"Miên man" - Hot girl Nhật Bản |
Tâm trạng kẻ cầm bút lạ thật. Dù không có gì rõ rệt, dù là mơ hồ thì không bao giờ là chơi vơi, vô nguyên cớ. Kể cả khi lãng mạn nhất, bất chợt nhất thì cũng không thể như gió thoảng. Nhất định phải khởi lên dù chỉ từ một cái rễ con cắm sâu vào tâm hồn họ. Mình cũng chả thể khác như người ta. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Vừa rồi có anh bạn phóng viên hỏi, viết blog như thế này có ảnh hưởng đến viết văn không? Lâu rồi không viết văn nên chả bao giờ tự hỏi mình điều đó. Không phải không có cái để viết mà quá nhiều cái để viết. Nhưng có lẽ mình cần vượt qua một thói quen cố hữu…
Viết mãi cái xấu xa, tồi tệ có làm con người thay đổi theo nó? Có khiến lòng sân hận làm mình trở nên đen tối? Nhưng liệu có thể nhìn thấy nó mà coi như không có gì? Không lẽ nhìn sự tồi bại có thể thượng thừa tới mức coi như cái KHÔNG, cái RỖNG, cái MỘT? Liệu mình có đủ “vị tha” như đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung rằng: “...nên chăng Quốc hội có một thông điệp với cử tri và nhân dân cả nước, với 498 đại biểu và thành viên Chính phủ tuyên bố hứa từ nay sẽ hành động quyết tâm cao đẩy lùi chống tham nhũng có hiệu quả và bản thân mỗi đại biểu, mỗi thành viên Chính phủ không bao giờ phạm tội. Những ai đã lỡ tham nhũng thì xin tha thứ, không hồi tố, đồng thời xin tự thú sao cho có đạo lý. Tôi tha thiết mong Quốc hội có những thông điệp về quyết tâm chính trị phòng chống tham nhũng như phòng chống tội phạm". Bà Dung cho rằng tội phạm tham nhũng chỉ cần được dỗ dành, “tuyên bố hứa”, “quyết tâm chính trị”, “tự thú”, “xin tha thứ”…sẽ trở thành người trong trắng, không bị hồi tố, và từ đó họ sẽ không quay lại đường cũ? Và những tấm gương tự thú, không bị hồi tố sẽ giúp cho những kẻ có lòng tham sẽ từ bỏ rắp tâm tham nhũng? Giá mình có niềm tin “hồn nhiên” như bà Dung để một lần được nghẹn ngào với bạn bè như bà nghẹn ngào trước Quốc hội…Và ít ra ngòi bút sẽ bớt màu u ám khi đặt lòng tin vào quan quyền, chế độ. Tâm trạng mình cũng đỡ u ám. Bạn bè đọc đỡ mệt đầu… Có được chăng?
"Thiếu nữ với hoa hồng" - tranh của họa sĩ Leon Francois Comerre |
Liệu theo đuổi viết phơi bày sự xấu xa, đểu giả, khốn nạn, độc ác, độc đoán, giả dối, đớn hèn…có gánh thêm kiếp nạn, nghiệp chường đời người? Và khó hơn nữa, liệu có thể im lặng, quay mặt đi để giữ thái độ khinh bỉ được không?
Không ai viết báo với bài báo đèm đẹp. Văn có thể được. Một tản văn đèm đẹp cũng hay lắm chứ. Nhưng một bài báo đèm đẹp giữa thời buổi này ư? Có ai tả một “bãi ói” đèm đẹp không? Mà cái đó đang nhìn đâu cũng thấy…
Quay lại với trang văn? Thói quen của mình chỉ viết được những gì thân thương, yêu quí. Yêu cả nỗi đau, bất hạnh. Yêu những gì thiếu hụt, kém may. Tất cả từ cái rễ của yêu thương, chia sẻ. Nhất định không phải là cái gì đáng ghét, đáng khinh. Thế nên văn không bao giờ là viết dễ dàng, buông thả, với mình. Vì sự yêu luôn là cái kín đáo không để phô trương, mà chỉ hé lộ trong những vui buồn, mà cái vui buồn lại cũng không thể dễ dãi…
Liệu đã đến lúc thay đổi một thói quen văn chương? Hãy viết về những cái khiến người ta muốn ói? Đây mới thực sự là cái thật khó viết. Viết về sự khinh bỉ chưa bao giờ là dễ dàng. Bởi thái độ khinh bỉ gần như dốc toàn bộ năng lượng khiến con người trống rỗng…Người ta có thể yêu bằng mắt, yêu bằng chân tay, đôi môi…Cũng có người ghét cái mặt, ghét câu nói, ghét điệu bộ…Nhưng đã khinh thì chỉ còn cách lộn trái người ra mà khinh bỉ. Khổ thế. Nên đôi khi cầm cây bút thấy mệt mỏi…
Phật dạy: “Khéo biết phương tiện là khó”. Đúng là khó thật.
Với mình, cái cần bây giờ là khai phóng sự khinh bỉ chăng?
Sau sự khai phóng này, người ta sẽ làm mới mình ở trạng thái khác. Liệu có được chăng?
Thùy Linh
"Quảng cáo" - siêu mẫu châu Âu |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét