Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Thiên Chúa trong Tân Ước

Ngôi Ba Thiên Chúa xuất hiện không chỉ trong Tân Ước mà còn trong Cựu Ước.
Tân Ước không chỉ thấy Thiên Chúa vĩnh cửu là Đấng không có khởi đầu và kết thúc, mà còn hiểu Người là Đấng vượt trên thế giới đến nỗi Người có thể can thiệp vào thế giới để làm cho thế giới được thông phần bản tính của Người.
I. DẪN NHẬP
A. MỘT VÀI LƯU Ý
1. Ý niệm Thiên Chúa ngoài và trong Kitô-giáo
Nói chung, tôn giáo, triết học ngoài Kitô-giáo thời Tân Ước cho rằng thế giới có một nguyên lý tối hậu. Con người có thể nhận biết nguyên lý này từ thế giới với lý trí của mình.
Kitô-giáo khẳng định : Thiên Chúa là Đấng duy nhất, cá vị, siêu việt, nguyên lý và cứu cánh tối hậu của thế giới. Con người có thể nhận biết Thiên Chúa qua lý trí và qua Mạc Khải, hay nói khác đi, có thể có một nhận biết tự nhiên về Thiên Chúa và một nhận biết siêu nhiên nhờ mạc khải. Mạc khải không những xác nhận những gì đúng cách tự nhiên nơi các tôn giáo, triết học ngoài Kitô-giáo, mà còn cho con người biết những điều về Thiên Chúa, hoàn toàn vượt ra ngoài khả năng của trí tuệ tự nhiên.
Kitô-giáo bác bỏ mọi hình thức thần hóa vũ trụ dưới dạng đa thần hay phiếm thần, vì bản chất của vũ trụ là hướng về cứu cánh siêu nhiên.
Kitô-giáo diễn tả cách rõ ràng việc Thiên Chúa cá vị, siêu việt đã đi vào mối tương quan với thế giới như thế nào. Dựa vào Mạc Khải, Kitô-giáo biết rằng Thiên Chúa, Đấng tự biểu lộ cách tự do và nhưng không cho con người, dẫn con người vào đời sống thân mật với Người, đặt con người vào một tình trạng tốt nhất, buộc con người phải lựa chọn cách nghiêm túc điều mang lại hạnh phúc hay điều chúc dữ.
Theo Kitô-giáo : Thiên Chúa xác nhận cách dứt khoát sự hiện hữu của thế giới qua Mầu nhiệm Nhập thể của Con Một Người và kêu gọi thế giới thông dự vào đời sống Ba Ngôi.
2. Ý niệm Thiên Chúa trong lịch sử Mạc Khải
Chúng ta cần lưu ý đến những điểm khác nhau về ý niệm Thiên Chúa trong chính lịch sử mạc khải. Để nhận thấy sự khác biệt này, chúng ta phải hiểu tính lịch sử của Mạc Khải. Mạc Khải là toàn bộ các lời nói và hoạt động mà Thiên Chúa đã thực hiện để thiết lập mối tương giao với con người. Các lời nói và hoạt động của Người phát xuất từ một quyết định tự do. Một quyết định tự do là một biến cố, nên quyết định mang tính lịch sử. Do đó, Mạc Khải là một lịch sử và là lịch sử theo hai nghĩa :
- Tính lịch sử thần linh : Mạc Khải phát xuất từ một quyết định tự do của Thiên Chúa. Con người cũng là kết quả của hành vi tự do của Thiên Chúa, nhưng tự do tạo dựng và tự do hoạt động của Thiên Chúa nơi thế giới khác nhau. Thiên Chúa nói và hoạt động cách tự do với con người đã hiện hữu. Vì thế lời nói và hoạt động của Thiên Chúa có mọi đặc điểm của lịch sử.
- Tính lịch sử nhân loại : Thiên Chúa nói và hoạt động không chỉ một lần, nhưng nhiều lần ở nhiều nơi và nhiều thời điểm khác nhau, nên có nhiều biến cố khác nhau. Tuy nhiên, các biến cố này vẫn là một toàn thể vì được nối kết với nhau, và có cùng một mục đích. Trong các hoạt động tự do này, có một hoạt động trung tâm, một khối các biến cố nối kết với nhau, đó là: Nhập thể, Thập giá và Phục sinh của Đức Kitô. Các biến cố Cựu Ước đều hướng về, chuẩn bị cho biến cố trung tâm là Tân Ước. Do đó, có thể nói như Thánh Augustinô: "Tân Ước đã ẩn tàng nơi Cựu Ước". Cựu Ước là chuẩn bị. Tân Ước là hoàn tất. Cựu Ước là lời hứa. Tân Ước là thực hiện lời hứa. Tân Ước đã hiện diện nơi Cựu Ước dưới hình thức ngôn sứ: Lời nói trong Cựu Ước được sắp xếp để hướng tới lời nói quyết định, lời nói cuối cùng mà Thiên Chúa sẽ nói trong và bởi Đức Kitô. Đức Kitô là lời nói cuối cùng. Như thế, ý niệm về Thiên Chúa giữa Cựu Ước và Tân Ước có khác nhau. Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa Cựu Ước khác Thiên Chúa của Tân Ước. Sự khác nhau này thuộc phạm vi mức độ, vì lịch sử Mạc Khải là một toàn thể và lịch sử cứu độ là một mạc khải tiệm tiến.
"Say" - người đẹp Ngọc Oanh
B. Ý NIỆM THIÊN CHÚA TRONG THẾ GIỚI HYLẠP VÀ TRONG CỰU ƯỚC
1. Ý niệm Thiên Chúa trong thế giới Hylạp
Trong thế giới Hylạp, ý niệm Thiên Chúa là gì? Độc thần hay đa thần? Chúng ta cần tìm hiểu cách sơ lược nền văn hóa, tôn giáo của họ vào giai đoạn sứ điệp Kitô-giáo mà trọng tâm là niềm tin độc thần, được loan báo.
Với người Hylạp, từ "Theos" không nhắm tới một ngôi vị duy nhất. Ý niệm Thiên Chúa của họ bản chất là đa thần. Thế giới các thần này có tổ chức phẩm trật. Từ văn chương đến triết học đều hiểu như thế. Trong các tác phẩm của Homère, thần Zeus được gọi là Cha của loài người và của các thần. Phái Khắc kỷ thì cho rằng quan niệm độc thần làm hạ giá Thiên Chúa. Plotin nói đa thần biểu lộ sự cao cả của Thiên Chúa.
Thế giới các thần hầu như được đồng hóa với vũ trụ. Khuôn mặt huyền bí của các thần trong các tác phẩm của Homère, nguyên lý tối thượng (archè) của khoa vật lý của phái Ioniens, hay ý tưởng (idea) của triết học đều bắt nguồn từ thế giới. Điều gì lớn lao vĩ đại trong thế giới, người Hylạp đều cho đó là Thiên Chúa. Trật tự, sự hài hòa của thế giới là Thiên Chúa. Từ "Theos" luôn là vị ngữ (prédicat). Chủ từ của mệnh đề mà "Theos" là vị ngữ chính là vũ trụ.
Do đó, ta dễ hiểu tại sao đa thần và phiếm thần hiện diện khắp nơi trong thế giới Hylạp, tới tận những biểu lộ tinh tế nhất của nền văn hóa.
Tuy nhiên, sắc thái độc thần cũng phảng phất nơi chính niềm tin đa thần và phiếm thần này. Qua phụng tự của tôn giáo đa thần, người ta thấy có ý tưởng về một Thiên Chúa cá vị và siêu việt. Họ cầu xin Thiên Chúa, gọi Người ở ngôi thứ hai (Ngài). Triết học Platon, Aristote đặt vấn đề về sự hiện hữu của Nhất thể tối thượng (LUn). Triết học tiền Socrate là Xenophane và Heraclite chống lại đa thần được Homère mô tả. Đây có thể là tiếng vọng của Mạc Khải về niềm tin độc thần.
Ý niệm Thiên Chúa nơi người Hylạp có tiến triển : từ ý niệm Thiên Chúa vô danh, tới ý niệm Thiên Chúa như nền tảng của thế giới, rồi tới ý niệm những điều thuộc thần linh như luật lệ (nomos), công bình (dikè), tinh thần, ý tưởng. Tuy nhiên, họ cũng có cảm giác rằng bên trên vị Thiên Chúa này có sự ngự trị của định mệnh (destin).
2. Ý niệm về Thiên Chúa trong Cựu Ước
Tôn giáo Cựu Ước là tôn giáo độc thần. Điều cần làm ở đây là xác định rõ ý nghĩa của từ "độc thần" này.
Niềm tin độc thần của Cựu Ước không phải là một học thuyết siêu hình trừu tượng, không dựa trên sự tìm tòi của lý trí để nhận ra cái nguyên lý tối cao nhưng phát xuất từ chính kinh nghiệm của người Cựu Ước, về hoạt động cứu độ của Giavê giữa lòng thế giới, và trong lịch sử của dân Người. Giavê, tên của Thiên Chúa, là một ngôi vị, hoạt động theo ý muốn của Người, can thiệp vào lịch sử cụ thể của dân riêng và của nhân loại. Người là Thiên Chúa hay ghen, đòi cho mình danh xưng El-Elohim (Thần các thần), các thần khác (Elohim) chỉ là hư vô. Người là ngôi vị thiêng liêng : tất cả đều tuỳ thuộc cách tuyệt đối vào hành động tự do của Người. Như thế, ý niệm Thiên Chúa của Cựu Ước có tiến triển: từ ý niệm Thiên Chúa là Chúa của dân tộc họ tới ý niệm Thiên Chúa là Chúa của mọi dân tộc, từ Thiên Chúa là Chúa của thiên nhiên, nguyên lý cuối cùng của mọi thực tại tới ý niệm Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, siêu việt trên thế giới, là Đấng vô hạn. Qua đó, ta hiểu được đường lối sư phạm của Thiên Chúa. Một cách tiệm tiến, Người dẫn con người tới chỗ hiểu Người cách chính xác hơn. Tuy ý niệm Thiên Chúa ngày càng cao siêu, người Cựu Ước vẫn nhận thấy Thiên Chúa là một ngôi vị cụ thể.
Tới đây, chúng ta có thể nhận ra rằng công thức nền tảng của giáo thuyết độc thần Cựu Ước không phải là "Có một Thiên Chúa duy nhất" hay "Nguyên lý tối cao của thế giới là duy nhất", nhưng là : "Giavê là Thiên Chúa duy nhất".
Giống chim hét đầu xanh được xếp vào top 10 những loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng. Ở Trung Quốc, chỉ còn khoảng chưa đầy 250 con trưởng thành.
II. THIÊN CHÚA (HO THEOS) TRONG TÂN ƯỚC
A. KHỞI ĐIỂM
1. Với người Tân Ước, sự hiện hữu của Thiên Chúa là hiển nhiên
Tân Ước không đặt vấn đề về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Với người Tân Ước, Thiên Chúa đương nhiên hiện hữu. Điều bận tâm chính yếu của họ là tìm ra cách thức Thiên Chúa hoạt động để biết Người là ai, Người đã thiết lập mối tương giao nào với thế giới. Để làm điều này, họ không khởi đi từ thực tại thế giới như khoa siêu hình, nhưng khởi đi từ Thiên Chúa qua các hoạt động của Người. Do đó, ta thấy không có chỗ nào trong Tân Ước gắn kinh nghiệm về Thiên Chúa với cái biết siêu hình.
Tuy Tân Ước không phủ nhận việc con người có thể nhận biết Thiên Chúa cách siêu hình (Rm 1,20) và đưa ra một vài cái nhìn siêu hình để nói về sự hiện hữu của Thiên Chúa (1 Cr 1,21; Rm 1,32), nhưng mục đích không phải chỉ là chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, Tân Ước có mục đích khác như phân tích dưới đây:
- 1 Cr 1,21: Khi thế gian đứng trước sự khôn ngoan của Thiên Chúa, đã không lợi dụng khoa khôn ngoan mà nhìn biết Thiên Chúa thì Thiên Chúa đã quyết ý dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu kẻ tin.
- Rm 1,32: Chúng là những kẻ biết án của Thiên Chúa: những kẻ làm thế thì đáng phải chết, thế mà chẳng những chúng làm, chúng lại còn tán thành những kẻ làm như vậy.
Nếu đặt hai câu này vào mạch văn, ta thấy đây chỉ là những trưng dẫn để giúp người thời đó ý thức về sự vô tri của họ, giúp làm sống lại sự nhận biết Thiên Chúa đã bị khô cứng do tội nguyên tổ và tội riêng. Ở đây, Tân Ước không trình bày cái nhìn siêu hình như một điểm khởi hành hay một động cơ trở về với Thiên Chúa hằng sống. Điểm khởi hành luôn là Mạc Khải được tỏ ra qua các hoạt động của Thiên Chúa, đặc biệt nơi sự điên rồ của Thập giá (1 Cr 1,18t) và trong sự Phục sinh của Đức Kitô (Cv 17,31). Mục đích của Tân Ước khi nói về vấn đề này không nhằm đưa tới một cái biết lý thuyết nhưng là một sự nhận biết trong tuân phục. Do đó, sứ điệp Tân Ước có chức năng của khoa phân tâm thần học (psychanalyse théologique), và đồng thời cho thấy Mạc Khải và nhận thức tự nhiên về Thiên Chúa không mâu thuẫn mà còn hỗ trợ cho nhau.
2. Mạc khải: Nền tảng của tính hiển nhiên
Với người Tân Ước, Thiên Chúa đã mạc khải cho họ qua lời nói và hoạt động của Người trong lịch sử.
- Qua lịch sử Cựu Ước: Người Tân Ước nhận thấy sự can thiệp sống động của Thiên Chúa nơi lịch sử dân giao ước (Cv 7,2-53.). Họ nhận biết Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Giacóp là Thiên Chúa của họ.
- Qua lịch sử của chính họ nhờ Đức Giêsu Kitô: Người Tân Ước cũng nhận biết Thiên Chúa qua sự can thiệp sống động của Thiên Chúa vào lịch sử riêng của họ nhờ Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô (Dt 1,2). Nhờ người Con Một này, họ tin vào Thiên Chúa (1 Pr 1,21). Nhờ sự hiện diện của người Con Một này, họ thấy tận mắt sự cao cả của Thiên Chúa (2 Cr 4,6).
3. Kinh nghiệm về Thiên Chúa khởi đi từ Mạc Khải
Họ nhận ra mối dây nối kết bền chặt giữa Đức Kitô và Thiên Chúa. Các biểu thức đức tin diễn tả mối dây này : sự sống đời đời là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô (Ga 17,3 ; x. 1 Tx 1,9-10 ; 1 Ga 1,3 ; 2 Pr 1,2).
Với Tân Ước, Thiên Chúa và Con của Người không là hai thực thể đặt cạnh nhau, nhưng là sự hiệp thông mật thiết giữa hai Đấng, đến nỗi khi phủ nhận Đấng này thì Đấng kia không còn nữa: "Phàm ai chối Con thì chẳng có Cha" (1 Cr 1,23; x. Ga 5,23; 14,6-14).
Tân Ước xác tín rằng Đức Kitô đến từ Thiên Chúa, được Thiên Chúa sai đi. Tuy Tân Ước nhìn nhận rằng những ai chưa biết Đức Kitô vẫn có thể nhận biết Thiên Chúa, nhưng những người đã gặp gỡ Đức Kitô như người Dothái thời Ngài (Rm 2,17t) mà không tin vào Ngài thì không đủ điều kiện để sống tương quan với Thiên Chúa đích thực.
"Eva" - siêu mẫu nội y châu Âu
B. NỘI DUNG CỦA Ý NIỆM THIÊN CHÚA TRONG TÂN ƯỚC
1. Duy nhất tính của Thiên Chúa
a. Tầm quan trọng
Cũng như Cựu Ước, Tân Ước tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Đức Giêsu Kitô đã xác định tính duy nhất của Thiên Chúa khi trích lại toàn bộ lược đồ Cựu Ước: "Hãy nghe đây, hỡi Israel, Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Chúa duy nhất (Mt 12,32). Niềm tin độc thần hiện diện khắp nơi trong Tân Ước (Ga 17,3; 1 Cr 8,4; Rm 3,30.) Mặc dù các công thức của niềm tin độc thần Tân Ước thường mượn ở truyền thống Cựu Ước, nhưng không phải theo nghĩa tùy phụ mà thực sự là nền tảng của đức tin Kitô-giáo. Chính Đức Kitô đã nói tới niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất là yếu tố quan trọng để có sự sống đời đời: "Sự sống đời đời là chúng nhận biết Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật và là Đấng Cha đã sai là Đức Kitô" (Ga 17,3). Thánh Phaolô đã viện dẫn niềm tin Thiên Chúa duy nhất để trình bày hai chủ đề quan trọng:
Dân ngoại và dân Dothái đều được kêu mời gia nhập Dân mới của Thiên Chúa (Rm 3,28-30; 1 Tm 2,4-5).
Có sự duy nhất trong các biểu lộ khác nhau của Thánh Thần nơi các kitô-hữu được kết hợp trong cùng một thân thể của Đức Kitô (1 Cr 12,6; Ep 4,6).
Do đó, niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất là một yếu tố chính yếu, quan trọng của Tin Mừng được Đức Kitô rao giảng.
b. Ý nghĩa của niềm tin độc thần trong Tân Ước
Thiên Chúa duy nhất là một ngôi vị sống động được biểu lộ nơi Đức Kitô : cũng như Cựu Ước, Tân Ước tin rằng Thiên Chúa duy nhất là nguyên lý tuyệt đối của thế giới, là Chúa thiên nhiên, là Đấng siêu việt trên thế giới, là một ngôi vị cụ thể (1 Cr 8,6 ; Ep 4,6 ; 1 Cr 12,6 ; Cv 17,25-28 ; 1 Cr 8,5). Con người có sự hiểu biết về Thiên Chúa như thế là do chính Thiên Chúa tự biểu lộ qua lời nói, hoạt động của Người trong lịch sử. Đặc biệt, với Tân Ước, Thiên Chúa tự khải trọn vẹn nơi Đức Kitô và vị Thiên Chúa duy nhất đó cũng chính là Cha Đức Giêsu Kitô. Do đó, biểu thức đức tin độc thần Tân Ước không là : có một Thiên Chúa duy nhất như những người thuộc trường phái Ánh Sáng (Aufklarung) nói, nhưng là : chúng tôi tin vị Thiên Chúa được biểu lộ trong Đức Kitô là Thiên Chúa duy nhất, hay Cha của Đức Kitô và của chúng ta là Thiên Chúa duy nhất.
Niềm tin Thiên Chúa duy nhất là một nhận thức có trách nhiệm : Thiên Chúa duy nhất là Thiên Chúa của con người, của các tín hữu. Do đó, tin một Thiên Chúa duy nhất không phải chỉ là tin một sự kiện mà còn là một nhận thức có trách nhiệm. Giới răn yêu mến Thiên Chúa diễn tả chính xác niềm tin độc thần: phải yêu mến Người vì không còn Chúa nào nữa (Mt 6,24 ; Pl 3,19 ; 1 Cr 10,21.). Tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất là phải phụng sự một mình Người, vâng phục một mình Người, quay lưng lại với các ngẫu tượng (1 Tx 1,9).
2. "Ngôi vị tính" của Thiên Chúa
Thiên Chúa duy nhất mà người Tân Ước tin là một ngôi vị sống động, luôn hoạt động nơi họ và nơi thế giới, họ kêu cầu, xưng hô với Ngài ở ngôi thứ hai. Chúng ta có thể xác định tính ngôi vị của Thiên Chúa qua các điểm sau đây:
a. Thiên Chúa là Đấng luôn hoạt động
Để phân biệt vật này với vật kia, cần phải nhận ra những nét riêng biệt của mỗi vật. Việc nhận biết Thiên Chúa theo quan điểm siêu hình không phân biệt được Thiên Chúa và hoạt động của Người với tạo vật Người dựng nên, bằng chứng là quan điểm này thường dẫn tới đa thần hay phiếm thần. Ngược lại, kinh nghiệm về Thiên Chúa trong Cựu Ước và Tân Ước cho thấy, con người có thể nhận biết hoạt động của Thiên Chúa trong thế giới và lịch sử. Hoạt động của Người khác biệt với tạo vật Người đã dựng nên, và xuất hiện như một sáng kiến mới mẻ và nhưng không của Người. Hoạt động của Người có khía cạnh "hic et nunc" được xác định rõ, khác biệt với mọi thực tại khác, hoạt động khác trong thế giới và trong lịch sử.
Thật vậy, Tân Ước nhìn thấy Thiên Chúa qua công trình của Người (Cv 14,17 ; 17,26), nhưng không có chỗ nào trong Tân Ước đồng hóa Người với tạo vật. Ca tụng hoa huệ đẹp nhưng lại nói tới sự lụi tàn của nó. Tân Ước quả quyết mọi vật đều trông chờ được Thiên Chúa cứu độ (Rm 8,22). Lý do sâu xa của việc Tân Ước không bao giờ thần hóa tạo vật phát xuất từ kinh nghiệm về hoạt động của Thiên Chúa.
Tân Ước nhìn việc Thiên Chúa chọn Israel, ban Con Một của mình khác với khoa siêu hình. Siêu hình học cho đó là hậu quả tất yếu của lòng thiện hảo của Thiên Chúa, còn Tân Ước nhìn đó là mầu nhiệm của lựa chọn tự do và nhưng không của Thiên Chúa.
Nhờ có kinh nghiệm về hoạt động tự do và cá vị của Thiên Chúa mà việc tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng sáng tạo có ý nghĩa đích thực và sáng tỏ (Mt 11,25; Mc 13,19;). Con người chỉ thực sự có ý tưởng về tạo dựng nhờ có kinh nghiệm về hoạt động tự do và đầy quyền năng của Thiên Chúa. Kinh nghiệm về Thiên Chúa cứu độ có trước kinh nghiệm về Thiên Chúa sáng tạo. Hai kinh nghiệm này bổ túc cho nhau: vì là Chúa trời đất (sáng tạo) nên Thiên Chúa có thể hoạt động cách tự do và đầy quyền năng với tư cách là chủ tể tối cao (Mt 11,25; Cv 4,24t). Ngược lại, chính nhờ hoạt động của Thiên Chúa mà con người có kinh nghiệm về quyền năng tạo dựng. Hoạt động của Thiên Chúa được biểu lộ cách rõ nét nhất nơi việc phục sinh Đức Kitô, nó giúp ta nhận biết sự lớn lao đặc biệt của quyền năng Thiên Chúa (Ep 1,19-20) và làm ta tin vào sức mạnh của Thiên Chúa (Cl 2,12). Qua Đức Kitô, ta có thể nhận ra rằng Thiên Chúa hoàn thành mọi sự theo quyết định riêng của Người (Ep 1,11).
b. Thiên Chúa hoạt động cách tự do
Tính ngôi vị của Thiên Chúa còn được khám phá qua hoạt động tự do của Người. Tuy mọi tạo vật đều được Thiên Chúa tiền định sẽ đạt tới cùng đích của mình (Rm 16,25; 1 Cr 2,7; Ep 1,4 ; 3,9.), nhưng không được phép hiểu rằng mọi sự đã được chuẩn bị cách tiên thiên và sẽ xảy ra theo một sơ đồ đã định giống như nguyên tắc nhân quả, và Thiên Chúa chỉ là một khán giả thụ động chờ đợi kết quả như các nhà thần luận nghĩ. Với Tân Ước, chương trình cứu độ là một bí mật của Thiên Chúa, tuyệt đối ẩn giấu trong thời gian, nó chỉ lộ rõ trong thời cuối cùng. Thời cuối cùng đã bắt đầu khi Đức Kitô xuất hiện, nên, theo các tác giả Tân Ước, chính ngày hôm nay và chỉ ngày hôm nay mà ơn cứu độ nhờ Đức Kitô đi vào thế giới cách hiệu quả (Tt 2,11; 3,4). Chính trong ngày hôm nay, ơn cứu độ được mạc khải cho chúng ta (2 Tm 1,10). Kinh nghiệm về tự do của Thiên Chúa qua các biến cố nền tảng của lịch sử Cứu Độ, chứng kiến Thiên Chúa hoạt động nơi cả người lành, người tội lỗi, người yếu thế, người chẳng có công lao gì (Mt 11,25; Lc 1,51; 1 Cr 1,25), người Tân Ước hiểu rằng, hoạt động của Thiên Chúa là một sáng kiến mới mẻ, một hoạt động tự do (Rm 9,19; Gc 1,18; Ep 1,11). Quả thật, Thiên Chúa luôn vượt lên trên mọi tính toán của con người, Người luôn là một ông chủ can thiệp cách tự do: thương xót hay cứng rắn khi Người muốn (Rm 9,15-16.18). Vì thế, không được xem hành động của Thiên Chúa như một điều gì đó tất yếu.
c. Đối thoại với con người
Tính ngôi vị của Thiên Chúa còn được biểu lộ qua việc Thiên Chúa đối thoại với con người. Việc nhận biết Thiên Chúa thuần túy siêu hình không cho thấy cuộc đối thoại này vì thế giới được coi là sự biểu lộ, là vật thể hóa của nguyên lý tối cao. Cái nhìn siêu hình phủ nhận tính tự lập một cách nào đó và khả năng hoạt động tự do của thế giới trong tương quan với Thiên Chúa.
Nhờ lịch sử Cứu Độ được Thiên Chúa khai mở, giữa Thiên Chúa và con người có một cuộc đối thoại, bằng chứng là:
Con người có thể đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa: hoặc đồng ý hoặc không đồng ý (Rm 2,5; 15,8; 16,19; Cv 3,20; 7,5).
Con người có thể khẩn cầu Thiên Chúa.
Những điều này cho thấy hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử không phải là một cuộc độc thoại nhưng là một cuộc đối thoại dài và cảm động. Do đó, các thảm kịch xảy ra trong lịch sử có sự góp phần của tạo vật. Điều này làm cho lịch sử trở nên nghiêm túc. Tuy nhiên, Thiên Chúa có tiếng nói cuối cùng vì Người là Đấng mạnh nhất, và tạo vật không thể chống lại Người. Do đó, gắn bó với ý muốn Thiên Chúa thì quan trọng với tạo vật hơn là gắn bó với bất cứ thực tại nào khác.
3. Các đặc tính của Thiên Chúa
Những hiểu biết về đời sống cá vị, tự do của Thiên Chúa siêu việt, về cuộc đối thoại với thế giới của Thiên Chúa, cho phép ta tìm hiểu cách đúng đắn giáo thuyết Tân Ước về các đặc tính của Thiên Chúa. Khi nhận biết ngôi vị tính của Thiên Chúa, ta nhận ra rằng, với con người, vấn đề thiết yếu không phải : Thiên Chúa là gì, nhưng là nhận biết Thiên Chúa là ai, tỏ mình ra cho thế giới cách nào, Người thiết lập mối tương quan nào với thế giới. Mối tương quan của một người đối với người khác không được xác định bởi các đặc tính của người đó, nhưng bởi thái độ mà người đó tự do lựa chọn. Điều này rất đúng với Thiên Chúa trong tương quan với thế giới Người đã dựng nên. Để chứng minh điều này, chúng ta sẽ so sánh, phân tích cái nhìn của Tân Ước và cái nhìn của siêu hình:
- Quan điểm siêu hình cho rằng thái độ của Thiên Chúa đối với thế giới mang tính tất yếu của bản tính Thiên Chúa.
- Quan điểm Tân Ước: không thể nào xác định cách tất yếu thái độ cụ thể của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể tỏ lòng thương xót hoặc có thể khép lòng lại, có thể soi sáng cho con người và cũng có thể gửi thần khí hôn mê đến (Rm 11,8.), nhưng Thiên Chúa vẫn không ngừng là Đấng Thánh (Dt 12,10), những phán xử của Người vẫn luôn đúng và công bình (Kh 19,2). Những gì biết được về Thiên Chúa đều qua các hoạt động, qua những thái độ cụ thể của Thiên Chúa trong lịch sử. Do đó, giáo huấn Tân Ước gửi đến chúng ta không phải là lý thuyết về yếu tính thần linh qua con đường suy lý, nhưng là cho chúng ta biết khuôn mặt cụ thể của ngôi vị Thiên Chúa, khuôn mặt mà Người tự biểu lộ với thế giới. Tuy nhiên, ta thấy trong Tân Ước có những khẳng định liên quan tới đặc tính siêu hình về bản tính Thiên Chúa như: bản tính thần linh (2 Pr 1,4), thần tính (Rm 1,20), Thiên Chúa vĩnh cửu (Rm 16,26), vô hình (Rm 1,20), bất hoại (Rm 1,23). Phải giải thích thế nào đây?
Tân Ước nhìn nhận rằng các đặc tính của Thiên Chúa có thể được nhận biết từ thế giới (Rm 1,20), nhưng Tân Ước cũng nói rằng do tội lỗi, các đặc tính này còn bị che khuất (Rm 1,25). Do kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa qua các hoạt động của Người trong lịch sử, nhờ sự vâng phục đức tin, con người tái khám phá các đặc tính đó của Thiên Chúa cách đặc biệt mới mẻ. Chẳng hạn:
- Đặc tính vĩnh cửu của Thiên Chúa: Tân Ước không chỉ thấy Thiên Chúa vĩnh cửu là Đấng không có khởi đầu và kết thúc, mà còn hiểu Người là Đấng vượt trên thế giới đến nỗi Người có thể can thiệp vào thế giới để làm cho thế giới được thông phần bản tính của Người.
- Một ví dụ khác cho thấy sự đối lập giữa hoạt động hiện sinh, mang tính ngôi vị của Thiên Chúa và các đặc tính siêu hình bất động của yếu tính thần linh : ví dụ về tình yêu. Đối với Tân Ước, tình yêu của Thiên Chúa chủ yếu là một ân sủng mà không ai có quyền đòi hỏi. Khẳng định Thiên Chúa là Tình Yêu không đến từ một nhận biết siêu hình nhưng là từ kinh nghiệm về hoạt động của Thiên Chúa nhờ đức tin. Nhờ đức tin, người Tân Ước thấy rằng tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ rõ rệt nhất qua việc Người sai Con Một xuống thế (1 Ga 4,9). Đây là hoạt động hoàn toàn tự do của tình yêu Thiên Chúa. Nếu lời nói tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa mang lại các hiệu quả khác nhau, thì không chỉ là do sự đáp trả tự do của con người, mà trước hết là do sự tự do của Thiên Chúa ban hay từ chối ban tình yêu của Người (Rm 9,9-11). Tiếng gọi của Thiên Chúa Tình Yêu luôn là tiếng gọi của kế hoạch Người đã lựa chọn (Rm 8,28-33; 2 Tm 1,9; 2 Pr 1,10).
- Về sự toàn năng cũng thế, Tân Ước nhìn nhận rằng con người có thể nhận biết đặc tính toàn năng của Thiên Chúa từ thế giới, nhưng đặc tính này chỉ hiểu rõ được nhờ kinh nghiệm về hoạt động của Thiên Chúa. Thật vậy, siêu hình học cho rằng điều gì càng cao quý thì càng gần Hữu Thể thần linh. Nhưng trong thực tế của lịch sử Cứu Độ, Thiên Chúa lại chọn điều mà thế gian cho là yếu đuối nhất, điên rồ nhất để biểu lộ mình (1 Cr 1,18-29; Cv 12,9.), phận Thiên Chúa tự hư vô hóa trong thân phận tôi đòi (Pl 2,5-8). Ngôi Lời Thiên Chúa vĩnh cửu và tạo dựng đã trở thành xác phàm (sarx), đi vào thời gian, vào sự hư hoại, phó nộp cho quyền lực tội lỗi và cái chết (1 Ga 1,14), để, như Thánh Phaolô viết: "Đừng có xác phàm nào dám vinh vang trước mặt Thiên Chúa" (1 Cr 1,29). Qua đó, Tân Ước cho thấy điều ở cao hơn cả vẫn ở xa Thiên Chúa. Điều ở thấp hơn cả cũng không đương nhiên có khả năng lôi kéo Thiên Chúa. Điều cao nhất và điều thấp nhất chẳng là gì ngoài việc im lặng trước mặt Thiên Chúa. Vậy Thiên Chúa là ai ? Cái biết siêu hình không thể cho ta biết đúng về Người. Chỉ qua các hoạt động của Thiên Chúa, chúng ta mới biết điều Người "muốn là" đối với chúng ta. Do đó, bản chất của giáo huấn Tân Ước không phải là một hữu thể luận về các đặc tính Thiên Chúa, nhưng là các kinh nghiệm về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người được chính Thiên Chúa thiết lập trong lịch sử.
Trang phục dân tộc - ảnh Việt Nam xưa
C. THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU
Kinh nghiệm cốt yếu mà người Tân Ước có được trong lịch sử Cứu Độ đó là Thiên Chúa của cha ông họ đã muốn, và kêu gọi họ hiệp thông với Người trong Con của Người. Kinh nghiệm này được diễn tả trong câu : "Thiên Chúa là Tình Yêu". Đây là lời hết sức cô đọng, cần phải được minh giải.
Nếu lịch sử cứu độ có thể hiểu như một cuộc đối thoại tình yêu giữa Thiên Chúa với Dân Người thì có thể nói, Cựu Ước là lời chuẩn bị, và Tân Ước là lời tối hậu của Thiên Chúa.
Tân Ước biết rằng Thiên Chúa tự do và hằng sống luôn hoạt động theo những cách thức và vào những thời điểm khác nhau theo ý của Người. Thế mà điều đầu tiên chúng ta biết được về hoạt động cá vị của Thiên Chúa trong Tân Ước là Người đã nói lời cuối cùng, lời nói kết thúc cuộc đối thoại dài và đầy kịch tính với con người. Đây là lời nói cuối cùng vì chính Thiên Chúa đã tuyên bố rằng hoạt động này của Người không thể bị đảo ngược. Thời gian đã ngưng lại khi Thiên Chúa nói tiếng nói cuối cùng. Thời gian đây không phải là thời gian được đo lường bằng chuyển động của đồng hồ, nhưng bằng các hoạt động luôn luôn mới mẻ và tự do của Thiên Chúa trong thế giới. Vì thời gian là như thế, nên thời gian (Kairos) đã được hoàn tất thực sự (Mt 1,15), thời gian cuối cùng đã đến với chúng ta (1 Cr 10,11 ; 1 Pr 4,7).
Để làm rõ nét tình trạng độc nhất và bất khả đảo ngược này, chúng ta vừa phải phân biệt những thái độ trước kia (Cựu Ước) với thái độ mới (Tân Ước) của Thiên Chúa trong thời cuối cùng, vừa phải nêu rõ ý nghĩa thâm sâu của những thái độ mới của Thiên Chúa.
1. Tình yêu của Thiên Chúa trong Cựu Ước
Lời tối hậu của Thiên Chúa hoàn tất lời chuẩn bị trong Cựu Ước (Dt 1,1; 1 Tm 1,6; 6,15; Tt 1,3), do đó, cần phải phân biệt giữa lời tối hậu với lời chuẩn bị. Để hiểu được những khác biệt này, ta nên lưu ý đến các cặp ý niệm đối lập nhưng bổ túc cho nhau như: tội lỗi - công bình (Rm 3,5), Lề Luật - đức tin (Rm 4,13), tôi tớ - con cái (Rm 8,15), nô lệ - tự do (Ga 15,1), xác phàm - thần khí (Rm 8,9), việc làm - ơn sủng (Tt 3,5-7)... Khi trình bày những ý niệm song đối này, Tân Ước cho thấy Thiên Chúa tự mạc khải là Thiên Chúa của Tình Yêu và là Tình Yêu. Vậy, trong Cựu Ước Thiên Chúa không tỏ ra là Đấng yêu thương sao?
Trước Đức Kitô (Cựu Ước), Thiên Chúa đã tỏ ra là Đấng yêu thương rồi, đặc biệt là qua công trình sáng tạo.
Sách Khôn ngoan: Thiên Chúa yêu thương mọi loài (11,24).
Thánh vịnh: Sáng tạo là hoạt động của tình yêu (186,1-9). Ý niệm Thiên Chúa là Tình Yêu này rất gần với thần học tự nhiên : mọi tạo vật đều có một nguồn gốc, một nguyên lý tối hậu tốt lành, nhưng không bao gồm một tương quan ngôi vị giữa Thiên Chúa và con người, và không đủ để đưa tới một tương giao ngôi vị thực sự.
Cựu Ước cũng nói tới lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏ ra trong hoạt động cá vị của Thiên Chúa vào lịch sử con người : chọn dân riêng, ký giao ước. Thiên Chúa luôn yêu thương dân, dù họ thường bất trung. Nhưng các khẳng định này chưa cho phép nói rằng tình yêu Thiên Chúa đi đến mức trao ban chính mình Người cho nhân loại. Lòng tốt của Thiên Chúa đối với con người vẫn còn mang khía cạnh chủ - tớ và không có gì bảo đảm là ông chủ giàu lòng thương xót này không ở xa con người.
Cựu Ước cũng cho thấy Thiên Chúa quan tâm tới con người và muốn con người đến với Người bằng một quyết định cá nhân. Nhưng điều này còn mang đặc tính của một lời hứa. Vì còn mờ tối, lời hứa đó chẳng có gì bảo đảm sẽ hoàn toàn khác với tương quan chủ - tớ. Do đó, tình yêu con người đáp lại tình yêu Thiên Chúa chưa là tình yêu hoàn toàn. Thiên Chúa muốn con người yêu Người hết mình, nhưng con người chưa biết rõ tiếng xin vâng nào Thiên Chúa đang chờ đợi. Phải chăng Thiên Chúa chờ đợi một tình yêu của kẻ bầy tôi ? Nếu thế, ông chủ vẫn nghìn trùng xa cách con người vì ông chủ được bao bọc bằng một ánh sáng huy hoàng không thể đạt tới.
Thực ra, trong Cựu Ước, khi con người đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng niềm tín thác, con người đã bắt đầu sống phận làm con. Nhưng con người chỉ nhận ra điều này khi Con Thiên Chúa đi vào lịch sử.
2. Tình yêu của Thiên Chúa trong Tân Ước
Bản chất của mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người.
Thiên Chúa là Tình Yêu, đó là đặc tính cơ bản của mối tương quan mà Thiên Chúa thiết lập với con người trong lịch sử vào thời gian cuối cùng. Vậy tương quan tình yêu này là như thế nào?
Trước hết, khi nói Thiên Chúa là Tình Yêu, chúng ta nhắm tới hoạt động tự do của Thiên Chúa được hoàn tất trong Đức Kitô, và hơn nữa Thiên Chúa muốn thông ban trọn vẹn sự sống thâm sâu nhất của Người cho nhân loại qua Đức Kitô. Đây là hai điểm cơ bản của một tình yêu ngôi vị mà Cựu Ước là khởi đầu còn Tân Ước là hoàn tất. Quả vậy, kế hoạch tự do của Thiên Chúa nhằm đưa con người vào cộng đồng ngôi vị với Người đã trở thành hiện thực trong Đức Kitô. Đức Kitô là thời gian đã mãn (Mc 1,15), trong Ngài tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ :"Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một." (Ga 3,16 ; Rm 8,28-31). Như thế, lời hứa còn mơ hồ trong Cựu Ước từ nay đã trở nên rõ ràng, chắc chắn, đã được thực hiện (Rm 15,8). Chẳng có gì trong tương lai (Rm 8,38) có thể trì hoãn biến cố cuối cùng này.
Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã tự ban mình cho chúng ta: "Sự thông hiệp của ta là sự thông hiệp với Chúa Cha và Con của Người" (1 Cr 1,3) và "Thánh Thần" (2 Cr 13,13). Từ "thông hiệp" (koinônia) của Hylạp chỉ cộng đồng phu thê. Cộng đồng tình yêu này được thiết lập bởi Thánh Thần của Thiên Chúa (Rm 5,5 ; Gl 4,6 ; 1 Ga 3,24). Trong Thánh Thần mà chúng ta được kêu gọi tới dự phần vào sự sống thân tình của Thiên Chúa. Ngài là Thánh Thần của Con (Gl 4,4-6), làm cho ta trở nên con Thiên Chúa (1 Ga 3,12). Do đó, việc làm con Thiên Chúa của chúng ta tuỳ thuộc trực tiếp vào Đức Kitô. Như vậy, khi Tân Ước tuyên bố "Thiên Chúa là tình yêu" là nhằm giải thích nội dung của một kinh nghiệm mà con người có về Thiên Chúa trong Đức Kitô : Thiên Chúa tự hiến mình cho con người. Người thông ban tất cả những gì "Người Là" cho con người, thông phần bản tính của Người cho ta vì lẽ Người đã chọn yêu ta cách tự do. Bản chất của Kitô-giáo là nhận biết chương trình này của Thiên Chúa.
"Tươi mới" - Hot girl Trung Quốc
D. THIÊN CHÚA (HO THEOS): NGÔI THỨ NHẤT TRONG BA NGÔI THIÊN CHÚA
Như vừa nói, làm con Thiên Chúa là mục đích mà Thiên Chúa muốn con người đạt tới. Đây là công trình của cả Ba Ngôi. Vậy Tân Ước dùng từ "Ho Theos" là có ý chỉ Chúa Cha hay cả Ba Ngôi? Vấn đề này liên hệ tới Thần học Tín lý và Thần học Kinh Thánh.
Thần học kinh viện hiểu từ này chỉ ngôi vị Thiên Chúa sở hữu thần tính, nên từ này có thể chỉ từng ngôi và có thể chỉ chung Ba Ngôi. Như thế, Thần học kinh viện cho rằng từ "Ho Theos" trên bình diện ngôi vị là một khái niệm tổng quát. Kinh Thánh Tân Ước có hiểu như thế không?
Theo Tân Ước, từ "Ho Theos" chỉ Chúa Cha, Ngôi Thứ Nhất, đồng thời qua đó xác định vị trí của Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong cộng đồng Ba Ngôi.
Trong Tân Ước, có 6 trường hợp "Theos" chỉ Chúa Con:
- Rm 9,5t: Đức Kitô được gọi là Thiên Chúa vượt trên mọi sự.
- Ga 1,1: Lời (Logos) được gọi là "Theos" (Thiên Chúa).
- Ga 1,18: nói về người Con Một là Thiên Chúa.
- Ga 20, 28: Tôma tuyên xưng Đức Giêsu là "Thiên Chúa của tôi".
- 1 Ga 5,20: Đức Kitô là Thiên Chúa thật.
- Tt 2,13: Đức Kitô là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng Cứu Độ.
Trong sáu trường hợp trên, Theos đều là vị ngữ hoặc có giá trị của một vị ngữ chứ không phải là chủ ngữ, và cả 6 trường hợp đều chỉ rõ về Đức Kitô. Trong 6 trường hợp, có 5 trường hợp từ "Theos" không có mạo tự "Ho". Riêng câu Ga 20,28 : "Ông Tôma thưa Người : "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con". (Ho Theos mou) : câu này được dùng ở cas vocatif, theo văn phạm tiếng Hipri, cas vocatif đòi một mạo tự, nên từ "Theos" ở đây có mạo tự "Ho".
Như thế ta thấy, Tân Ước dùng từ "Ho Theos" hay "Theos" có xác định chứ không chỉ chung chung. Ngoại trừ 6 trường hợp trên, từ "Ho Theos" luôn luôn chỉ cách trực tiếp hoặc gián tiếp về Chúa Cha.
Thật vậy, qua cách dùng từ ngữ của Tân Ước, ta có thể xác quyết như thế, chẳng hạn:
Khi từ "Ho Theos" có liên hệ tới Đức Kitô:
"Con Thiên Chúa" (Ga 5,25) : "Thiên Chúa" chỉ Chúa Cha.
"Ngôi Lời của Thiên Chúa (Kh 19,13): "Thiên Chúa" chỉ Chúa Cha.
Khi từ "Ho Theos" được dùng chỉ hoạt động của Chúa Cha trên Đức Kitô : ta có thể nói như Thánh Tôma rằng các hoạt động được Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Kitô trong bản tính nhân loại, có thể gán cho cả Ba Ngôi (Thomas, Ia, q.43, a.8), nhưng ta không thể nói ngược lại là có thể gán hoạt động của Ba Ngôi cho Đức Kitô.
Khi hai từ "Theos" và "Đức Kitô" đặt cạnh nhau thì từ "Theos" chỉ Chúa Cha, Ngôi Thứ Nhất, và Đức Kitô được xác định là Chúa (Kurios), nghĩa là một ngôi vị thần linh, ví dụ : (2 Pr 1,2) : "Chúc anh em được đầy tràn ân sủng và bình an, trong sự nhận biết Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta".
Từ "Ho Theos" trong công thức Ba Ngôi chỉ Chúa Cha (1 Pr 1,2.).
Từ "Ho Theos" chỉ Chúa Cha trong các câu nói về Thiên Chúa là Cha chúng ta và chúng ta là con Thiên Chúa (Ga 20,27 ; Gl 4,4 ; Rm 8,15.). Do đó, không có lý do gì để cho rằng từ "Ho Theos" chỉ một Thiên Chúa chung chung, kể cả những đoạn Tân Ước không chỉ Chúa Cha cách minh nhiên, ta cũng thấy chỉ Người cách mặc nhiên, ví dụ : Cv 3,12-16 ; Dt 1,1 : nói tới vị Thiên Chúa hoạt động trong Cựu Ước.
Chính Đức Kitô tránh áp dụng cho mình từ "Con Thiên Chúa". Tin Mừng nhất lãm không bao giờ đặt từ này nơi miệng Đức Kitô. Đức Kitô chỉ coi mình là Con (Fils) và đôi lần là Con Người (Fils de lHomme), và nói Thiên Chúa là Cha của mình (Mt 11,27 ; Lc 22.). Trong Tin Mừng Gioan, chỉ có 3 lần, Đức Giêsu xưng mình là Con Thiên Chúa (5,25 ; 10,36 ; 11,4). Từ "Cha" được dùng 102 lần và 23 lần là "Cha tôi". Chắc chắn không phải là vô cớ mà Đức Giêsu, trong các bản văn Tân Ước, tránh áp dụng từ "Ho Theos" cho mình. Rõ ràng Tân Ước dùng từ "Ho Theos" làm tên riêng của Chúa Cha.
Trong công thức Ba Ngôi: Đức Kitô nói tới: Cha, Con và Thánh Thần. Các tông đồ thêm từ "Theos" vào chữ Cha để chỉ Ngôi Thứ Nhất. Ngôi Thứ Nhất luôn được chỉ bằng các từ "Ho Theos" hay "Theos Patèr", không bao giờ chữ "Patèr" được dùng một mình (x. 1 Cr 12,4t ; 1 Cr 1,21t ; 2 Tx 2,13 ; 1 Pr 1,2.).
Tới đây, chúng ta có thể khẳng định rằng : trong Tân Ước trừ 6 trường hợp chỉ Đức Kitô, từ "Ho Theos" luôn luôn chỉ về Chúa Cha, Ngôi Thứ Nhất.
KẾT LUẬN
Trở về với cách hiểu của Tân Ước là điều cần thiết không những liên hệ đến niềm tin mà còn liên hệ đến đời sống thiêng liêng của người kitô-hữu.
Chẳng hạn, nếu bằng lòng cầu nguyện với Thiên Chúa cách chung chung, không phân biệt, chúng ta sẽ đánh mất vị trí trung gian tối cần thiết của Đức Giêsu và sẽ tạo ra mối nguy là không tin đủ vào Đấng Trung gian trong đời sống tôn giáo. Khi xác tín chúng ta là con của Chúa Cha, Cha của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Thứ Nhất, chúng ta sẽ dễ dàng vượt thắng cám dỗ hiểu việc làm con Thiên Chúa của chúng ta chỉ thuần túy là đạo đức hay tự nhiên. Như thế, cấu trúc Ba Ngôi sẽ nổi bật trong đời sống tôn giáo, chúng ta sẽ có ý niệm rõ hơn về vai trò trung gian của Đức Kitô và ý thức nhiều hơn về khuôn mặt của Thiên Chúa là Cha.
LM. Giuse Nguyễn Đức Cường
(Một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
Cùng hội cùng thuyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét