"Tà dương" - người đẹp Thanh Mai |
Với cảm hứng lãng mạn, Đinh Hùng đã tạo ra được nhiều thi phẩm có giá trị nghệ thuật cao, thể hiện được cá tính nghệ thuật độc đáo trong việc xây dựng, hình thành một thế giới lí tưởng dung chứa những khát vọng của mình. (ảnh không liên quan đến bài viết)
CHƯƠNG 2
THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT THƠ ĐINH HÙNG
Tôi vẫn ở một phòng sầu bé nhỏ
Riêng một đèn, một gối, một tình yêu.
Đời của tôi là giấc mộng ban chiều,
Tôi lấy bút vẽ con đường vũ trụ.
(Xin hãy yêu tôi)
2.1. những cảm hứng chính trong thơ Đinh Hùng
2.1.1. Khái niệm cảm hứng
Cảm hứng là “nàng thơ”, là tất cả và cũng chẳng là gì cả nếu không có tác phẩm. Những người Hy Lạp cổ đại gọi cảm hứng là pathos với nghĩa là một tình cảm nồng nàn, sâu sắc khi đặt điểm nhìn ở góc độ người sáng tác. Đây là cách hiểu đơn giản và sớm sủa nhất của khái niệm này.
Hầu hết các nhà văn đều xem trọng cảm hứng. Họ xem đó là một đặc ân, một món quà của thần Zeus, của Apollon; một duyên may ít gặp cần giữ lấy… Đại văn hào Balzac đã nói: “Xét về mặt tự tiện và đỏng đảnh thì không một gái giang hồ nào so sánh nổi với cảm hứng của nghệ sĩ, nên hễ cảm hứng xuất hiện một cái là phải tóm ngay lấy nó, như tóm lấy một dịp may hiếm có vậy”. Đáng chú ý là nhận định của nhà lý luận văn học Bielinski khi đã đặt nặng vai trò của cảm hứng và xem đó là điều kiện không thể thiếu cho sự ra đời của một tác phẩm đích thực. Bởi vì, theo ông thì cảm hứng “biến sự chiếm lĩnh thuần tuý trí óc đối với tư tưởng thành tình yêu đối với tư tưởng, một tình yêu mạnh mẽ, một khát vọng nhiệt thành”.
Từ điển thuật ngữ văn học do các tác giả Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi đã định nghĩa cảm hứng chủ đạo là “trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm”. Bên cạnh đó, các tác giả này còn khẳng định rằng “lí luận văn học xem cảm hứng chủ đạo là một yếu tố của bản thân nội dung nghệ thuật, của thái độ tư tưởng xúc cảm ở nghệ sĩ đối với thế giới được mô tả” và “có thể gọi tắt những cảm hứng chủ đạo là cảm hứng”.
Có thể nói rằng cảm hứng (cảm hứng chủ đạo/ cảm hứng tư tưởng) là một yếu tố trong khâu sáng tác lẫn khâu tiếp nhận tác phẩm văn học. Nó khơi nguồn, thúc đẩy quá trình sáng tạo của nhà văn; đồng thời thể hiện được quan niệm của nhà văn về thế giới hiện thực mà mình đã chiếm lĩnh hoà trộn với cảm xúc, tình cảm của bản thân. Nó là cái bên trong chủ thể sáng tạo chuyển dịch sang tác phẩm, trở thành một yếu tố nội tại của tác phẩm và chi phối đến cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm, góp phần tạo nên giá trị tư tưởng của tác phẩm…Và hơn nữa, còn tác động đến đối tượng tiếp nhận tác phẩm.
2.1.2. Cảm hứng lãng mạn trong thơ Đinh Hùng
Làm thơ vốn dĩ là một công việc lãng mạn và nhà thơ thì không phải ngẫu nhiên mà người ta vẫn cho là những kẻ mộng mơ. Vẫn còn đó lời tuyên bố của Chế Lan Viên trong lời tựa tập thơ Điêu tàn: “Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát Hiện Tại. Nó xối trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý”. Bởi vì, từ điển tiếng Việt đã định nghĩa “lãng mạn” thế này: “mơ mộng, xa rời thực tế, thường có những tình cảm uỷ mị”. Bởi vì, “thơ phát khởi ở trong lòng người ta” (Lê Quí Đôn). Bởi vì, nhà thơ chẳng bao giờ nhìn thực tại như nó vốn là, và điều này đã được Huỳnh Phan Anh viết rất hay như sau: “Viết không còn là tác động thuần tuý trí tuệ, nó là một hành vi thấm nhuần tính cách ma thuật (magie). Viết là xử dụng ngôn ngữ như một sự kiện ma thuật. Ngôn ngữ không còn diễn đạt thực tại, chúng diễn đạt những huyễn tượng, những ám ảnh trong tâm hồn người viết. Thực tại được thi vị hoá, hơn thế nữa, thực tại được biến đổi dưới nhãn quan lãng mạn. Thực tại chỉ còn là một cái cớ. Nó không còn là một sự kiện nền tảng. Người ta nhìn một thực tại ra một thực tại khác…”.
Tuy vậy, việc thi nhân có “nhãn quan lãng mạn” không có nghĩa là trong tác phẩm của họ ta sẽ bắt gặp được “cảm hứng lãng mạn”. Thêm nữa, “lãng mạn” còn được dùng để “nói một khuynh hướng văn nghệ vượt ra khỏi những qui tắc gò bó, những khuôn khổ cứng nhắc, chỉ dựa vào trí tưởng tượng và những cảm xúc cá nhân”. Như thế, thì khi trở lại “một thời đại trong thi ca”, thời đại mà chủ nghĩa lãng mạn đang phủ bóng và bao trùm hết thảy, việc tìm kiếm và xác định cảm hứng lãng mạn trong các thi phẩm tất nhiên là sẽ gặp nhiều khó khăn và phức tạp. Nếu thi sĩ chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn thì trong tác phẩm của họ tất yếu sẽ có mặt của cảm hứng lãng mạn, điều này hẳn nhiên không cần phải bàn cãi. Nhưng nếu là một nhà thơ chịu ảnh hưởng của một trào lưu văn học khác, cụ thể ở đây là chủ nghĩa tượng trưng như Đinh Hùng thì sao? Và nếu có thì liệu cảm hứng lãng mạn của một nhà thơ tượng trưng với một nhà thơ lãng mạn có gì giống và khác nhau?
Chúng tôi cho rằng: Cảm hứng lãng mạn là cảm hứng hướng đến cái khác thường, cái phi thường, cái lí tưởng. Nó có đặc điểm là giàu cảm xúc, giàu trí tưởng tượng. Từ đó dẫn đến việc lãng mạn hoá hiện thực trên cơ sở hiện thực.
Và sau khi đã khảo sát toàn bộ thi phẩm Đinh Hùng, chúng tôi nhận thấy: sự hiện diện của cảm hứng lãng mạn trong thơ ông là rất rõ nét. Trước khi làm sáng tỏ điều này, ta hãy đến với những nhận định của nhà thơ Hồ Dzếnh:
Ta đừng mong gặp ở thơ Đinh Hùng những quan niệm thông thường về nhân sinh thực tại, vì thi sĩ mải mê tìm về với thời đại nguyên thuỷ, thần linh. Tuy vậy tác phẩm của thi sĩ có một đường lối riêng biệt, một màu sắc tân kỳ.
Thật vậy! Quá nhiều cái chết của những người thân yêu, đặc biệt là của chị Hồng, nàng Liên, đã làm cho thi sĩ thấm thía cái lẽ “tài mệnh tương đố”, cái lẽ “hồng nhan bạc mệnh” và quan trọng hơn cả là cái lẽ vô thường của cuộc đời, để rồi thúc đẩy ông tìm đến một thế giới khác- thế giới của tự do, của vĩnh cửu: thiên nhiên. Cần nói ngay rằng, cái phản ứng này của Đinh Hùng đối với thực tại là không mới, bằng chứng là Đỗ Phủ từ rất lâu rồi đã viết: “Quốc phá sơn hà tại” (Nước mất nhưng sông núi vẫn còn). Đó là câu thơ đầu tiên trong bài Xuân vọng thể hiện quan niệm, triết lý sâu sắc của Tử Mỹ về cuộc đời, về cõi nhân sinh. Phải chăng tất cả mọi thứ thuộc về con người, thuộc về quan niệm của con người rồi cũng sẽ mất đi và chỉ những gì thuộc về thiên nhiên mới là vĩnh cửu? Phải chăng vì thế mà Đinh Hùng nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn những cảnh giả tạm nên đã viết rằng: “Lệ in bóng núi mờ nhân ảnh/ Mây đó về đâu có gặp mình,/ Thương Nước vô danh, Người mộng ảo,/ Ta cười một nét vẽ hư linh.” (Trời ảo diệu)? Và do đó, việc Đinh Hùng tìm đến thiên nhiên cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, thiên nhiên trong quan niệm của Đinh Hùng không phải là thiên nhiên theo cách hiểu thông thường mà là thiên nhiên hoang dã, thiên nhiên nguyên thuỷ. Vì đó là một chiều kích khác, nơi mà không gian - thời gian đã hoà làm một.
Sau đây là những câu thơ tiêu biểu:
Khi Miếu Đường kia phá bỏ rồi,
Ta đi về những hướng sao rơi.
Lạc loài theo dấu chân cầm thú,
Từng vệt dương sa mọc khắp người.
(Những hướng sao rơi)
Sao là biểu tượng của thiên nhiên. Do đó, “đi về những hướng sao rơi” ở đây nghĩa là đi về với thiên nhiên, là quá trình thiên nhiên hoá, là bỏ cái thế giới văn minh lại sau lưng. Nhà phê bình Đỗ Lai Thuý khi phân tích câu thơ cuối trong khổ trên đã có một ý rất hay khi cho rằng: “Mọc lên những vệt nắng, con người đã hoà nhập làm một với mặt trời”. Mà mặt trời cũng lại là một biểu tượng của thiên nhiên; hơn thế nữa, còn là biểu tượng của sự vĩnh cửu.
Nhưng tìm về với thiên nhiên không có nghĩa là chối bỏ và phủ định đồng loại. Bởi càng ý thức về bản thân mình bao nhiêu, càng ý thức về thân phận làm người của mình bao nhiêu thì người ta càng thấm thía được một điều rằng: phủ định đồng loại cũng có nghĩa là đã phủ nhận chính bản thân mình. Cho nên, tất yếu, thi nhân phải kiếm tìm đồng loại, cụ thể ở đây là bộ lạc. Và trong khi tìm kiếm, thi nhân đã bắt gặp Người gái thiên nhiên. Hãy nghe người kể chuyện huyền thoại Đinh Hùng kể lại sự gặp gỡ đó:
Trải sông nước, vượt qua từng châu thổ,
Ta đến đây nghe vượn núi kêu sầu.
Cảnh diễm lệ ngẩn ngơ hồn cầm thú,
Thôi dừng chân, xem Nhan Sắc lên ngàn.
Nỗi vui mừng nở trắng ý phong lan,
Chiều hương lạ, mộng rừng về nghi ngút.
Chúng tôi gặp nhau bên dòng suối ngọt,
Làm đôi người cô độc thuở sơ khai:
Nàng bâng khuâng đốt lửa những đêm dài,
Ta từng buổi bơ vơ tìm bộ lạc.
Nàng là Gái – Muôn – Đời không đổi khác:
Bộ ngực tròn nuôi cuộc sống đương xuân.
Ta đến đây làm chủ hội phong trần,
Lấy hoa lá kết nên Tình Thái Cổ.
Vậy là cái cảm hứng lãng mạn trong thơ Đinh Hùng đã lộ rõ trong cái nhìn của thi nhân về một thế giới thế giới thoát thai từ huyền thoại. Phải chăng chốn ấy là Utopia (tên tác phẩm của Thomas More)?
Cũng cần nói thêm rằng, dù ta thấy trong thơ lãng mạn và thơ tượng trưng đều có cấu trúc hai thế giới, nhưng chúng lại có bản chất khác nhau. Nếu như trong thơ lãng mạn có thể dễ dàng nhận ra thế giới hiện thực và thế giới lí tưởng hoá trong sự đối lập của chúng thì trong thơ tượng trưng, người ta dễ thấy nổi bật lên là thế giới của của linh hồn, của tinh thần có tính chất siêu nghiệm.
Và bây giờ, đến với hình tượng Người gái thiên nhiên, chúng tôi xin phép lại dẫn ra ngay đây những nhận xét của nhà nghiên cứu văn học và văn hoá Đỗ Lai Thuý, người đã dành nhiều tâm huyết cho việc tìm hiểu thế giới thơ Đinh Hùng:
"Đây là một sáng tạo ngôn từ đặc biệt của Đinh Hùng. Sâu thẳm và hiện đại đến mức chỉ có được ở tư duy của những người làm nhân học văn hoá (anthropologie culturelle) những năm cuối thế kỉ này. Chữ “thiên nhiên” trước đây chỉ được dùng để chỉ môi trường tự nhiên bao quanh, mùa xuân hoa nở, bóng non xanh, hoang thảo… nhưng khi tác giả đặt nó cạnh từ “người gái” thì cuộc hôn phối từ ngữ cưỡng bức này đã làm từ “thiên nhiên” đẻ ra một nghĩa mới. Thiên nhiên bây giờ chỉ cái gì cổ sơ nhất, thuần khiết nhất, nguyên khối nhất trong con người- một thực thể vừa là thiên nhiên vừa không phải là thiên nhiên. Chính cái thiên nhiên theo nghĩa đó đã nối con người hôm nay với con người vạn năm trước, thậm chí với cả cầm thú, cỏ cây. Và cái thiên nhiên ấy còn bảo lưu tương đối nguyên vẹn ở người nguyên thuỷ. Bởi vậy, nhà thơ gọi người con gái đó là Gái-Muôn-Đời".
Còn khi nhìn nhận dưới góc độ văn học, chúng tôi nhận thấy: cùng với cảm thức văn hoá và khả năng trực giác, cảm hứng lãng mạn không chỉ đã tác động và góp phần không nhỏ vào việc hình thành nên những hình tượng thơ đẹp đẽ, tân kì mà còn chi phối mạnh đến ngôn ngữ thơ Đinh Hùng. Như thế, những từ như: “man rợ”, “man dại”, “cổ sơ”, “hồn sơ cổ”, “tình thái cổ”…xuất hiện trong thơ ông là kết quả của sự tác động, chi phối ấy. Chúng như những viên gạch để thi nhân “kiến trúc một chiêm bao thần bí”.
Đến đây, ta hãy cùng trở lại với cái thế giới lãng mạn, trở lại với cái giấc mộng dở dang của thi nhân để bắt gặp những biểu hiện lạ lùng như thế này:
Từng buổi hoàng hôn xuống lạ kì
Ta nằm trên cỏ lắng tai nghe
Thèm ăn một chút hoa man dại,
Rồi ngủ như loài muông thú kia.
(Những hướng sao rơi)
Những tưởng thoát li khỏi thế giới thực tại và đặt chân đến thế giới thiên nhiên, thế giới của tự do vĩnh cửu, thì thi nhân sẽ tìm được hạnh phúc, nhưng không. Vẫn còn đó cái từ trường bao bọc ngăn cách thi nhân với cái thế giới xung quanh, vẫn còn đó sự dị biệt không tài nào san lấp nổi. Và thi nhân chỉ như kẻ lỡ bước, lạc lõng giữa một nơi chốn xa lạ, “tự phân biệt với những hồn cổ sơ, hồn cổ bởi dị mộng: Hồn cổ ngồi chung mộng vắn dài”[100, tr.158]. Bởi thế, thi nhân mới khát khao, thèm muốn được như muông thú, nghĩa là trở thành một bộ phận của thiên nhiên, nghĩa là được hoà hợp thực sự với thiên nhiên, thoát li khỏi thực tại hoàn toàn. Đây là điều dễ hiểu. Bởi vì thi nhân nhìn đâu cũng chỉ thấy những sự vật, hiện tượng tượng trưng, tạm bợ. Bởi vì thi nhân đâu thể nào rũ bỏ được mọi thứ để trở thành người hoang dã hoàn toàn mà không bị ràng buộc, chi phối bởi những hệ luỵ, định kiến, những quan niệm, những lề thói của xã hội, của chốn văn minh… Vẫn còn đó hình ảnh của kinh kì như một nỗi ám ảnh khôn nguôi, vẫn còn đó như một sự hoài vọng:
Sau trái cô sơn, ngày lại ngày,
Hồn kinh kì hiện dưới chân mây.
(Những hướng sao rơi)
Cho nên, dù đang ở bên cạnh Người gái thiên nhiên, Đinh Hùng vẫn cảm thấy: “Mùi cỏ lá bỗng thoảng hồn mong nhớ”. Và đây là hệ quả tất yếu:
Lòng đã khác ta trở về Đô Thị,
Bỏ thiên nhiên huyền bí của ta xưa.
Bóng ta đi trùm khắp lối hoang sơ,
Và chân bước nghe chuyển rung đồi suối.
Lá cỏ sắc vương đầy trên tóc rối,
Ta khoác vai manh áo đẫm hương rừng,
Rồi ta đi, khí núi bốc trên lưng,
Mắt hung ác và hình dung cổ quái.
Đó là Bài ca man rợ của thiên nhiên hoang dã, kì vĩ vang lên giữa lòng đô thị, vang lên giữa thi đàn, làm nên cơn chấn động xác lập ngay vị trí của người tạo ra mình và đến nay vẫn còn khiến người ta sửng sốt. Những câu thơ trên khiến người ta nhớ đến bài Nhớ rừng của Thế Lữ. Nhưng ở đây không phải là lời của một con hổ trong vườn bách thú “gặm một khối căm hờn trong cũi sắt” tiếc nhớ tự do mà là lời của một con người trở về đô thị từ “thiên nhiên huyền bí”- thế giới của tự do. Điều này quả là bất thường!
Nói là bất thường bởi vì, trở về với đô thị (thuộc địa) lúc bấy giờ là quay lại cái lãnh địa của những đổi thay; của những giá trị đang đảo lộn từng ngày, từng giờ; của những gì bất trắc, mong manh và dễ tan biến…
Nói là bất thường vì đây là điều chưa từng có tiền lệ trong dòng chảy của thi ca dưới cái bóng đè nặng của Chủ nghĩa lãng mạn. Bởi trong Thơ mới, người ta có thể nhận ra có quá nhiều ngả đường dẫn ra khỏi thực tại và chưa từng có trường hợp nào đã “thoát li” rồi lại “quay trở về”. Người ta không quên một Tản Đà “muốn làm thằng Cuội”, một Thế Lữ khát khao tới cõi Thiên Thai, một Vũ Hoàng Chương ngụp lặn trong những cơn say, một Xuân Diệu “mơ xưa” vì nhận ra mình đang ở trong “cuộc thế ao tù” nên “đốt điếu thuốc chiêu hồn sương quá khứ”, tiếc nhớ cái thuở “hạc theo trăng, tiên còn lẫn với người”,… cũng như không thể quên những lời van nài của Chế Lan Viên trong bài thơ nổi tiếng Những sợi tơ lòng: “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh,/ Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!/ Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh/ Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo”. Và như thế, đến bây giờ, chắc hẳn người ta cũng khó có thể quên được sự trở về lạ lùng đó trong thơ Đinh Hùng.
Nhưng rồi thì sao? Tác giả đã trả lời:
Trông thấy ta, cả cõi đời kinh hãi,
Dòng sông con nép cạnh núi biên thuỳ,
Đường châu thành quằn quaị dưới chân đi,
Xao động hết loài cỏ hoa đồng nội.
Người và vật nhìn ta không dám nói,
Chân lảng xa, từng cặp mắt e dè.
Ta ngẩn ngơ nhìn theo bóng ngựa xe,
Nhìn theo mãi đến khi đời lánh cả.
Đô thị, nơi tác giả đã từng thuộc về, nay trở về sao lại khiến “cả cõi đời kinh hãi” và xa lánh? Ở đây, ta thấy không chỉ có mâu thuẫn, xung đột giữa cá nhân với xã hội, giữa man rợ với văn minh hay giữa thiên nhiên với xã hội mà còn là giữa cái lí tưởng và thực tại:
Ta về đây lạ hết các ngươi rồi,
Lạ tình cảm, lạ đời chung, cách sống.
Bởi vì sống trong lòng đô thị, con người mải mê chạy theo những giá trị vật chất mà đánh mất bản thân mình:
Rồi dữ tợn, ta vùng đi khắp xứ,
Nắm hai vai người tục khách qua đường.
Lòng lạ lùng tìm ảnh với tìm hương,
Nhưng lẫn lộn chỉ thấy mầu xiêm áo.
Trán thì phẳng- ôi đâu là kiêu ngạo?
Đâu hồn nhiên trên nét vẽ râu mày?
Thi nhân không ngần ngại gọi đó là một lũ người mất gốc, tha hoá:
Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản,
Mất tinh thần từ những thuở xa xôi!
Còn chút hy vọng, ông “đi tìm người thiếu nữ ngày xưa” nhưng rồi nàng lại “khiếp sợ lùi xa” khiến thi nhân rơi vào bi kịch:
Ta lại điên rồ, đau đớn, xót xa
Trong cô độc, thấy tình thương cũng mất.
Và cũng giống như Lưu Nguyễn, Từ Thức, Taro từ cõi tiên, từ thuỷ cung trở về thế giới thực tại, thi nhân cũng cảm thấy xa lạ, lạc lõng và hẫng hụt. Vì đâu? Nếu trong truyện cổ, nguyên nhân là thời gian thì ở đây, câu trả lời là Đô Thị, tức là thế giới thực tại, nơi con người bán rẻ mình vì những thứ phù phiếm, nơi tâm hồn con người bị xâm thực và bị xói mòn bởi vật chất. Đó là cái thế giới đã đánh mất đi sự hồn nhiên của mình. Do vậy, thi nhân đã phản kháng:
Ta lảo đảo vùng đứng lên cười ngất,
Ghì chặt nàng cho chết giữa mê ly.
Rồi dầy xéo lên sông núi đô kỳ,
Bên thành quách ta ra tay tàn phá,
Giữa hoang loạn của lâu đài, đình tạ,
Ta thản nhiên, đi trở lại núi rừng.
Một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng.
Thi sĩ Bàng Bá Lân đã cho rằng câu thơ cuối cùng trong bài “đẹp một vẻ đẹp man rợ, có sức khêu gợi mạnh mẽ và để lại dư âm trong lòng người đọc, không kém gì câu cuối bài Giấc ngủ đại bàng (Le sommeil du condor) của Leconte de Lisle. Trong bài thơ này, nhà thi sĩ Pháp trình bày một con đại bàng đậu trên chỏm núi cao nhất ở dẫy núi Corditlère des Andes (Nam Mỹ), lặng lẽ nhìn cuộc chiến đấu âm thầm mênh mông giữa mặt trời và đêm tối, và khi đêm tối dần dần lan rộng dâng lên đến chỗ chim đậu thì đại bàng tung cánh vượt lên cao, thoát ra ngoài bóng tối bao la đang tràn ngập địa cầu và đang thẳng cánh đứng yên trong không trung còn rực rỡ ánh hoàng hôn sắp tắt”.
Những câu thơ của Leconte de Lisle mà thi sĩ Bàng Bá Lân nhắc đến là những câu thơ sau:
Dans un cri rauque, il monte où n’atteint pas le vent:
Et loin du globe noir, loin de l’astre vivant,
Il dort dans l’air glacé, les ailes toules grandes.
Nghĩa là:
Nó tung bay trong tiếng kêu man rợ
Đến tận miền gió không lọt được vào
Và xa mặt trời, xa mặt đất ngập bóng đêm
Chim xoè cánh trong khí lạnh, ngủ êm đềm. (Nguyễn Ngọc Côn dịch)
Tuy chỉ qua vài câu thơ nhưng so với nhà thơ Pháp nọ, người viết nghĩ rằng Đinh Hùng chẳng những không kém cạnh mà thậm chí còn có phần trội hơn, ít nhất là trong việc sáng tạo ra biểu tượng. Dễ thấy cái biểu tượng “mặt trời đẫm máu” đầy sức gợi, đẹp và đã chạm được vào tâm thức cổ sơ của nhân loại. Mặt trời là biểu tượng của sự thiên nhiên, của hồi sinh…và của vĩnh cửu. Thế nhưng, mặt trời giờ đã lấm máu, nó trở thành một điềm gở, mang ý nghĩa chết chóc. Nghĩa là cái thiên nhiên trong lòng Đô Thị sẽ biến mất vì con người đã đánh mất cái vẻ đẹp bản nhiên của mình. Và cái Đô Thị ấy nay dù đã bị thi nhân ra tay tàn phá – như một sự giải phóng những ẩn ức dồn nén - nhưng sẽ còn nhiều, còn nhiều những Đô Thị khác, nơi con người “không còn là chính mình”, mọc lên. Thế là thi nhân đành bất lực mà quay trở lại núi rừng, nơi trú ẩn cuối cùng của mình. Hãy chú ý đến cái thái độ thản nhiên ấy. Sự thản nhiên chỉ có được sau khi trải qua những bi kịch và đã thấy bất lực trước thực tại. Thi nhân cuối cùng vẫn không thể thoả hiệp, không thể đồng loã với thực tại nên một lần nữa lại chối bỏ thực tại mà trở về với thiên nhiên. Tuy thế, ta hãy tin rằng thi nhân sẽ còn trở lại, trở lại với Đô Thị. Vì cái mâu thuẫn, giằng níu như đã nói ở trên vẫn chẳng bao giờ ngơi nghỉ trong lòng ông. Điều này khiến ông trở nên “người” hơn, gần với mọi người hơn, góp phần làm nên cái chiều sâu nhân bản trong hồn thơ Đinh Hùng. Thêm nữa, điều người viết muốn nhấn mạnh ở đây là trong mắt Đinh Hùng, Đô Thị hay là thiên nhiên cũng chỉ là hai thế giới tượng trưng cho một thế giới lí tưởng đích thực khác nằm ở cuối cuộc hành trình kiếm tìm trong thân phận người. Chẳng phải suy cho cùng, những mâu thuẫn, đối lập luôn là nguồn gốc của mọi sự vận động, phát triển, mọi ước mơ lãng mạn và là bản chất của một thế giới vĩnh cửu hay sao?
Như vậy, với cảm hứng lãng mạn, Đinh Hùng đã tạo ra được nhiều thi phẩm có giá trị nghệ thuật cao, thể hiện được cá tính nghệ thuật độc đáo trong việc xây dựng, hình thành một thế giới lí tưởng dung chứa những khát vọng của mình. Và sẽ không quá lời khi cho rằng: cảm hứng lãng mạn là một đặc điểm “nhận dạng” thú vị của thi sĩ họ Đinh này.
Trương Quốc Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét