Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Phở Việt đại náo… dãy Himalaya

"Dáng lạ" - Hot girl Thúy Ngân
Chuyện phở Việt Nam làm mưa làm gió ở các nước Âu, Mỹ không còn là điều gì mới mẻ, nhưng sự xuất hiện của món ăn này ở xứ sở huyền bí trên dãy Himalaya quả là điều ngạc nhiên thú vị…
Tờ Himalayan Times của Nepal mới đây đăng tải bài viết có tiêu đề “Ôi, phở Sài Gòn!” của tác giả Dubby Bhagat, bày tỏ cảm xúc của ông về việc được thưởng thức các món ăn Việt Nam ở Kathmandu, thủ đô nằm trên độ cao 1.400m của đất nước mình.
Đứa cháu trai tên Prem Varma Aditya của tôi thật may mắn khi kết hôn với một cô gái tuyệt đẹp tên là Đào. Vâng, cô gái xinh đẹp ấy là người Việt Nam. Hai vợ chồng đã sinh được đứa con trai bảy tuổi, đặt tên là Vir Prem.
Vir Prem rất thích món Kebabs và các món ăn kiểu Ấn Độ, trong khi bố mẹ cố gắng dỗ cậu bé ăn đồ Việt Nam, những món mà cậu chỉ chịu ăn khi không có cá trong đó.
Đào nói với tôi rằng, khác với thói quen của người Nepal, người Việt Nam không chuộng các món rán, mà ưa thích món luộc, nướng hoặc kho nhiều hơn. Bên cạnh đó, họ cũng ăn cà ri, các món hầm và súp.
Phở là món ăn nổi tiếng thế giới của người Việt.
Cô cho biết, các món ăn Việt sử dụng rất nhiều loại rau gia vị như sả, bạc hà, rau mùi và lá húng quế. Đào thường hay làm phở, gỏi cuốn, bún và bánh mỳ, những món ăn Việt Nam đang ngày càng thịnh hành trên thế giới.
Đó là những gì đang diễn ra ở Delhi (Ấn Độ), nơi vợ chồng Đào chuyển từ Mỹ về sinh sống ở nhà bố mẹ chồng. 
Khi trở về Kathmandu, tôi đã rất ngạc nhiên khi được mời đến “Phở Sài Gòn”, một nhà hàng nằm đối diện khách sạn Shangri-La và tôi đã vui vẻ nhận lời. Từng ăn món ăn Việt Nam khi ở New York, tôi nhận thấy các món ăn phục vụ tại Phở Sài Gòn rất tuyệt. 
Nhà hàng này được bài trí đậm chất Việt Nam, với những chiếc bát có hoa văn đựng đầy rau sống đặt trên bàn. Chúng tôi bắt đầu với cốc nước chanh đá pha si rô bạc hà. Thứ đồ uống này khiến tôi cảm thấy sảng khoái.
Ngay sau đó, món phở được phục vụ, gồm những sợi làm bằng bột gạo nhúng trong nước dùng có thịt và đủ loại gia vị khác nhau như: rau mùi, húng quế, chanh, gừng, tiêu đen, giá đỗ… Những thành phần này kết hợp với nhau một cách hài hòa để tạo nên một món ăn hoàn hảo. 
Tiếp đến là gỏi cuốn, gồm rau tươi và tôm cuộn lại trong bánh đa. Giống như phở, món ăn này cũng thực sự xứng đáng với sự nổi tiếng của mình.
Đến lượt bánh mỳ, một loại bánh theo kiểu baguette của Pháp (bạn nên nhớ Việt Nam từng thuộc địa của Pháp), được rạch đôi và phết vào ruột pa tê, dưa chua, nước sốt chua ngọt, thịt lợn. Lại một món ăn nữa xứng đáng với sự nổi tiếng của mình. 
Món cá nướng kiểu Việt Nam gồm một con cá nướng bày biện với gừng, tỏi, hành tây và lá chanh. Đây là một món ăn tinh tế và rất ngon. Hương vị của cá không bị mất, mà còn trở nên đậm đà hơn nhờ sự bổ sung của các thành phần khác.
Gà chua ngọt là món ăn có xuất xứ từ Trung Quốc hàng nghìn năm trước. Người Việt Nam đã chế biến nó theo kiểu riêng của mình với nước sốt chua ngọt, cà chua và ớt chuông. Không một ai ăn món này có thể quên được hương vị của nó.
Cuối cùng, chúng tôi thưởng thức món thịt bò áp chảo với nấm, cần tây, cà chua, dưa chuột… 
Theo quan niệm tâm linh của người Việt, có những vị thần chuyên cai quản nhà bếp, được gọi là Ông Táo. Những vị thần này sẽ quan sát các việc làm của gia chủ và đến ngày cuối năm Âm lịch sẽ bay về trời để báo cáo những gì mình ghi nhận được với Ngọc Hoàng. Chắc chắn, các Ông Táo của Phở Sài Gòn sẽ có rất nhiều điều tốt đẹp để nói với Ngọc Hoàng về nhà hàng này.
Thanh Bình (theo Himalayan Times)
“Ôi, phở Sài Gòn!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét