Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Lớp thứ tư: Chánh nghiệp

Chánh Nghiệp là lớp thứ tư trong Đạo Đế mà chúng ta cần phải sống, học và tu tập hằng ngày trong mỗi hành động thân, miệng và ý của chúng ta.
Chánh Nghiệp là những hành động thiện, hành động không làm đau khổ cho mình, cho người và cho tất cả chúng sanh.
Về thân có ba hành động Chánh Nghiệp như: 
1- Thân không đánh đập, không làm đau khổ và không tự giết hại mình, người và tất cả chúng sanh, đó là Chánh Nghiệp. 
2- Thân không trộm, cắp, cướp giựt không móc túi, không lấy của không cho, đó là Chánh Nghiệp. 
3- Thân không tà dâm, không làm những điều bất chánh gây đau khổ cho mình cho người, đó là Chánh Nghiệp.
Về miệng nếu giữ gìn được Chánh Ngữ tức là giữ gìn Chánh Nghiệp của miệng, cho nên học về Chánh Ngữ tức là học về Chánh nghiệp của miệng, như vậy những bài học Chánh Ngữ ở trên là những bài học Chánh Nghiệp ở đây. Chánh Nghiệp về miệng còn một điều nữa rất là quan trọng, đó là miệng không nên ăn thịt chúng sanh, tại vì hành động ăn thịt chúng sanh tức là tạo ra nghiệp đau khổ vào thân mà không biết, cho nên hành động ăn thịt chúng sanh không phải là Chánh Nghiệp mà là Tà Nghiệp.
Chánh Nghiệp còn gọi là những nghề nghiệp sống chân chánh, nghề nghiệp không làm đau khổ chúng sanh. Có sáu tà nghiệp mà người Phật tử không nên làm như: 
1- Không được làm nghề săn bắn. 
2- Không được làm nghề ngư phủ. 
3- Không được làm nghề buôn bán thịt sống, thịt chín. 
4- Không được làm nghề buôn bán vũ khí (đao, kiếm...). 
5- Không được làm nghề sản xuất rượu và buôn bán rượu (cùng các chất gây nghiện). 
6- Không được làm nghề buôn bán người (mãi dâm).
Tóm lại, Chánh Nghiệp là tu tập rèn luyện mỗi hành động thân, miệng, ý phải được trong sạch thanh tịnh, trong sạch, thanh tịnh tức là hành động thân, miệng, ý toàn thiện, nếu còn có một chút xíu hành động ác thì không được gọi là Chánh Nghiệp, cho nên Chánh Nghiệp tức là mỗi hành động thân, miệng, ý của chúng ta không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh. thì đó mới là chính Chánh Nghiệp.
Mỗi người sinh ra trong đời đều phải có nghề nghiệp làm để sống, nhưng phải chọn nghề nghiệp thiện, đừng nên chọn nghề nghiệp ác. Vì nghề nghiệp ác sẽ đem đến sự khổ đau cho mình, cho người và cho tất cả chúng sanh, còn nghề nghiệp thiện sẽ mang đến hạnh phúc, an vui cho mình cho người và cho tất cả chúng sanh. Cho nên Chánh nghiệp rất quan trọng trong đời sống của con người. Vì thế mỗi người cần phải theo tu học lớp học Chánh Nghiệp này, đừng bỏ qua rất uổng, hể là con người dù bất cứ có tôn giáo nào hay không tôn giáo, mọi người cũng đều phải học và thực tập để hiểu biết cách sống đúng ý nghĩa trong Chánh Nghiệp.
Thích Thông Lạc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét