Chánh ngữ là những lời nói luôn luôn lúc nào cũng ôn tồn, nhã nhặn, dịu dàng, nhẹ nhàng, từ tốn, khiêm cung và lời nói không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh.
Chánh ngữ là lớp thứ ba trong Bát chánh đạo. Vậy Chánh ngữ là gì?
Chánh ngữ có nghĩa là lời nói chân thật, ngay thẳng, không bao giờ nói sai sự thật, lời nói không thiên vị, không xuyên tạc, không nói chuyện phiếm, chuyện tào lao, không nói đùa, nói chơi, nói giỡn cợt, nói móc họng, nói mỉa mai, nói to tiếng, nói tranh luận hơn thua, nói xỉ vả, chửi mắng, nạt nộ, la hét, hù dọa, không nói lời làm cho người khác tức giận, không nói lời làm cho người khác buồn phiền khổ đau, không nói xấu người khác, không đặt điều thêm bớt, không đem chuyện người này nói lại với người kia…
Chánh ngữ còn là lời nói hiền lành lời nói không làm khổ mình khổ người khổ chúng sanh như: không nói lời giết hại chúng sanh, không nói lời xui khiến người giết hại chúng sanh, không nói lời trộm cắp cướp giựt của người, không nói lời xui khiến người khác trộm cắp cướp giựt của người khác, không nói lời dâm dục, tục tĩu.
Tóm lại, Chánh ngữ là những lời nói luôn luôn lúc nào cũng ôn tồn, nhã nhặn, dịu dàng, nhẹ nhàng, từ tốn, khiêm cung và lời nói không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh.
Nếu một mai, chúng ta có lỡ lời nói không Chánh ngữ, khiến cho mình khổ người khác khổ thì chúng ta nhất định phải từ bỏ, không được dùng lời nói đó nữa, nếu chúng ta còn nói lời đó nữa, là chúng ta không phải con người, vì chúng ta đã học Chánh ngữ, thế mà chúng ta còn dùng lời nói làm khổ mình khổ người thì chúng ta là con vật, chứ không phải là con người tu hành. Và vì vậy, mỗi khi nói một điều gì thì chúng ta phải tư duy, suy nghĩ cho kỹ rồi mới được nói, như Đức Phật đã dạy: “Này chư Tỳ kheo, có năm loại ngôn ngữ mà các Người có thể dùng khi nói với người khác:
1- Đúng thời hay phi thời.
2- Chơn thật hay không chơn thật.
3- Nhu nhuyến hay thô bạo.
4- Có lợi ích hay không lợi ích.
5- Với từ tâm hay với sân tâm.
- Này chư Tỳ kheo khi nói với người khác, các ngươi có thể nói đúng thời, đừng nói phi thời.
- Này chư Tỳ kheo, khi nói với các người khác, các ngươi có thể nói lời chân thật, chứ đừng nói lời không chơn thật.
- Này chư Tỳ kheo, khi nói với người khác, các ngươi có thể nói lời nhu nhuyến chứ đừng nói lời thô bạo.
- Này chư Tỳ kheo, khi nói với các người khác, các ngươi có thể nói với từ tâm chứ đừng nói với sân tâm.
Này chư Tỳ kheo, ở tại đây, các người cần phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm, chúng ta sẽ không thốt ra lời ác ngữ, chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với một tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ mọi người với tâm câu hữu với lòng từ. Và với mọi người này là đối tượng của ta, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với lòng từ, lòng quảng đại vô biên, không hận, không sân. Này chư Tỳ Kheo, như vậy các người cần phải học tập”.
Trên đây, Đức Phật nhắc nhở chúng ta giữ gìn lời nói, có năm điều kiện để nói, nếu chúng ta giữ gìn đúng lời dạy trên đây. Đó là chúng ta đang tu học lớp Chánh ngữ.
Chánh ngữ rất lợi ích cho đời sống của chúng ta, nếu chúng ta biết giữ gìn đúng Chánh ngữ như trên Đức Phật đã dạy thì chúng ta đã đem lại cho mình cho người một sự an vui, thanh thản giải thoát dù ở bất cứ nơi đâu.
Thích Thông Lạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét