Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Trao đổi về hiện tượng "Hòa thượng Thích Thông Lạc"


Hòa thượng Thích Thích Thông Lạc.

Hòa thượng Thích Thích Thông Lạc có nhiều “nhận định” mang tính đảo lộn, phủ định kinh sách, phủ định những pháp môn đã có từ hàng ngàn năm nay. Ngoài ra, HT còn nhận định con người sau khi chết “không có linh hồn”, tất cả các hiện tượng tâm linh, ngoại cảm đều do tưởng uẩn của con người tưởng tượng ra…
Thời gian gần đây, có phật tử khi truy cập trang Chơn Lạc, xem một số đoạn video trên youtube.com, đọc sách, xem băng đĩa CD, VCD…của Hòa thượng (HT) Thích Thông Lạc đã bày tỏ băn khoăn về một số bài giảng, nhận định của HT.
Trong đó có nhiều “nhận định” mang tính đảo lộn, phủ định kinh sách, phủ định những pháp môn đã có từ hàng ngàn năm nay. Ngoài ra, HT còn nhận định con người sau khi chết “không có linh hồn”, tất cả các hiện tượng tâm linh, ngoại cảm đều do tưởng uẩn của con người tưởng tượng ra… 
Sau khi đọc, xem các đoạn video, bài giảng và sách của HT Thích Thông Lạc. Chúng tôi nhận thấy, HT đã có cách viết ngắn gọn, rõ ràng, nêu luận cứ cụ thể. Đọc, xem, nghe…các nhận định đó, chúng tôi cũng đồng nhận thức về một số nhận định, luận điểm và lập luận của HT về một số vấn đề. 
Ví dụ: Khi nói về loài hoa Vô Ưu, có người đã thần thánh hóa, cho đó là loài hoa hàng ngàn năm mới nở một lần, và lần nào nở, ai thấy được hoa nở thì đó là cơ duyên đặc biệt, hàng ngàn năm mới có. 
Bao đời nay, người ta tin như vậy, và gần đây ở Việt Nam cũng đã có nhiều báo dẫn câu chuyện trên và tả cây hoa vô ưu nở ở gia đình một nông dân Trung Quốc như là sự kiện 3000 năm, mới có một lần.
HT Thích Thông Lạc, không tin như vậy, trong quyển sách “Không có linh hồn”, HT có đoạn viết: 
Người ta nói đến hoa VÔ ƯU là nói đến sự không buồn phiền, đó là người ta khéo tưởng tượng một đức Phật sinh ra nơi gốc cây VÔ ƯU có nghĩa là một bậc Thánh không còn phiền não.
Bao đời con người cũng hay tưởng tượng một đấng GIÁO CHỦ rồi bịa ra hoa VÔ ƯU để ca ngợi đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một bậc Thánh từ cung Trời Đâu Suất sinh về thế gian nên mới có những hiện tượng hoa VÔ ƯU nở.
Hiện giờ ở Việt Nam người ta trồng cây VÔ ƯU rất nhiều hoa nở liên tục mùa nào cũng có hoa nở. Do đó chứng tỏ người ta khéo ca ngợi đức Phật mà thành dối trá lừa đảo mọi người. Cho nên trên cuộc đời này đừng bao giờ nghe người ta nói mà hãy nhìn rõ mọi việc người ta làm rồi mới có tin.
Khi thấy hoa VÔ ƯU tại đền thờ Phật và đền thờ đức Trần Nhân Tông tại TP Hồ Chí Minh ở Việt Nam mùa nào cũng nở thì người ta lại lý luận Phật Giáo Việt Nam hưng thịnh.
Theo chúng tôi cách đặt vấn đề đó, nhận định riêng về câu chuyện kể trên của HT Thích Thông Lạc hoàn toàn chính xác, không riêng gì HT mà với nhiều nhà nghiên cứu Phật học, các yếu tố mang tính huyền thoại, do người đời vì lòng tôn kính mà truyền tụng cũng cần được làm rõ, tránh cái hiểu màu nhiệm, nặng tính nhân cách hóa, phi thực tế. 
Ngoài ra, chúng tôi cùng đồng suy nghĩ với một số nhận định khi HT viết và nhận định về xây dựng nền đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội, mô tả các hiện tượng mê tín, dĩ đoan như cúng, bái, đốt vàng mã, sự lừa lọc của một số “nhà ngoại cảm” về thế giới tâm linh là như thế này, thế kia…sự mê muội, hoang đường của không ít tín ngưỡng, tôn giáo.
Song ở một số nhận định khác, chúng tôi với tri thức nhỏ bé, trình độ Phật học sơ cơ lại có cách hiểu khác với nhận định của HT Thích Thông Lạc. Rất tiếc, các nhận định cơ bản, xuyên suốt tạo nên “hiện tượng” Thích Thông Lạc khi đem đối diện với cách hiểu của chúng tôi lại khác nhau căn bản.
Chúng tôi mạnh dạn trao đổi một số vấn đề mà HT đã nhận định, mà quí đạo hữu đã tin cậy hỏi, “chất vấn”, “tham vấn” chúng tôi xung quanh “hiện tượng” HT Thích Thông Lạc.
Thiết nghĩ, tất cả chỉ trên tinh thần khiêm hạ của những người con Phật. Những điều trao đổi và cách hiểu của chúng tôi, chưa hẳn đã tường minh, là người con Phật, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe những chỉ giáo của các bậc cao minh, quí đạo hữu và bạn đọc.
"Sắc - không" - Hot girl Aya Ngô
Hỏi: HT. Thích Thông Lạc tự xưng đã chứng Tứ Thiền, Tam Minh, đắc quả vị A La Hán? Như vậy, có đúng không?
Trả lời: Để chứng cho người nào đắc đạo, đắc quả vị nào, Bồ Tát, A La Hán thì phải có Người chứng đắc quả vị cao hơn, chứng (biết) cho người đắc quả vị thấp hơn, trừ trường hợp đặc biệt, Phật chứng quả vị Phật cho tên hiệu của vị Phật khác. 
Do vậy, để chứng cho vị nào đắc quả vị A La Hán hay Bồ Tát thì chỉ có những Người đắc quả vị Phật mới chứng được.
Hỏi: HT Thích Thông Lạc cho rằng chỉ có Phật Thích ca là vị Phật duy nhất, có phải đúng tinh thần câu kệ nổi tiếng được Phật sơ sinh tuyên bố khi Ngài đản sinh “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”, có nghĩa là chỉ có đức Phật Thích Ca là duy nhất - độc tôn.
Vậy tại sao, đức Phật Thích Ca lại nói: Ta là chúng sinh đã thành, và các con là chúng sinh sẽ thành”. Có gì mâu thuẫn không?
Với chúng sinh ở trái đất, sau đức Phật Thích ca có ai đắc quả vị Phật không?
Trả lời: Chúng tôi hiểu, bất cứ ai tu theo đúng chính pháp của đức Phật Thích Ca đã chỉ dạy đều có thể trở thành Phật.
Câu “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”, có nghĩa là, Phật Pháp là Pháp tính chân như của vũ trụ, không do bất cứ ai, một “thượng đế nào” sáng tạo ra. Nó vốn vẫn vậy, không sinh, không diệt. Đức Phật Thích Ca trước khi đắc đạo cũng là chúng sinh như chúng ta muôn một, trải qua vô số kiếp tu hành đã đầu thai xuống trái đất, và tu hành đắc đạo, đắc quả vị Phật. 
Thái tử Tất Đạt Đa đã tự mình tu hành đắc đạo, không có thầy chỉ dạy, sau khi giác ngộ nhận thức ra con đường giải thoát, đức Phật đã thành lập tăng đoàn, khai sinh một tôn giáo mới, tôn giáo đó mang tên là đạo Phật.
Sự độc Tôn ở đây là mang ý nghĩa tự nhận biết, ý nghĩa “phát minh”, tự tìm ra quy luật bản thể và tìm ra con đường “giải thoát”. Đức Phật Thích Ca đã tự tu, tự chứng quả nên không bị ảnh hưởng giáo pháp của ngoại đạo, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ một giáo pháp nào có từ trước đó. Giáo Pháp mà đức Phật Thích Ca giác ngộ ra là do Ngài tự “ngộ”.
Các chúng sinh sau thời đức Phật Thích Ca, căn cứ vào những chỉ dạy của đức Phật Thích Ca, tu hành viên mật đều có thể thành Phật, tức là dựa theo giáo pháp mà Ngài đã thấu triệt và chỉ rõ. 
Hiểu một cách nôm na, Thái tử Tất Đạt Đa là Người đã “tự” giác ngộ và tự soạn giáo án để chỉ dạy cho chúng sinh con đường tu giải thoát. Còn các đệ tử sau Phật một cơ số X thời gian nhất định, có thể tu thành Phật bởi “giáo án” đã có sẵn ở thế gian do đức Phật Thích Ca soạn. Nên hiểu sự “độc nhất” là như vậy, không phải độc nhất là duy nhất Ngài thành Phật, mà không thể ai khác.
Như vậy, là với chúng sinh sau thời đức Phật hoàn toàn có thể tu thành Phật, nhưng con đường tu không phải do chúng sinh đó tự nhận thức ra bản thể của con đường giải thoát, mà chúng sinh đó tự tu thân - tâm - khẩu theo những lời chỉ dạy của đức Phật Thích Ca để giải thoát khỏi sinh - tử, hòa vào bản thể chân như (vốn không sinh, không diệt, và không có bản quyền riêng của bất cứ ai, Thái tử Tất Đạt Đa sau khi giác ngộ với tên hiệu đức Phật Thích Ca chỉ là một trong hằng hà sa số Phật, Thái tử vì giác ngộ nhận biết được Phật tính của vũ trụ mà thành Phật, chứ không phải Phật tính của vũ trụ là do Phật Thích Ca sáng tạo ra) của vũ trụ.
Hỏi: Trong một số bài giảng, HT Thích Thông Lạc nhận định không có Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, chỉ có Phật Thích Ca. Cũng theo HT Thích Thông Lạc, hình ảnh các vị Phật khác là do tà ma, ngoại đạo dựng lên, không có thật, điều đó có đúng không? 
Trả lời: Chúng tôi có cách hiểu, ngay sau khi đức Phật Thích Ca viên tịch, nhập niết bàn, đạo Phật đã có sự phân hóa và các đệ tử, những người con Phật, và cả những thành phần ngoại đạo đã có những thảo luận, biện giải theo những hướng khác nhau. 
Theo chúng tôi, đó là điều bình thường, vì nó thể hiện trình độ nhận thức, giác ngộ và các căn cơ khác nhau của chúng sinh. Không phải đến bây giờ mới tạo nên “hiện tượng” Thích Thông Lạc. 
Bản thân phật Pháp vốn không lời, không sinh - không diệt, không đúng - không sai, không bớt cũng chẳng thêm. Nó là một thuộc tính bản thể chân như không thuộc bản quyền của ai theo tư cách sở hữu “gốc”, chỉ có chúng sinh nào có cơ duyên để nhận thức, giác ngộ thấu triệt được mà thôi. 
Kể cả khi trước khi đạo Phật ra đời với tư cách một tôn giáo thì Phật - Pháp vốn vẫn vậy, không phải sau khi đức Phật Thích Ca đắc đạo thì mới có Phật Pháp. 
Thái tử Tất Đạt Đa sau khi giác ngộ với tên hiệu đức Phật Thích Ca chỉ là một trong hằng hà sa số Phật, Thái tử vì giác ngộ nhận biết được Phật tính của vũ trụ mà thành Phật, chứ không phải Phật tính của vũ trụ là do Phật Thích Ca sáng tạo ra. Phật pháp hiểu theo nghĩa tính từ thì không sinh, không diệt, không có thời gian, không gian…
Sau khi giác ngộ, thấu triệt về Phật Pháp, đức Phật Thích Ca đã hướng dẫn chúng sinh tu tập để cùng nhận biết, giác ngộ và thấu triệt được như Người. Nên tôn giáo mang tên gọi Phật giáo ra đời, Ngài là người sáng lập tôn giáo - đạo Phật, không phải là Người sáng lập Phật Pháp, chính nhờ công đức đó của Ngài mà Phật Pháp có mặt ở thế gian, trong nhận thức của thế gian.
Như vậy, xét riêng ở thế giới Ta bà, nhỏ hơn là cõi Nhân ở trái đất, đức Phật Thích Ca là giáo chủ sáng lập đạo Phật mang tên Phật giáo. Trước đó, một cơ số X thời gian nhất định, về lý thuyết hoàn toàn có thể có một vị Phật khác, và sau này khi Phật Pháp đã “mạt vận”(1) ở thế gian, về mặt lý thuyết có thể lại xuất hiện một vị Phật khác, có sự giác ngộ, thấu triệt để nhận biết được tính bản thể chân như của Phật Pháp để khai sáng cho chúng sinh trong giai đoạn niên đại X + N đó tu tập…
Do vậy, ngoài đức Phật Thích Ca, trong vô thủy vô chung của vũ trụ cả hữu hình lẫn vô hình, cả ở thế giới Ta bà và hằng hà sa số thế giới khác, có vô số vị Phật, không thể và cũng không nên đếm, đo được bằng các con số toán học. 
“Clytemnestra lưỡng lự trước khi giết Agamemnon” - tranh của họa sĩ Narcisse Guerin.
Cách hiểu, đặt vấn đề của HT Thích Thông Lạc về việc không có linh hồn nhưng có nghiệp tái sinh, ngay từ đầu đã bộ lộ mâu thuẫn, sai biệt. HT không công nhận có thế giới siêu hình, nhưng tư duy đặt vấn đề, lấy ví dụ minh họa lại quá siêu hình.
Cuối năm 2010, Nhà xuất bản Tôn giáo xuất bản quyển sách “Linh hồn không có”, tác giả trưởng lão Thích Thông Lạc ở Tu viện Chơn Như - Tây Ninh. Bạn đọc có thể tìm đọc tại địa chỉ: www.chonnhu.net.
Sách dày 160 trang, với những lập luận riêng, HT Thích Thông Lạc cho rằng, linh hồn không có, linh hồn là sản phẩm của tôn giáo do con người tưởng tượng ra.
Nội dung quyển sách còn đề cập đến trường hợp một số nhà ngoại cảm Việt Nam (như Phan Bích Hằng, Nguyễn Văn Nhã, Đỗ Bá Hiệp, Phạm Văn Mẫn, Nguyễn Thị Nghi…) và trên thế giới (như Djouna, Vanga, B.Kajinxki, Ivan Petrov …) khi giao tiếp với chúng sinh cõi giới khác là không có thực. Tất cả là do tưởng uẩn sinh ra.
Tóm lại nội dung quyển sách của HT có nhiều ý, luận điểm. Trong bài viết này, chúng tôi tóm tắt lại một số ý chính, để trao đổi.
Ý thứ nhất, HT Thích Thông Lạc cho rằng sau cái chết của thân xác vật lý và sinh học, thân tứ đại tan rã là hết, không có linh hồn, không có chuyện đầu thai tái sinh vào cảnh giới và cõi giới khác ngoài cảnh giới Người và Súc sinh. Không có thế giới siêu hình.
Ý thứ hai, HT công nhận có nghiệp lực, và sự tái sinh là do nghiệp sinh ra, mỗi khởi nghiệp do Thân - Khấu - Ý phát sinh thì nghiệp đó tái sinh ngay tức thì, không phải đợi đến khi chết, linh hồn đó mới đi tái sinh và đầu thai (vì theo HT thì không có linh hồn, lấy đâu ra linh hồn mà đầu thai?).
Ý thứ ba, các câu chuyện mầu nhiệm, chuyện lạ, và khả năng của các nhà ngoại cảm lâu nay, là do tưởng uẩn sinh ra, không có thực, không có chuyện ngoại cảm nói chuyện với chúng sinh cõi giới khác.
Đứng trước những nhận định gây “ngạc nhiên” của HT Thích Thông Lạc, để khách quan, mời quí vị đọc quyển “Không có linh hồn”. Trong bài viết này, chúng tôi trích lại một đoạn ngắn:
"LINH HỒN là một sự tưởng tượng của người xưa đặt ra và truyền lại, chớ thật sự đạo Phật đã xác định con người KHÔNG CÓ LINH HỒN.
Bởi vậy trong con người có nhiều cái thức được chia ra làm hai phần:
Phần thứ nhất: Hằng ngày chúng ta đang chung đụng và giao tiếp với mọi người bằng sáu cái thức: 1- Cái thức của mắt gọi là NHÃNTHỨC. 2- Cái thức của tai gọi là NHĨ THỨC. 3- Cái thức của mũi gọi là TỶ THỨC. 4- Cái thức của miệng gọi là THIỆT THỨC. 5- Cái thức của thân gọi là THÂN THỨC. 6- Cái thức của ý gọi là Ý THỨC.
Sáu cái thức này thường làm việc trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta nên nó tạo ra biết bao nhiêu điều thiện và cũng biết bao nhiêu điều ác. Do từ hành động thân, miệng, ý của chúng ta tạo ra những điều thiện và cũng tạo ra những điều ác, nên hằng ngày chúng ta thường thọ chịu quả khổ vui từ đời này sang đời khác và mãi mãi muôn đời, muôn kiếp.
Phần thứ hai là cái biết làm việc trong giấc ngủ khi ngủ chiêm bao, cái biết ấy là tưởng thức nên khi giật mình thức dậy thì chỉ còn là những hình bong ảo tưởng mà thôi.
Qua sự tư duy suy xét này chúng ta tự đặt câu hỏi: Có phải chăng linh hồn hoạt động trong giấc chiêm bao? Không đâu quý vị ạ! Quý vị đã lầm, trong thân chúng ta gồm có ba cái biết: 1- Cái biết thứ nhất là cái biết của sáu thức: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. 2- Cái biết thứ hai là cái biết của tưởng thức trong khi nằm mộng. 3- Cái biết thứ ba là cái biết của người tu chứng đạo thường gọi là TAM MINH.
Ba cái biết này đang sử dụng các cảm thọ và các hành động trong thân tâm của chúng ta. Như vậy trong thân chúng ta có năm phần hợp chung nhau để làm việc mà mọi người gọi là CƠ THỂ con người. Cho nên CƠ THỂ con người gồm có năm phần: 1. Sắc uẩn. 2. Thọ uẩn. 3. Tưởng uẩn. 4. Hành uẩn. 5. Thức uẩn.
Trong thân này có năm uẩn chỉ cần dừng một uẩn không làm việc thì CƠ THỂ bất động. Bởi CƠ THỂ con người như một bộ máy có năm bánh xe đang hoạt động, nếu có một bánh xe nào ngưng thì toàn bộ các bánh xe khác đều bị ngưng. Tuy nhiên chúng ta đang ngủ không phải cơ thể chúng ta ngưng hoạt động mà nó đang hoạt động trong sự im lặng bất động nghỉ ngơi của nó.
Chúng tôi xin nhắc lại năm bộ phận trên thân gồm có: 1- Sắc uẩn (toàn khối của thân). 2- Thọ uẩn (những cảm thọ của sáu căn (thân) và tưởng). 3- Tưởng uẩn (cái thức trong giấc chiêm bao, cái biết của các nhà ngoại cảm, mà người đời không biết gọi là linh hồn hay còn gọi là tâm linh). 4- Hành uẩn (những sự hoạt động của sáu căn và tưởng thức). 5- Thức uẩn là cái biết của người tu chứng đạo.
Trong thân của một người thì có đủ năm uẩn này. Nhưng theo Phật giáo một người chết thì năm uẩn này không còn một uẩn nào cả, vì thế từ xưa đến này người ta cứ lầm tưởng người chết còn có LINH HỒN sống mãi. Vậy LINH HỒN ở chất liệu nào đây?
Câu hỏi này khó có ai trả lời được, mà đã không trả lời được thì đừng tin có LINH HỒN là thật sự mà hãy tin theo lời Phật dạy: “CON NGƯỜI KHÔNG CÓ LINH HỒN, KHI CHẾT THÌ TỨ ĐẠI TRẢ VỀ CHO TỨ ĐẠI”. 
Thân TỨ ĐẠI tức là thân do đất, nước, gió lửa hợp lại thành. Khi người chết thì đất trả về cho đất; nước trả về cho nước; gió trả về cho gió và lửa trả về cho lửa. Như vậy con người chết là hết. Phải không quý vị? 
Không đâu quý vị ạ! Chết chưa hẳn đã hết. Một người còn sống đã tạo biết bao nhiêu nghiệp, mỗi nghiệp sinh ra liền tiếp tục tái sinh luân hồi thành người hoặc là các loài vật khác. Một con người tạo biết bao nhiêu nghiệp thì sinh bao nhiêu loài vật và con người để mà hưởng phước báo hay là để trả quả khổ đau.
Do luật nhân quả như vậy nên khi con người sống trên hành tinh này đã tạo ra vô số nghiệp. Khi tạo ra nghiệp thì mỗi nghiệp liền luân hồi và tái sinh ngay tức khắc chớ không phải chờ người tạo nghiệp chết rồi mới tái sinh. 
Bởi vậy lúc con người còn sống khi tạo ra nghiệp giết hại và ăn thịt chúng sinh thì nghiệp đó liền tái sinh làm những loài vật như heo bò gà vịt, cá tôm v.v.. bị người đó giết.
Biết rõ do nghiệp tái sinh luân hồi nên Phật giáo đã xác định con người không có LINH HỒN đi tái sinh mà do NGHIỆP ĐI TÁI SINH LUÂN HỒI".
"Ngây thơ" - Hot girl Bảo Ngọc
Đôi điều trao đổi:
Thứ nhất, theo nhận định của HT, nghiệp tái sinh ngay tức thì, có nghĩa là, ví dụ ông A khởi một nghiệp sát sinh X nào đó, nghiệp đó liền tái sinh, thành gà, vịt….hoặc em bé C nào đó.
Nhận định như thế là không công nhận có luân hồi, mà không có luân hồi thì làm gì có nghiệp để mà trả nghiệp, như HT đã nhận định?
Ví dụ: 
Giả thiết 1: Ông A khởi nghiệp, nghiệp đó tạm thời ký hiệu là X, X tái sinh ngay lập tức thành chúng sinh B. Ngay thời điểm B hình thành X tan biến. Tức nghiệp không còn, thì trả nghiệp ở đâu?
Giả thiết 2: Trường hợp X không tan biến, thì X phải tiếp tục tái sinh thành một B’ nào đó cũng ngay tức thì, và tiếp tục có B’’, B’’’…..
Ở giả thiết suy luận này, có nghĩa chỉ cần khởi một nghiệp X đã tạo ra hằng hà sa số chúng sinh đời B, B’, B’’, B’’’...
Có nghĩa là khởi một nghiệp ác phải trả vô số nghiệp ác, ngược lại khởi một nghiệp thiện thì được hưởng vô số nghiệp thiện. Vố số tức là nhiều, mà nhiều thì có cộng nghiệp. Mà có cộng nghiệp thì không tồn tại việc chỉ cần khởi một nghiệp, nghiệp đó đã ngay lập tức đi “tái sinh” thành chúng sinh như HT đã lập luận.
Như vậy, tuy không công nhận có thế giới siêu hình sau cái chết của thân tứ đại, nhưng ở nhận định trên, HT đã có nhận định mang tính siêu hình, sai biệt.
Thứ hai, theo HT thì con người có Tưởng uẩn (cái thức trong giấc chiêm bao, cái biết của các nhà ngoại cảm, mà người đời không biết gọi là linh hồn hay còn gọi là tâm linh).
Theo các trích thuật của HT, chúng tôi nghĩ câu chuyện của các nhà ngoại cảm, HT chủ yếu đọc một số bài báo, quyển sách, chưa hoặc ít tiếp xúc trực tiếp với một số nhà ngoại cảm thật sự. Nên một số ví dụ minh họa mà HT nêu trong sách “không có linh hồn” mang tính “sách, vở” nhiều hơn là thực tế sống động.
Ở một góc độ nào đó, chúng tôi cũng đồng tình với nhận định của HT là có không ít “nhà ngoại cảm” trục lợi bằng niềm tin của nhân dân, đồng bào bằng cách bịa ra đủ thứ chuyện về “thế giới tâm linh”, cái “sự bịa” này có thể cũng do cơ chế hoạt động của tưởng uẩn, cũng có thể do ý thức áp đặt.
Qua tiếp xúc với các nhà ngoại cảm, và một số người có khả năng ngoại cảm ở mức độ nhất định, một số người tưởng là có khả năng ngoại cảm - như dạng hoang tưởng. Chúng tôi cũng ghi nhận và cho rằng, có hiện tượng là do tưởng uẩn quyết định và “can dự” một phần quyết định nhận thức của nhà ngoại cảm như HT đã nêu là chính xác.
Ví dụ: Linh hồn ông A nhập vào con, cháu, kêu khóc thảm thiết là đói lắm, đòi con cháu đốt vàng mã, USD cho ông, để ông tiêu, và lấy kinh phí đi lại ở cõi âm.
Theo chúng tôi, cái này có thể do 2 nguyên nhân, có thể do tưởng uẩn của người bị vong nhập tưởng là ông A nói vậy, thực chất nó phản ánh nhận thức của người đó, trong trạng thái vô thức đã nói ra như vậy. Hoặc do tưởng uẩn của chúng sinh A tưởng là như vậy thì đỡ đói, có tiền vàng mã tiêu, xài… cái này là do tưởng uẩn của ông A?
Chúng ta hình dung trong ngũ uẩn thì có Sắc uẩn ám chỉ xác thân, có hình thức khối lượng, biến đổi theo thời gian, và sờ thấy được, nên nó cụ thể.
Còn thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, và thức uẩn thì biến hiện, trừu tượng, vô hình trước các giác quan thông thường. Và phải có sắc uẩn mới biến hiện (biểu hiện) ra được. Sự biến hiện ở đây cũng chỉ hàm nghĩa là biểu hiện qua nhận thức bằng các giác quan thông thường.
Ví dụ: Để dễ hiểu, chúng ta hình dung, chiếc đài Radio như sắc uẩn, song phát thanh như phần còn lại thuộc yếu tố vô hình, khi có Radio mới biến hiện (thu - phát) ra được, bằng âm thanh để cho Tai - chúng ta nghe được âm thanh.
Do vậy, việc các hình thức trong ngũ uẩn sau cái chết của sắc uẩn vẫn còn tồn tại và khi gặp sắc uẩn (nhập vào con cháu, hay cô đồng, nhà ngoại cảm) vẫn có cách biến hiện ra được, và chúng ta ghi nhận được trong thực tế, có phải thông qua cơ chế này? Câu trả lời đang chờ từ các nhà nghiên cứu, các vị đạo học.
HT Thích Thông Lạc cho rằng, chết là hết, thân tứ đại tan rã, ngũ uẩn không có nghĩa gì, thì lấy đâu ra linh hồn?
Thực tế không hẳn như vậy, trong trường hợp chiếc đài Radio hỏng, không có nghĩa là không có sóng phát thanh, sóng phát thanh vẫn tồn tại, khi gặp chiếc đài khác lại bắt sóng được như thường.
Theo chúng tôi việc quán tưởng như vậy là một cách để hình dung. Vì với cấu tạo của con người hết sức tinh vi và phức tạp, không thể đúng với mọi trường hợp như trong nguyên lý của vật lý, như chiếc đài này hỏng, thì có chiếc đài khác thay thế để bắt sóng.
Ở lập luận khác, HT Thích Thông Lạc cho rằng, cơ chế của giấc mơ, và ngoại cảm đều do tưởng uẩn quyết định. Theo chúng tôi, hiểu như thế là sự ghán ghép đơn điệu, sai biệt và thiếu sức thuyết phục. Vì sự khác nhau của 2 hiện tượng là căn bản.
Ví dụ về giấc mơ: Ông A trong giấc mơ, mơ thấy bố mình là ông B đã chết, và cảnh đi hỏa táng ra sao. Nhưng lúc tỉnh dậy, ông A thấy bố mình là ông B vẫn còn sống.
Có nghĩa bằng các giác quan thông thường, câu chuyện trên không có thật.
Ví dụ về ngoại cảm: Câu chuyện khác, nhà ngoại cảm trò chuyện với linh hồn ông X, ông X đã chết cách đây 20 năm, ông X đã tả chi tiết về chắt của ông ta là cháu Y mới 14 tuổi, có nghĩa là lúc ông X chết, cháu Y chưa ra đời. Nhà ngoại cảm cũng không biết gì về cháu Y cả, không biết cháu Y có mặt trên cõi đời này.
Trường hợp này, nếu cho rằng không phải linh hồn ông X (chúng sinh X) trò chuyện với nhà ngoại cảm mà do tưởng uẩn của nhà ngoại cảm thì không đúng.
Nếu tưởng uẩn của nhà ngoại cảm nghĩ ra, tưởng tượng ra sao lại đúng với sự thật, dù sự thật đó là qua cơ chế các giác quan thông thường của sắc uẩn?
Có nghĩa bằng các giác quan thông thường, câu chuyện trên có thật.
Nếu tìm cách giải thích khác cho rằng không có linh hồn ông X thật sự, nhà ngoại cảm đã đọc được thông tin trong đầu của người nhà ông X thì đó là hiện tượng thần giao cách cảm.
Hiện tượng đó, cơ chế đó chắc chắn không phải do tưởng uẩn mà phải là thức uẩn nhận biết, hay một sự kết hợp giữa thức uẩn của cả nhà ngoại cảm và người nhà ông X để nhà ngoại cảm biết mà mô tả chính xác?
HT Thích Thông Lạc cho rằng thức uẩn là cái biết của người tu chứng đạo và đã giác ngộ. Chúng tôi nhận thấy cách phân tích đó chưa thực sự thuyết phục, và còn đơn điệu, mới đúng được một tầng nghĩa. Chúng tôi sẽ phân tích và thử phác thảo linh hồn có thể ở đâu, và phân tích về thức uẩn theo duy thức học Phật giáo ở các phần tiếp theo của bài viết.
Thứ ba, nếu nghiệp và tái sinh theo cách hiểu của HT Thích Thông Lạc thì nghiệp xấu = nghiệp tốt = không có nghiệp.
Ví dụ: Tội phạm A giết chết bác sĩ B với một nghiệp ký hiệu là X , bác sĩ B là một bác sĩ giỏi có nhiều đóng góp cho khoa học xã hội và nhân văn, nghiệp X đó liền tái sinh thành nhiều bác sĩ như bác sĩ B. Nghiệp do tội phạm A tạo ra, nhưng bác sĩ B lại phải gánh chịu, đúng là quýt làm cam chịu… Đó không phải là nghiệp?
Nếu nghiệp tái sinh ngay lập tức theo cách hiểu của HT Thích Thông Lạc được khoa học chứng minh là chính xác, được con người tin là như vậy thì nền đạo đức của con người sẽ xuống cấp trầm trọng. Vì kẻ giết người và sát nhân lại là kẻ tạo ra sự sống; chúng sinh ăn thịt, bách hại lẫn nhau lại chính là tác nhân tạo ra sự sống và con người không chịu trách nhiệm về nghiệp của mình.
Tóm lại cách hiểu, đặt vấn đề của HT Thích Thông Lạc về việc không có linh hồn nhưng có nghiệp tái sinh, ngay từ đầu đã bộc lộ mâu thuẫn, sai biệt. HT không công nhận có thế giới siêu hình, nhưng tư duy đặt vấn đề, lấy ví dụ minh họa lại quá siêu hình.
Giới Minh (Phật Tử Việt Nam)
Chú thích: (1) Mạt vận ở thế gian, tức là chúng sinh, con người đã hiểu sai về chính pháp mà đức Phật Thích Ca đã truyền dạy theo sự giác ngộ, thấy - biết của Ngài. Phật Pháp chỉ mạt vận ở thế gian hoặc trong nhận thức của chúng sinh ở các thế giới khác trong một giai đoạn, một cơ số thời gian nhất định nào đó, bản thân Phật Pháp không sinh, không diệt thì không có mạt vận mà cũng chẳng có hưng thịnh. 
(Một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
Biển Vũng Tàu - ảnh Việt Nam xưa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét