Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Lý giải hình ảnh “sắc dục” trong tượng Phật giáo

Bức tượng hiện thân của Phật phụ Phật mẫu Phổ Hiền Như Lai Vương.
Theo Phật giáo cổ đại, những hình ảnh được cho là “sắc dục” mà mọi người nhìn thấy hoàn toàn không mang ý nghĩa dâm dục mà chỉ là hiện thân của Phật phụ Phật mẫu (cha, mẹ) Phổ Hiền Như Lai Vương (Samantabhadra, Samantabhadri).
Trong lúc tìm kiếm tư liệu về bức tượng phật “sắc dục” gây xôn xao dư luận cũng như cộng đồng phật tử thời gian qua, chúng tôi đã tìm thấy những hình ảnh tương tự trong cuốn “Tây Tạng sinh tử kỳ thư: Nhận thức về luân hồi và giải thoát của sinh mệnh” do Nhà xuất bản Hà Nội phát hành (hiệu đính: TS Nguyễn Mạnh Linh).
Tác giả cuốn “Tây Tạng sinh tử kỳ thư” là Đại sư Liên Hoa Sinh - một cao tăng của phái Mật Tông. Theo đó, những phương pháp hướng dẫn tâm linh mà Đại sư Liên Hoa Sinh để lại trong cuốn sách này là cẩm nang dẫn đường thiết yếu dành cho tất cả những phật tử sắp lìa đời và những phật tử đang trên chặng hành trình sau cái chết.

Bức tượng hiện thân của Phật phụ Phật mẫu Phổ Hiền Như Lai Vương
Theo Đại sư Liên Hoa Sinh, cái chết xảy ra khi khi 4 nguyên tố lớn của sinh mệnh bắt đầu phân rã. Bốn nguyên tố lớn là đất, nước, lửa, gió tương ứng với 4 cơ cấu chức năng cơ thể quan trọng là cơ thịt, thể dịch, thân nhiệt và hô hấp.
Khi người hấp hối hít vào một hơi cuối cùng rồi ngừng thở, cuộc sống của họ vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn, trong cơ thể họ vẫn còn sót lại chút ít sinh khí. Lúc này, “ánh sáng căn bản đầu tiên” sẽ xuất hiện. Nếu người sắp chết nắm bắt được thời cơ này, sẽ đạt được giải thoát theo giáo lý nhà Phật.
Bằng việc “thể ngộ Phật phụ Phật mẫu Phổ Hiền Như Lai Vương”, tức trạng thái hợp nhất giữa thực tướng (tính không) và tâm linh, cũng có thể giúp người sắp chết lĩnh ngộ được ánh sáng để giải thoát.
Đặc điểm nhận dạng của Phổ Hiền Như Lai Vương là hình ảnh Phật phụ khỏa thân với màu da xanh lam, ôm Phật mẫu khỏa thân màu da trắng.
Phật phụ tượng trưng cho từ bi ôm lấy Phật mẫu tượng trưng cho trí tuệ, là biểu tượng của sự kết hợp giữa từ bi và trí tuệ bởi khỏa thân tượng trưng cho tính không.
Như vậy, theo phật giáo cổ đại, bức tượng một cô gái ôm đức phật hoàn toàn không có ý nghĩa dâm dục mà chính là hiện thân của Phật phụ Phật mẫu Phổ Hiền Như Lai Vương (Samantabhadra, Samantabhadri).
Mời bạn đọc cùng chiêm bái một số hình ảnh của Phổ Hiền Như Lai Vương được đăng tải trên trang web chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và ảnh Sự hợp nhất giữa Tính không và Tâm linh trong sách Tây Tạng sinh tử kỳ thư:

Sự hợp nhất giữa tính không và tâm linh (trích Tây Tạng sinh tử kỳ thư)

Phật phụ Phật mẫu Phổ Hiền Như Lai Vương (trích Tây Tạng sinh tử kỳ thư)


So sánh Thiền định vô tướng và Thiền định hữu tướng trong quá trình tìm kiếm sự giải thoát (trích Tây Tạng sinh tử kỳ thư)







Thanh Ngọc - Tùng Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét