"Đam mê" - siêu mẫu nội y châu Âu |
Các nhà văn Việt có đam mê được chăng hay chớ rất ngắn ngủi. Họ không thể tạo ra độ căng cho suốt cuộc hành trình, mà rẽ ngang rẽ tắt rất nhiều để mưu cầu cái ngoài văn học… (ảnh không liên quan đến bài viết)
Nhắm giải Nobel văn học cho dân tộc Việt Nam, đó là một mục tiêu cao tột bậc của văn hóa tinh thần, điều đó đòi hỏi chúng ta phải có một thái độ nghiêm túc, một sự chuẩn bị sâu sắc mạch lạc, chứ không phải trò cợt nhả úm ba la, để rồi trở thành cái gì đó cà trớn lâu ngày thành nhờn. Có những kẻ dở điên dở dại nằm lăn lóc bên đường, rút kiếm nhựa chỉ tới chỉ lui theo những đoàn xe xuôi ngược. Chắc hẳn kẻ đó đang tưởng mình là hoàng đế Quang Trung chỉ huy quân ngược Bắc xuôi Nam, bởi vì nếu kẻ đó tưởng mình là cảnh sát giao thông, hắn sẽ cầm cái còi, chứ không phải cây kiếm nhựa. Việc mơ tưởng giải Nobel văn học cho Việt Nam cũng vậy, nếu không nghĩ và làm sát thực thì chỉ là giấc mơ hoàng đế của kẻ mang kiếm nhựa mà thôi.
Đường bay mịt mù từ Việt Nam đến giải Nobel
Mới đây, trên truyền hình, có phát cuộc gặp gỡ giữa tiến sĩ Đoàn Hương, dịch giả Thúy Toàn, nhà văn Trang Hạ và nhà đài. Nội dung đại ý:
Thúy Toàn: Các nhà văn ta cũng nhiều người có tài nhưng họ còn phải làm nhiều việc như kiếm ăn nữa chứ, và vì thế khó mà giành hết tâm huyết cho văn chương.
Tiến sĩ Đoàn Hương: Tầm văn học của Việt Nam còn thấp. Muốn viết văn thì phải có tài năng theo kiểu thiên bẩm. Chẳng hạn có người cất tiếng hát chẳng ai thấy gì, nhưng có người vừa mở miệng giọng hát đã gây nôn nao xúc động.
Tôi xin trao đổi cùng hai vị như sau. Về việc các nhà văn xứ ta còn nghèo, còn lo cái ăn. Lo cái ăn là của mọi người, công nhân, nông dân, trí thức, nhà buôn đều phải lo kiếm sống mưu sinh, và việc đó chưa bao giờ ngừng gay gắt ở bất cứ đâu trong lịch sử. Có nhiều người phải bán máu, bán cả bộ phận trong người để kiếm sống hay nuôi con. Vì thế đừng nên nghĩ chỉ có nhà văn mới phải vất vả mưu sinh. Khi một đội bóng đá thua, người ta bàn về chiến thuật chiến lược, chứ không thể đổ lỗi cho việc ăn đói. Cầu thủ bóng bàn, bóng chuyền, hay dụng cụ cũng vậy, nếu nói về bộ môn nào cũng đổ cho thiếu ăn, thì có nghĩa tất cả những chuyên môn và giá trị trên đời đều là chuyên môn của nhà bếp. Và có thể toàn bộ hình ảnh của loài người cũng chỉ là cái dạ dầy đang vo ve quanh cái nồi của nhà bếp mà thôi. Trên thực tế, xét về kinh tế nhiều nhà văn của ta đâu có nghèo, thậm chí họ còn siêu giầu. Chẳng hạn nhiều người được rót đầu tư để viết kịch bản truyền hình, chẳng phân biệt kẻ cao người thấp, họ xúm vào viết, kịch bản mỗi tập phim chỉ dăm trang A4, lĩnh vài chục triệu. Tài năng không tính vì phim truyền hình ViệtNam “phở mậu dịch, kịch ti vi” dở như thế nào ai cũng rõ, nhưng cái chính là ai được rót vốn đầu tư? Hiện thực hơn, có rất nhiều nhà văn sau khi nổi tiếng được trả nhuận bút rất cao, nhưng các báo, rồi nhà xuất bản đề nghị họ viết một chuyện hay một mẩu cũng được, nhưng họ không thể viết vì vốn liếng cạn hết cả rồi. Nhà văn Nam Cao(?) nói : Tri thức viết văn như vốn để đi buôn, anh tri thức thấp, anh buôn bằng cái gì? Hết vốn sống bằng văn học thì chớ nên đổ cho thị trường không có đất buôn bán?!
Tiến sĩ Đoàn Hương cho rằng người viết văn phải có tài thiên phú giống như trời cho ai giọng hát hay. Nói vậy là khập khễnh và kém hiểu biêt vô cùng. Tại sao? Chúng ta không thể so ca sĩ với nhà văn. Ca sĩ có mỗi cái cổ họng. Còn nhà văn phải là kỹ sư của tâm hồn. Hơn nữa, trên thế giới người ta buộc phải xác nhận, có thể có thần đồng âm nhạc, nhưng không thể có thần đồng văn học. Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa là một thần đồng cỡ bậc nhất thế giới, nhưng lớn lên trở thành cái gì, có leo vào tốp hạng hai của thơ thế giới không? Trên thế giới người ta có khẩu hiệu cho nghệ sĩ “Bí quyết của thành công là luyện tập”. Làm gì có khẩu hiệu “bạn hãy tin vào tài năng thiên phú của mình”. Nhạc sĩ thiên tài Schumann nói: Thiên bẩm chỉ là mọt chút sắt gỉ, nếu không có sự tinh chế không thể thành dây cót đồng hồ. Nào chúng ta hãy nhìn đi, có cục sắt nào trong tự nhiên có thể thiên phú thành chiếc đồng hồ.
Một chiếc máy bay, khi cất cánh muốn bay xa thì nó phải nâng độ cao, nếu không nó chỉ là con chuồn chuồn bay quanh quẩn. Nhìn tới giải Nobel cũng vậy, cần một độ cao tương xứng. Trong khi đó tầm nhìn của dạ dầy hay thiên phú (tức vốn tự có) chỉ tạo ra nơi ẩn nấp cho những kẻ vừa lười biếng vừa kém tài hy vọng vào giấc mơ sổ số. Vậy tôi xin đưa ra những những bậc thang của hành trình đi đến Nobel:
1.Tri thức: Với người phương Tây, tri thức tức “conscience” cũng có nghĩa là lương tri. Tri thức lớn cũng có nghĩa lương tâm cao. Tri thức của nhà văn Việt còn thấp quá, từ đó sinh ra chữ Chân, chữ Thiện và chữ Mỹ đều thấp cả. Hầu hết tư tưởng của người ta được hình thành từ đỉnh cao tri thức. Có đỉnh núi tư tưởng thì nước trên cao tất yếu đổ xuống và tạo thành cảnh quan. Không có đỉnh tư tưởng nước chỉ là những vũng lầy lép nhép. Một nền văn học lẹt đẹt xuất hiện bởi chính không có đỉnh cao tư tưởng.
2.Tôn giáo: Không có tôn giáo, sẽ không có giá trị siêu hình, sẽ khó có được lý tưởng cho cuộc sống thoát tục, mà chỉ còn là buôn thần bán thánh cùng những tranh giành lầy lội của thế tục. Điều đó lý giải tại sao nhiều nhà văn Việt dù giầu có cũng không thể viết bởi vì ngòi bút của họ vẫn chỉ loay hoay đời sống thế tục bầm dập mưu sinh, mưu tình dục. Việt Nam có gần 99% vô thần. Trên thế giới có nhiều nhà văn vô thần, nhưng họ đạt đến trình độ phản thần, chẳng hạn như triết gia Nietzsche, dù ông thừa nhận đời ông tri ân rất nhiều đạo Tin Lành đã đem đến cho ông nhiều giá trị kiến thức và đạo đức, nhưng ông vẫn từ chối rửa tội lúc chết để được sống và chết như một nhà vô thần thuần khiết. Nhưng vô thần ở Việt Nam là vô thần vô tri như cây cỏ, chẳng hiểu gì để đạt tới thái độ phản thần.
3.Nhân vật: Là cấu trúc tiên quyết bắt buộc cho các tác phẩm văn học. Bởi lẽ không có nhân vật cấu trúc tư tưởng và hành động của nhân vật cũng như thế giới sách vở không thể hình thành. Ngay cả điều này, các nhà thơ, nhà văn Việt còn rất mơ hồ. Họ đua nhau viết vài trăm trường ca không cốt truyện và nhân vật…
4.Sức lực yếu: Các tiểu thuyết của Việt Nam đến cuốn hai đều nhạt. Tại sao? Vì đó là thể tạng yếu không chịu rèn luyện hay chú mục, vì thời gian sức lực còn lo kiếm sống.
5.Đam mê yếu: Nietzsche nói “Không phải đam mê làm ra các thiên tài mà là sự kéo dài của đam mê đó”. Các nhà văn Việt có đam mê được chăng hay chớ rất ngắn ngủi. Họ không thể tạo ra độ căng cho suốt cuộc hành trình, mà rẽ ngang rẽ tắt rất nhiều để mưu cầu cái ngoài văn học…
Nhìn cách phát biểu của tiến sĩ Đoàn Hương và dịch giả Thúy Toàn, tôi bỗng liên tưởng đến hai hũ dưa muối muốn bàn đến quốc yến nơi đèn đóm cũng cốc tách pha lê long lanh rực rỡ. Nơi giàn nhạc đồ sộ đang chơi khúc khánh tiết chào mừng thì họ mang kèn lá ra thổi, thều thào chẳng ra hòa âm khúc điệu gì. Nếu giải Nobel cần bàn đến ở tầng mây thứ chín thì họ vẫn còn bò trên mặt đất chưa leo lên mái nhà với vài vấn đề hiển nhiên của trần tục như đói và trời cho… “Y phục xứng kỳ đức” hoặc “Quí vật tầm quí nhân”, những vấn đề cao cả trọng đại nên được trao cho người trọng đại, chớ nên vì cậy vào thói quen của cơ chế bao cấp xin cho, cán bộ cứ nhảy đại vào ngêu ngao những vấn đề lớn như giải Nobel không khéo lại thành hội thảo Nobel cho nhà thơ cậy thiên phú Hoàng Quang Thuận.
Nguyễn Hoàng Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét