"Măm... măm" - Hot girl Elly Trần |
Thế rồi có khi vì sướng quá, có khi vì mệt quá, có khi vì chán đời quá, chúng tôi không ngủ nữa, nửa đêm kéo nhau đi ăn, đi hút, đi hát và thường thường đi hát như thế, chúng tôi không trở về nhà báo nữa, ở luôn cô đầu, ở nhà này vài đêm, nhà kia vài đêm, viết bài luôn tại chỗ, rồi đưa tùy phái đem về nhà in xếp chữ, “mi” lấy và in luôn, không cần “bon à tirer”.
TÔI, THẰNG VÔ LẠI
Lỗ lã không đáng kể. Đóng cửa tờ “Công Dân”, chúng tôi vui như Tết, bởi vì còn bao nhiêu tiền, chúng tôi đi hát sáng đêm. Thực ra, trong thời gian làm báo, anh em cũng chẳng ai có tiền tiêu xài, người nào cũng lo xoay sở riêng để chi tiêu trong gia đình. Riêng có Vũ Trọng Phụng bấn nhất, là vì anh chưa có vợ để buôn bán giúp đỡ, mà bà nội và mẹ lại già, không thể kiếm ra tiền. Vì thế Vũ Trọng Phụng không mấy tán thành nếp sống của chúng tôi lúc đó; nhiều khi anh em đi hát hay chè rượu, phiện phò thì anh ngồi uống nước, hút thuốc lào một mình và viết bài cho báo khác để kiếm thêm giúp bà, nuôi mẹ.
Cuốn “Dứt tình” và “Giông tố” của Thiên Hư Vũ Trọng Phụng viết trong thời kỳ này. Bây giờ đọc hai cuốn truyện ấy, có nhiều người tưởng là anh viết một hơi; thực ra, Vũ Trọng Phụng không bao giờ có thời giờ để viết quá mười trang giấy. Cứ gần đến ngày phải nộp bài cho “Hà Nội Báo” - tiểu thuyết “Giông tố” bắt đầu viết từng kỳ trên báo này - Vũ Trọng Phụng lại ngồi ì ra một đống, hút thuốc lào và hỏi ầm lên có ai biết kỳ trước “Giông tố” đã viết đến đoạn nào rồi không. Chẳng ai trả lời cả, bởi vì chẳng có ai đọc “Giông tố” hết.
Vũ Trọng Phụng chán đời hết sức, đành phải đi tìm “Hà Nội Báo” để đọc xem mình đã viết đến câu gì, bấy giờ mới phủ phục xuống giường như con voi viết tiếp, mắt hiếng hẳn đi mà lưỡi thì lè ra như lưỡi con thằn lằn, có khi vừa viết vừa chửi thề sao mình lại khổ đến thế này, cứ phải viết mới có tiền sanh sống.
Bây giờ Phụng đã ra người thiên cổ; nhắc đến anh, người ta thường kể lại một câu nói của anh: “Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này”.
VŨ TRỌNG PHỤNG
Câu nói ấy, chính Phụng đã thổ lộ với tôi trên giường bịnh. Phụng và tôi là bạn học từ lớp Dự bị trường Hàng Vôi. ƠŒ trường này ra, tôi theo học Lycée Albert Sarraut, còn Phụng lúc được mười tám, mười chín tuổi đã phải đi làm thư ký cho nhà in IDEO, kiếm mỗi tháng mười hai đồng bạc để về nuôi bà và nuôi mẹ. Vì không đủ sống một phần, mà cũng vì thích viết văn, đọc báo phần khác, đến tối về nhà, anh viết truyện ngắn để bán cho tờ “Ngọ Báo” của Bùi Xuân Học và “Nông Công Thương” của ông Phạm Chân Hưng (thân phụ Phạm Huy Thông, tác giả cuốn thơ bất hủ “Tiếng địch sông Ô”). Những truyện ngắn đầu tay của Vũ Trọng Phụng là những truyện “bực thầy”. Bây giờ nhắc đến anh, ai cũng nhớ đến “Số đỏ”, “Giông tố”, “Trúng số độc đắc”, “Dứt tình”, hay những phóng sự như “Cạm bẫy người”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, mà ít có ai nhớ rằng Vũ Trọng Phụng nổi tiếng một thời là vì những truyện ngắn như “Chống nạng lên đường”, “Cái răng vàng” và nhiều truyện khác nữa mà tôi không nhớ tên đề, trong đó có một truyện đăng báo “Nông Công Thương”, thuộc về loại hiện thực, tả một gia đình ở Hàng Bạc có mấy cô con gái đứng trong mành mành nhìn trai ở ngoài đường và tối đến lại tụ họp gẩy đàn “xừ, xang, xê, líu, cộng”.
Phụng có một cái tài đặc biệt là không hề biết đánh bạc là gì, mà tập phóng sự đầu tiên viết cho báo “Nhựt Tân”, anh dám đề cập đến vấn đề bạc bịp. Thực ra, anh cũng chưa hề quan sát một vụ “đánh bờ” bao giờ, nhưng anh viết như một người đánh bạc thông thạo nhất, đó là nhờ một người anh là ông Trưởng Tạo, cũng ở phố Hàng Bạc, nói chuyện lại để cho anh viết. Cũng thế, đọc truyện “Số đỏ”, ai cũng tưởng Phụng là một tay ăn chơi sành sỏi khét tiếng mà lại “đểu” là khác nữa, nhưng sự thật trái ngược hẳn: trong tất cả anh em quen biết, Phụng có lẽ là người “chân chỉ hạt bột” nhất, hiền lành nhất mà tương đối cũng là đạo đức nhất. Tiêu pha hay chơi bời gì, anh tính toán từng đồng xu, không phải là vì kẹo, nhưng chính vì anh phải đứng mũi chịu sào lo cho cả nhà, trong đó có một bà nội góa và một bà mẹ góa, đồng thời lo sao để dành dụm được ít tiền lấy vợ, hầu có con nối dõi.
Về sau này, Phụng mòn mỏi đi, một phần lớn cũng là vì thức đêm thức hôm để viết cho nhiều báo như “Tiểu thuyết thứ bảy”, “Tiểu thuyết thứ năm”, “Hà Nội tân văn”, lấy tiền, nhưng cuộc sống của anh ở bên ngoài đối với những người lạ, không có vẻ gì vất vả; trái lại, anh lại ra cái dáng nhàn nhã, ung dung là khác. Dù bận rộn viết lách đến mấy đi nữa, tuần nào anh cũng đọc hàng chục tờ báo Pháp để học thêm. Trong anh em, có thể nói anh là người hiểu rõ tinh thần của giọng văn “Canard Enchainé” nhất, mà anh cũng am hiểu nhất chánh trị ở nước Pháp và thế giới lúc bấy giờ.
Cũng trong tất cả anh em, Phụng là người có thứ tự, phàm có tài liệu gì, hay, lạ thì cất đi, cho nên vào lúc một tuần báo ở Huế đả kích anh viết văn khiêu dâm, anh đã lên tiếng trả lời rất vững, kèm nhiều chứng cớ và tài liệu rất “búa” làm cho một linh mục phải nhận là anh có lý... Phụng sống một cuộc đời kín đáo, khiêm nhường, coi việc gì cũng là thường và không bao giờ tỏ ra ngạc nhiên hay lo sợ quá trớn. Không có tiền thì không tiêu, anh không hỏi vay của ai bao giờ mà cũng ít phàn nàn với ai rằng mình khổ. Đó là một đức tính làm cho anh em kính nể, nhưng anh em thương Phụng nhất về điểm dù khổ đến thế nào, Phụng cũng thủy chung như nhứt với anh em, cứ mỗi khi có báo dù biết trước là viết không có tiền, không nhiều thì ít, thế nào Phụng cũng có bài cộng tác với anh em, và lâu lâu Phụng lại đi hát với chúng tôi, nhậu nhẹt như ai và quấy cũng như ai.
Bây giờ, ngồi kể lại cuộc đời nói láo, tôi thơ thẩn còn như trông thấy “những con ma” thân thiết đó, vào những đêm mưa phùn, nằm tròn chung quanh một khay đèn nói chuyện thắm thiết ân tình; tuy không tuyên bố ra lời, nhưng qua ánh mắt thì người nào như cũng tự thề với lòng là sinh tử có nhau.
Nhưng cuộc đời bao giờ đứng im một chỗ mãi, không thay đổi? Tiền hết, các buổi họp ở hồng lâu cũng không còn. Mỗi người đi một ngả: Nguyễn Triệu Luật đi dạy học; Vũ Liên chết; Nguyễn Như Hoàn cũng qua đời. Còn lại Phùng Bảo Thạch, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng và tôi ngồi chờ một cái gì.
Chờ thì cái gì mà chẳng đến? Chúng tôi lại gặp Đinh Khắc Giao rủ nhau làm tờ “Tương Lai”, giám đốc chính trị là Hà Văn Bính, còn chủ bút là Phùng Bảo Thạch. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhận rằng Phùng Bảo Thạch là một nhà báo lão luyện, có nhiều sáng kiến và nhiều mánh lới, nhưng đó là một người bạn không may suốt cả một cuộc đời, nên về vật chất đã chẳng bằng ai, mà tiếng tăm về nghề báo thì hầu như không có mấy ai biết tới. Bây giờ chẳng biết ở bên kia Bến Hải, anh còn làm nghề báo nữa không? Riêng tôi biết, thì từ hiệp định Genève trở về trước, anh là một người khổ cực về nghề báo, tù tội về nghề báo, nhưng tuyệt nhiên tôi không hề nghe thấy anh ta oán một lời nào. Trái lại, trong những cuộc hội họp với anh em, anh lại ưa cười, ưa phá, và cũng là người đầu tiên bầy ra những trò vui nhộn để làm cho anh em quên lãng cuộc đời đầy nước mắt.
Để “giúp vui”, nhiều anh em bị đưa ra làm mục tiêu cho bọn chúng tôi đùa cợt. Đùa ít thì không sao, đáng tiếc là có nhiều khi anh em đùa dai quá, thành thử “nạn nhân” tức bực cáu bẳn, không ngại đưa ra những lời lỗ mãng để đáp lại.
Đó là trường hợp Vũ Liên bị chọc, tức quá không chịu nổi nữa, nửa đêm bỏ nhà báo đi về nhà quê, sau khi thóa mạ cả bọn chúng tôi là “quân mất dạy”. Nguyễn Triệu Luật cũng vậy, nắm tay đập xuống bàn bị thương, chảy máu, thề từ giờ “không thèm viết lách với bọn bay”. Riêng Ngô Tất Tố thì có khi bị Phùng Bảo Thạch và tôi chọc uất quá, tưởng như có thể thổ ra máu như Chu Công Cẩn. Thực tâm lúc nào tôi cũng kính phục Ngô Tất Tố về đức độ, về văn tài, học lực, như một bực đàn anh. Thành thực hơn nữa, tôi lại phải nói thêm rằng tôi rất bất bình khi thấy báo “Duy Tân” của Nguyễn Đình Thấu kêu đầu xứ Tố là Đồ Tố và cứ nhắc đi nhắc lại câu vè:
Anh Đồ ơi, đôi mắt anh không sáng, cũng không nhèm.
Suốt đời anh không biết ăn kem Bờ Hồ.
Nhưng không hiểu duyên nợ gì cứ buộc tôi phải chọc Ngô Tất Tố. Điển hình là vụ Ngô Tất Tố dạy tôi học chữ nho, và tôi dạy lại Ngô Tất Tố học chữ Tây.
Sau một mật ước với anh em, tôi làm ra bộ rất đứng đắn, một hôm, trịnh trọng bảo Ngô Tất Tố:
- “Bác Tố ạ, chúng ta làm báo đã lâu, nhưng thực ra chưa làm báo”. Tố quắc mắt, hỏi tôi:
- Bác nói gì? Tại sao ta lại chưa làm báo?
- Là ý tôi muốn nói thế này, bác ạ. Bác viết báo vào hạng cừ, anh em đều nhận thế; nhưng dù sao bác cũng phải nhận rằng bác còn thiếu chữ Tây, mà tôi vào cái hạng đàn em, nhưng viết cũng gọi là khơ khớ, tôi lại thiếu hẳn cái chữ nho.
Thế rồi tôi bỏ lửng không nói nữa. Lát sau, Phùng Bảo Thạch mới bàn:
- Thì có khó gì đâu. Bác Tố và anh Bằng bổ túc lẫn cho nhau thì chu hết, cần gì phải băn khoăn.
Ngô Tất Tố hỏi bổ túc thế nào. Phùng Bảo Thạch đề nghị mỗi ngày hai người nên dành ra nửa tiếng đồng hồ để dạy lẫn nhau: Tố dạy Bằng chữ nho, còn Bằng dạy Tố tiếng Pháp. Anh em cho là phải.
Ngay hôm sau, tôi bắt đầu chương trình dạy tiếng Pháp và được bác Tố chăm chú học hỏi một cách thành kính. Tôi bắt đầu bằng một tràng lý luận:
- Tôi không hiểu chữ nho ra sao chứ cách cấu tạo chữ Pháp của họ tinh vi và thiết thực hết sức. Đại khái cây mía. Nó nói gì?
Thoạt đầu, nó giống cây tre, cây tre tiếng Pháp là [bambou]. Hít cây mía, có nước. Nước là eau. Vì thế cây mía tiếng Tây gọi là bambou hít ra lô.
Nghe được lắm. Bác Tố lẩm nhẩm đọc “bambou hít ra lô” là cây mía, cây mía là “bambou hít ra lô”... Mặt tôi vẫn nghiêm. Vẫn lý luận như trên, tôi dạy thêm: lanh nhanh là cái tàu điện, đanh đông là cái đỉnh đồng, lơ sơ vơ là anh sợ vợ, laboratoire là Lã Bố ra tòa.
Đến hai danh từ sau cùng, anh em và chính tôi thấy mặt bác Tố bơ vơ, không thể nín cười được nữa, bật ra một tràng cười khổng lồ làm rung động cả cửa kính và sàn gác. Tố biết mình bị lỡm, cầm cái gối ném vào mặt tôi và ngay lúc đó đứng dậy mặc cái áo the, chụp cái khăn vào đầu, lê đôi giầy Gia Định một cách thiểu não đến nhà Mai Lĩnh nằm nhai khối hận.
Từ hôm đó, Ngô Tất Tố kêu tôi là “đồ vô lại” và “gạt tôi sang hàng ngũ thành tích bất hảo”, không thèm nhìn mà cũng không thèm nói một câu. Phần tôi, tôi hối hận không để đâu cho hết và tự nguyền rủa mình sao lại có thể “đem một linh hồn ra đùa giỡn” một cách vô học, vô liêm sỉ đến như thế được.
Cả tòa soạn phải họp lại, cử một phái đoàn đưa tôi đến nhà xuất bản Mai Lĩnh để xin lỗi Ngô Tất Tố. Anh em bao giờ lại nỡ bỏ nhau: Ngô Tất Tố, rút cục, bằng lòng tha lỗi cho tôi. Vì thế, trong tờ “Tương Lai”, ba chữ Ngô Tất Tố và bút hiệu Ngô Công lại chịu cùng đứng chung với bút hiệu của chúng tôi để làm cho tờ “Tương
Lai” thành một tờ tuần báo tranh đấu được người ta lưu ý.
THẤT VỌNG THƯ NHÌ
Chính vì báo “Tương Lai” được lưu ý mà chúng tôi mắc bẫy của thực dân và gặt lấy một thất vọng trong nghề báo.
Nguyên lúc ấy, chế độ bảo hộ đang trải qua một thời kỳ xáo trộn. Léon Blum lên cầm quyền ở Pháp, Marius Moutet là bộ trưởng thuộc địa. Mặt trận bình dân ra đời. ƠŒ nước ta, chính trị cũng vì thế mà sôi động hơn lúc trước, tờ “Tân Xã Hội” của Trần Đình Long xuất bản ít lâu thì nhóm “Le Travail” xuất hiện, đặt trụ sở ở góc đường Nguyễn Trãi, ra vào có một số nhân vật hiện nay đang tranh đấu “ở hàng ngũ bên kia”. Chúng tôi là bạn, hàng ngày, vẫn gặp nhau trò chuyện. Tưởng rằng có tờ
“Le Travail” bây giờ lại thêm tờ “Tương Lai” thì cũng như cọp thêm cánh, ai ngờ chính vì tờ “Tương Lai” mà anh em lại bất hòa, rút cục đến sanh ra giận dỗi và ly tán mất một thời gian.
“Tương Lai”, cũng như tờ “Công Dân”, là một tờ báo trình bày rất sạch sẽ, lấy hai điểm này làm đích: đả kích quan trường, lên án chế độ thực dân. Tất cả tòa soạn đều hăng say viết lách, không ngờ ở ngay chính cạnh chúng tôi lại có những tay sai của mật thám thường xuyên báo cáo hoạt động của anh em mà không ai biết. Do đó, thực dân đã lợi dụng những tay sai đó gây mâu thuẫn giữa nhóm “Tương Lai” và nhóm “Le
Travail”, để rút cuộc khi không, chẳng có chuyện gì đáng kể, chúng tôi căm thù Trịnh Văn Phú, Nguyễn Văn Tiến và các anh em khác, và coi như là thù nghịch.
Nhưng hiểu lầm gì rồi cũng qua đi, chẳng sớm thì muộn, anh em cầm bút chân chính cũng bắt tay nhau thông cảm. Bởi vì những mánh khóe của thực dân không còn ai không rõ. Nhóm “Le Travail” cũng như nhóm “Tương Lai”, vẫn chưa quên vụ chánh mật thám Arnoux, giữa một buổi trưa, rình lúc đồng chí Văn đi vắng, đến nhà Văn ở đường Henri d’Orléans tạ sự viếng thăm rồi liệng một tấm thiệp có tên và chức vụ của y, mưu làm cho Văn mang tai mang tiếng, mất uy tín với anh em, cùng biết bao nhiêu vụ khác mưu gây hoang mang trong các anh em yêu nước, như vụ một tên mật thám trông thấy Thượng Sỹ Nguyễn Đức Long nhẩy chồm từ xe hơi xuống bắt tay lia lịa và trách “sao lâu nay không ra ngoài ấy (ý nói sở Mật thám) tán chuyện với nhau”, hay vụ một tên mật thám khác viết thư đến cho Nguyễn Mạnh Chất ở báo “Le Travail” kèm một số tiền năm mươi đồng. Chẳng nói, các bạn đọc cũng thừa biết cả Nguyễn Đức Long và Nguyễn Mạnh Chất đều không hề giao thiệp với mật thám bao giờ.
Về vụ tờ “Tương Lai” thì khác: bọn tay sai của mật thám “nằm vùng” trong báo đã bán đứng chúng tôi để ăn mày một chút danh vọng cho bản thân của chúng. Biết vậy, tòa soạn, sau một cuộc họp kín, quyết định từ chức hết để cho “bọn chúng” làm với nhau, nhưng xuất bản tập tễnh được vài ba số thì “Tương Lai” cũng chết. Chính vì vụ “từ chức tập đoàn” này, các anh em “Le
Travail” và chúng tôi cùng hiểu nhau hơn, và cũng do đó, một số lớn anh em ở nhóm “Tương Lai” cùng nhóm “Le Travail” tiếp tục tranh đấu cho đất nước đến bây giờ, có người còn sống nhưng cũng nhiều người đã chết ở chốn non cao nước thẳm.
Bây giờ, thảng hoặc có khi tình cờ lượm được một tờ báo “Tương Lai” cũ, đọc từ đầu đến cuối, tôi thấy buồn se sắt khi nhớ lại một quãng đời làm báo đã qua và nhiều lúc tôi ngạc nhiên sao lúc ấy anh em lại có thể viết được những bài hay như những bài phim của Ngu Công, những pô tanh kín đáo mà chua chát của Vũ Trọng Phụng, những xã thuyết sắc bén của Phùng Bảo Thạch... Và từ ý nghĩ này bước sang ý nghĩ kia, tôi ưa nhớ lại một ngày nào bỏ Thủ đô theo kháng chiến, tôi được nghe một câu nói không thể nào quên được, lúc dự một buổi họp nhắm lập “làng văn hóa”: “Tạo một lớp thợ chân tay chỉ cần năm năm, chớ tạo một lớp thợ văn hóa thì phải mười lăm năm là ít”.
LÀM “VỊT ĐỰC”
Làm báo là một cái nghiệp, nhưng cũng là một cái tật. Lúc có báo phải nghĩ, phải viết, phải tìm cái mới, lạ để hơn người, thêm vào đó lại phải giải quyết, phải đối phó, lắm khi người viết báo cảm thấy mình khổ hơn con chó, và chỉ muốn tung hê hết cả đi để mà nghỉ ngơi cho nó khỏe khoắn cả tâm hồn và thể xác. Vì thế mỗi khi tờ báo mình làm bị đóng cửa, người ký giả tuy buồn nhưng thở một cái phào vì hé thấy viễn cảnh của những ngày thanh thản, thư nhàn, ăn chơi thỏa chí. Nhưng không lâu đâu, chỉ dăm bữa, nửa tháng, thì lại thấy buồn chân buồn tay, muốn viết và cảm thấy không có tờ báo để làm thì chán không để đâu cho hết, dù biết trước là thiếu hụt tiền nong cũng kệ.
Chính vì thế, chúng tôi không chịu để cho ngòi bút thất nghiệp lâu. Sau khi “Tương Lai” đóng cửa, chúng tôi điều đình lấy lại tờ “Tương Lai” làm một loại mới, không in dọc mà in ngang. Kế đó, cùng với Tô Chân Nho làm tờ “Việt Nữ”, đặt nặng vấn đề chị em bạn gái về phương diện xã hội hơn là chánh trị. Tuy nhiên, đó chỉ là những công việc qua thời, làm để tiêu sầu, chớ thâm tâm chúng tôi vẫn tìm cách chơi một cái trò gì rất trội mà anh em ký giả chưa hề làm. Cơ hội đến một cách bất thần: Vũ Đình Hải (em bà Đốc Sao) đã giúp tôi gặp ông Nguyễn Văn Thái mới được phép xuất bản một tuần báo tên là “Vịt Đực”. Ông Thái không có phương tiện ra báo nên vui lòng để cho chúng tôi khai thác.
Nhứt định thay đào đổi kép chuyến này, để cho Tây bớt trù phần nào hay phần ấy, chúng tôi đặt Vũ Chung đứng làm giám đốc, Tam Lang Vũ Đình Chí làm chủ bút, Nguyễn Đức Long làm quản lý, còn ở bên trong thì vẫn là các anh em cũ, trừ Vũ Trọng Phụng mới qua đời, và Nguyễn Triệu Luật (đi dạy học). Lập trường vẫn giữ nguyên như các tờ báo trước nhưng nội dung thì khác hẳn: thay vì dùng lời văn đứng đắn, trang nghiêm để trình bày ý kiến, chúng tôi áp dụng một thể văn trẻ trung hơn, có tính cách châm biếm, mỉa mai, giễu cợt. Tóm lại, chúng tôi định làm một tờ báo theo lối “Con Vịt Buộc” của Pháp. Cố nhiên chúng tôi đã biết trước không thể nào viết được những câu văn xuất quỉ nhập thần của Tréno, Bénard... nhưng chúng tôi cũng cứ cố thử làm xem sao. Mấy số đầu báo chạy, nhưng lần lần mất dần độc giả, và đến chừng số mười, mười hai gì đó thì tài chánh kiệt quệ. Họp nhau lại để rút kinh nghiệm và tìm hiểu nguyên nhân báo xuống, chúng tôi công nhận mình đã không bắt chước được tờ “Canard Enchainé” một ly ông cụ, trái lại còn tẻ nhạt là khác, vì từ đầu đến cuối báo viết toàn một giọng văn, mà hầu hết các bài đăng tải đều có tính cách bình luận các việc đã xảy ra hơn là đem lại cho độc giả những vấn đề, sự việc hay, mới lạ, chưa ai biết.
Riêng Tam Lang hồi đó nổi tiếng nhiều hơn trước gấp bội, vì mỗi kỳ anh lại thả được cái sở trường của anh ra: chơi chữ - đúng với ý thích của độc giả lúc bấy giờ.
Tam Lang Vũ Đình Chí thuộc vào loại làm báo đàn anh, nên được anh em vì nể, giữ chức chủ bút thật là “trúng mối”, nhưng anh có cái tật là “vần thùng”, đã để tâm vào việc gì, thì chỉ để tâm được vào một thứ, nên các công việc khác phần lớn do Phùng Bảo Thạch, Thiết Can và tôi phụ trách. Bây giờ, Thiết Can đã mất, nhưng nhắc đến “Vịt Đực” buổi sơ đầu, anh em còn sống bây giờ không thể quên được cái “mẩu người” bé nhỏ đó viết rất lâu, cũng từ báo Đông Tây gì đó, mà cho đến khi mất, ít người biết tiếng. Tên thực là Nguyễn Văn Xuân, anh là bạn với tôi từ thời còn đi đất học lớp Dự bị trường Hàng Vôi. Hai anh em cùng ở một phố, lớn lên cùng vào thư viện tự học, cùng viết báo và mỗi khi đọc một cuốn sách gì hay thì cùng tán gẫu, cùng học tập. Làm tờ “Vịt Đực”, tôi mời Thiết Can về hợp tác, và anh đã viết truyện trào phúng đầu tiên của anh, truyện “Mọc sừng”, trên báo ấy, ra cái mặt thạo đời, ngón ăn chơi gì cũng thạo, nhưng thực ra thì “quê một cục”, có lẽ trong làng văn làng báo, không có anh nào quê hơn. Chính vì quê mà lại làm ra vẻ thạo, nên anh em hùa lại phá anh. Nguyên Thiết Can Nguyễn Văn Xuân là một người gầy ốm và bé nhỏ - nếu không muốn nói là loắt choắt - anh có mặc cảm gái không mê mình là vì mình không được lớn con; phải chi làm thế nào mà to lớn lên được thì bao nhiêu con gái Hà Nội đều chết hết về tay anh. Anh em thấy anh nói to lên mộng ấy đều bụm miệng lại, chạy ra chỗ khác để cười (vì cười trước mặt thì anh giận), và cũng do đó đã toa rập nghĩ cách để phá anh. Một người quả quyết biết bí quyết làm cho thân hình to lớn: ăn củ sắn băm nhỏ trộn với hồ nếp. Một anh bàn sáng nào cũng phải tập thể thao rồi tắm, rồi lại tập thể thao rồi tắm, mỗi sáng cứ làm như thế liền trong ba tiếng đồng hồ. Lại một anh khác nhất định với Thiết Can nếu anh chịu khó thọ khí âm dương, ban ngày nhìn mặt trời hít rồi thở ra một trăm lần, ban đêm nhìn mặt trăng thở ra rồi hít vào một trăm lần thì bảy bảy bốn mươi chín ngày phải cao lớn lên trông thấy.
Bây giờ, có lẽ nói ra thì không có mấy ai tin, nhưng còn nhiều bạn như Tam Lang, Nguyễn Đức Long, Nguyễn Đăng Đệ hãy còn sống sờ sờ ra đó, tôi nói mà không sợ phải cải chính: Thiết Can đã thi hành tất cả những phương pháp ấy, mưu biến thành một lực sĩ như Westmuller. Tam Lang, suốt ngày ngồi cậy móng chân đau, thỉnh thoảng lại nhìn Thiết Can và trố mắt, chụm miệng lại nói với một vẻ hết sức ngạc nhiên: “Bỏ mẹ chửa, mày tiến bộ trông thấy, chỉ có hôm trước hôm sau mà tao trông mày khác hẳn đi”. Thiết Can nức lòng hết sức, càng gia công tập võ, luyện nội công và ăn củ sắn băm trộn với hồ nếp, rồi đứng sát vào tường đo, gạch một gạch chì xanh lên tường để đánh dấu mỗi ngày anh cao lên được mấy phân. Anh em đã âm mưu đánh lừa anh, tự động đứng ra vạch giúp và cố nhiên là vạch sai, nhưng Thiết Can đâu có biết như thế, cứ trông vào vạch mỗi ngày mỗi tăng lên mà nắc nỏm tưởng mình cao lớn thực.
Sau, lại có một người đề nghị: Bây giờ mày cao rồi, nhưng chân mày đi chữ bát, trông không “cừ”, mày phải làm cách nào cho hai chân mày thẳng như... chân Tây thì con gái, đàn bà mới chịu. Tất cả đều tán thành ý kiến đó. Thế là Thiết Can lại bị ám ảnh vì hai cái chân đi chữ bát, lúc nào cũng hỏi dò hết người này người nọ, xem làm cách nào cho hai cái chân thẳng như chân Tây được. Anh em bắt anh phải tổ chức một “chầu” gì mới tiết lộ cho anh biết bí quyết gia truyền. Thiết Can chịu liền. Và mấy hôm sau, anh vui như Tết, thực hành bí quyết ấy một cách hết sức siêng năng, tin tưởng: nhào bột bó hai ống chân, rồi lấy bốn miếng cây dài ép lại, lấy thừng buộc như ta gói giò. Chắc chắn tất cả bạn đọc đến đây đều không tin, nhưng tôi cam đoan một trăm phần trăm Thiết Can đã làm đúng như thế, và chừng một tuần sau, anh yên trí rằng chân anh thẳng như chân Tây thực. Thấy mình đã cao lớn mà hai chân lại thẳng, tự nhiên anh thấy mình oai phong lầm lẫn, suốt ngày chỉ lo chải đầu, nhổ râu và tưởng tượng có rất nhiều trang quốc sắc thiên hương say mê anh thực.
Lợi dụng tình trạng tâm lý ấy, một hôm, Tam Lang đi đâu về không rõ, hớt hơ hớt hải bấm Thiết Can ra ngoài đường nói chuyện bí mật “chỉ hai người biết với nhau thôi”. Nhưng thực ra thì tất cả anh em đều biết hết: Tam Lang trịnh trọng tiết lộ cho Thiết Can biết là anh vừa gặp một cô đẹp não nùng, đẹp ghê lắm, đẹp chết đi được, hỏi thăm: Thiết Can, tác giả truyện “Mọc
Sừng” là ai và ngỏ ý muốn được “biết” Thiết Can. Nguyên Thiết Can đã quê một cục, thêm Tam Lang lại nói dối như ranh mà vẻ mặt lại làm ra thực thà gia rít , nên anh em không phải đợi lâu, đã thấy Thiết Can mắc bẫy. Về sau này, có người biết chuyện, cho là chúng tôi tàn ác, đem linh hồn của một con người ra nhạo báng, nô đùa; nhưng thực tình lúc ấy đa số anh em tin là đã giúp ích rất nhiều cho anh bạn “thiếu cả bề ngang lẫn bề cao” đó. Vì nhờ thế mà ít ra trong một thời gian, Thiết Can biết lẽ vui sống, tin tưởng ở đời và do đó yêu mình, yêu người hơn lên. Giai nhân tuyệt sắc mà Tam Lang nói đó, anh đặt tên cho là Thùy Dương, Kiều Thị Thùy Dương. Suốt ngày Thiết Can lẩm bẩm cái tên kiều diễm đó. Vì tôi là bạn từ tấm bé, lại được gán cho cái chức vị chơi bời, đàng điếm, Thiết Can ngỏ bí mật thiêng liêng ấy với tôi và hỏi tôi có biết Kiều Thị Thùy Dương là ai không. Tôi bèn quắc mắt lên bảo Thiết Can:
- Mày định giở trò gì vậy? ƠŒ đây, ai còn không biết Thùy Dương là vợ sắp cưới của tao. Bộ mày muốn phỗng tay trên tao hả?
Từ đó, một chuyện bi tình tưởng tượng có sắt, máu và nước mắt diễn ra giữa Thiết Can và tôi. Trong khi đó, Tam Lang và các anh em khác, cách hai ngày, lại “chế tạo” một bức thư xanh viết giọng văn “Giọt lệ sông Hương” ký tên Kiều Thị Thùy Dương, gửi bưu điện đến cho nhà văn kiêm ký giả Thiết Can, tả nỗi lòng u uất của một người yêu thầm nhớ trộm mà “không biết ai kia có biết cho chăng”. Thiết Can gói những thư ấy vào một tấm giấy mầu ép vào trong áo, ngay ở chính trái tim, kiểu Lucrèce Borgia ở đoạn kết vở kịch của Victor Hugo. Kể làm sao cho xiết được nỗi lòng bi thảm của chúng tôi khi đó: một bên là bạn, một bên là vị hôn thê, mà vị hôn thê đó lại mê bạn mình, chẳng lẽ tôi giết bạn đi? Mà hy sinh vị hôn thê cho bạn, tôi đau đớn chịu làm sao cho nổi? Hết ngày ấy sang ngày khác, Thiết Can van lơn tôi, dỗ dành tôi. Đến nửa tháng sau, được thêm lời khuyên nhủ của anh em, tôi đành “hy sinh” vậy. Và từ đó người đẹp tưởng tượng Kiều Thị Thùy Dương hoàn toàn thuộc về Thiết Can trong một sự mê say kỳ ảo, không khác gì chàng thư sinh trong truyện Liêu Trai mê hồ ly tinh. Và có lẽ nếu trời chứng sống cho Thiết Can, đến bây giờ anh vẫn cứ còn yêu say sưa, yêu mê mệt Kiều Thị Thùy Dương như “trong buổi ban đầu lưu luyến ấy”.
Trong suốt thời kỳ làm “Vịt Đực” đường Cột Cờ, những vở kịch bi hài như vậy diễn ra thường xuyên, cũng làm cho anh em đỡ buồn và quên đi chốc lát cuộc đời. Tuy nhiên, mỗi lúc kiểm điểm lại công việc, xem báo lỗ lã ra sao thì không anh nào vui hết, vì báo đứng, mà đứng thì nguy, vì số chi nặng hơn là số thu. Giữa lúc đó, có vài anh em đề nghị với tôi nhường “Vịt Đực” lại cho một người khác vẫn thì thọt lại chơi nhà báo, mà dường như có nhiều chân tay trong sở Mật thám. Trong mấy buổi họp ở quán Anh Mỹ của Bùi Trọng Hưu, bỉnh bút tờ “Việt Báo” của Bùi Xuân Học, tôi không phát biểu ý kiến. Đến tận giờ chót, sau khi đã điều đình được một nhà in mới nhận in tờ “Vịt Đực”, tôi nói thẳng là tôi không nhường báo lại cho ai cả, anh nào bằng lòng tiếp tục cộng tác thì ở, ai ngại vất vả, túng thiếu thì tùy nghi.
Báo “Vịt Đực” không nghỉ một số nào. Trụ sở từ đường Cột Cờ dọn lại phố nhà thương Phủ Doãn trên một cái gác bé nhỏ, oi bức, còn tòa soạn thì chỉ còn có hai người là Phùng Bảo Thạch và tôi chia nhau ra viết bốn trang khổ giấy 40x55, không quảng cáo. Nhờ vì chi tiêu ít, mà cũng may là có một vài sự việc xảy ra, báo lên lần lần. Chúng tôi thêm nhiều mục, thay đổi giọng văn và cách trình bày “việc có thực viết như là bịa, mà bịa thì viết y như có thực”. Độc giả ăn giọng dần dần, báo in tăng lên trông thấy.
Làm báo, không có gì khích lệ người ta hơn là thấy báo mỗi ngày mỗi chạy hơn. Không ai bảo ai, Phùng Bảo Thạch và tôi mát cả gan cả ruột, và lại càng cố gắng “học tập” tờ “Canard Enchainé” viết cho lâm ly quy phượng hơn nữa, hơn nhiều nữa. Phần lớn ý kiến là của Thạch; tôi có nhiệm vụ đào sâu và biến hóa các ý kiến đó khi viết bài. Tôi sẽ không thành thật nếu không nhận rằng cách thức viết “Vịt Đực” lúc ấy, một phần tôi đã chịu ảnh hưởng của tờ “Duy Tân”, nhưng dù sao báo “Duy Tân” cũng chỉ là một loại báo “mặn” ăn tục nói phét kiểu Frou Frou, Le Rire... nhiều khi đọc đểu quá, những người đứng đắn dù có muốn đọc cũng chỉ lén lút, chớ không dám cầm công khai ở tay đi ngoài đường. Chúng tôi muốn có một trình độ cao hơn thế ở tờ “Vịt Đực”, nghĩa là muốn làm tờ báo ấy thành một tờ báo chánh trị, xã hội, có một lối viết hư hư, thực thực, châm chọc nhưng không làm cho người ta tức giận, oán hờn, đùa cợt mà không làm thương tổn đến thuần phong mỹ tục.
Riêng tôi lúc ấy, tôi lấy Pierre Bénard, De Lafouchardière, Clément Vautel... làm gương mẫu, còn các văn nhân trong nước, lúc nào tôi cũng coi Văn Tôi Hoàng Tích Chu, tác giả mục “Chuyện Đâu”, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, tác giả mục “Trước Đèn” cùng Phan Khôi ký tên Thông Reo, Ngô Tất Tố bút hiệu Ngu Công, là những người đàn anh lỗi lạc.
Bây giờ, ngồi kiểm điểm lại những cây bút trào phúng như thế không còn có bao nhiêu, vì thế có lúc mây chiều gió sớm, ngồi ôn lại những ngày qua, trò chuyện với những con ma quá khứ, tôi vẫn nghĩ không phải mươi, mười lăm năm mà đã dễ gây được một lớp người văn hóa. Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, thực tình tôi vẫn chưa thấy có những cây bút thay thế được các bậc đàn anh ấy, nói riêng về môn trào phúng mà chơi.
Riêng tờ “Vịt Đực”, chúng tôi muốn có nhiều bài, nhiều mục mà văn thật ngắn, sỏ người ta càng kín đáo càng hay. Nhưng nghĩ một đàng mà làm được lại là việc khác. Số người bị sỏ mỗi ngày mỗi tăng thêm. Bắt đầu là bà Đốc Trịnh Thục Oanh, lái xe đến nhà báo định giở trò lăng mạ, nhưng vì biết trước, cả tòa soạn hóa trang thành Tarzan, nên bà mắc cỡ bỏ đi, rồi đến ông bà Kề Hông, các vị tai to mặt lớn, các quan lại, các giám đốc nha, sở, các ông các bà đốc học nịnh Tây... phàm anh nào dính dáng đến Tây, bợ Tây, lấy oai Tây ra ăn hiếp đồng bào, chúng tôi đều “cân” hết. Cố nhiên, chúng tôi “cân” một cách “hạn chế”, nhưng người mình lạ lắm, phần lớn họ tự coi như là “bất khả xâm phạm”, hơi động đến họ cũng làm cho họ không bằng lòng, vận động đóng cửa “Vịt Đực” bằng cách này hay cách khác, nên có nhiều khi chúng tôi mất bình tĩnh, nhất là vụ Tôn Thất Bình, chủ bút báo “La Patrie Annamite” do Phạm Lê Bổng làm giám đốc. Bình ra tranh chức hội viên thành phố. Giới thiệu các danh sách ứng cử, tôi viết về Tôn Thất Bình chỉ có một câu: “Tôn Thất Bình: con rể Phạm Quỳnh, đêm nào cũng chửi Phạm Giao(1) rả rích”.
Điển hình là vụ bà Đốc Trịnh Thục Oanh, nổi tiếng một thời là gương xấu cho học trò con gái lúc bấy giờ.
“Vịt Đực” chế nhạo bà. Tự cho là có thế lực, bà kiện “Vịt Đực”. Chúng tôi ra luôn mấy số báo tổng công kích, và cố nhiên thua kiện; nhưng tất cả chúng tôi bất cần, chúng tôi cứ pháo kích bà với những hỏa tiễn “bự thấy mồ” kèm những tranh vẽ bà Oanh, đại khái ngồi trước một cái chậu rửa mặt, mà mắt mũi đen thui như mực:
“Bà đốc Oanh rửa mặt tại tòa”. Dư luận xôn xao, các bực phụ huynh nhảy lên vì vẫn oán ức bà Đốc này, nhưng không ai dám ho he phàn nàn, và bà có tiếng là tiếp xúc thân mật với rất nhiều Tây bự, trêu vào thì chết.
Mà chúng tôi cũng tưởng chơi bà chuyện ấy thì chết thật, nhưng có lẽ vì Tây chỉ lấy lòng bà ngoài mặt mà trong bụng thì khinh, nên dù bà nhờ nhiều quan can thiệp mà chúng tôi cứ sống nhăn. Sau hết, một hôm có một người lính khố xanh đến đưa một văn thư mời chúng tôi lên văn phòng báo chí phủ Thống sứ “có việc cần”. Quản lý Nguyễn Đức Long đi liền, được ông Lê Tài Trường tiếp đón rất niềm nở: Ông thống sứ Châtel muốn nhà báo chấm dứt loạt bài chửi bà Oanh đi. Ông Trường còn cho biết là nhà báo “có cần gì thì cứ nói, anh em với nhau cả mà!”.
Chúng tôi chẳng cần gì cả, chỉ cần pháo kích bà Oanh cho đến khi nào bà đờ ra, không ngo ngoe nữa - mặc dầu có ông Thống sứ che chở cho bà. Và chúng tôi đã liều hết chỗ nói: xỏ luôn cả ông Thống sứ, với bà Oanh, mà lạ một cái là báo vẫn không làm sao cả. Chắc hẳn ở trong có một ẩn tình gì cho nên Châtel mới không bóp cổ Vịt cho chết luôn, chớ thật ra, Thống sứ lúc ấy còn ghê hơn tổng thống, thủ tướng bây giờ, nếu định hại chúng tôi thì mấy mà không chết sớm. Có lẽ Châtel sợ binh bà Oanh quá thì mang tiếng về đến Pháp chăng...
Vậy là chúng tôi chửi chí chạp, chửi chết thì thôi. Độc giả mua đọc nhiều. Nhưng dù sao, đó cũng là một cái “yếu” của chúng tôi làm cho “Vịt Đực” mất phần nào uy tín. Thêm nữa, được cái đà báo chạy quá, chúng tôi về sau có một thái độ hơi phóng túng, mở ra vài mục hơi tục tĩu như “Tiếu Lâm Vịt Đực”, “Tiếng Oanh” do cô Ngã (Ngửa) phụ trách, nên tờ báo hơi mang tiếng. Nhưng mang tiếng là một đàng, mà số in mỗi ngày mỗi nhiều hơn lại là chuyện khác. Có người đọc công khai, có người mua rồi giấu đi đem về nhà chờ lúc vắng vẻ mới dám đem ra thưởng thức; nhưng dù cách nào đi nữa thì người ta cũng tranh nhau tìm đọc “xem họ chửi cái gì” và do đó “Vịt Đực” thành một lực lượng đáng kể, thường in không đủ bán. Những lúc như thế, anh em bè bạn ở bốn phương về chơi với báo sao mà nhiều thế! Có người “không vì lý do gì cả” rủ anh em đi hát luôn cả một tuần; có bọn mời đi ăn đi uống cho bằng được “nếu không thì giận”; lại có người bỏ ra hàng đống bạc mời anh em làm một “tua ở Huế đi thuyền trên sông Hương nghe hò”.
Không cần biết ai là bạn, là thù - mà thù nhiều hơn bạn - chúng tôi chấp nhận đi chơi bời ăn uống với tất cả, không phân biệt, mà cũng không cần “gác đờ co”, chớ phải chi bây giờ sống một cuộc đời nguy hiểm, lúc nào cũng có sẵn người muốn “xin tí gân, tí huyết”, ít nhất là mỗi anh trong bọn chúng tôi cũng phải có hai con khỉ độc canh chừng, và đi đâu thì xoàng ra cũng phải có một đoàn hộ tống đi mô tô và xe díp bấm còi điếc mũi người ta. Không, chúng tôi là bọn điếc không sợ súng, lúc nào cũng tin ở số tử vi, chưa đến số thì “không có thằng chó nào làm hại được mình, chỉ có trời hại được mình thôi”.
Phải, chúng tôi viết báo rất ác, rất đểu, rất hại người, nhưng trong thâm tâm thì lúc nào cũng chủ trương phải ăn ở phúc đức vì “có Trời cả”, mà cuộc đời chúng tôi lao đao, lận đận, lên voi xuống chó bao phen cũng là do ông trời. Có ai, vào buổi sáng tinh mơ, nghe thấy Nguyễn Đăng Đệ (biệt hiệu Thiên Thê), một bạn thân của nhà báo, ngâm câu thơ đắc ý của anh, nói rõ lên được tâm sự của cả bọn chúng tôi lúc đó mới biết cái buồn của anh em viết báo lúc thắng cũng như khi bại ra sao:
Trên tiên cung, có tội gì?
Xuống trần mà trả nợ đi cho rồi.
Đến đây, chúng tôi thiết nghĩ cũng nên nói tại sao lại chửi hăng như thế. Nguyên hồi ấy là thuở “Thịnh Đường” của chế độ thực dân. Pháp và tay sai nắm vững các cơ cấu trong nước, các đảng cách mạng chỉ có thể hoạt động ngấm ngầm, phàm cái gì nghịch lại với thực dân đều bị đàn áp một cách kín đáo và thâm độc. Riêng trong lãnh vực báo chí, họ không cần áp dụng chế độ kiểm duyệt, mà cũng chẳng cần phải buộc “nạp bản” làm gì; duy có ai ra báo phải xin phép trước và in xong một số báo rồi thì phải đưa ra “dépôt légal”.
Nạp bản và dépôt légal mới nghe thì tưởng cũng giống nhau, nhưng bên trong thì khác biệt. Nạp bản là báo đập thử ra giấy rồi đưa ra cho Thông tin hay một cơ quan nào tương tự đọc, bình thường chẳng làm sao, nhưng nếu có gì xét ra chướng ngại thì một cú “phôn” sẽ khuyến cáo nhà báo nên “tự bỏ” bài ấy hay đoạn ấy đi ngay “cho khỏi xảy ra sự đáng tiếc” sau này. “Dépôt légal” rộng rãi hơn thế: nhà báo cứ in hẳn ra mà bán, đồng thời nộp mươi, mười lăm số cho các cơ quan liên hệ như Thông tin, Tòa án, Thư viện... Bài vở trơn tru chẳng làm sao, nếu có gì trục trặc, láo lếu thì tòa án truy tố chủ nhiệm và quản lý ra tòa.
Vì thế “Vịt Đực” cũng như các báo “Công Dân”, “Tương Lai”, “Việt Nữ”... viết thả cửa, “ra tòa hay tù tội là chuyện sau”. Trong suốt cuộc đời làm báo, có lẽ không có hồi nào chúng tôi vui như lúc làm “Vịt Đực”: thường thường chúng tôi thức trắng đêm không ngủ, họp nhau tán gẫu và cứ tán gẫu như thế thì ra nhiều chuyện tức cười. Có đêm nghĩ ra một câu xỏ ngọt thần diệu, hay một vấn đề giễu cợt tài tình, chúng tôi cười thắt cả ruột, cười đau cả bụng. Thế rồi có khi vì sướng quá, có khi vì mệt quá, có khi vì chán đời quá, chúng tôi không ngủ nữa, nửa đêm kéo nhau đi ăn, đi hút, đi hát và thường thường đi hát như thế, chúng tôi không trở về nhà báo nữa, ở luôn cô đầu, ở nhà này vài đêm, nhà kia vài đêm, viết bài luôn tại chỗ, rồi đưa tùy phái đem về nhà in xếp chữ, “mi” lấy và in luôn, không cần “bon à tirer”. Lưu Văn Phụng, quản lý, và Vũ Chung, chủ nhiệm, vài ngày lại tạt về báo quán một lần, để giải quyết vấn đề trị sự và thu tiền của cai báo, của trẻ em bán báo lẻ và của các người mua năm trả bằng tiền mặt hay ngân phiếu.
Nếu thu được nhiều, chúng tôi không ăn cơm ở cô đầu, trưa và chiều nghễu nghện mỗi người một xe đi từ Vạn Thái, Khâm Thiên lên Bôn Be, Hàng Buồm ăn nhà hàng rồi lại trở về nhà hát và thường thường thì trị sự thu được tiền rất khá, vì báo bán chạy, có nhậu nhẹt hát xướng cả năm cũng không sợ thiếu. Ấy vậy mà chúng tôi thiếu tiền thường xuyên, và chúng tôi không hiểu tại sao lại thế. Khốn nạn nhất là mỗi ngày thứ ba hàng tuần, tức là ngày phải trả tiền nhà in để lấy báo phát cho cai và trẻ em. Nhân viên của “tờ báo chạy nhất Hà Nội” lúc bấy giờ, mặt buồn như sắp phải trèo lên núi Can Ve, đành phải trở về nói khó với nhà in chịu tiền. Chịu hai số, năm, sáu số, được đi; nhưng chịu tiền in đến chín số báo, điều đó không thể dung thứ được. Nhà in gửi cho một tối hậu thư. Thạch và tôi, đương trưa trời nắng, phải cuốc bộ đi tìm người để vay dăm ba trăm lấy báo. Còn giấy in? Tôi về vay giấy của mẹ, nhưng vay mãi, cả nhà tôi cũng ngán: rút lại, báo càng chạy, anh em lại càng khổ, vì đến kỳ lấy báo nào cũng không có tiền; báo xuất bản ít thì tiền in cũng ít, mà giấy đi xoay đồng thời cũng ít hơn. Thành thử ra làm “Vịt Đực”, chúng tôi thường xuyên sống trong một sự vô lý ngoài óc tưởng tượng của người ta: lúc nào cũng cầu mong cho báo đừng chạy quá. Chạy quá thì báo phải chết, vì số tiền vay sẽ lớn hơn, mà rồi cũng hết người cho vay tiền.
Mà mình tự in ít đi không được. Có một vài số chúng tôi đã thí nghiệm biện pháp này, vào dịp tất niên. Ai ngờ đâu số tất niên, cai báo và trẻ em lại mua báo gấp đôi, gấp ba số thường; báo thiếu bán nhiều quá, anh em bán báo mất một số lợi đáng kể vào cuối năm, biểu tình trước nhà báo, ném đá, phá cửa và không ngại chửi chúng tôi bằng những lời thô tục nhất và hò hét ầm ĩ cả phố là chúng tôi “ăn chơi xài phí quá, hết tiền, không có báo bán cho anh em, t...s... cha chúng mày”.
Ngay lúc ấy, chúng tôi uất ức không để đâu hết, nhưng đến đêm, chúng tôi cười như phá, vì không bao giờ lại sung sướng đến thế: làm báo mà bị trẻ con chửi tàn nhẫn vì in không đủ bán! Đồng thời, chúng tôi quyết định ăn chơi rả rích cho hết năm cũ; ra giêng sẽ đổi hẳn lề lối làm việc. Nhưng, chứng nào vẫn giữ tật ấy; báo chạy mà tiền thì không còn đồng nào trong két. Tuy nhiên, kỹ thuật viết trào phúng hư hư thực thực của chúng tôi hình như do đó đã tiến bộ hơn lên, cùng với những sáng kiến cũng táo bạo hơn. Đả kích thực dân và quan lại quen quá mất rồi, chúng tôi nhất định làm một cú thực trì: pháo kích vua Bảo Đại lúc đó bị gãy chân vì một vụ mèo chuột sì sằng gì đó. Dưới một cái tít lớn, chạy dài trên trang nhất “Thánh túc vi hòa, vạn tuế thánh túc”, chúng tôi giễu nhà vua luôn cả một tuần, trong đủ các mục, và có bài đã thành vè truyền khẩu trong dân chúng:
Trên trời có ông sao tua,
Ở dưới hạ giới có vua thụt hầm.
Kết cục, lần lượt chúng tôi nhận được ba trát đòi ra tòa hầu kiện. Cố nhiên, chúng tôi phải thua. Theo luật,
“Vịt Đực” phải nộp tiền phạt trước mới có quyền chống án. Mà tiền thì dù lúc ấy chỉ cần độ một ngàn đồng, bói đâu ra? Thành thử án lịnh ban hành, chúng tôi biết ngay là báo sẽ chết và phải chết. Tuy nhiên, còn sống ngày nào chúng tôi cứ viết toáng lên cho sướng thần khẩu ngày ấy. Vụ liều chót của “Vịt Đực” là vụ chơi đề đốc Terreau, liên quan tới vụ tàu Phoenix bị chìm ở ngoài khơi Bắc Việt. Mục đích làm to vụ này là định dọa chính phủ thực dân hồi đó, để bù lại, họ đứng ra dàn xếp cho xong vụ án “Vịt Đực - Bảo Đại”, hầu mua lấy sự im lặng của chúng tôi. Nhưng thực dân cứ áp dụng hành động quyết liệt: bắt quản lý và chủ nhiệm “Vịt Đực”, giam cầm hơn một tháng. Trong khi ấy, chúng tôi hết hạn nộp tiền để chống án. “Vịt Đực” phải tự đóng cửa sau năm mươi hai số đả kích không thiếu mặt nào trong xã hội Bắc Kỳ, làm cho nhiều người thích thú, nhưng đồng thời cũng gây ra không biết bao nhiêu kẻ thù lúc nào cũng vái trời vái phật cho Tây đóng cửa “Vịt Đực” sớm ngày nào hay ngày ấy.
Vũ Bằng
Chú thích: (1) Phạm Giao là con trai Phạm Quỳnh đã bị giết chết hồi cách mạng mới lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét