Trong “mê hồn trận” hàng hóa, mà hàng Trung Quốc chiếm số lượng không nhỏ thì việc lựa chọn một sản phẩm an toàn đối với người tiêu dùng không phải chuyện đơn giản.
Nhất là khi người tiêu dùng thiếu thông tin còn cơ quan quản lý của ta vẫn chủ yếu chạy theo thông tin báo chí nêu hoặc các cảnh báo từ bên ngoài, chưa có sự chủ động theo dõi, phát hiện.
Vì thế, nhiều người tiêu dùng đã nói vui (mà rất đúng) rằng chuyện chọn hàng hóa an toàn không khác gì một cuộc “vật lộn” gay go, vì họ không biết đường nào mà lần. Họ đã nghĩ ra nhiều cách để chọn được hàng hóa an toàn cho sức khỏe, nhưng thực tế là vẫn không thể tránh được hoàn toàn khỏi các loại hàng hóa độc hại.
Hoang mang không biết ăn gì cho an toàn
Trên các bao bì sản phẩm lúc nào cũng ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần cấu tạo, hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm.
Về lý thuyết thì người tiêu dùng có thể đọc và yên tâm nếu những thông tin ghi trên bao bì không vi phạm quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhưng trên thực tế lại là chuyện hoàn toàn khác. Chị Vũ Thị Liên, người từng mua phải sản phẩm thạch Taro của công ty New Choice Foods và cho con ăn trong suốt một thời gian dài đã hốt hoảng khi đọc được thông tin trên báo chí về chất DEHP - một chất dùng trong công nghiệp nhựa có thể gây ung thư nếu sử dụng lâu dài trong thực phẩm - có trong thạch rau câu Taro.
Chị Liên cho biết, mình là người cẩn thận khi chọn đồ dùng, khi mua đều đọc hết thành phần, nguồn gốc nhưng những việc như phát hiện DEHP trong thạch Taro nằm ngoài khả năng xác minh của chị.
“Đến cơ quan chức năng còn không biết thì người dân không thể biết. Khi thấy sản phẩm được lưu hành, tôi cứ nghĩ đã được kiểm định nên yên tâm. Người tiêu dùng đơn thuần như tôi không thể biết được bên trong thạch đó lại chứa một chất nhựa bị cấm”, chị nói.
Trước hàng lọat thông tin về chất lượng thực phẩm bị thả nổi hiện nay, trong đó có nhiều loại có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, chị Liên hoang mang: “Bây giờ tôi không biết phải ăn gì cho an toàn. Mỗi khi đi siêu thị, thấy bất cứ hàng hóa nào có chữ Trung Quốc là tôi không mua, dù có thể nó cũng tốt nhưng tôi không biết thực sự nó thế nào. Nhưng còn hàng Việt Nam, liệu có yên tâm được không? Nhiều lần báo chí cũng đưa về các vụ việc vi phạm ở các công ty Việt Nam rồi. Là người tiêu dùng, tôi thực sự hoang mang trước tình trạng hàng hóa độc hại cứ vô tư bày bán tràn lan thế này”.
"Trăng rằm" - Hot girl Việt Nam |
Quay đầu là… biển!
Thực tế điều chị Liên băn khoăn không phải là không có cơ sở. Khi quay trở lại với hàng nội, người tiêu dùng Việt Nam cũng đã gặp những vố lừa dễ dàng.
Lấy mặt hàng quần áo, đồ ăn khô làm ví dụ minh họa để thấy sự thiếu tin tưởng của người tiêu dùng vào chất lượng hàng nội (dù hàng nội ngày càng có vị thế hơn). Tình trạng đặc sản made in Vietnam nhưng nguồn gốc thực sự của nó lại ở TQ bị phanh phui thời gian qua càng làm sự hoang mang của người tiêu dùng tăng cao.
Trong năm 2009 và 2010, khi chủ trương “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ra đời và đi vào đời sống được một thời gian ngắn, các đội quản lý thị trường của Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã thực hiện kiểm tra các cửa hàng bán hàng made in Vietnam, trong đó có cả quần áo, giày dép, thì một điều bất ngờ được khám phá là: Dưới cái nhãn made in Vietnam là một cái nhãn khác đã bị cắt/dán đè lên. Cái nhãn thực sự của chiếc áo đều cho thấy chúng có nguồn gốc xuất xứ từ … TQ!
Điều đó cho thấy đơn vị kinh doanh đã nắm bắt tâm lý “bài trừ hàng TQ” để cố tình “đánh lừa” khách hàng!
Một trong những “điểm tựa” mà người tiêu dùng hay tin vào là chờ đợi sự lên tiếng và những khuyến cáo của cơ quan chức năng (ở đây là Cục An toàn vệ sinh thực phẩm).
Tuy nhiên, lần nào cũng như lần nào, Cục đều đưa ra các khuyến cáo chung chung không có nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như “cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, xem kỹ nguồn gốc, nên mua sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín, vv…”.
Chuyển hướng mua sắm
Theo Hội bảo vệ người tiêu dùng VN, ngoài chuyện trở nên “kỹ tính” hơn thì một trong những cách để chọn được hàng an toàn là chuyển hướng mua sắm. Đây chính là cội nguồn của việc ra đời những cửa hàng trái cây ngoại có giá bán lên tới vài trăm ngàn đồng/kg.
Chưa thể chắc chắn 100% những trái cây này an toàn đúng như quảng cáo của người bán nhưng ít nhiều người tiêu dùng cũng có phần yên tâm khi “tự đánh lừa” được cảm giác của mình.
Trong xu hướng chuyển hướng mua sắm hiện nay, người tiêu dùng phân rõ làm hai nhánh: Hoặc quay trở về dùng hàng nội; hoặc mua hẳn hàng ngoại có xuất xứ Mỹ, EU và các nước uy tín khác trên thế giới (với những người có điều kiện kinh tế khá giả).
Tuy nhiên, với những người có thu nhập trung bình (phần này chiếm số đông) thì những lựa chọn trên là không khả thi, bởi xét về giá cả rẻ hơn thì hàng Việt Nam không địch được hàng TQ! Bởi thế, sử dụng hàng TQ vẫn là điều bất khả kháng trong bối cảnh hiện nay.
Song tín hiệu đáng mừng cũng đã bắt đầu xuất hiện: Thống kê từ Tổng cục Hải Quan cho thấy, trong quý 1-2011, tổng lượng rau củ nhập từ TQ vào VN đã giảm 18,31%, nếu tính riêng trong tháng 3-2011, hàng nhập qua cửa khẩu đã giảm đến 26,57%. Đây là hệ quả ban đầu của việc thay đổi nhận thức và thói quen mua sắm của người VN đối với hàng TQ.
N.Anh
(Một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
“Đám cưới của Peleus và Thetis” - tranh của họa sĩ Cornelis van Haarlem |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét