Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Nhựt hành của người tại gia tu Phật

Những điều làm cho chúng ta bất tịnh không phải là sự ăn thịt (ăn mặn), mà là lòng oán hận, không tiết độ, ngang ngạnh, mê tín, gian xảo, tật đố, kiêu căng, xu hướng theo kẻ bất chánh.
Vấn: Tu cần phải ăn chay không?

Đáp: Ăn cách nào tu cũng được, tùy duyên mà ăn cho vừa đủ sức lực đặng sống để hành đạo cho tinh tấn. Ăn chay mà thân thể xanh xao, tinh thần bạc nhược thì rất hại; đường tu đạo đã không được tiến hóa mà còn phải thối chuyển, trở ngại cho sự tu hành. Ăn chay như thế, thà là ăn mặn, ăn theo câu "ăn mà sống, chứ không phải sống mà ăn", phải nguyện cữ ba món kể sau nầy, dầu không ăn nó mà phải chết, cũng chẳng nên ăn:
1- Thú mà người cố ý giết để cho ta ăn, và ta nghe tiếng nó kêu la.
2- Thú mà người cố ý giết để cho ta ăn và ta đã thấy nó bị giết.
3- Thú mà ta biết hoặc nghi người giết cố ý để cho ta ăn.
Ba thứ thịt ấy gọi là "Tam Tịnh Nhục".
Dưới đây, tôi xin trích soạn mấy điều xin của thầy Đề-Bà-Đạt-Đa (đệ tử nghịch Phật) một ngày kia vào bạch Phật như vầy: Bạch Đức Thế Tôn, cầu xin Đức Thế Tôn nhận chịu mấy lời đệ tử xin sau nầy:
Xin Đức Thế Tôn buộc các Thầy Tỳ-khưu:
1- Phải ở tu nơi rừng đến trọn đời.
2- Phải khất thực mà ăn đến trọn đời.
3- Phải ăn chay đến trọn đời.
4- Phải mặc y bằng vải dơ lượm được đến trọn đời.
5- Phải tu gần cội cây đến trọn đời.
Phật bèn đáp: "Đề-Bà-Đạt-Đa nầy! Như Lai không thể thuận theo lời của người xin đó đâu. Các Thầy Tỳ-khưu được phép:
1- Tu ở rừng, ở núi, hoặc ở chùa.
2- Phải khất thực mà ăn, nhưng khi có thí chủ thỉnh thì được phép đi dự trai tăng.
3- Ăn chay hoặc ăn mặn theo tam tịnh nhục (là ba món đã kể trên).
4- Phải mặc y may bằng vải lượm được, nhưng khi có thí chủ dâng cúng y thì được phép thọ lãnh và mặc.
5- Được phép tu ở tịnh thất.
Sự giải thoát chẳng phải chỗ ăn chay hoặc ăn mặn, mà ở tịnh tam nghiệp là:
Thân: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.
Khẩu: Không nói dối, không chửi rủa, không đâm thọc, không nói lời vô ích.
Ý: Không tham, không sân, không tà kiến.
Ăn chay mà thân khẩu không lành, ý chứa gươm đao, giới luật không giữ thì đâu gọi là ăn chay. Chay là lành, là trong sạch toàn cả thân, khẩu, ý.
Trong Phật học đại tự điển có giải rằng: Trai giả, khiết giả, trang giả, cung gia, Chữ trai ấy nghĩa là: sạch vậy, nghiêm vậy, kỉnh vậy. Tẩy tâm viết trai: rửa lòng trong sạch gọi là trai vậy.
Ông Pierre Salet, dịch giả cuốn "Les paroles du Bouddha" có trích diễn câu này: "Ce qui nous rend impur, ce n’est pas manger de la viande, mais c’est la haine, l’intempérance, l’entêtement, la bigoterie, la fourberie, l’envie, l’orgueil, la complaisance pour les hommes injustes".
Nghĩa là: "Những điều làm cho chúng ta bất tịnh không phải là sự ăn thịt (ăn mặn), mà là lòng oán hận, không tiết độ, ngang ngạnh, mê tín, gian xảo, tật đố, kiêu căng, xu hướng theo kẻ bất chánh".
Tỳ khưu Hộ Tông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét