Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Lớp thứ sáu: Chánh tinh tấn

Sáu lớp này chúng ta chưa thấy Đức Phật dạy ngồi thiền, tụng kinh, lạy sám hối hoặc trì chú, niệm Phật, cúng bái, tế lễ v.v… mà chỉ có dạy chúng ta ngăn ác diệt ác pháp...
Chánh Tinh Tấn là lớp thứ sáu trong Bát Chánh Đạo. Vậy Chánh Tinh Tấn là gì?
Chánh Tinh Tấn là sự siêng năng đúng với chánh pháp, có những sự siêng năng mà không đúng chánh pháp như những tu sĩ và cư sĩ siêng năng “niệm Phật, trì chú, tụng kinh, bái sám, ngồi thiền, v.v…” đó không phải là Chánh Tinh Tấn, mà chính là Tà Tinh Tấn.
Chánh Tinh Tấn mà Đức Phật đã xác định rất rõ ràng là “Tứ Chánh Cần”. Người nào có Chánh Tinh Tấn tức là hằng ngày siêng năng tu tập “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”. Và sự tu tập siêng năng như vậy sẽ mang lại cho họ ngay liền một cuộc sống thanh thản an vui và vô sự.
Cách thức tu tập Tứ Chánh Cần thì quý vị đã học rồi chúng tôi không cần giảng ra đây làm mất thì giờ vô ích.
Người mới bắt đầu tu theo Đạo Phật thì phải tu học và sống cho đúng theo năm lớp: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, nếu đã tu học và sống đúng năm lớp này thì đương nhiên người đó đang tu tập Tứ Chánh Cần, tức là ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp, mà ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện, tức là đang thực hiện lớp thứ sáu trong Bát Chánh Đạo, đó là Chánh Tinh Tấn. Vậy Chánh Tinh Tấn tức là siêng năng tu tập, nhưng siêng năng tu tập cái gì?
Siêng năng tu tập ngăn ác diệt ác pháp tức là siêng năng tu tập: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng.
Trong thiền định của Đạo Phật thì Chánh Tinh Tấn là phương pháp đầu tiên để tu tập thiền định, nghĩa là hằng ngày đi, đứng, nằm, ngồi, nói nín đều ngăn ác diệt ác pháp và luôn luôn sống trong thiện pháp, để giúp cho thân tâm ly dục ly ác pháp, thân tâm ly dục ly ác pháp, thì thân tâm mới thanh tịnh, thân tâm có thanh tịnh thì mới bắt đầu có định, chính từ tâm thanh tịnh này chúng ta mới chính thức đi vào thiền định, Nếu thân tâm chưa thanh tịnh mà vội vàng tu thiền định tức là tu sai tu không đúng như trong Bát Chánh Đạo đã dạy.
Chánh Tinh Tấn tức là Tứ Chánh Cần, Tứ Chánh Cần là một danh từ chỉ chung cho cách thức tu tập của năm lớp trong Bát Chánh Đạo như: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng.
Trong năm lớp này cách thức tu tập theo Tứ Chánh Cần rất rõ ràng.
Ví dụ: Có một pháp xảy đến, trước tiên chúng ta thấy pháp đó không làm khổ mình khổ người, nhưng muốn chắc ăn hơn chúng ta tư duy suy xét pháp đó đúng là pháp thiện, pháp không làm khổ mình khổ người tức là chúng ta tu tập lớp Chánh Tư Duy, khi đã tư duy xong pháp đó chúng mới đưa ra hành động thân, miệng, ý của mình tức là chúng ta tu tập Chánh Nghiệp. Hành động Chánh Nghiệp đưa đến thân tâm của chúng ta được thanh thản, an lạc và vô sự, thân tâm được thanh thản, an lạc và vô sự đó là chúng ta tu tập Chánh Mạng. Như vậy trong sáu lớp của Bát Chánh Đạo chúng ta tu tập được thân tâm thanh tịnh và giải thoát hoàn toàn.
Còn hai lớp nữa là Chánh Niệm và Chánh Định, như vậy có thừa không ? Chúng tôi xin thưa rằng: Đức Phật không bao giờ dạy thừa mà cũng không dạy thiếu, vì Đạo Đế là một chân lý trong bốn chân lý thì không lý nào lại dạy thừa mà cũng không lý nào lại dạy thiếu, vì dạy thiếu người đời sau không biết đâu mà tu tập, còn dạy thừa tu tập mất thì giờ vô ích. Lần lượt chúng ta sẽ tu học trọn hai lớp sau cùng và sẽ thấu rõ tám lớp tu tập của Đạo Phật không thiếu không thừa.
Sáu lớp này chúng ta chưa Thấy Đức Phật dạy ngồi thiền, tụng kinh, lạy sám hối hoặc trì chú, niệm Phật, cúng bái, tế lễ v.v… mà chỉ có dạy chúng ta ngăn ác diệt ác pháp. Lần theo dấu vết của Bát Chánh Đạo chúng ta mới thấy rõ Thầy Tổ của chúng ta tu sai pháp, lạc vào pháp môn của ngoại đạo tà giáo rất rõ ràng.
Thích Thông Lạc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét