Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Nhiều quân bài nhưng phải "chọn cách chơi"

TS. Pierre Journoud
Bài viết dưới đây đăng trên tuanvietnam (VietnamNet) có một số điểm rất đáng chú ý. Đây là bài phỏng vấn của nhà báo Huỳnh Phan với ông Pierre Journoud, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Quốc phòng Pháp.
Với cái nhìn của một nhà nghiên cứu chiến lược, lại chuyên sâu về lĩnh vực quân sự và quốc phòng, nên sự nhận xét và đánh giá của ông P. Journoud xung quanh mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và cách xử sự, ứng phó sao cho hợp lý, phù hợp với những đòi hỏi mới của thời cuộc... mà cuộc chuyện trò gợi mở lên là những chủ điểm đáng để chúng ta phải quan tâm suy nghĩ. 
Có thể nói về đại thể, trong một đoạn chuyện trò ngắn (vì dưới đây chỉ trích phần 1 trong bài phỏng vấn dài nói trên), người đọc đã có thể hình dung một loạt vấn đề tế nhị và phức tạp trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc (và các mối quan hệ liên quan với các nước khác), cũng như sự ứng xử, đối sách của một số nước trong khu vực cũng như trên thế giới đối với một cường quốc đang lên như Trung Quốc... đều đã được nhà nghiên cứu chiến lược trả lời một cách khá thẳng thắn, thực chất và không ngại va chạm...
Có một điều lý thú là hình như nhà nghiên cứu này đồng tình với cách đánh giá là Việt Nam lúc này có nhiều con bài lựa chọn (ông nói cụ thể: "Việt Nam có nhiều con bài trong tay để lựa chọn"), nhưng vì vậy cũng đương nhiên đặt ra cho Việt Nam phải chọn được cách chơi thế nào khi có "nhiều con bài".
Còn nếu khu biệt nó, theo cách hiểu một chiều, là khi có quá nhiều con bài để chơi mà mỗi con ta đánh một kiểu, không có một sự lựa chọn có tính chiến lược và lâu bền, thì sẽ rơi vào tình cảnh: một là không hiệu quả, hai là có thể nguy hiểm cho người chơi... Bởi không chừng con bài nọ lầm chém “đứt tay” con bài kia, chém đứt tay ngay chính mình; hoặc có thể bị lâm vào cảnh lắm mối tối nằm không, xôi hỏng bỏng không cũng là điều khó tránh khỏi.
Liệu có phải những điều được trình bày đó chính là bản thông điệp ngắn gọn toát ra từ một nhà nghiên cứu chiến lược “không phe bên nào” từ bên Pháp kia lúc này muốn nhắn nhủ Việt Nam lúc này hay không?
Vệ Nhi
"Hồn nhiên" - Hot girl Lâm Na na
"Việt Nam đang chơi mọi quân bài mình có"
Lãnh đạo Việt Nam có thể chọn một cách tương tự như De Gaulle đã làm trong những năm '60. Tất nhiên, bối cảnh đã thay đổi, TS Pierre Journoud, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Quốc phòng Pháp tư vấn.
Tìm điểm rơi
- Ông có nói thời điểm này, chính Việt Nam cũng đang đứng trước tình thế là quân cờ trên ván cờ chiến lược của các nước lớn, nhất là trong vấn đề Biển Đông...?
- Đúng vậy. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam rất khôn khéo trong việc sử dụng các mối quan hệ song phương. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược, hoặc hướng tới mối quan hệ này đối với Nga, Mỹ, Pháp, Nhật, Anh, Hà Lan, hay Ấn Độ.
Nhưng điều đó cũng ẩn chứa một nguy cơ là mối quan hệ trải rộng khắp nơi mà không có một điểm rơi, một cái neo nào cả. Việt Nam bị dao động trước không chỉ các cường quốc, mà ngay cả những nước nhỏ như Hà Lan.
Nếu ASEAN là một khối gắn kết, thì đó cũng là một chiến lược mới cho Việt Nam.
- Nhưng ông có cho rằng ASEAN có thể gắn kết lại, hay là cũng dao động, hệt như Việt Nam, trước các cường quốc?
- Không, họ đang bị chia rẽ. và Trung Quốc rất thích chuyện này.
- Ông có nghĩ là Trung Quốc đang chủ động trong cuộc này?
Còn gì nữa. Chẳng hạn, họ đang lặp lại nỗ lực này với Campuchia. Chính vì vậy, nỗ lực bắt tay với các nước ngoài lớn nhỏ ngoài khu vực của Việt Nam có thể giải thích được và Việt Nam cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác.
- Như ông nói, Việt Nam luôn ở thế là quân cờ trên bàn cờ địa chiến lược của các cường quốc. Làm thế nào để Việt Nam có thể có sự độc lập nhất định?
- Độc lập thực ra chỉ là một khái niệm tương đối. Tôi nói ví dụ về nước Pháp. Tổng thống De Gaulle, khi nhậm chức, cũng rất muốn khôi phục lại sự độc lập cho nước Pháp, thế nhưng sự trợ giúp về kinh tế - tài chính của Mỹ để Pháp hồi phục sau Đệ Nhị Thế Chiến đã khiến cho mong muốn này của De Gaulle trở nên rất khó khăn.
Rõ ràng, ông Hồ Chí Minh đã giúp mang lại nền độc lập cho Việt Nam. Thế nhưng, trong bối cảnh của chiến tranh lạnh, khi Mỹ phớt lờ những đề nghị hòa bình của ông, sự lựa chọn của Hồ Chí Minh đi theo con đường cộng sản đã khiến Việt Nam phụ thuộc vào hai đồng minh lớn là Liên Xô và Trung Quốc.
Tôi cũng không hiểu là liệu không có sự hỗ trợ của Trung Quốc, liệu Việt Nam có thể thắng được trong hai cuộc chiến tranh Đông Dương hay không nữa. Nhưng rõ ràng lãnh đạo Việt Nam đã thực hiện sự lựa chọn của mình.
Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều từ vũ khí, quân trang quân dụng, đến nhu yếu phẩm... Họ cũng gửi lính hậu cần và công binh sang Việt Nam nữa, khoảng 300 ngàn. Trong đó có khoảng một ngàn bị chết.
Việt Nam đang chơi mọi quân bài họ có
- Vậy theo ông, con đường nào cho các nước trong bối cảnh chuyển dịch địa chiến lược đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay, nhất là với sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt đối với Việt Nam?
- Đó là câu hỏi mà nhiều nhà lãnh đạo quốc gia muốn hỏi. Bây giờ là một thế giới mới, một cấu trúc mới, một cán cân quyền lực mới. Đó là một câu hỏi thú vị cho chúng ta, bởi đó là vấn đề chúng ta đang phải đối mặt, một vấn đề rất khó dự báo trước.
Tôi còn nhớ trong một cuộc hội thảo ở Paris về chiến lược của Trung Quốc kể từ thời chiến tranh lạnh, chúng tôi có mời một giáo sư từ Bắc Kinh, và trong phần kết thúc bài tham luận, ông ta đã nói rằng Trung Quốc không có chiến lược.
Tôi không hề ngạc nhiên khi nghe vị giáo sư Trung Quốc nói rằng lãnh đạo Trung Quốc không mạnh về chiến lược, bởi điều đó khó lắm. Theo tôi, sớm hay muộn, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc số một thế giới, có lẽ trong khoảng 2016-2025.
Họ đang cố gắng lấp những khoảng trống của giai đoạn chuyển đổi, để cải thiện vị thế của mình ở mọi nơi, bất kể là châu Phi, hay Đông Nam Á. Họ ý thức được rằng họ phải bảo vệ nguồn năng lượng, bảo vệ huyết mạch giao thông...
Cũng giống như các cường quốc trong quá khứ, như Pháp ở thế kỷ 17, hay Mỹ ở thế kỷ 20, họ cũng phải có chiến lược bảo vệ lợi ích của mình, nhằm duy trì sự ổn định, trước hết là trong nước.
Tôi thì cho rằng Trung Quốc luôn gặp phải những vấn đề nội bộ. Trong suốt quá trình lịch sử hàng ngàn năm của mình, họ chẳng bao giờ thoát khỏi những cuộc xung đột nội bộ.
Nhưng thách thức nội tại của Trung Quốc là gì?  Chúng ta biết rằng Trung Quốc có dân số già, và điều đó khiến họ gặp một thách thức lớn trong việc chuyển nguồn tăng trưởng thương mại với các nước đối tác lớn như Mỹ, EU, hay Nhật Bản, thành nguồn tiêu thụ trong nước. Tức là Trung Quốc phải có một bộ phận lớn dân số đủ giàu có để có thể tiêu thị hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
- Có người nói rằng trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam đang bị giữ làm con tin liên quan đến hệ tư tưởng?
- Tôi hy vọng là không. Bởi Mỹ và các nước phương Tây không hề có ý định tiến hành một cuộc chiến nào, dù nhỏ, đối với các nước cộng sản, như Trung Quốc, hay Việt Nam. Họ đã có quá đủ trải nghiệm về sự vô ích đó trong quá khứ rồi.
Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Clinton, hay Bộ trưởng Quốc phòng Panetta đã nhắc đi nhắc lại khuyến cáo rằng Trung Quốc không nên sử dụng vũ lực trong quan hệ với các nước láng giềng.
Chính phủ Pháp cũng ủng hộ lập trường về Biển Đông của phía Việt Nam và phản đối những tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến vấn đề này.
Các bạn hãy tin là các bạn có nhiều bạn bè trên thế giới. Nhưng tôi chắc chắn rằng cả Mỹ lẫn châu Âu đều không muốn tham gia vào bất cứ cuộc chiến tranh nào ở châu Á.
- Việt Nam đang thực hiện chủ trương "làm bạn với tất cả". Nhưng liệu điều này có mâu thuẫn với câu thành ngữ "người bạn thực sự là người bạn có mặt khi ta gặp khó khăn"?
- Vậy anh nghĩ bạn tốt là người bạn sẽ giúp Việt Nam đánh nhau với kẻ đang đe dọa Việt Nam?
Tôi không nghĩ vậy. Bạn tốt là bạn có thể giúp cho Việt Nam đủ mạnh, đủ tự tin, để có thể không sợ, mỗi khi bị dọa đánh. Trong quan hệ với Trung Quốc, rõ ràng lãnh đạo Việt Nam có những lý do của mình để quyết định làm điều này mà không làm điều kia. Nhưng, tôi nghĩ, có lẽ họ cũng cần phải phần nào đó, theo các nào đó, giải thích cho dân chúng hiểu được tại sao họ phải làm thế và đó là cách có thể không tốt nhất, nhưng hợp lý và khả thi nhất.
Tôi nghĩ lãnh đạo Việt Nam có thể chọn một cách tương tự như De Gaulle đã làm trong những năm 1960 (TK20). Tất nhiên, bối cảnh đã thay đổi.
De Gaulle đã cố gắng thể hiện rằng lợi ích lớn nhất của dân chúng Pháp là họ phải tập hợp xung quanh một ước vọng lớn như vậy. Muốn trở lại thành một cường quốc như xưa, nước Pháp phải học cách lắng nghe, không chỉ châu Âu, mà cả thế giới thứ ba, như Châu Phi, hay châu Á.
Và chính sách của De Gaulle là chính sách hòa bình, bởi chúng tôi hiểu rõ cái giá của chiến tranh, và hậu quả của nó: Chúng tôi khó có thể hồi phục lại cái vị thế chúng tôi từng có.
Và phương thuốc hữu hiệu nhất mà chúng tôi lựa chọn đối với thế giới thứ ba là tổng hợp, bao gồm cả chính trị, kinh tế và đặc biệt là văn hóa, thông qua tổ chức Francophonie. De Gaulle đã chơi mọi quân bài ông có thể chơi.
Tôi nghĩ lãnh đạo Việt Nam đang chơi mọi quân bài họ có. Đặc biệt, họ rất chú trọng đến mọi mối quan hệ song phương, bên cạnh những tổ chức khu vực như ASEAN, hay Francophonie.
Với Trung Quốc, họ đã mắc sai lầm lớn. Ở đầu những năm 2000, họ đặt khái niệm phát triển hài hòa lên trên hết, nhưng đến bây giờ họ quên mất khái niệm đó rồi. Họ can dự ngày càng mạnh và sâu vào Đông Nam Á, hay gây bất ổn ở Biển Đông.
Và tôi nghĩ chính sách đối ngoại của Trung Quốc là sai lầm, không chỉ với Việt Nam, hay một số nước ASEAN khác, mà cả với châu Âu và Mỹ.
Nhiều người Pháp đã rất ngưỡng mộ chính sách đối nội của Trung Quốc, bởi nó đã làm cho Trung Quốc trở thành một cường quốc, nhưng đến bây giờ ngay cả những người này cũng chuyển sang chỉ trích Trung Quốc.
- Ông có nghĩ lãnh đạo mới của Trung Quốc sắp tới sẽ cố gắng thay đổi hình ảnh này của Trung Quốc? Sẽ bớt hung hăng hơn?
- Khó nói lắm. Nói chung, chúng tôi có thói quen nhìn nhận vấn đề theo tầm nhìn xa.
Riêng tôi cho rằng vị lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc mà chúng ta sẽ chứng kiến trong vòng ít tuần tới có thể hiện đại hơn về quan điểm, sẽ có các tiếp cận gần gũi hơn với Mỹ, nhưng nhóm lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc sẽ vẫn giữ một quan điểm "quyết đoán" trong quan hệ với các nước láng giềng. Chỉ có điều tôi vẫn chưa hình dung sự "quyết đoán" này sẽ được thể hiện cụ thể thế nào.
Tôi nghĩ tình hình bây giờ còn phức tạp hơn thời kỳ chiến tranh lạnh, bởi có sự thay đổi một vài tay chơi chính.
Huỳnh Phan
"Mùa xuân" - tranh của họa sĩ Đoàn Xuân Tặng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét