Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Người “Sống mãi với… Hội Nhà văn” (p3)

"Mật ngọt" - siêu mẫu châu Âu
Người ta có thể đặt câu hỏi liệu giữa lúc đầu rơi máu chảy, bom đạn dày đặc như đêm mở đầu toàn quốc kháng chiến này, liệu có ai bầy tiệc để mời khách tới coi hoa quỳnh nở chăng? Quả thực ông nhà văn đã quá đà trong mô tả cái "thong dong vào trận" của người Hà Nội làm người đọc khó mà tin nổi phải đặt dấu hỏi về tính xác thực của nó. (ảnh không liên quan đến bài viết)

Vậy người cộng sản đã biết trước cái giá phải trả của dân tộc cho cuộc cách mạng mà họ tiến hành. Dẫu rằng “nhiều máu phải chảy ra, nhiều đầu phải rụng xuống”, mặc kệ, “cách mạng cứ phải đi” kéo theo hàng triệu người chết trong đau thương.
Có vẻ coi “cái chết“ của nhân dân “nhẹ tựa lông hồng”, mạng sống của con người như con sâu cái kiến, nên những người cộng sản tuyệt nhiên không bao giờ nghĩ rằng liệu còn có con đường nào khác không phải đổ xương đổ máu mà vẫn giành được độc lập tự do cho dân tộc? Không, họ không bao giờ có ý nghĩ “phản loạn“ thế. Họ coi hàng triệu người nông dân rồi đây sẽ ngã xuống chẳng có mấy ý nghĩa, cái cao hơn hết thảy là sự nghiệp của đảng, là sự tận diệt các đảng phái, các nhóm đối lập chính trị để đảng khư khư độc quyền lãnh đạo - đó mới là cái đích tối cao họ nhằm tới.
Và rồi “Phút cuối cùng. Và phút đầu tiên”. 

Quốc Vinh đứng dậy nói to như để bù lại những ngày uất ức: “Tiêu diệt thực dân Pháp…”. “…Họ ôm choàng lấy nhau trong bóng tối; giữa những tiếng reo ngoài phố khi đèn tắt, tiếng chân chạy ngoài đường và tiếng chó sủa vang. Họ chuyền cho nhau sổ tay để ký dưới ánh sáng lay động của những ngọn nến…”. 
Thật không thể hiểu nổi tại sao vào giây phút thành phố bắt đầu vào cơn huỷ diệt, máu bắt đầu chảy, xác người bắt đầu chồng chất vậy mà các vị “cán bộ” này lại trao sổ ký lưu niệm. Ba ông bà cộng sản có khi nào làm cái việc “tiểu tư sản dở hơi” này đâu, nó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của ông nhà văn để tăng thêm chất “tiểu thuyết” cho cuốn truyện vậy thôi. 
Tuy nhiên từ giờ phút này, sau tiếng pháo lệnh của pháo đài Láng, tất cả những người Hà Nội, người cách này, kẻ cách khác, nhưng tất cả đều đã bước vào cuộc chiến tranh mà ít ai ngờ ràng nó kéo dài tới 9 năm nữa. 
Trước tiên là Trần Văn - anh giáo trường tư, quên cả mẹ nơi tản cư mà mơ mộng: “Khi xe tăng giặc đến thì mình phải nhảy ra mà ném chai ét xăng cơrếp rồi quăng lựu đạn. Dũng cảm hơn, phải lao vào xe, cầm một khúc gỗ đút vào xích xe cho nó bật ra khỏi bánh…”. Ấy thế mà khi tiếng súng toàn quốc kháng chiến nổ ra, Trần Văn lại đang đi… hát cô đầu và ngủ dậy muộn. Thực ra sẽ có những trang tuyệt hay nếu ông nhà văn miêu tả cái cuộc hát cô đầu ấy vào lúc nổ ra tiếng súng toàn quốc kháng chiến. Nhưng ông đã không làm chuyện đó, ông cho Trần Văn tỉnh dậy và chạy thục mạng ra phố. “Vừa nhảy xuống đường hàng Khay, anh vấp ngã, nằm lên một xác người, tay anh mó vào một khúc ruột lầy nhầy. Anh giật bắn người lên, rùng mình và nghẹn cổ…”. Vậy là Trần Văn thay vì trở thành một dũng sĩ đánh bom ba càng thì lại trở thành một anh chạy trối chết trên đường phố Hà Nội để chứng kiến cuộc chiến đang diễn ra. 
Theo chân nhân vật Trần Văn, tác giả diễn tả cuộc chiến đấu ác liệt của người Hà Nội chống Pháp. 
“Anh đi trên hè, phút lại lủi vào bờ, ôm lấy thân cây. Bên kia, trước cái bãi ô tô gần nhà bưu điện, lố nhố hai bóng người. Anh định thần thì thấy họ đang lúi húi mỗi người chặt một cây. Một đoàn xe Pháp chạy rầm rộ trên đường hàng Khay bắn lẹt đẹt sang….”. 
Cuộc chạy trốn của Trần Văn đưa anh tới Nhà máy điện - ở đây anh chứng kiến bi kịch não lòng của Trinh, người yêu cũ, bỏ anh đi lấy chồng giàu. Hình như cái sự “tham vàng phụ ngãi” gây cho tác giả mối ác cảm ghê gớm lắm nên ông đã cho gia đình Trinh tan nát đứng vào lúc cả hai vợ chồng sắp lên máy bay đi Pháp. 
“Bao - chồng Trinh đã lấy được vé máy bay để sáng mai cùng đi với vợ chồng viên Giám đốc sang Pháp… Thế rồi nổ súng, điện tắt. Vợ chồng Trinh và vợ chồng viên Giám đốc ở trên gác chạy xuống hầm. Họ còn đứng trước thềm lúng túng trong bóng tối thì tên lính Pháp xồng xộc tới. Bao chỉ kịp thét Trinh ra hầm thì đã bị bắn gục ngay trên thềm…”. 
Vậy là tai hoạ đã giáng xuống, chỉ trong nháy mắt gia đình Trinh đã tan vỡ. Đúng lúc này, Trần Văn, người yêu cũ của Trinh đã xuất hiện như một định mệnh để giúp cô qua được những bất hạnh đang đổ ụp xuồng đầu… 
Thấy Trần Văn ẵm giúp con mình, Trinh tưởng rằng “anh nghĩ về mối tình cũ” với cô nên mới sốt sắng vậy. Nhưng cô đã nhầm ,“đối với mối tình đầu, anh gần như đã nguội lạnh và cho đấy là một thắng lợi lớn của tình cảm...”. Đã xác định tình yêu theo kiểu “đánh trận” như vậy trách nào chàng chỉ huy tự về chẳng thấy “trước mặt, Trinh chỉ là một người cơ nhỡ, một nạn nhân của chiến tranh .Nhìn Trinh nhỏ bé trong bóng tối, lảo đảo vì mệt mỏi, khuỵu luôn, trật giày luôn, anh thấy ngậm ngùi thương hại”. Vậy chỉ còn thương hại thôi, tình yêu đã chết thật rồi, lòng anh chỉ còn nghĩ tới “anh em sắp gặp”, tức nghĩ tới cuộc chiến đấu thôi. 
Thế rồi anh đưa Trinh và con cô tới nhà cụ Tĩnh Trai, “một tay thích chơi hoa, nhà ở giữa phố, chỉnh tề khăn xếp, cộp cộp giày ban đi ra. 
“Thế là mừng. Sau cái vụ Yên Ninh, cái vụ Đồng Xuân, tưởng là chết hết. May ra yên được. Tôi đang lo cho cái hoa quỳnh nhà tôi mười hai giờ đêm nay nở, không ai đến xem. Chè bánh sẵn cả . Mời các đồng chí chốc nữa vào chơi. Hoa quỳnh nở là hiếm, lại vào đúng đêm nay. Điềm lành mừng cụ Hồ. Tới cả cho vui nhé.Đúng giờ, chỉ mấy phút nó tàn thôi. Phải xem lúc nó đang nở mới đẹp...”. 
Người ta có thể đặt câu hỏi liệu giữa lúc đầu rơi máu chảy, bom đạn dày đặc như đêm mở đầu toàn quốc kháng chiến này, liệu có ai bầy tiệc để mời khách tới coi hoa quỳnh nở chăng? Quả thực ông nhà văn đã quá đà trong mô tả cái "thong dong vào trận" của người Hà Nội làm người đọc khó mà tin nổi phải đặt dấu hỏi về tính xác thực của nó. 
Ở nhà cụ Tĩnh Trai bất ngờ Trần Văn gặp lại đơn vị anh chỉ huy bị lạc sau đêm anh ...đi hát cô đầu và ngủ quên. Mọi người reo lên quây Trần Văn vào giữa . Người nào cũng có vẻ nai nịt như sắp đi đâu. Anh đứng tần ngần thấy mình như xa lạ. Hóa ra không có anh ở nhà cũng chẳng sao.Họ niềm nở, không lạnh lùng như anh tưởng…Mộng Xuân rỉ tai anh : 
“ Đi đánh nhà Sauvage. Thôi, ta nói chuyện sau. Đi thôi, mười một giờ rồi. Các chị đã sửa soạn chờ liên hoan chúng ta thắng trận trở về. Lệnh phải tiêu diệt cho bằng được bọn lính Pháp ở đấy. Thu bằng được toàn bộ vũ khí…Khẩu súng và lựu đạn của anh , chú Lai giữ…” 
Người ta thấy lạ khi đơn vị nhận nhiệm vụ chiến đấu, viên chỉ huy bỏ cả súng đạn ở nhà để đi hát…cô đầu, lạc mất đơn vị, thế mà vẫn không sao, lúc vô tình gặp lại đơn vị anh ta vẫn chỉ huy chiến đấu như không có chuyện gì xảy ra. Vậy kỷ luật chiến trường ở đâu, sắp chiến đấu mà đào nhiệm chắc chắn sẽ phải ra toà án binh lĩnh án tù. 
“Trần Văn thắt dây súng lục, giắt hai quả lựu đạn của anh. Anh nghĩ sẽ không oán thán gì nếu anh được chết trong trận đánh này để chuộc lại cái hành động đáng tiếc của anh…” 
Và lúc này, lẽ ra phải nắm lại đơn vị để chỉ huy tác chiến, thật đáng ngạc nhiên, Trần Văn lại nhớ tới chuyện đâu đâu. Không phải cô người yêu cũ mà anh bỏ lại, cũng không phải cây hoa quỳnh của cụ Tĩnh Trai sắp nở mà là…” một câu thơ của Victor Huygo đến với anh. Những người đi chết cho Tổ Quốc được quyền có quần chúng đến bên linh cữu mình khấn vái…” Lại một áp đặt khiên cưỡng của ông nhà văn lên nhân vật. Cũng may, phút cuối cùng Trần Văn cũng còn nhớ tới người yêu cũ mà anh đang cưu mang, anh cũng chẳng giúp gì được ngoài một câu từ biệt : 
“Tôi có nhiệm vụ phải đi ngay. Tôi sẽ nhờ ông cụ giữ nhà này để chị tạm nghỉ lại đây đêm nay. Nếu tôi được trở về tôi sẽ thu xếp sau…” 
Chỉ thế thôi, chàng chỉ huy tự vệ bỏ lại cô người yêu cũ với đứa con nhỏ trên tay bơ vơ giữa rừng tên mũi đạn để đi … chiến đấu. Sáng hôm sau Trinh đành phải bế con cùng bà vú xách va li tìm về nhà chồng – nhà Cự Lâm . Khi về gần tới nơi, bà vú bị đạn bắn chết , “ Trinh gục đầu vào cái bọc của con và lịm đi, không dám nhìn xác người vú và cũng không còn thiết gì đến xung quanh…”. Sau cùng nàng cũng ôm con lết được về tới nhà . Bố mẹ chồng đã đi tản cư, còn lại một lũ em đều là dân “ lá ngọc cành vàng” từ bé chưa biết thế nào là gian khổ. Trước hết là Lan, cô em chồng của Trinh. Khi điện tắt, súng nổ “ Lan nấp vào cái khe giữa thành bể cạn và bức tường ngăn với nhà bên cạnh. Cái khe đã có từ ngày Lan còn bé nhưng chưa bao giờ Lan vào đây và cũng chẳng để ý….” 
Lúc súng bắt đầu nổ, “một luồng chớp xanh lẹt. Có tiếng kêu :” Núp xuống”. Mặt Lan vập vào thành bể và anh kia ngã dúi vào người Lan, như người đi tàu bị giật xô ngã vào nhau. Bỗng anh ta sát lại, hai cánh tay ghì chặt lấy ngực Lan, xoay mặt Lan lại, và hôn Lan. Lan ú ớ trong bóng tối, giãy ra, bất lực , sợ hãi, đê mê trong những vuốt ve điên dại mà Lan vừa muốn chống lại vừa muốn cho kéo dài. Rồi bóng người đàn ông ấy bị đẩy đi, người ta tranh nhau tìm những chỗ núp tốt nhất , chẳng hỏi gì Lan…” 
Trong lúc lộn xộn mọi người tìm chỗ trú ẩn, nếu có ai đó tranh thủ ôm hôn, vuốt ve điên dại cô gái bơ vơ trong hoảng hốt thì kẻ đó chỉ là một gã lưu manh, tranh thủ gỡ gạc và không dễ gì buông tha con mồi một khi đã buông thả. Với một kẻ như vậy , cô tiểu thư con nhà giàu Cự Lâm sống trong nề nếp gia giáo dễ gì trao thân cho gã một cách quá “bản năng” như vậy ? Những tình tiết tưởng như rất tiểu thuyết hoá ra lại đáng ngờ. Em gái của Lan là Hương – xinh đẹp, có vẻ như không sợ bom đạn, tìm sang hàng xóm tập hát. Anh của Lan là Phúc – người yêu của cô cán bộ Oanh. Mặc dầu là công tử con nhà giàu nứt đố đổ vách nhưng Phúc lại là một tự vệ chiến đấu hết sức anh dũng.
Vậy là cả nhà Cự Lâm – cho dù là tư sản, từ con trai, con gái, dâu, rể đều tham gia chiến đấu hoặc ở lại với thủ đô trong giờ phút hiểm nghèo nhất. Phúc chạy về nhà gặp hai em gái là Lan và Hương , còn người yêu của anh là cô cán bộ Oanh thì bận đi chiến đấu. Một quả đạn rơi trúng nhà giết chết anh lái xe Thịnh và biến ngôi nhà thành cái địa ngục trong nỗi kinh hoàng của mọi người. Nghe tiếng cuốc đào huyệt ngay trong vườn, Trinh sợ chết khiếp, cứng người lại , lạnh như mình đang ở giữa một bãi tha ma…Trinh ôm lấy con nhưng tay cứ cứng đờ. Suốt mấy hôm nay, Trinh chỉ thấy những chết là chết.. Lù lù những xác chết đưa những cánh tay nghều ngào vồ lấy hai mẹ con Trinh. Trinh ngất đi… 
Trong lúc nhà ông Cự Lâm tràn ngập không khí chết chóc và hoảng loạn, từ ngoài đường đưa vào tiếng loa dõng dạc : 
“A lô a lô ( Thưa đồng bào yêu quý, Uỷ ban kháng chiến đã thành lập , kêu gọi toàn thể chúng ta đoàn kết, nhất trí, bình tĩnh và gan dạ, quyết tâm diệt địch, ra sức phá hoại để giữ nhà, giữ phố, chống giữ thủ đô đến cùng, xứng đáng với danh hiệu là người của đất ngàn năm lịch sử. Chúng ta hãy thực hiện đầy đủ các khẩu hiệu :” mỗi phố là một mặt trận, mỗi nhà là một pháo đài...” 
Những câu hô hào như vậy cứ trút vào tai dân chúng bất chấp cái Uỷ ban kháng chiến ấy ở đâu ra, do ai bầu nên, cứ nghiễm nhiên là một tổ chức lãnh đạo toàn dân kháng chiến chẳng cần hỏi ý kiến ai. Tuy thế , bất chấp điều đó người dân vẫn xông lên dũng mãnh diệt địch . Như cụ già bố của nữ cán bộ Oanh đã nêu một gương sáng về lòng dũng cảm tới...đáng ngờ. 
Lúc đó “cả khu phố nhà Thờ sáng rực như ban ngày . Nhà Thờ Lớn sừng sững như hai cái tháp cao ngất đen xạm giữa một hào quang đỏ. Hai chiếc xe tăng lồng lộn bò qua cái vườn hoa tròn trước mặt nhà thờ. Tượng đức Mẹ rung lên như trong đám rước. Mọi người lùi lại nhưng ông Lộc đã tiến gần cái xe trước, tay ném lựu đạn miệng hô xung phong. Cái điều mà ai nấy đều lo sợ đã xảy ra. Cái xe sau nhả đạn. Hai tay ôm ngực , chân loạng choạng, ông vẫn gượng đứng và thét to : 
“Đuổi bắt cái xe tăng...” 
Bị đạn xe tăng bắn vào ngực không tan xác thì chớ, cụ già này còn đứng được và ra lệnh chiến đấu được thì thật...khó tin. Vậy mà còn hơn thế nữa “ông Lộc ngã khuỵu xuống , nhưng vẫn bò đuổi theo, tay phải giơ khẩu súng lục nhằm cái xe sau bắn luôn mấy phát...”. Tới mức này người ta đành phải hỏi ông tác giả tiểu thuyết, liệu có cụ già nào bị xe tăng bắn vào ngực còn đủ sức bò theo nó để bắn ...súng lục chăng ? Vậy mà “ông vẫn cứ lết đi, để lại đằng sau một vết máu dài”. Đến khi có người tới đỡ ông đứng lên, “cái áo sơ mi phờlanen của ông đỏ lòm máu từ ngực trở xuống”, vậy mà ông vẫn còn nói : 
“Mặc tôi, chạy đi. Không phải lo cho tôi. Nếu tôi chết thì cũng đã làm tròn nhiệm vụ của tôi đối với phố của chúng ta. Anh đi đi. Để tôi nằm ở đây. Anh có gặp con Oanh nhà tôi thì nói với nó là tôi đã đánh xe tăng như tôi đã hứa với nó. Anh cầm lấy cái súng này và bảo tôi cho nó. Tôi đã cho nó lúc chiều mà nó không nhận...” 
Đây không phải lời lẽ và suy nghĩ của người sắp chết, lúc đó không biết ông già nghĩ gì, có điều chắc chắn không nghĩ về chuyện “đánh xe tăng” với “súng ống “ gửi lại con gái như vậy. Và lạ thay ông còn “lảo đảo đứng dậy, thân hình cao lớn của ông trông ngang tàng với cái ngực nở và hai vai rộng, cánh tay phải giơ lên : 
“Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ chủ tịch... 
Ông ngã xuống, một tảng gỗ cháy từ nóc nhà rơi xuống đè lên ông...” 
Tội nghiệp ông già, lẽ ra ông đã chết toi mạng từ lúc xe tăng bắn nát ngực ông, vậy mà ông nhà văn Nguyễn Huy Tường còn bắt ông bò lê theo xe, bắn súng lục vào xe tăng, rồi trối trăng giao súng cho con gái và lại còn hô cả khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch...”nữa. Thật là một thứ văn chương tuyên truyền khó tin đến trắng trợn. 
Trong bữa tiệc ngẫu hứng 5 người Hà Nội do Tân tổ chức chiều hôm trước ngày toàn quốc kháng chiến có nhạc sĩ Thu Phong. Trước đây anh này lưu lạc sang Tàu kéo đàn cho tiệm nhảy. Rồi thấy “ở nhà, Pháp khủng bố ở Bắc Ninh, rục rịch chiếm Hải Phòng”, chẳng hiểu sao anh lại “sốt ruột “ tìm về nước. Tác giả không nói rõ, Thu Phong “giác ngộ cách mạng” chưa mà sốt ruột “tham gia cách mạng” quá vậy ? Về nước chẳng bắt mối được với ông cách mạng nào, “Thu Phương ngao ngán , không biết rồi mình sẽ đi đến đâu.. Cuộc đời anh rồi sẽ thế nào ?”. 
Chưa được cách mạng “giác ngộ” chẳng hiểu sao Thu Phương đã nhớ ngay lời ...Bác dậy. 
“Anh mang máng nhớ như đã có ai cho anh biết là Hồ Chủ tịch có nói :” Nước ta là một nước nhược tiểu , phải đánh lâu dài...”. 
Ghê chưa, nghệ sĩ như nhạc sĩ Thu Phương, chứng kiến bao gia đình tan nát, đầu rơi máu chảy, chẳng thấy con tim nghệ sĩ rung động chỉ thấy “ Anh nắm cái bao súng lục và một quả lựu đạn Mỹ còn nguyên vẹn.Từ đây có lẽ không bao giờ anh còn được đánh đàn nữa, mà chỉ còn dùng những thứ vũ khí này...”. 
Quả thực từ cây đàn tới lựu đạn, anh nhạc sĩ đã “nhảy vọt” khiến ta phải hỏi :” có nhẽ đâu lại thế?”. Ông nhà văn ép uổng nhân vật chăng ? Thế rồi ngẫu nhiên, ông nhạc sĩ gặp lại ông sinh viên luật Vũ Minh, người cùng dự bữa tiệc “cuối cùng của người Hà Nội “ hôm đó. 
Thế là cả hai ông dắt díu nhau vào “cái sân rộng của một cái nhà Tây. Chen chúc có hàng vài trăm người. Tiếng trẻ con khóc tru tréo. Tiếng đàn bà dỗ con, gắt gỏng. Tiếng phụ nữ léo xéo gọi mẹ gọi anh. Tiếng đại bác nổ rầm, người ta ngã lỏng chỏng như một cái toa tàu bị giật mạnh...” 
Lẽ ra hai ông phải giúp dân chạy loạn, ngược lại “Thu Phong và Vũ Minh xéo bừa lên vai, lên đầu mọi người. mặc cho bà con chửi rủa. Họ trèo tường sang nhà bên cạnh.”. 
Những tưởng hai chiến sĩ tự vệ sẽ lập ổ đề kháng chống Pháp, ai ngờ “lại cái tiếng huỳnh huỵch. Đúng Tây rồi. Tóc gáy hai người dựng đứng cả lên, mồ hôi toát ra đẫm cả sơ mi” khiến họ nghĩ tới chuyện ...tự sát. Thu Phong long trọng : 
“Đêm nay, đêm nổ súng đầu tiên, có hai thằng thanh niên chưa quen biết nhau bao giờ , mới gặp nhau trong một bữa tiệc mà cũng chẳng biết chủ là ai , hai thằng thanh niên ấy đã thề sống chết với thủ đô, nay nguyện cùng chết để khỏi sa vào tay giặc...” 
Lạ chưa, mới nghe tiếng thằng Tây, tóc gáy đã dựng cả lên mà lại dám chết để khỏi sa vào tay giặc? Và lại còn ngẫm nghĩ ý nghĩa của cái chết “ Anh không chết bên những gái truỵ lạc, mà bên một anh bạn sinh viên trong trắng.Từ giã cây đàn. Cái chết của hai anh tự vệ Hà Nội sẽ truyền mãi về muôn đời...” 
Dựng nên vụ tự tử của hai thanh niên trí thức Hà Nội phải chăng ông nhà văn muốn truyện phong phú hơn, đặc sắc hơn, nhưng sự vô lý của nó gây phản tác dụng, người đọc mất niềm tin vào sự trung thực của ông, tác phẩm vì thế giảm hẳn giá trị. 
Tất nhiên là Tây không tới và hai người sau đó lại nhận ra rằng :” Sao chúng mình lại chết. Cộng hai đứa mới được hơn bốn mươi tuổi hay hơn một tí chứ nhiều nhặn gì cho cam. Vô lý quá. Mà có gì đâu. Nếu Tây hay thổ phỉ thì nó phải làm ầm lên chứ, sao lại câm như hến thế này ? Vô lý...”.Và họ thôi không … tự tử nữa. Đọc tới đây người đọc phải hỏi : đưa ra hai nhân vật nhạc sĩ và sinh viên luật, Nguyễn Huy Tưởng xác định tính cách sao đây ? Có lúc ca ngợi lòng dũng cảm; lại có lúc riễu cợt sự nhát gan. Tính cách không rõ ràng khiến nhân vật mờ nhạt . 
Người ta còn nhớ từ mãi đầu truyện có một chú bé tên Thắng cứ khăng khăng đòi mẹ cho đi theo bộ đội. Từ lúc đó, chú “nhóc” trở thành liên lạc, xông pha đi trước cả tiểu đội. 
“Buổi chiều , Thắng đi liên lạc trở về , thấy tiểu đội nhộn nhịp một cách khác thường. Các anh đang chia nhau những quả lựu đạn tốt nhất và ngồi nhìn nhau hát Tiến quân ca...” 
Khác thường nữa là sau khi anh tiểu đội trưởng cho Thắng cây súng gỗ thì kéo Thắng lại , “ôm lấy Thắng và hôn lấy hôn để. Hôn xong anh quẳng Thắng cho anh khác hôn và Thắng bị quẳng như thế khắp mười mấy lượt anh trong tiểu đội. Thắng chóng cả mặt mũi, cười sặc sụa giữa những tiếng cười trêu ghẹo của các anh...” 
Chưa bao giờ các anh trong tiểu đội vui với Thắng vậy. Rồi sau đó “các anh đứng dậy, giơ tay hô quyết chiến rồi phân chia nhau đi bố trí. “. Hoá ra họ biết trước đã đến giờ G., giờ nổ súng vào quân Pháp. Quả nhiên “ một lúc thì điện tắt và súng nổ đùng đùng. Thắng sợ quá, đái tung toé ra cả ngoài quần, khóc gọi anh Dân...” 
Người ta không hiểu sao giữa nơi mũi tên hòn đạn, “tác giả” không trả Thắng - đứa bé lên 8 tuổi ấy về cho mẹ nó mà cứ khăng khăng đưa nó đi theo tiểu đội chiến đấu , bắt nó xông pha giữa mũi tên hòn đạn chẳng khác gì một chiến binh già giặn : “ Chợt có tiếng ríu rít trên đầu . Một viên đạn đỏ lạc vào như con đom đóm lừ lừ…”. Lẽ ra thằng bé con phải “sợ quá , đái cả ra quần, khóc gọi anh Dân “ như lúc tắt đèn vừa mới đây thôi, vậy mà không,mới qua chốc lát, thằng bé bỗng đổi khác , dũng cảm khó ngờ. “Thắng nghĩ :” Sao nó biết mình về đây mà nó bắn ? ”. Thắng kêu :” Chạy đi, các anh ơi, lộ rồi !”. Thắng nằm sấp xuống , nhưng viên đạn đã vập vào tường…”. Lạ thay, viên đạn cắm vập vào tường rồi không hiểu sao lại vẫn “ xoay rít, vờn trên người Thắng…Viên đạn xì xì, Thắng chạy tới đâu viên đạn đuổi tới đó…”. Sao lại có viên đạn nào “thông minh” đến thế ? Anh tự vệ giải thích : 
“Đạn lửa đây mà. Nó đang đà, gặp sức cản, nó đứng lại, nhưng nó còn thuốc, nên nó quay như pháo. Có gì đâu?” 
Lạ thật, đạn gặp sức cản đứng lại rồi …lại quay như pháo chắc là đạn…ma, chỉ có trong tưởng tượng nhà văn. Thế rồi thằng bé con 8 tuổi cầm súng lục gỗ, lưng đeo hai quả lựu đạn thật, khi một anh chàng định bỏ trốn khỏi tiểu đội, nó khăng khăng không cho đi. Anh chàng kia “đút lót” gói kẹo , “Thắng đứng thẳng người , ưỡn ngực, mặt vểnh lên như muốn sinh sự, cái trống bỏi cầm tay kêu tong tong :” Anh vào ngay . Không tôi gọi các anh ấy ấy. “ . Thắng khum ngón tay cái và ngón tay trỏ như cái càng cua, đưa lên miệng, huýt một tiếng còi dài, ra ý như báo hiệu…” 
Thế rồi một anh vệ quốc đoàn đọc hiệu triệu của bác ông Hồ trong “ thứ ánh sáng tôi tối của mùa đông, trong một gian phòng đóng cửa ….Họ đứng lấp kín cả bàn và bộ ghế bành. Bộ đội đều lặc lè lựu đạn, súng không nhiều, có người không có. Anh nào cũng quàng trên áo trấn thủ đường may hình quả trám những ruột tượng gạo như những con rắn trắng cuộn khúc. Họ đứng thế nghiêm , nhìn thẳng, chăm chú nghe lời kêu gọi…”. 
Và rồi chẳng hiểu sao tiểu đội lại xuất hiện cả bà mẹ, con gái, cụ già, thanh niên để tạo nên “quần chúng” đầy đủ nam phụ lão ấu , nín thở nghe đọc lời kêu gọi của lãnh tụ: 
“Giờ cứu nước đã đến ! Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng cương quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về ta…” 
Không một ai nghĩ tới nếu phải “hy sinh tới giọt máu cuối cùng” thì cái thắng lợi giành được đó còn có ý nghĩa gì , mang lại cho ai và để làm gì ? Tất cả còn đang thành kính lắng nghe anh vệ quốc đoàn cao giọng: 
“Kháng chiến thắng lợi muôn năm ! Ngày 20 tháng 12 năm 1946, Hồ Chí Minh…”. 
“Giọng anh khẽ xuống. Nhưng tên lãnh tụ âm vang lên. Mắt anh đưa đi đưa lại trên những dòng chữ cuối cùng như tìm kiếm một vật gì. Gian phòng im một cách lạ…” 
Cái giỏi của nhà văn trong việc “nâng bi” lãnh tụ là sau khi nghe đọc xong lời kêu gọi của ông Hồ Chí Minh đám quần chúng không sôi sùng sục máu căm thù xông lên diệt giặc , không lớn tiếng hô khẩu hiệu mà chỉ để một bà mẹ đặt câu hỏi : 
“Kháng chiến thật rồi ư, thưa đồng chí ?” 
Cái tài nhà văn chỗ này đây, nghe lời “Bác kêu gọi”, một bà mẹ bình thường bỗng thấy tin yêu bác Hồ, tin yêu cách mạng đến độ muốn đứng hẳn vào hàng ngũ cách mạng, trở thành “đồng chí” . Phản ứng “quần chúng” thì vậy, còn lực lượng vũ trang tất nhiên phải nhiệt thành hơn : 
“Tiếng thét của anh tiểu đội trưởng bé nhỏ lút trong đám chiến sĩ : 
“Tiêu diệt thực dân Pháp !Hồ Chủ tịch muôn năm…” 
Một anh thanh niên đeo cravat đỏ “ bỗng nhảy lên hô, thúc mọi người hô, quả đấm của anh giơ cao như đe mọi người ; mặt đen nhuốm đỏ như say rượu, mắt điên dại. Anh reo : 
“Kháng chiến rồi. Toàn quốc kháng chiến rồi. Tôi biết. Tôi biết từ lúc nổ súng kia. Sướng quá! Hồ Chủ tịch đã ra lệnh. Hôm nay tất cả Nam bộ sẽ ăn mừng. Nam bộ không phải chiến đấu một mình nữa…” 
Chiến tranh là chết chóc, nhà sập, gia đình ly tán, thật hiếm có dân tộc nào lại ăn mừng khi nó nổ ra. Hiếm ai lại “sướng quá” khi súng đã nổ. Anh ta là ai vậy? Hoá ra ông nhà văn muốn đám quần chúng lắng nghe lời Bác sao có đủ ba miền Bắc Trung Nam đã bất ngờ cho một ông miền Nam như đứt giây trên trời rơi xuống: 
“Anh thanh niên cướp lời: 
“Đúng, Nam Bộ đây. Tôi ra đây có công tác, vừa mới đến Hà Nội hôm qua. Chưa được gặp Chính phủ, chưa được gặp Hồ Chủ tịch. Nhưng được nghe lời hiệu triệu này thì cũng đã đời rồi. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm…Đúng như ở Nam Bộ. Trời ! Gặp kháng chiến ngay giữa thủ đô !” 
Rồi nhà văn cho anh thanh niên bày tỏ lòng yêu nước theo cách “Nam Bộ” : 
“Tôi sẽ sống chết ở đây cùng với đồng bào miền Bắc. Tôi đã trông thấy những khẩu hiệu ở đây rồi. Đã lắm ! Cho nhập bọn được không ? Không cũng được . Đơn thương độc mã cũng đánh…” 
Anh lại bắt tay mọi người. Anh ôm hôn người mẹ. Anh vẫy vẫy tờ hiệu triệu. Anh lại ấp nó vào ngực , toàn thân anh rung rung. Anh khóc rưng rức , mắt đỏ hoe: 
“Đi lấy đầu mấy thằng Tây nhá. Trời ! Trời, sao Hà Nội nhiều súng thế này ?” 
Anh đến với chiến sĩ này lại đến với chiến sĩ nọ, rối rít, sốt sắng…” 
Thật đúng tính cách anh Hai, yêu nước kiểu nóng sốt, bộc trực người miền Nam theo cách…tưởng tượng của tác giả. Màn hưởng ứng “hiệu triệu của bác Hồ” lúc này mới nổ ra rầm rộ. Tiểu đội trưởng tự vệ phát biểu : 
“Bây giờ thì tôi đề nghị thế này. Như Hồ Chủ tịch kêu gọi thì toàn dân, toàn quốc đều phải đứng lên kháng chiến. Tất cả chúng ta ở đây đều có nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô đến cùng. Chúng ta phải giữ cái phố này…” 
Một ông già mặc quốc phục nói với bà con : 
“Các đồng chí về đây, chúng tôi rất mừng. Chúng tôi như người được sống lại. Trông thấy các đồng chí như được trông thấy Chính phủ, thấy Cụ Hồ…” 
Tuy nhiên, không phải ai cũng thích được gọi đồng chí; Tân, anh chàng thanh niên Hà Nôi tham sống sợ chết, đã mở tiệc ngẫu hứng 5 người hôm trước, khi được đồng chí cán bộ tên Dân hỏi: 
“Xin lỗi đồng chí nhé. Thế nào đồng chí? Đồng chí sẽ kháng chiến ngay tại nhà mình. Không ngại gì cả …” 
…Tân choáng váng hơn là khi nghe tiếng cây đổ ngoài đường. Tai anh trối vì hai cái tiếng mà anh vẫn chế giễu và bây giờ người ta đem ra gọi anh. Cái tiếng ấy sẽ cột cổ anh lại. Anh nói: 
“Thưa ông, có lẽ ông nhầm. Tôi, đồng chí?” 
…Dân tới trước mặt Tân, vững như một lực sĩ, khói miệng bay ra như thở khói thuốc lá : 
“ Tôi chỉ muốn được gọi rất nhiều người là đồng chí . Có lẽ khi mọi người đều gọi nhau như thế thì đời đã sướng lắm…” 
Quả thực, cả ông nhà văn Nguyễn Huy Tưởng lẫn nhân vật Dân đều không tưởng tượng 50 năm sau, trong những cuộc họp nội bộ Đảng lôi nhau ra sát phạt, người ta mới lớn tiếng gọi nhau bằng hai tiếng “đồng chí”. 
Trong đám nhân vật của Nguyễn Huy Tưởng, người thích được gọi “đồng chí “ nhất cô nữ sinh Quyên, người được giao theo dõi ông bác sĩ Việt kiều mới về nước. Chỉ mới nghe tin “ một người về báo xe tăng đã húc đổ hàng rào sắt của dinh Chủ tịch, Quyên đã cãi lại anh ta và đuối lý, Quyên khóc. Quyên ghét cái người ấy và coi như Việt gian…”. Yêu Hồ Chủ tịch ghê gớm chưa ? Ai mà báo tin Phủ Chủ tịch bị xe Pháp ủi sập hàng rào lập tức kẻ đó là…địch. Tuy nhiên, khả năng xuất sắc của cô nữ sinh Hà Nội này lại là dò xét, theo dõi người khác. Được giao nhiệm vụ “bám sát” ông bác sĩ Việt kiều, lúc tắt điện ông ta kêu :” Thế này mà mình không biết mua sẵn một cái đèn dầu”. Chỉ thế thôi, vậy mà cô báo cáo với tổ chức là “ ông ấy oán Chính phủ mình…”. Rồi khi ông bác sĩ giục :” Une lampe, une lampe, mademoiselle*…”, cô ta tức lắm bởi lẽ “ đánh nhau rồi mà vẫn nói tiếng Pháp, có vẻ như…muốn báo hiệu cho nó…”. Tinh thần cảnh giác của cô nữ sinh cán bộ này ghê gớm chưa ? Sắn “máu cá” trong người chắc sau này cô phải làm tới chức…Phó Chủ tịch nước như bà Phó Doan thời bây giờ 
Thật khó hiểu vì sao Nguyễn Huy Tưởng mô tả nữ sinh Hà Nội lại cứ biến thành toàn gái “cứng cỏi” đến “sắt đá” như cái cô Quyên chuyên theo dõi ông bác sĩ Việt kiều , như chị Oanh , cán bộ phụ nữ thành. 
Chị Oanh là vợ sắp cưới của con trai nhà buôn Cự Lâm giàu có, là con gái của một ông già cứ khăng khăng đòi “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Trong những ngày ly loạn, các gia đình nháo nhào chạy tản cư, chị ta chẳng ngó ngàng gì tới chồng cũng như gia đình chồng chưa cưới, cũng chẳng lo toan gì cho bố đẻ, mặc kệ hết chị cứ chạy khắp Hà Nội để đi… giết giặc. 
Ong bố chị ta chính là ông già Phùng Gia Lộc, người đuổi theo xe tăng “tay ném lựu đạn miệng hô xung phong. Cái xe sau nhả đạn. Hai tay ôm ngực , chân loạng choạng, ông vẫn gượng đứng và thét to :“ Đuổi bắt cái xe tăng...”. Khi hấp hối, ông vẫn còn đòi “ Anh có gặp con Oanh nhà tôi thì nói với nó tôi đã đánh xe tăng như tôi đã hứa với nó. Anh cầm lấy cây súng này và bảo tôi cho nó. Tôi đã cho nó lúc chiều mà nó không nhận...”. 
Khi khẩu súng của ông bố được đưa tới tận tay, lẽ ra Oanh phải rú lên mà hỏi bố chết rồi ư, vậy mà không, chị ta vẫn tỉnh bơ: 
“Sao thế? Chiều hôm qua tôi đã không nhận kia mà…Anh có thể đem về cho cậu tôi được không . Tôi cũng có rồi…”. 
Khi người báo tin: “Cụ mất rồi. Mất trong một trận đánh xe tăng…”, chị ta mới có phản ứng: “đôi lông mày kẻ của Oanh ríu lại. Trống ngực chị đập mạnh” - chỉ thế thơi, khơng thấy “la hoảng “ gì thm. Người báo tin lại nhắc ” Cụ mất rồi. Cụ xông ra đánh xe tăng và bị trúng đạn vào ngực. Trước khi mất, cụ đã hô “ Việt Nam độc lập muôn năm”. Cụ nhờ tôi giao lại chị vật kỷ niệm. Vậy rõ ràng là bố đã chết, chị cán bộ Oanh cũng chỉ "mím chặt môi, cái cằm hơi lẹm của chị như ngắn lại. Chị cầm lấy khẩu súng , tai văng vẳng lời của bố buổi chiều qua: "cầm lấy súng Oanh. Chị ngắm khẩu súng có khắc tên Phùng Gia Lộc…”. 
Thế rồi chắc đau thương làm chị đánh rơi khẩu súng, người khác nhặt lên, chị cũng chỉ nói: “Cám ơn Quyên”. Mặt chị trở lại tự nhiên, Oanh hỏi Thu Phong (người đưa tin): “Thưa anh, xác cậu tôi bây giờ ở đâu?”. Người nhạc sĩ nói dối: “ Chúng tôi đã chôn cất cho cụ rồi…”. “Cám ơn các anh…”. Chỉ thế thôi, không hỏi bố chết thế nào, được chôn ở đâu, đánh dấu ra làm sao mà lại hỏi: "Phố ta vẫn giữ được chứ ?”Rồi quay sang mấy cô bạn: "Ta đi, các chị đi”. “Tay Oanh nắm chặt cái nòng súng chìa ra ngoài miệng túi. Đoàn người lặng lẽ tản đi…”. 
Ôi mẹ kiếp, đọc đến đây muốn văng tục quá, cái con mụ Oanh này phải chăng là mẫu người “tam vô” của cộng sản. 
Thực ra ông Nguyễn Huy Tưởng muốn tả cái sự nén đau thương để biến nó thành hành động. Tiếc rằng ông đã bắt Oanh “nén chặt” nỗi đau quá khiến chị ta trở thành mụ đàn bà bất hiếu, vô tình, sắt đá, dửng dưng cả với cái chết của bố đẻ để toàn tâm toàn ý” tập trung suy nghĩ và hành động vào việc đánh Pháp. 
Tiêu biểu cho tinh thần toàn tâm đánh giặc phải nói tới đơn vị bảo vệ dinh cụ Hồ: “Phần lớn họ là những đồng chí người Thổ, nhiều người đã tham gia cách mạng từ hồi bí mật, đã xa rừng núi từ ngày khởi nghĩa. Hơn một năm ở Hà Nội, họ chỉ quanh quẩn hoặc ở trong dinh hoặc ở bên phủ. Những người ít nói ít cười và không đòi hỏi. Hơn một chục đồng chí đã nằm xuống để không bao giờ trông thấy xứ sở xanh xanh nữa”. 
Những người lính gốc dân thiểu số khi chiến đấu cũng như lúc hy sinh ắt phải khác những người lính gốc kinh, tiếc thay ông nhà văn không diễn tả được sự khác biệt đó. Một anh thương binh người dân tộc lúc hấp hối được cấp chỉ huy hỏi han: “Đồng chí thế nào?”. Anh thương binh nói, giọng nói của một người còn tỉnh , nhưng đã yếu: “Báo cáo anh, cũng thường thôi. Ngoài ấy thế nào?”. “Nó chuẩn bị tấn công. Tôi sẽ cho người đưa đồng chí về trong phố, có quân y”. Cái đầu lắc lắc một cách nhọc mệt, đôi mắt như cười: “Không nên. Làm gì còn người. Tôi ở đây. Đem về cũng vô ích. Tôi biết.”Anh ta nghĩ một lúc: “Tôi được đánh suốt từ chập tối đến giờ , chết cũng sướng...”. 
Chưa nói tới lúc sắp chết làm sao “đôi mắt như cười” được, chưa nói tới khi chết người miền núi thường nhớ về quê hương, bố mẹ, vợ con chứ đâu có còn nghĩ tới… tình hình chiến sự, chỉ riêng một điều tiếng kinh chưa sõi, sao mà lúc hấp hối, anh lính Thổ này nói được lưu loát quá vậy? 
Một anh lính dân tộc khác khi bị thương “thấy mình khong sống được nữa đã cố gượng bò lên đây để nhìn lại lần cuối cùng cái phòng khách mà Bác Hồ thường hay đi qua…”. 
Có thật khi sắp về với tổ tiên, người lính Tày này đã thu hết sức tàn lực tận chỉ để nhìn cái nơi “bác Hồ qua lại” không? 
Một anh lính khác lúc sắp chết “cũng nói giọng yếu dần: “Tôi đi đi lính cho Pháp 3 năm. Bây giờ mới biết thế nào là vui. Hồi đảo chính, tôi ở trong thành, Pháp nó chạy như chuột. Đêm ấy buồn quá. Theo nó thì không muốn, trở về thì đồng bào hỏi tội, hàng Nhật thì nhục nữa. Chẳng biết làm gì, chẳng biết đi đâu, tôi cứ ngồi nhắm cái cột đèn trước mặt mà bắn. Lúc ấy sống mà như chết. Bây giờ sướng là được bắn thực dân , không phải bắn cột đèn.Tôi không chắc đã sống được để chiến đấu nữa. Tôi biết.Anh không phải nghĩ ngợi gì về tôi cả . Tơi không ngờ lại được nằm ở dinh Hồ Chú tịch…” 
Dù có là thực hay là bịa, nhưng mô tả 3 cái chết của 3 người lính dân tộc mà giống nhau y hệt, ông nào cũng chỉ nghĩ tới bác Hồ, tới niềm vinh dự được hy sinh cho cách mạng thì đủ thấy khả năng tưởng tượng của ông nhà văn nghèo tới mức nào ! 
Thế rồi tới anh chính trị viên đơn vị là Gia Bảo, tuy là người kinh nhưng lúc sắp quyết tử cũng lại được mô tả “nhớ tới bác Hồ” y như mấy anh chiến sĩ người Thượng : 
“Gia Bảo cũng đưa mắt quanh căn phòng đã đổ nát, nhưng vẫn như phảng phất sự có mặt của Hồ Chủ tịch mới hôm qua còn đến đây làm việc ( thực ra cụ đã lên an toàn khu từ tám đời rồi ) …Anh nhớ những tiếng ho của ông Cụ, nhớ những ngày tàu trắng và bọn Quốc dân đảng làm găng, ông Cụ làm việc không nghỉ, nhưng ăn cơm xong vẫn đi gặp bộ đội nói chuyện…Anh sẽ không rời khỏi nơi này. Trước khi chết anh sẽ không để cho cái dinh này lọt vào tay giặc. Những lời căn dặn của đồng chí Bí thư, đồng chí Khu phó trong buổi Hội nghị hôm qua văng vẳng đưa lại…” 
Như vậy đã thành một công thức trong “nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết” của Nguyễn Huy Tưởng: mọi chiến sĩ, dù là kinh hay thượng, dù là dân thường hay bộ đội, trước khi chết đều nhớ tới bác Hồ và Đảng. Sự thực ra sao chắc chỉ những “người trong cuộc” mới biết, chỉ tiếc họ đã ra người thiên cổ nên chẳng ai kiểm chứng được huyền thoại về những cái chết trong nỗi niềm thương nhớ Bác Đảng mà ông nhà văn đã tô vẽ. 
Một điều khá đặc biệt nữa là hầu hết những người lính của Nguyễn Huy Tưởng đều có “dính dáng” tới cụ Hồ. 
Thí dụ như Bảo, người lính cuối cùng trong trận chiến đấu bảo vệ Bắc bộ phủ “là một thợ tiện tập sự của Sở máy nước đá. Ngày cách mạng, Bảo xin đi biểu tình, bố mẹ cấm vì Bảo còn nhỏ. Bảo trốn đi, theo anh em vào cướp dinh và được phát hai quả lựu đạn Nhật, một con dao găm. Một hôm có tin là cụ Hồ ở chiến khu về. Bảo hỏi một người đội viên Thổ “Hồ Chủ tịch là gì?“ Anh Thổ nói: ”là đứng đầu nước, giữ độc lập cho dân…”. Buổi chiều, một ông già áo kaki, dép con hổ, đi với nhiều người vào. Thấy nhiều người hô muôn năm, Bảo cũng hô. Bảo đoán đấy là Hồ Chủ tịch vì anh em đã cho xem ảnh trước… Từ đấy, Bảo yên tâm ở bộ đội…” 
Vậy đó, hình ảnh của cụ Hồ chẳng những ăn sâu trong tâm hồn những người lính của Nguyễn Huy Tưởng mà còn tràn lan trong những trang viết “Sống mãi với Thủ đô”. 
Hầu như tất cả các trận đánh giữa ta và Pháp ở Hà Nội đều được tác giả “Sống mãi với thủ đô” thuật lại. Nhà máy đèn, Bưu điện, Bắc bộ Phủ, Chủ tịch phủ, chợ Đồng Xuân, Nhà thờ lớn… nơi nào cũng có chung một tính chất, hết sức phổ biến là quân dân ta cực kỳ anh dũng, quân địch cực kỳ độc ác và hèn nhát. Tính đơn điệu và một chiều trong những nhân vật tự vệ thủ đô như Trần Văn, Thu Phong, Tân, Bảo, ông già Phùng Gia Lộc… những anh bộ đội người Thượng, những cô nữ sinh Hà Nội như Oanh, Quyên, những người cộng sản như Quốc Vinh , Bí thư… là ở chỗ cho dù họ mang những danh xưng khác nhau, tên tuổi khác nhau, cho dù là nghệ sĩ, trí thức, tư sản, công nhân… nhưng họ giống nhau y hệt như những hạt đậu trong hũ. Cái mẫu số chung đã được quy đồng cho mọi nhân vật đó là sự bỏ quên cá nhân, quên gia đình, quên mọi thứ trên đời để toàn tâm toàn ý tập trung vào đánh giặc và trong lòng người nào cũng có một vị thánh sống là… ”bác Hồ”. 
Tuy thế, trong cái bức tranh rực một mầu hồng đó, đôi khi cũng lộ hé cái bệnh “độc đoán”, ”độc quyền lãnh đạo” của những người cộng sản đủ để cho ta thấy song song với việc đánh Pháp, Đảng cộng sản đã ráo riết thâu tóm quyền hành thiết lập chế độ độc đảng ngay từ khi còn trứng nước như thế nào. 
Nguyên ông Uỷ viên quân sự Văn Việt là người ngoài Đảng, chức quan trọng vậy nhưng không được họp nội bộ Đảng, không được biết những tin tức quan trọng, bởi vậy ông Uỷ viên quân sự này vẫn ấm ức về trò lén lén lút lút qua mặt ông của các đồng chí đảng viên. Khi nổ ra cuộc chiến đấu chống Pháp, ông Uỷ viên Văn Việt đưa lực lượng tự vệ tới đánh chiếm nhà Xôva của hãng tàu thuỷ Pháp. Khí thế hăng hái lắm. “Trong đêm tối, bộ đội và tự vệ vây lấy cái hãng, bắn súng và ném lựu đạn. Giặc không dám bắn ra. Đánh mãi, đánh mãi, đến nửa tiếng đồng hồ. Ta trèo vào trong sân, tiến tới sát cửa, đập cửa ầm ầm. Người ta xông vào trong nhà, hô chiến thắng vang lừng. Người ở dưới nhà chạy lên gác, người trên gác chạy xuống dưới nhà, vào buồng này, sang buồng kia, gọi nhau í ới, ồn ào như vỡ chợ. Xục mãi không tìm được một tên giặc, không thu được một viên đạn…” 
Sao lạ thế? Quân Pháp đâu hết cả rồi? 
Thì ra họ đã rút từ tám đời, chi bộ Đảng biết điều đó nhưng lại không thông báo cho Văn Việt, vì anh ta là người ngoài Đảng. Bởi vậy khi có người hỏi: “Nó rút từ lúc nào?” Văn Việt buông cả hai tay, cay đắng: “Mình là quần chúng, ai cho biết mà chủ động…” 
Vậy đó, dù có là Uỷ viên quân sự đi nữa, nhưng không phải đảng viên thì cũng không được biết những “tin tức nội bộ”. Thực ra ông Uỷ viên muốn “đánh một trận ra trò , tiêu diệt hoàn toàn vị trí Xôva, để cho các ông đoàn thể – tức là Đảng, biết rằng dù bị thành kiến, một thằng quần chúng khi nhận nhiệm vụ, vẫn làm đâu vào đấy, vẫn cừ. Khi biết là đã đánh vào một vị trí không người, anh choáng đi, như bị sét đánh. Anh càng giận Quốc Vinh (cán bộ Đảng đã dấu không cho biết chuyện Pháp đã rút khỏi nhà Xôva). Giặc không tiêu diệt được, đoàn thể thành kiến, mất uy tín, không lập được công trong đêm đầu. Anh khóc vì tức vì xấu hổ…” . 
Thế rồi không chịu nổi đồng chí cấp uỷ Đảng chơi xỏ mình, ông Uỷ viên quân sự tìm tới tận trụ sở, xông lên phòng ông chính trị viên, “mặt tối sầm, giọng xẵng, lưỡi như rít lại: 
“Sao anh không cho tôi biết trước? Anh coi tôi là người thế nào mà phải giấu tôi? Tôi là Uỷ viên quân sự để làm vì à?” 
Đồng chí cấp uỷ “đối với quần chúng bao giờ cũng giữ được cái lễ độ và mềm mỏng cần thiết: 

“Cứ bình tĩnh, anh ạ. Tôi nghĩ rằng việc thì có cái nói trước, có cái nói sau, người thì có người nói trước, có người nói sau…” 

Ông Uỷ viên quân sự ngoài Đảng tức giận: 
“Thế nghĩa là chúng tôi là những người làm thì làm trước, biết thì biết sau chứ gì? Anh giữ bí mật thế à?” 
Không kìm nổi tức giận, ông Uỷ viên quân sự ngoài Đảng “giáng một cái tát vào một má hóp” của ông cán bộ Đảng. Nếu là người bình thường thì ông bị ăn tát này đã nhảy xổ ra trả đũa rồi, nhưng ông cán bộ Đảng vốn cáo già về chính trị, ông chỉ “cau trán, loáng một ánh sáng nơi đuôi mắt“ rồi trở lại bình thường ngay: 
“Bây giờ anh đang nóng. Để một dịp khác ta sẽ nói với nhau về chuyện này. Còn chuyện gì khác nữa không, anh Văn Việt?” 
Ông cán bộ Đảng mềm mỏng nhưng mà dứt khoát, ông chỉ gọi ông Uỷ viên là “anh” thôi chứ không gọi “đồng chí”. Vậy là ông ngầm tỏ ý sẽ không tha cho cái “tát hỗn xược“ ấy đâu, nhất định sẽ có ngày ông trả mối nhục này, nhất định sẽ có dịp cho ông “nói lại chuyện này.” Lúc đó ông sẽ phân tích trong cuộc họp nội bộ Đảng rằng quần chúng mà dám giang tay tát cả Đảng thì còn gì là uy tín đoàn thể nữa, đây không chỉ xúc phạm cá nhân mà xúc phạm cả tổ chức. Cánh cửa vào Đảng giành cho ông Uỷ viên quân sự như thế là vĩnh viễn đóng lại. Không phải đảng viên thì ông Uỷ viên quân sự cũng hết hy vọng thăng tiến theo con đường quan lộ, mai mốt leo được cái chức đại đội trưởng cũng là kịch trần rồi. 
Mấy trang cuối cùng của cuốn “Sống mãi với thủ đô”, Nguyễn Huy Tưởng giành cho “chú bé Gavơrốt Việt Nam“, bé Thắng. Chú bé này mới 8 tuổi đã khăng khăng đòi mẹ theo các anh bộ đội đi đánh tây. Sau một trận đánh, lúc rút kinh nghiệm, bé Thắng cũng đòi… phê bình thủ trưởng: 
“Thắng đứng dậy, hai tay buông thẳng cứng cỏi như một chiến sĩ. Thắng nhìn thẳng vào Dân – chỉ huy, vênh mặt lên: 
“Báo cáo đồng chí. Đồng chí có một khuyết điểm. Sao đang chiến đấu, đồng chí lại đẩy tôi xuống hố…”. 
Thắng cau trán lườm mọi người, nét mặt nghiêm nghị, mắt quắc lên nhìn Dân bĩu môi. Một chị đẩy chén chè tới trước mặt chú bé. Thắng gạt đi giận dữ. Dân nói: 
“Tôi thấy đồng chí bò, tôi sợ nó bắn đồng chí nên phải đẩy đồng chí xuống hố. Nhưng đồng chí phê bình thì tôi chịu…” 
Quả thực khó mà tin được một chú bé đang tuổi nhi đồng mà lại hăng hái, coi thường cái chết một cách hỗn xược như vậy. Tính chất “giả”, bịa đặt theo yêu cầu tuyên truyền cứ bàng bạc trong suốt cuốn tiểu thuyết cho tới tận dòng cuối cùng của cuốn sách. Năm 1961 “Sống mãi với thủ đô” ra mắt bạn đọc, lập tức nó được các nhà văn hàng đầu của cách mạng như Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải, Tô Hoài… “bốc“ lên mây xanh dẫu rằng nó được viết theo cảm hứng chủ đạo là ca ngợi một chiều và vì thế nó mang nặng giá trị tuyên truyền hơn là giá trị nghệ thuật. 
Tổng kết về Nguyễn Huy Tưởng, nhà phê bình Phan Cự Đệ đã viết trong cuốn “Nhà văn Việt Nam 1945-1975”: 
“Nội dung tinh thần dân tộc trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng càng ngày càng sâu sắc trên cơ sở lập trường giai cấp được củng cố vững chắc hơn. Anh đã thấy được nội dung của hạt nhân dân tộc là lực lượng đông đảo quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng…” 
Sáng tác bám sát đường lối của Đảng vậy trách gì Nguyễn Huy Tưởng “Sống mãi trong lòng Hội nhà văn” chứ chẳng phải trong lòng độc giả.

Nhà văn Nhật Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét