Hình ảnh Chúa Cha. |
Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn không ngừng đau khổ vì loài người chúng ta: Ôi tình yêu lại không được yêu! Sao chúng ta dám nói chỉ có con người đau khổ, còn Thiên Chúa thì không!
Gần đây thần học nói nhiều đến sự quên lãng Chúa Thánh Thần, đặc biệt là trong Giáo Hội Latinh.
Còn Chúa Cha thì sao?
Phải chăng Người cũng là ngôi vị Thiên Chúa bị lãng quên và thậm chí bị ngộ nhận nhiều nhất ? Ngay cả một số kitô-hữu cũng đã lẫn lộn Ðức Giêsu với Chúa Cha, dùng danh xưng "Cha" để nói với Ðức Giêsu.
Khuôn mặt người cha, tuy được đề cập đến rất nhiều, đặc biệt trong khoa phân tâm học, tiếng cha cũng vẫn được đọc lên mọi nơi mọi lúc trong đời sống người kitô-hữu, thế nhưng dường như Người đã không được nhận biết, tin nhận đúng như Ðức Giêsu Con Một của Người mạc khải.
"Không ai biết Cha." (Mt 11,27)
Và một trong những đường nét chính nơi khuôn mặt Chúa Cha đã bị ngộ nhận hoặc không được đón nhận đúng mức, đó là nét đau khổ của Thiên Chúa.
"Thiên Chúa đã không tha cho chính Con của Người, nhưng phó nộp Ngài vì chúng ta hết thảy." (Rm 8,32).
Thiên Chúa đã không tha cho chính Con của Người
Hay đã không dung tha cho chính trái tim người Cha?
Tuy những nguy cơ do Khổ phụ thuyết (Patripassianisme), Hình thái thuyết (Modalisme) hoặc những quan niệm suy lý về Thiên Chúa, về Hữu Thể Tuyệt Ðối. khiến ta cảm thấy như không thể hoặc không nên nói đến "Nỗi khổ của Thiên Chúa", thế nhưng, bất chấp tất cả, dựa vào mạc khải Ðức Giêsu đặc biệt là trong mầu nhiệm thập giá, chúng ta biết Chúa Cha đau khổ và có thể nói về Nỗi khổ của Người để đi sâu hơn vào Tình Yêu vô lượng của Cha.
"Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi." (Ga 3,16).
I. SỰ TỪ KHƯỚC CHÚA CHA
Chúa Cha đã biểu lộ tình yêu của Người đối với chúng ta, bằng cách để cho Con của Người phải chịu chết. Nói theo kiểu Phaolô, Thiên Chúa đã không tha cho Con của Người. Ðây là một khẳng định làm cho chúng ta ngỡ ngàng.
Một số quan niệm thần học trước đây đã làm cho người ta ngộ nhận rất nhiều về Chúa Cha. Nếu Ðức Giêsu nghe thấy những quan niệm của họ, chắc Ngài phải đau khổ mà thốt lên lạy Cha công chính, thế gian không biết Cha.
Trong lịch sử thần học, khó khăn để dung hòa lòng tốt của Chúa Cha với cái chết của Ðức Giêsu có hai nguồn gốc:
1. Nguồn gốc thứ nhất là phát xuất từ chính Giáo Hội
Cách giải thích và trình bày mầu nhiệm cứu chuộc. Chúng ta có thể dừng lại một bài giảng ngày thứ Sáu Tuần Thánh của một nhà hùng biện thời danh trong Giáo Hội là Ðức Cha Bossuet: Tâm hồn thánh thiện của Ðấng cứu độ tôi tràn đầy nỗi sợ đối với một Thiên Chúa nổi giận sấm sét; tâm hồn ấy muốn ngã vào vòng tay của vị Thiên Chúa ấy, để tìm nơi nương tựa. Tâm hồn ấy thấy Người quay mặt đi, Người phó nộp tâm hồn ấy cho sự giận dữ vì sự công bình bị vi phạm. Ôi Giêsu, Ngài còn nương tựa vào đâu ? Bị con người dồn vào ngõ cụt bằng bạo lực ghê gớm nhất, Ngài đã ngã vào vòng tay Cha của Ngài ; và Ngài đã cảm thấy bị từ chối, Ngài thấy Cha Ngài bách hại Ngài, bỏ rơi Ngài, để cho sức nặng báo thù đè lên vai Ngài. Ðức Giêsu phải chịu đựng sự nhờm tởm của Thiên Chúa, vì Ngài cầu cứu, nhưng Cha Ngài không lắng nghe Ngài ; và phải chịu đựng sự phẫn nộ của Thiên Chúa, vì Ngài cầu xin, nhưng Cha không nhậm lời Người: phải chịu đựng sự công thẳng của Thiên Chúa, vì Ngài khổ đau, mà Cha vẫn không nguôi (Bài giảng cho triều đình vua nước Pháp thứ sáu Tuần Thánh năm 1662).
Quan điểm này xây dựng trên ý niệm đền tội (expiation), được giải thích cách lệch lạc, làm hoen ố gương mặt Chúa Cha. Người trở nên Ðấng không thể nguôi giận, Ðấng không hề cảm động và đòi hỏi giá máu Con của mình. Ðiều sai của thần học kinh viện và của một vài giáo phụ trước thời kinh viện là đã chuyển cách trình bày bằng hình ảnh của Kinh Thánh (giá chuộc người nô lệ) thành một ý niệm dùng để giải thích. Thực sự đây là hai loại ngôn ngữ khác nhau. Loại I là ngôn ngữ biểu tượng chỉ gợi ý, rồi thôi, không dừng lại ở biểu tượng. Loại II là một ngôn ngữ trực tiếp chỉ nghĩa, và chữ ấy luôn luôn chỉ như vậy
2. Nguyên nhân II là sự nghi ngờ đối người cha trong tư tưởng và văn hóa hiện đại.
Sự nghi ngờ này phát xuất từ khám phá phân tâm học của Freud về mặc cảm Oedipe. Hơn nữa lại có nhiều người muốn ứng dụng cách phổ quát cho mọi lãnh vực khám phá phân tâm học này, và đặc biệt cho lãnh vực tôn giáo. Họ muốn giải thích một cách duy lý niềm tin vào Thiên Chúa là Cha trong các tôn giáo, đặc biệt là Kitô-giáo.
Khám phá của khoa phân tâm học không phải là một điều bịa đặt, nhưng bắt nguồn từ cuộc sống đời thường của con người: cách sống và cư xử độc đoán của một số người cha, khiến cho nhiều người rất dễ đồng hóa người cha với sự độc tài và cấm đoán.
II. NỖI ÐAU KHỔ CỦA THIÊN CHÚA
Một trong những lý do quan trọng làm cho người ta từ khước Thiên Chúa là Cha, đó là nỗi đau khổ của những con người vô tội. Con người đau khổ, Thiên Chúa thì không, vì Thiên Chúa không thể đau khổ. Ðức Giêsu đau khổ, nhưng Chúa Cha thì không. Có đúng như vậy không?
Thái độ của Thiên Chúa trước đau khổ của con người
Khi Kinh Thánh gặp gỡ triết học Hylạp, cớ vấp phạm lớn nhất cho triết học là sự đau khổ của Thiên Chúa. Ngay trong quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh là sách Sáng Thế đã có khẳng định hết sức rõ ràng về Thiên Chúa : Người đã phải đau khổ trong lòng (St 6,6). Toàn bộ sách thánh như vang vọng lời than của Thiên Chúa : Hỡi dân ta, Ta đã làm gì cho ngươi ? Ta đã làm gì cho ngươi ngán mệt ? Hãy trả lời cho Ta (Mc 6,3). Trời hỡi hãy nghe ; đất hỡi hãy lắng tai, vì Giavê phán : Ta đã gầy dựng cho đàn con lớn, cho chúng trưởng thành, và chúng đã ngỗ nghịch cùng Ta (Is 1,2).
Thiên Chúa không buồn phiền vì chính mình, nhưng phiền muộn vì con người hư mất, phiền muộn vì yêu thương. Thiên Chúa như bất lực vì yêu thương con người. Loài người thờ ngẫu tượng và chống lại Thiên Chúa ; thay vì tiêu diệt họ, Thiên Chúa như bị ray rứt vì yêu thương : Làm sao Ta nỡ bỏ ngươi ?. Lòng Ta đảo lộn trong Ta, mối chạnh thương sôi réo cả lên (Hs 11,8).
Con người đau khổ, nhưng Thiên Chúa cũng đau khổ vì phải hành động trái với ước muốn của mình. Trong sách Ai Ca, chính Thiên Chúa phải than!
Ðó là điều mà triết học khó chấp nhận. Thiên Chúa của triết gia thì trừu tượng, là một nguyên lý, là sự Thiện Hảo. Thiên Chúa có thể được yêu (aimé), nhưng không thể yêu (aimant). Thiên Chúa là động lực làm cho mọi sự chuyển động, nhưng chính Người thì không chuyển động, Người bất biến. Thiên Chúa là Ðấng Tuyệt Ðối, không thể yêu ghét, không có tình cảm vui buồn. Triết gia khó chấp nhận các tình cảm của Thiên Chúa được mô tả trong Kinh Thánh.
Ðó là quan niệm phổ thông về Thiên Chúa trong thời kỳ thần học phôi thai. Chính vì thế đã có một nỗ lực thay Thiên Chúa của Kinh Thánh bằng Thiên Chúa của triết gia (khuynh hướng ngộ đạo thuyết). Nhưng Giáo Hội đã phản ứng, không chấp nhận. Theo Tertullien, thì chỉ nơi con người các passions mới là hư hoại, còn nơi Thiên Chúa thì các passions thì bất hoại (Adv. Marc. II,16).
Ngay cả những người chịu ảnh hưởng của triết học nhiều như Origène vẫn trung thành với cách nhìn của Kinh Thánh. Ví dụ đối với Origène, cuộc khổ nạn trần thế và lịch sử của Ðức Giêsu là hậu quả của một cuộc khổ nạn trước đó của Chúa Cha vì yêu thương chúng ta. Cuộc khổ nạn mà Thiên Chúa chịu đựng vì chúng ta ngay từ đầu là khổ nạn vì yêu. (Origène, In Ez. hom. 6,6). Như thế là Origène đã đi vào gốc rễ của vấn đề : Chúng ta có dám tin Thiên Chúa là Tình Yêu không ? Các triết gia cũng nghĩ rằng là nếu chúng ta đồng ý là thần linh có thể yêu loài người và thiết tha với vận mệnh của loài người, thì một cách nào đó, thần linh cũng phải đi vào cơn lốc của loài người. Chính vì thế mà triết gia không chấp nhận là Thiên Chúa có thể yêu. Kinh Thánh thì ngược lại, Kinh Thánh khẳng định Thiên Chúa là Tình Yêu. Ðau khổ chắc chắn hợp với Thiên Chúa hơn là sự lạnh lùng vô cảm. Thiên Chúa chịu khổ nạn vì yêu.
Chữ passio diễn tả tương quan mật thiết giữa tình yêu và đau khổ. Passio vừa là một tình yêu đến tận cùng, vừa là một đau khổ lớn lao.
Chúng ta có thể nói đến một khúc quanh trong quan niệm về Thiên Chúa: Thiên Chúa tiên vàn là Tình Yêu tuyệt đối, và cũng là Quyền Năng tuyệt đối (Balthasar, Mysterium Salutis,III,2). Grégoire le Thaumaturge dùng thành ngữ la passion de lImpassible. Vô cảm hay không có khả năng đau khổ là một giới hạn đối với Thiên Chúa, là dấu chỉ thiếu tự do. Thiên Chúa, nếu muốn, có thể đau khổ ; và vì yêu, Người muốn. Ngay cả sự phẫn nộ của Thiên Chúa cũng vậy, tất cả là vì yêu : Thiên Chúa đánh ta trong thời gian để cứu ta trong vĩnh cửu. Có lẽ đó là khía cạnh mà khoa hiện tượng luận về tôn giáo gọi là tremendum nơi Thiên Chúa.
III. SỰ ÐỒNG CHỊU KHỔ CỦA CHÚA CHA
Thái độ của Chúa Cha đối với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu như thế nào ? Có phải Chúa Cha chỉ làm cho Con đau khổ và chứng kiến Con đau khổ?
Câu Rm 8,32 : Thiên Chúa không tha cho Con của Người, nhưng phó nộp Con vì chúng ta hết thảy, chỉ có thể hiểu đúng nếu chúng ta liên tưởng tới đoạn sách Sáng thế 22,16 nói về Abraham và Isaac: Vì ngươi không tha cho con của ngươi, con một của ngươi.
- Abraham không tha cho Isaac - Thiên Chúa không tha cho Ðức Giêsu.
- Abraham đi với Isaac lên núi - Thiên Chúa đồng hành với Ðức Giêsu trên đường khổ nạn.
- Ðau khổ lớn nhất của Abraham là khi Isaac gọi Cha ơi - Ðau khổ lớn nhất đối với Thiên Chúa là lúc Ðức Giêsu gọi Abba.
- Abraham sẵn sàng chết thay cho con - Chúa Cha như sẵn sàng chết thay cho Con. Lúc Ðức Giêsu thắc mắc lạy Thiên Chúa tôi, sao Ngài bỏ tôi? Chính là lúc Cha ôm chặt Con vào lòng.
Câu Rm 8,32 có nghĩa: Thiên Chúa không giữ Ðức Giêsu Kitô cho riêng mình, mà đã hy sinh Ngài cho tất cả chúng ta. Không những Cha nhận hy tế của Con, mà chính Cha hy sinh Con Một. Hy sinh lớn nhất của Chúa Cha là ban Con Một cho chúng ta. Thánh Augustinô, khi nghĩ đến điều này đã thốt lên : Lạy Cha rất nhân lành của chúng con, Cha đã yêu chúng con dường nào, Cha đã không tha cho Con Một, nhưng đã phó nộp Con cho những kẻ vô đạo là chúng con! (x. X,43).
Tư tưởng của thần học cổ cũng đã được Tertullien ghi lại: Con chịu khổ hình, Cha đồng chịu khổ (adv. Praxeam 29). Chúa Cha chịu khổ nạn trong Con Yêu Dấu của mình.
Vì sự xuất hiện của Khổ phụ thuyết, mà quan niệm cổ ở trên biến mất. Chủ đề Compassion du Père phai mờ dần, và người ta đi đến chỗ phân biệt passion voulue chung cho Ba Ngôi vớipassion subie chỉ riêng cho Ðức Giêsu. Thiên Chúa đau khổ dần dần trở thành Thiên Chúa không thể đau khổ. Sự vô cảm được coi như ưu phẩm cao nhất của Thiên Chúa và trở nên lý tưởng của sự thánh thiện trong đời tu (apatheia).
Nhưng giáo lý chính thống của Giáo Hội luôn khẳng định một trong Ba Ngôi đã chịu khổ hình. Nếu một Ngôi đau khổ thì cả Ba Ngôi đều đau khổ (D 201, 222). Dĩ nhiên nơi Chúa Cha, nỗi đau khổ có khác với đau khổ nơi Chúa Con nhập thể làm người: Con chịu khổ hình, Cha đồng chịu khổ.
Ngày nay chủ đề nỗi đau khổ của Thiên Chúa đang trở lại (K. Kitamuri, Theology of the pain of God, Richmond 1965). Ðối với Chúa Cha, việc phó nộp Con mình là nguyên nhân của đau khổ lớn nhất, sâu nhất, mà không đau khổ nào ở trần gian có thể so sánh. Cuộc khổ nạn của Ðức Giêsu chịu đóng đinh mạc khải cuộc khổ nạn của Chúa Cha.
Gioan Phaolô II lấy lại tư tưởng này trong thông điệp về Chúa Thánh Thần: Sự đau đớn khôn dò và khôn tả của Chúa Cha làm nảy sinh nhiệm cục kỳ diệu của Tình Yêu Cứu Ðộ trong Ðức Giêsu Kitô. Sự đau khổ của Thiên Chúa được cụ thể hóa nơi nhân tính của Ðức Giêsu Cứu Thế (MK 39).
Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn không ngừng đau khổ vì loài người chúng ta: Ôi Tình Yêu lại không được yêu! Sao chúng ta dám nói chỉ có con người đau khổ, còn Thiên Chúa thì không!
IV. YÊU THƯƠNG VÀ VÂNG PHỤC
Nơi Chúa Giêsu chịu nạn, vừa có tự do, vừa có sự vâng phục (Ga 10,17-18: pouvoir - commandement). Chúa Cha đã ra lệnh cho Chúa Con lúc nào và như thế nào ? Tôma tiến sĩ trả lời :Chúa Cha đã phó nộp Con mình chịu chết, đã gợi cho chính Con ý muốn chịu khổ vì chúng ta, bằng cách phó cho Con Tình Yêu (S. Th. III,47,3). Lệnh truyền của Chúa Cha là hãy yêu mến loài người ! Cha trao cho Con bản tính của mình, mà bản tính của Cha là Tình Yêu, Cha đã truyền lại cho Con nỗi đam mê yêu thương, và tình yêu này đã đưa Con lên thập giá. Chính vì thế mà trong Tân Ước, có chỗ nói Chúa Giêsu chết vì yêu chúng ta (Ep 5,2), chỗ khác lại nói vì vâng phục Chúa Cha (Pl 2,8). Tình Yêu và sự vâng phục, sự dâng hiến và đòi hỏi đi đôi. Ðó là điều hết sức huyền nhiệm dẫn chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm Ba Ngôi: Tình Yêu từ sự Duy Nhất, Vâng phục từ Ba Ngôi. Tình Yêu chung cho Ba Ngôi, vâng phục là riêng của Ngôi Con. Sự vâng phục hoàn hảo nhất là vâng phục vì yêu thương: lấy ý muốn của Cha làm ý muốn của chính mình. Trên bình diện con người, sự vâng phục này không phải dễ dàng, và Ðức Giêsu phấn đấu hết sức để vâng phục Cha với ý muốn con người.
V. TIN TƯỞNG NƠI CHA
Ðau khổ của Thiên Chúa không là dấu hiệu yếu đuối, nhưng là dấu chỉ của tình yêu mạnh mẽ. Thiên Chúa là Cha Toàn Năng. Nơi Thiên Chúa vừa có Tình Yêu, vừa có sự Toàn Năng. Thiên Chúa là Tình Yêu Toàn Năng. Quyền Năng vô hạn của Thiên Chúa biểu lộ qua sự đau khổ vô hạn. Thiên Chúa chiến thắng sự dữ bằng chịu đựng. Người muốn chiến thắng không bằng sức mạnh, nhưng bằng tình yêu, làm gương cho chúng ta chiến thắng sự dữ bằng sự thiện (Rm 12,21).
Ðừng quên rằng việc đồng chịu khổ của Chúa Cha không dừng lại ở cuộc khổ nạn, nhưng tiến đến Phục Sinh. Thiên Chúa không lúc nào nghĩ đến cái chết của Chúa Giêsu mà không nghĩ tới Phục Sinh. Khi phục sinh Ðức Giêsu, Chúa Cha đã bày tỏ cho thấy quyền năng của Người vĩ đại dường nào (Ep 1,19-20). Tình yêu toàn năng của Thiên Chúa tạo cho chúng ta lòng tin tưởng: Nếu Thiên Chúa phò trợ ta, ai nào dám chống lại ta? (Rm 8,32).
Ðức Giêsu đã hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Cha trong lúc đau khổ nhất: Lạy Cha, Con phó thác linh hồn Con trong tay Cha (Lc 23,46).
ÐGM Phaolô Bùi Văn Ðọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét