"Ảo ảnh" - người mẫu Hằng Rubi |
Ngày chia tay ở cái làng đồng chiêm dựa chân Đọi Đệp lại không ngờ lại là ngày vĩnh quyết. Đêm nằm nghe súng nổ vang ở bốn mặt quanh thành, tôi cố nhớ lại cái cử chỉ cuối cùng của anh lúc tôi đưa anh ra bến sông, nhưng không thể nào nhớ nổi. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Nhắc đến Nam Cao, bây giờ tôi có tiếc điều gì, ấy là tiếc đã không biết Nam Cao sớm hơn một chút. Lúc bắt đầu chuyển tờ Tiểu thuyết thứ bảy từ khổ nhỏ ra khổ lớn, tôi có viết mấy bài về “ý nghĩa của những bút hiệu của các nhà văn”. Trong đó, rôi có kể ra những bút hiệu của Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Luận, đến bút hiệu của Nguyễn Tiến Lãng, Dương Mầu Ngọc, qua các ông Nguyễn Văn Lãng, Nhượng Tống, Đinh Gia Thuyết. Mỗi khi nói về lý do các bút hiệu đó, tôi có đi hỏi các nhà văn để tìm hiểu ý nghĩa từng bút hiệu, Lương Ngọc (bút hiệu của Phạm Quỳnh), Hán Thu (bút hiệu của Nguyễn Tiến Lãng), Lỗ Thứ (bút hiệu của cụ Nguyễn Văn luận), Nam Hương (bút hiệu của Bùi Huy Cường) là do lấy ở điển tích nào ra và duyên cớ đã đưa các ông lấy các bút hiệu đó. Phải chi lúc đó tôi đã biết Nam Cao thì nhất định tôi đã tìm hỏi tại sao anh lại lấy bút hiệu ấy rồi. Nhưng sau khi tập bài trên ra được bốn năm năm tôi mới được gặp anh thành thử cho đến bây giờ tôi vẫn thắc mắc tại sao Nam Cao lại lấy bút hiệu ấy để ký dưới các truyện ngắn, và trong suốt cả một đời văn bút không hề thay đổi. Nam Cao là cái gì? Nam đây là Nam Định hay Việt Nam? Còn Cao? Tôi không thông thạo chữ Nho, chỉ biết đại khái cao có mấy nghĩa: cao là mõ, cao là cái sào chống thuyền, cao là bờ sông (cửa cao), cao là hơi dốc lên, và cao còn có nghĩa là con dê nhỏ. Thế thì tại sao lại là Nam Cao? Anh ta tự ví mình với con dê? Hay là anh ta tưởng mình là mỡ là một thứ Ma ga rin dùng để chiên thịt bò? Cái bí mật ấy, Nam Cao mang đi mất, tôi hận lắm.
Tôi chỉ biết Nam Cao qua cái tên thật là Trần Văn Trí. Sự thật, anh cũng chẳng bảo cho tôi biết như thế bao giờ, nhưng tôi biết là anh ở Nam Định, viết bài cho “Tiểu thuyết thứ bảy”, mỗi tháng, nhà báo gửi ngân phiếu về cho anh, nếu để bút hiệu thì lôi thôi lắm mà nhận tiền hơi khó. Tôi gần như có thể tin chắc rằng một số lớn văn hữu của Nam Cao lúc ấy không biết tên Trần Văn Trí, mỗi khi muốn hỏi tin tức của anh, chỉ hỏi “Nam Cao độ này có viết nhiều không?” “Nam Cao có lên Hà Nội thì ở đâu, có phải ở nhà Tô Hoài không?”, hay “Cái chuyện thằng say rượu của Nam Cao đăng số trước không chê được”.
"Mùa lạnh" - tranh của họa sĩ Lim Khim Katy |
Lười nhác là vì, theo chỗ biết đích xác của tôi, bài lai cảo lúc đó rất nhiều, mỗi ngày bài gửi về nhà báo bình thường có tới hai ba chục bài, chuyện có, thơ có, khảo cứu có, bình luận có. Một thư ký tòa soạn (lúc đó là Ngọc Giao) vừa phải đẻ ra mỗi tuần một truyện ngắn, vừa phải đọc bài lai cảo, cố nhiên là không xuể, thành thử người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy có những truyện hay, lại bị nằm yên một xó để hứng bụi thời gian.
Không có sự trùng hợp ý kiến giữa người viết truyện và người lựa truyện - là vì lúc đó “Tiểu thuyết thứ bảy” “ăn” về độc giả bình dân, đối tượng là đàn bà, con gái, thích đọc truyện ướt át, lâm ly một chút mà ly kỳ một chút, chứ những truyện “tây” quá nghĩa là khô khan, không có thương nhớ, không “khóc được” thì không “ăn tiền”. Bởi vì nguyên tắc lựa truyện để đăng tải đã được ấn định như thế, cho nên thí dụ thư ký tòa soạn có đọc một truyện ngắn như loại truyện của Nam Cao thì Nam Cao cũng ít hy vọng được lưu ý và truyện của anh chưa chắc đã được may mắn đăng lên mặt báo.
Một sự ngẫu nhiên: Ngọc Giao có ý định muốn đi Nam để kinh doanh với một người bạn nhập cảng sắt cũ, ông Vũ Đình Long có nhã ý bảo tôi làm Thư ký toà soạn Tiểu thuyết thứ bảy khổ lớn. Bao nhiêu những bài lai cảo chất đống ở tòa soạn, tôi khuân cả về nhà. Tình cờ một buổi chiều xấu trời, không đi chơi tếu được, tôi rút một vài bài ra coi thì trong số có một truyện của Nam Cao. Chỉ đọc độ nửa trang đầu tôi đã cảm thấy một truyện “đăng được”, đọc xong thì tôi bị Nam Cao cám dỗ. Ngay buổi tối hôm đó, tôi hì hục dở hết cả chồng bài cũ ra kiếm thì thấy Nam Cao còn có hai truyện nữa (trong đó có truyện người say rượu ngã ra như một cái bóng). Tôi đọc luôn một hơi và ngay sáng hôm sau, tôi sửa qua vài chữ, vẽ maket, đặt truyện của Nam Cao lên trang nhất, kèm một cái “sa pô") giới thiệu một văn tài mới!
"Bướm biển" - người mẫu châu Âu |
Sau khi đăng được mươi truyện của anh ở trên mặt tờ Tiểu thuyết thứ bảy rồi, tôi mới được biết Nam Cao bằng da bằng thịt. Anh đi thẳng vào nhà tôi ấp úng tự giới thiệu. Cảm giác đầu tiên của tôi sau buổi gặp gỡ này là Nam Cao là một người hiền lành, chân thật và nhũn nhặn. Anh không nói một tí gì đến các truyện của anh, chỉ hỏi thăm qua quýt về các anh em và nói chuyện dăm câu về báo chí. Thế rồi thôi, anh ngồi sì ra đấy thỉnh thoảng lại nhắp một tí nước trà, có lẽ không phải vì anh muốn uống nước, nhưng uống để “làm một cái gì” để cho đỡ có cảm giác là tay chân mình thừa.
Lúc đó Nam Cao độ hai mươi ba, hai mươi bốn tuổi, nhưng nếu bảo anh ba mươi lăm ba mươi sáu cũng có thể được vì anh có vẻ già trước tuổi, không ngây thơ, bụ bẫm như Tô Hoài, tuy anh và Tô Hoài là hai bạn thân và cùng một lứa tuổi với nhau.
Nam Cao dong dỏng cao (hay là vì thế mà anh lấy bút hiệu là Nam Cao?) mặt dài, má hơi hóp, da đúng như màu dâu, nhưng mỗi khi nói một câu chuyện gì với ai thì ửng đỏ lên đủ để cho người ta thấy là anh thẹn. Tay chân anh dài lêu nghêu, lúc đi thì hơi đẩy cái đầu về phía trước, có ai đi bát ở các đường Tự Do Sài Gòn hay Đồng Khánh Chợ Lớn, vô công rỗi nghề, nhìn vào các cửa hàng, đã thấy các con cò máy từ từ ngẩng đầu lên rồi lại từ từ cúi xuống để mổ vào một chén nước không? Ấy đấy, Nam Cao đi đứng cũng từa tựa như con cò máy ấy. Không vội vàng, hấp tấp, lúc nào cũng có vẻ như nghe ngóng để xem có chuyện gì bất trắc không. Đi, anh không dám đi mạnh, cũng không dám ho to, nói thì nhỏ nhẹ, dường như có cảm giác nói lớn với người khác là vô lễ. Anh có vẻ tính toán từng cử động, thỉnh thoảng lại đưa tay lên vuốt lại mấy cái tóc xõa xuống mang tai. Đầu anh không bù theo kiểu Tô Hoài, mà cũng chẳng như Nguyễn Tuân, nhưng bờm vì thường thường tóc dài quá, có khi phủ cả gáy và che mất cả tai. Tội nghiệp, đừng có ai tưởng anh để tóc kiểu kippy; tóc anh dài quá chỉ là vì anh lười hớt, mà nguyên do lười hớt mười lần thì chín là vì không có tiền. Mùa rét chỉ có trần một bộ màu đen sọc đỏ lợt, giày không há mõm nhưng lúc nào cũng đầy bùn. Có lẽ tại vì từ nhà anh lên Hà Nội phải đi qua nhiều quãng đường đê lầy lội, mà anh lại là một tay “kiết” không thèm mướn trẻ con đánh giày - “cái tiền đánh giày để dành cho con ăn quà còn thú hơn”.
Nhà máy chè (Phú Hộ - Phú Thọ) - ảnh Việt Nam xưa |
Hỏi ra thì trước khi viết báo như thế, tất cả sự sinh sống của gia đình anh dựa trên một giàn trầu. Cứ đến phiên chợ thì bà anh lại hái trầu đem bán. Nhưng bán trầu mà sống được cả nhà ư? Làm thế nào mà cứ sống mãi được với một giàn trầu? Tôi băn khoăn tự hỏi như thế nhiều lần, nhưng không tài nào biết được Nam Cao đã làm cách nào để sống dù là sống khổ ở một cái làng hẻo lánh nhất, nghèo khổ nhất ở một miền quê xa xôi nhất ở thành Nam. Nam Cao không hề cho ai biết sự thật trầm hùng đó. Khác hẳn với đa số văn hữu hồ không có tiền thì kêu khổ ầm ĩ trên khắp các mái nhà, Nam Cao không có một lúc nào thèm than rằng mình khổ hay nói một câu gì hài hước châm chọc cái khổ của nhà văn nhà báo nói chung và của mình nói riêng; hoặc đưa ra một ý kiến gì cay cú người giàu có được ưu đãi vì bất công xã hội. Không, anh cứ “lịm” đi. Tâm lý đó vẽ lên rất rõ rệt trong truyện ngắn “Cười với trăng”. Vì biết Nam Cao dưới khía cạnh đó mà có lẽ cũng vì truyện “Cười với trăng” phản ánh tính tình của Nam Cao rõ rệt nhất cho nên từ trước đến nay, tôi vẫn thích “Cười với trăng”, tức là chuyện cái chàng trí thức kiếm không ra tiền, về nhà bị vợ day dứt, bị con giày vò nằm thừ ra một mình nhìn lên trên trời. Thường thường những anh bất mãn vẫn thóa mạ xã hội, thóa mạ có lúc đúng có lúc sai, có lúc hữu lý, có lúc vô lý, như người đàn bà nọ trong ca dao:
Gái kia chồng chẳng nằm cùng,
Tức giận đùng đùng ném… chó xuống ao
Nghĩa là tức không biết làm gì thì giận cá chém thớt chửi vung xích chó lên. Đằng này thì khác hẳn. Anh trí thức không tiền kia không giấu ai hết, không chửi ai hết mà cũng chẳng chửi mình: anh ta “lịm” đi nhìn mặt hắn trên trời rồi bật cười, cười lăn cười lộn, đến nỗi cả nhà không còn hiểu ra sao.
"Xa khơi"- người mẫu châ Á |
- Tôi quan niệm cuộc đời giản dị lắm. Đời không có nhiêu khê như người ta vẫn viết trong tiểu thuyết trữ tình. Đói thì ăn khát thì uống. Tôi thấy thế nào cứ viết in như thế, không thêm bớt. Thế cũng đủ rồi. Lọ là phải bày đặt thêm ra làm gì.
Ý niệm về tiểu thuyết về đời người như Nam Cao có nhiều chỗ giống tôi nên chúng tôi có nhiều chỗ tương đồng, mà có lẽ cũng vì thế tôi đã giới thiệu truyện ngắn đầu tay của Nam Cao lên trang nhất báo Tiểu thuyết thứ bảy với nhiều tình cảm. Riêng tôi có ý định tạo ra một phái riêng khác hẳn với tiểu thuyết lãng mạn, tình cảm lúc bấy giờ: hiện thực mà không cố “nặn” ra như kiểu Nguyễn Công Hoan hay làm lý hóa cuộc đời quá mức như Cô Lý Lê Văn Trương. Nói như thế thực ra không đúng. Người đầu tiên có ý kiến này là một bạn nay đã quá cố. Thiết Can Nguyễn Văn Xuân. Xuân lúc ấy hàng ngày vào học thêm ở thư viện Hà Nội. Tác giả hiện thực viết truyện không có chuyện làm cho anh thán phục là một văn sĩ Pháp không ai biết tiếng: Deux Lucien. Thiết Can giới thiệu với tôi. Chúng tôi bắt chước viết theo kiểu Deux Lucien, Thiết Can thì viết truyện “Dã tràng” còn tôi thì viết “Chàng Kim người Bắc, cô Kiều người Kinh”, “Một người rơi xuống hố”.
Những truyện này ảnh hưởng ít nhiều đến Nam Cao, và chính anh đã nói với tôi như thế. Riêng tôi, được biết thêm Nam Cao, tôi lấy làm hãnh diện. Mỗi khi có bài của anh gửi về, tôi chưa đọc mà đã tin chắc là hay. Quả nhiên như thế: văn Nam Cao mỗi ngày viết mỗi chắc chắn và sâu sắc hơn lên. Chừng một năm sau tôi thú thực là tôi đã buồn se sắt một thời gian vì tôi biết rằng Nam Cao còn tiến, và vẫn tiến, chắc chắn tôi không thể nào theo kịp.
Ấy là vì tiếng tăm của Nam Cao lúc ấy đã nổi lên như cồn. Không những các độc giả bình dân của Tiểu thuyết thứ bảy “chịu” anh, ngay cả nhà trí thức hồi đó cũng nhận Nam Cao là một cây bút “cừ”. Riêng tôi, có mấy truyện của anh gần như ám ảnh tôi: truyện “Đón khách”, truyện “Cái lò gạch”, truyện anh say rượu, và một số truyện “dấm dẳn” khác, trong đó có một truyện tết tả một con gà mái, nhảy chuồng sắp đẻ kêu “cục te cục tác” mà không hiểu Nam Cao nghe ra thế nào lại thành “vừa đau vừa rát”…
Phomat Thụy Sĩ chiên giòn. |
Nói về Nguyễn Văn Lịch, không những phái trẻ bây giờ không biết, ngay cả những bạn văn chương lớp sáu bảy mươi cũng không buồn biết là ai. Ấy vậy mà nhà văn kỳ lạ đó, có một thời đã làm điên đảo cả dư luận của làng văn bút Bắc Kỳ với hai cuốn truyện bất hủ, bây giờ có lẽ văn khố thư viện toàn quốc không thể nào có được: “Một tụi chán đời” và “Hai mươi ngày ở am dật sĩ”. Con người kỳ lạ có một không hai! Ở vào giữa lúc văn chương ta đang say mê “Giọt lệ thu”. “Tố Tâm” và cái lối văn biền ngẫu đối nhau chan chát, Nguyễn Văn Lịch đã tung ra một cuốn truyện “dày tổ bố” viết đại loại một lối văn như thế này.
Ngán vô cùng. Nhớ không chịu được. Tất cả cái gì tôi nhớ bây giờ là khi tôi mở cái va ly óc ra, tôi nhớ đến người đàn bà ấy đẹp như thánh nữ thành Byzance ẩn ẩn hiện hiện trên một đại dương màu đỏ.
Cuốn “Một tụi chán đời” dày 500 trang, còn “20 ngày ở am dật sĩ" thì chừng 80 hay 100 trang gì đó. Thử tưởng tượng sách dày như thế mà từ đầu chí cuối viết toàn một giọng văn “thánh nữ thành Byzance” như thế thì ai có can đảm mà đọc hết? Vậy mà kẻ viết bài này ngày một ngày hai đã đọc trọn hai cuốn đó và hơn thế đã đọc “20 ngày ở am dật sĩ” tới hai, ba lần. Rút lại, tôi bị ám ảnh vì một nhân vật tả ở trong truyện “Một tụi chán đời”: một thiếu phụ choàng khăn “san” đen, một buổi chiều đông, đi từ trong một căn nhà ở đường Quán Thánh ra, bên đường sực nức mùi hương thơm của hoa ylang ylang.
Còn Nam Cao, tôi bị ám ảnh vì cái anh chàng trí thức không chịu “cô la bô” mà bị nghèo đói, vợ con day dứt, vì cái anh Chí Phèo, vì cái anh chàng say rượu “ngã xuống như cái bóng”… Trên kia, tôi nói là có một lúc tôi buồn se sắt vì Nam Cao. Thực tình như thế, bởi vì tôi thấy Nam Cao nổi lên dữ quá, văn anh hay quá, nhiều khi đọc xong một truyện của anh tôi lấy làm “quái lạ” sao người ta lại có thể lẩm cẩm và tài tình như thế, sao lại có thể chọn lựa những hình ảnh, những danh từ “mả” thế, sao lại có thể tạo nên một truyện giản dị mà lạ lùng đến thế…
Tôi vốn là một người nhút nhát và có mặc cảm. Từ lúc bước chân vào nghề văn bút, không có một lúc nào tôi dám nghĩ rằng văn chương Âu Mỹ, đó là một nhược điểm tôi biết như thế nhưng không có cách gì thoát ly được, nhưng có một lúc tôi đã nghĩ rằng những hạng văn sĩ như Deux Lucien. Tom Kromer, Selina Lagerloff nhất định không thể ăn đứt Nam Cao. Về sau này vào đây, nghe thấy nói nhiều sách mới truyện mới (trong đó có truyện của Nam Cao) được dịch ra nhiều thứ tiếng để phổ biến đi các nước, tôi ngờ ngợ là có lẽ tôi đã nghĩ đúng mà có rất nhiều người ngoại quốc bây giờ đã có một quan niệm khác về nền văn nghệ Việt Nam. Riêng về Nam Cao theo sự hiểu biết thiển cận của tôi thì quả tôi chưa thấy có một nhà văn nào “dớ dẩn mà ăn người” như thế (tôi không dám nói là hay, là đặc biệt, nhưng độc đáo và thành thực!).
"Gợi cảm" - người mẫu Nhật Bản |
Vì nghĩ như thế, nhưng đến bây giờ không còn nhớ vì đường dây mối nhợ gì, vì nghĩ lẩm cẩm ra sao - tôi còn nhớ đến cái bút hiệu của anh và một lần nữa tôi lại đánh vật với chính mình để tìm hiểu tại sao lại có cái bút hiệu Nam Cao. Trong chữ Nho, Cao còn một nghĩa nữa là họ Cao. Hay đặt tên Nam Cao, Trí có ý muốn nói rằng mình là một thứ người hiền như Cao Dao ngày trước (Hoặc giả mong mỏi được như thế?). Mà Nam Cao nghĩa là Cao Dao ở Phương Nam muốn bắt chước Cao Dao ngày trước một lòng son sắt, như đợi gặp một Thánh chúa như vua Thuấn mới chịu ra để thờ?
Tôi nghĩ vẩn vơ như thế nhiều ngày nhưng rút lại cũng không đem ra hỏi được Nam Cao xem nghĩa nào đúng với bút hiệu mà anh đã lựa. Là vì sau bữa ăn ở “Phở Cháy” ít lâu thì quân phát xít Nhật làm dữ, báo chí tan tác, anh em phân ly, nhà in “Tân Dân” chuyển về Mục Xá, báo ra không đều. Thế rồi đến những ngày tao loạn, khói lửa bốc lên, anh em tản mác mỗi người một ngả. Tôi về ở một cái nhà cỏ ở đầm Linh Đường trên đường về Hà Nam. Phần đông những người tản cư về phía đó đếu đi qua nhà tôi, nên căn nhà ấy được coi là “trạm nghỉ chân” của nhiều anh em văn nghệ. Hầu hết những anh em làm việc cho ba tờ Tiểu thuyết thứ bảy, Truyền bá và Phổ thông bán nguyệt san đều làm công việc của những người biết suy nghĩ là bỏ thành, theo kháng chiến “xếp bút nghiên theo việc cung đao”. Sống những ngày sôi nổi như thế anh em vào nghỉ chân ở đấy uống chén nước hút điếu thuốc với nhau, đều có mỗi người một thứ tin tức, một loại chuyện tâm tình. Gặp ai? Tây nó đánh ra sao? Bọn Thanh Nghị đi chưa? Ai biết thì nói ấy. Trúc Đường, anh của thi sĩ Nguyễn Bính, viết văn hay làm thơ giỏi cùng với Thượng Sỹ ở lại ngủ nhà tôi một đêm. Chúng tôi thức trắng đêm. Thi sĩ Trúc Đường là người Nam Định kể lại nhiều chuyện liên qan đến các tổ chức tự vệ, các anh em liên kiểm và các văn hữu đi theo kháng chiến ra sao. Đến Nam Cao thì Trúc Đường cho tôi biết là anh ấy đã “đi” từ lúc Nhật bắt nhốt những phần tử chống đối, thi hành chính sách tàn ác ở trên khắp lãnh thổ Việt Nam, cầm kiếm bị kêu gọi dân da vàng đưa đầu vào cái gông “Đại Đông Á” của bọn quân phiệt thối tha.
-Oái... có cái cái gì... mà mà mà chúng nó... tụ tụ tụ... tập... đông thế thế nhỉ...??? |
Chính trong thời kỳ này, tôi được tin Nam Cao làm bí thư cho tướng Nguyễn Sơn. Thế rồi thì thôi. Tôi làm báo kháng chiến, lê chân đi trên nhiều nẻo đường đất nước và gặp hầu hết các anh em cũ, nhưng không có một lần nào gặp Nam Cao. Thì một ngày mưa phùn giá rét căm căm, tôi thấy Nam Cao tóc phủ mang tai, đội nón lá, đi dép Bình Trị Thiên lắc lư cái đầu bước vào căn nhà tôi tạm trú, như thể đã ra vào quen thuộc lắm rồi. Lúc đó tôi đang thiến một con mèo. Anh đặt nón lá xuống đất chạy đi tìm dầu và dây cột cho tôi. Hai anh em làm công việc y như thể người nhà, không có ai thể ngờ được rằng đấy là đôi bạn hàng bốn năm năm không được gặp nhau. Xong đâu đó rồi, chúng tôi ngồi uống nước như thường, cũng chẳng hỏi thăm nhau ra sao, Nam Cao y nguyên như ngày trước, tuy là kháng chiến có làm cho màu da anh sậm màu hơn một chút.
Đến lúc bữa cơm rau với nhau dưới một ngọn đèn dầu, câu chuyện mới cởi mở hơn một chút, nhưng Nam Cao không hề hỏi tôi làm gì, ra sao, nhà cửa thế nào, có giúp văn hóa gì không. Không. Chúng tôi nói toàn chuyện lăng nhăng, y như không hề xa cách nhau bao giờ cả. Phần tôi, tôi cũng không hỏi xem có phải anh làm bí thư cho Nguyễn Sơn không, anh làm việc ở khu nào, gia đình có chạy và có mang theo giàn trầu đi theo không. Câu chuyện đêm hôm ấy có hai điểm mà tôi còn nhớ: cái súng và “thằng” Tào Tháo. Cơm nước xong chúng tôi ra ngồi ở đầu hè uống cà phê (vì trong suốt thời kỳ tản cư tôi vẫn uống cà phê và hút Philippe Moris phè phỡn). Tôi hỏi Nam Cao anh có bắn thằng thực dân nào không. Anh đỏ bừng mặt bảo tôi:
- Bố mày nói đùa dai. Cái đời tôi còn biết bắn là gì nữa. Tôi có làm một thứ phóng viên ngoài mặt trận thì có nhưng tôi chưa hề cầm một khẩu súng bao giờ. Cách đây không lâu anh em có đưa cho tôi một khẩu, nhưng tôi lấy mà trả lại vì có khi quân địch không định bắn tôi mà trông thấy tôi vụng dại nó tức lên mà bắn chết. Lại cũng có thể tôi không biết bắn bao giờ, lớ ngớ bắn người ta lại hóa ra bắn mình. Báo chí họ bảo mình tự tử vì tình thì nguy.
Vốn đã quen với cái lối nói của Nam Cao, tôi gật đầu như thể suy nghĩ một vấn đề gì nghiêm trọng lắm không cười mà bảo:
- Bố mày nói phải. Nhưng rồi ta cũng phải đặt vấn đề lại ra sao.
"Nóng 39 độ" - người mẫu Trung Quốc |
Về sau này, buổi nói chuyện và đọc Tam Quốc đêm hôm ấy, Nam Cao thuật lại trong một tạp chí bài trang nhất “Văn nghệ” của kháng chiến và tôi còn nhớ mang máng rằng kết luận bài này Nam Cao đã viết đại khái: “Gần sáng chúng tôi đọc chưa chán nhưng buồn ngủ phải bỏ sách để ngủ vậy và chúng tôi nhắm mắt lại lẩm bẩm: Tiên sư thằng Tào Tháo!”.
Chuyến ấy, Nam Cao ở lại chơi với tôi hai ngày một đêm. Tuyệt nhiên từ trước chí sau, anh không nói tại sao anh lại lặn ngòi ngoi nước về thăm tôi. Có một lúc tôi nói thẳng với anh: “Chưa biết chúng mình bao giờ mới lại gặp nhau vì tôi định rinh tê chuyến này”. Không ngạc nhiên gì hết, anh tuyệt nhiên không nói ra một ý kiến hay một lời khuyên ở lại như tất cả các anh em cán bộ khác vẫn thường khuyên tôi. Anh có vẻ cho thế là thường. Anh không khen mà cũng không chê kháng chiến. Anh chẳng nói một tí gì về Nguyễn Sơn. Anh cũng chẳng nói một ly ông cụ về văn nghệ rồi anh em lâu ngày mới gặp nhau, bây giờ ở gần nhau, cùng hít thở một thứ không khí với nhau nằm gối tay ở đầu hè ăn kẹo lạc và không nói gì hết chỉ nhìn nhau, như thế chẳng là nhiều quá rồi sao?
Sau đó ít lâu về đến thành, tôi nghĩ lại cuộc gặp gỡ Nam Cao ở Đầm thì thấy quả là “nhiều” thật vì đó là lần chót tôi thấy anh, cùng ăn uống, trò chuyện với anh. Tin tức do anh em ở các vùng xôi đậu gửi về cho biết là Nam Cao đã mất. Ngày chia tay ở cái làng đồng chiêm dựa chân Đọi Đệp lại không ngờ lại là ngày vĩnh quyết. Đêm nằm nghe súng nổ vang ở bốn mặt quanh thành, tôi cố nhớ lại cái cử chỉ cuối cùng của anh lúc tôi đưa anh ra bến sông, nhưng không thể nào nhớ nổi.
Tất cả đều mờ đi như chìm trong một đám sương mù. Tôi chỉ còn lưu lại được một kỷ niệm anh đội nón lá, lưng vác ba lô, đi thui thủi qua ruộng lúa này đến ruộng lúa khác rồi mờ dần, mờ dần trên một con đê vắng. Anh đi về đâu? Tôi cũng chẳng hỏi. Vả lại cũng không muốn biết làm gì vì đã là kháng chiến thì làm gì chẳng là làm, đi đâu chẳng là đi, ở đâu chẳng là ở?
Cảnh đẹp Canada. |
Nam Cao quý hữu ơi, anh chết ra sao? Tôi chỉ nghe tin mà không được rõ chi tiết, nhưng chết dưới gầm cầu, chết trên giường bệnh, chết không manh áo, chết cháy như than, chết ôm hận thù hay nằm chết như mơ… cũng chỉ là chết mà thôi. Cái đó không quan hệ. Cái quan hệ là cả anh và tôi lúc sống, có lúc đã nói chuyện với nhau rằng chết không phải là hết hẳn. Hình như anh theo công giáo - Anh chẳng bao giờ nói cho tôi biết điều ấy - mà tôi thì theo Phật giáo. Theo công giáo, chết thì lên Thiên đường. Theo chúng tôi thì chết rồi sẽ lên Niết bàn. Niết bàn hay Thiên đường, chẳng trước thì sau chúng ta cũng sẽ còn gặp nhau.
Lúc đó, tôi cũng làm như anh là phớt tỉnh đi như thể chúng ta đã không bao giờ xa cách và tôi sẽ hỏi:
- Này cậu, ở trên này người ta có viết văn, làm báo không?
Nếu ở Niết bàn mà người ta vẫn còn làm báo viết văn tôi sẽ hỏi Nam Cao anh ta từ lúc từ giã cõi đời đã viết được cái gì hay, cho anh em đọc với.
Tôi sẽ hỏi Nam Cao một việc nữa: là anh ở trên trời, có tìm ra được bí quyết gì của trời không? Sao lại có người sướng lắm mà có người khổ quá? Hơn thế, sao lại có người làm cái mạt nghệ là nghề văn bút lúc sống đã khổ cả một kiếp người, đến lúc chết lại cũng khổ luôn, chết không còn mảnh xác.
Thế là Trời định “chơi” các nhà văn nghệ hay là thương họ vậy?
Đến đây, tôi sẽ hạ giọng xuống và hỏi nhỏ hơn chút nữa:
- Còn điều này nữa, cậu ạ. Ông giáo Hoành bảo tôi rằng cậu mất trên một quãng đường đê, bên một bụi tre, lúc bọn lang sói mở cuộc ném bom man dã. Man dã hay không thì chúng ta đã biết, khỏi cần nói làm gì. Nhưng tôi có một điều thắc mắc, anh bảo cho tôi biết: lúc anh chết, anh “lịm” đi như khi sống, phớt tỉnh sự đời: hay anh uất phẫn căm thù đến nước mắt? Hay anh vừa chết vừa cười sằng sặc như cái anh văn sĩ nghèo rớt mùng tơi bị vợ nhiếc, nằm ngửa mặt lên trời “cười với trăng?”.
Nhà văn Vũ Bằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét