Thiệt căn lìa vị trần qua giữa ngày, nên nói chẳng ăn phi thời.
Giải rằng: Phi thời ấy, là qua giữa ngày rồi, phi phần buổi của nhà tăng ăn vậy. Chư thiên ăn buổi sớm, Phật ăn giữa ngọ, súc sanh ăn sau giờ ngọ, quỷ ăn ban đêm, chúng tăng nên học theo Phật, chẳng ăn quá giờ ngọ.
Đại Luật nói “Phi thời ấy có hai phần ngằn. 1- Rằng mặt nhựt quá giữa ngày; 2- Là ánh sáng của mặt trời chưa rạng đông”. Lại nói bóng mặt nhựt đã trịch qua tây chừng một sợi tóc, sợi chỉ, tức gọi là phi thời.”
Nay đây nói nhựt ngọ đó, là thuận theo lời ở phương đây, chính nơi kinh luật thì nên nói là nhựt trung mới đúng. Do vì, với giờ ngọ có chia làm tám khắc. Bốn khắc trước gọi là “chánh thời” bốn khắc sau gọi là “phi thời”. E người ta hiểu lộn xộn, nên chẳng nói chữ ngọ, mà nói chữ Trung.
Khởi thế nhân bổn kinh nói “ô -phô-sa-tha, dịch tăng trưởng, nghĩa là người thụ trì trai pháp đây, được tăng trưởng căn lành. Như Phật dạy “Dùng cái sự qua giữa ngày cẳng được ăn, làm nghĩa chay.”
Như kinh Tỳ -la Tam-muội, lấy bữa “ngọ thực” là pháp thực.
Vua Bình Sa hỏi “Bạch Phật, cớ sao Phật ăn bữa giữa ngày?”
Phật đáp “Sáng sớm dậy, chư thiên ăn, mặt nhựt đúng ngọ là bữa ăn của chư Phật ba đời, mặt nhựt xế qua tây là súc sanh đi ăn, mặt nhựt về chiều tối là quỉ thần đi ăn; Như Lai nay muốn dứt cái nhân sáu thú, khiến cho chứng vào cái đạo lý trung bình, nên mới chế ra bữa ăn của chư tăng đồng với chư Phật ba đời.”
Sở dĩ Như Lai hằng ở nơi đạo lý trung bình, từ giáng sanh xuống cung vua, cho đến lúc Niết -bàn, thời gian đó, chưa hề ăn nuốt phi thời.
Đời nay, các học giả lại có chia ra là Thiền, là Luật. Bên phe Thiền thì tự gọi là không câu chấp chi cả, mặc ý giờ nào ăn nuốt cũng được, thì ra buông lung không biết thẹn, ăn mãi không luận ngày đêm. Chớ đâu có biết: Thiền là tâm của Phật. Luật là hạnh của Phật,cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa, thảy đều đồng học!?
Nên Luật Bổn nói “Đã đồng học một thầy, như nước hợp với sữa”. Đó, đã đồng học một giáo pháp của Như Lai đại sư thì đâu đặng phân ra là Thiền, là Luật, hòa hợp như nước lẫn sữa, há khá chê bai lẫn nhau?
Lại, Giới tỷ như cơm áo với người, phi cơm áo thì sanh mạng của người đâu sống! Thiền mà không Luật thì huệ mạng của tăng đâu còn! Nên Đại Luật nói: “Tạng Tỳ -ni đó, là mạng sống của Phật pháp, hễ chúng tăng còn giữ giới luật, thì Phật pháp cũng sống còn!” Nên khi sắp vào Niết -bàn, đức Như Lai hãy còn nằng nằng trối dạy, khiến các Tỳ -kheo nương nơi giới luật là thầy (Phật). Tổ Ca -diếp vâng giữ trọn đời, giữa ngày ăn một bữa, Tổ Tổ truyền giữ, chưa hề có Tổ nào hủy giáo diệt luật. Nếu học giả mà được thấõy hiểu hơn Như Lai, đức hạnh vượt Ca -diếp, thì mặc ý hủy đó diệt đó; còn như chưa được như thế, thì mau mau biết đổi, chớ há có lẽ nào, ngộ được tâm của Phật Tổ, mà lại hủy cái hạnh của Phật Tổ ư? Tỷ như đọc sách của đức Khổõng Tử, mà lại chê lễ của đức Khổng Tử? Kẻ thế Nho còn chẳng nỡ làm như thế! Huống chi con nhà Thích tử học đạo xuất thế, mà lại nhẫn tâm chê Luật giáo của Thích Tôn sao!?
Quỉ đói nghe tiếng chén bát, thì trong cuống họng lửa nghiệp nổi cháy! Nên bữa ăn ngọ, còn phải giữ vắng lặng thay, huống lại quá ngọ mà còn ăn ư?
Yên: cuống họng. Bởi người mà quá ư tham ăn bón rít, nên sau khi chết, đọa trong ngạ quỉ đạo (đường ma đói), cuống họng nhỏ như trôn kim, bụng lớn bằng cái trống chầu, thường bị cơn đói khát ép ngặt! Nếu nghe đâu tiếng chén bát bị người khua, thì trong họng cổ nó phực lửa ngọn ra tự đốt cháy luôn cả miệng bụng!
Với trước giờ ngọ, tuy phi thời ăn của ngạ quỷ, mà hãy còn phải giữ vắng lặng, không cho chúng nghe tiếng bát, nổi lửa nghiệp, mà phải chịu cái khổ đốt cháy! Huống là sau giờ ngọ chính là giờ ăn của ma đói, lại khiến cho chúng nghe tiếng bát, thấy đồ ăn, tức nhiên trong bụng ngoài thân đều bị lửa nghiệp đốt cháy! Thích tử lòng từ, nỡ nào làm cho kia chịu khổ, mà Thích tử tự nhiên an tâm ăn ư!?
Thế nên, hai thời (bữa) cháo cơm, còn thí thực chú nguyện, khiến kia được ăn, huống chi phi thời ăn nuốt, khiến cho chúng sanh khổ! Cả hai trái hẳn tâm của Bồ -tát, cũng phi hạnh lành của Thích tử nữa!
Xưa có vị cao tăng, nghe ông sư ở phòng gần, sau giờ ngọ còn nhúm lửa, bỗng chốc rơi lệ khóc, vì thương pháp Phật suy tàn!
Nhen lửa là chữ soán; lên hơi là chữ xuy; nghĩa là nổi lửa để nấu đồ ăn vậy.
Thuở xưa, ngài Pháp Huệ thiền sư, trụ trì ngôi chùa tại huyện Nghiệp, thuộc tỉnh Hà Nam, nghe vị Tỳ -kheo ở bên liêu gần, sau giờ ngọ còn đốt lửa nấu ăn, Thiền sư tự nghĩ: Cách Phật đã hằng xa, người xuất gia phần nhiều chẳng giữ giới luật, nhân thương hại cho Phật pháp đã suy tàn, bất giác sa nước mắt thấm bâu!
Người xuất gia đời nay, đã không cái tâm hộ pháp như bực hiền xưa, mà lại còn sanh lòng hủy chê, lì quen không thẹn được sao?
Đời Tống, vua Huy Tôn nghe lầm lời yêu mị của đạo sĩ tên Lâm Linh Tố, đổi đạo Phật làm đạo Tiên, có Ngài pháp sư hiệu là Vĩnh Đạo, dâng sớ can gián, vua cả giận, bắt Vĩnh Đạo giam vào ngục khai phong. Quan thái thú đất Thung Lăng bảo Sư rằng “Đạo sư nhân ăn rau quả, vả lại không quá giờ ngọ chi cho lắm cũng phi trọn kế để sống, thôi, chi bằng ăn ngũ vị tân và thịt cá còn hơn!” Sư mỉm cười nói “Chết thì ta chịu chết, chớ với điều Phật cấm, ta chẳng dám phạm.”
Lại, đời Đường, pháp sư hiệu Ngộ ân, tự Tu Kỷ, đương thời ai ai cũng xưng tặng là Nghĩa Hổ! Hằng ngày chỉ ăn một bữa, không rời y bát, chẳng chứa của cải, với bữa cháo sớm mai, đích thân xem có ánh rạng đông mới ăn. Mỗi lễ Bố -tát, đại chúng hội họp, lệ dầm dề sa xuống! Bởi nhớ trong kinh Đại Tập có lời rằng: “Những Tỳ -kheo không giữ giới đầy dẫy cõi Nam -diêm-phù-đề.”
Người nay vóc yếu nhiều bịnh, muốn hằng hằng ăn hoài, hoặc có người không thể giữ được giới đây. Nên cổ nhân khen bữa ăn chiều là phương dược thạch, là ý nghĩa dùng làm lành bịnh đói. ắt thế, biết trái lời Phật chế, cả sanh lòng biết hổ thẹn, nghĩ đến ngạ quỷ bị khổ, thường làm việc bi tế, chẳng nên ăn nhiều, chẳng biết ăn ngon, chẳng yên tâm ăn, ngõ hầu mới được vậy!
Sộc: năng. Dược thạch: người xưa chích kim, đốt lá ngại diệp trị bịnh thì dùng bằng đá; đời nay thì dùng bằng sắt, để còn cái dấu tích đó, nên nói là dược thạch. Lại năm thứ đá, đều có thể trị bịnh được, nên cũng kêu là dược thạch.
Người xưa khen bữa ăn chiều là dược thạch đó, bèn là các Tổ đức xưa, quan sát theo căn cơ, chỉ quyền tạm cho một thời đó thôi;Đều rằng ắt biết trái lời chế sắc minh bạch của Phật, thì chẳng nên chấp quyền mà quên thực, cho là cái quy tắc thường đồ. Y pháp chẳng y người, mới là Phật tử có chánh kiến!
Do ắt biết trái Phật chế, nên cả sanh lòng hổ thẹn! Do vì hổ thẹn, nên chẳng an ý để ăn! nhớ ngạ quỷ bị khổ, nên thường hành thương giúp. Do vì thương giúp, nên với bữa ăn lòng chẳng an ý biết ngon, lại bớt phần thí kia, nên chẳng ăn nhiều!
Như có bịnh nặng, phi hơi thóc thì chẳng điều trị được, thầy thuốc bảo ăn, thì cho phép phải ở chỗ vắng mà ăn, khi lành bịnh rồi,liền phải thôi dứt hẳn! Huống bịnh đã lành mạnh rồi, vẫn còn có cao đơn hoàn tán.
Với khi có bịnh, Như Lai cho uống nước nhựa của năm thứ trái, tám thứ tương, đường, mật, sữa, dầu, thế cũng đủ để lành bịnh được, còn dùng chi đến vật phải nhai ăn, riêng trái lời Phật dạy, tự vời lấy tội khốn!?
Nên Tổ Thiên Thai than rằng: “Vì bịnh nên phá giới thứ chín nầy, như phá cái đãy nổi! Tiếc cái thân máu mủ tanh hôi, mà phá cái pháp thân thanh tịnh!”
Kinh Xứ Xứ chép lời Phật dạy: “Giữa và sau giờ ngọ chẳng ăn, được phước có năm điều: 1- ít dâm dục; 2- ít buồn ngủ; 3- Được nhứt tâm. 4- ít hạ phong (địt); 5- Được thân an lành, cũng chẳng xuông bịnh”.
Đã rằng an lành, lại chẳng sanh bịnh, thì khi có bịnh, chính phải răn đấy!
Người xưa nói: “Họa từ miệng ra, bịnh từ miệng vào”.
Nên Đại Luật nói: “Tỳ -kheo có bịnh, liền khiến dứt ăn, hạn đến lành bịnh làm chừng, gọi là thuốc thiên nhiên”. Vậy khi có bịnh, khi không bịnh, thường phải quan sát cái thân đây, nó là cái gốc sanh, lão, bịnh, tử, cái nguồn các khổ, rất phải trách mình, hạn chế bớt tình dục, sao lại buông ái căn kia, tự thêm gốc khổ!
Nên sách Pháp Uyển nói: “Chỉ thương vì cái vô thường, khổ, không, nhớ cái khốn, sanh, lão, bịnh, tử, hằng đêm xót điều khổ treo ngược những đắm chìm trôi sa sụp, nghĩ mà đau thương, cũng rất khá sợ! Thế mà, chẳng sợ tai ương lụy kiếp? Chỉ lo sanh mạng một thân! Sở dĩ ăn no ngủ kỹ, khác nào heo, chó; phá trai ăn đêm, không khác quỉ ma! Thế nên thí chủ mất cái phước phải thời, chúng tăng tổn giống lương điền!
Gần đây, thấy kẻ đạo người tục, nghe trong luật mở ra cho uống nước nhựa của các thứ trái; đó rồi, liền bèn ăn nước nhựa của trái táo khô (Dầm lấy nước uống), hoặc với trái lê sống, trái nho tươi, trái lựu chín, chẳng đâm lấy nước uống, mà lại ăn luôn cả hột;hoặc có dầm lấy nước nhựa, mà chẳng lóng trong, nhè lấy nước cặn đục, vớt xác ăn luôn. Hoặc có người nghe luật mở cho uống nước nhựa Xá -lâu-già, để giải bịnh nhiệt, đó rồi bèn lấy ngó củ sen ăn sống. Hoặc có người lấy nước cơm mà uống; hoặc có người không đói khát, phi thời ăn uống sữa, dầu, mật, đường phèn… hoặc có người lấy quả hạnh nhân, chưng cho nước thành keo mà uống. Như thế lộn xộn chẳng một, không thể kể cho hết đặng!
Như hoặc chẳng vậy, mắc tội càng nặng!
Di: lớn, lắm; như hoặc chẳng vậy ấy, nghĩa là không bịnh mà gá rằng bịnh; bịnh nhẹ mà dối rằng bịnh nặng. Lại, chẳng sanh lòng biết hổ thẹn lớn… Mà hủy cấm giới của Phật để ăn, thì mắc tội chẳng nhẹ! Nên nói càng nặng.
Gần đây, có A -sư chẳng hiểu luật dạy, tự bảo là có bảy sự nhân duyên, được ăn phi thời, rằng khi có bịnh, khi chế tác y phục, khi bố thí y phục, khi đi đường, khi đáp tàu, khi đại chúng nhóm họp, và khi Sa -môn thí thực.
Nhưng, nguyên bảy sự đây, chế ra về “giới biệt chúng thực”, mà mở ra cho trước giờ ngọ, có bảy duyên ấy, được phéựp riêng chúng mà ăn; chứ chẳng phải rằng sau giờ ngọ được ăn đâu. Vả lại, bảy sự ấy chẳng hơn gì với giới “phi thời thực”, vì khác xa nhau lắm. Luật đã có câu văn viết rõ ràng, sao chẳng xem xét?
Với 250 giới tướng, còn tự chẳng biết, mà xưng là Tỳ -kheo đó, đâu chẳng hổ ru!? Đã lầm cho mình, lại lầm lây cho người nữa, thì tội lỗi chẳng nhỏ đâu!?
Thuở xưa, ngài Phó Đại Sĩ là hóa thân của đức Di -lặc, mỗi kỳ vào nhà thanh trai, trọn ngày đó không ăn, lại giảm phần cơm của mình, để thí cho kẻ nghèo đói.
Người đời nay, ngày ăn no hai bữa, hãy còn chẳng biết xấu! Nếu trái với điều Phật chế, chẳng trông gương Tổ đức, không nhớ kẻ thiếu hụt, thì đâu được gọi là hảo tâm xuất gia!?
Hoặc có người nói “Tổ Vĩnh Gia bảo “Bực đại ngộ, chẳng câu nệ nơi tiểu tiết”, như vậy, thì đâu phải ở nơi mọn mọn mà hành trì?”
Đáp: Đấy là chỉ rõ về chỗ lý thực tế, chẳng chịu một mãy gì, rất đổi với chân như Phật tánh, còn chẳng lập thay, huống là tiểu tiết kia ư?
Như nói “Với phòng dâm, quán rượu, đâu chẳng là thanh tịnh đạo tràng (chùa)”. Đó là đứng về mặt lý tánh mà nói; dẫu chấp về sự tướng mà nói bướng như thế, thì vào địa ngục mau như tên bắn.
Kìa, đức Ca -diếp kiết tập luật, còn chẳng dám bỏ những giới vi tế thay, thì sao ông dám nói là chẳng câu nệ? Nếu là người bực thượng thượng căn, với sự sự đều được không ngại, thì giữa muôn sự cũng chẳng bỏ một pháp nào, thế lại còn có tiểu tiết gì mà thất câu nệ ư?
Hoặc nói: Có hai thầy Tỳ -kheo phạm dâm và sát, ông ưu -ba-ly kết thêm tội, ông Duy -ma liền dứt nghi. Đấy lại thế nào?
Đáp: ấy là chỉ rõ về cái điều vô tâm phạm giới vậy. Nguyên hai vị Tỳ -kheo kia, cùng ở chung thảo am trên núi. Bữa nọ, một ông ra ngoài dạo núi chơi; một ông ở nhà ngồi thiền rồi nằm ngủ muồi mẫn… Nhưng đương bấy giờ có tiều nữ vào am kiếm nước uống,thấy vậy, trộm phạm tịnh giới của ông, khi ông giựt mình thức dậy, biết thế, tự tâm chẳng yên! Kế ông ra ngoài trở về, ông ở nhà kể bày việc trên, ông kia liền giận, rượt đuổi tiều nữ, tiều nữ sợ chạy sa xuống hầm suối mà chết!
Nói rồi hai ông đều ôm lòng lo buồn! Vì một đàng bởi vô tâm mà bị phạm dâm, một đàng bởi vô tâm mà bị phạm sát. Do ban đầu Như Lai kết giới, chưa chế ra điều “Vô tâm thì chẳng phạm”. Nên ngài ưu-ba-ly cứ theo tội mà kết tội, nếu mà hữu tâm, thì mắc nghiệp đọa A-tỳ liền! Dầu cho có đặng làm pháp Yết-ma sám hối đi nữa, thì chỉ khỏi đọa địa ngục mà thôi chứ hiện đời đâu được chứng quả ngộ đạo. Đó, nếu lấy điều dâm, điều sát cho là tiểu tiết, thì chẳng biết còn lấy điều gì làm đại giới ru?
Hoặc nói ngài Dõng Thí xét tội tánh trọn chẳng khá đặng, liền qua phương đông, chóng thành quả chánh giác, đó, sao lại nói hiện đời chẳng đặng chứng quả ngộ đạo?
Đáp: Dõng Thí chính là Bồ -tát tái lai thị hiện, khiến cho đời sau những người làm lễ sám hối, phải hiểu thấu tội là nó không có tự tánh, tức là nó không thực có, chỉ mê vọng mà thôi, tâm không pháp không, thì tội do đâu có, xét hiểu như thế, là diệt được căn bản của nghiệp. Ví dẫu Ngài phi bực tái lai, thì đâu có thể thành Phật chóng thế. Nên có kinh nói “Nhiều kiếp đã làm tiên nhẫn nhục”, đó là rõ ra rằng chẳng phải chỉ một đời hiện tại đó đâu.
Như hoặc chưa được vậy, xin tự xét lại mình coi. Chư Phật có vô lượng thần thông diệu dụng, còn ông nay thì trăm phần không có một khả năng nào, thế, do đâu liền thành quả chánh giác? Đối với sự, lý, tánh, tướng, mắt chạm đến đâu là lù mù đến đó, thế, làm sao chẳng câu nệ tiểu tiết? Tham sân đầy bụng, chấp nhân chấp ngã lấp hông, chưa có thể nghe lời chê như uống vị cam lộ, thế do đâu chóng vào cảnh giới bất tư nghì?
Há chẳng nghe thừa, giới đều cần cấp, tỷ như chim có hai cánh, bay luyện chốn Tiêu Hán, trên gió phù diêu muôn dặm, đặng không khoái ru? Nếu như một phen quấy sanh điều hiểu tà, tức sa vào chỗ trống không, bát bỏ lý nhân quả, thế gây bởi tâm, họa vào thân!Hoặc như chẳng tín, nên xem văn dưới.
Ôi há chẳng răn sao?
Đại Luật nói “Các Sa -môn Thích tử, thà chịu cái khổ tự mổ bụng mình, chớ nên ăn đêm!”
Kinh Sa-di ni giới nói “Nếu quá nhật trung rồi, mà dẫu cho các vị quốc vương, trưởng giả đem vật thực cúng thí đi nữa, cũng chẳng đặng ăn, thà trọn nhịn đói mà chết, chớ chẳng phạm đến giới thứ chín đây vậy!”
Kinh Đại Thừa Liên Hoa Tạng nói “Người mà đã thụ lãnh cấm giới của Phật rồi, nếu chẳng làm gương để hộ trì cho tương lai, lại cùng nhau đều nói rằng “Ta đây là y theo pháp Đại thừa”, thế là dường như ở trong đêm tối! Hoặc đều tự nói với nhau rằng: “Ta đây đã đắc Phật pháp”, thế là phải đọa địa ngục thiếc tương (tấm cà -sa bằng sắt)! Sau khi ra khỏi địa ngục, lại sanh làm người câm, ngọng, điếc, đui, không thấy chánh pháp”.
Lại, kinh Xá -lợi-phất chép lời Phật dạy: “Nầy, Xá-lợi-phất! Người ăn phi thời, là người phá giới, là người phạm giới trộm, là người bị bịnh lác sói đầu, chớ chẳng phải xuất gia thụ giới thế độù cạo tóc! Vì phá hoại quả lành, phi đệ tử của ta! Vì trộm pháp lợi của ta, như là trộm danh, trộm cơm một vắt, một vốc, chút muối, chút tương, chết rồi đọa địa ngục đốt ruột, nuốt huờn sắt nóng! Từ địa ngục ra, sanh trong loài heo chó, ăn đồ bất tịnh, và sanh làm loài chim quái gở, xú ác, ai cũng ghét tiếng nó kêu! Sau sanh làm ngạ quỷ, trở lại trong vườn chùa, ở nơi nhà xí, ăn nuốt phẩn uế, cả trăm ngàn muôn năm! Lại sanh trong loài người nghèo hèn cùng khốn, ai cũng chán ghét! Có nói năng lời chi, người ta chẳng tin dùng!
Thế chẳng thà ăn trộm tài vật của một người, tội hãy còn nhẹ, còn ăn phi thời là cướp đoạt ruộng phước giống lành của nhiều người,là dứt đứt con đường giải thoát ra khỏi thế gian, là kẻ giặc cướp lớn, tức là quỉ đói, tức là làm cái ổ hang tội!
Người mà ăn bữa chánh thời đó, tức là ruộng phước, tức là xuất gia, tức là bạn lành của nhân thiên, tức là Đạo sư của trời và người; như lời Phật nói đã dẫn trên đó, khiến người lông xương rởn ốc! Sao vì cái ăn một bữa phi thời đó, mà để nhiều khốn lụy đến thế!?
Phàm là người có trí biết suy xét, khá chẳng nghĩ sâu để răn mình ư!
Chú Thích:
Giới phi thời thực: Giới cấm ăn phi thời. Đây là nguyên nhơn mà Phật chế giới Cấm ăn phi thời; giới đây là giới thứ 37 trong 90 Ba -dật-đề của Tỳ -kheo giới. Chung gọi là điều Giới pháp để cấm chẳng cho qua giờ ngọ rồi mà còn ăn nữa. Nguyên nhân như thế nầy.
Luật Ngũ Phần, quyển 8 chép rằng “Phật ở tại thành Vương Xá, bấy giờ Phật chưa vì Tỳ -kheo chế giới phi thời thực, vì chưa có duyên sự. ông Ca -lưu-ñaø-di, ban đêm, ông mặc áo tạp sắc bởi vá nhiều giẻ xen màu, mặt ông thì da đen, tròng con mắt thì đỏ, đêm tối đi khất thực. Cô thí chủ là phụ nữ có thai bưng thức ăn ra dâng, vừa lúc chớp sáng, thấy rất kinh sợ, la rằng quỷ Tỳ -xá-cha (dịch quỷ ăn tinh khí)! Và té, đọa thai! Nhân đó thấu đến tai Phật, Phật bèn kết giới rằng “Nếu Tỳ -kheo ăn phi thời, phạm lỗi Ba -dật-đề”.
Phi thời thực: ăn phi chánh thời. Nghĩa là mặt nhựt qua giữa ngày rồi mà còn ăn. Luật chế làm giới pháp, như “chẳng ăn qua giữa ngày”, trong bát quan trai, và trong 10 giới Sa -di, và “giới phi thời thực” của Tỳ -kheo giới. Số là sự tu hành trong đạo Phật, buộc phải hạn chế cái điều tham muốn ăn vậy.
Phi thời: Luật dùng từ sớm mai đến lúc mặt nhựt đúng giữa ngày gọi là chánh thời, từ mặt nhật đúng ngày, đến phần sau của đêm, là phi thời. Xuất ở bộ Tát -bà-đa Tỳ -bà-sa Luận, cuốn thứ 7.
Ba-la-ñeà-mộc-xoa: Một danh trong ba danh giới luật. Dịch Biệt giải thoát; lại nói Xứ xứ giải thoát. Giới luật của 7 chúng theo chỗ thụ lãnh, đều là nghĩa giải thoát 7 điều ác của thân nghiệp và khẩu nghiệp, mà chọn riêng làm định côùng giới, đạo cộng giới,gọi là biệt giải thoát giới. Có hai nghĩa. 1- Vì giữ giới hạnh, hay khỏi nghiệp quấy, nên gọi giải thoát; 2- Hay đặng quả giải thoát kia, nên gọi là giải thoát.
Huân huyết: Hôi cay máu thịt. Huân là thứ rau hôi mà cay. Thế tục cho rằng ăn thịt là chữ huân; ăn rau là chữ tố. Lại, huân tân là thứ rau quá nồng xẳng. Sách phiên dịch danh nghĩa chép rằng: “Hôi mà chẳng cay là vị a ngùy; cay mà chẳng hôi là gừng với hột kinh giới. Vừa hôi vừa cay là ngũ vị tân”. Kinh Phạm Võng nói “Chẳng đặng ăn ngũ vị tân” Ngũ vị tân là: Hành, hẹ, tỏi, nén, rau hưng cừ (chẳng phải vị hưng cừ trong thuốc bắc là a ngùy), kiệu cũng là một loại với hành, không nên ăn, bởi khí vị, tánh chất cũng cay hôi!”
Nghĩa hổ: Hiểu nghĩa rất mãnh liệt, tỷ như cọp vậy. Sách Thích Thị Yếu Lãm nói “Vị Cao tăng là ngài Đạo Quang, ở đất Giang Đông, nghiên cứu nghĩa lý, người bấy giờ đều xưng tụng Ngài là Nghĩa Hổ.”
Đại Tập: Gọi đủ là Đại Phương Đẳng Đại Tập Kinh. Đại Phương Đẳng là cái danh thông đồng cả Đại thừa kinh. Phật ở trung gian hai cõi Dục giới, Sắc giới rộng nhóm chư Phật Bồ -tát từ mười phương về hội họp, rồi Phật nói ra kinh Đại thừa, gọi đó là Đại Tập Kinh, từ trước đến sau, các pháp sư đều dịch mỗi một bộ phận, không được toàn bổn. Tạng bổn của nước Cao Ly gồm thâu các bộ của các sư dịch lại, hợp thành một bộ có 60 quyển.
Diêm-phù: Cựu dịch là Diêm -phù-ñeà, tân dịch là Thiệm -bộ-châu. Vị trí ở Nam núi Tu -di, tên một châu lớn, tức là chỗ chúng ta ở đây. Diêm -phù, tân dịch là Thiệm -bộ, tên cây; Đề kêu đủ là Đề -bệ-ba, dịch là châu. Chính giữa châu này, có rừng cây diêm phù, nên lấy tên cây đặt tên Châu vậy. Lại, thuộc về phía Nam núi Tu -di, nên gọi là Nam -diêm-phù-đề.
Dược thạch: Dược là phương dược; thạch là phiến thạch. Đều sở dĩ để trị bịnh vậy. Lại, dùng lời nói qui giới để công kích lỗi người, như lấy dược thạch để công trị bịnh người, nhân dùng làm tỷ dụ. Sách tả truyện chép “ông Tang Tôn nói “ông Mạnh Tôn ghét ta, là dược thạch vậy. Nghĩa là tiếng nói kín bữa cháo chiều của Thiền lâm.” Sách Hoàng Thanh Quy nói “Dược thạch là bữa ăn chiều. Tỳ -kheo quá ngọ rồi chẳng ăn, nên bữa ăn chiều gọi là dược thạch, vì lành bịnh đói khát vậy”.
Ngũ thạch: Bạch thạch anh, tử thạch anh, thạch cao, chung nhủ, thạch chi, lại có 5 thứ đá, các tu sĩ bên đạo tiên, luyện ngũ thạch để ăn, làm cái thuật trường sanh. Sách Bảo Phốc Tử nói “Ngũ thạch là đơn sa, hùng hoàng, bạch phàn thạch, tăng thanh, từ thạch”. Bài thơ của ông Khoách Phốc có câu rằng: An kỳ luyện ngũ thạch.
Châm cứu: Chích, đốt. Một phương pháp của cổ nhân để trị bịnh, xét nơi mỗi huyệt, đường kinh, đường mạch của người bịnh, hoặc dùng kim chích, hoặc dùng lá ngại đốt, để cứu trị đó. ông Hoàng đế có bộ kinh châm cứu; Tổ Biển Thước có bài phú châm cứu Ngọc Long; đời Đường có bản đồ châm cứu; đời Tống có bản đồ Đồng Nhân Du Huyệt châm cứu. Đời nay với người được tinh thông phương pháp ấy đã ít có rồi!
Ngũ quả: Năm thứ trái cây, 1- A-tử, 2- Bi ích, giống trái đào, xứ này không có, 3- Dư cam tử, 4- Tất bạc, 5- Hồ tiêu (tất bạt là trái tiêu lốt, hồ tiêu là tiêu hột). Lại, ngũ quả: 1- Hạch quả, như trái táo, trái hạnh, trái đào, trái lý…; 2- Phu quả, như trái dưa, trái lê…;3- Xác quả, như trái hồ đào, trái thạch lựu…; 4- Khoái quả, như hột tùng, hột bách…; 5- Giác quả, như các thứ trái đậu lớn, trái đậu nhỏ, trái ấu… Thấy ở tập danh nghĩa thứ ba, và Vu Lan Bồn kinh Sớ Tân Ký cuốn hạ. Mà trong luật thường kể ngũ quả.
Bát tương: Tám thứ nước nhựa: 1- Trái lê, 2- Hột trái diêm phù, 3- Trái toan táo, 4- Nước cây mía, 5- Trái hủy nhuy, 6- Ngó sen,7- Bà lâu sư, hột của nó giống trái anh áo, xứ này không có, 8- Trái nho; Tám món kể trên, dùng vật ép ra nước lấy đảy lược, đứng trong, chắt nước vào đồ sạch, đợi lóng trong sẽ uống, chẳng đặng nhai nghiến, và chẳng đặng sắc lấy nước uống. Đời nay, người ta lại còn ăn mật cảm lảm, nước ngọt dưa hấu, nước ngọt bí đao (đông qua), sắc củ khoai mài (hoài sơn), hột bo bo (ý dĩ), lấy nước để uống vào khoảng phi thời, rất là phi pháp.
Tô du: Do sữa của bò, dê nấu ra dầu. Nghĩa là đem sữa để vào cái chảo, nấu hai ba dạo sôi, bưng nghiêng trút vào cái bồn để nguội, đóng váng, vớt cái váng ấy sắc nữa ra dầu, bỏ cặn, trút vào nồi, thành tô du. Thấy ở sách Cù Tiên Thần ẩn.
Xá-lâu-già: Nước nhựa ngó sen. Luật Thiện Kiến cuốn 17 nói: Lấy ngó hay là củ của hai thứ sen ưu -bát-la, câu-vật-đầu giã nát, vắt lấy nước, lóng trong gọi là Xá -lâu-già tương.
A-sư: Cũng như a -thùy, a nương: Người nào, nàng nào. A sư: Thầy nào, như nói: ông sư nào đó. Sách Bích Nham Trứ nói: Đa khẩu a sư, thầy nào nhiều miệng thế.
Thanh trai: Kinh Lăng Nghiêm nói: “Ngã thời từ Phật, yên hối thanh trai. Bấy giờ tôi từ giả Phật, ngày Hối Yên nhà thanh trai”. Lời chú: Hối là ngày cuối mỗi tháng âm lịch. Thanh trai là cái thất (tịnh thất). Lại, sách Thích Thị Yếu Lãm quyển hạ nói: Ngày nay, tục lệ của dân, dùng giờ thìn, uống một chung nước, trọn ngày đó không ăn chi cả, gọi là thanh trai.
Thực tế lý địa: Cảnh giới chân như vô tướng. Bộ Hộ Pháp Lục cuốn 6 nói: “Thực tế lý địa bất nhiễm nhứt trần”. Nghĩa là: Chỗ chân tâm không nhiễm một mảy bụi.
Thượng thượng căn nhân: Hạng người trên bực thượng căn. Thượng nhân là người bực thượng đức; nhà Phật gọi trong tâm có đức trí, ngoài thân có thắng hạnh, ở trên cả người, nên gọi là thượng nhân. Mà thượng thượng căn nhân lại còn cao hơn thượng nhân một bực nữa.
Lại, kinh Ma-ha Bát -nhã nói “Người mà nhứt tâm hành A -nậu Bồ -ñeà, tâm chẳng tán loạn, gọi là thượng nhân.” Kinh Niết -bàn cuốn 14 nói “Người bực thượng căn là voi chúa của loài người, như các ngài Ca -diếp Bồ -tát…
Ba-ly Tăng tội kiết: Chứng Đạo Ca chép: “Hữu nhị Tỳ -kheo phạm dâm, sát, Ba-ly hoanh quang tăng tội kiết, Duy-ma đại sĩ đốn trừ nghi, du như hích nhật tiêu sương tuyết: Có hai Tỳ -kheo phạm dâm sát, Ba-ly lửa đốm thêm kết tội, Duy-ma đại sĩ liền dứt nghi,dường như nhựt đỏ tan sương tuyết. Chú: Lửa đốm là tỷ trí của Thanh văn; nhựt đỏ là dụ trí của Phật. Lấy bốn ánh sáng dụ bốn trí,nghĩa là: Sáng mặt nhựt dụ trí của Phật; sáng của mặt trăng dụ trí của Bồ -tát; sáng ngôi sao dụ trí của Duyên giác; sáng lửa đốm dụ trí của Thanh văn.
Tánh tướng: Tánh là tự thể của pháp, ở trong chẳng khá đổi được. Tướng là tướng mạo, hiện ở bên ngoài, khá phân biệt được. Hữu vi vô vi đối nhau, thì pháp vô vi là tánh, pháp hữu vi là tướng. Mà hữu vi vô vi đều có tánh tướng. Tự thể là tánh, còn cái mà biết được nó là tướng. Trí Độ Luận cuốn 31 nói: Tánh là chỉ cho thể; Tướng là nói có thể biết được .
Cam lộ: Tiếng Phạm Amrta (A-mât-rị-đa) dịch Cam lộ, một tên lạ là rượu trời, nước ngon. Mùi ngọt như mật, vật của các trời ăn. Sách Quang Minh Văn Cú cuốn 5 nói: Cam lộ là thuốc bất tử của chư thiên, vì ăn nó là mạng dài thân an, sức mạnh vóc sáng. ông Sanh nói: Món ăn của trời là vị cam lộ, ăn vào thì trường thụ, bèn gọi là thuốc bất tử.
Dũng thí: Kinh nói đời quá khứ có một Tỳ -kheo tên Dũng Thí, phạm bốn trọng tội, muốn được thanh tịnh lấy ba pháp y vắt lên tích trượng, dạo đi, cao giọng hô rằng: Tôi phạm trọng tội, ai chứng cho tôi sám hối? Gặp đức Tỷ -cúc-đa-la tôn giả bảo đem tội lại đây ta sám cho! Dũng Thí tìm xét tội tánh nó chẳng có, rỗng vậy đại ngộ, liền qua phương đông, thành Phật hiệu là Bảo Tướng Như Lai. Nên nói thành Phật rất chóng!
Tiêu hán: Chỗ mé trời. Sách Hậu Hán nói: Khá dùng lên Tiêu Hán ra ngoài vũ trụ.
Phò diêu: trên giữa trời, có thứ gió xoay vần mạnh lắm, các loại chim không thể bay qua được, chỉ có con cá côn hóa làm chim bằng mới có thể lách gió phò diêu, vượt lên muôn dặm. Xuất ở sách Trang Tử. Bằng tức là chim đại bàng.
Lương phước điền: Ruộng phước thiện lương, tức là ngôi Tam Bảo vậy. Do vì cúng dường Tam Bảo, thì phát sanh được vô lượng phước lợi. Kinh Vô Lượng Thọ nói: Thị chư chúng sanh đại lương phước điền.
tangthuphathoc.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét