Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Kiếm khách Tản Đà

"Hồn nhiên" - Hot girl Ngô Tuyết Mai
Cái buổi chiều ấy là một buổi chiều ông Tản Đà khởi hành ra Hà Nội, để rồi đi mãi mãi, đi… thẳng luôn vào lịch sử của nước Việt Nam văn chương…(ảnh không liên quan đến bài viết) 
Ông Tản Đà mất. Đến như ai mà chả thương, chả khóc. Cái đó là sự dĩ nhiên. Ai mà cấm ai khóc ai được. Thứ nhất là khi giọt nước mắt chính đáng kia được dịp để chan hòa. Vả chăng, nếu lúc hấp hối, biết mình sắp về và lại biết người sống rục rịch sắp khóc mình, nếu ông Tản Đà còn đủ cái tỉnh táo làm lá chúc thư có một khoản xin đời đừng nên thương tiếc mình, khuyên người sống để dành cái nước mắt gừng ấy vào những việc khác to hơn, thiêng hơn, người ta cũng cứ không kiêng nể cái ý muốn cuối cùng của ông, và cứ khóc lóc như thường.
Không cho người bây giờ khóc Tản Đà, thì định bắt người bây giờ phải khóc những tên bán nước ở cái buổi giao thời còn kéo dài này mãi sao?! Tính theo lối tang lễ chi hậu, cứ thất thất lai tuần, tính đến ngày số báo đặc biệt này lên khuôn in, thì ra nơi bàn thờ ông Tản Đà, cũng chỉ có ba bốn tuần nhang. Nơi nghĩa chủng Quảng Thiện, làng Thanh Xuân có một cái mả mới, tấc cỏ vừa bén rễ chưa đủ làm đều kín một cái màu xanh buồn bã. Có người đi thanh minh vào lúc trái mùa, trông thấy cái mả mới, lại nhớ đến bài cổ phong “Thăm mả cũ bên đường”, cất lên cái tiếng thương xót không mất tiền, đã hỏi một cách bâng quơ “Biết có quê đây, hay vùng xa”. Đối với những người như thế, thì “suối vàng sâu thẳm biết là ai” thực đấy. Nhưng với chúng ta, chúng ta đều biết rằng đấy là moa. “… Kẻ văn chương Chen hội công danh lỡ lạc đường Tài cao phận thấp chí khí uất Giang hồ mê chơi quên quê hương”. Không những chỉ thế, chúng ta lại còn biết thêm những sự thật về đời sống một hư nhân, một con người lỗi lạc.  
Thưởng ngoạn Tản Viên Sơn.
Thuật ra đây những sự thật thuộc về Tản Đà, tôi muốn người ta hãy cởi bỏ khỏi đầu óc những thành kiến của đám thế nhân tầm thường đó đã. Đừng nên “tặng” cho người xung quanh mình hai tiếng quái vật. Đừng nên gọi người xung quanh mình là điên rồ, loạn óc. Nếu thực ra trong nhân loại vẫn có một số người điên đặc biệt, thì chính cái thiểu số điên cuồng quái đản ấy, có những lúc, đã góp tốt, đã giúp đẹp và làm vui cho cuộc đời quá tẻ, quá xấu và đáng buồn bực này! Tôi tiếc rằng, thời tiết lúc này, không cho tôi đốt được một lò hương đậm để ngồi cho được ung dung mà kể chuyện người ngày xưa… Người ngày xưa… lôi thôi lắm… Tôi hãy bắt đầu bằng cái lôi thôi của Nguyễn Khắc Hiếu đi tắm biển Sầm Sơn. Thứ đến là cái lôi thôi của Tản Đà khi cuốc cả nền nhà người ta lên làm vườn trồng rau thơm. Rồi thứ nữa là đem ra giới thiệu một ông Tản Đà múa kiếm!
Gánh văn lên bán chợ Giời, gửi thư lên thiên đình cầu hôn, xuống biển Sầm Sơn bơi đứng và ăn hải sản sống, lên rừng tịch cốc, uống rượu sâm panh với nem chua trên tòa xe lửa tốc hành, đi xem mộ vua Tây Sơn với lối khấn ngang tàng “Bắc Kỳ Sơn Tây nhân Nguyễn Khắc Hiếu kinh quá thử địa”, làm náo động cả quan nha một vùng địa phương Bình Định, quái gở ôi là quái gở vậy thay. Chưa cho là đủ ngông, chưa chịu đặt dấu chấm hết, cái “quái tướng” ấy lại còn cầm đốc một thanh kiếm múa may quay cuồng nữa. Có đáng sợ không? Thật là “Đời chưa chán tớ, tớ còn chơi”. Có như thế, vong linh ạ. Nhà thi sĩ của chúng ta là một người hoàn toàn của thời cũ, vốn không quen với sự âu hóa về phục sức, hôm đi tắm biển, đã hết sức cẩu thả. Người ta đừng vội tưởng thi sĩ đã hiện nguyên hình trên bãi cát biển Sầm Sơn đâu. Thi sĩ cởi trần trùng trục, cái quần vải tây cong có dây lưng lụa buộc hở ngoài, được buông hẳn cạp lá hoa xuống. Con người ta đã nặng về phần ăn, thì nhẹ về phần mặc, thường là thế. Nơi dây lưng lụa, một bên thi sĩ cột một be rượu, một bên giắt con dao nhọn mũi. Thế là ông Tản Đà từ từ đi xuống nước mặn, tây và đầm, buổi chiều đó, đã nguýt một tên chài bản xứ bơi gần họ và dám gạt cái quả bóng cao su xanh đỏ mà họ đang tung ném cùng nhau đùa giỡn. Họ có biết đâu rằng đây là một nhân tài của nước Nam ta. Thế rồi ông Tản Đà cứ bơi đứng - bơi đứng, xin nhớ kỹ cho tôi - ra mãi ngoài xa, tìm được những tảng đá sống trâu nổi lên mặt nước mới chịu nghỉ. Đấy là những miếng đá thừa thãi của mũi bể Cổ Rùa, ngoi xa ra biển. Chỉ có những người tài bơi lặn mà mạo hiểm mới dám ra tới đó. Ông Tản Đà bơi ra tận đấy để uống ngay tại trận một bữa rượu. Ông mở nút be rượu giắt ở dây lưng, vừa nhìn cái sóng bạc đầu, vừa tu rượu ừng ực. Lấy mũi dao nhọn, ông cậy những con hầu bám vào đá giống như một vục khoáng chất, bổ đôi từng con hầu ra, múc lấy ruột sống, ăn rất ngon lành, thỉnh thoảng lại chép miệng vì thiếu mất ít gia vị. Chả nhẽ giờ lại cất công bơi vào bờ vì một múi chanh, nhúm hồ tiêu sọ quên mang theo! Bóng tịch dương phía bờ cát đã nhuộm đỏ ối cánh rừng phi lao đang rung động nối một cuộc hòa nhạc với cái hải triều âm. Bóng tịch dương viền cái hình thù ông Tản Đà một màu đỏ gắt. Đỏ gần được như mặt người say rượu. Mầu đá lúc bấy giờ tím, nước xanh như cánh chim trả, sóng trắng như thủy ngân. Giữa cái ầm ầm không mỏi mệt và có màu sắc lạnh lùng như thể đang va đụng vào nhau, ông Tản Đà ngồi yên lặng, nậy những con hầu với một gương mặt đỏ gay. Chúng ta đã có cả một ông Lý Thiết Quài cổ quái đang ngồi ấp một cái sù đá, vọng ra cái mênh mông của biển Đông. Ăn no tắm mát rồi, lúc đặt chân lên dải cát vàng, thi sĩ của chúng ta nhìn cái mây nước vô hạn cảm, và muốn át tiếng ca biển Đông, nói rất to: “Nhất sinh, chưa bao giờ ta được hả đến như thế”
"Táo xanh" - người đẹp Trung Quốc Liễu Nham
Lại một lần, vào giữa hồi thất thế, tiên sinh được một người bạn hiền tài vời ra dưỡng nhàn tại vùng Quảng Yên. Cuộc đi ở đậu này là một cuộc ở nhờ dài hạn. Chủ và khách rất tương đắc. Nhân một buổi chủ nhân vắng nhà, không biết buồn tay buồn chân thế nào mà ông Tản Đà cho dẹp hết cả bàn ghế bầy ở phòng khách lại một góc tường. Rồi cầm lưỡi thuổng, tiên sinh đã cậy bật hết mấy lượt gạch đá hoa nơi nền nhà. Chợt thấy chủ nhân về, tiên sinh chống thuổng cười hề hề, chỉ cái đống đất và cát ngổn ngang trong lòng một thước vuông diện tích gạch hoa bị lật tung, hình như muốn ai cũng phải như mình, phải cùng thưởng thức với mình một công trình phá hoại nho nhỏ như thế. Thấy chủ nhân chậm lĩnh hội, tiên sinh phải cắt nghĩa: “Ấy, định trồng một ít húng láng. Ăn uống thiếu rau cỏ, nhiều khi bực đến chết. Chén rượu nào cũng cứ nhạt phào”.
Bây giờ mới đến chuyện ông Tản Đà múa kiếm. Hồi năm ngoái, vài tiết sen tàn đã cụp lại trên mặt ao những chiếc cộng rách, pha vào cái già nua của cây cỏ một màu rỉ sắt, tôi và vài ông bạn nữa kéo nhau vào làng Hà Trì ở gần tỉnh Đơ. Ông Tản Đà đã đính ước cùng chúng tôi là gặp nhau ở đó, hôm chủ nhật, để đánh chén. Gặp ông Tản Đà, thường bao giờ cũng lấy rượu ra làm đầu sai, nếu không đãi yến thì ít ra cũng phải tiểu ẩm. Hôm ấy, thịnh soạn. Thi nhân khoe rằng mình vừa mới lĩnh được một món nhuận bút. Thảo nào, rượu hôm ấy có lẫn mùi đẳng sâm. Và sớm hôm ấy, tôi mới thấy được một ngày không có giờ. Trong lúc chủ khách thụ ẩm, sự đời cứ nhàm chán, nhà nho như cái hồi nước cổ Việt Nam chưa bị nhà nước Pháp tới ở, có những người vào lớp cha anh chúng ta, ăn bữa gỏi cá sinh - cầm mất những một ngày một đêm. Lúc gần triệt soạn, tôi nằn nì với chủ nhân: “Người ta đồn cụ múa kiếm có nhiều đường đẹp lắm. Anh em hôm nay muốn được xem”.
Mỗi người thêm một câu, rút cùng, Phục - người con thứ của thi sĩ - đã đưa cho cha một con dao phay. Nhưng trước khi binh thân, ông Tản Đà đã thét người nhà lấy mấy tấm liếp bằng cót che kín mặt nhà trước lại. Và đóng kín cả hai tấm cửa sổ ở phía sau nhà trông ra vườn nữa. Tôi đã hiểu thầm tại sao ông Tản Đà có sự cẩn thận này. Đấy là cái dớp sợ hãi của những năm Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục còn để sót lại trong người thi nhân. Cái sợ đó, cái cẩn thận đó là những cái lo lắng chính đáng của nhà nho sống vào thời cụ quận Thái Xuyên Hoàng Cao Khải, vào thời quan khâm sai Lê Hoan, mà vẫn nhớ luôn là trong nhà mình có quyển sấm Trạng Trình, một cuốn binh thư và trong cái đòn ống gác bếp, vẫn có một thanh quất ép lưỡi vào tấm bìa một cuốn sách tính số Thái Ất. Trước khi múa kiếm, ông Tản Đà nghiêm trang như một võ sĩ sắp lên tỉ thí trên lôi đài nói với mọi người:
- Môn kiếm này của Tư Đạt truyền cho tôi. - Tư Đạt? - Con ông Đô Thống Thuật ấy mà! Ngày xưa tôi năng tập, công phu lạ, bỏ đã lâu lắm, chả biết bây giờ có đi được cả bài không. Ấy thế mà dù có nhớ, cũng khó mà đi hết được. 
"Trời đất sinh ra rượu với thơ
Không thơ không rượu sống như thừa"

Tản Đà

Trong gian nhà tối lờ mờ, mọi người nhận thấy một cái bóng trắng lượn múa trên hai bộ ngựa ghép sát lại. Ông Tản Đà mặc áo trắng dài, cũng tiến lên lùi xuống, bước đi gò theo một luật phép rất khắc khổ. Cũng múa trên đỡ dưới. Chưa bao giờ tôi tập đánh kiếm. Nhưng hồi còn ở lao, có mấy người tù đàn anh đã đi cho tôi xem cả môn độc kiếm, song kiếm, và giảng sơ sơ cho tôi nghe về kiếm thuật. Căn cứ vào những nhời xa xôi ấy, tôi thấy ông Tản Đà hôm ấy múa tròn lắm, đường kiếm lúc nào cũng che kín người. Và có những đoạn loạn đả, ông Tản Đà có những miếng tuốt, sả lợi hại lắm. Chả biết lúc sự thực phải cho đổ máu thì kiếm thuật sẽ như thế nào, nhưng ở phút múa kiếm sau cơn rượu, tôi thấy thi nhân đẹp lắm. Và nhớ tới một cuộc bút chiến, ông Tản Đà đã lên án chém ông Phan Khôi mà tôi sợ. Tôi nhìn xuống nhà dưới thì ở khung cửa nhà ngang, bà Tản Đà đang thập thò với vẻ khiếp sợ rõ rệt. Nghỉ múa kiếm, ông Tản Đà gọi thứ nam:
- Phục ơi, ờ con bỏ quần áo vào vali cho cậu, chiều nay cậu ra Hà Nội.
Rồi quay lại phía chúng tôi, ông nói về chuyện kiếm:
- Tứ phương, bát diện, những lúc tứ diện thụ địch, những lúc hỗn chiến, thanh kiếm sát phạt đã nhiều lắm, chư vị ạ. 

Vẫn không quên sắp hành lý để ra Hà Nội, thi nhân bỏ vào vali một cái nghiên mực, một đĩa son và một tập cổ thi. Cái vali ấy là một cái vali cũ đã bật cả khóa, chẳng khác gì cái vali của một ông đồ Nghệ mới ra bắc làm thuốc. Say rượu, rồi múa kiếm, rồi cất kiếm, rồi hỏa tốc sắm vali lên đường như là một khách không nhà, sao người ta không sống vào thời Trung Cổ để làm một kẻ hiệp sĩ nhỉ? Chưa bao giờ, tôi buồn một cách rất thi vị như buổi chiều ấy. Cái buổi chiều ấy là một buổi chiều ông Tản Đà khởi hành ra Hà Nội, để rồi đi mãi mãi, đi… thẳng luôn vào lịch sử của nước Việt Nam văn chương...
“Trời sinh ra bác Tản Đà
Quê hương thời có, cửa nhà thời không
Nửa đời nam bắc tây đông
Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly
Túi thơ đeo khắp ba kỳ
Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng".
- Dạ bẩm lạy trời, con xin thưa: Con tên Khắc Hiếu, họ là Nguyễn, Quê ở Á châu, về địa cầu Sông Đà, núi Tản, nước Nam Việt...
"Đà chưa cạn, Tản chưa mòn
Còn ai thi sĩ, lại còn tri âm.
Nực cười cho bác Mai Lâm
Thương nhau chi sớm, mà lầm khóc nhau…”.
Nhà văn Nguyễn Tuân
"Thủy chiều đỏ" - thiếu nữ Nhật Bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét