Nói đến món ngon Hà Nội, phở luôn được đặt lên hàng đầu, như nhà văn Thạch Lam nói: "Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng nơi đây mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”.
Còn nhà văn Vũ Bằng từng viết: "Phở là món ăn điểm tâm của tất cả người Việt. Người Việt có thể không ăn cái này, cái kia, nhưng chắc chắn ai cũng đã từng ăn phở. Mà phở ngon nhất là phở Hà Nội. Hễ cứ trông thấy người Hà Nội ăn phở thì đố ai mà ngưng lại được cái sự phải... ăn theo".
Từ lâu, người Hà Nội thường có thói quen đi ăn phở để hòa mình với cuộc sống nhộn nhịp hoạt náo của phố phường. Ngồi vào hàng phở lúp xúp bên hè phố tức là tạm quên đi những cái thuộc về cuộc sống văn minh, hiện đại để trở về với nét văn hóa ẩm thực truyền thống. Đó là những quán phở bình dân dành cho những lúc vui miệng, tiện đường đi ăn cùng bè bạn.
Hiện nay đa số đời sống người dân ở Hà Nội ở mức tương đối cao, việc ăn uống đã trở thành một thú vui ẩm thực nên khách hàng cũng có những lựa chọn kỹ lưỡng hơn. Trước hết phở phải ngon, tiếp đó không gian phải sạch sẽ, chỗ ngồi phải đẹp mắt, thoáng đãng, phục vụ phải thân thiện, chu đáo. Đó là những nhu cầu hợp lý của khách hàng và cũng chính là các tiêu chí mà Phở Vuông hướng đến.
Phở Vuông hút khách có cái ngọt chân chất của xương bò, cái thơm của thịt vừa chín đến độ để vẫn dẻo mà lại không dai. Màu nước phở trong, bánh phở mỏng và mềm. Chỉ nhìn bát phở thôi cũng đủ thấy cái chất sành điệu, kĩ càng trong ăn uống của người Hà Nội. Một nhúm bánh phở đã trần qua nước dùng nóng hổi mềm mại dàn đều trong bát, bên trên là những lát thịt thái mỏng như lụa điểm mấy ngọn hành hoa xanh nõn, mấy cọng rau thơm xinh xắn, mấy lát gừng vàng chanh thái mướt như tơ, lại thêm mấy lát ớt thái mỏng vừa đỏ sậm như màu hoa hiên.
Tất cả màu sắc đó như một bức họa lập thể hơi bạo màu nhưng đẹp mắt cứ dậy lên hương vị, quyện với hơi nước phở bỏng rẫy, thơm lừng tỏa hơi nghi ngút, đánh thức tất thảy khả năng vị giác, khứu giác của người ăn, khiến ta có cảm giác đang được hưởng cái tinh tế của đất trời và con người hợp lại. Chỉ húp một ít nước thôi cũng đã thấy tỉnh cả người. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cái cay dịu của gừng, cái cay nồng của ớt, cái thơm nhè nhẹ của rau thơm, cái thơm của thịt bò tươi mềm.
"Mơ hồng" - Hot girl châu Á |
Để có một bát phở hấp dẫn như vậy thật không đơn giản, bởi đó quả là cả một tác phẩm kì công. Xương để nấu nước dùng phải là loại xương ống tươi ngon, gia vị cho vào nước dùng gồm nhất nhiều loại, trong đó không thể thiếu là sá sùng, quế hồi, thảo quả được ninh trong 14 tiếng để tạo nên vị ngọt tự nhiên của nước dùng và hương thơm đặc trưng của phở Hà Nội. Cùng với nước dùng, bánh phở cũng là yếu tố không kém phần quan trọng để tạo nên phong cách riêng của Phở Vuông.
Bột để làm bánh phở được pha trộn theo một công thức gia truyền và được tráng bằng tay nên mỏng mềm mà không nát. Trên từng thớ bánh phở không trơn nhẵn như loại bánh phở làm bằng máy mà lấm tấm những chấm nhỏ, khi chan, nước dùng đọng lại, ngấm sâu vào bánh phở nên khi thưởng thức, người ăn có thể cảm nhận sự hòa quyện của nước dùng thơm ngọt và bánh phở mỏng mềm. Sau 15 năm xa quê, gia đình ông Đỗ Đức Thành, khi đặt chân xuống máy bay, điều ông Thành muốn giới thiệu với hai cậu con là món phở Hà Nội. Khi ăn những miếng phở đầu tiên ở nơi đây, ông Thành reo lên với vợ và con trai: "Phở Hà Nội của tôi đây".
Không gian Phở Vuông rộng rãi đủ chỗ cho cả trăm người nhưng vẫn giữ được phong cách trẻ trung, thoáng đãng. Cái phong cách riêng ấy nằm ngay trong tên gọi Phở Vuông dịch sang tiếng Anh có nghĩa là quảng trường rộng rãi, nơi tụ hội của đông người. Lắng trong hương vị thơm ngon đậm đà của tô phở ẩn dấu một nét gì đó rất Nguyễn Tuân, rất Văn Bằng.
Nước dùng tỏa hơi nghi ngút, ngọt một vẻ thanh dịu của xương tủy bò hầm, của quế hồi, thảo quả, bánh phở mỏng, mềm mà không nát, những lát thịt bò thái mỏng bắt mắt, đủ cả tái, chín, nạm, gầu, gân, sách thêm vài sợi gừng thơm, đôi lát ớt cay, một bát phở như vậy đủ biết vì sao năm 2007, Phở Vuông lại được người tiêu dùng ưu ái và bình chọn nhiều giải thưởng đến vậy.
Trong nhịp sống hiện đại, bữa ăn không chỉ đơn giản là để tồn tại, đó còn là văn hóa, là lối sống, là phong cách của mỗi người và đó cũng là sự khởi đầu của biết bao tình cảm tốt đẹp. Phở Vuông tuy xuất hiện ở Hà Nội chưa lâu nhưng thương hiệu Phở Hà Nội cho người sành ăn đã trở nên rất thân thuộc. Những giải thưởng do khách hàng, các cơ quan bình chọn như một nguồn động viên, khích lệ lớn lao để Phở Vuông nỗ lực hơn nữa không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn mong muốn hương vị Phở Hà Nội sẽ lan xa khắp trong và ngoài nước, góp phần gìn giữ và quảng bá nét đẹp văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Nguyễn Hương
(Một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
"Bên bình cổ" - tranh của họa sĩ Pascal Chove |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét