Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ không ăn chay?

Hành động ăn thịt, cá của Thượng Sĩ nhằm mục đích đả phá quan niệm sai lầm rằng ăn chay là đủ để thành Phật của Hoàng Thái Hậu.
Ngài là bậc giác ngộ, tâm đã bình đẳng, đã thoát ra khỏi qui luật của thế giới hiện tượng tương đối, mọi sự việc xảy ra trong đời đối với ngài chỉ còn là câu truyện trong giấc mộng đêm qua...
HỎI: Có người xem lịch sử Việt Nam thấy Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ, là một vị giác ngộ, thầy của vua Trần Nhân Tông, sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm cũng ăn mặn nên nói rằng ăn chay không cần thiết. Lý này là thế nào? Có phải Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ ăn mặn không?
ĐÁP: Theo sách Thiền Sư Việt Nam [1] thì Tuệ Trung Thượng Sĩ là một cư sĩ thọ Bồ Tát Giới, thầy của vua Trần Nhân Tông, sáng tổ Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, do đó không có ý gì nghi ngờ về việc ngài ăn mặn hay ăn chay vì trong 10 giới trọng và 48 giới khinh của Bồ Tát Giới có giới cấm sát sinh (giới trọng thứ nhất), giới cấm không được ăn tất cả thịt của mọi loài chúng sinh (giới khinh thứ 3), và giới cấm cất chứa những khí cụ sát sinh (giới khinh thứ 10).
Việc ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ ăn mặn là nhân một bữa tiệc do em gái ngài, Hoàng Thái Hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, thiết đãi khách quí trong hoàng cung. Mặc dù trên bàn tiệc có cả thức ăn chay và thức ăn mặn, nhưng ngài vẫn điềm nhiên ăn thịt cá. Thái Hậu thấy lạ mới hỏi:
- Anh tu thiền mà ăn cá thịt thì thành Phật sao được?
Ngài cười đáp:
- Phật là Phật, anh là anh. Anh không cần làm Phật, Phật không cần làm anh.
Có nhiều nghi vấn và giải thích về việc này. Một trong những lời giải thích cho là hành động ăn thịt cá của Thượng Sĩ nhằm mục đích đả phá quan niệm sai lầm rằng ăn chay là đủ để thành Phật của Hoàng Thái Hậu, ý ngài muốn nói sự tu tâm mới là điều quan trọng. Ngài là bậc giác ngộ, tâm đã bình đẳng, đã thoát ra khỏi qui luật của thế giới hiện tượng tương đối, mọi sự việc xảy ra trong đời đối với ngài chỉ còn là câu truyện trong giấc mộng đêm qua, mọi hành động của ngài đều là tùy duyên phương tiện tháo đinh nhổ chốt cho chúng sinh còn kẹt mà thôi.
Thư viện Hoa Sen
Chú thích:
1. HòaThượng Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, in tại Hoa Kỳ 1995. Trang 256. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét