Chánh Định là lớp thứ tám của Bát Chánh Đạo, đây cũng là lớp cuối cùng của Đạo Đế. Vậy Chánh Định là gì ?
Chánh Định ở đây có nghĩa là ngưng hoạt động, tịnh chỉ các hành trong thân và tâm. Đức Phật đã xác định Chánh Định là Bốn Thiền tức là Tứ Thánh Định. Trong Tứ Thánh Định này có bốn thiền như: 1-Sơ Thiền, 2-Nhị Thiền, 3-Tam Thiền, 4-Tứ Thiền.
- Muốn nhập Sơ Thiền thì phải tịnh chỉ ngôn ngữ tức là ly dục ly ác pháp.
- Muốn nhập Nhị Thiền thì phải tịnh chỉ tầm tứ tức là lìa sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.
- Muốn nhập Tam Thiền thì phải tịnh chỉ tưởng thức tức là ly hỷ dục tưởng.
- Muốn nhập Tứ Thiền thì phải tịnh chỉ hơi thở tức là xả lạc xả khổ xả niệm thanh tịnh.
Khi giảng tới đây chúng tôi mới thấy rõ Đạo Đế của Đạo Phật thật là một chân lý giải thoát thực tế, cụ thể và rất rõ ràng, chỉ còn có quyết tâm tu tập hay không tu tập mà thôi, đều là do hành giả chứ không phải do pháp môn nữa, vì lớp học Chánh Định này chỉ dạy Bốn Thiền quá rõ ràng, không còn một điểm nào nghi ngờ lớp học này được nữa và cũng không còn một Tà Thiền, Tà Định nào lừa đảo, dối gạt chúng ta được nữa.
Bát Chánh Đạo đã xác định từ cách thức tu tập xả tâm ly dục ly ác pháp cho đến cách thức nhập các định cụ thể rõ ràng mà không còn có một pháp môn của ngoại đạo nào lồng vào giáo pháp của Đạo Phật được, lồng đến đâu người ta đều thấy bộ mặt giả của nó, vì Bát Chánh Đạo đã chỉ cho chúng ta biết rất rõ. Những bài vở học tu ở lớp nào ra lớp nấy, đâu đó rõ ràng, có mạch lạc, có thứ lớp tứ thấp đến cao. Cho nên theo chương trình giáo dục đào tạo ở trên thì giáo pháp của Đại Thừa, Thiền Đông Độ và Mật Tông không còn gạt được ai nữa.
Nếu ai có đủ duyên học tập Tứ Diệu Đế, hiểu rõ bốn chân lý này thì không còn bị các pháp thiền của ngoại đạo lừa đảo được. Bởi vì, Đức Phật đã xác định nghĩa lý của thiền định rất rõ ràng. Từ xưa đến giờ người ta hiểu thiền định của Phật Giáo không đúng.
Đây, chúng ta nghe các nhà học giả xưa và nay định nghĩa Chánh Định: “Chánh Định có nghĩa là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chánh đáng, đúng với chân lý có lợi ích cho mình cho người. Người theo đúng Chánh Định, thường tập trung tư tưởng để quan sát những vấn đề chính sau đây như: 1-Quán thân bất tịnh. 2-Quán từ bi. 3-Quán nhân duyên. 4-Quán giới phân biệt. 5-Quán hơi thở.
Như vậy, ở đây quý vị thấy chữ “định” có đúng nghĩa hay không?
Đức Phật đã xác định nghĩa của chữ “định” rất rõ ràng “Tịnh chỉ, ngưng hoạt động”, còn các nhà học giả định nghĩa chữ “định” bằng cách “tập trung tư tưởng rồi quán xét các pháp”. Ở trong Bát Chánh Đạo Chúng ta thấy rất rõ, tập trung tư tưởng quán xét các pháp là ở các lớp tu tập đầu tiên như: “Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn và Chánh Niệm, còn Chánh Định thì không còn tư duy quán xét mà chỉ có tịnh chỉ các hành trong thân ngũ uẩn.
So sánh như vậy chúng ta thấy rất rõ ràng, người tu thiền thời nay và thiền của Đạo Phật ngày xưa thì không giống nhau.
Tóm lại, Định Vô Lậu câu hữu với Tứ Thánh Đế tức là nhờ quán xét tu tập Tứ Thánh Đế mà thân tâm hoàn toàn vô lậu, vô lậu tức là giải thoát không còn khổ đau nữa.
Nếu được sanh làm người, được gặp Tứ Thánh Đế và được tu tập Đạo Đế thì sẽ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi trong một kiếp này mà thôi.
Thích Thông Lạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét