Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

Sự nghiệp văn học Đinh Hùng (P2)

"Nữ y tá" - Hot girl Việt Nam Tiffanny
- Vì sao Đinh Hùng không có mặt trong Thi nhân Việt Nam?
Câu hỏi này tinh tế đến nỗi dường như câu trả lời nào cũng chưa đủ. Về chủ quan, người viết cho rằng: mĩ cảm của Hoài Thanh là nguyên nhân quan trọng nhất, dù có thể không phải là nguyên nhân duy nhất. (ảnh không liên quan đến bài viết)
1.2. Sự nghiệp văn chương
Đinh Hùng không chỉ là một nhà thơ có tài vì ông còn viết tiểu thuyết, kịch thơ, bút kí, tiểu luận, phê bình văn học… và ở thể loại nào ông cũng đạt được những thành công nhất định. Khởi đầu là một thi sĩ nhưng những năm cuối đời, một loạt các tiểu thuyết của ông được đăng hàng ngày trên các tờ báo đã làm bật lên cái tên Hoài Điệp Thứ Lang và xác lập được tư cách nhà văn cho Đinh Hùng.
Các sáng tác của Đinh Hùng phong phú về số lượng lẫn thể loại, và ở thể loại nào, ở bất kì tác phẩm nào, ông cũng viết với thái độ rất nghiêm túc. Nhưng dẫu sao thì cái làm nên tên tuổi Đinh Hùng, cái tình yêu lớn nhất của thi sĩ vẫn chính là thi ca. Đó là cái địa hạt mà ông đã đến như một làn gió mới lạ, thoả sức vẫy vùng qua những biến thiên của thời cuộc. Đó là nơi ông được sinh ra và cũng là nơi ông trở về.
1.2.1. Sự nghiệp thi ca
Có tất cả bốn tập thơ của Đinh Hùng đã được xuất bản. Ba tập Đám ma tôi, Mê hồn ca và Đường vào tình sửđược ra đời khi tác giả còn tại thế, riêng tập Tiếng ca bộ lạc là được ấn hành khi tác giả đã mất.
- Tác phẩm đầu tay của Đinh Hùng được Nhà xuất bản Tân Việt ấn hành vào năm 1943 có tên là Đám ma tôi. Từ điển văn học đã viết như sau: “Cùng với Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng là cây bút hay nói đến cái chết (…) đặc biệt nội dung tác phẩm văn xuôi Đám ma tôi đã thể hiện tập trung nỗi ám ảnh sinh mệnh tiêu tan: tôi chết, người ta chôn tôi, giỗ đầu của tôi…-hiện tượng này hẳn liên quan đến nhiều chuyện tang tóc bất bình thường trong thời gian ngắn liên tục đổ ập xuống đời sống của tác giả thuở thanh thiếu niên”.
Đây là tác phẩm duy nhất mà tác giả lấy bút danh là Hoài Điệp. Nó đã giúp chúng tôi lí giải nhiều điều về thi sĩ, về quan niệm cũng như phong cách nghệ thuật của ông... Nói như Mai Thảo thì “tập Đám ma tôi, ít ai nói tới biết đến, mang bút hiệu Hoài Điệp, mà tôi tin tưởng là một tác phẩm “căn cứ” sau này sẽ là một điểm tựa quí báu cho người viết văn học sử muốn chiếu sáng tường tận châu đáo vào cái thế giới mênh mông nhưng khép kín của Đinh Hùng (...)”.
Bên cạnh đó, cũng cần nói thêm là có rất ít người đã được đọc Đám ma tôi, ngay đến cả người thân của Đinh Hùng mà cũng chỉ mới nghe nói đến. Điều này đã dẫn đến nhiều thông tin sai lệch về thể loại tác phẩm. Ở phần sau, trong mục Vấn đề văn bản tác phẩm Đinh Hùng, chúng tôi sẽ đưa ra những bằng chứng để định rõ thể loại của nó; còn ở đây, chỉ xin nói ngắn gọn: Đám ma tôi là một bài thơ văn xuôi có độ dài lên đến…75 trang giấy!
Và đúng với tên gọi của mình, bài thơ này từ đầu đến cuối chỉ toàn nói về cái chết, về cái đám ma mà Hoài Điệp đã tưởng tượng ra để “mỉm cười một vài phút, cảm động một vài giờ” . Ta hãy xem tác giả bộc bạch: “Kể câu chuyện “đám ma tôi” tôi không làm người sống để nói đến cái chết, mà chỉ muốn làm người chết để nói đến từng những đời sống rải rác ở đây, ở đó, từng những cuộc đời chiêm bao!...”.
Còn đây là những dòng tâm sự cuối cùng của thi sĩ “sau cái đám ma tôi”:
Nào những ai kia thân thiết cùng tôi cho tôi thân thiết?
Bạn ơi! Nào đâu người bạn rộng lượng muốn có linh hồn kết giao cùng với linh hồn Hoài Điệp?
Vậy thì chúng ta còn chần chừ gì, còn nghi ngại gì mà không đến với tác phẩm, không đến với “linh hồn Hoài Điệp” sau những lời tha thiết đó? 
- Mê hồn ca là tập thơ ra đời vào năm 1954 ở Hà Nội, sau đó được tái bản ba lần: hai lần đầu ở Sài Gòn vào năm 1968 bởi Nhà xuất bản Văn Uyển và năm 1970 bởi Nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng; lần thứ ba vào năm 1995 do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ở Hà Nội ấn hành.
Tập thơ gồm có 19 bài, tất cả đều được Đinh Hùng viết trước năm 1943, và được chia ra làm 5 phần: Thơ nguyên thuỷ, Thần tượng, Chiêu niệm, Mê hồn và Ngoại tập.
Mê hồn ca làm chúng tôi nhớ đến Điêu tàn, một tập thơ cũng rất “dị thường” của Chế Lan Viên. Nếu tập thơ của Phan Ngọc Hoan đưa người ta đến một xứ sở điêu tàn, đổ vỡ, bi thương và khiến người ta sợ hãi vì những đầu lâu, vì xương người trắng hếu…thì Đinh Hùng lại dẫn người ta đến xứ sở “Thoát duyên trần cấu”, xứ sở của “Sông núi giao thần”, của rừng rậm hoang dã, của “Trời ảo diệu”, của “Kì nữ”, của “Người gái thiên nhiên”… Người ta sửng sốt trước trí tưởng tượng của Đinh Hùng. Người ta ngạc nhiên vì bút lực của ông. Người ta có thể thích hay không nhưng đều phải thừa nhận rằng: Đinh Hùng đã tạo dựng được một thế giới độc đáo và đậm chất tượng trưng. Đây là những lời khen tặng của nhà thơ Bàng Bá Lân dành cho bài “Bài ca man rợ”, một trong những bài thơ làm nên tên tuổi Đinh Hùng được in trong tập này: “Mai mỉa cái xã hội phồn hoa với những tình cảm giả dối, những ham muốn đê hèn là điều mà nhiều nhà thơ đã làm. Nhưng trình bày một cách độc đáo tân kì như Đinh Hùng thì chưa có ai!”.
Dù khi đọc một số câu thơ trong Mê hồn ca, người ta dễ dàng liên tưởng đến thơ của Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên như: “Qua xứ ma sầu, ta mất trí/ Thiêu đi tập sách vẽ hoa nguyền!/ Trời ơi! Trời ơi! Làn tử khí!/ Lạc lõng hương thầm đoá Bạch Liên” nhưng trước sau đó vẫn là những câu thơ rất Đinh Hùng, của riêng Đinh Hùng; vẫn là những đường nét dị thường tạo nên một thế giới dị thường, một thế giới không có thực, hay nói đúng hơn nó là thế giới trong tâm tưởng, thế giới lí tưởng mà tác giả hướng về theo “Những hướng sao rơi”. Và Trần Tuấn Kiệt đã nhận xét: “Mê hồn ca tạo một thế giới để chối bỏ một thế giới. Chuyện đó không khó gì, nhất là những tâm hồn suy tư, cảm hứng lãng mạn nhiều. Cái điều khó là ở trong một thế giới…thế giới trần ai mạc mạc này, khô cỗi này (…) nhà thơ Đinh Hùng lại tạo được hình bóng lung linh, dạo lại khúc huyền cầm, mang lại thanh âm sắc hương thơm mát cho đời…mà thật là cõi mộng, cõi trú của…tinh anh loài người”.
Có thể nói, tập thơ là một tiếng nói, một giọng điệu riêng biệt, gây ấn tượng mạnh mẽ của Đinh Hùng vang lên giữa thi đàn, thu hút nhiều sự quan tâm, đón đọc của độc giả và cả giới nghiên cứu, phê bình.
Và từ bấy giờ, cái tư cách thi sĩ tượng trưng của Đinh Hùng không còn ai phủ nhận được nữa. Trở lại với bản tuyên ngôn của nhóm thơ Dạ Đài, ta bắt gặp những câu sau đây:
…Chúng ta muốn những cảm giác thâm u mà chúng ta mới chỉ có những thi sĩ của lòng. Đã đến lúc chúng ta đợi những thi sĩ của linh hồn, những thi sĩ của cái tôi thầm kín.
Thế cho nên, chúng tôi - thi sĩ tượng trưng - chúng tôi cố đánh thức cái thế giới im lìm đương nằm ngủ ở trong lòng nhân loại. Chúng tôi cố thực hiện một cuộc trở về, chúng tôi cố trở lại cái chúng tôi với tấm lòng khi đất trời khai lập.
(…) Chúng ta chẳng nhận thấy rằng người ta đương gắng sức trả lại cho con người cái trinh bạch đầu tiên, trả lại con người cỏ cây huyền mặc, sông núi hoang sơ? Chúng ta hãy trở về cái bản năng mà thế tình che đậy. Hãy mơ những giấc mơ cầm thú. Hãy gợi lên những cõi sống âm thầm. Hãy đánh thức hư không, nghĩa là cả tấm lòng xưa man rợ...
Và Mê hồn ca là sự minh chứng cho những tuyên ngôn ấy.
- Ra đời vào năm 1961, tập thơ đầu tiên của Đinh Hùng ở Sài Gòn gồm có 60 bài, được chia thành hai phần: Truyện lòng và Tiếc bướm. Vốn dĩ ban đầu, chúng là hai tập thơ khác nhau nhưng rồi Đinh Hùng đã quyết định nhập lại và lấy một cái tên chung: Đường vào tình sử. Sách được in tại Kim Lai Ấn Quán và do Nam Chi Tùng Thư phát hành.
Đa phần các nhà nghiên cứu, phê bình đều cho rằng tập Mê hồn ca vượt trội hơn hẳn so với tập thơ này nhưng cũng có ý kiến ngược lại, như của Trần Tuấn Kiệt:
Có một lần tôi cãi với Trần Phong Giao tại toà soạn Văn là tập thơ Mê hồn ca tuy đặc biệt nhưng thua xa tiếng thơ của tập Đường vào tình sử, Trần Phong Giao thì nói: “Ai cũng bảo Mê hồn ca là tuyệt tác chỉ có mình cậu là khác.” Đến ngày nay tôi xin nhấn lại. Tôi nói thẳng, không biết mình có bao nhiêu kinh nghiệm về thơ, bao nhiêu sự cảm thông về thơ. Tôi không biện luận và chỉ nhắc lại, đối với tôi tập Đường vào tình sử vẫn là tập thơ cao viễn hơn tập Mê hồn ca nhiều…nhiều lắm vậy!.
Việc có nhiều ý kiến đánh giá trái chiều nhau như vậy chứng tỏ tập thơ đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, và xét ở mặt tích cực, thì đây là điều đáng mừng.
Theo chúng tôi thì với tập thơ này, ta khó lòng có thể đánh giá được sự biến chuyển trong bút pháp của Đinh Hùng, khó lòng có thể nhận ra được sự chắc tay của tác giả hay không trong việc làm chủ ngòi bút của mình. Bởi lẽ, phần lớn các tác phẩm đều được viết trước Mê hồn ca và các bài sau này được đưa vào là không đáng kể. Dù thế, sáu mươi bài thơ, sáu mươi “định mệnh đang mời mọc”, vẫn giúp chúng ta dễ dàng nhận ra chàng thi sĩ họ Đinh vì hiện lên trong tập thơ vẫn là cái thế giới dị thường ấy, cái giọng điệu đặc trưng ấy, và cái chất tượng trưng thấm đẫm từng con chữ ấy. Vẫn là Đinh Hùng của năm 1954 khi trình làng tập thơ của mình. Và ở lần này, với số lượng các bài thơ nhiều như thế, Đinh Hùng đã thể hiện khá đầy đủ cái cá tính sáng tạo của mình.
Đáng chú ý là trong tập thơ có bài Liên tưởng. Bài thơ này đã được đăng trên Thơ văn mùa xuân vào năm 1943. Và theo nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý thì chỉ với hai bài thơ Bài ca man rợ và Liên tưởng thì Đinh Hùng đã “lên ngôi những thi sĩ hàng đầu, át những ngôi sao đang toả sáng bây giờ như Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương…Bởi lẽ, thơ Đinh Hùng đã mang lại một cái gì khác lạ, một kích thước ngoại cỡ…Nó bắt người đọc phải chấp nhận một chiều kích thẩm mỹ mới”.
Thêm nữa, còn có bài Đường khuya trở bước. Đây là bài thơ của Đinh Hùng đã được bình chọn và có mặt trong danh sách “100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỉ XX” do Trung tâm Văn hoá doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo Dục tổ chức.
Ngoài ra cũng còn có nhiều bài đặc sắc khác trong tập thơ.
Và nói gì thì nói, Đường vào tình sử vẫn là tập thơ đánh dấu sự thành công của Đinh Hùng ở mảnh đất phương Nam này khi nó đã được trao Giải thưởng Văn chương toàn quốc về thi ca. Một điểm cần lưu ý là Bàng Bá Lân, một nhà thơ đã được vinh danh trong Thi nhân Việt Nam cũng dự giải này.
- Có thể nói, Tiếng ca bộ lạc là một tập thơ đặc biệt và chịu nhiều “thiệt thòi” nhất.
Đặc biệt vì đây là tập thơ được xuất bản khi tác giả của nó đã mất và chính con trai trưởng của nhà thơ đã tập hợp lại những bản thảo rồi đưa bác mình là thi sĩ Vũ Hoàng Chương sắp xếp, hiệu đính, đặt tên. Và thế là vào năm 1973, Nhà xuất bản Lửa Thiêng đã ấn hành Tiếng ca bộ lạc.
Còn nói là “thiệt thòi” vì tất cả những nhà nghiên cứu, trong phạm vi khảo sát của chúng tôi, đều không đề cập đến tập thơ này mà chỉ chú ý đến hai tập thơ đã được xuất bản vào năm 1954 và năm 1961. Đây là một điều đáng tiếc.
Tập thơ gồm có 36 bài thơ, 36 tiếng vọng của quá khứ, 36 đường nét phác hoạ chân dung một Đinh Hùng trải dài từ những ngày đầu khi ông mới cầm bút đến những năm tháng cuối đời của người thi sĩ tài hoa này.
Khác với hai tập thơ trước, các bài thơ trong tập này không được chia ra thành từng phần khác nhau theo dụng ý nghệ thuật của tác giả. Đây cũng là điều dễ hiểu vì tập thơ này bản chất là một tập hợp những bài thơ chưa được xuất bản của Đinh Hùng và trong đó có nhiều bài được tác giả viết trước khi tập Mê hồn ca và Đường vào tình sử ra đời. Việc tìm hiểu về hoàn cảnh sáng tác của từng bài thơ với chúng tôi là hết sức khó khăn. Tuy vậy, trong khả năng có thể, chúng tôi sẽ đề cập đến khi cần thiết ở chương sau của luận văn.
Điểm đáng lưu ý của tập thơ này là tập hợp được nhiều bài thơ mang đậm cảm hứng lịch sử như: Hương phấn Mê Linh, Chiến sĩ áo chàm, Những dòng chữ lửa, Các anh lớp lớp, Phượng lại tìm hoàng… Điều này hết sức thú vị và có ý nghĩa vì nó chứng tỏ ngòi bút của Đinh Hùng không chỉ biết “hướng nội” như nhiều người lầm tưởng.
Về thể thơ, thì tập thơ này cũng là một tập hợp nhiều bài được viết theo nhiều thể khác nhau: có thể lục bát, 7 tiếng, 8 tiếng… và cả hợp thể như các tập trước. Bởi cái quan trọng nhất, theo Đinh Hùng, là làm sao để phát huy được tính nhạc một cách tối đa.
Và, sau khi đã khảo sát hết bốn tập thơ của Đinh Hùng, chúng tôi có thể kết luận rằng: dù ở bất kì giai đoạn nào, viết về đề tài nào…nhà thơ cũng giữ được cái giọng điệu riêng biệt của mình; cái cá tính, cái phong cách nghệ thuật của mình. Thơ Đinh Hùng tràn ngập những câu lấp lánh biểu tượng, những câu đầy sức ám gợi, những câu thơ thoát thai từ tương duy tương hợp, những câu đong đầy nhạc điệu, tràn ngập những câu được viết theo lối loé sáng, thần khải…Và tràn ngập những câu phản chiếu chính hình ảnh của người đã sáng tạo ra mình.
Điều đáng tiếc là chúng tôi vẫn chưa tìm được những bài thơ trào phúng của ông đăng trên báo Tự Do, Ngôn Luận với bút danh Thần Đăng và một số bài thơ khác chưa được công bố của ông.
1.2.2. Các thể loại khác
Ít người biết Đinh Hùng ngoài làm thơ còn sáng tác nhiều tiểu thuyết, viết tiểu luận- phê bình văn học, tuỳ bút, hồi kí…
Ngoài 4 tập thơ đã kể trên, các tác phẩm của Đinh Hùng gồm có:
- Đã xuất bản:
Ngày đó có em… (thuật kí, 1967)
Người đao phủ thành Đại La (tiểu thuyết)
Kỳ nữ Gò Ôn Khâu (tiểu thuyết)
Đốt lò hương cũ (bút kí - phê bình, 1971)
- Chưa xuất bản:
Lạc lối trần gian (kịch thơ)
Cánh tay hào kiệt (kịch thơ)
Phan Thanh Giản (kịch thơ)
Tiếng ca đầu súng (hồi kí)
Võ sĩ đạo (tiểu thuyết)
Nữ hải tặc (tiểu thuyết)
Ánh lửa Đông Đô (tiểu thuyết)
Hảo hán Bắc Hà (tiểu thuyết)
Tướng cướp si tình (tiểu thuyết)
Đoàn quân dã chiến (tiểu thuyết)
Vần điệu giao tình (cảo luận)
Sứ giả (tuỳ bút)
Dạ lan hương (văn xuôi)
Đường kiếm họ Hoàng (tiểu thuyết)
Ngoài ra, Đinh Hùng còn có nhiều bài viết đăng trên các báo và tạp chí.
Miền Nam là nơi ra đời của tiểu thuyết ở Việt Nam. Phải chăng vì thế mà khi vào đây sinh sống, Đinh Hùng đã có đủ điều kiện để trở thành một nhà văn có tên tuổi với một loạt tiểu thuyết ăn khách được đăng hàng ngày trên các tờ báo, tạp chí?
Không phủ nhận một trong những lí do chính khiến Đinh Hùng viết tiểu thuyết là để trang trải cho cuộc sống. Nhưng, ý thức nghề nghiệp đã giúp ông giữ mình để không buông tuồng con chữ mà bán rẻ ngòi bút của mình. Đinh Hùng viết bất cứ tác phẩm nào cũng với thái độ rất nghiêm túc. Và ở bất cứ sáng tác nào, ông cũng thể hiện được sự am hiểu tường tận do đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về đề tài tác phẩm. Vì thế mà Hoài Điệp Thứ Lang đã thành công. Nhiều nhân viên của toà soạn đã đến nhà và chực bên bàn làm việc của ông để chờ đợi từng trang bản thảo. Các tiểu thuyết của ông, tiểu thuyết feuilleton, đã được ra đời trong khoảng thời gian này và được đông đảo công chúng đón nhận. Thế là bấy giờ, người ta đã biết đến ông với tư cách là một tiểu thuyết gia.
Trong số những tác phẩm đã được công bố của Hoài Điệp Thứ Lang thì mới chỉ có Người đao phủ thành Đại La và Kì nữ gò Ôn Khâu là được in thành sách do Nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng ấn hành đầu tiên. Năm 1957, quyển Người đao phủ thành Đại La đã được ra đời và bốn năm sau đó là đến lượt cuốn Kì nữ gò Ôn Khâu. Hai tác phẩm này, sau đó được Nhà xuất bản Tổng hợp Kiên Giang và Nhà xuất bản Thuận Hoá cùng tái bản vào năm 1990.
Cả hai đều là tiểu thuyết dã sử. Nếu như Người đao phủ thành Đại La lấy bối cảnh vào thời Lê Ngoạ Triều thì Kì nữ gò Ôn Khâu có bối cảnh là cuộc kháng chiến chống quân Nguyên của quân dân nhà Trần.
Trong hai tác phẩm, ta dễ thấy có những nhân vật hư cấu được tác giả kì công xây dựng mang vẻ đẹp lí tưởng. Có những nhân vật lịch sử đi vào tác phẩm vẫn thể hiện rõ khí phách anh hùng. Có những sự kiện lịch sử được tái hiện sống động. Có chuyện anh hùng cứu mỹ nhân. Có kẻ xấu hung ác, giặc dữ bạo tàn nhưng cũng có những con người chấp nhận xả thân vì đại nghĩa… Đó là hai khúc bi tráng ca được hát lên bằng con chữ tái hiện lại được những giai đoạn lịch sử hào hùng của cả một dân tộc.
Và với cách kể chuyện mới lạ, lôi cuốn và hấp dẫn, Hoài Điệp Thứ Lang đã dắt người ta đi theo từng nỗi vui buồn, từng bước thăng trầm của Đinh Toàn Trung trong Người đao phủ thành Đại La; của Kì Nữ, của nhóm “Thăng Long ngũ hiệp” trong Kì nữ gò Ôn Khâu trong cuộc hành trình đi tìm chân lí, đi tìm những giá trị vĩnh cửu.
Ắt hẳn nhiều người sẽ bất ngờ nếu biết Đinh Hùng còn là tác giả của những trang phê bình văn học tinh tế, sắc sảo. Và cuốn thuật kí Ngày đó có em… là một minh chứng cho điều đó.
Cuốn sách mỏng, dày chưa đến 100 trang, được Nhà xuất bản Giao điểm ấn hành vào năm 1967, viết về “những bóng dáng đàn bà trong đời Bích Khê” mà theo tác giả của nó thì những người đàn bà ấy “cũng trở nên bất diệt như chính sự nghiệp của nhà thơ” và “nói tới những người đàn bà đó như nói tới những biểu tượng, hay, theo tia mắt nhìn ảo hoá của thi nhân, có thể tạm coi như những thần tượng”.
Đây là quyển sách rất đáng đọc. Bởi lẽ, đây là những trang viết cuối đời của một nhà thơ viết cho một nhà thơ. Hơn thế nữa, toàn bộ những chi tiết về cuộc đời của Bích Khê đều do Đinh Hùng thuật lại qua lời kể của bà Ngọc Sương, chị ruột Bích Khê. Tác giả đã bày tỏ: “(…) Chính bà Ngọc Sương, trong bài viết về Người Em (Văn số 64 ngày 15-8-66) cũng đã kể tới những mối tình của Bích Khê, nhưng kẻ viết bài vẫn muốn thuật lại câu chuyện “Giai nhân và thi sĩ” dưới một chủ đề riêng biệt, trước là để giữ trọn một lời tâm niệm đối với người đã khuất, sau nữa, để độc giả hội ý được thuần nhất và toàn vẹn vấn đề, với tất cả những chi tiết cần thiết cho một thiên tình sử - vì thiên tình sử của Bích Khê quả xứng đáng để chúng ta theo dõi sát từng bước, nếu ta muốn tìm hiểu rõ hơn tâm hồn thi sĩ”.
Cũng trong Ngày đó có em…, Đinh Hùng đã thể hiện được sự nhạy cảm, tinh tế của mình trong khi bình thơ của Bích Khê và có nhiều nhận xét xác đáng. Chúng tôi xin trích ra một đoạn: “Cái táo bạo của người tình nhân si mê không tỏ lộ được ở ngoài đời đã thoát ra sôi nổi và toàn vẹn trong thơ Bích Khê. Những hình ảnh ám dụ đột ngột hiện lên như bóng dáng một cơn mê sảng bàng hoàng, và những cảm giác gợi tình cháy lửa, đó là những dấu chân tình ái đầu tiên còn ghi đậm trong hồn thơ Bích Khê”. Và còn nhiều lắm những đoạn văn như thế.
Có thể nói, cuốn sách này là một tài liệu quí cho những ai quan tâm đến một thi sĩ cũng khá bí ẩn và kì lạ trong nền văn học nước nhà, một ngọn đuốc góp phần soi sáng diện mạo văn học lúc bấy giờ qua thân phận một nhà thơ.
Sau khi Ngày đó có em… được xuất bản bốn năm, tập tuỳ bút – phê bình Đốt lò hương cũ thông qua Nhà xuất bản Lửa Thiêng đã được ra đời. Đây là một tập hợp nhiều bài viết của Đinh Hùng đã được đọc trên Đài Phát thanh cũng như đã được đăng trên nhiều báo, tạp chí được ông sửa lại và dự định xuất bản nhưng bị cái chết ngăn trở. Mất mấy năm sau đó, người con trai trưởng Đinh Hoài Ngọc và anh rể ông là Vũ Hoàng Chương đã cho in cuốn sách để giúp ông hoàn thành tâm nguyện của mình: viết để tưởng niệm những thi sĩ, những nhà văn mà ông quen biết trong suốt thời gian cầm bút.
Đọc Đốt lò hương cũ, người ta dễ nhận ra sự tiếc thương bàng bạc trong từng trang sách. Đinh Hùng đã dành những tình cảm tốt đẹp cho những người bạn của mình, dành cho họ những câu văn hay nhất. Với ông, “Đó là những người không còn sống trong cuộc đời thực tại, nhưng vĩnh viễn sống trong thế giới của linh hồn, sống trường cửu trong cõi không hư vô cùng tận, và sống vĩnh viễn trong lòng chúng ta”.
Tập sách gần 200 trang, gồm 14 bài viết. Trong đó có nhiều câu chắc nịch như dồn nén sự tiếc thương vào đó, nhiều câu đầy chất thơ khi tác giả đang viết về những kỉ niệm, nhiều câu văn sống động như đang cựa quậy, như đang chuyện trò với những người đã khuất và với cả chúng ta:
“(…) Cuộc đời vẫn trôi đi không ngừng. Những người đã ra đi sẽ không bao giờ trở lại. Nhưng chúng ta không muốn vô tình. Trong lúc cuộc đời rộn rịp kéo nhau qua khắp mọi nẻo đường, chúng ta muốn ngồi lại phút giây, trầm mặc nhìn về quá khứ, gợi nhớ lại ít nhiều kỉ niệm, để lại thấy gần gũi thêm một vài hình bóng của những người bạn văn nghệ đã một sớm một chiều cách biệt chúng ta”.
Và thế là chân dung của những Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Phan Thanh Giản, Tản Đà, Bích Khê…và nhất là Thạch Lam một lần nữa lại hiện lên thật chân thực và bất ngờ.
Đốt lò hương cũ không chỉ hé lộ nhiều điều về cuộc đời của Đinh Hùng, của các nhà văn, nhà thơ khác mà còn cung cấp một điểm nhìn để soi chiếu về cuộc đời, về sự nghiệp văn chương của những người mà tác giả của nó trân trọng, ngưỡng mộ bằng con mắt của một thi nhân.
Chúng tôi sẽ trở lại đề cập đến mảng văn xuôi – tiểu luận này của Đinh Hùng ở chương ba .
1.3. Vấn đề văn bản tác phẩm
Khi mới tìm hiểu về sự nghiệp văn chương của Đinh Hùng, chúng tôi đã xác định vấn đề văn bản tác phẩm là vấn đề quan trọng nhất.
Vì nhiều lí do khách quan mà hầu hết những tác phẩm của Đinh Hùng ngay chính gia đình ông cũng không còn. Phần lớn các thư viện ở Việt Nam đều không lưu giữ các tác phẩm của ông.
Và có nhiều trường hợp khi chúng tôi tìm đến nơi thì sách đã bị thanh lý hoặc tác phẩm được giữ trong khu vực hạn chế, gây không ít khó khăn cho việc tiếp cận văn bản tác phẩm. Ví dụ như: Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện tỉnh Bình Định, Thư viện Hà Nội, Thư viện Khoa học Xã hội (Hà Nội).
Nhưng với những văn bản ít ỏi tìm được, chúng tôi cũng xin đính chính lại nhiều thông tin sai lệch về các tác phẩm của Đinh Hùng và nêu ra một số vấn đề còn khúc mắt để những người quan tâm, những người đi sau có thể giải quyết hoặc đơn giản là có thêm một hướng tiếp cận, một hướng nghiên cứu. Ví dụ:
- Quyển Bình thơ từ 100 bài thơ hay nhất thế kỉ XX (tập 1) do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành vào năm 2008 đã cho rằng hai tác phẩm Ngày đó có em…, Đốt lò hương cũ là hai tập thơ và không nhắc đến Tiếng ca bộ lạc.
- Thế Phong trong Lược sử văn nghệ Việt Nam cũng cho Ngày đó có em… là một tập thơ.
- Tập Mê hồn ca do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 1995 đã cho Ngày đó có em… và Đốt lò hương cũlà hai tập thơ.
Điều này cho thấy những thông tin về tác phẩm của Đinh Hùng hiện nay vẫn còn nhiều sai sót và đòi hỏi được sửa chữa, bổ sung cho chính xác.
Ngoài ra, cũng trong khi tìm văn bản các tác phẩm của Đinh Hùng, chúng tôi phát hiện được trường hợp của tác phẩm Đám ma tôi, tác phẩm mà đến hiện nay vẫn chưa thể xác định rõ ràng về thể loại.
Vũ Hoàng Chương và tác giả của Việt Nam thi nhân tiền chiến Nguyễn Tấn Long cho đó là một “tập văn xuôi”, Đặng Tiến thì cho đó là “một tập truyện”... còn Mai Thảo thì bảo đó là “một tập thơ văn xuôi” trong bài Lá thư chữ đỏ.
Tác giả Mai Thảo đã viết: “Vẫn trong lá thư chữ đỏ kia, Đinh Hùng đã nói rất nhiều, rất trang nghiêm đến tập Đám ma tôi, đến bó đuốc dẫn đường thi ca tiền chiến đã chuyển tay từ lãng mạn tới tượng trưng, đến một tập thơ văn xuôi khác – tập Vàng sao của Chế Lan Viên – cùng với Đám ma tôi, và theo Đinh Hùng, là hai tập sách tiêu biểu chót vót và nguy nga nhất của thơ Việt Nam, từ Thế Lữ. Nhận định này, tôi thấy là đúng nếu không hoàn toàn thì cũng đúng một phần. Vàng sao của Chế Lan Viên, Đám ma tôi của Đinh Hùng, Xuân thu nhã tập của nhóm Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, Kinh cầu tự của Huy Cận, kết hợp thành bản tuyên ngôn lớn tiếng cuối cùng của dòng thơ tiền chiến”. Cần nói thêm là bức thư chữ đó ấy, theo Mai Thảo, là bức thư mà Đinh Hùng đã gửi cho Huyền Kiêu và Mai Thảo đã được cho xem. Như vậy, phải chăng Đinh Hùng đã “xem” Đám ma tôi là một tập thơ văn xuôi?
Ban đầu, chúng tôi cũng ngả về khả năng này vì những lí do sau:
Thứ nhất, trước năm 1941, Đinh Hùng đã là một nhà thơ có tiếng trên thi đàn. Do vậy, nếu tác phẩm đầu tay được xuất bản của ông là thơ thì sẽ vô cùng hợp lí.
Hơn nữa, hầu hết các nhận định đều cho rằng Đám ma tôi là một “tập văn xuôi” dựa theo lời của Vũ Hoàng Chương và điều này không mâu thuẫn với những gì Mai Thảo đã viết. Tuy nhiên, theo lời người nhà cố thi sĩ Đinh Hùng thì Vũ Hoàng Chương chưa được đọc tác phẩm này. Như thế, nhận định của nhà thơ say rất đáng để chúng ta hoài nghi.
Một lí do khác là vào lúc bấy giờ đã có sự xuất hiện của thể loại thơ văn xuôi (prose poem). Và theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết những thi sĩ chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng đều đã từng làm thơ văn xuôi. Vậy thì Đinh Hùng có là ngoại lệ trong việc kiếm tìm một thể loại có thể giải phóng tối đa tính nhạc và tăng sức ám gợi cho câu thơ như thơ văn xuôi (prose poem) không? Hãy cùng chúng tôi điểm qua một vài tác giả và tác phẩm đương thời. Trước hết là Hàn Mặc Tử với Chơi giữa mùa trăng:
Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kì ảo, thơm thơm, và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy có nhiều miếng nhạc say say gió xé rách lả tả…Và rơi đến đâu, chạm vào thứ gì là chỗ ấy, thứ ấy vang lên tuy chẳng một ai thấy rõ sức rung động. Nghĩa là trăng rằm trung thu: một đêm siêu hình, vô lượng, tượng trưng của một mùa ao ước xây bằng châu lệ, làm bằng chia ly, và hơn nữa, hiện hình của một nguồn khoái lạc chê chán…Phải không chàng Ngâu và ả Chức?
Đây là Đất thơm của Nguyễn Xuân Sanh:
Mỗi ngày, chưa sáng, thợ gặt đẩy nhau đi, trên vai giấc mộng thơm vàng chảy tuôn như suối nắng. Con chim cũng còn trông đến ngày mùa, người ta nhắc nhau đi tìm ngọc. Đi tìm niềm vui trên đất.
Đây là Vàng sao nằm trong tập thơ cùng tên của Chế Lan Viên:
Một niềm quí trọng, đúng như mắt thấy, ta xem trên kia là một cõi trời vàng. Những khối kim chất tinh ròng, mang những đời sống hiểm nghèo, quay lộn trong muôn vàn khinh thanh ác độc. Của những đất Cao Miên, của những trời Ấn Độ, của những đêm khuya trên nước cũ Chiêm Thành, chúng có tính chất làm khô hồn ráo máu như vôi và run rẩy thịt da ta như bịnh sốt rét. Vàng! Vàng tất cả, thu khép nên đá sắt cứng cỏi hung tàn vì không chịu cảm thông. Cái đầu tròn, cặp kính tròn, quen ở quả đất tròn, chỉ những nhà thông thái mới tin rằng muôn sao tròn và bằng…đất! Tài năng tầm thường cằn cỗi ngay đi một khi lạc vào xa lạ, chỉ những nhà thơ không không gian vì gãy cánh mới tin rằng trên kia có quần chúng, có…người! Lầm! Muôn sao đẹp một cái đẹp…giết người. Cái đẹp bao giờ cũng phải giết…người. Không lễ sống, không Hy Sinh, sao thông cảm với thần minh? Giết chóc đi, hy sinh đi rồi thần minh sẽ đến. Đá trần gian trong một cái đá nhào, giăng linh hồn bão táp bay lên, ta đêm nay chịu đựng cho muôn sao tàn ác.
Hay như Yến Lan với Trinh bạch…
Và quan trọng hơn cả chính là những câu thơ của Đinh Hùng. Ta hãy cùng đến với đoạn thơ được chúng tôi trích ra từ bài Cảm thu nằm trong Tuyển tập thơ văn xuôi (Việt Nam và nước ngoài) [67] do hai tác giả Nguyễn Văn Hoa và Nguyễn Ngọc Thiện biên soạn:
…Từ hôm rời chân ở bến sông vắng, từ biệt con thuyền phiêu bạt, tôi đã hết nhớ những dãy núi xanh phơn phớt đằng xa và bâng khuâng trở lại con đường quê thân mật.
Đi trên đất đỏ, giữa hai ruộng ngô thơm ngào ngạt... Hương này có phải hương xưa? Ồ! những giây đậu vẫn còn non mà luống khoai lang đã xanh tươi rồi nhỉ?
Đi trên đất đỏ, bên những đồng rau cải cúc và dẫm lên cỏ may vàng. Đây là những con bướm cũ, những cánh hoa xưa. Và này đây tất cả ngày xưa: từng cơn gió nhỏ, từng sợi mây buồn…
Thôi! thôi! Tôi không còn trẻ thơ nữa để say sưa đuổi bắt bướm đồng, và chẳng ngắm gió, sầu mây, chỉ biết hoa lòng nở cũng nhiều bông trắng!
Bài thơ được viết vào năm 1940, tức là trước khi Đám ma tôi được xuất bản. Chính điều này đã cũng cố thêm cho niềm tin của chúng tôi. Tuy nhiên mọi chuyện chỉ sáng tỏ nếu chúng ta có thể tiếp cận được tác phẩm.
Rồi cuối cùng thì trong lúc sắp hoàn thành luận văn này, người viết đã may mắn tìm được tác phẩm đầu tay của Hoài Điệp. Và đến bây giờ, chúng tôi đã có thể khẳng định Đám ma tôi đích thực là một tác phẩm thơ văn xuôi.
Ta hãy đọc những dòng chữ sau của chính tác giả:
Tôi nói bằng thơ, bằng những lời thơ cánh bướm toàn những ý say chan chứa một ngàn mến thương, định gởi sang lòng em tôi bé nhỏ, lòng người con gái yêu quí muôn vàn…nhưng lại đem đọc cho lòng mình nghe. Trước khi chết đi, cái lời hấp hối của tôi, tôi chỉ muốn là một tiếng: Em ơi, hay là một tiếng nói nhỏ của lòng không cho ai rõ.
Còn đây là những dòng tâm sự của ông ở phần cuối quyển sách:
Kể câu chuyện “đám ma tôi” tôi không làm người sống để nói đến cái chết, mà chỉ muốn làm người chết để nói đến từng những đời sống rải rác ở đây, ở đó, từng những cuộc đời chiêm bao! Tôi làm nên một bài thơchia ly để thấy lòng mình đơn chiếc. Tôi vẽ phác bóng một rừng người qua mắt để trông, nhìn vài cảnh tượng hay hay… Tôi sống trước để mà cảm trước, tôi chết từ khi đang sống để hiểu thêm ý nghĩa đời nầy.
Dầu vậy, yếu tố quyết định đến thể loại của tác phẩm hẳn nhiên vẫn là chính những câu thơ của Đinh Hùng.
Theo chúng tôi, sự khác nhau giữa thơ và văn xuôi là ở nhịp điệu: nếu tác phẩm có nhịp tuyến tính thì nó là văn xuôi; còn nếu tác phẩm có nhịp luân vũ thì là thơ. Song, việc phân biệt này chỉ là tương đối bởi vì trong nhiều trường hợp rất khó phân biệt tác phẩm nào là thơ văn xuôi (prose poem) và tác phẩm nào là văn xuôi thơ (poetic prose). Ở Việt Nam, ta có thể thấy “văn xuôi thơ” (văn xuôi đầy chất thơ) ở Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng…
Từ điển thuật ngữ văn học viết rằng: thơ văn xuôi là “một hình thức cơ bản của thơ được viết bằng văn xuôi. Thơ văn xuôi khác thơ tự do ở chỗ không phân dòng, không dùng hình thức dòng thơ (cũng gọi là câu thơ) làm nhịp điệu, không có vần. Chất thơ của văn xuôi được tạo nên bởi cấu tứ và suy tưởng giàu chất khêu gợi, bất ngờ, chất triết lí thâm thuý, mơ mộng” [64,tr.319]. Còn tác giả Hữu Đạt, trong cuốn Ngôn ngữ thơ Việt Nam, từ góc độ ngôn ngữ học, đã nhận định: “Đứng trên phương diện ngôn ngữ thì thơ văn xuôi là đỉnh cao nhất của thơ tự do. Về hình thức câu nó có dáng dấp gần gũi với một câu văn xuôi, nhưng lại khác văn xuôi ở chỗ mang nhiều hình ảnh, nhiều chất thơ và được hình thành do cảm xúc trực tiếp của nhà thơ. Còn câu văn xuôi thường nặng về cách đánh giá, cách nhận định có lí trí. So với các thể thơ trước nó, thơ văn xuôi có nhiều ưu điểm là diễn tả được cùng một lúc những cảm xúc trùng điệp, những hình ảnh, những ý thơ liên tiếp. Do đó trong một câu thơ văn xuôi, người ta thường thấy bề bộn những sự kiện, những hình ảnh, những cảm xúc có khi lồng vào nhau hoặc đan chéo vào nhau”.
Ta hãy cùng đọc những câu thơ sau:
Trừ những “người bạn thân nhất đời” kia lại còn nhiều bạn khác cũng thân nhất đời chẳng kém. Họ đi sau cùng, làm những bậc hiền triết ít nói ít cười, nhưng nghĩ ngợi bao la…
Có người nghĩ đến bữa cơm trưa sắp đợi ở nhà với những món gi ngon ngon…
Có người nghĩ đến đoạn đường xa xôi ra tận nghĩa địa và hơi lấy làm lo ngại cho gót giầy của mình…
Có người nghĩ đến cái nầy, cái nọ, nhưng chắc không tư tưởng nào xây dựng ở trên cái chết của tôi…
Hay:
Tiết mùa đông năm nay giá lạnh dần dần, ở trong nghĩa địa đã có con chim nào về kêu gọi những tiếng tha hương? Cây thông liễu ngày ngày thương cảm nhiều hơn mấy ngọn cỏ xanh đã thấy ngậm sầu một nửa.
Trên nấm mồ tôi, hoa trắng bắt đầu ủ dột…
Ngày đi…
Ngày đi…
Bây giờ chiều đông lạnh ngắt những làn sương bạc.
Thêm nữa:
Chao ôi! Linh hồn của tôi bây giờ đi ở phương nào? Vui làm chi nhiều non nước lạ! Linh hồn của tôi! Linh hồn của tôi! Sao không một ngày trở lại thăm tôi đi! Khóc tôi đi! Cỏ xanh đã mọc lên trên mộ tôi rồi đấy!
Chao ôi! Linh hồn của tôi còn nỡ bỏ tôi, còn dám trách gì những ai phai nhạt!
Đến đây, thiết nghĩ trước khi có thể khẳng định Đám ma tôi là một tác phẩm được viết theo thể thơ văn xuôi, chúng tôi cần xoá tan đi sự hoài nghi: nó là một bài trường ca chứ không phải là một bài thơ văn xuôi vì độ dài lên đến hơn bảy mươi trang sách.
Như chúng ta đã biết, trường ca là một “thuật ngữ chỉ tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc trữ tình”. Tuy nhiên, sang thế kỉ XX, trường ca lại “phát triển theo hướng trữ tình, tâm lý, triết lý; yếu tố cốt truyện giảm xuống; các xúc cảm riêng tư thường được đặt trong liên hệ với những chấn động lịch sử lớn”. Nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn “từ những quan sát của chính mình” đã nhận định thế này trong bài viết Thanh Thảo với trường ca: “…Tôi thấy khi thơ trữ tình muốn trình bày suy cảm về những vận động lớn lao, thậm chí kì vĩ của đời sống bằng một hình thức lớn, khi ấy trường ca xuất hiện. Nói gọn hơn, khi thơ trữ tình muốn chiếm lĩnh thực tại ở cấp độ cái kì vĩ thì trường ca bắt đầu lên tiếng. Các trường ca hiện đại của ta manh nha từ thời Thơ Mới, lác đác trong cuộc kháng chiến chống Pháp, rộ lên suốt thời chống Mỹ và bội thu sau chống Mỹ, chẳng phải là một bằng chứng sinh động hay sao”.
Quay trở lại với tác phẩm đầu tay của Hoài Điệp, ta dễ dàng nhận ra đó là những cảm nhận, những suy tư mang tính cá nhân nhân “cái đám tang của chính mình” để “hiểu thêm ý nghĩa của cuộc đời”; là những lời lẽ chân thành của một tâm hồn cô đơn, của một con người rụt rè vẫn “chờ mong người ta đến kết bạn trước”. Từ đó, ta có thể thấy tác phẩm này không có tham vọng “chiếm lĩnh thực tại ở cấp độ cái kì vĩ”, cũng không có “các xúc cảm cá nhân gắn với các chấn động lịch sử lớn lao”. Như thế, không còn nghi ngờ gì nữa, Đám ma tôi đích thực là một bài thơ văn xuôi, một bài thơ có độ dài lớn đến mức khiến nó trở thành một trường hợp hy hữu trong nền văn học nước nhà.
Qua trên, người viết đã cố gắng chứng minh, đính chính lại một số thông tin sai lệch về các tác phẩm của Đinh Hùng; góp phần khẳng định sự tìm tòi sáng tạo của cố thi sĩ. Và có thể nói rằng, vấn đề văn bản tác phẩm Đinh Hùng là một mảnh đất đầy tiềm năng cần được khai phá, nhất hiện nay vẫn còn nhiều tác phẩm của ông đã được đăng báo nhưng vẫn chưa được xuất bản đang rất cần những ai có khả năng và điều kiện tập hợp lại đầy đủ.
Hy vọng chúng tôi đã góp phần mở đường, mở ra một hướng tiếp cận mới cho những người quan tâm, những người đi sau có thể tìm hiểu, nghiên cứu.
1.4. Vị trí của Đinh Hùng trong dòng chảy thi ca Việt Nam
Có thể khẳng định, Đinh Hùng không chỉ có một vị trí nhất định mà còn nổi bật trên văn đàn lúc bấy giờ.
Thơ ông được nhiều người đọc, nhiều người thuộc. Thơ ông được nhiều diễn viên mang vào vở diễn trên sân khấu. Những bài hát phổ thơ ông như Mộng dưới hoa của Phạm Đình Chương hay do ông viết lời nhưChiều tím của nhạc sĩ Đan Thọ… đến tận ngày nay vẫn được đông đảo công chúng yêu thích. Ngay cả sau khi vào Sài Gòn, Đinh Hùng vẫn là một cái tên được nhắc đến nhiều, có sức ảnh hưởng lớn khi ông làm Trưởng Ban Tao Đàn và có nhiều đóng góp cho thi ca nói chung và cho việc trình diễn thơ ca nói riêng.
Và quan trọng hơn cả, có lẽ là những ý kiến đánh giá, nhận xét của đồng nghiệp Đinh Hùng, của những người nghiên cứu – phê bình văn học mà chúng tôi đã nhắc đến ở các phần trên của luận văn.
Nhưng dù được đánh giá cao như thế nhưng Đinh Hùng vẫn không thể vào được mắt xanh của Hoài Thanh – Hoài Chân. Điều này cho đến tận bây giờ vẫn khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu và cũng chưa có ai lí giải thấu đáo.
Vì sao Đinh Hùng không có mặt trong Thi nhân Việt Nam?
Câu hỏi này tinh tế đến nỗi dường như câu trả lời nào cũng chưa đủ. Về chủ quan, người viết cho rằng: mĩ cảm của Hoài Thanh là nguyên nhân quan trọng nhất, dù có thể không phải là nguyên nhân duy nhất.
Như chúng ta đã biết, cuốn Thi nhân Việt Nam được xuất bản lần đầu vào năm 1942 trong khi tác phẩm sớm nhất của Đinh Hùng thì được xuất bản vào năm 1943 dù nhiều bài thơ của ông đã được phổ biến trước đó. Câu hỏi đặt ra: Lúc ấy, Hoài Thanh đã biết đến Đinh Hùng chưa?
Chắc chắn là Hoài Thanh đã biết đến Đinh Hùng. Bởi ông đã viết ở Một thời đại trong thi ca:
“Chung quanh đôi bạn Xuân Diệu – Huy Cận có vô số thi sĩ bàn nhì bàn ba: Tế Hanh, Huyền Kiêu, Đinh Hùng, Phan Khắc Khoan, Thu Hồng, Nguyễn Đình Thư, Xuân Tâm, Huy Tân, Huy Chức, Phan Thanh Phước, Nguyễn Đức Chính, Tường Đông…”.
Trong những thi sĩ “bàn nhì bàn ba” đó không phải ai cũng bị bỏ qua như Đinh Hùng. Bằng chứng là Tế Hanh, Phan Khắc Khoan, Nguyễn Đình Thư vẫn được góp mặt.
Quan tâm đến sự vắng mặt của Đinh Hùng trong Thi nhân Việt Nam, trong cuốn Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy được xuất bản gần đây, Đỗ Lai Thuý đã viết:
“Hạn chế chủ yếu của cái tôi Hoài Thanh, tôi nghĩ, là ở quan niệm thẩm mỹ. (…) Hoài Thanh tuy phóng mắt bao quát cả Một thời đại trong thi ca, nhưng cái lòng riêng, riêng những mến yêu ấy thì vẫn dành cho các nhà lãng mạn. Điều này đã để lại dấu vết ở Thi nhân Việt Nam”..
Và thêm nữa, tác giả đã nhận định rằng:
“(…) Lại cũng do thị hiếu thẩm mỹ chỉ dừng lại ở lãng mạn nên Hoài Thanh đã bỏ qua Đinh Hùng, một thi tài lớn. Đinh Hùng lúc ấy, tuy chỉ mới trích in vài bài, nhưng tập thơ tượng trưng Mê hồn ca của ông đã được nhiều người truyền chép. Hơn nữa, chỉ một Bài ca man rợ, Đinh Hùng đã làm nhiều nhà thơ đàn anh như Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương phải bái phục. Còn Bích Khê, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử tuy có được tuyển, nhưng không hợp tạng, nên thái độ của Hoài Thanh vẫn rất nhiều xa cách và e ngại…”.
Phải chăng “Hoài Thanh là một nhà thơ lãng mạn bị đóng đinh trên cây thánh giá phê bình”?
Hãy xem xét trường hợp một nhà thơ tượng trưng khác là Bích Khê, ta dễ dàng nhận ra những Tỳ bà, những Mộng cầm ca, những Đôi mắt, Hoàng hoa, Nghê thường…quả thật là không mới, nặng tính truyền thống. Nếu đem so với những Bài ca man rợ, Những hướng sao rơi, Người gái thiên nhiên, Kì nữ, Hương trinh bạch,Màu sương linh giác…thì chất tượng trưng được thể hiện trong tác phẩm của ai rõ ràng hơn thì chúng ta hẳn đã có câu trả lời. Thơ Bích Khê đã có cái giọng của chủ nghĩa tượng trưng nhưng vẫn chưa tạo được một thế giới để những nhân vật của mình trú ngụ như thơ của Đinh Hùng.
Và bây giờ, ta hãy xem xét trường hợp của Xuân Diệu, “người mang đến cho thơ mới nhiều cái mới nhất” (Vũ Ngọc Phan).
Như ta đã biết, Xuân Diệu là nhà thơ có chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, của thi sĩ tượng trưng Pháp, như ông đã thừa nhận trong bài Tình trai.
Biểu hiện nổi bật nhất của sự ảnh hưởng này trong thơ ông là vết dấu của cái tư duy tương hợp. Cũng cần nói thêm rằng, tư duy tương hợp là quan trọng nhất bởi vì nó chính là cái cốt lõi, cái bản chất của thơ tượng trưng. Và nó là một cách thức làm hé lộ ra một thế giới vô hình ẩn sau bề mặt sự vật. Ta hãy cùng đọc lại một vài câu thơ của thi sĩ họ Ngô này:
- Tháng giêng ngon như một cặp môi gần. (Vội vàng)
- Đã nghe rét mướt luồn trong gió (Đây mùa thu tới)
- Này lắng nghe em khúc nhạc thơm
…………………………………….
- Hãy tự buông cho khúc nhạc hường… (Huyền diệu)
- Long lanh tiếng sỏi vang vang hận (Nguyệt Cầm)
- Hương hiu hiu nên gió cũng ngọt ngào (Hoa đêm)
Bấy nhiêu cũng đủ thấy dấu ấn của tư duy tương hợp, vết dấu của chủ nghĩa tượng trưng trong thơ Xuân Diệu đã rõ. Và với ông, cái “tư duy tương hợp” này, cái sự hoà hợp các giác quan này chỉ như một phương cách giúp ông có thể tận hưởng cuộc sống, giao cảm với cuộc đời:
- Giơ tay muốn ôm cả trái đất (Bài thơ tuổi nhỏ)
- Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi (Vội vàng)
- Ta uống mê vào hơi thở của ngươi:
Ta bấu vào da thịt của đời
Ngoàm sự sống để làm êm đói khát
Muôn nỗi ấm với ngàn muôn nỗi khát
Ta đều ăn, nhắm nhía rất ngon lành… (Thanh niên)
Có thể nói, Xuân Diệu đã chạm được tay vào nắm cửa của chủ nghĩa tượng trưng nhưng không mở ra mà quay lại để nhìn thế giới- thế giới thực tại, mà quay lại để tận hưởng cuộc sống- cuộc sống thực tại. Xuân Diệu đã đứng ở cái lằn ranh nhập nhằng giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa tượng trưng, đứng ở cái điểm xa nhất của chủ nghĩa lãng mạn để phóng xuất hết mọi khả năng của mình, thức nhọn toàn bộ các giác quan của mình để hoà nhập, để giao cảm, để nuốt chửng mọi tinh lực của cuộc sống thực tại. Còn Đinh Hùng thì không. Đinh Hùng đã mở toang cánh cửa ấy, bước qua nó và đã thực hiện được nhiệm vụ, mục tiêu của chủ nghĩa tượng trưng là khám phá và biểu hiện được thế giới vô hình. Và đó cũng chính là thế giới của chủ nghĩa tượng trưng. Điều này có nghĩa là ông đã bước ra khỏi mĩ cảm của Hoài Thanh.
Như vậy, Đinh Hùng là trường hợp đáng tiếc nhất mà tác giả Thi nhân Việt Nam đã bỏ sót.
Trương Quốc Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét