"Buông xả" - Hot girl Trung Quốc |
Phật giáo dậy rằng con người có một giá trị rất cao, đáng tôn qúi, đặc biệt ở sự thông minh tuyệt vời và trí tuệ siêu đẳng. Theo quan điểm của Phật giáo, tiến trình phát triển của con người thì khác xa với các loài khác như thú vật, rau cỏ; mỗi một người đều có một tiểu sử rất dài, có một tiến trình phát triển hầu như bất tận, đặc biệt là phần tâm thức của mỗi cá nhân. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Trong Phật giáo quan niệm rằng bản tính tự nhiên của tâm thức (Tâm bản nhiên) con người thì hoàn toàn trong sáng và thanh tịnh. Chúng tôi cũng quan niệm rằng tâm thức của con người mới chính là nguyên tử năng của con người chứ không phải cái thân xác thịt xương máu huyết này. Đồng thời chúng tôi cũng xác nhận rằng con người có đời sống hạnh phúc hay đau khổ tất cả đều tùy thuộc vào thái độ của tâm thức của riêng từng cá nhân: nếu anh (chị) nghĩ đời anh khổ, anh sẽ khổ. Tất cả những phiền toái, tất cả những vấn đề của con người đều do tâm của con người sáng tạo ra - không phải Thượng Đế, không phải Phật.
Từ quan điểm đó, chúng ta biết con người có khả năng tạo ra những phiền phức cho đời sống thì chính con người cũng có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn của đời sống. Thực là sai lầm khi nghĩ rằng, “ Những vấn đề của tôi quá vĩ đại, bao la như bầu trời, rộng lớn như không gian, hầu như tất cả đều là phiền phức, rắc rối, dù cho có phá hủy cả mặt trời, cả mặt trăng thì cũng không hủy hết được những vấn đề của tôi! ” Thật là sai lầm. Thật là u mê! Tất cả chúng ta nên nhìn nhận rằng chúng ta phải có trách nhiệm giải quyết tất cả những vấn đề của chúng ta. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về tất cả những hành động từ thân, khẩu và ý của chúng ta. Chúng ta không thể đổ, không thể trút lên đầu người khác.
Hầu như tất cả những vấn đề của con người đều do trí thông minh mà ra, bởi vì chúng ta có quá nhiều liên hệ với sự thông minh và những lý lẽ. Dĩ nhiên, cũng có rất nhiều vấn đề đến từ trí tuệ, nhưng hầu như cội nguồn của tất cả những vấn đề trong đời sống của chúng ta như sự giận dữ, sự bạo động đều từ trí thông minh mà ra. Chúng ta đã thông minh hóa sự kiện nên chúng ta đã có những vấn đề.
Khi sinh ra, khi còn là một đứa trẻ nhỏ, chúng ta đã chẳng có một vấn đề chính trị nào, phải không quý vị? Hãy suy nghĩ cho kỹ đi. Trong tâm khảm của một đứa trẻ chẳng có một tí chính trị nào. Khi còn là một đứa trẻ nhỏ, chúng ta chẳng có một chút gì là rắc rối kinh tế, chẳng có một chút gì là khó khăn xã hội, bởi vì chúng ta chưa sẵn sàng, bởi vì chúng ta chưa trưởng thành để có những xung khắc của cái tôi, để thông minh hóa những sự kiện. Và khi chúng ta còn là trẻ thơ chúng ta không có những sự xung đột tôn giáo hay kỳ thị chủng tộc trong tâm của chúng ta.
Khi chúng ta còn nhỏ chúng ta không có những vấn đề thông minh này; bắt đầu lớn là bắt đầu thông minh hóa, bắt đầu thông minh hóa, thông minh hóa: “Ai đây?” “Tôi là ai?” “Làm sao tôi nhận ra tôi?” “Cái gì là khuôn mẫu của đời sống?” Cái tôi của chúng ta muốn có một phương pháp, một đường lối để khám phá, để nhận biết mình; phải có một cái gì để bám vào, để chiếm hữu. Chúng ta không còn tự nhiên. Chúng ta đã không còn hồn nhiên. Đó là lý do tại sao chúng ta hoàn toàn là nhân tạo, hoàn toàn do chúng ta làm ra, nên chúng ta có nhiều lầm lẫn, nên chúng ta không bao giờ hài lòng, không bao giờ thỏa mãn, không bao giờ thoải mái.
Chúng ta có thể nhìn thấy một cách rất rõ hầu như tất cả những vấn đề trong thế giới tân tiến văn minh ngày nay đều bắt nguồn từ những sự tương quan mâu thuẫn, từ những sự liên hệ đối nghịch nhau mà ra. Đàn ông có vấn đề với đàn bà, đàn bà có vấn đề với đàn ông. Người có vấn đề với người. Tất cả những vấn đề này đều đến từ sự thông minh của chúng ta, chúng ta chơi những trò chơi thông minh với nhau, những vấn đề này không phải từ trí tuệ, không phải từ trực giác, không phải từ tiên thiên tri thức. Chúng ta đã sáng tạo, chúng ta đã xây dựng lên những sự kiện bằng những quan niệm thông minh của chúng ta, “ Đây là đối tượng tuyệt hảo cho tôi, tôi phải có, tôi phải chiếm lấy, nếu không có nó, nếu không chiếm được nó, thà là tôi chết còn hơn! Những cái kia không phải, chỉ có cái này mới thực là của tôi! ”
Vấn đề là chúng ta đã sử dụng trí thông minh một cách không tự nhiên, quá ư là u mê, chúng ta không thực chút nào. Chúng ta chưa hề chạm được sự thật. Bởi vì chúng ta mù quáng, khi diễn tả một trái táo, chúng ta nói, “ Oâi chao, quả táo này tốt quá, thật là tuyệt, màu sắc tươi rói, thơm phức, tôi thích nó quá.” Chúng ta đã diễn tả sự vật theo chiều hướng xúc cảm của chúng ta, theo chiều hướng bệnh hoạn của một cái tâm tràn đầy ảo tưởng của chúng ta. Chúng ta đã gán cái vọng tưởng tốt đẹp ngon lành trên quả táo để rồi nó làm chúng ta thất vọng, để rồi nó làm chúng ta bất mãn khi chúng ta biết được sự thật, nó chua quá, nó chát qúa. Cái lý do mà chúng ta bất mãn với đối tượng ‘qủa táo’ này là chúng ta đã có sự liên hệ với cái tâm vọng tưởng của chúng ta về quả táo, chúng ta đã tưởng nó tốt, chúng ta đã không thật, chúng ta đã không biết sự thật là quả táo đang như thế nào.
Theo Phật giáo, tất cả chúng ta đều có khả năng phân tích, đều có khả năng khám nghiệm cái tâm của chúng ta xem nó đang suy nghĩ theo chiều hướng nào, tích cực hay tiêu cực, vọng tưởng hay chân thật. Chúng ta có khả năng làm điều này. Như chúng ta đã biết, “Phật, Buddha” có nghĩa là “Một người đã hoàn toàn phát triển”ø mỗi một người chúng ta đều có cơ hội, đều có khả năng phát triển được như vậy, mỗi một người chúng ta đều có khả năng tẩy xóa đi tất cả những ô nhiễm, những mê mờ vọng tưởng của chúng ta để trở nên một người hoàn toàn phát triển, để là trí tuệ.
Trong một xã hội tràn đầy sự cạnh tranh, giành dật; chúng ta luôn luôn muốn chiếm hữu những tiện ích của xã hội mà chúng ta đang sống, của đất nước mà chúng ta đang ở và của những người chung quanh chúng ta. Tất cả những vấn đề này đều bắt nguồn từ sự thông minh của chúng ta, chúng ta tự tạo ra, chúng ta chộp dật, chúng ta luôn luôn nói, “Tôi muốn”, “Tôi muốn”. Đó là đau khổ, đau khổ từ đó mà ra. Có rất nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta đã bị trầm uất, chúng ta đã bị khổ đau, chúng ta đã bị dằn vặt mà không có một lối thoát. Nếu chúng ta đã ôm ấp những vọng tưởng quá cao để tự an ủi, để xây dựng mộng mơ của chúng ta thì khi chúng ta không đạt được những điều mong muốn đó, chúng ta sẽ bị chết khát trong biển cả mênh mông của chính thế giới huyễn ảo mà chính chúng ta đã tạo ra. Chúng ta không thể đương đầu nổi, chúng ta không còn sức để chống chọi với nó nữa, vì nó đã trở nên quá khó khăn.
Vì thế, trước khi sự lầm lạc to lớn xẩy ra, chúng ta nên từ từ, từ từ giải trừ, từ từ loại bớt những sai lạc nhỏ hàng ngày, bằng phương cách đó chúng ta sẽ cảm thấy dễ hơn, dễ hơn. Chúng ta nên tự hỏi thông minh như vậy tốt hay là xấu? Lanh lợi kiểu đó có lợi hay là hại? Theo quan điểm của Phật giáo, thay vì dùng trí thông minh để sống chúng ta nên dùng trí tuệ, nên phân tích, nên tìm hiểu để biết nó thực có giá trị hay không.
Sở dĩ tất cả những rắc rối, những vấn đề của chúng ta, của xã hội, của thế giới và của riêng từng cá nhân đều đến từ sự thông minh hoá, bởi vì nó được xây dựng trên một cái tôi, trên một bản ngã không được tự nhiên, bởi vì khi sinh ra, khi còn là một trẻ thơ, chúng ta không có những vấn đề này và khi chết đi chúng ta cũng không có những vấn đề này.
Trong Phật giáo có thiền định, thiền định là gì, thiền là nhìn thấu suốt những gì đang xẩy ra, đang diễn ra một cách tự nhiên hay không tự nhiên, trong sáng hay u mê - đây chính là những sự xung đột của cái tôi. Thiền định cho chúng ta đến gần. Càng thiền định, càng đến gần sự thật, càng nhìn được phía bên kia của những cảm xúc là gì, càng nhìn được những sự xung đột của chính cái tôi như thế nào, và sẽ biết được cái gì thực sự đang hoạt động trong tâm của chúng ta như nhìn một đối tượng ở bên ngoài.
Qua Phật giáo, chúng ta tin tưởng rằng tất cả chúng sinh đều có những vấn đề, nó xẩy ra mỗi ngày, thường ngày. Chúng ta có những xung đột ở nội tâm của chúng ta về chính cái tôi của chúng ta, chúng ta có những vấn đề về những xúc cảm của chúng ta, chúng ta đã bị ám ảnh. Chúng ta biết chúng ta có đủ mọi thứ vấn đề nhưng chúng ta cũng biết rằng chúng ta có những khả năng đến gần chúng, nhìn được chúng và thấu suốt được tận gốc rễ phía bên kia của vấn đề là gì. Thực sự chúng ta có khả năng này. Chúng ta không nên nghĩ, “Tôi qúa lầm lẫn, bản tính của tôi hoàn toàn sai lầm. Tôi không thể bỏ nó được, không có cách nào để thay đổi nó, để chuyển hóa nó”. Đó là một thái độ qúa sai lầm, chúng ta đã hạ thấp gía trị con người, chúng ta đã từ chối khả năng của chúng ta.
Phật giáo là nhân bản, là một loại khoa học tôn giáo, nó đặc biệt chú trọng đến những vấn đề của con người và tìm cách giải quyết những vấn đề này - nó không quá chú trọng đến Phật hay Thượng đế. Đó là lý do tại sao chúng ta tin tưởng vào gía trị của con người, mục đích để thẩm định, để tìm ra sự thật của tâm thức chúng ta, thay vì bỏ quên nó mà chỉ để ý đến thân xác. Hãy luôn nghĩ rằng thân xác chỉ mang lại bệnh tật và không có gía trị, nó không mang lại sự thỏa mãn. Sự thỏa mãn nằm trong tâm thức, sự thỏa mãn chỉ có từ tâm thức, chẳng phải từ cái thân xác xương thịt này. Tâm thức của con người thì khác xa với cái thân xác hay khối óc này.
Vậy, điều đặc biệt chú trọng đến đời sống thực sự của con người là tất cả chúng ta đều có khả năng giải quyết tất cả những vấn đề của chúng ta, những vấn đề của nhân loại. Chúng ta nên hiểu rõ điều này, “Rắc rối là của tôi, vấn đề là của tôi, tôi sẽ giải quyết nó, tôi phải giải quyết nó”. Bằng cách đó, chúng ta tạo được sự tự tin mãnh liệt, sự tự tin ở trong tâm của chúng ta. Chúng ta phải hiểu rằng trí tuệ của chúng ta có khả năng giải quyết tất cả những rắc rối của con người. Tất cả mọi người đều có trí tuệ. Đừng bao giờ nghĩ rằng bản tính tự nhiên của con người hoàn toàn ngu si, vô minh, Chúng ta có trí tuệ, chúng ta có tình yêu, chúng ta có lòng từ bi. Đừng nghĩ rằng, “Tôi là người nóng nảy, tôi là người đầy sân hận, tôi không có trí tuệ, tôi không có tình yêu, tôi không có lòng từ bi”. Đây là thái độ vô cùng tiêu cực về sự thật của chúng ta. Khi có tự tin, khi tin tưởng vào chính mình, khi có kinh nghiệm về trí tuệ của chính mình, về lòng từ bi của chính mình, chúng ta sẽ trở nên tự nhiên hơn, thoải mái hơn, chỉ lúc đó chúng ta mới có thể phát triển được trí tuệ tự nhiên của chúng ta, trí tuệ chỉ có thể phát triển trong tình trạng cởi mở thoải mái tự nhiên.
Sự thông minh hóa và cái tôi (ngã chấp) làm hủy hoại trí tuệ. Trí tuệ là trí tự sinh, tự có, nó không hề bị ảnh hưởng bởi triết lý, bởi giáo lý, bởi thầy dậy hay bởi khung cảnh sống... Trí tuệ, tiên thiên tri thức hằng ở đó, thay vì bị nhốt kín ở bên trong thì nó được bảo vệ để tìm đường phát triển.
Chúng ta biết rằng con người luôn tự tạo ra những vấn đề cho chính mình. Như vậy, chúng ta không nên đỗ lỗi cho xã hội, cho bạn bè hay cho cha mẹ của chúng ta, chúng ta không nên trút lên đầu bất cứ người nào khác. Vấn đề của chúng ta là do chính chúng ta tạo ra. Chúng ta là người tạo ra vấn đề thì cũng chính chúng ta là người phải giải quyết vấn đề.
Ngay tại thời điểm của sự chết, ngay trong tiến trình chết, một cách rất tự nhiên tất cả những ý niệm sau đây của chúng ta: chính trị, kinh tế, xã hội, kỳ thị, tư bản, cộng sản...đều biến mất vào không gian, chúng biến đi một cách tự nhiên. Hãy suy nghĩ những vấn đề này: tất cả những thái độ ích kỷ, tất cả những suy tính để chiếm phần lợi ích từ người khác như, “Tôi thật là thông minh, tôi chiếm tất cả những nguồn lợi ích của người Phi châu, tụi nó ngu qúa, chúng chẳng biết gì cả, nên tôi phải chiếm lấy.” Tất cả những thái độ ích kỷ, tất cả những tính toán mưu cầu lợi ích đều tan biến vào không gian khi chúng ta chết.
Tất cả những vấn đề này không chỉ biến mất khi chúng ta chết mà ngay cả khi chúng ta đi ngủ. Khi chúng ta đi vào giấc ngủ, tất cả những ý niệm này cũng tan biến đi y như khi chúng ta chết. Ngay cả những sự xung đột của ngã chấp cũng biến mất. Tốt hơn hãy đi ngủ, ngủ còn hơn là thức để suy tính, để thông minh hoá, để cảm xúc, để nóng giận ganh ghét... vì khi ngủ chúng ta đi vào một trạng thái tự nhiên, một trạng thái căn bản của tâm thức không có sự thông minh.
Trong truyền thống Phật giáo, người ta thiền vào buổi sáng vì buổi sáng khi vừa thức dậy tất cả những ý niệm bị ô nhiễm đã biến mất nên chúng ta có được một chút yên tĩnh trong sạch. Trong lúc ngủ, tất cả những năng lực đã được tích tụ sẽ biến mất trong một thời gian; rồi khi chúng ta thức dậy, chúng cũng từ từ trở lại. Nếu thiền vào buổi sáng, chúng ta sẽ ở trong tình trạng trung dung hơn là ở vào một đầu của cực điểm. Sự tập trung của chúng ta ở buổi sáng sẽ dễ hơn là ở những thời điểm khác. Nếu chúng ta không phải là một thiền sinh hay nếu chúng ta cũng không phải là một thiền gia mà chỉ là một người đang suy nghĩ về một vấn đề gì thì buổi sáng cũng là lúc trong sáng nhất để chúng ta làm việc. Trong Phật giáo không phải chỉ có một phương pháp thiền là tập trung vào một đối tượng mà còn có những phương pháp khác như quán sát, phân tích để tìm ra sự thật.
Một điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải biết tâm của chúng ta làm việc như thế nào trong thường ngày, trong lúc ngủ cũng như trong lúc chết. Một điều cũng vô cùng quan trọng là chúng ta nên tự giáo huấn chúng ta về vấn đề này. Như vậy chúng ta sẽ không còn sợ hãi. Nhiều người nghĩ rằng chết là một sự khiếp đảm kinh hồn, là sẽ đi vào một cái lỗ đen vĩ đại, khi tới đó, chúng ta sẽ bị nó cuốn hút, bị nó ăn thịt. Sự thật là chúng ta đã chết ngay từ lúc chúng ta sinh ra, sự chết đã có khi vừa sinh ra. Chúng ta nghĩ chết là một sự kiện vĩ đại! Vĩ đại hơn mất việc làm, vĩ đại hơn mất người yêu, vĩ đại hơn mất vợ mất chồng. Đây là một thái độ sai lầm.
Chúng ta cũng thường nghĩ chết là xấu - đây chỉ là một phóng tưởng của tâm chúng ta. Thực ra chết còn tốt hơn cái hoa này, bởi vì cái hoa này không cho chúng ta đại lạc, sự chết có thể cho chúng ta sự bình an vĩnh cửu. Kinh nghiệm về sự chết còn tốt hơn có vợ, có chồng hay có người yêu bởi vì những người này chỉ cho chúng ta một chút hạnh phúc. Họ không giải quyết được những vấn đề căn bản của chúng ta; họ chỉ có thể tạm giải quyết được một vài rắc rối về cảm xúc của chúng ta. Nhưng ngay tại lúc chết, tất cả những sự tức bực đều chấm dứt, tất cả những cảm giác đều chấm dứt. Tiến trình của một cái chết tự nhiên xẩy ra rất lâu và rất chậm.
Khi chúng ta chết một cách tự nhiên, tứ đại từ từ suy đồi, từ từ thoái hóa - chúng ta gọi nó đang bị “chìm,thấm, thẩm thấu, hút vào” - chúng suy đồi từ từ, giảm hoạt động từ từ, từ từ, chúng tạo nên, chúng để lại những ảo giác cả bên trong lẫn bên ngoài thân xác của chúng ta . Đồng thời ngũ uẩn - sắc, thọ, tưởng, hành, thức - cũng bắt đầu chìm dần, mất dần.
Thông thường, chúng ta nghĩ rằng thị giác của chúng ta thật là tuyệt diệu, nó cho chúng ta những khoái lạc. Chúng ta cũng nhận thấy những kinh nghiệm xúc giác thật là quan trọng nên chúng ta ham muốn càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, trong Phật giáo, quan niệm không nên bám víu, không nên để bị ràng buộc vào những đối tượng gây cảm giác này. Đó là sự từ bỏ, sự buông xả. Buông xả là một hiện tượng rất tự nhiên. Tại sao? Rất dễ hiểu, khi sinh ra, khi còn là một trẻ thơ, chúng ta không có một vấn đề gì, không có một rắc rối nào về sự ràng buộc; tất cả những sự ràng buộc, níu kéo, bám víu, dính mắc đều được bồi đắp lên ở trong đời sống xã hội. Khi còn nhỏ chúng ta không có những ham muốn này.
Khi còn trong bụng mẹ, chúng ta đã từ bỏ tất cả mọi thứ, đã buông xả tất cả mọi thứ. Chúng ta chẳng có gì, chúng ta chẳng tích trữ cái gì, chúng ta chẳng chộp dật cái gì, chúng ta chẳng tranh giành cái gì với ai. Khi còn trong bụng mẹ, chúng ta chẳng có một đối tượng nào để bị lôi cuốn, hấp dẫn chúng ta, cũng chẳng có một đối tượng nào để chúng ta phải bám víu vào, phải khổ sở vì nó. Tại thời điểm đó, chúng ta đã từ bỏ, từ bỏ một cách tự nhiên, buông xả một cách tự nhiên!
Bây giờ, chúng ta có một chiếc xe... vậy mà cũng chưa đủ. Chúng ta mua thêm xe thứ hai... cũng không đủ, chưa thỏa mãn. Chúng ta muốn nữa, muốn có một cái tàu. Có tàu rồi, chúng ta muốn một cái lớn hơn nữa...vân vân... Quý vị có hiểu không? Và cứ như thế mà muốn cho đến kỳ cùng, không bao giờ đủ. Đó là sự không thỏa mãn, đó là sự bất mãn. Chúng ta nên hiểu rằng chúng ta được sinh ra trong sự buông xả, một sự buông xả rất tự nhiên. Chúng ta không cần phải tranh giành, bám víu, chiếm hữu, chúng ta không cần phải qúa lo lắng. Chúng ta vào đời để được an vui, chúng ta đi vào cuộc đời để hưởng an lạc. Nhưng chúng ta đã tạo dựng qúa nhiều lo âu, qúa nhiều rắc rối, quá nhiều phiền não, rồi khi chết đi, một lần nữa chúng ta lại trở về với sự buông bỏ, chúng ta lại chẳng có gì, lại trở về với sự buông bỏ tự nhiên.
Vậy, hãy trở về với thiên nhiên, với sự tự nhiên của chúng ta. Đừng nghĩ rằng triết lý buông xả, triết lý từ bỏ của Đông phương là xấu, là bị ô nhiễm, hoặc chỉ là một ý tưởng. Sự thỏa mãn không tùy thuộc vào vật chất. Sự thỏa mãn đến từ sự đơn giản, đơn sơ. Câu hỏi của chúng ta là, tại sao chúng ta đã không thỏa mãn? Tại sao chúng ta thường xuyên bất mãn? Chúng ta đã luôn luôn đỗ lỗi cho những cái ở bên ngoài, chúng ta đã luôn luôn tìm những cái ở bên ngoài để “cái này không đủ, cái kia không đủ.” Điều này không đúng! Cái “không đủ” đang ở bên trong này chứ không phải ở ngoài kia. Đó là điều chúng ta cần phải kiểm điểm, cần phải kiểm thảo !
"Buông bỏ" có nghĩa là để đời sống tiếp diễn một cách dễ dàng, thoải mái, tự nhiên. Buông bỏ không có nghĩa là chúng ta phải vất bỏ đi tất cả mọi thứ. Buông bỏ có nghĩa là chúng ta không quá bận tâm về sự vật, không quá bám víu vào vật chất. Hãy nới lỏng sự gắn bó, hãy thư giãn, thoải mái, thay vì bám chặt, đeo dính.
Thí dụ, người Thụy điển có một đời sống rất hạnh phúc sung sướng - quý vị không cần phải vất hết tiền bạc đi mới gọi là buông xả. Qúy vị cứ làm tiền, cứ vui hưởng nó nhưng trong một chiều hướng hợp lý, cảm nhận và cám ơn cuộc đời của qúy vị, đồng thời đừng quên những người đang sống nghèo khổ ở thế giới Thứ Ba. Nếu không, chỉ lo tích trữ tiền bạc rồi ngồi nhìn nó thì cuộc đời chẳng vui chút nào. Quý vị nên biết giá trị của những đồng tiền Thụy Điển, chúng ta nên biết giá trị của những tiện ích này, chúng ta nên biết giá trị của đời sống sung túc ở đây, hãy hưởng tất cả những lợi lộc này và thỏa mãn những gì hiện có. Nếu không như vậy thì dù quý vị có sở hữu tất cả tiền bạc của xứ sở này nó cũng chẳng làm cho quý vị hạnh phúc vui tươi.
Theo tâm lý học Phật giáo, dù những đối tượng vật chất có làm chúng ta thỏa mãn hay không cũng tùy thuộc vào sự quyết định của tâm thức chúng ta. Tâm thức của chúng ta nói như thế này, “ cái này làm tôi vui sướng, cái này tốt...” mặc dù chúng ta chưa nhìn thấy vật đó, rồi khi nhìn thấy nó tận mắt, chúng ta mới nghĩ, “ ồ, cái này tốt.” Tâm thức của chúng ta nói như thế này, “ông bạn này xấu.” Rồi khi gặp họ, chúng ta chỉ nhìn thấy những cái xấu của họ.
Lý do tại sao Phật giáo Tây tạng dậy con người hiểu tiến trình của sự chết - giải thích cái gì sẽ xẩy ra, làm thế nào để đối diện với những gì sẽ xuất hiện, làm thế nào để đương đầu với những ảo giác xung đột lẫn nhau - là để chúng ta có thể đương đầu với chúng thay vì sợ hãi và bối rối. Trong lúc đó, chúng ta dễ dàng nhận diện được cái gì huyễn ảo là huyễn ảo, vọng tưởng là vọng tưởng, mê lầm là mê lầm.
Sau sự tàn lụi của tứ đại, khi chúng đã biến mất, chúng ta vẫn còn thể tâm thức (thân vi tế). Ngay cả khi không còn thở, thể tâm thức vẫn còn đó. Các bác sĩ Tây phương tin tưởng rằng khi chúng ta chấm dứt thở là chúng ta đã chết, rồi họ bỏ chúng ta ngay vào thùng ướp lạnh! Theo quan niệm của Phật giáo, mặc dù một người không còn thở, họ cũng vẫn còn sống và đang kinh nghiệm bốn hình ảnh: hình ảnh có mầu trắng, mầu đỏ, mầu đen và ánh sáng trong suốt. Bốn hình ảnh này xuất hiện sau khi chúng ta đã hoàn toàn ngưng thở, nó cho phép một thiền giả có thể ở trong trạng thái trong sáng này nhiều ngày, nhiều ngày, có khi cả tháng. Họ ở trong trạng thái trong sáng này, trạng thái đại lạc, tiếp xúc với sự thật của vũ trụ (của nhất thể) thay vì bị ô nhiễm.
Dĩ nhiên là người Tây phương sẽ nghĩ, “Ồ, đây chỉ là đức tin của Phật tử, ông sư này đang nói về cái gì ông ta tin, chẳng có gì liên hệ đến chúng ta, đến những người Thụy Điển”. Nhưng đây là kinh nghiệm của con người, mặc dầu nó chưa phải là kinh nghiệm của chúng ta.
Có một người Pháp, ông ta đã chết đi và sống lại. Ông ta không phải là người có đạo, nhưng theo bác sĩ, ông ta đã chết hai tiếng đồng hồ rồi ông ta tỉnh dậy. Ông ta viết ra những gì ông ta đã trải qua trong khi ông ta chết. Đây là một thí dụ điển hình, ông ta không tin bất cứ một tôn giáo nào, ông ta không hề biết Phật giáo, nhưng họ xác nhận ông ta đã chết, ông ta sống lại và ông ta đã viết ra những gì ông ta đã trải qua trong lúc chết.
Dù chúng ta có tin sự giải thích của Phật giáo hay là không tin, chúng ta vẫn có thể hiểu một cách dễ dàng khi nhìn vào tiến trình đi vào giấc ngủ. Tôi nghĩ rằng bây giờ với kỹ thuật khoa học tân tiến chúng ta đã có những máy móc có thể đo, có thể quan sát được tiến trình cảm giác trong khi chết hay trong giấc ngủ. Không cần phải có những sự giải thích của Phật giáo, tôi tin tưởng rằng con người có thể phân tích những tiến trình này bằng máy móc tinh vi. Và chúng ta có thể so sánh tiến trình của giấc ngủ với tiến trình của sự chết.
Tôi nghĩ rằng đã hết giờ và tôi chắc chắn rằng tôi đã gây ra nhiều nghi ngờ cho quý vị, tốt hơn, chúng ta hãy đi vào phần hỏi và trả lời.
Thính giả: Con người chỉ có khả năng biết khi có sự so sánh giữa các sự vật - Làm thế nào chúng ta có thể biết được nhiệt độ nếu chúng ta không có sự thay đổi, sự biến thiên của nhiệt độ? Nghĩa là cần phải có cái xấu để có thể đánh giá được cái tốt, có lẽ sự bất toàn là một phần của cái hoàn toàn trong sự sáng tạo để tạo nên sự chuyển động. Làm thế nào ngài có thể loại bỏ cái xấu để giữ lại cái hoàn toàn tốt?
Lạt ma: Chúng ta không nên quan tâm nếu không có cái xấu thì làm sao có cái tốt. Đó chỉ là một lối suy nghĩ đáng thương. Dĩ nhiên, tôi đồng ý với anh hạnh phúc hay đau khổ là những điều kiện tùy thuộc vào nhau. Anh có thể nhìn thấy rằng có những sự kiện anh có thể làm giảm bớt đau khổ mà tăng thêm hạnh phúc.
Thính giả: Xin ngài trình bày thêm một chút, có thể có sự xung đột cho một người đang theo Thiên Chúa giáo muốn đổi qua Phật giáo?
Lạt ma: Chẳng có trở ngại nào cả! Phật giáo hay Thiên Chúa giáo cũng chỉ là sự thông minh hóa mà thôi. Tại sao? Có một chút triết lý khác biệt giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo, nhưng sự khác biệt triết lý này cũng giống như sự khác biệt quần áo - người Thụy Điển mặc như quý vị đang mặc, người Tây tạng mặc như tôi đang mặc, nhưng tôi tin chắc rằng quý vị sẽ thích bơ làm từ con trâu Tây Tạng cũng như tôi thích bơ của Thụy Điển và sô cô la của quý vị!
Tôi có rất nhiều học trò ở Hoa kỳ, nhiều bà già là tín đồ Thiên Chúa giáo, nhưng tôi dậy họ Phật giáo: làm thế nào để thiền, đời sống là gì - Chúng ta đối diện với cuộc đời mỗi ngày và Phật giáo là tất cả những thứ đó. Phật không chống lại Thượng đế, Thiên Chúa không chống lại Phật. Những cụ bà ở tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ, đã 80 tuổi, nhiều lắm, họ bảo tôi, “Phật giáo giúp tôi rất nhiều trong việc tìm hiểu Kinh thánh, trước kia tôi chẳng hiểu Kinh thánh, Phật giáo đã giúp chúng tôi hiểu Kinh thánh hơn, hơn rất nhiều”.
Chúng ta luôn luôn tạo ra vấn đề, thí dụ, Phật giáo nói rằng tất cả những vấn đề của chúng ta đều do tâm của chúng ta tạo ra, Thiên Chúa giáo nói rằng Thượng đế tạo ra tất cả mọi thứ. Theo tôi vấn đề này chẳng có gì đối chọi nhau. Giáo lý của Thiên Chúa giáo nói Thiên Chúa sáng tạo ra tất cả mọi sự trên thế gian này, đó là một điều tốt cho tâm của những người Tây phương bởi vì cái tôi của người Tây phương nghĩ, “Tôi làm tất cả mọi thứ.” Cá tính của người Tây phương quá mạnh. Tất cả những người Tây phương đều nghĩ họ là nguyên lý sáng tạo, vì thế khi họ nói. “Thượng đế là đấng sáng tạo - không phải anh” sẽ giúp họ hạ thấp xuống, họ sẽ khiêm nhường hơn. Phật giáo cũng tốt; nó nói rằng tâm của chúng ta tạo ra tất cả mọi vấn đề - anh không thể đổ lỗi cho Phật! Tôi hoàn toàn đồng ý với quan niệm này. Dĩ nhiên, tôi không được dậy bảo nhiều về Kinh thánh nhưng tôi vẫn học Kinh thánh và học một chút Phật giáo. Theo quan điểm của tôi, căn bản của Thiên Chúa giáo và căn bản của Phật giáo không có gì chống đối nhau, nó đi cùng với nhau.
Hãy lấy một thí dụ khác, những người Tây phương đã trở nên một Phật tử nói rằng, “Phật giáo có thiền định, tôi thích như vậy. Thiên Chúa giáo không có thiền định”. Đây là một quan niệm sai lầm. Quý vị có hiểu tôi nói gì không? Có rất nhiều Phật tử Tây phương nghĩ, “A, tôi tìm được Phật giáo, Phật giáo tốt quá, tôi có thể thiền mỗi ngày. Tôi có thể thiền về sự chết, tôi không cần đi nhà thờ, Thiên Chúa giáo không có thiền.” Họ hãnh diện với cái tôi của họ vì họ tìm thấy được Phật giáo! Đó là sai lầm. Họ đã không hiểu Thiên Chúa giáo, Thiên Chúa giáo thực sự có thiền; tội nghiệp họ, họ đã không hiểu tôn giáo riêng của đất nước họ.
Thính giả: Tại sao một đứa trẻ khóc khi nó đói, nếu nó hoàn toàn buông xả?
Lạt ma: Thật là tốt, tranh luận rất tốt. Đứa trẻ khóc vì nó đói, nó không khóc vì nó không có bồ hay nó bị bồ bỏ! Được chưa? Và đứa bé không đòi hỏi phải có sô cô la, “ A...” giống như vậy. Chúng ta khóc vì sô cô la. Anh có nghĩ rằng đứa bé có vấn đề chính trị không? Hay nó không đủ tiền lương? Phải chăng một đứa bé khóc vì mất việc hay không kiếm được việc làm? Tất cả là như vậy, có rõ ràng không quý vị?
Thính giả: Có nhiều người có những kinh nghiệm giống nhau về sự chết khi họ dùng thuốc. Ngài nghĩ thế nào?
Lạt ma: Tôi nghĩ đó là một thí dụ tốt. Đúng, đó là kinh nghiệm của con người. Tôi nghĩ điều này có thể giúp họ hiểu được rằng con người không phải chỉ có cái thân xác này mà thôi. Bên ngoài cái thân xác này còn có một cái gì khác nữa, nguyên tử lực, như tôi đã trình bày trước đây. Nguyên tử lực của con người chính là tâm thức của con người, tâm con người - chứ không phải cái xương này.
Tuy nhiên, dùng thuốc thì xấu, vì nó làm anh mất trí nhớ. Như vậy nó có tốt có xấu. Khi anh đã có kinh nghiệm rồi, đừng dùng nó nữa. Được không? Cũng như khi anh đã có kinh nghiệm với một người bồ xấu, hãy dừng lại!
Thính giả: Ngài đã nói về tứ đại không phải năm. Ngài có thể kể ra không?
Lạt ma: Đất, nước, lửa và khí (gió)
Thính giả: Ngài cũng nói về ngũ uẩn, xin ngài nói ra.
Lạt ma: Đó là: sắc, thọ, tưởng, hành và thức.
Thính giả: Ngài có thể nói về tam độc?
Lạt ma: Đó là: tham, sân và si (ngu si, vô minh).
Thính giả: Xin ngài nói về ba nguyên lý kết tập thành tứ đại?
Lạt ma: Trong Phật giáo chúng tôi không có ba nguyên lý này.
Thính giả: Tôi nghĩ rằng tâm thức trong lúc mơ thì thô kệch. Ngài nói rằng sự thông minh sẽ biến mất trong lúc mơ. Tôi muốn hiểu thêm về vấn đề này?
Lạt ma: Trước hết, khi chúng ta ngủ, rồi khi tứ đại đã chìm đi như trong tiến trình chết, chúng ta sẽ thấy ánh sáng rất trong. Rồi từ ánh sáng trong này chúng ta xuất hiện ra thân xác trong lúc mơ. Cái thân xác trong lúc mơ này giống như ở trong một câu lạc bộ về đêm của Tây phương! (mờ mờ ảo ảo) Lý do mà tôi nói nó sai khác là vì trạng thái ngủ và trạng thái mơ khác nhau. Trạng thái mơ hay thân mơ (thân xác trong lúc mơ) xuất hiện từ trong giấc mơ khi cái tâm - mơ (tâm thức trong lúc mơ) bắt đầu làm việc. Khi nguyên tố thứ nhất (địa đại) của thân-xác-mơ chìm là lúc chúng ta bắt đầu hết mơ, chúng ta trở lại trạng thái ngủ rồi đến trạng thái thức dậy. Qúy vị hiểu không? Trạng thái ngủ và trạng thái mơ là hai hiện tượng khác nhau.
Thính gỉa: Ở trong mơ, chúng ta có tạo nghiệp không?
Lạt ma: Có, có chứ. Mật tông giải thích rằng, tiến trình chết cũng giống như tiến trình đi ngủ. Từ tiến trình chết vào trong thân trung ấm (bardo, cõi trung gian sau khi chết) cũng giống như tiến trình ngủ đi vào giấc mơ, bởi vì kinh nghiệm hầu như giống nhau. Khi chết những nguyên tố (tứ đại) của cái thân xác thô kệch này bị thẩm thấu, cũng giống như khi ngủ, cái thân xác này và những ý niệm thô kệch bị thẩm thấu, có những luồng ánh sáng xuất hiện trong lúc ngủ, rồi thân vi tế xuất hiện, đó là cái thân xác trong lúc mơ. Sự kiện này giống như cái thân trong cõi bardo và những hoạt động cũng giống như những hoạt động ở cõi bardo.
Cái thân trong lúc mơ thì vi tế hơn cái thân xác thô kệch này, cái tâm trong lúc mơ cũng vi tế hơn cái tâm trong lúc tỉnh. Do đó, trong Phật giáo những thiền gỉa đã có được những kinh nghiệm của tâm trong lúc mơ trong sáng hơn để soi vào tương lai hay vào những sự kiện hơn là tâm trong lúc tỉnh. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã giải thích rằng bất cứ cái gì xẩy ra ở tâm trong lúc mơ, bất cứ hiện tượng nào hay hình ảnh nào mà chúng ta có được trong lúc mơ đều hoàn toàn có liên hệ đến lúc tỉnh, thành ra chúng ta không nên phán đoán, phê bình nó như chúng ta vẫn thường nói: đụng chạm, sờ mó sự vật trong lúc tỉnh thì thật hơn là trong lúc mơ. Chúng có giá trị như nhau.
Tất cả mọi người đều có tâm. Tâm có ba thể: thô, vi tế và siêu vi tế. Đồng thời chúng ta cũng có ba thân: thân thô kệch (thân xác), thân vi tế và thân siêu vi tế. Tâm thức của thân thô kệch có năm tâm thức thô kệch (nhãn thức -mắt, nhĩ thức - tai, tỉ thức -mũi, thiệt thức -lưỡi và thân thức -thân hay xúc giác -Dg). Chúng ta dùng năm thức này hằng ngày. Tâm vi tế có thể gọi là siêu ngã hay tri thức u mê. Đây là giác quan vi tế chúng ta không thể nhìn thấy nó và hiểu nó một cách rõ ràng được. Tâm thô kệch rất bận rộn nên tâm vi tế bị lu mờ. Khi tâm thô kệch không hoạt động thì tâm vi tế mới có cơ hội hoạt động và phát triển. Đó là lý do tại sao phương pháp của Phật giáo mật tông Tây tạng là loại bỏ những ý niệm thô để dành chỗ cho tâm vi tế làm việc. Đó là phương pháp của mật tông. Đó là cách làm việc của mật tông.
Mặc dù chúng ta hiểu được nó, nhưng tâm thô kệch của chúng ta chẳng có chút năng lực nào cả; tâm vi tế có năng lực hơn để hiểu biết thấu đáo và có thể lý luận phân tích. Thiền định loại bỏ tâm thô kệch để cho tâm vi tế làm việc. Thiền định thực hiện đúng như tiến trình của sự chết. Dĩ nhiên, kiểu thiền này cũng hướng dẫn đến tiến trình của sự chết, nên cần phải vững mạnh, cần phải tập trung năng lực.
Phật giáo giải thích bản thể thực của vũ trụ: trống rỗng (emptiness, sunyata, tính không). Một khi chúng ta loại bỏ được tâm mê tín thô kệch, thì kinh nghiệm về sự trống rỗng sẽ đến, sẽ hiện ra. Một người không có một chút tư tưởng nào hay một chút ý niệm nào về tính không, về thực thể hay nếu họ có một chút hiểu biết về tiến trình của sự chết, thì cái kinh nghiệm này sẽ hướng dẫn họ đi xa hơn để kinh nghiệm được sự trống rỗng hay tính không. Mặc dù trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, chúng ta không có một ý niệm gì về tính không, nhưng một khi cái tâm thô kệch bận rộn biến mất thì chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự trống rỗng vĩ đại ngay lập tức. Do đó, hãy chấm dứt cái thô kệch, hãy chấm dứt những ý niệm lăng xăng lộn xộn, thì chúng ta sẽ kinh nghiệm được không gian thực, một cái gì đó trống rỗng. Khi không còn bận bịu, lăng xăng, ồn ào thì sự rỗng lặng sẽ hiện ra.
Mỗi khi chúng ta diễn tả sunyata, “thế này, thế này, thế này, tính không, thế này, thế này, thế này” âm thanh nghe sao phức tạp, qúa phức tạp. Có thể giáo lý của Phật giáo qúa phức tạp, qúa ngụy biện chăng. Một người bình thường không thể hiểu được, không có thể nhận ra được sunyata. Ngài Long Thọ (Nagarjuna) nói, “Thế này, thế này, thế này” Ngài Nguyệt Cái (Chandrakirti) nói, “Thế này, thế này, thế này”. Khi mà những sự bận rộn, những ý niệm u mê lầm lẫn đã được bỏ đi, đã được cắt vứt đi bởi sự thật, bởi những chứng nghiệm và kinh nghiệm thật thì sunyata sẽ đến, như tiến trình của sự chết
Bình thường, chúng ta rất xa sự thật: sự thật của chính chúng ta và sự thật của vạn vật. Tại sao? Bởi vì chúng ta bị che bởi những chiếc mền qúa nặng nề - một, hai, ba... lớp mền u mê, lầm lẫn. Tất cả những chiếc mền thô kệch này, tâm thô kệch, đã được xây dựng, đã được bồi đắp lên, vĩ đại như núi Meru, như Hy mã Lạp Sơn, vì thế chúng ta không dễ gì xé rách được những chiếc mền dầy cộm này.
Trong Phật giáo, có những phương pháp thiền định để lấy đi từ từ những lớp mền này. Đó là sự làm việc của chúng tôi. Bây giờ, để mang những phương pháp này ra, để thực hiện những cách làm việc này, chúng ta cần phải hiểu bản tính của tâm chúng ta, tâm của chính chúng ta không phải của ai khác. Trước nhất, tâm không phải là vật chất, không phải là sự vật. Nó giống như một năng lực tư tưởng, một năng lực ý thức. Nó không có hình tượng, không có mầu sắc. Nó là năng lượng vô hình, vô sắc. Bản tính của nó trong và sạch; nó phản ảnh những hiện tượng ở bên trong chúng ta. Ngay cả một tư tưởng rất tiêu cực cũng có bản tính riêng, trong sáng riêng, để nhận sự thật hay để phản chiếu những phóng tưởng, những vọng tưởng. Thức, hay tâm thức, giống như không gian. Nó không là những đám mây ô nhiễm. Bản tính của không gian thì khác. Mặc dù có mây đen bao phủ không gian, nhưng cả hai đều có bản tính riêng, chúng không là nhau.
Sở dĩ như vậy bởi vì chúng sinh đã có những xu hướng và đã có những tiền ý niệm. Chúng ta nghĩ, “Tôi là một người xấu, tâm của tôi xấu và đầy tiêu cực”. Chúng ta luôn luôn than “Tôi thế này, thế này, thế này, tâm tôi thế này, thế này...” “ người tôi thế này, thế này, thế này...”. Chúng ta luôn luôn tự mâu thuẫn. Theo Phật giáo, đây là những quan niệm sai lầm. Bản tính tự nhiên của không gian thì không hề bị ô nhiễm; bản tính tự nhiên của ô nhiễm thì không phải là không gian. Tương tự như vậy, bản tính của tâm thức thì không tiêu cực, không xấu. Chính Đức Phật đã nói, Phật tính hay Như Lai đều có trong tất cả mọi chúng sinh, nó thanh tịnh và trong sạch. Đức Di Lặc (Maitreya) cũng giải thích, nếu anh đem cái trong sạch tự nhiên bỏ vào cục cứt thì cái bản tính của nó cũng khác với cục cứt, bản tính của cục cứt thì khác với bản tính trong sạch tự nhiên. Giống như thế... Nhưng đây là điều quan trọng. Một cái tâm trong sạch luôn luôn hiện hữu. Một bản tính tự nhiên hay tâm bản nhiên thì luôn luôn hiện hữu. Bản tính của nó và sự trong sáng của nó luôn luôn hiện hữu. Nhưng tất cả những ý niệm của chúng ta, tất cả những chiếc mền nặng nề này đều bị ô nhiễm, đều bị nhiễm độc, chúng che lấp những giác quan của chúng ta. Nếu không, bản tính của chúng thì trong sạch; tâm bản nhiên thì trong sạch.
Trước tiên, điều này rất quan trọng, chúng ta phải nhận cho ra bản tính tự nhiên của chúng ta -nguyên tính của tâm thức- thì không hoàn toàn tiêu cực, không hoàn toàn xấu. Chúng ta phải nhận ra nó, bản tính của chúng ta hoàn toàn trong sạch, tâm bản nhiên của chúng ta thanh tịnh, hiện hữu, ngay ở đây, bây giờ.
Tâm thức của chúng ta có hai đặc tính: tương đối và tuyệt đối. Bản tính tương đối của tâm thức thì không tiêu cực, không u mê. Thí dụ, theo người Thiên chúa gíao, linh hồn của con người thì trong sạch, không có mâu thuẫn, không có xung đột, không có tham lam, sân hận và ganh ghét. Cũng giống như vậy, một cách tương đối, tâm của chúng sinh có thể đi thẳng từ cấp độ thấp nhất đến giác ngộ. Nhưng một cái tâm mâu thuẫn không thể đi như vậy được. Tâm bất mãn, tâm bận rộn không bao giờ có thể đi từng cấp độ từ thứ nhất đến thứ mười trong Thập địa Bồ tát được hay tới giác ngộ được. Như vậy bản tính của tâm thức con người, bản tính của linh hồn con người thì liên tục thăng tiến, thăng tiến, chuyển hóa. Những chiếc mền u mê lầm lạc không bao giờ thăng tiến. Mỗi lần trong sạch là mỗi lần u mê, ô nhiễm biến mất, biến mất, biến mất. Tôi hy vọng rằng qúy vị hiểu được cái đặc tính tương đối của tâm chúng ta.
Đặc tính tuyệt đối của tâm chúng ta hay của linh hồn chúng ta thì không nhị- nguyên. Cái tâm không nhị-nguyên này không bao giờ bị những cảm xúc lôi kéo hay quấy rầy. Bản tính tự nhiên của nó luôn luôn trong sạch.
Chúng ta nên hiểu rằng cái tiềm năng nguyên tử lực của mỗi người chúng ta chính là tâm thức của chúng ta. Tâm thức của chúng ta không hề bị trộn lẫn với những cái xấu, những sự kiện tiêu cực. Nó có đặc tính riêng của nó: tương đối và tuyệt đối. Tâm thức giống như đại dương. Những xung đột của cái tôi giống như những làn sóng. Tất cả những ý niệm và tất cả những mâu thuẫn giống như những làn sóng nhấp nhô trên tâm thức, ngoài tâm thức. Chúng nhấp nhô, lên xuống - whoop, whoop! - rồi lại trở về tâm thức.
Hình ảnh đó cho chúng ta thấy mỗi tâm thức hay mỗi linh hồn của riêng mỗi người chúng ta hoàn toàn trong sạch tự nhiên. Giống như những làn sóng trên mặt biển, chúng ta có làn sóng tham, làn sóng sân và làn sóng si. Đồng thời chúng ta cũng có khả năng làm cho tâm của chúng ta yên tịnh, không lay động, không xáo trộn, chúng ta có thể giữ tâm của chúng ta như mặt biển không có sóng. Công việc đó Phật giáo gọi là thiền định.
Tất cả những lầm lẫn, tất cả những bất mãn, tất cả những đau khổ đều đến từ những sự chuyển động, từ những động lực trong tâm của chúng ta. Qúy vị sợ ư? Hãy thư dãn, ngồi thoải mái. Hãy nghĩ chúng ta không là người. Đó là sự thật. Nếu chúng ta nghĩ chúng ta là một người nào đó, chúng ta sẽ “khớp”. Phải không? Phải! Tốt.
Tất cả những vấn đề, tất cả những gốc rễ sâu xa của tất cả những vấn đề của con người đang nằm một chỗ nào đó ở bên trong tâm. Thật là có gía trị, nếu chúng ta trực tiếp kiểm điểm soi tìm nó. Mỗi một người chúng ta nên thấu hiểu rằng bản tính của chúng ta không hoàn toàn xấu, khổ, đau, buồn và không có hy vọng. Chúng ta nên kính trọng tự nhiên tính của chúng ta, sự thanh tịnh của chúng ta, bản tính của chúng ta. Như thế chúng ta mới có thể bắt đầu kính trọng người khác. Nếu chúng ta chỉ giận hờn, ganh ghét, ích kỷ, tiêu cực, chán nản và mất hết hy vọng thì chúng ta cũng chỉ nhìn thấy người khác cũng y như vậy. Thật là nguy hiểm!
Khi chúng ta thiền, tri giác của chúng ta hay thức giác của chúng ta không phải là một người thiền. Đôi khi người ta nghĩ, vì họ quen dùng ngũ quan nên những cảm nhận từ giác quan là sự thật. Vì thói quen của người Tây phương, cái gì họ sờ mó được, thấy được, ngửi được... vân vân... là của họ thành ra họ cho tất cả những đối tượng cảm giác là sự thật.
Thực ra, thức giác chỉ là gỉa, chỉ là một sự đánh lừa. Nó không đủ thông minh, nó không có khả năng để phân biệt xấu tốt. Đó là lý do tại sao khi vừa mở mắt ra là chúng ta đã bị quyến rũ ngay, là chúng ta chạy theo những ý niệm nhị nguyên ngay lập tức. Trong thiền định, những sự lừa đảo của thói quen tri giác này sẽ tự động chấm dứt.
Gỉa sử chúng ta đang ở trong nhà và đang nghĩ về trái lê, “Ồ, đây là một trái lê đẹp.” Ngay trước khi đi chợ, tâm của chúng ta đã tưởng tượng về trái lê và quyết định sẽ mua lê hôm nay. Vì thế, khi ra chợ, thấy trái lê là chúng ta bị quyến rũ ngay. Bởi vì chúng ta đã có những tiền ý tưởng về nó.
Tri giác giống như dân Thụy điển, thức giác giống như chính phủ Thụy Điển. Chính phủ luôn luôn có những quyết định về dân chúng: thành phần nào tốt thành phần nào xấu. Đó là lý do tại sao tâm thức luôn luôn có những tiền ý niệm. Vì thế khi tri giác thấy một sự vật, nếu tâm thức nói “tốt” thì nó tốt; nếu tâm nói “xấu” thì nó xấu. Đó là lý do tại sao tôi nói tri giác rất khờ dại, nó không có một chút khả năng phân tích nào. Nó chỉ có thể nhìn được những gì thô kệch, không có cách nào để nó hiểu được bản tính, không có cách nào để nó có thể hiểu được thể tính. Không thể được. Khoa học đã cố gắng hết sức để tìm hiểu sự thật qua những ống kính siêu hiển vi nhưng đành thất vọng. Phật giáo đã biết điều đó, chúng ta không thể nào hiểu được sunyata, tính không bằng lý luận, bằng ý nghĩa.
Chúng ta sẽ thiền định trên cái tâm thức riêng của chúng ta. Chúng ta không nên sợ hãi, chúng ta thường suy nghĩ, “Làm sao tôi có thể thiền được khi tôi không biết gì về tâm thức của tôi? Ông sư này dậy tôi nên thiền về tâm thức của tôi, nhưng nếu đây là căn nguyên của mọi vấn đề của tôi thì làm sao tôi có thể thiền về nó được?”. Thí dụ, chúng ta đang ở trong cái phòng này. Mặc dầu chúng ta không trực tiếp nhìn thấy mặt trời nhưng chúng ta vẫn nhìn thấy những tia sáng. Vì thế chúng ta biết, qua những tia sáng nhận được, mặt trời chắc chắn có, chắc chắn đang hiện diện. Tương tự như vậy, chúng ta biết rằng qua những kinh nghiệm của chúng ta thì những tư tưởng và những động năng đều có ảnh hưởng đến tâm thức của chúng ta. Vậy, vì nhận biết có tư tưởng, vì biết rõ có tư tưởng, vì tỉnh thức trong tất cả những tư tưởng của chúng ta và có động năng thúc đẩy nên chúng ta có thể thiền định với tâm thức của chúng ta. Mỗi khi chúng ta quan sát tâm của chúng ta, mỗi khi chúng ta tỉnh thức trong sự nhìn ngắm tâm của chúng ta, là chúng ta đang thiền về tâm của chúng ta.
Một cách khác để thiền về tâm của chúng ta là hãy nhận biết nó qua những kinh nghiệm. Mỗi khi chúng ta nhắm mắt lại chúng ta biết có một vài tư tưởng đang đến; hãy chỉ biết tư tưởng đang đến. Đừng quan trọng hóa về tư tưởng tốt hay xấu. Bản tính của cả tốt và xấu đều trong sạch bởi vì tâm phản chiếu tất cả mọi hiện tượng.
Bên Tây phương, danh từ “Thiền” mang lại nhiều ngộ nhận, hiểu sai. Đôi khi người ta nghĩ, người ta diễn tả thiền là xiết chặt mình lại, tự thắt mình lại, có người lại nghĩ thiền là bành trướng ra, mở rộng ra. Cả hai lối diễn tả này đều sai lầm. Nếu chúng ta mở rộng ra, chúng ta sẽ trở nên không còn kiểm soát, bị mất tự chủ; nếu chúng ta thu hẹp lại, chúng ta sẽ trở nên ích kỷ.
Thiền rất là đơn giản. Hãy nhắm mắt lại. Cái gì đang xẩy ra? Sự tỉnh thức của chúng ta làm việc giống như một cái máy nhậy cảm. Giống như một cái ra đa. Nếu có một dấu hiệu nào, nếu có một chấn động nào, nếu có một rung động nào, chúng ta liền nhận ra nó. Chúng ta nhận được, hoàn toàn tỉnh thức, hoàn toàn biết được cái gì đang xẩy ra. Đấy gọi là thiền về tâm thức.
Thiền không có nghĩa là “Ồ, có ánh sáng! Ánh sáng đến! Cái này, cái này, cái này...”. Chúng ta không có đối thoại gì cả. Giả sử chúng ta đang thiền, chúng ta đang nhận thức những cái ở chung quanh đây - bầu trời, chiếc xe đang chạy qua - chúng ta đang nhìn thấy tất cả. Nhưng, chúng ta tuyệt nhiên không nói gì cả, như kiểu: “ Những cái xe này đẹp qúa, chở đầy trái cây và bánh kẹo ra chợ.” Không nên có những kiểu đối thoại này. Mặc dầu đang nhìn ngắm chúng, nhưng chúng ta cũng cần ở trong tình trạng kiểm soát, tỉnh thức và tránh tình trạng tâm lơ là, mơ màng, không được kiểm soát.
Cái gì làm chúng ta không có sự kiểm soát? Chính cái đối thoại - “Cô ta như thế này, cô ta nói cái đó, nó bảo như vậy, tôi không thích cái đó, tôi không thích cô đó, tôi thích, tôi không thích...” - Chúng ta tự phản ứng với những cái gì đang diễn ra. Kiểm soát có nghĩa là không phản ứng. Nếu có ai nói: “Anh là thằng xấu,” chúng ta không phản ứng, chúng ta không nói lại, “Nó bảo tôi là thằng xấu, tôi (cái tôi) không chịu được.” Đó là phản ứng. Đó là một cái tâm không kiểm soát. Đó cũng là một cái tâm bị quấy nhiễu. Có hai hiện tượng trong một cái tâm bị quấy nhiễu: một là đối tượng tốt đẹp, hai là đối tượng đáng ghét. Bị quấy rầy có nghĩa là chúng ta không thoát ra khỏi ý nghĩ về đối tượng, là cứ bị cái đối tượng bắt phải suy nghĩ. Qúy vị có hiểu tôi nói gì không? Bị quấy rầy có nghĩa là chúng ta không có tự do, không có sự an lành mà cứ luôn luôn nghĩ, “ cái này, cái này, cái này, cái kia, cái kia, cái kia.” Đó là bị quấy rầy. Như vậy một cái tâm sân hận, ganh tương, tham lam, dính mắc là một cái tâm luôn luôn bị phiền nhiễu, bị quấy rầy. Đó là lý do thiền định dậy chúng ta thói quen không phản ứng khi bị những đối tượng quấy nhiễu xuất hiện.
Cái gì là ơn ích thực sự và trực tiếp trong sự tỉnh thức hướng về tâm của chúng ta, thay vì cứ để cho cái hoa này, cô bạn gái kia, anh bồ này quấy rầy chúng ta? Có những nguồn năng lượng sẽ đến khi chúng ta tỉnh thức trong cái tâm của chúng ta. Tâm thức tự nó không có cứng ngắc, bền chặt như xi măng, như sự hiện diện của chậu hoa này, như cô bồ này, như anh bạn kia. Cái đẹp của sự quan sát hay tỉnh thức trong tâm thức riêng của chúng ta là nó sẽ hướng dẫn chúng ta phá đổ được những ý niệm cố hữu của chúng ta; nó sẽ trực tiếp hướng dẫn chúng ta cởi bỏ những lớp mền nặng nề của u mê, của mù quáng để kinh nghiệm được sự rỗng lặng, tính không. Để giải quyết những vấn đề, chúng ta cần những kinh nghiệm của chính chúng ta, của chính tâm chúng ta, như vậy chúng ta mới có thể phá vỡ được những ý niệm. Từ đó, chúng ta mới có đủ can đảm, đủ khả năng, chúng ta mới có thể nói được: “Ô, tôi có thể làm bất cứ gì, nếu muốn giải quyết những rắc rối, những trở ngại, tôi có thể làm được”. Theo Phật giáo, đó là con đường mà tất cả mọi chúng sinh có thể tự giải phóng cho chính mình.
Chúng ta rất thông minh. Chúng ta thường phán đoán, thường phê bình, “tốt/xấu, tốt/xấu, đẹp/xấu, đẹp/xấu.” Chúng ta luôn luôn như vậy. Nhưng khi thiền, chúng ta chấm dứt nói tốt/xấu, tốt/xấu. Chấm dứt sự thông minh phê phán tốt/xấu. Đây chính là nhị nguyên. Khi tâm chúng ta bị phân tán - tốt/xấu, tốt/xấu, tốt/xấu - Hãy chấm dứt! Hãy ngưng lại, chỉ tỉnh thức, chỉ chú tâm. Như mặt trăng, như mặt trời. Chúng không suy nghĩ, “Tôi đang làm cho người Thụy Điển ấm áp” hay “ Tôi đang cho người Thụy Điển ánh sáng. Tội nghiệp họ!” Mặt trăng và mặt trời không bao giờ nói như vậy. Hãy như mặt trăng, hãy như mặt trời. Đó là điều quan trọng.
Đức Di Lặc nói rằng tất cả những sách vở, giáo lý, kinh thánh... vân vân... giống như những chiếc cầu. Để đi qua sông chúng ta cần những chiếc cầu. Sau khi đã qua sông, hãy nói “cầu ơi, chào mi”. Sau khi đã qua sông, không còn lý do gì để nghĩ, “chiếc cầu này qúa tốt,” hay “cuốn kinh này tốt qúa”. Nói như vậy, nghĩ như vậy chỉ tỏ cho chúng ta biết chúng ta đang bám víu, đang bị dính mắc vào chiếc cầu, vào kinh sách.
Vậy, nó chỉ có lý khi chúng ta dùng trí phân biệt để biết gía trị tốt/xấu. Nhưng lúc nào cũng “tốt/xấu, tốt/xấu, tốt/xấu” thì chẳng còn gía trị chút nào. Vì thế, mặc dầu chúng ta cần trí phân biệt nhưng có lúc chúng ta nên đi ra ngoài nó.
Làm thế nào tâm tỉnh thức có thể hướng dẫn chúng ta đến những kinh nghiệm không nhị - nguyên? Chúng ta có thể nói lại rằng, luôn luôn có hai cái hoa, có mặt trăng và mặt trời, có rất nhiều người. Vậy thì làm thế nào có thể kinh nghiệm được không nhị - nguyên trong khi nhị - nguyên vẫn luôn luôn có đó, vẫn luôn luôn hiện diện ở đây?
Nhị - nguyên là gía trị công ước của sự thật, do con người bằng lòng với nhau. Khi chúng ta có kinh nghiệm về không nhị - nguyên không có nghĩa là chúng ta bị bắt buộc tin có thượng đế; nó chỉ có nghĩa là chúng ta sẽ hiểu sâu rộng hơn về sự thật, về tất cả những tập tục và những công ước, khi đã hiểu được chúng thì chúng không còn lay động tâm chúng ta nữa. Đó là lý do tại sao chúng ta không nên tranh cãi khi chúng ta đang cố gắng có kinh nghiệm về không nhị-nguyên.
Trong lúc thiền, chúng ta không nên thắc mắc, “Tại sao tôi phải làm cái này? làm cái này thế nào? làm cái này để làm gì? Có hai cái hoa, sao ông sư này lại nói không được nhị - nguyên?” Cái kiểu thắc mắc này, cái kiểu tranh luận này chúng ta nên chấm dứt ngay. Chúng ta đang cố gắng đạt được kinh nghiệm, chúng ta không nên phá hủy bông hoa. Qúy vị có hiểu không? Chúng ta đang cố gắng phát triển khả năng tỉnh thức và tìm hiểu toàn thể sự thật về bông hoa.
Theo quan điểm của Phật giáo, khi chúng ta tập trung vào tính không nhị - nguyên của bông hoa thì ngay tại thời điểm đó kinh nghiệm về bông hoa sẽ biến, những công ước về bông hoa sẽ biến mất trong kinh nghiệm, trong chứng nghiệm. Qúy vị đang nghe tôi nói phải không? Vậy, khi chúng ta kinh nghiệm về tính không nhị - nguyên của chính chúng ta thì ngay tại lúc đó trong tâm của chúng ta không còn ý niệm thất vọng về chính chúng ta -Tất cả đều biến mất. Không còn thắc mắc, “tôi đẹp hay xấu?”. Những sự liên hệ về một sự đối thoại liền biến mất. Ngay tại giây phút kinh nghiệm đó không còn ý niệm về sắc đẹp. Do đó không còn sự lo lắng nào về nhan sắc tàn phai. Khi sự lo lắng gỉam đi thì những vết nhăn cũng giảm đi.
Chúng ta đang thảo luận về một trạng thái của kinh nghiệm, kinh nghiệm của tâm thức, chúng ta không nên lo lắng băn khoăn, “tôi sẽ biến mất, tất cả mọi sự đang biến mất, có thể tôi sẽ chấm dứt con người hư vô này”. Chúng ta không nên lo lắng về điều đó. Chỉ nên phá đổ cho tan tành những ý niệm sai lầm, về một triều đại của cái tôi. Trong lúc thiền định, hãy chỉ tỉnh thức trên cái tâm thức của chính mình. Cũng đừng diễn dịch, cũng đừng nghĩ cái tâm của chính mình là tốt hay xấu. Hãy là và hãy ra đi! “Hãy ra đi” không có nghĩa là chúng ta biến mất; chỉ có nghĩa là chúng ta đi trong sự tỉnh thức. Sự tỉnh thức giống như mặt trời, chiếu những tia tỉnh thức - rồi ra đi. Hãy là! Hãy ra đi! Vậy là đủ rồi!
Mỗi khi chúng ta nhắm mắt lại, hãy thư dãn, thoải mái, tỉnh thức. Thỉnh thoảng có những mầu sắc xuất hiện, hãy để chúng đến rồi đi. Đừng suy nghĩ về những mầu trắng xuất hiện, đừng nói chuyện với chúng. Đừng thắc mắc về chúng. Chỉ theo dõi, chỉ tỉnh thức. Nói cách khác, bất cứ cái gì tâm thức của chúng ta đang kinh nghiệm được trong lúc này, hãy chỉ là, hãy chỉ tỉnh thức, hãy chỉ biết sự liên tục của trí nhớ của chúng ta mà thôi.
Chúng ta không cần phải trở nên một đại thiền gỉa; chỉ cần thoải mái và tỉnh thức. Đừng phê phán những nhận thức của chúng ta tốt hay xấu; chỉ cần tỉnh thức về tất cả những tri thức của chính chúng ta mà không diễn dịch nó ra dưới bất cứ một hình thức nào cả, hãy là như vậy. Ngay cả những ý tưởng xấu đến, đừng lo lắng về nó cũng đừng xua đuổi nó. Bản tính của những tư tưởng xấu cũng vẫn là tri thức trong sạch.
Đừng nói chuyện với những đối tượng xẩy ra. Đây là điều tệ hại nhất của thiền định. Chúng ta chỉ nên tỉnh thức với tâm thức của chính chúng ta. Khi một ý tưởng xuất hiện, đừng vội xua đuổi nó, như nghĩ: “Ồ, không được, cái này xấu”. Đừng tức giận như vậy. Chỉ quan sát chúng, chỉ tỉnh thức, chỉ biết chúng đang như vậy. Đừng đối thoại, như thế này: “Ô, đẹp qúa, tốt qúa... qúa... qúa, huyền diệu qúa...”. Đừng đối thoại, đừng diễn dịch. Hãy chấm dứt tất cả mọi hình thức này, chỉ tỉnh thức! Sự tỉnh thức này sẽ dẫn chúng ta đến tình trạng không còn nhị nguyên, không còn phiền nhiễu.
Khi bắt đầu đi vào con đường thiền định, trước nhất hãy tìm hiểu cái động năng nào đang thúc đẩy chúng ta. Nếu chúng ta cảm thấy chẳng có động năng nào cả, hãy ngồi thở tự nhiên. Sau đó, chỉ quan sát, chỉ theo dõi cái ý nghĩ riêng của chúng ta.
Lama Thubten Yeshe
Vô Huệ Nguyên (dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét