Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Người "Sống mãi với... Hội Nhà văn" (p2)

"Bồng bềnh" - siêu mẫu nội y châu Âu
Đã dắt tự vệ phá kho của bố, thoát ly gia đình đi tự vệ, Phúc còn ngoái cổ chửi bố. Anh thổ lộ với đồng đội: “Các anh nên hiểu cho tôi. Tôi ngồi trên đống của thật đấy, nhưng tôi không muốn nối cái nghiệp làm giàu của cậu tôi. Cái dịp ấy bây giờ đã đến với tôi…”. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Còn chàng thì cao giọng: “Đúng rồi. Đồng bào miền Nam khao khát ngoài này lắm mà họ gọi là đất tự do. Anh kể cho Hiền nghe cái hồi vỡ mặt trận ở Ninh Hoà, quân Pháp kéo đến…”. 

Rồi cứ thế chàng thao thao bất tuyệt về tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do“ của dân ta khiến cuộc gặp gỡ giữa hai kẻ đang yêu trong khung cảnh đầy bi tráng biến thành một cuộc “bày tỏ lập trường yêu nước” giữa hai con người đang căm thù giặc Pháp đến quên cả… yêu. Những trang viết thế này bộc lộ chất “tuyên huấn” đậm đặc gấp nhiều lần chất “nhà văn” mà Nguyễn Huy Tưởng được mệnh danh và trên hết, nó phơi bày một tài năng văn học không lấy gì làm xuất sắc. 
Anh chàng Nhật Tân này với “vợ sắp cưới“ còn “chính trị” huống hồ với người ngoài. Và đây là dịp anh thể hiện lòng nhiệt huyết yêu nước và căm thù giặc: “Trước cửa nhà hát Tố Như , một toán người kéo đi, ùn ùn, lộn xộn. Người xách vali, người đeo đẫy, người gồng gánh, phần lớn là những anh em lao động….”. 
Giữa lúc nước sôi lửa bỏng, thanh niên phải ở lại sống chết với thủ đô, sao kéo nhau tản cư? Lập tức Nhật Tân hò hét: “Thanh niên phải sống chết với thủ đô. Các anh đi đâu ? Các anh không biết bỏ đi là hèn à? Trở về ngay. Tôi bảo…”. 
Và thế là chàng tự vệ khăng khăng bắt mọi người quay lui. Trong đám đó có anh tự vệ phàn nàn: “Nhưng chúng tôi có được như các anh đâu . Không có cái gì vào miệng thì không ai nói cứng được. Chúng tôi không có hạt cơm nào vào bụng từ hôm qua rồi”. 
…Người thanh niên mũ xanh quăng cái va li xuống đất, tay đưa mũ cho người khác: “Anh sẽ làm gì? Khai trừ chúng tôi chắc?” 
Nhật Tân thét: “Khai trừ à? Không, khai trừ một tự vệ không phải bằng một lời tuyên bố. Khai trừ tự vệ bằng súng đạn…”. 
…Anh rút khẩu súng lục giơ lên trời…". 
Ghê chưa, giặc Pháp chưa thấy đâu, chưa chi chàng sĩ tự vệ đã bộc lộ tính sắt máu với đồng đội. Chẳng hiểu ngoài đời có tự vệ nào như chàng Nhật Tân này không chỉ thấy cái căn bệnh “nói quá”, khuếch đại tính cách nhân vật làm giảm nhiều tính chân thật của tác phẩm. 
“Sống mãi với Thủ đô” được Nguyễn Huy Tưởng viết vào năm 1958, vào thời điểm này, căn bệnh “vót nhọn tính cách nhân vật” của các nhà văn Hà Nội - tước đi mọi suy tư, tước đi mọi vật vã cá nhân, tước đi mọi biểu hiện bản năng, mọi tính người - để tập trung duy nhất vào một tính cách: "yêu nước và căm thù giặc” mà đôi khi hoặc không có hoặc chỉ ẩn khuất trong từng mỗi người. 
Trong tiểu đội tự vệ Nguyễn Huy Tưởng dụng công, có tới 8, 9 con người khác nhau mọi phương diện. Tiểu đội trưởng Tu, “anh phu khuân vác ở Cột đồng hồ, một người trạc bốn mươi tuổi, hai vai rộng và chắc như lực điền, da mặt dày lên vì sự vất vả và tính thật thà..”. Chẳng hiểu anh phu khuân vác này bỏ mặc bố mẹ, vợ con ở đâu mà chẳng thấy lo lắng gì chỉ thấy nói chính trị y như cán bộ với chú bé đang đòi ở lại với tự vệ: "Vào tự vệ là cầm bằng cái chết trong tay. Các anh lớn phải ở lại. Em còn nhỏ ở lại làm gì? Con anh bằng tuổi em, anh cũng phải cho nó đi tản cư với mẹ nó…”. 
Người thứ hai là Mộng Xuân, “anh kép cải lương , khoảng mười bảy mười tám, người ẻo lả, mặt trắng bệu, tóc mai dài, ăn mặc chải chuốt một cách lẳng lơ…”. Tính cách có vẻ “bóng” (bisexual) nhưng nói chính trị rất hùng hồn, mùi mẫn: “Xin các huynh cho đệ ghi tên đã. Lần này chúng ta ở lại là sống chết với thủ đô thật, dù phải da ngựa bọc thây , thịt nát xương tan cũng không lùi bước. Trước đây ai muốn vào thì vào, ai muốn ra thì ra. Các huynh hiểu cho, như thế là không được. Các huynh đến là mừng rồi…”. 
Người thứ ba là Long đen “bộ răng vàng của anh rít chặt, cái mặt choắt đen thui, trước làm nghề nặc nô, sau làm yêu Nhà máy nước đá. Hồi cách mạng anh ta lấy cắp súng của Tàu trắng bán cho Cục Quân giới. Gần đây, anh đã báo cho công an bắt được ổ in bạc giả và làm giấy cải tà quy chính” . Do xuất thân lưu manh, bất hảo nên Long đen tuy đã được nhận vào tự vệ nhưng chưa được tin cậy. Bởi vậy cả tiểu đội đều được phát chứng minh thư, riêng Long đen là chưa được. Anh chàng tức quá, kêu lên: “Các anh còn đòi Long đen cái gì nữa? Bao giờ mới hết nghi cái thằng Long đen chó má này? Chả nhẽ tôi lại chờ để bị bắt. Không đâu, tôi không để cho ai bắt tôi như một đứa lưu manh nữa. Tôi không đến nỗi là không biết nghĩ đâu các anh ạ…”. 
Bàn tay Long vả vào má đôm đốp… 
Lòng yêu nước trong Long đen làm anh cụt cả máu giang hồ hảo hớn tự rủa xả mình khi cách mạng chưa tin. 
Người thứ tư là Sởn “trạc ngót ba mươi tuổi, mặt vuông, cằm bạnh, thớ thịt hai bên quai hàm luôn luôn đụng đậy như đang nhai phải cái gì. Anh như không biết rét, chỉ phong phanh một bộ quần áo nâu, cổ quàng một cái khăn mặt bông còn mới…” . Cũng như những người khác, Sởnkhông mảy may lo lắng gia đình. bản thân chỉ lo… đánh giặc. 
Người thứ năm là Loan - chàng học sinh tiểu tư sản đặc sệt “trí tưởng tượng đưa anh từ cuộc đời còn thơm tho mùi sách vở tới những trận chiến đấu ngổn ngang xác giặc và chính anh có thể chết dưới đống gạch ngói của phố xá điêu tàn…”. Bây giờ Loan sống trong tiểu đội tự vệ làm chân vẽ bản đồ. “Mơ mộng gì nữa khi bầu trời Tổ quốc không còn là bình minh của hương sắc mà đục ngầu những hình thù tối đen của mũ đỏ và thổ phỉ… Anh gắn mình vào cuộc sống chung quanh. Anh cố rập khuôn theo nguyên bản, sợ sai một tý thì ảnh hưởng đến những kế hoạch quân sự sau này…”. 
Vậy là cái bước đầu tiên của một anh học sinh tiểu tư sản khi tham gia cách mạng là phải “từ bỏ mình” để hoà mình vào quần chúng: “Loan cảm động nhìn mọi người đang đứng sát lại. Những thân hình còn mảnh dẻ tương phản với những cái vóc nặng nề, cục mịch, những đầu bóng mượt với những mớ tóc rối. Những thư sinh mặt trắng mới từ bỏ mái trường họp với những người phu, người thợ chỉ có hai bàn tay trắng…”. 
“Những thư sinh mặt trắng này” rồi đây sẽ phải “rập theo khuôn của nguyên bản” là mấy anh thợ anh phu này đây. Một quá trình “tự cải tạo” không mấy dễ dàng và đầy khổ ải nhưng lại được ông nhà văn nói tới một cách vui vẻ và đầy nhiệt thành. 
Người thứ sáu là Lai, “một đứa trẻ khoảng mười ba, mười bốn tuổi, mặc một cái quần cộc , một cái áo sơ mi người lớn bằng kaki vàng, lùng bùng sau cái áo sợi đan màu đỏ kệch. Một tay nó cầm con dao, một tay xách một caí hòm nhỏ. Tóc nó dài đến mái tai, ngả nghiêng như lúc bị bão”. Chú bé từa tựa nhân vật Gavơrốt trên chiến hào Paris trong truyện “Những người khốn khổ” của Victor Hugo . Chú khăng khăng đòi ở lại để… đánh Tây: “Cháu đã đi tản cư với u. U cháu chẳng buôn bán gì được. Cháu nói với u cháu lại cho cháu ra Hà Nội. U cháu cho cháu một đồng bạc. Cháu đi qua chợ, mua được con dao này…”. 
Vậy là bao nhiêu tiền mẹ cho, chú bé Lai dốc hết cả vào việc… mua dao giết Tây. Yêu nước ghê gớm vậy đó. Rồi khi bị tiểu đội tựï vệ từ chối không cho gia nhập, chú Lai phẫn uất: “Ở đây cũng không nhận cháu ư? Xin vào bộ đội, các anh ấy cũng không nhận, các anh ấy chỉ nhận con nhà giàu, chúng nó có quần áo, chúng nó biết hát. Nghèo thì Tây cũng khinh mà ta cũng khinh…”. 
Chú bé Lai đã nói vậy, tất nhiên tiểu đội tự vệ phải nhận chú chứ còn biết nói sao? Người thứ bảy không được tác giả đặt tên chỉ cho nói chuyện chính trị: “Nó gây ra vụ Yên Ninh thì là nó chết. Bộ đội kéo về đông lắm rồi, đông hơn hôm qua, đông hơn hôm kia. Trong thành chúng nó lục đục, lính Đức nổi loạn, nó giết nhau chí choé, giải phóng Thủ đô đến nơi rồi…”. 
Một anh khác cũng hăng hái: “Cụ Hoàng Diệu thì hơi bi. Cụ chết nhưng thằng Pháp nó vẫn hạ được thành Thăng Long. Mình chết nhưng không để mất Hà Nội…”. “Cốt nêu cái tinh thần cảm tử thôi. Lính nhà Trần thích chữ Sát Thát thì mình viết lời thề sống chết…”. 
Cứ như vậy dù miêu tả nhiều nhân vật với nhiều xuất thân khác nhau nhưng thực ra ông nhà văn chỉ xây dựng có một nhân vật: đó là lòng yêu nước một chiều - yêu cầu hàng đầu của Đảng đối với công việc sáng tác của các nhà văn trong vòng tay của Đảng. 
Trong cộng đồng người Hà Nội, không hiểu sao thương gia, doanh nhân giàu có luôn luôn bị các nhà văn cộng sản coi là xấu xa, tiến thân bằng lừa gạt phản trắc. 
Ông Cự Lâm là một thương gia như thế : “Một người chú họ làm ở Hồng Kông mua được nhiều hàng quý như gương , thảm, giường Hồng Kông, len, dạ, tơ lụa, đồng hồ, bút máy… hàng tháng gửi về nhờ ông giữ hộ. Cư hàng chục năm như vậy. Nhưng ông Cự Lâm đã bội tín, chiếm hẳn những của ấy làm của mình, và từ một người buôn chè nhỏ , ông cứ phất mãi lên.. . ..” 
Ông Cự Lâm đã xấu vậy, bà vợ ông cũng chẳng tốt đẹp gì: “Bà trông bệ vệ nhưng đần độn. Bà chỉ là một cái máy đẻ. Việc kinh doanh của chồng thì bà không biết gì, việc trông nom trong nhà , từ tiêu pha trong nhà đến bếp nước giỗ chạp thì đều do bà giáo (em chồng) mà bà ta cũng rất sợ“. 
Thế hệ bố mẹ đã vậy, tất nhiên con cái phải khác, phải giác ngộ cách mạng thì mới phù hợp với chiều hướng xã hội mới - bởi vậy nhà văn cho cậu con trai tên Phúc và hai cô con gái tên Lan và Hương khăng khăng ở lại Hà Nội xin vào tự vệ. Hành động cách mạng đầu tiên của Phúc là “chơi” bố một vố choáng váng đúng vào ngày giỗ bà nội: “Đêm hôm qua trong lúc ông Cự Lâm đang nằm nghe bên ngoài người nhà làm cỗ, lòng ngổn ngang vì tình hình , não ruột vì khu phố thúc giục tản cư thì một tin đưa tới làm cho ông rụng rời đổ đốt: Phúc đã tự tiện đến nhà Quảng Xương Long bắt người gác phải mở cửa và cùng một số đông tự vệ xông vào kho. Người gác giữ lại thì Phúc chửi mắng thậm tệ, đành phải báo bằng dây nói cho ông biết”. 
Hoá ra tự vệ cần cuốc xẻng đào hầm, ông Cự Lâm có cả một kho nhưng không ủng hộ nên con trai ông kéo tự vệ tới phá kho: “Cửa hiệu lúc ấy như đang bị bọn kẻ cướp đánh phá. Phúc đứng ở ngoài vỉa hè hò hét giục mọi người. Cự Lâm nghe rõ tiếng Phúc oang oang: ”Cần bao nhiêu cứ lấy. Càng nhiều càng tốt. Ông cụ đã muốn keo bẩn thì cho keo bẩn một thể…”. 
Đã dắt tự vệ phá kho của bố, thoát ly gia đình đi tự vệ, Phúc còn ngoái cổ chửi bố. Anh thổ lộ với đồng đội: “Các anh nên hiểu cho tôi. Tôi ngồi trên đống của thật đấy, nhưng tôi không muốn nối cái nghiệp làm giàu của cậu tôi. Cái dịp ấy bây giờ đã đến với tôi…”. 
Cái dịp ấy chính là “vào làm giáo viên hội truyền bá mặc dầu nhà cấm vì sợ mật thám theo dõi. Đã có lúc anh đóng cửa buồng lại, đứng trước gương tập diễn thuyết để sau này ra làm việc xã hội…”. 
Trong hội nghị quân sự của Liên khu I Hà Nội, tiểu đoàn trưởng vệ quốc quân đứng lên nói xấu người Hà Nội: “Thì Hà Nội là đất của tiểu tư sản, bấp bênh và quay quắt, cách mạng lên thì nó ào ào đi, cách mạng xuống thì nó quay lưng lại, Pháp cũng theo, Nhật cũng theo, tàu trắng cũng theo, Việt Minh cũng theo và nếu Mỹ vào thì cũng đi với Mỹ…”. 
Hội nghị quân sự Liên khu I Hà Nội vào trước đêm toàn quốc kháng chiến gồm các cán bộ quan trọng bàn về tác chiến mà lạ thay suốt hơn 30 trang diễn tả hội nghị, phần lớn các nhân vật chỉ hô khẩu hiệu suông: “Đồng chí Bí thư nói: “…Chúng ta phải làm những người tiên phong đi giải phóng dân tộc chúng ta. Trong ngày vừa qua, nhiều đảng phái đối lập công kích ta, hòng làm giảm uy tín của Đảng ta. Họ đòi chia quyền lãnh đạo , thậm chí đòi Đảng ta bỏ quyền lãnh đạo. Nhưng trong lúc Tổ Quốc lâm nguy này thì họ ở đâu? Người đứng mũi chịu sào trung thành với dân tộc vẫn chỉ có Đảng ta. Trong cuộc kháng chiến này, một lần nữa, Đảng ta lại làm cái sứ mạng là lái con thuyền Tổ Quốc vượt qua bão táp phong ba tới bờ thắng lợi…”. 
Hoá ra trong lúc nước sôi lửa bỏng, đảng ta vẫn lo việc giữ độc quyền lãnh đạo và suy cho cùng, chính cuộc kháng chiến chống Pháp đã giúp đảng loại bỏ các đảng đối lập một cách dễ dàng. 
“Ông Khu phó phát biểu: “Nói tóm lại, nếu các đồng chí có một quyết tâm thật là sắt đá, nếu các đồng chí dựa được vào lòng yêu nước của bộ đội, của nhân dân, nếu các đồng chí biết phát huy những điều kiện thuận lợi đặc biệt của Liên khu I thì các đồng chí nhất định chiến đấu lâu dài trong thành phố được. Chính phủ, Hồ Chủ tịch giao cho các đồng chí một nhiệm vụ rất vinh quang. Các đồng chí cố lên. Dù có phải hy sinh thế nào cũng phải cầm cự tới cùng…”. 
Ông tiểu đoàn trưởng: “Chúng tôi, những người Vệ quốc quân, chúng tôi quyết không để cho Pháp thực hiện cái ý đồ của chúng. Nghĩa là chúng tôi sẽ hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Chúng tôi xin thề như thế trước chân dung Hồ Chủ tịch, trước mặt đồng chí Bí thư, đồng chí Khu phó và tất cả các đồng chí…”. 
Ngày nay khi đã có một “độ lùi” nhất định nhìn lại các sự kiện lịch sử, người ta lấy làm lạ rằng trong những ngày đầu rơi máu chảy, biết bao nhiêu bà già con trẻ lạc lõng bơ vơ, biết bao gia đình tan nát như những tổ chim trước bão… Một xã hội đang vỡ tung trong loạn lạc, bi kịch về thân phận con người đang bị đẩy tới đỉnh điểm. Một khoảnh khắc lịch sử tràn đầy máu và nước mắt. Vậy mà thật đáng ngạc nhiên, ngòi bút của ông nhà văn không đi sâu khai thác những nỗi bất hạnh trong chiến tranh, ngược lại dùng rất nhiều trang ghi lại phát biểu “đao to búa lớn” của mấy ông cán bộ đảng khi súng sắp nổ trên toàn thành phố rồi vẫn còn cà kê ngồi khai hội. 
Ông Bí thư lại nói nữa: “Chúng ta muốn hoà bình. Đến phút cuối cùng Hồ Chủ tịch vẫn cố gắng duy trì hoà bình. Nhưng chúng nó cố tình cướp nước ta lần nữa. Chúng đã khai chiến ở Hải Phòng, chúng đã khai chiến ở ngõ Yên Ninh rồi. Chúng ta muốn hoà bình, nhưng không phải hoà bình trong nô lệ. Chúng ta quyết đứng lên chiến đấu, bảo vệ quyền lợi cho dân tộc, đập tan sự nguy hại cho nền dân chủ và hoà bình…”. 
Người ta không hiểu sao phần lớn cán bộ đảng cứ thích nói dài, nói dai, nói chính trị quanh đi quẩn lại vài điều người nghe dường như đã “biết rồi, khổ lắm…”. Rất có thể trong khi nói, khoái cảm “đứng trên đầu thiên hạ” tràn trề trong người làm cán bộ khó mà dứt được. 
Sau khi nhắc đến cụ Hồ rồi, ông Bí thư lại nhắc tới lãnh tụ khác: “Như đồng chí Trường Chinh đã nói, chúng ta sẽ làm cho giặc đói không có ăn, khát không có uống, có chân như què, có mắt như mù, có miệng như câm. Các đồng chí hãy nêu cao tinh thần dũng cảm của người cộng sản quyết chiến quyết thắng…”. 
Cứ như thế ông Bí thư độc chiếm diễn đàn cho tới khi cuộc họp kết thúc sau suốt một ngày một đêm “hô khẩu hiệu suông”. 
Bến phà Mỹ Thuận (Vĩnh Long) - ảnh Việt Nam xưa
Lúc này ngoài cổng trụ sở có một cô gái chờ sẵn suốt trong lúc cán bộ họp. Đó là cô Quyên, nữ sinh Hà Nội, đang muốn “nằm gai nếm mật, ở mặt trận thì phải là màn sương gối đất chứ có đâu lại đi làm một công việc văn phòng chẳng có gì là khó nhọc, ro ró ở một xó nhà…”. Cô nữ sinh ôm ấp hình ảnh người chồng tương lai phải “đã bị đầy ra Côn Đảo, đã phải vượt tù trốn về khu giải phóng, và lúc này phải gánh vác những công việc lớn lao.” để cô có thể “hy sinh tất cả cho anh để bù lại trăm nghìn gian khổ mà anh đã phải chịu trong bao nhiêu năm…”. 
Với nhân vật Quyên, Nguyễn Huy Tưởng báo hiệu sự xuất hiện của thế hệ thứ nhất của hồng vệ binh Việt Nam theo sau những tên tuổi như Lý Tự Trọng và sau này là Võ thị Sáu. 
Vậy trong suốt một ngày một đêm cô Quyên chờ ai vậy? 
Đó là “chị Oanh”, nguyên nữ sinh trường Đồng Khánh, “đã dẫn đầu các bạn học đi dự lễ kỷ niệm Gian Đa và Hai bà Trưng do trường Anbe Xarô và trường Bưởi cùng làm chung… Thế rồi Oanh bị đuổi. Trước ngày Nhật đảo chính, Oanh tham gia cách mạng. Sau đảo chính Oanh càng hoạt động tích cực. Bị Nhật lùng bắt, Oanh phải thoát ly gia đình ra ngoại ô. Trước ngày cách mạng, Oanh là một trong những người phụ nữ cứu quốc đứng trên gác Nhà hát thành phố, diễn thuyết hô hào ủng hộ Việt Minh trước đám biểu tình ngày 17 tháng 8….”. 
Vậy Oanh là một nữ cán bộ to, được dự Hội nghị quân sự Liên khu I lại được ngồi xe ô tô về Bắc bộ Phủ. Gặp được Quyên, cô kéo Quyên tiện thể ngồi ô tô luôn. Khi xe chạy qua Trường nữ học Đồng Khánh vốn là trường cũ của Quyên, “cô bỗng vịn lên vai Oanh, kêu: “Chị ơi, trường Đồng Khánh của chúng ta đây này…” 
Oanh nói: “Đừng gọi cái tên thằng vua ấy nữa. Bây giờ là Quận uỷ hội…”. “Không hiểu sao, em nhớ trường cũ qua, chị ơi…”. 
Vậy là cô Quyên “lính mới” vẫn còn một chút nhớ nhung, xao xuyến về “mái trường xưa”, còn cô cán bộ Oanh, phản xạ đã sặc mùi chính trị, nghe nhắc tên trường đã giãy nảy vì nó là tên “cái thằng vua” bất chấp nó là “mái trường xưa đầy kỷ niệm”… Có thể tiên đoán được rằng, sau này “khi cách mạng thành công” loại nữ cán bộ như Oanh sẽ trở thành những Bộ trưởng, Thứ trưởng và với cung cách suy nghĩ “lấy chính trị làm thống soái” như vậy, có thể thấy trước họ sẽ đưa đất nước đi tới đâu. 
Lần trước, chị Oanh giao cho Quyên làm nhân viên mật mã, cô không chịu, thích chiến đấu ngoài chiến trường kìa. Lần này Oanh lại giao cho Quyên nhiệm vụ khác, ‘oách” hơn nhiều: “Quyên này, em sẽ đóng vai thư ký cho một nhà trí thức mới ở Pháp về, một bác sĩ rất giỏi, rất có tiếng nhưng cũng khó hiểu lắm. Bề ngoài là thư ký, nhưng bề trong là theo dõi, có gì thì báo cho chị biết…”. 
Thế là cô nữ sinh Đồng Khánh trở thành… tình báo viên, làm thư ký moi tin tay bác sĩ nước ngoài về. Đây là hư cấu tuỳ tiện của nhà văn, chứ thực tế, vai trò điệp báo nằm vùng như nhiệm vụ Oanh giao cho Quyên phải là một nữ đảng viên trung kiên, kinh qua công tác và được đào tạo công phu chứ đâu có “ngơ ngác con nai vàng” như Quyên; khác nào đưa gà con vào miệng cáo? vả lại Oanh đang là cán bộ phụ vận, đùng cái trở thành tổ trưởng tổ tình báo từ lúc nào nhanh thế ? 
Một yếu nhân cũng vừa ra khỏi cuộc họp quân sự - Quốc Vinh, Chủ tịch Liên khu I. Vừa nãy trong hội nghị ông làm một “báo cáo thành tích” quân dân thủ đô dài dằng dặc gần hai trang in. Hoá ra mấy ông cán bộ chóp bu rất giống nhau: từ lời ăn tiếng nói cho đến suy nghĩ, cảm xúc… Nếu như cho rằng nhân vật tiểu thuyết là sự tổng hoà giữa tính cách cá lẻ với đặc tính chung của gốc gác xuất thân thì tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” hầu như không có… nhân vật hoặc chính xác hơn chúng không có cá tính và giống nhau như đúc một khuôn. Trong con người của mỗi nhân vật chỉ thấy duy nhất cái “siêu ngã” đang hoạt động - tức là cái con người xã hội, con người công dân, yêu nước, căm thù giặc Pháp; ngoài ra hoàn toàn không thấy dấu vết của sự hoạt động bản năng nguồn gốc của mọi vượt trội, gây mất trật tự trong bầy đàn. 
Ta thấy câu nói của mấy ông sau đây đặt vào mồm ai cũng được - ông Bí thư, ông Khu phó, ông Chủ tịch Liên khu I, ông Tiểu đoàn trưởng bảo vệ Bắc Bộ phủ: “Tất cả những con người ấy , bị áp bức, bị bóc lột, bị đày đoạ về tinh thần và vật chất, dưới thời nô lệ, đã thấy rõ cách mạng đem lại quyền lợi cho mình. Từ ngày tiền khởi nghĩa đến giờ họ đã được giáo dục, được động viên, được tổ chức, nên họ có một lòng căm thù đối với giặc, một lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chính phủ vào Hồ Chủ tịch…”. 
Quả thật cái đoạn thoại này giống y như xã luận báo Đảng chứ chẳng phải ngôn ngữ của nhân vật. Văn chương của cuốn tiểu thuyết nằm ở đâu? 
Từ hội nghị ra, ông Liên khu trưởng Liên khu I ngồi ô tô về cơ quan. Ông thấy “đầu phố hàng Đào, phía Cầu Gỗ, sừng sững đỏ tươi , hai chữ CẢM TỬ kẻ từ bao giờ, chiếm cả cái bề dài bề rộng của bức tường vôi nham nhở của một dãy quán bán sách đã dọn đi. Hai chữ cảm tử như đôi mắt nhỏ máu lừ lừ nhìn Quốc Vinh . Dưới là một hàng chữ đen: “Chúng tôi, những thanh niên Hà Nội nguyện hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Thề sống chết với Thủ đô!”. Phố hàng Gai , một biểu ngữ nữa kẻ bằng chữ đỏ: ”Mỗi phố là một mặt trận, mỗi nhà là một pháo đài!“. 
Thực ra nếu cần ca ngợi tinh thần “sống chết bảo vệ thủ đô” của thanh niên Hà Nội thì khỏi cần “đi sâu” vào những khẩu hiệu vốn là thứ thật khó đưa vào tiểu thuyết - một thể loại văn học cần tình tiết sống động nhiều hơn là những chính luận khô khan. Tiếc thay sau khi đã dẫn tràng giang đại hải những phát biểu đậm đặc chính trị của các cấp cán bộ Đảng, ông nhà văn vừa cho độc giả thoát ra khỏi cái nặng nề u ám của không khí cuộc họp thì lại ấn cổ người ta vào ngay thế giới của những khẩu hiệu khô khan cho dù nó nói lên tinh thần quyết tử của thanh niên Hà Nội lúc đó. 
Vậy nhưng người ta thừa biết có phải tất cả bọn họ đều quyết tử cả đâu, một bộ phận không nhỏ thay vì nghĩ tới số phận của Hà Nội, của cách mạng họ lo tới bản thân và gia đình trước đã. Đó là quyền được sống, được tồn tại chính đáng của con người. Vậy nhưng cuộc đào thoát khỏi tử thần trong cái cối xay thịt Hà Nội vào những ngày mới bùng nổ chiến tranh của hàng ngàn hàng vạn người dân không được ông nhà văn nhắc tới hoặc giả có nhắc tới thì cũng với giọng khinh miệt coi họ là những kẻ đào nhiệm hèn nhát. 
Rõ ràng ông nhà văn đã chọn chỗ đứng trong chiến hào chỉ để nhìn địch ta giết nhau và nhất định không chịu xê dịch đi đâu để thấy bao cảnh đời khổ ải trong cõi nhân sinh mà máu và nước mắt đã chảy thành sông thành suối. 
Trở lại với anh giáo Trần Văn đưa mẹ ra ga về quê, gặp lại và coi khinh người yêu cũ khi cô hoà vào dòng người chạy loạn. Một anh giáo trường tư chưa bao giờ “tham gia cách mạng” ấy thế mà tâm tình lúc này còn rào rạt cách mạng hơn cả mấy anh cán bộ Việt Minh: “Anh thấy rực rực trong người cái vinh quang của một dân tộc hiền hậu mà tự cường, cần cù mà tế nhị… Một dân tộc mà lòng yêu hoà bình cũng lớn như lòng yêu các dân tộc khác nhưng luôn luôn bị chà đạp , bị khinh miệt, bị chia rẽ, bị tàn phá và khi bắt đầu được thấy loé cái ánh sáng của tương lai thì kẻ ngoài lại đến để tiếp tục vùi dập… Cách mạng Việt Minh mới ra đời trong lụt lội, trong đói khổ và trong kiệt quệ, Hà Nội chưa hồi sinh đã lại chứng kiến đạo quân Tầu phù của Tiêu Văn, Lư hán, nhiễu nhương, bòn vét, giết người và ỉa bậy... Bóng ma thanh thiên bạch nhật vừa mờ đi thì đạo quân thiết giáp kéo cờ tam tài lại xuất hiện trên các đường phố Hà Nội…”. 
Còn dài, còn miên man vậy nữa khiến tâm trạng anh giáo viên tiểu học Hà Nội chẳng khác gì tâm trạng chính uỷ lão luyện quanh năm chỉ lo việc Đảng việc nước. Người ta càng lấy làm lạ tại sao các nhân vật trong “Sống mãi với thủ đô” giống nhau đến thế ? Chúng cứ như những hạt ngô trong cùng một bắp vậy. Viết lách thế này mà cũng mang danh “tác phẩm lớn” trong văn học Việt Nam thì kể cũng lạ. 
Tuyệt nhiên không nghĩ tới mẹ già đang sống ra sao nơi tản cư, anh giáo Trần Văn cho đầu óc phiêu diêu tới miền tưởng tượng: “Trần Văn nhìn cái ụ bao cát …anh sẽ nấp ở đấy mà ném lựu đạn vào quân Pháp tiến vào… Khi xe tăng giặc đến thì mình phải nhảy ra mà ném chai ét xăng cơrếp rồi quăng lựu đạn. Dũng cảm hơn, phải lao vào xe, cầm một khúc gỗ đút vào xích xe cho nó bật ra khỏi bánh. Anh vốn chậm chạp, anh không hiểu con người phải nhanh đến như thế nào mới làm được ngần ấy việc trong nháy mắt…”. 
Suốt nửa cuốn toàn mô tả các nhân vật sục sôi cách mạng, ông nhà văn chợt thấy bức tranh của mình không khéo thuần mầu đỏ, ông vội đưa ra một nhân vật “phản diện” phá thế đơn điệu. Đó là Tân - bạn của Nhật Tân, anh chàng tự vệ đòi bắn thanh niên tản cư, anh chàng nói chuyện chính trị cả với vợ chưa cưới khi chia tay. 
“Nhật Tân với Tân là đôi bạn chí thiết từ nhỏ. Nhà giàu, Tân thường giúp đỡ Nhật Tân. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Nhật Tân vào Việt Minh, Tân không đồng ý nhưng vẫn giúp…”. 
Vào lúc gần nổ ra chiến tranh, Nhật Tân tới nhà Tân lôi kéo bạn vào tự vệ . Anh nói: “Có thể đêm nay nó đánh mình…”. “Trời ơi, trời ơi, trời ơi! Mày doạ một thằng trẻ con đấy à, Nhật Tân?”. Rồi Tân vứt cái cốc xuống sàn vỡ tan, huỵch toẹt: “Tao đi với Việt Minh thì rồi cũng thế này thôi. Nghĩa là đánh xong Pháp thì đến lượt chúng tao họ làm cỏ, của cải họ đem chia. Đấy, rồi mày xem, có đúng không?”. 
Thế là hai người bạn thân đứng về hai phe đối nghịch nhau, ngược nhau về quan niệm sống, về quan điểm chính trị. Hoá ra cái nhân vật “phản diện” mà Nguyễn Huy Tưởng đưa ra, cũng chỉ là “con người chính trị” giống y nhân vật chính diện, chỉ khác dấu nhau mà thôi. Nói cách khác , dù là nhân vật cách mạng hay phản cách mạng, chúng đều được xây dựng từ những sơ đồ chính trị - xã hội theo nhãn quan cộng sản mà Đảng buộc mọi nhà văn trong xã hội đều phải tuân theo. 
Để cho nhân vật phản diện có vẻ có “tính người”, Nguyễn Huy Tưởng đã cho Tân làm một việc độc đáo. Vào ngày hoà bình cuối cùng của Hà Nội, Tân ra đầu phố mời 4 người đi qua đường, cho dù không quen biết , vào nhà để dự một bữa tiệc cuối cùng. 
Một trò chơi thật lãng mạn, thật độc đáo của người Hà Nội trước lúc cơn bão lửa nổ ra. Chỉ có điều 5 con người tập trung ở mâm rượu này, nếu do chủ nhà ra đầu phố chọn tuỳ hứng thì ông tác giả lại phải định hướng cho cuộc chọn lựa. Tất nhiên 5 con người đó không được gồm toàn “phản động” như Tân, hoặc những người cầu an sắp tản cư khỏi Hà Nội. Quả nhiên Nguyễn Huy Tường đã cho Tân chọn đúng ngay… anh giáo Trần Văn, một người đầu óc lúc nào cũng phiêu diêu trong giấc mơ làm liệt sĩ cách mạng. Rút cuộc lúc vào tiệc, Trần Văn đã giơ cao cốc: “Đúng rồi. Chúng ta nâng cốc vì Tổ Quốc, vì cụ Hồ. Vận mạng của dân tộc chúng ta quyết định trong những ngày sắp tới, có khi ngay trong đêm nay. Sống chết vì Tổ Quốc, sống chết vì cụ Hồ, linh hồn của dân tộc…”. 
Lẽ ra bữa tiệc 5 người này sẽ rất hay, sẽ đầy những tâm tình của người Hà Nội khi quê hương sắp chìm trong máu lửa. Tiếc thay, ông nhà văn đã “chính trị hoá” nó khiến nó trở nên giả tạo, sống sượng đến khó chịu…
Giữa lúc Hà Nội sắp chìm trong bom đạn, dân tình nháo nhác tản cư, đời sống rất khó khăn, thiếu thốn, ông Tân chủ nhà vẫn bày tiệc rôm rả: "nem chua, chim quay, vịt hầm, thang, thịt gà luộc, cơm trắng, tráng miệng cà phê…” và mời mọc hào phóng: “Tất cả những chai rượu đây là để thết các bạn. Nút đã mở sẵn. Các bạn cứ tự ý rót, hoàn toàn tự do. Uống bằng hết. Không uống hết thì ta đổ đi. Bởi vì ngày mai và có thể ngay lúc này, không có gì là chắc cả. Các món ăn, cũng gầy còm thôi, tôi sẽ đem hết lên đây, các bạn muốn ăn gì trước, muốn ăn gì sau, tuỳ hết. Bữa tiệc cuối cùng không có gì là gò bó…”. 
Khách dự tiệc ngoài anh chỉ huy tự vệ Trần Văn ra còn có Vũ Minh, một học sinh phố nhà Thờ. Anh chàng này chẳng biết nói gì, chỉ thốt lên: “Quái dị…”. 
Người khách bất đắc dĩ thứ hai là nhạc sĩ Thu Phong “trong lúc buồn rầu nhớ tiệm và dàn nhạc, anh thuê xe lần xuống Bạch mai để hát cô đầu giải muộn và dối già… anh đang đói nên Tân mời là vào ngay…”. 
Người khách thứ ba là Ben-la, một chủ hiệu ảnh đi mua được mấy chục cuốn phim dự trữ để tính chuyện về quê làm ăn… ”Vẻ mặt nhạt nhẽo, tầm thường không có cá tính. Anh đeo cái máy Kodak một bên, một bên là cái túi da đựng phim, sẵn sàng có gì là chạy…”. 
Tất cả bốn người đều tôn trọng đề nghị của ông chủ nhà kỳ dị, không ai tự giới thiệu với ai, không ai muốn phá cái không khí bí mật, gần như hoang đường ấy. Bởi thế Tân, chủ nhà phải khuyến khích mọi người nói: “Các bạn cứ hoàn toàn tự do. Ta nói chuyện đi, chuyện trời đất, chuyện trai gái, chuyện dâm dục, chuyện chính trị, tha hồ. Miễn là tiệc của năm người Hà Nội không chết…”. 
Người cao giọng, cà kê dê ngỗng dạy dỗ thiên hạ lại vẫn là anh cán bộ Trần Văn. Anh trách cứ thanh niên Hà Nội không có lý tưởng “thường chỉ đuổi theo cái ăn cái mặc, lao tâm khổ tứ vì cái ăn cái mặc, cả cuộc đời rút lại chỉ là cái ăn cái mặc“. Anh trách “cô tân thời ăn mặc sang trọng, ngồi trên xe tay nhà gọng đồng sáng loáng đi chợ Đồng Xuân “ sống làm gì? Anh chê “anh công tử một sơ mi hàng ngày chải đầu bóng mượt, thắng bộ quần áo bảnh bao đi diện phố, lậu vé xinê rồi buổi tối về, chờ cho mọi người đi ngủ, mới cởi áo đem giặt, phơi phóng rồi nằm ngủ cởi trần, kết thúc một ngày vô lý…”. Anh cán bộ tự vệ phàn nàn: "Tôi đã từng trông thấy những người Hà Nội suốt đời chỉ có một mục đích là cái bát phở buổi sáng, họ đem hành tây, họ đem trứng đi, đến hàng phở quen, họ đánh dấu bát để đưa chan, họ hỏi hồ tiêu, họ đòi ít ớt, họ xin ít nước béo, họ vùi đầu vào bát phở một cách thô tục, xấu xí, rồi họ ra đi một cách tự mãn… Con người mà thế thì buồn lắm… Phải khác…”. 
Nhân danh người Hà Nội lại mạt sát văn hoá ẩm thực của Hà Nội, ông nhà văn tưởng rằng hạ thấp cách sống của người Hà Nội sẽ tôn vinh được “văn hoá cách mạng” vốn có cốt lõi là “diệt trừ sự hưởng thụ”, ngờ đâu, khi “cơn bão táp” cách mạng đi qua, cái còn lại với thời gian lại chính là những giá trị văn hoá. Nếu còn sống đến ngày nay, không hiểu ông nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có chịu đục bỏ những lời lẽ xúc phạm nghệ thuật ăn phở của người Hà Nội thô bạo đến thế. 
Vậy ông nhà văn đòi hỏi người Hà Nội phải sống khác ra sao? Ông nói: “Ngoài cái ăn cái mặc ra, còn phải suy nghĩ làm sao có thể giúp ích cho đời , phải có cái gì đó để lại, nó đánh dấu sự tồn tại của một con người, nó nâng con người lên trên cái ăn cái mặc. Đấy là lý tưởng, đấy là lý do sự có mặt của mình trên trái đất…”. 
Lời lẽ của anh cán bộ tự vệ lúc đã ngà ngà say thật đúng là văn… bia. Chỉ buồn một điều là cả cái thế hệ “tự vệ thủ đô” ngày ấy đã để lại được cái gì có ích cho đời? Đưa cả dân tộc vào khói lửa 9 năm chinh chiến chống Pháp, 10 năm chống Mỹ, đói nghèo vẫn hoàn đói nghèo và chính họ lao vào cuộc đấu đá giành giật “cái ăn cái mặc” dẫn tới quốc nạn tham nhũng ngày nay. 
"Mát lạnh" - Hot girl Việt Nam
Có lẽ do ngán ngẩm bài “diễn văn” sặc mùi chính trị của ông cán bộ tự vệ, ông thợ ảnh rút lui trước, còn cậu học sinh phố nhà thờ Vũ Minh bỗng dưng cũng nổi máu “yêng hùng” đứng dậy hùng hồn: “Rất đồng ý, nâng cốc vì Tổ Quốc, vì cụ Hồ. Tôi cũng rất phục cụ Hồ, hai tháng trước đây, tôi đã làm hàng rào danh dự đón ông Cụ ở Pháp về. Nhưng xin nói thêm: nâng cốc vì thắng lợi nữa…”. 
Tuy thế, trong lời lẽ của anh học trò này còn có đôi chút "lãng mạn”: “Nếu có đánh nhau thì những người đã dự bữa tiệc này không ai chết… và ông chủ sẽ có thể một ngày nào đó lại cho chúng ta ăn một bữa cơm no say như thế này…”. 
Ông nhạc sĩ đã qua cơn đói, cũng bắt chước ông cán bộ tự vệ, đứng dậy hùng hồn: “Tôi nói thật bởi vì trong cái đời giang hồ của tôi, hết bar này tới bar khác, Pháp đánh cũng có, Nhật chửi cũng có, Tàu bợp tai cũng có, trong nam ngoài bắc, cả cái đất của Thống chế họ Tưởng nữa, ở đâu cũng thế thôi, chưa bao giờ tôi được sống cái phút say sưa như thế này…”. 
Bữa tiệc gặp gỡ ngẫu hứng của 5 văn nghệ sĩ trí thức Hà Nội là như thế, họ toàn nói những câu nặng mùi chính trị, bày tỏ lòng căm thù giặc Pháp, lòng tôn kính cụ Hồ, bài bác tính cách hưởng thụ của người Hà Nội. Khi tưởng tượng ra bữa tiệc đầy ý nghĩa này, ông nhà văn thiếu hẳn cái tình cảm xót xa của người Hà Nội khi Thăng Long sắp trở thành chiến địa, thiếu hẳn những phản ứng tâm lý, những hành vi rất riêng, đầy tính lãng mạn của người Hà Nội - nhất là văn nghệ sĩ trí thức - trong giờ phút hiểm nghèo này, thiếu hẳn những dự cảm tương lai của Hà Nội khi bước vào cuộc chiến đẫm máu. Nếu là một tài năng văn học thực sự, nhất định người đọc sẽ được thưởng thức một “bữa tiệc cuối cùng” của 5 người Hà Nội lãng mạn hơn, “con người” hơn là những đối thoại dài dòng, chính trị một chiều này. 
Không khí chuẩn bị chiến đấu mỗi lúc khẩn trương khắp thành phố và lạ thay càng tới gần giờ G đó, người Hà Nội càng có vẻ… hăng hái giác ngộ cách mạng, thấm nhuần tư tưởng “quốc tế vô sản” Mác xít-Lêninnít. Anh học sinh đặc sệt tiểu tư sản tên Loan, đang ở trong tiểu đội tự vệ làm chân vẽ bản đồ khi nhìn thấy người mẹ Tàu cho quà con nít Việt Nam đang theo mẹ tản cư cũng làm ngay một thuyết lý chính trị với cô Quyên - nữ sinh tham gia cách mạng: “…Chị có thấy không, người mẹ Tàu chẳng khác gì mẹ Việt Nam. Các bà mẹ đều là hiện thân của sự hy sinh lặng lẽ…”. 
Vậy là đã có sự phân biệt giữa bọn Tàu Ô mang cờ thiên thanh bạch nhật sang cướp bóc nước ta với người Trung Quốc chân chính như “người mẹ Tàu “ cho quà con nít Việt Nam kia. Cô Quyên vốn được chị Oanh, cán bộ phụ nữ giao nhiệm vụ làm thư ký cho ông bác sĩ Pháp mới về để “khám phá ra một tổ chức phá hoại”. Ai ngờ, vừa gặp, ông bác sĩ - tên Pha, đã xổ ra một tràng “lập trường cách mạng” làm cô Quyên cứ tròn xoe cả mắt: “Tôi đã sống những ngày kháng chiến Pháp ở Paris. Không có những việc đục tường, đào hố như ta. Thanh niên Pháp cũng không có những lời thề đanh thép: ”Sống chết với Thủ đô” như thanh niên ta. Làm gì họ có người mẹ sắm súng cho con ở lại, chồng cho vợ về quê để vào tự vệ, em bé nằn nì xin vào bộ đội . cả một dân tộc đứng lên. Quây chung quanh một chính phủ, thà hy sinh tất cả chứ không chịu trở về đời nô lệ, mais c’est inoui, c’est magnifique…”. 
Một ông bác sĩ Việt kiều vừa Pháp trở về mà ăn nói không thua gì một ông cán bộ Việt Minh trong nước. Điều này càng chứng tỏ Nguyễn Huy Tưởng tuy đưa ra nhiều loại nhân vật trong tiểu thuyết mà rốt cuộc người ta chỉ thấy có một mà thôi: người công dân yêu nước, yêu cụ Hồ, giác ngộ cách mạng và nói năng như… cán bộ. 
Tất nhiên để xây dựng nhân vật bác sĩ mới từ Paris trở về theo lời kêu gọi của cụ Hồ, ông nhà văn phải cho nhân vật nói năng có tí ti tiếng tây không thì lẫn với các cán bộ: “Tôi rất vui được sống ở Hà Nội những ngày tuyệt đẹp như thế này. Những cái phố rất Việt Nam, đi đâu về mới càng thấy quý, những tên phố rất nên thơ, những con người rất sympathiques, tout pour une noble cause, như cô chẳng hạn, gentile mademoiselle… C’est de quoi nous enorgueillir…”. Rồi ông bác sĩ Việt kiều còn khuyên cả mấy anh cán bộ… ”làm thơ” nữa: “Phải làm thơ chứ. Kháng chiến Pháp buồn lắm. Paris vẫn yên như không, chẳng có gì là kháng chiến cả. Thế mà những nhà thơ của nó làm như đẹp lắm, to lắm. cả thế giới biết. Huống chi là ta…”. 
Tính cách ông này giống một tay bẻm mép, một gã ba hoa, nhiều hơn là một ông đốc tờ… Ấy thế mà lời “vàng ngọc” đó lại rúng động tâm can anh tự vệ tên Loan, vốn là học sinh đặc sệt tiểu tư sản, “từ hôm đến đây, Loan đã cho rằng chẳng bao giờ mình còn làm thơ nữa. Cuộc đời sẽ chỉ còn chém giết, là đổ nát, là căm thù, là chết chóc, chẳng có gì là đẹp“, anh còn cực đoan hơn nữa khi cho rằng: ” Mơ mộng gì nữa khi bầu trời Tổ quốc không còn là bình minh của hương sắc mà đục ngầu những hình thù tối đen của mũ đỏ và thổ phỉ…”. Những tưởng anh chàng Loan này từ nay sẽ trở thành một chiến sĩ không tim, chỉ biết nhắm mắt cầm súng bắn quân thù, “may thay”, được nghe ông bác sĩ Việt kiều ‘diễn thuyết”, Loan bỗng tỉnh ngộ “bàng hoàng như người tìm thấy một vật quý tưởng như đã mất…”. 
Mặc dầu sự “giác ngộ” của Loan là đáng ngờ, nhưng ông nhà văn quên khuấy mất “phận sự” nhà văn cách mạng, bởi lẽ vai trò “đả thông tư tưởng” cho cán bộ, nhân dân là thuộc về người của đảng chứ không phải ông bác sĩ Việt kiều. Ông này mặc dầuvề nước tham gia cách mạng nhưng vẫn thuộc “phần tử đáng ngờ“, bởi thế cô cán bộ Oanh phải cử hẳn cô nữ sinh Quyên luôn đi cặp kè để giám sát coi ông bác sĩ có “tổ chức phá hoại“ nào không? Ở đây ông nhà văn vô tình đã phản ánh cái bản tính luôn luôn nghi kỵ của đảng, luôn luôn ngờ vực và không tin bất kỳ ai ngay cả khi họ chỉ mang tới những điều tốt đẹp cho xã hội. 
Quả nhiên cô giám sát viên tên Quyên “đưa mắt nhìn Loan như để bảo bạn không nên tin cái ông bác sĩ. Xui người ta làm thơ là để quên việc chuẩn bị đánh. Đi lang thang ngoài phố là để nghe ngóng tình tình hình. Khen mình giỏi để không ai nghi ngờ nữa…”. 
Đọc tới đây người đọc phải thắc mắc không hiểu đảng giáo dục cách nào mà cô nữ sinh Hà Nội tên Quyên này có được “tính đảng” nhanh quá vậy? Cô nhìn nhận mọi sự trên đời qua đôi mắt “cảnh giác” của công an. Người ta khuyên nên làm thơ cô lại cho rằng đó là xui dại để quên chiến đấu, người ta đi lang thang phố cô lại nghi rằng đi nghe ngóng tình hình. Cô lại còn tự hào “giấu thế nào được Quyên. Sắp đánh nhau rồi còn đi mua táo, kháng chiến gì những người này. Lại vẫn còn nói tiếng Pháp, chỉ riêng việc này cũng chứng tỏ rằng lão này nặng tình cảm với địch. Mới ở Pháp về yêu nước làm sao được?”. Than ôi, với “nữ giám sát viên” như cô nữ sinh Quyên, ông bác sĩ Pha khó sống được với cách mạng, chẳng bao lâu nữa chắc sẽ hối hận đã nghe theo cụ Hồ rủ rê về nước tham gia kháng chiến. 
Rất may “Sống mãi với Thủ đô” mãi tới năm 1960 mới xuất bản chứ nếu nó ra đời từ năm 1945 là năm cụ Hồ kêu gọi trí thức Việt Nam ở Pháp về nước đóng góp cho cách mạng thì sau khi đọc tiểu thuyết Nguyễn Huy Tưởng chắc bà con Việt kiều “bỏ của chạy lấy người” về Pháp. 
Càng gần tới giờ G, giờ nổ súng đánh Pháp, người bận rộn nhất trong hàng ngũ cách mạng phải kể tới ông Liên khu trưởng Liên khu I Quốc Vinh. Tất nhiên, ông phải là cộng sản gộc với đầy đủ phẩm chất cán bộ lãnh đạo đảng. Ông xuất thân thợ nhà in đi làm cách mạng. 
“Hồi bí mật, có nhiều lúc khó khăn, anh bị đói khát, bị truy nã, nhưng việc tuyên truyền, vận động quần chúng thẳng một chiều anh thấy còn dễ. Ngày bị bắt, vấn đề chỉ là cắn răng chịu đựng để không phản bội…”. 
Vậy là cái cương vị Liên khu trưởng Liên khu I, Nguyễn Huy Tưởng đã đặt một nhân vật đúng khuôn mẫu lý thuyết của cán bộ cộng sản: xuất thân công nhân, đi làm cách mạng, bị địch bắt, bị tra tấn vẫn giữ khí tiết cách mạng. Thế nhưng ở cái ghế lãnh đạo cao nhất một liên khu quan trọng nhất ở Hà Nội, cái ông xuất thân thợ in ấy, rồi xoay xở ra sao? 
“Nhưng bây giờ thì công việc như rừng. Anh chỉ nghĩ chung chung mấy điểm, nắm vững lực lượng đồng chí, dựa vào quần chúng, bồi dưỡng tinh thần kháng chiến quyết tâm diệt địch đến cùng…”. 
Vậy tức là “đồng chí” Liên khu trưởng chẳng cần tới kế hoạch tác chiến, nắm vững tình hình địch ta, chẳng cần suy nghĩ gì về chiến lược chiến thuật, chỉ cần nắm chung chung, nắm các đồng chí và dựa vào quần chúng giáo dục họ tinh thần quyết chiến là... hoàn thành nhiệm vụ. Ta hãy xem ông cán bộ lãnh đạo giải quyết sự vụ hàng ngày : 
“Đồng chí thư ký đọc từng việc ghi trong sổ: 
Tuyên truyền đang bí bài hát. Đề nghị giải quyết… 
Có Diệt phát xít, Bao chiến sĩ anh hùng, còn gì nữa… 
Không đủ ạ… 
Thì có cậu gì mới đến đấy, bảo làm thơ thêm vào… 
Các chị đề nghị hát Suối Mơ, Đàn Chim Việt… 
Đánh nhau mà lại Suối Mơ…” 
Rõ đúng tính cách cán bộ cộng sản, đang dầu sôi lửa bỏng mà vẫn không quên “lãnh đạo toàn diện” cấm đoán cả đến một bài hát. Vậy là ngay khi đảng vừa cầm quyền, những nhạc phẩm bị quy là “nhạc vàng” đã bị bỏ tù dài hạn mãi gần nửa thế kỷ sau vào thời đổi mới lần lượt mới được tha bổng. 
Vào trước ngày toàn quốc kháng chiến, người ta cứ tưởng sau lời hiệu triệu của ông Hồ Chí Minh muôn người sẽ kề vai sát cánh, chung một chiến hào mà đánh giặc Pháp. Sự thực nếu đi sâu vào cơ cấu quyền lực ta sẽ thấy đó chỉ là cái vỏ ngoài, thực chất những người cộng sản nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối, thiết lập một ranh giới “trong đảng - ngoài đảng“ trong mọi công việc. Bởi thế ông Uỷ viên quân sự Văn Việt là người ngoài Đảng nên “mù tịt” chẳng biết sẽ đánh đấm ra sao. 
“Văn Việt đẩy cửa chạy vào nét mặt hầm hầm. Cái ve áo bludông tím của Văn Việt đã đính cái huy hiệu Hồ Chủ tịch mà anh chỉ đeo khi có việc quan trọng hay trong ngày lễ. Văn Việt hỏi: “Ông Quốc Vinh, tôi muốn ông nói rõ cho tôi”. 
“Cái gì thế, tôi tưởng anh đang bố trí ở hãng Sauvage”. 
Quốc Vinh bắt tay Văn Việt có điều không hài lòng. Văn Việt nói: “Chúng ta chủ động đánh nó hay nó đánh ta? Tối nay, mình hay là nó ? Tôi là uỷ viên quân sự, tôi phải biết chứ?”. 
Ông Uỷ viên Quân sự nhầm lẫn ở chỗ dù có là uỷ viên trời, nhưng không phải là đảng viên cộng sản thì ông chỉ được biết những gì đảng cho phép thôi. Bởi thế nghe ông Uỷ viên Quân sự cằn nhằn, ông cán bộ cộng sản vẫn điềm nhiên: “Tất cả những điều anh muốn biết rồi anh sẽ biết. Không có điều gì giấu anh cả. Kế hoạch sáng ngày đã bàn rồi, anh cứ làm như thế…”. 
Vậy là ông Uỷ viên Quân sự không phải đảng viên chỉ được phép biết đến đó, cứ theo đó mà làm đừng có đòi cái quyền được cung cấp thông tin như của cán bộ đảng viên khác. 
“Văn Việt cau mặt, nhún vai, tay đập mạnh vào bao súng. Lời nghẹn trong cổ: “Được. Các ông bảo làm gì, tôi làm cái ấy. Tôi hoàn toàn chịu quyền chỉ huy của các ông kia mà. Cái kiếp một thằng quần chúng vĩnh viễn là như thế thôi. Nó có được biết cái gì đâu?”. 
Thật đúng là một ví dụ cụ thể và sinh động về việc đảng chiếm đoạt quyền lực của nhân dân từ rất sớm, từ ngay trong những ngày cần thiết phải huy động toàn dân tộc đương đầu với ngoại xâm. “Cái kiếp một thằng quần chúng vĩnh viễn“ càng về sau càng thê thảm hơn: những giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, Bùi Huy Đáp, Lương Định Của, luật sư Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Hữu Thọ… những trí thức “ngoài đảng” chắc sẽ thấm thía hơn ai hết khi đọc đoạn này trong tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng. 
Thế rồi cái giờ G, giờ tự vệ Hà Nội nổ súng vào quân đội Pháp cũng đã tới. Vào cái giờ phút long trọng này, ông Liên khu trưởng Quốc Vinh ngồi với chị cán bộ Oanh và nói vào máy điện thoại: “Pháo Đài Láng chuẩn bị pháo lệnh kháng chiến…”. 
Trong giờ phút tối quan trọng, cần tập trung vào chỉ huy chiến đấu thì ông Liên khu trưởng lại… suy nghĩ về bác Hồ: “Quốc Vinh cầm lấy cái ảnh Hồ Chủ tịch đặt trên bàn rồi lại để xuống. Anh chưa được gần người đồng chí già ấy bao giờ. Trừ cái ngày mồng hai tháng chín ấy. Đứng dưới lễ đài để bảo vệ, anh ngước lên, thấy lẫn với nhiều người, lẫn với cờ và ô, nhà cách mạng lăn lộn khắp năm châu trở về, đen sạm vì nắng mưa và sốt rét, vừa ho vừa đọc bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Lúc này đây, lãnh tụ đang trông ngóng chờ anh…”. 
Trong các nhà văn của Đảng, Nguyễn Huy Tưởng có lẽ quán quân về “nâng bi lãnh tụ”, chỉ sau Tố Hữu và ngang ngửa với Chế Lan Viên. Sau khi “cơn yêu lãnh tụ” đã qua, ông chỉ huy mới nhớ tới các đồng đội: “Trong cái vắng lặng của một cuộc đời đang thay đổi lớn, anh cảm thấy đất ở dưới chân anh chuyển động. Anh như đang trông thấy , nghe thấy đồng chí và đồng bào tiến sát tới cầu Long Biên, Cửa Đông, Cửa Bắc; Vi Dân đã chôn bom ở Cửa Nam; những ống hơi của của Sinh sắp nổ trong lò than của xưởng giặc trong thành; phủ Bắc bộ đã sẵn sàng, các Ô cầu Rền, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Giấy đang vít chúng nó lại, trường bay Gia Lâm sắp bốc cháy; xa xa cầu Đuống sắp được chiếm lại, xa nữa Bắc Ninh; xa nữa Huế, Sài Gòn đang hướng cả về thủ đô…”. 
Bỏ qua cái “lãng mạn không đúng lúc” ông chỉ huy quân sự lúc này lẽ ra phải tập trung hết tinh lực đón tin tức báo về và ứng phó kịp thời, bỏ qua tính cách vô lý đó, người đọc có thể thấy trên mặt trận toàn Hà Nội toàn tự vệ với nhân dân không thấy bóng dáng “bộ đội chính quy“ ở đâu ngoài mấy anh lính người Thượng canh gác Bắc Bộ phủ. Như vậy cho mãi tới 19 tháng 12 năm 1946, lực lượng vũ trang của đảng vẫn còn quá mỏng, bởi thế cuộc giành chính quyền tháng 8 năm 1945 chủ yếu do nhân dân đứng lên trong sự im lặng “bất can thiệp“ của cả chục ngàn lính Nhật vẫn còn nguyên vũ khí. Từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, những người cộng sản dường như đã “tiếp quản” chính quyền từ tay nhân dân mà không đổ một giọt máu và ngay lập tức họ biến nó thành của riêng và dồn hết tâm lực thiết lập chế độ độc quyền lãnh đạo, toàn trị cho tới tận ngày nay. 
Kim đồng hồ vẫn nhích tới giờ G và ông chỉ huy quân sự vẫn miên man trong những suy nghĩ “trừu tượng” tận đẩu tận đâu: “Trên con đường tiến lên đạp đổ mọi ngai vàng và xiềng xích, dẫn đến công lý và hạnh phúc, anh đã trông thấy nhiều máu phải chảy ra, nhiều đầu phải rụng xuống. Giờ đã đến mà sự chém giết sẽ dữ dội hơn nữa, đồng bào anh sẽ trải qua những tang tóc lớn lao. Nhưng cách mạng cứ phải đi và cuốn theo nó hàng vạn, hàng triệu con người trong đau thương và trong tin tưởng, đứng dậy, lớn lên…”.

Nhà văn Nhật Tuấn
"Juno và Jupiter" - tranh của họa sĩ Gavin Hamilton

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét