ-kheo nói: “Tại trú xứ kia có nhiều Tỷ-kheo Thượng tọa ở, những vị này là bậc đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu. Tôi tự thân nghe từ miệng những vị Thượng tọa ấy, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư”. Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, và nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm“. Và, này các Tỷ-kheo, các Ngươihãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh“. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ ba, các Ngươi hãy thọ trì.
Này các Tỷ-kheo, có thể có Tỷ-kheo nói: “Tại trú xứ kia, có một vị Thượng tọa, vị này là bậc đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu. Tôi tự thân nghe từ Thượng tọa, tự thân lãnh thọ; như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư”. Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, và nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời nàykhông phải là lời của Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm“. Và này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh“. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ tư, các Ngươi hãy thọ trì.
Ngày nay, trong xu thế thực hành cái gọi là thiền Tuệ (Vipassanā) mà không dựa trên nền tảng Chánh Định (thiền Định) ngày càng phát triển, ngài Thiền Sư Pa-Auk Tawya Sayadaw và Tiến Sĩ Mehm Tin Mon là một trong số ít người vẫn kiên định với lộ trình tu tập tam học Giới, Định và Tuệ của Đức Phật. Được phép dịch thuật của cả hai ngài đồng tác giả, tôi xin trân trọng giới thiệu quyển sách quý này. Đây là quyển sách trình bày rất tóm lược về Thiền Định và Thiền Tuệ dựa trên Kinh điển Pāḷi và các Chú giải Pāḷi của ngài Thiền Sư Pa-Auk Tawya Sayadaw và Tiến Sĩ Mehm Tin Mon.
Tâm Chánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét