Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Vũ Hoàng Chương, thầy đồ đầu thai lầm thế kỷ

"Trái vụ" - Hot girl Trung Quốc
Vũ Hoàng Chương làm thơ với tâm thức non sông phả vào từng dòng, từng âm điệu, khi não nuột, khi say đắm, khi hừng hực, khi đĩnh đạc thày đồ. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Vũ Hoàng Chương dường như đã tâm sự: thi nhân chẳng làm được nghề gì khác ngoài nghề làm thơ! Ai cũng nghĩ đi dậy Việt văn, bình giải thi phú cho học sinh đang tuổi lớn khôn là nghề thích hợp nhất cho văn thi sĩ, có biết đâu trái tim thi sĩ giống như lằn chớp, nhoáng lên ở đằng Đông rồi xẹt về đằng Tây, không dễ câu thúc trên bục giảng, không thể ngồi yên dù mươi phút trong một căn phòng mà mình đã chán, lại càng không thể nán lại vài giây trên những lá thơ xơ xác, những vụn văn nhạt nhẽo, ôi! văn chương thi phú phải chăng là đệ ngũ khổ ngoài bốn nỗi khổ thiên thu sinh lão bệnh tử?
Suốt cả năm học đệ Nhị ban Văn chương tôi chỉ thấy Vũ Hoàng Chương nổi hứng có hai lần: lần giảng về Kiều và lần giảng về Tản Đà. Ông rất thích lối làm thơ câu này đối với câu kia, đoạn sau đối với đoạn trước của Nguyễn Du… “làm thơ mà tới mức độ như vậy phải nói là rất cao” như lời ông phẩm bình, và vào một buổi học cuối niên khoá, tháng Năm trời mưa, giữa cơn mưa lành lạnh, bàn bạt xầm xập trên mái nhà tôn, ông cao hứng đọc bài thơ Chả Chim của Tản Đà, dẫn học sinh, 16, 17 tuổi về thăm quê hương núi Tản sông Đà, thú vị như đang nhắm rượu với chả chim thơm phức, ông say sưa kể chuyện vua Tự Đức ngự giá Bắc tuần, dừng lại một đêm ở chân núi Tản, đêm ấy nhà vua nằm mơ thấy một ông quan mặc áo đỏ, tay bế đứa trẻ sơ sinh, dâng lên vua. Quần thần giải là ông quan mặc áo đỏ chính là sơn thẩn Tản Viên, đứa trẻ sơ sinh là nhân sâm quý núi thiêng, chỉ nơi đây, khắp đất Việt, trên núi thắt cổ bồng mà có Thánh sinh này, mới mọc được nhân sâm đệ nhất phẩm. Từ đền Hạ, leo lên đền Trung, rồi tới đỉnh non Tản, phải nhờ người Mường cõng, mất cả ngày trời. Trên đỉnh núi thắt cổ bồng, còn ngôi đền với ba chữ Nho Bạch Sỉ Tự, nét son đã mờ nhạt, nghe đâu dựng từ đời Lý. Thời tiền chiến, đền Thánh Tản còn giữ được sổ vàng với ngự bút của vua Tự Đức. Thế hệ Vũ Hoàng Chương, con cháu nhà Nho, gốc rễ sâu xa với dân tộc, bền bỉ truyền thống, còn bắt được huyết mạch Lạc Việt, để trao truyền cho thế hệ sau, cho nên chẳng lạ khi tác giả Thơ Say với bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân, bỗng hùng hồn xuất ra Bài Ca Bình Bắc, một mùa Xuân sau cuộc di cư 1954, rồi rừng rực Lửa Từ Bi sau 1963… Ngôn ngữ là hồn dân tộc, thi nhân lại là hồn ngôn ngữ, cho nên một nghệ sĩ đích thực, tâm hồn lặn sâu trong tâm thức giống nòi, để vọt lên nguồn hứng khởi tinh ròng bộ tộc. Vũ Hoàng Chương làm thơ với tâm thức non sông phả vào từng dòng, từng âm điệu, khi não nuột, khi say đắm, khi hừng hực, khi đĩnh đạc thày đồ. Ông là kẻ sĩ vác trên vai, một bầu rượu, một nỏ thần, một tia mắt đa tình, yêu thương chính mình, thương cảm cõi người bao quanh, ông chẳng sống trong tháp ngà 24 giờ một ngày, ông đứng hàng giờ trong lớp học, ngồi cả buổi ở quán, vãn cảnh chùa, thăm báo quán, quây quần văn hữu và luôn luôn sáng tạo dù có khi “hứng thơ cả tháng, cả năm… có khi không trở lại..” Lớp học chật chội, mái tôn nóng nực như thiêu như đốt của những buổi trưa Sài Gòn, vậy mà người giáo sư thi sĩ kia vẫn đóng bộ chỉnh tề, cà vạt diêm dúa, giày hai màu “deux couleurs” công tử Hà Thành, thời của Tự Lực Văn Đoàn, của hộp đêm ca kỹ đàn địch, không biết khi đứng trên bục giảng, một tay cầm tập cua ronéo bìa đỏ, một tay vịn lên mép bàn, ông còn cảm tưởng “sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió” hay không? Vũ Hoàng Chương hay mặc Âu phục mầu hạt dẻ, màu
lịch sự nhất theo mắt ông và thường đội mũ phớt không biết để làm dáng hay để che nắng? Những lần nhìn ông tay sách cặp, quần áo đóng bộ không một nếp nhăn, đi giữa ánh nắng chói chang ở khu Chợ Vườn Chuối Phan Đình Phùng như một hiện tượng trích tiên giữa tục lụy… Con người đầu thai lầm thế kỷ này vẫn sống để nuôi dưỡng thế hệ mê đọc thơ văn tiền chiến, ông chính là hình ảnh sống động còn sót lại của lớp nghệ sĩ lãng mạn phong lưu! Cùng với Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương giữ trọn vẹn phong cách ấy… khác xa phong cách dở dở ngang ngang, loại lập dị, lúc vào ngồi ở nghĩa địa, bờm xờm tóc tai, lúc say sưa cẩu thả, háo hức mong tạo huyền thoại lưu danh! Thời 1960 Sài Gòn có hai vị giáo sư nghệ sĩ, thường dậy chung trường, hai nghệ sĩ dáng dấp đối nghịch nhau: văn gia Vũ Khắc Khoan sức vóc mặt mũi đỏ gay, xắn tay áo như một tráng sĩ lẫm liệt, Vũ Hoàng Chương bạch diện ẻo lả thư sinh, gió thổi cũng bay… Vậy mà nghe đâu ông rất can đảm, thời kháng chiến Việt Minh ông cương quyết chống lại văn hóa chỉ đạo, trong lớp đôi lần ông giải thích “có nhiều người lúc thường rất nhút nhát yếu đuối nhưng bất ngờ có thể làm chuyện can đảm phi thường không ai ngờ được”. Kịch tác gia Khắc Khoan và nhóm Quan Điểm ưu thời mẫn thế, băn khoăn, đăm chiêu, nhưng nhà văn khác với nhà thơ: văn có thể giấu chân tướng, thơ thì không, vì hồn thơ kết tinh nhân cách tâm hồn, văn là người còn mặc quần áo, thơ là người trần truồng… mức cao, thấp, chấp nhặt, thoát sáo, phơi bày, đọc một câu một đoạn biết ngay. Người làm thơ chân đi trên mặt đất, nuôi tâm tình rất thực nhưng dùng đôi cánh trích tiên cao cả sẵn có, Trời phú, để thăng hoa, để bốc tâm tình nhân thế lên cõi cao xa, để giúp tục nhân bay tới gần chân thiện mỹ. 
Giới văn nghệ kể lại hai ông bạn thơ Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng thời 1945 nằm mơ màng bên khói phù dung quên cả ngày đêm, tới lúc ló đầu qua cửa sổ thấy cờ đỏ sao vàng bay rợp trời mới hỏi nhau. “Cờ nước nào đấy?” thì quả thật các tiên ông đã được sống trong thế giới vô tư lự, ta ca trái đất của riêng ta! Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng cốt cách giống nhau: ăn mặc diêm dúa, chải chuốt, tiêu biểu cho cả một thế hệ công tử Hà Thành, họ sống giấc mộng thi nhân, thành thật với chính mình, họ sống mơ màng, nhưng chẳng bao giờ khiếp nhược hèn hạ ca tụng bình vôi tượng đất, hay mang máu me dao găm lựu đạn vào văn chương. Thời trước 1960, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đặt ra phong trào tố cộng cho công chức học sinh học tập, Vũ Hoàng Chương đã khảng khái: văn chương nịnh bợ cộng sản không hay thì văn chương tố cộng cũng không thể hay được - trước sau ông chủ trương nghệ sĩ phải hoàn toàn tự do sáng tạo, không thể ép vào khung cũi chính trị nào, dù khung to hay nhỏ, khung đỏ hay khung xanh. Ông nhận định thanh thoát: “con người ta sống cả vạn năm trong rừng rú hoang vu, tất nhiên máu tự do phải nhiều hơn, xã hội kìm kẹp làm sao được…” suốt năm học, chưa bao giờ nghe ông nặng lời chê bai dèm pha phỉ báng bất cứ ai, ông là loại thoát tục, ái ngôn ái ngữ, đóa sen giữa bùn lầy, như tre trúc phất phơ bờ ao, hiền hoà với cả chim muông sâu bọ. Khi dậy học, Vũ Hoàng Chương đóng vai giáo sư nghiêm túc như thầy đồ Nho. Ông giỏi chữ Hán và giữ phong cách cẩn tắc của kẻ sĩ, đôi khi đi chùa mặc áo the đen, khăn đóng,đọc thơ ông người ta thấy nét mới nhưng ý vẫn cổ kính trang trọng như thơ Đường. Người đọc có thể thích hay không thích thơ Vũ Hoàng Chương, nhưng khó có thể tìm ra những câu thơ non hay những từ vụng trong dòng thơ họ Vũ. Thơ cũng vậy mà người cũng vậy, ông ăn nói nghiêm cẩn, không cười đùa trong lớp, không nóng giận, đặc biệt ông ra đề luận hàng tháng, chấm bài kỹ càng và trả bài rất đều đặn. Thời 1954- 1960, các trường thiếu giáo sư trầm trọng, có ông như Nguyên Sa, dậy Triết, chẳng bao giờ ra bài, tới kỳ thi, cho cả lớp 9, 10 điểm (10/20 là trung bình) nghĩa là chẳng đọc chẳng chấm gì cả. Đứng về phương diện sư phạm, Vũ Hoàng Chương là một ông thầy đứng đắn hiếm có, trọng mình và trọng trò, ông thích thú bình văn, khoanh đỏ những câu hay, phê đầy mặt giấy, dù là luận văn non nớt của lớp học trò trẻ tuổi. Một đề luận về Nguyễn Công Trứ, học trò viết “cảnh cố cùng” theo ý câu “quân tử cố cùng thêm thẹn mặt”, ông giải bình cặn kẽ “cố là kiên cố, cùng là lúc khốn cùng, nếu viết là cảnh cố cùng thì vô nghĩa”. Ông trân trọng với văn chương thi phú, ông giảng kỹ Kim Thạch Kỳ Duyên, với Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, với cả Học Lạc nữa! Ông cho rằng thơ phải mang nét địa phương mới đặc sắc, miền Nam nắng chói chang, mưa đột ngột vẫn mang thi vị đặc biệt. Đã có thời trước 1954 ở Hà Nội ông viết báo chỉnh Đoàn Phú Tứ về ngôn ngữ văn phạm Việt. Thơ Vũ Hoàng Chương dùng từ rất chuẩn, đôi khi như câu đối, mực thước, nhiều bài đọc lên tráng lệ súc tích mà cũng đầy chất sáng tạo: suối chảy non cao ông dùng từ Tang tùng nước chảy gợi hình gợi âm suối chảy đàn trong, Mài gươm từ lúc nguyệt còn non, ông hỏi gươm sáng dần, sao nguyệt chẳng mòn. Nét bút của ông, rồng bay phượng múa, tựa vẽ tranh, lại hay chấm phá thành những vì sao rơi rắc quanh dòng chữ.
*
Khoảng tháng 5, tháng 6, năm 1959… hết giờ học, tôi theo ông ra khỏi lớp hỏi : Bao giờ thầy cho ra tập Hoa Đăng? nhà giáo thi sĩ chần chừ vài giây rồi trả lời - Bao giờ có lửa! Bẵng đi vài năm tôi thấy ông giữ mục Nhị Thập Bát Tú, thơ 28 chữ, trên tờ Ngôn Luận, khoảng ấy Nhất Linh cũng đã trở về Sài Gòn hoạt động. Có lẽ mấy năm trước 1963, đốm lửa Tự Lực xưa nhóm lại, bùng lên trước khi tắt, bốc cao cảm hứng, nhất là sau lần du hành tham dự hội thơ quốc tế ở Âu châu ông đã gặp một nữ thi sĩ người Bỉ nào đó, từ đấy ra đời tập Cảm Thông- Communion, thơ song ngữ Việt-Pháp- Les 28 Etoiles, in tuyệt đẹp. Năm 1963 bất ngờ Nhất Linh tự tử phản đối chế độ độc tài, trong phòng họp hôm ấy ban giáo sư xúm quanh Vũ Hoàng Chương tán thưởng vế câu đối chơi chữ của ông: “Nhất khả đoạn, nhị khả tuyệt, nhi Tam bất hủ”… Câu đối bất hủ này đăng lên báo qua mắt ban kiểm duyệt bộ Thông Tin, vì chữ Nho thâm quá, đọc kỹ mới thấy chữ khả ám dụ tên người, đọc sơ chỉ thấy hai chữ Đoạn Tuyệt rất khéo, thêm ba chữ Nhất, Nhị, Tam thật chỉnh. Tôi lần đầu gửi thơ đăng báo, một bài thơ tưởng niệm Nhất Linh, gửi cho ông thầy cũ trên mục Nhị Thập Bát Tú, ông trả lời cẩn tắc trên báo: tiếc không đăng được vì lý do bạn hiểu! Tuy nhiên, đã mang nghệ thuật vào vòng tục lụy tất phải vướng hệ lụy, danh cao, ảnh hưởng lớn, khẩu nghiệp, làm phe thô bạo tục tằn lo ngại. Và một thi hào thân xác như tàu lá gió thổi cũng bay cũng đã phải đi ngồi tù trả nghiệp... Lại có chuyện sau 1975 nhóm văn công họp đêm văn nghệ ở Sài Gòn, chờ ông lên tiếng ca tụng bài thơ "Đời đời nhớ ông" của Tố Hữu ca ngợi Xít-ta-lin ông đã thẳng thắn như cây tre già, đại ý ông phân biệt, theo phê bình văn chương của văn hào Pháp Boileau (tk17), giữa thợ thơ (ouvrier poète) và thi sĩ đích thực, thợ thơ có thể làm thơ khéo, nhưng muốn đạt, muốn hay, thơ phải mang tâm tình chân thật. Nếu đặt vào miệng trẻ thơ hai câu:
"Yêu biết mấy nghe con tập nói 
Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin" 
thì là thơ khéo nhưng giả tạo, làm sao trẻ thơ Việt Nam mới tập nói đã biết đến cái tên Nga Xô xa lạ ấy! 
Cuối đời, nhà thơ hay suy ngẫm về thân phận con người:
Đã bao giờ có hạc vàng đâu, 
Để có người tiên, để có lầu 
Đã tưởng hạc bay, mây trắng ở Lầm, 
Thôi Hiệu trước, Nguyễn Du sau. 
Hạc còn mê mải, mê hồn kịch 
Tiên vẫn nằm trong vạn cổ sầu 
Năm tháng hão huyền như khói sóng 
Nồi kê chưa chín nghĩ mà đau! 
Tháng 9 ông ra tù, nhìn mặt vợ con lần cuối, được một tuần tái kiến cõi nhân gian thì ông từ biệt thế kỷ XX ô trọc này. Vào những giây phút cuối cùng, ông còn nắm tay văn hữu Tam Lang Vũ Đình Chí và đọc bốn câu thơ:
Dấu hỏi bao quanh suốt cuộc đời 
Sên bò trong óc máu thầm rơi 
Chiều nay một chấm than buông lửng 
Đinh đóng vào xăng tiếng trả lời.
Rồi ông tiên thơ tắt thở bay đi, ông đã sống đẹp và mơ sạch, ông hoá kiếp đời vinh nhục, mà kẻ nhục muôn đời chính là những chúng sinh đã hãm hại ông.
*
Trong ánh nắng chói chang của miền thung lũng Cali, thứ nắng thơm thơm bốc lên từ những vườn nho đang ươm giữa vũ trụ, mỗi lần nhẩm đọc dòng thơ man mác của ông: Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi! lòng tôi lại vời vợi như thấy trước mắt, trên xa lộ lung linh hoe vàng, một người xúng xính Âu phục màu hạt dẻ chải chuốt, đội mũ phớt, tay xách cặp đi tung tăng như cậu bé rong chơi, chốc chốc đôi vai lại nhún lên… bồng bềnh khói sóng.
Hạ Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét