"Tóc thề" - Hot girl Hàn Quốc |
Hỏi: Kính thưa Thầy, theo Đạo Phật Thầy đã giảng là không có thế giới siêu hình, nhưng trong các kinh Nguyên Thủy, Đức Phật đã dạy, có 33 cõi Trời và các cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ, A Tu La, súc sanh, và cõi Người, như trong kinh có thuật lại:
“Một hôm Đức Thế Tôn cùng tôn giả A Nan đi khất thực, trên đường về, tôn giả A Nan thấy Đức Phật mỉm cười, nên lấy làm lạ, muốn thưa hỏi Phật liền, nhưng giới luật Phật cấm, “Chẳng đặng nói chuyện trên đường đi”. A Nan chờ sau khi thọ thực xong Ngài đến thưa hỏi Phật: “Kính bạch Thế Tôn, trong lúc đang đi khất thực về, có duyên cớ gì mà Như Lai mỉm cười?
Đức Phật bảo:
“Trên đường đi khất thực về ta thấy trên trời có một loài ngạ quỷ đang đói khổ, sau lưng bị một đoàn ó theo cắn rỉa, thật là đau khổ”.
Kính bạch Thầy, có phải cảnh giới này là địa ngục không? Nếu quả có địa ngục thì phải có đời sống sau khi chết. Nếu có đời sống sau khi chết thì phải có thế giới siêu hình?
Và đây là câu chuyện thứ hai:
“Vào lúc cuối đêm, đến chỗ Đức Phật ngự có một Thiên nữ Câu-Ca-Ni có dung sắc tuyệt diệu, cúi đầu lễ dưới chân Phật, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp tịnh xá Sơn Cốc. Thiên nữ đọc lên một bài kệ. Khi Đức Phật nghe xong bảo Thiên nữ:
– “Đúng thế ! Đúng thế!”
“Thiên nữ Câu Ca Ni nghe Phât khen, hoan hỷ cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi biến mất”.
Thưa Thầy, câu chuyện trên đây trong kinh Tạp A-Hàm tập IV trang 483 kinh số 1.271. Theo bài kinh này như vậy có cõi Trời, có cõi Trời tức là có thế giới siêu hình, có thế giới siêu hình, tức là có sự sống sau khi chết. Xin Thầy dạy rõ cho chúng con hiểu?
"Aphrodite trong xưởng rèn của Hephaestos" - tranh của họa sĩ Jan Van Kessel |
Sự thật thế giới siêu hình không có, nhưng biết nói làm sao cho các con tin. Một thế giới siêu hình đã ăn sâu vào lòng người, từ khi con người có mặt trên hành tinh này, với một tưởng thức của con người tạo ra. Đó là một điều không thể trách được các con ạ! Các hiện tượng của thế giới siêu hình tưởng hằng ngày đang diễn biến chung quanh cuộc sống con người thì thử hỏi làm sao người ta tin rằng không có thế giới siêu hình.
Thêm vào các tôn giáo và cả Phật giáo Đại Thừa đều xác định có thế giới siêu hình thì dù tiếng nói của Thầy có thật sự đi nữa là không có, cũng khó có ai tin theo được. Đức Phật đã dạy kinh Ngũ Uẩn, kinh Thập Nhị Nhân Duyên mà Thầy đã giảng, nhưng các con chưa đủ niềm tin. Bây giờ Thầy sẽ dẫn chứng một bài kinh khác cụ thể rõ ràng hơn chính lời Phật đã dạy: “Bài kinh Pháp Môn Căn Bản” trong kinh Trung Bộ tập I trang 9.
- “Này các Thầy Tỳ Kheo. Ta sẽ giảng cho các Người: “Pháp môn căn bản tất cả pháp”.
“Này các Thầy Tỳ Kheo! Ở đây có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp của các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc chân nhân, không thuần thục pháp các bậc chân nhân, không tu tập pháp các bậc chân nhân, tưởng tri đại địa là đại địa. Vì tưởng tri đại địa là đại địa, người ấy nghĩ đến đại địa (là có thật). Nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với đại địa thì tự ngã có thật. Cho nên người ấy nghĩ “Đại địa là của ta” Sanh ra ưa thích chấp đắm đại địa. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri đại địa.
Người ấy tưởng tri thủy đại là thủy đại. Vì tưởng tri thủy đại là thủy đại người ấy nghĩ đến thủy đại (là có thật) nghĩ đến tự ngã đối chiếu với thủy đại thì tự ngã là có thật, cho nên người ấy nghĩ “Thủy địa là của ta” Sanh ra ưa thích chấp đắm thủy địa. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri thủy đại.
Người ấy tưởng tri hỏa đại là hỏa đại: Vì tưởng tri hỏa đại là hỏa đại, người ấy nghĩ đến hỏa đại (là có thật) nghĩ đến tựngã đối chiếu với hỏa đại thì tự ngã là có thật, cho nên người ấy nghĩ hỏa đại là của ta. Sanh ra ưa thích chấp đắm hỏa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri hỏa đại.
Người ấy tưởng tri phong đại là phong đại. Vì tưởng tri phong đại là phong đại. Người ấy nghĩ đến phong đại (là có thật) Nghĩ đến tự ngã đối chiếu với phong đại là tự ngã có thật, cho nên người ấy nghĩ phong đại là của ta. Sanh ra ưa thích, chấp đắm phong đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri phong đại.
Người ấy tưởng tri sanh vật là sanh vật. Vì tưởng tri sanh vật là sanh vật, người ấy nghĩ đến sanh vật (là có thật). Nghĩ đến tự ngã đối chiếu với sanh vật thì tự ngã có thật cho nên người ấy nghĩ “Sinh vật là của ta’’ sanh ra ưa thích chấp đắm sanh vật. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri sinh vật”.
Đọc qua những lời dạy của đức Phật trên đây, chỉ cho thế giới hữu hình của chúng ta là thế giới tưởng. Tưởng đất đai, sông, núi, cây, cỏ, vạn vật là có thật. Vì tưởng nó có thật nên con người sanh ra chấp đắm, ham thích, rồi mới tranh chấp đấu tranh, giành giựt của cải, tài sản, đất đá, sông, rạch, núi, rừng, vàng, bạc, châu, báu v.v.. Giết người, cướp của, dùng mọi thủ đoạn phương tiện lừa đảo, lường gạt người bằng mọi cách, thậm chí có kẻ lợi dụng ngay cả tôn giáo, buôn Phật, bán Pháp, buôn Thần, bán Thánh v.v..
Do chỗ không hiểu thế giới hữu hình là thế giới tưởng nên mới sanh tạo ra nhiều thứ dính mắc và tạo biết bao nhiêu sự đau khổ cho mình, cho người, từ kiếp này đến kiếp khác và mãi mãi chịu khổ đau vô cùng tận, cũng chỉ vì “tưởng tri của loài người”.
Đức Phật đã thấy thế giới hữu hình của con người là thế giới tưởng, cách đây 2542 (2548) năm, Người đánh tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi người, thế giới hữu hình là thế giới tưởng, nhưng ai là người đã tin Ngài. Nếu không phải là người tu đúng giáo pháp của Người. Thì làm sao tin được thế giới này là thế giới tưởng.
Thế giới hữu hình là thế giới tưởng thì thế giới vô hình làm sao có thật, thế giới vô hình là bóng dáng của thế giới hữu hình, đã là bóng dáng thì làm gì có sự sống sau khi chết, đó chẳng qua chỉ là một ảo tưởng của loài người mà thôi.
Cho nên hiện giờ các tôn giáo trên thế gian này ngay cả Đại Thừa Phật Giáo cũng thấy thế giới hữu hình này là thế giới tạm bợ không có thật, vì mọi vật đều vô thường, như lời đức Phật đã dạy qua bài kinh trên “Pháp môn căn bản”. Từ đất, đá, cỏ, cây và tất cả sinh vật đang sanh sôi nảy nở trên hành tinh này đều do tưởng tri của chúng sanh, tưởng là có thật, chứ thực ra thế giới hữu hình này là thế giới duyên hợp. Mọi vật có mặt (vạn hữu) trên hành tinh này đều do duyên hợp mà thành, mọi vật (vạn hữu) hoại diệt đều do duyên tan rã mà hoại diệt, không có một vật nào thường còn bất biến, toàn là vạn vật đều vô thường.
Chỉ vì người thế gian với trí hữu hạn không thấu rõ thế giới hữu hình này. Cho là thật có. Đối với người có trí vô hạn thì thế giới hữu hình là thế giới tưởng của loài người. Nhưng các tôn giáo kể cả Đại Thừa Giáo cũng cho thế giới hữu hình là không thật, nhưng lại xây dựng một thế giới vô hình có thật, thì đó là đi ngược lại Phật giáo. Phật giáo cho thế giới vô hình là thế giới tưởng tri (không có).
Cũng trong bài kinh Pháp Môn Căn Bản trong Trung Bộ kinh tập 1 trang 11 kinh dạy: “Người ấy tưởng tri Phạm thiên là Phạm thiên ... Người ấy tưởng tri Quang âm thiên là Quang âm thiên ... Người ấy tưởng tri Biến tịnh thiên là Biến tịnh thiên ... Người ấy tưởng tri Quảng quả thiên là Quảng quả thiên .... Người ấy tưởng tri Abhibhù (Thắng giả) là Abhibhù .... Người ấy tưởng tri Không vô biên xứ là không vô biên xứ thiên... Người ấy tưởng tri Thức vô biên xứ là Thức vô biên xứ thiên... Người ấy tưởng tri vô sở hữu xứ là vô sở hữu xứ thiên... Người ấy tưởng tri Phi tưởng phi phi tưởng xứ là Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên... Người ấy tưởng tri Sở kiến là Sở kiến ... Người ấy tưởng tri Sở văn là Sở văn ... Người ấy tưởng tri Sở tư niệm là Sở tư niệm ... người ấy tưởng tri Sở tri là Sở tri ... Người ấy tưởng tri Đồng nhất là Đồng nhất ...Người ấy tưởng tri Sai biệt là Sai biệt .... Người ấy tưởng tri Tất cả là Tất cả .... Người ấy tưởng tri Niết Bàn là Niết Bàn ... Vì tưởng tri Niết Bàn là Niết Bàn. Người ấy nghĩ đến Niết Bàn (là có thật). Nghĩ đến tự ngã đối chiếu Niết Bàn (thì tự ngã có thật nhập Niết Bàn) cho nên người ấy nghĩ “Niết Bàn là của ta”. Sanh ra ưa thích chấp đắm Niết Bàn (dục hỷ). Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri (không hiểu, không biết) Niết Bàn.”
Phật giáo không chấp nhận thế giới hữu hình là có thật tri mà chỉ là tưởng tri, đến thế giới siêu hình các cõi trời địa ngục và Niết Bàn cũng là tưởng tri chứ không phải thật tri.
Vì, thế giới siêu hình là bóng dáng của thế giới hữu hình như trên chúng tôi đã nói. Vì thế, con người hữu hình như thế nào thì thế giới siêu hình con người giống như thế nấy, tất cả núi, sông, đất, đá, cây, cỏ, thảo, mộc, nhà, cửa, đền, đài, cung, điện đều giống thế giới hữu hình. Chỉ khác hơn ở thế giới hữu hình là không có không gian và thời gian mà thôi.
Bởi vậy, những người ông lên, bà xuống, nhập đồng, nhập xác, nói chuyện quá khứ, vị lai, chỉ nơi siêu mồ, lạc mả cho người lấy cốt đều đúng không sai một mảy, là nhờ tưởng uẩn không có không gian và thời gian, nhưng khi tưởng uẩn[1] hoạt động thì biết đúng, nói không sai, còn khi tưởng uẩn không hoạt động thì không biết, thường nói sai.
Do chỗ nói chuyện quá khứ, vị lai không sai, khiến người ta không tin rằng có linh hồn người chết, ông này, bà kia, cậu nọ nhập xác, lên đồng, nhập cốt v.v…
Bởi tưởng uẩn làm việc như vậy người ta không rõ, rồi tin rằng có thế giới siêu hình thật sự.
Từ tưởng tri thế giới hữu hình là thật có người ta đã mang đến cho chính mình mọi sự khổ đau cho đến ngày nằm xuống lòng đất, xuôi tay vẫn còn đau khổ, thế mà có ai biết rõ điều này, mọi người đếu vô minh ngay đến những nhà khoa học cũng đành bó tay không giải thích được vì các hiện tượng kỳ lạ mà mọi người đều phải chấp nhận thế giới siêu hình, cho nên thật khó cho ai không tin thế giới siêu hình là không có.
Sự sợ hãi và sự đau khổ do các hiện tượng thời tiết của thế giới hữu hình mới khiến con người tạo ra thế giới siêu hình để có sự phò hộ che chở giúp cho tinh thần con người được an ổn, bớt sợ hãi.
Từ khi sản xuất ra thế giới siêu hình mọi người luôn tin tưởng có sự gia hộ, che chở, ban phước, giáng họa, nhưng sự thật, không thể phò hộ, gia bị, giáng họa, ban phước cho ai cả, chỉ con người tưởng ra để an ủi tinh thần như vậy mà thôi.
Cho nên sự tưởng ra thế giới siêu hình lại còn tạo thêm một lớp khổ cho con người nữa, đã khổ vì thế giới hữu hình dính mắc trói buộc các pháp thế gian, rồi lại bị lường gạt bởi thế giới siêu hình nữa. Do đó có một số tà sư, ngoại đạo lợi dụng sự vô minh và lòng mê tín này tạo ra các vị thần linh để khiến con người tôn sùng, cung kính, sợ hãi và chịu biết bao nhiêu tốn hao tiền của và giết hại sanh linh, làm tội ác thêm để cúng bái, tế lễ, cầu khẩn, van xin v.v..
Cách thức làm ăn của bọn tà sư, ngoại đạo này có hiệu quả làm giàu trên xương máu của kẻ khác không phí sức lao động, chỉ cần tụng đọc ê a, hoặc vẽ bùa, đọc chú, ợ, ợ, ngáp, ngáp nói bậy bạ là hốt tiền bạc của những kẻ đang gặp nhân quả nghiệp báo xấu, nặng nề, trong lúc quá khổ đau, quá sợ hãi trước tai họa hiểm nghèo, trước bệnh tật nan y, trước sự sống chết như chỉ mành treo chuông, trí óc không còn sáng suốt. Lúc bây giờ bọn thầy lừa đảo này nói sao họ nghe vậy, họ làm tiền một cách dễ dàng (ngồi mát ăn bát vàng).
Lại có một số tà sư ngoại đạo khéo léo hơn dùng ba tấc lưỡi lý luận như Trương Nghi – Tô Tần thời Lục Quốc bên Trung Hoa pháp môn này, pháp môn nọ triết lý này triết lý kia, chân lý này chân lý nọ, lường gạt những kẻ vô minh chạy theo pháp này chạy theo pháp kia tu tập để chứng đạt chân lý này chân lý khác.
Từ xưa đến nay, ai là người đã đi tìm chân lý thoát khổ? Chân lý ấy được bao nhiêu người đạt được? Hay chỉ là một lý luận suông?
Tại sao các người không nói thật? Để biết bao nhiêu con người phải mất công, mất của và còn tốn biết bao công lao khổ công tu tập mà chẳng được những gì. Từ tôn giáo này đến tôn giáo khác, từ pháp môn này đến pháp môn khác, để nuôi một hy vọng hão huyền giải thoát, Thiên Đuờng, Cực Lạc, Niết Bàn v.v..
Danh lợi ở thế gian có nhiều việc làm nên danh, nên lợi mà rất“thiện”. Tại sao các người không làm việc kia mà lại làm việc này, để lường gạt người khác chi vậy. Biết bao nhiêu thế hệ con người đã qua, họ đã chạy theo tu hành và rèn luyện thân tâm, nhưng họ được những gì ở các chân lý ảo tưởng ấy?
Trong khi đó họ đã đổ biết bao nhiêu mồ hôi, công lực, tiền của và công sức. Giải thoát đâu không thấy chỉ thấy khổ và khổ, cho đến lúc chết lại càng khổ hơn, (Các Hòa Thượng khi viên tịch quá khổ sở) họ chỉ mua được cái “danh” và cái “lợi” giả.
Bởi vậy, các thế giới siêu hình tưởng, tai ương bệnh tật đều là tưởng Thần, Thánh, Tiên, Phật cũng đều là tưởng, pháp môn tu hành cũng đều là tưởng, vì thế cái khổ của con người cũng hoàn lại cái khổ.
Do đó Phật giáo ra đời quyết đập tan tành cái thế giới hữu hình duyên hợp và xé nát cái thế giới siêu hình tưởng. Giống như một vị Thần để đem lại sự công bằng và công lý cho loài người, giúp họ sống an vui, thanh thản và hạnh phúc. Tạo sự sống an vui trên hành tinh này là một cảnh giới Thiên Đàng.
Bài pháp Thân Ngũ Uẩn, Thập Nhị Nhân Duyên, Pháp Môn Căn Bản trong tạng kinh Nikaya và kinh A Hàm không đủ để chứng minh đập phá thế giới siêu hình và hữu hình này sao?
Nếu đập phá được cả hai thế giới này, để mang lại cho con người một đời sống thoải mái, thanh thản, an lạc và hạnh phúc. Bằng ngược lại thì con người phải chịu khổ vô cùng tận và vô lượng kiếp.
- “Trên giường bệnh hấp hối của một vị quan sát thủ, được nhà vua đến thăm căn dặn ông nhiều lần: “Khanh là một vị quan chuyên môn giết người” như vậy khanh phải đoạ địa ngục, khi vào địa ngục, bằng mọi cách khanh về báo cho trẫm biết, khanh đã xuống địa ngục và địa ngục có thật, khanh nhớ kỹ lời trẫm đừng phụ lòng trẫm. Vị quan sát thủ gật đầu và xin hứa.
Nhà vua căn dặn xong chẳng bao lâu vị quan này chết.
Chờ mãi, chờ mãi từ 1 tháng đến một năm rồi đến 3 năm mà chẳng có tin tức gì cả. Nhà vua đến một vị Đạo sư hỏi:
- “Thưa Ngài, Ngài nói có địa ngục, trẫm có một vị quan sát thủ trước khi chết trẫm đã căn dặn đôi ba lần: “Khi xuống địa ngục, bằng mọi cách khanh hãy về báo cho trẫm biết, nhưng đến nay đã ba năm rồi chẳng có tin tức gì cả, như vậy theo trẫm nghĩ “chẳng có địa ngục”.
Vị Đạo sư trả lời:
- “Tâu bệ hạ, vị quan ấy là tội nhân làm sao có quyền đi lại được để về báo cho bệ hạ hay”.
Nhà vua gật đầu chấp nhận ra về, sau ba năm nhà vua trở lại thăm vị Đạo sư và hỏi:
-Thưa Ngài, Ngài nói có Thiên Đàng phải không?
Vị Đạo sư tâu:
-Vâng, thưa bệ hạ, có Thiên Đàng, ai làm thiện sẽ sanh lên Thiên Đàng, ai làm ác sẽ đọa xuống Địa Ngục.
Nhà vua phán:
-Ta có một vị quan đại thần suốt đời làm thiện, làm quan thì cần kiệm, liêm chánh, chí công, vô tư, làm người thì hằng ngày thường trường chay, không sát hại sanh linh, trước giờ phút lâm chung, hấp hối trẫm đến căn dặn nhiều lần: “Khanh là một người hiền lành sống thì trường chay, chẳng hề giết hại chúng sanh, làm quan thì liêm chánh ngay thẳng, chắc chắn khi chết khanh được về Thiên Đàng. Vậy bằng mọi cách sau khi chết nhà ngươi về báo cho ta biết có cảnh Thiên Đàng chân thật hay không? Để trẫm yên lòng”.
Như thế đến nay đã ba năm mà ta chẳng được tin tức gì, chắc chắn là chẳng có Thiên Đàng.”
Trong bài kinh này, Đức Phật còn xác định thêm: “Nếu có cảnh giới siêu hình thật thì phải có người đến và người về, đàng này đi thì có, về thì không”.
Như vậy chứng tỏ không có thế giới siêu hình mà chỉ có một thế giới siêu hình tưởng mà thôi. Kinh Pháp Môn Căn Bản đức Phật đã dạy rất rõ ràng và cụ thể nhất.
Cho nên trong kinh Nguyên Thủy các vị Trời đến bạch Phật cũng như Ma Vương, Ác quỷ và quỷ đói đều là cảnh giới tưởng của thế giới tưởng ấm của con người tạo ra. Tạo ra như vậy để mà chịu khổ thêm chẳng ích lợi gì cho đời sống mà còn làm hao tốn tiền của một cách vô lý.
Các tôn giáo khác, Phật Giáo Đại Thừa và Thiền Đông Độ đua nhau xây dựng thế giới siêu hình bằng nhiều hình thức và những xưng danh khác nhau để khéo lừa đảo con người, chứ kỳ thật cũng chỉ là thế giới tưởng mà thôi.
Nên trong kinh Pháp Môn Căn Bản Đức Phật đã xác định rõ ràng: “Người ấy tưởng tri Sở kiến là Sở kiến .. Người ấy tưởng tri Sở văn là Sở văn .. Người ấy tưởng tri Sở tư niệm là Sở tư niệm .. Người ấy tưởng Tri sở là Tri sở .. Người ấy tưởng tri Đồng nhất là Đồng nhất.. Người ấy tưởng tri Sai biệt là Sai biệt... Người ấy tưởng tri Tất cả là Tất cả ... Người ấy tưởng tri Niết Bàn là Niết Bàn ..” Đó toàn là sống trong tưởng mà mọi người mấy ai biết. Trên đời chỉ có một mình đức Phật biết rất rõ.
Bởi vậy, nhìn chung các tôn giáo trên thế gian này đang xây dựng một thế giới siêu hình để thỏa mãn lòng tham vọng của loài người.
Xưa, vua Tần Thủy Hoàng vì tham vọng sống lâu, nên đã cho người đi tìm thuốc trường sanh bất tử. Theo lời dạy của các vị tu Tiên, nhưng nào có được gì đâu, chỉ hoài công vô ích.
Phương pháp tập dưỡng sinh và đạo Yoga đều tập luyện kéo dài tuổi thọ để đạt được “Trường sanh bất tử ’’, nhưng có vị nào không bệnh đau và trường sanh bất tử đâu. Cuối cùng rồi cũng bệnh đau mà chết.
Những việc làm này, con người trên thế gian ai đã làm được. Đó là một tưởng vọng của loài người, không thể thành sự thật. Như đức Phật đã dạy đó là sự tưởng tri của loài người. (tưởng tri là tưởng tri làm sao sự thật được).
Tìm mọi cách để loài người sống mãi muôn đời, nhưng không thành tựu, nên con người quay lại tìm “sự sống sau khi chết”. Do đó, mới sản xuất ra cảnh giới Thiên Đàng, Địa Ngục, Bồng Lai Tiên Cảnh, Cực Lạc Tây Phương, cõi Niết Bàn, Bản Thể Vạn Hữu, Đại Ngã, Phật Tánh v.v..
Riêng đức Phật, Ngài dạy: “Tưởng tri Niết Bàn là Niết Bàn”.
Câu nói của Ngài có một giá trị rất lớn đối với các Tôn giáo. Toàn bộ tất cả cảnh giới siêu hình của các Tôn giáo đều đối với đạo Phật là cảnh giới tưởng, không thể lừa đảo lường gạt người đệ tử của Phật được, vì đức Phật đã dạy cho các đệ tử của mình rất rõ ràng và cụ thể.
Các pháp môn của các tôn giáo này chỉ lừa đảo, lường gạt được những người vô minh, vì cuộc sống còn mang dẫy đầy tham vọng nên mới tìm tu và nghe theo các giáo phái đó mà thôi.
Sáu nẻo luân hồi chỉ là sáu trạng thái của tâm, chứ không phải sáu cõi giới gồm có từ hữu hình đến siêu hình. Sáu cõi giới ấy là:
1/ Cõi Trời
2/ Cõi Người
3/ Cõi A Tu La
4/ Cõi súc sanh
5/ Cõi Ngạ quỷ
6/ Địa ngục.
Chỉ trong một thời gian ngắn, nếu một người không biết phương pháp tu theo Phật giáo thì có thể luân hồi sáu nẻo ngay tại kiếp sống của họ.
Ví dụ: Một người đang sống trong mười điều thiện ( Thập thiện) thì trạng thái tâm hồn của họ cảm nhận được sự an lạc yên vui hạnh phúc và cơ thể của họ không có một chút nào mỏi mệt, đau nhức khổ sở, mà người khác không sống đúng mười điều lành thì không thể cảm nhận biết được. Nhưng khi họ rời khỏi mười điều lành này mà chỉ còn giữ được năm điều lành (ngũ giới) thì lúc bây giờ họ luân hồi vào cõi người sự bình an của họ không bình an và an vui bằng trạng thái của cõi Trời. Trong khi họ đang ở trong trạng thái tâm cõi người họ không giữ gìn được tâm để cơn sân bừng cháy trong lòng thì ngay đó họ đã luân hồi vào cõi A Tu La.
Nếu ở trạng thái cõi người họ không giữ gìn năm giới trọn vẹn thường thiếu lòng yêu thương sự sống của muôn loài, không buông xả các pháp ác cố chấp tị hiềm, ganh đua, hơn thiệt, dâm dục, thiếu thành thật nói những lời hung ác, nói những lời vu khống, chuyện có nói không, chuyện không nói có, tâm hồn họ luôn luôn buồn phiền khổ đau lo sợ sống bất an, đó là họ đã luân hồi vào cõi súc sanh một trạng thái khổ đau như vậy.
Từ ở trạng thái cõi người họ không giữ gìn tâm sống đúng năm giới, để tâm khởi muốn ăn, muốn uống và bụng cảm giác thấy đói khát rồi đi ăn uống phi thời, đó là họ đã luân hồi vào trạng thái cõi giới ngạ quỷ.
Từ ở trạng thái cõi người họ không giữ gìn tâm sống đúng năm giới, thường giết hại, ăn thịt chúng sanh và chạy theo khẩu vị ăn những món ăn hảo hạng ngon miệng, nhưng trong đó có chất độc, sống không yêu thương sự sống, không giữ vệ sinh chung, thường làm ô nhiễm môi trường sống, nên cơ thể dễ sinh ra nhiều bệnh tật nan y. Cơ thể bị bệnh đau nhức khổ sở, đó là luân hồi vào trạng thái địa ngục.
Cho nên sáu nẻo luân hồi không phải là sáu cõi giới hữu hình và vô hình mà là sáu trạng thái của tâm trong một con người như trên đã nói.
Còn những câu chuyện trên Phật đã nói với ông A Nan là những câu chuyện của tưởng uẩn lưu xuất phóng ra những hình ảnh từ trường trong không gian. Khi nào một người có tưởng uẩn mạnh tức là tưởng uẩn hoạt động thì sẽ bắt gặp những hình ảnh cảnh giới của những từ trường này. Hình ảnh này không phải là cõi giới mà là hình ảnh từ trường của những người còn sống cũng như của những người đã chết phóng xuất còn lưu giữ trong không gian.
Trong kinh Pháp Môn Căn Bản Phật đã dạy: Tất cả cõi Trời, cõi Người, A Tu La, Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục đều là tưởng tri chứ không phải liểu tri.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét