Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Hiện tượng mê tín dị đoan cần được loại bỏ

Ở Tú Lệ (Yên Bái), người Thái vẫn tắm như thế này.
Từ lâu, người ta vẫn truyền nhau câu chuyện về ma cà rồng ở vùng cao Tây Bắc. Cứ ngỡ, đó chỉ là những câu chuyện "bịa” từ lời truyền miệng của thầy mo Tày, Mông, Dao, nhưng đến hôm nay ma cà rồng vẫn là nỗi ám ảnh lớn trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao.

Trong câu chuyện cổ của người Tày ở Bảo Yên (Lào Cai), chúng tôi được nghe kể về sự tích ma cà rồng. Theo lời kể của các nghệ nhân người Tày ma cà rồng thực chất là vía của một nhóm người biến thành. Người ta quan niệm loại ma này không làm cho người chết được, nhưng khi nó nhập vào người nào thì người đó bị ốm yếu, đau đớn triền miên, gia đình đó sẽ khuynh gia bại sản.
Câu chuyện cổ không ngờ lại có sức ám ảnh lớn trong cuộc sống của đồng bào đến như vậy. Theo số đông người Tày ở Nghĩa Đô, Bảo Yên (Lào Cai) thì việc ma cà rồng bắt vía và nhập vào người khác vẫn là chuyện xảy ra thường ngày ở đây, gia đình nào có "truyền thống” làm ma cà rồng thì đời đời kiếp kiếp truyền cho nhau. Những chi tiết như người "ma” thèm máu tươi, thèm ăn thịt trẻ con, nhập vào gái đẹp vẫn được người ta kể một cách rất chi tiết. 
Một người Tày ở bản Nà Khương cho biết, vào những ngày vợ anh sinh nở, tối đến thấy chó sủa liên hồi và tối nào cũng như vậy. Đoán biết chắc chắn đó là ma cà rồng đang thập thò và rình rập ngoài cổng, nên cả nhà anh đề phòng rất kỹ. Họ chặt cành núc nắc cắm đầy cổng, canh phòng cẩn thận quanh giường của cháu bé. Không chỉ riêng gia đình này mà những nhà có người mới sinh con đều trông coi rất cẩn thận như thế. Tại gia đình bà Hoàng Thị Mai ở bản Đáp, ông chồng bị sét đánh chết, sau khi mai táng tại khu đất của dòng họ được mấy hôm bà lên kiểm tra thấy mộ bị bới tung một góc. Bà cho biết, đó chính là hiện tượng ma cà rồng muốn bới lên lấy xác chồng bà ăn thịt, nhưng do đào sâu chôn chặt nên trong một đêm nó không thể đào lên được. Câu chuyện này càng làm cho người dân ở khắp các bản trở nên hoang mang, không chỉ diễn ra ở các gia đình mà ma cà rồng còn ám ảnh cả những thiếu nữ là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Ở vào lứa tuổi vị thành niên, giai đoạn mà tâm sinh lý đang biến đổi rất phức tạp thì theo người dân ở đây, ma cà rồng rất hay "bắt vía” và làm cho các cô gái dở điên dở dại, khó chữa được. 
Đó là câu chuyện của em học sinh Hoàng Thị Đào ở bản Nà Uốt, học sinh trường THPT số 3 Bảo Yên. Cách đây 3 năm, em là học sinh lớp 11 và là một thiếu nữ Tày xinh đẹp. Nhưng rồi một ngày, khi đang ngồi học trên lớp, cô giáo và các bạn trong lớp học thấy Đào tự nhiên cười phá lên. Rồi cứ thế, em cười liên tục mỗi khi mọi người gặp và hỏi han. Không những thế, mắt Đào còn trở nên sắc hơn, lấm lét nhìn mọi người xung quanh mà không nói câu gì. Từ những tín hiệu đó, gia đình Đào kết luận và báo với nhà trường rằng, Đào chính thức bị ma cà rồng "nhập”. Gia đình quyết định xin nhà trường cho em tạm ngừng học để nhờ thầy về "bắt ma”. Khi mời được thầy cúng được coi là " cao thủ giải bùa ở bản Tày” về, gia đình phải rất tốn kém chuẩn bị đồ lễ mang đến tận sân trường để "giải”. Phải mất 3-4 lần thầy cúng ra tay, bệnh "cười” của Đào mới thuyên giảm, nhưng sau đó, em không tiếp tục tới trường nữa. 
Có rất nhiều câu chuyện tương tự xảy đến với các gia đình người Tày ở Nghĩa Đô. Trong cuộc sống đời thường, người Tày nơi đây vẫn "nơm nớp” lo sợ việc sẽ bị ma cà rồng "bắt vía” rồi làm cho khuynh gia bại sản lúc nào không biết. Bởi theo họ, ma cà rồng cũng như người thường khó mà phát hiện được nếu không biết nguồn gốc và tổ tiên họ như thế nào. Họ chỉ cần động vào người mình thôi là "vía” ma cà rồng nhập vào "vía” mình mất rồi. 
Cũng từ đó, ở các bản người Tày, xuất hiện ngày càng nhiều các "cao thủ” giải bùa một cách chuyên nghiệp. Họ được mời đến cúng và đuổi ma cho những gia đình có nghi đoán là bị ma ám. Và tiền của, gà lợn của dân cứ thế mà cung tiến. 
Thiết nghĩ, chính quyền, Mặt trận và các ban ngành đoàn thể cần lưu tâm hơn đến vấn đề này. Cần tuyên truyền, vận động để người dân hiểu một cách khoa học, bớt đi những lo âu không đáng có. Nếu đồng bào vững tâm hơn và xua đuổi ý nghĩ về ma cà rồng ra khỏi đầu mình, tin chắc rằng nỗi ám ảnh của ma cà rồng cùng những hệ lụy khôn lường của nó sẽ không còn. 
Nậm Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét