"Đường cong mềm mại" - thiếu nữ Việt Nam |
Có những giây phút ở đời này, thật lạ. Tự nhiên, vì những cớ không đâu, người ta bỗng nhớ tới một cảnh chiều, một câu văn, một linh hồn - thường thường là nhớ đến một nỗi buồn hiu hắt đã qua, nhưng cũng có lúc người ta sầu quá mà liên tưởng tới một chuyện trào lộng khác. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Bây giờ, đất nước đã nhuộm một màu sắc mới rồi. Phố phường, không khí, nhân vật cũng đổi thay. Chả biết sự thay đổi đó là sự thật hay từ óc người ta chuyển hướng để cho cảnh đời biến đổi đi? Điều đó, chưa bao giờ tôi có dịp suy nghĩ cho kỹ lưỡng.
Nhưng tại sao cứ mỗi khi chiều về, trong ánh đỏ tưng bừng của lửa điện phố phường, mà trông thấy những người vừa đây đương xấu thoắt giờ đã đẹp, những người vừa mới đây đương nghèo thoắt giờ đã sang, tại sao cứ trông thấy thế thì tôi lại nghĩ ngay đến cuốn tiểu thuyết “Số đỏ”của Vũ Trọng Phụng, bạn tôi?
Những lúc đó, lòng người dễ chan chứa một nỗi buồn day dứt. Tôi nghĩ gì bây giờ là nghĩ đến những kiếp sống không may, có tài mà không đắc dụng, suốt đời sống một cách bấn bách để đến khi chết không nhắm được mắt vì còn vương lại biết bao nhiêu gánh nặng.
Bạn tôi, Vũ Trọng Phụng, chính là một trong số những người không may đó.
Thảng hoặc bây giờ, và trong lúc tản cư, có nhiều người nhìn thấy những cuộc biến thiên của đất nước, thở dài mà bảo: “Giá bây giờ còn Vũ Trọng Phụng để cho anh ta ngồi mà viết thì có phải thú biết bao!”, nhưng thử hỏi trong số những người như thế, có ai chịu lắng tơ lòng để mà thương nhớ một chút, và chỉ một chút thôi đến Vũ Trọng Phụng không?
Hầu hết người ta đều tưởng chừng như là cứ sống trơ ra đó, rồi viết, rồi in thành sách cho người ta đọc, làm thế là làm xong thiên chức của một nhà văn; nào có ai nhớ cho rằng muốn làm tròn cái thiên chức đó, nhà văn, cũng như tất cả thế nhân, còn cần phải cái điều kiện căn bản là sống đã. Không sống được thì viết thế nào được văn? Cứ muốn người ta viết, mà để cho người ta nghèo khổ, thiếu thốn rồi chết vì lao lực, âu cũng là một luận điệu vô lý vậy.
Đền Bạch Mã trong tranh Bùi Xuân Phái. |
Lúc đó, cái nghề cầm bút thiệt cũng bạc bẽo như bây giờ. Vũ Trọng Phụng vừa làm thư ký một nhà buôn, vừa viết truyện mà không tài nào giật gấu vá vai nuôi được bà mẹ. Thì liền đó xảy ra một việc đáng buồn hơn: chủ nhà buôn nọ, bắt được Phụng viết văn trong giờ làm việc đã sa thải Phụng. Từ đó, Vũ Trọng Phụng chính thức làm nghề viết báo. Nhưng qua Ngọ báo, Tân thiếu niên, Tiến hóa, Dư luận, Tiểu thuyết nhật báo, Tao đàn, Tiểu thuyết thứ bảy, Ích hữu, Công dân, Tương lai, Đông Dương tạp chí, Vì Chúa, Tiểu thuyết thứ năm. Hà Nội báo và nhiều báo khác chính tôi cũng viết với Phụng mà bây giờ quên mất cả tên, thật qủa Vũ Trọng Phụng không bao giờ may mắn.
Cái ông tạo hóa hình như lúc sinh Phụng ra đời đã đánh một cái dấu vào san thần của Vũ Trọng Phụng mà bảo rằng: “Con còn khổ sở!”. Vì thế cho nên trong kiếp sống lỡ làng từ lúc còn đi học, ngồi ở cạnh tôi, đến lúc Phụng nhắm mắt trong một gian nhà lạnh lẽo ở Ngã Tư Sở, anh không có một tháng nào, một ngày nào là không bị day dứt vì chuyện kiếm tiền để nuôi một người bà già yếu, một người mẹ mắt kém và sau này một người vợ có đeo một cái tật ở thân. Không. Cứ sống như thế thôi, kể cũng đã can đảm lắm rồi. Ấy thế mà Vũ Trọng Phụng lại sống vui mới lạ!
Bây giờ cứ mỗi đêm rét về, bâng khuâng nghĩ đến những bạn văn cùng cộng tác với nhau trên những tờ báo của quá khứ, tại sao cứ nhớ Vũ Trọng Phụng thì tôi lại thấy nhớ thương hơn?
Trong các số văn hữu lớp đó, đã có bao nhiêu người chết rồi, mà cũng có bao nhiêu người còn tản mác ở những nơi đèo heo hút gió, nước độc ma thiêng: Nguyễn Triệu Luật bị ám sát, Ngô Tất Tố chưa về, Tạ Đình Bính bỏ thân vì bệnh lao, Nguyễn Đình Hoàn mất tích, Vũ Liêm thiệt thân vì bệnh lao, Phùng Bảo Thạch hãy còn vẩn vơ ở Yên Bái, Nguyễn Quốc Ấn cũng chết vì bệnh lao, Tam Lang, Đặng Đức Tô, Nghiêm Thượng Văn, Dương Tự Giáp, Côn Sinh, Nguyễn Đăng Đệ và còn biết bao nhiêu người khác nữa. Vũ Trọng Phụng vốn ít nói. Có khi cả ngày anh không nói một câu vì chính anh ta thận trọng lắm - có khi cử chỉ sai lầm hay nói lỡ lời một câu là đủ làm anh ta hờn - nhưng khi đã nói thì cứ nói sa sả, nói đầu cua tai nheo, có khi suốt một đêm không để cho ai ngủ nữa.
"Nội y nóng" - người mẫu châu Âu |
Thế đấy, Vũ Trọng Phụng không bao giờ sẵn sàng cả. Đời anh ta là một cuộc “nhỡ tàu thường xuyên”. Có lắm khi, điều đình viết cho một tờ báo đâu vào đấy xong xuôi thì lúc cuối cùng hỏng toét, mà trái lại có lắm khi nói vơi vẩn dăm câu chuyện đùa mà hóa ra lại phải biên tập thật, thành thử cuống cả lên vì thiếu đề tài.
Những phóng sự “Làm đĩ”, “Lục xì” và những tiểu thuyết như “Giông tố”, “Số đỏ” và “Vỡ đê”, có thể bảo Phụng không nghĩ trước. Đông đủ anh em ngồi tán chuyện, anh ta bật ra một ý kiến, thế là viết chứ cũng chả dàn bài, chả bố cục, chả nghĩ trước hết câu truyện ra sao. Hãy cứ biết là viết một kỳ đưa đăng báo đã, rồi sau này sẽ hay. Đến kỳ sau, nhà in giục bài, anh lại giở lại xem kỳ trước đã viết đến đâu, thì lại hý hoáy viết tiếp theo - và cứ thế, tiếp thế mãi, nghĩ dần xem nên cho nhân vật này hành động thế nào, nhân vật kia ra sao và kết cục cách nào cho phải.
Vũ Trọng Phụng viết quen, nên cũng chả khó khăn gì lắm. Những bản thảo của anh rất ít nét dập xóa, mà văn anh thì không cầu kỳ nên dễ được đại chúng ưa. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong sự thành công của anh mà thôi. Phần chính là Vũ Trọng Phụng vốn ở trong một giai cấp bị bạc đãi xuất thân, ít tuổi mà sống nhiều nên những bài văn anh viết đều tiết ra một sự thực hoàn toàn tỏ ra là sống thực, cắn răng lại mà sống, chứ không giả dối và hời hợt như những áng văn khác của thời đó và cả bây giờ và cả sau này.
Những nỗi uất ức của bọn người bạc đãi tích lũy ở trong lòng người chỉ chờ một cơ hội là bộc phát, nay Vũ Trọng Phụng nói hộ tất cả ra thì còn gì mà không làm cho độc giả cảm động đến chỗ thẳm cùng của tim óc, còn gì mà không làm cho độc giả phải say mê? Sở dĩ văn anh đạt được tới chỗ đó, một phần lớn là vì anh tha thiết thật tình với giai cấp bị bóc lột, anh là một tín đồ trung thành của chủ nghĩa xã hội, và anh phụng sự nghệ thuật vì nhân sinh thật. Cái điểm sau cùng này, các bạn không nên coi làm thường, vì phải nhớ lại rằng lúc đó văn chương Việt Nam lãng mạn và phù phiếm đến chừng nào thì mới có thể quan niệm được tất cả cái không khí cách mạng Vũ Trọng Phụng đã đem đến cho làng văn làng báo trong hồi đó.
Cửa Bắc nhìn từ phía trong ra - ảnh Việt Nam xưa |
Những sách, truyện của Vũ Trọng Phụng là những sách truyện thuộc về loại trên. Dù ai muốn nói thế nào cũng mặc. Phụng vẫn có một chỗ ngồi ở trên văn đàn nước ta. Anh mất đi đến nay đã hơn mười năm rồi, nhưng nói đến anh, thiên hạ vẫn còn mến tiếc, nhất là từ khi anh mất, cái chỗ ngồi của anh trong làng văn và làng báo vẫn chưa có ai thay thế được.
Thật vậy, bây giờ mỗi khi cần đến một phóng sự dài, một truyện vui dài, một tiểu thuyết trào phúng mà tìm không thấy người có thẩm quyền, ta lại càng thấy rằng mất Vũ Trọng Phụng, làng văn, làng báo quả đã mất rất nhiều. Một người thiếu đi, mà trong hơn mười năm trời vẫn chưa có người thay thế được, nhất định phải là người có giá.
Nào chỉ có thế mà thôi. Phần nhiều người ta chỉ biết Vũ Trọng Phụng tiểu thuyết gia, và phóng sự gia, chứ không biết rằng đứng về phương diện làm báo, Vũ Trọng Phụng quả đã là người làm báo! Hầu hết các loại văn, vui cũng như buồn, đứng đắn hay châm chọc, sáng tác cũng như dịch thuật, thơ mới và cả thơ cũ, Vũ Trọng Phụng đều viết được mà viết hay.
Không, một người như thế, quả là hiếm thật. Mất anh, bè bạn thương anh, mà tiếc anh lại có phần hơn. Nhân tài cũng như mỹ nữ vẫn là khó kiếm, biết làm sao được?
"Gam lạnh" - người mẫu Việt |
Mỗi khi nói đến những câu chuyện như thế, Phụng nói một cách trang nghiêm, nét mặt lại có vẻ trào lộng, thành thử ra đến tận nay tôi cũng chả biết là anh ta nói thật hay nói đùa. Nhà văn là một sự mâu thuẫn lớn do những mâu thuẫn nhỏ kết tinh, mà những sự mâu thuẫn nhỏ thì từa tựa như những việc tôi vừa nói ở trên kia vậy. Anh nói về những truyện sầu sầu thì lại cười, nói những truyện buồn cười thì lại sầu. Rồi lại, đến những đoạn văn anh tả cảnh trong “Lục xì”, “Làm đĩ”, “Lấy nhau vì tình”, Cạm bẫy người”, ai mà chẳng tưởng anh chàng ấy là một tay chơi, một gã long trời lở đất, khét tiếng Hà thành?
Đau đớn thay cho Phụng! Anh ta còn làm gì ra tiền nữa đâu mà ăn chơi: khi nào mà nợ ân, nợ nghĩa gì ai, Phụng mời người ta đi ăn được mấy cái tỉm xắm báo hay một bát ngầu nhục phở thì đã là một thành tích đãi khách ghê gớm quá. Mãi tận về sau này, trước khi lấy vợ mấy năm, Phụng chung sống với anh em mới biết mùi cao lầu, tửu quán, nhưng tựu chung thì lúc nào lòng anh cũng vẫn trong trắng, óc anh lúc nào cũng vẫn chất phác, tình anh lúc nào cũng vẫn thơ ngây. Sinh vào thời buổi này, mà có người giữ gìn được thiên lương như thế, không phải là không quý, có lẽ cũng vì cái thiên lương được giữ gìn trân trọng đó mà Phụng dù nghèo đói, dù vất vả, cũng không bao giờ oán trời, giận người; giọng văn anh đôi lúc hằn học, nhưng trong đời sống thực tế thì anh lại hiền lành và chịu đựng; anh không kèn cựa, anh không tham muốn, đến tận lúc sắp chết, chỉ phàn nàn có mỗi lúc, câu: “Giá mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu đã đến nông nỗi này!”. Câu ấy, Phụng đã thốt ra một lần lúc Lan Khai mời Phụng dùng một bữa cơm Tây. Đến lúc chết, Phụng lại phàn nàn như thế với anh em lần nữa.
Cay đắng là một kiếp người như Phụng! Suốt một đời không may, rút lại hai mươi bảy năm trời cơm cha áo mẹ, Phụng chỉ còn để lại cho đời có được hơn chục cuốn sách, bây giờ có ai xem đến mà rộng lượng ra thì cũng chỉ phê bình cho một chữ “hay” là cùng!
Từ lúc tản cư về đến nay, riêng tôi cũng chả biết tin tức nhà Phụng ra sao nữa. Có lẽ người bà đã chết, nhưng còn người mẹ và người vợ góa với một đứa cháu thơ, chả biết bây giờ ra sao?
Một dạng xúc xích bò, nhưng lại vừa mập vừa dài của Nam Phi. |
Tôi nhận lời đề một nỗi cảm nhớ Vũ Trọng Phụng lên đây, vì tình riêng đối với anh Mai Lĩnh, nhưng một phần nữa là vì có dịp được thổ lộ một ít tâm sự chất chứa ở trong lòng đã lâu, về một người bạn từ lúc còn tấm bé cùng ở phố với nhau, cùng học với nhau trong trường văn trận bút.
Tôi tin rằng những sách này in ra, Phụng sẽ được hiểu hơn lúc sống, và một phần cũng do thế, tôi mượn cớ này để cảm thông thêm một lần nữa với Vũ Trọng Phụng, một trong “Ba thằng họ Vũ”, như Lê Tràng Kiều đã viết trong báo “Văn học” năm xưa.
Bài này trích từ Lời tựa trong cuốn Lấy nhau vì tình, xuất bản tại Hà Nội, 1952. In lại trong tạp chí Văn học số 94, Sài Gòn, 01-10-1969.
Cái tài, cái tật của Vũ Trong Phụng
Cách đây chừng tám năm, lúc tôi còn làm nhật báo Dân chúng, có một hôm có người bạn đến bảo tôi:
- Bọn nhà văn các anh tệ quá. Ăn ở với nhau cạn tình ráo máng không chỗ nói. Nhất là anh có tiếng là bạn Vũ Trọng Phụng từ hồi còn nhỏ, đến lúc ra đời lại cùng cộng tác trên nhiều tờ báo với nhau, thế mà nỡ để cho đứa con trai độc nhất của Vũ Trọng Phụng sống cầu bơ cầu bất trên mảnh đất Sài Gòn, không có một cái phòng để ở, nhiều ngày không có một bát cơm ăn đỡ lòng.
Ông bạn nói rất hăng say và sỉ vả tôi gia riết.
Thế là nghĩa làm sao? Tôi không hiểu.
Nhưng phảng phất thấy một cái gì “bất thường” đấy, tôi cố trấn tĩnh tinh thần và hỏi cặn kẽ ông bạn hơn để cho biết hết bí ẩn và đầu đuôi câu chuyện mà ông bạn đã đem ra nói.
Đứa con trai của Phụng bây giờ đi “cốc”?
Ông bạn tôi ghiền á phiện. Trong những ngày ra vào tiệm hút ông có gặp một thanh niên chừng hai mươi lăm, hai mươi sáu cũng ghiền, mặt mũi phương phi, lúc hút tạm đủ rồi thường nằm bắt chân chữ ngũ ngâm thơ chửi đời, chửi xã hội. Gạn hỏi thì thanh niên cho biết anh chửi đời, chửi xã hội như thế là do truyền thống của bố anh để lại cho, mà bố anh là ai? Anh ngồi nhỏm dậy, trợn mắt, như muốn nhát người ta:
- Thế mà các cậu không biết sao? Các cậu quê một cục. Cả Sài Gòn này, còn ai lại không biết tôi là con trai Vũ Trọng Phụng - một nhà văn xã hội, tả chân nổi tiếng một thời vì chống bất công xã hội, và không ngại đem tất cả những xấu xa, bỉ ổi của bọn quan lại, giàu xổi, bọn thực dân, bọn đĩ nên bà, bọn chủ điền tàn ác, bọn bịp bợm sống trên xương máu đồng bào ra phơi trần trên sách, báo.
Vậy sao? Tội nghiệp chưa! Chúng tôi nghe thấy nói lúc sống Vũ Trọng Phụng đã bị đời bạc đãi, nay cậu là con trai Phụng mà các anh em của ông cụ trong làng văn làng báo lại “phe lờ” nữa sao? Nhất định không thể được. Chúng tôi, những người đọc văn Vũ Trọng Phụng và từng say sưa với những phóng sự như “Kỹ nghệ lấy tây”, “Làm đĩ”,“Cạm bẫy người”, những kịch như “Không một tiếng vang”, “Lữ cách bạo gia” và những tiểu thuyết như “Giông tố”, “Dứt tình”, “Số đỏ”, chúng tôi phải làm cho ra chuyện để cho các ông tự nhận là “văn nghệ, văn gừng” phải một phen ê chề. Là vì chúng tôi không thể chịu nổi những hạng người gian xảo, đạo đức giả, ngoài mặt thì nói nhân nghĩa, lễ, trí, tín mà bên trong thì đều giả, không đoái hoài đến con một đồng nghiệp đã từng đánh một cái dấu son vào văn học Việt Nam.
Thế là bao nhiêu tức giận, khinh khí của ông bạn trút cả lên đầu kẻ viết bài này, vì lẽ tôi là người thứ nhất ông bạn gặp, sau khi đã đi làm vội một cuộc “nghĩa quyên hỏa tốc” để giúp cho người con trai yêu quý của Vũ Trọng Phụng sống tạm trong những ngày thiếu thốn. Hỏi thêm tình tiết nữa tôi được biết thêm rằng người thanh niên đáng thương đó đã “cốc” đồng bào ở miền Nam này như thế từ mấy năm nay rồi, cho nên anh ta vẫn sống đàng hoàng, tuy chẳng phong lưu nhưng cũng tạm đủ cơm đen, cơm trắng. Thôi thế cũng may. Riêng tôi cũng đỡ hối hận với ông bạn yêu Vũ Trọng Phụng một cách chân thành đến tìm tôi để sỉ vả cá nhân tôi nói riêng và chửi cả lớp văn nhân, ký giả nói chung, nhưng dù sao tôi thấy như thế cũng chưa đủ giải thoát một tâm hồn tội lỗi. Tôi bèn đề nghị!
- Nhờ ông bạn cho biết tôi tỉnh ngộ như kẻ mù được thấy ánh sáng. Đã làm ơn xin làm ơn cho chót, ông bạn giúp tôi, đưa tôi đến tìm con trai Vũ Trọng Phụng để nói đôi ba câu chuyện và giúp đỡ hoặc cách này hay nọ cho “cháu” - có được không.
- Sao lại không? Anh không việc gì phải kiếm. Ngay chiều nay, tại quán nước này tôi sẽ dẫn y đến nói chuyện với anh và ngay từ bây giờ tôi chắc chắn anh sẽ phải khóc vì nghe thấy y kể lể tình cảnh của y và nhắc đến ông Vũ Trọng Phụng trối trăng lại cho y như thế nào trên giường chết.
Không. Tôi không khóc, nhưng thưa thực ngay khi nghe thấy câu chuyện của ông bạn, tôi giận không để đâu cho hết. Tôi giận tất cả… nhưng tôi cố nhịn cho tới khi gặp chàng thanh niên đáng yêu kia đến cùng với ông bạn tôi lại cái quán nước đã hẹn nhau buổi sáng. Tôi tự nhủ phải bình tĩnh đến mức tối đa. Sau khi bắt tay chào hỏi và mời dùng rượu mạnh rồi tôi nói tất cả nỗi hối hận của tôi không được biết sớm vụ này với thanh niên và trước mặt ông bạn, tôi hỏi thanh niên nọ:
- Để chuộc tất cả lỗi của bác, cháu có thể cho bác biết bác phải làm gì cho cháu? Mà bây giờ má cháu đâu? Có còn ai thân thích ở trong này hay không?
Chàng thanh niên nói như đọc một cuốn tiểu thuyết hay. Bố anh - Vũ Trọng Phụng - mất đi rồi, nhà túng quá, sống bữa hôm lo bữa mai khổ cực không chỗ nói. Mẹ anh vào đây cũng mất rồi. Bây giờ anh chỉ có một thân một mình mà thôi. Anh sốt rét ngã nước, không có tiền uống thuốc, phải hút là… vì bệnh nó “vật” anh. Bây giờ anh không muốn gì to lớn quá đâu, chỉ cần một tí tiền, chừng mười vạn để sang một cái nhà, mở một tiệm sách để nối lại nghiệp nhà, vừa trước tác vừa trông vào cửa hàng sách để sinh nhai, sống một cuộc đời đẹp tự do, không cần phải bợ đỡ… thằng nào cả.
Tôi cảm phục câu nói của thanh niên hết sức. Sau một hồi suy nghĩ đắn đo, tôi nói:
- Đó là một ý kiến rất hay. Con trai Vũ Trọng Phụng nghĩ như thế thật là xứng đáng, nhưng, thưa “ông con trai Vũ Trọng Phụng”, tôi xin nói thẳng cho ông biết, trước sự chứng kiến của bạn tôi đây, ông là một thằng khốn nạn, một ngàn lần khốn nạn. Ở vào một cái xã hội bịp bợm để có ăn, không ai thèm cấm ông đi “bíp”, đi “cốc” để có ăn có hút, nhưng ông khốn nạn là vì mặt mũi sáng sủa, mà nghe giọng ông nói thì cũng ra vẻ người có học hành, ông lại phải giở cái hạ kế ra để mà đánh lừa người khác: không bịp cách gì được, ông lại tự nhận là con trai Vũ Trọng Phụng để cầu lấy lòng thương của người quen và xin một chút từ tâm của những bạn cũ của Vũ Trọng Phụng hay những người đã đọc và yêu văn Phụng.
Đến lúc ấy, tôi không thể tự kiềm chế nữa: tôi phải nói hết những điều tức giận tiềm tàng ở trong lòng từ buổi sáng ra. Đáng thương thay Vũ Trọng Phụng, suốt cả một đời phục vụ văn nghệ báo chí mà đến lúc chung cục thì nghèo khổ như con chó, bị bệnh lao mà không có tiền thuốc thang, tóm lại cho rất nhiều mà lấy lại chẳng bao nhiêu, một người như thế mà bị đời bóc lột đến xương tủy như thế, mà đến khi nhắm mắt tắt hơi rồi vẫn chưa yên, vẫn còn bị người ta đem tên tuổi ra lợi dụng làm tiền nữa!
Tôi bảo chàng thanh niên đốn mạt:
- Phải rồi, tôi nghĩ rất kỹ rồi và tôi nhắc lại ông là một thằng khốn nạn. Ông có thể đi ăn mày, đi ăn cắp, tùy ý, vì xã hội này tự do dân chủ hoàn toàn, nhưng tôi yêu cầu ông một điều là từ giờ trở đi, ông không bao giờ được “bôi tro trát trấu” vào anh hồn một người bạn đã quá cố của tôi là Phụng. Ai, tôi không dám nói nhưng Phụng với tôi là bạn học từ lúc lên năm lên sáu, gia đình anh thế nào, vợ con ra sao, tôi biết quá.
Anh phải biết…
Có một tiếng động ở đằng sau. Tôi nhìn lại xem sao thì lúc quay lại, định nói tiếp, chàng thanh niên tự nhận là “con trai Vũ Trọng Phụng” đã biến mất đi đằng nào. Chỉ còn ông bạn tôi ngồi trơ trơ ra đó.
Dương Kỳ Hàm, Giang Y Hàm, Gia Tuyết Nhi những người mẫu nội y Trung Quốc. |
Tôi đã hoàn toàn thành thực với chàng bịp bợm vừa chuồn lẹ. Vũ Trọng Phụng đối với tôi không phải là một người bạn nhưng là một anh em. Chính ông Dương Tự Quán, chủ báo “Văn học” ở Hà Nội đã có một lúc tin như thế và đã đặt câu hỏi trong một bài báo nhan đề “Ba thằng họ Vũ” trong đó có Tam Lang Vũ Đình Chí, Thiên Hư Vũ Trọng Phụng và tôi Tiêu Liêu Vũ Bằng.
Thực ra, ba đứa chúng tôi không phải là anh em ruột thịt mà cũng chẳng phải cùng làng cùng xóm với nhau, nhưng Phụng và tôi cùng học một lớp, cùng ngồi một bàn với nhau thuở nhỏ ở trường Hàng Vôi. Nhà Phụng nghèo. Anh không thông minh vượt mức mà cũng chẳng siêng năng gì lắm. Đậu sơ học Pháp Việt rồi, tôi tiếp tục học thêm, còn Phụng ra sao tôi không rõ. Anh em từ lúc rời nhà trường cũng ít gặp nhau. Mãi đến khi tôi mười lăm mười sáu tuổi, có một hôm, một ông chú họ tôi làm thư ký ở Viễn Đông Ấn Quán (IDEO) đến chơi nói chuyện về công việc làm ăn ở sở, vỗ tay xuống chiếu, bảo:
- À quên, ở ban chú làm việc có một anh tên là Vũ Trọng Phụng coi về công việc nhận in, vào sổ. Anh ta bảo có quen với cháu.
- Vũ Trọng Phụng… Phải, có quen thật a? Anh ta làm ăn có khá không?
- Cũng thường thường. Lương được đâu mười đồng rưỡi… Anh ta còn trẻ mà đứng đắn lắm, đến sở làm không nói chuyện với ai, hễ có tí thời giờ rảnh rỗi nào thì lại hì hục ngồi viết báo… Chú chưa đọc bài nào của anh ta nhưng nghe như viết cũng khá…
Hồi đó, ở Hà Nội, viết báo là làm một cái gì hách lắm, không có bị coi rẻ như bây giờ. Ông chú tôi nói về Phụng với một niềm kính sợ. Ít lâu sau đó, giở tờ Ngọ báo của Bùi Xuân Học ra coi, tôi thấy đăng nơi trang nhất, cột một, một truyện ngắn nhan đề “Chống nạng lên đường”. Truyện ngắn nhưng mà dài, đăng liên tiếp hai ba ngày mới hết. Lúc ấy, tôi cũng bắt đầu viết trên An Nam tạp chí của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu rồi, tôi cũng có tự phụ của tôi, nhưng muốn cho thành thực triệt để tôi phải nói rằng đọc truyện “Chống nạng lên đường” của Phụng, tôi thấy văn anh là trời, mà văn tôi là vực và có một lúc tôi đã tự nhủ “sao lại có người viết truyện ý nhị mà mê ly đến thế”. Tôi bị Vũ Trọng Phụng chinh phục ngay từ bài truyện đầu của anh.
Nhưng chỉ phục thế thôi, chứ tôi cũng không tìm gặp anh làm gì vì ít lâu sau đó thì có tin anh mất việc vì viên giám đốc bắt gặp anh đang viết báo trong giờ làm việc. Thế rồi cuộc đời trôi đi êm đềm: tôi vẫn đi học, và viết bài cho các báo, còn Vũ Trọng Phụng thì cách đó ít lâu, tôi được tin anh bỏ nghề thư ký đi làm báo hẳn và trong các báo đó có tờ Nông công thương của ông Phạm Chân Hưng, thân phụ thi sĩ Phạm Huy Thông và Phạm Huy Thái… Đến báo này, tôi lại phục Vũ Trọng Phụng thêm một tầng nữa vì truyện “Cái răng vàng” và một truyện nữa mà tôi quên mất tên đề, tả mấy cô gái ở hàng Mắm ngồi sau cái mành mành tập đánh đàn tàu “hồ sừ sang sê líu”.
Tuy nhiên anh em vẫn ít có cơ hội gặp nhau. Gặp các bạn học cũ hỏi thăm thì cho biết sơ sơ rằng Phụng khổ lắm, một mình đi làm kiếm ăn nuôi một người bà và một người mẹ góa bụa, trong một căn nhà thấp mà tối như cái hũ.
Tận hưởng thiên nhiên mùa lúa chín ở Sapa. |
- Cái nghề báo là nghề khốn nạn. Chẳng kiếm ăn được ra gì mà nó làm cho mình say mê khốn nạn.
Tôi hỏi thăm cận trạng thì biết chỉ vì anh mê viết báo nên bỏ hãng IDEO: “Thằng chủ nó thấy mình viết, thực tình nó cũng chẳng nói gì, nhưng mình ghét mấy thằng An Nam làm với mình, nịnh chủ, nó cứ nói xa nói gần nên mình tức không làm nữa”.
Không bao giờ nghề báo đãi ngộ Vũ Trọng Phụng một cách xứng đáng. Trong suốt cả một đời làm báo với nhau, cho đến khi Phụng chết, tôi chưa thấy bao giờ Phụng kiếm nổi mỗi tháng một trăm đồng bạc. Nhà ở đã chật hẹp, ăn uống quanh đi quẩn lại chỉ có muối dưa, dăm thì mười họa mới được đĩa thịt, nhưng Phụng không hề phàn nàn với ai bao giờ, ngay chính anh em thân thiết cũng nhiều người không biết.
Tạng anh yếu, khảnh ăn. Nhiều người tưởng anh là một người tiết độ. Thực ra Phụng tiết kiệm từng đồng xu, trong khi anh em khác tiêu hàng chục hàng trăm trong những đêm hành lạc. Tiết kiệm lâu rồi nó quen đi, nhưng hôm nào gặp bạn dư dả đồng tiền thì Phụng cũng biết cách “liều thân hoan thể”: uống rượu từng lít, hút thuốc phiện hàng vài chục điếu nhưng anh không ưa thuốc lá, chỉ hút thuốc lào sòng sọc cả ngày và gặp khi nào rét quá cũng làm một hai miếng trầu bỏm bẻm.
Nhưng tằn tiện không có nghĩa là thờ đồng tiền làm chủ. Anh kỵ nhất là đồng tiền phi nghĩa. Về điểm này, tôi còn nhớ hai kỷ niệm:
1 - Hồi làm báo "Công dân" gồm có Ngô Tất Tố, Phùng Bảo Thạch, Nguyễn Triệu Luật, Vũ Liên, Đặng Đức Tô, Vũ Trọng Phụng… tôi phụ trách chức chủ nhiệm kiêm chủ sự. Trị sự tức là phải làm tiền cho báo. Có một lần, tôi làm tiền một cách bất chính, giấu Phụng, nhưng sau Phụng biết. Đông đủ anh em, Phụng mạt sát tôi tàn tệ. Đa số anh em cho là Phụng dở hơi, quân tử tàu, nhưng riêng tôi vẫn nhận là Phụng phải, bây giờ mỗi khi xoay tiền, tôi vẫn đắn đo suy nghĩ và nhớ lại những lời Phụng mạt sát tôi.
"Uốn lượn" - người mẫu châu Âu |
Lê Cường bèn đề nghị: “Tôi mến phục anh đã lâu. Bây giờ tôi bàn với anh thế này: anh về hẳn đây làm cố vấn cho tôi, mỗi tháng tôi xin đưa anh số lương tương đương với số lương cộng lại mà các báo hiện giờ anh giúp việc trả cho anh”.
Vũ Trọng Phụng xoa tay một cách niềm nở. Ai cũng tưởng anh nhận lời. Anh nói chậm rãi và từ tốn với vợ chồng Lê Cường:
- Ông bà (Vũ Trọng Phụng thường gọi các người quen biết là ông và bà chứ không gọi là anh, chị, trừ mấy bạn thân thiết thì kêu là “mày” hay là “tớ” và “đàng ấy”) - Ông bà có lòng yêu mà dạy thế, tôi xin cảm ơn vạn bội. Nhưng ông bà là người giàu có, làm nghề bán thuốc lậu và tim la, nên có lẽ không quan niệm được rõ ràng nghề viết sách và viết báo ra thế nào. Viết sách viết báo không phải đi làm công. Người có báo nhờ người viết báo để cho họ bán được báo lấy tiền, chứ không phải làm ơn cho ai hết, mà người viết báo giúp đỡ người chủ báo chứ không phải sống nhờ chủ báo. Vậy tôi viết báo giúp ông bà chứ không phải tôi đi làm với ông bà. Mà đã giúp ông bà làm báo thì tôi phải viết. Tôi không muốn giữ một chức cố vấn “tếu” để ông bà thí cho một số tiền hàng tháng, mà chính tôi không phải làm gì. Ấy là nói ông bà có lòng tốt thực. Tôi biết có nhiều người mượn người ta làm cố vấn mà thực ra lại muốn dùng người ta làm quản gia. Cái gì chứ cái nghề làm quản gia, thực quả là tôi chưa được học tới bao giờ hết.
Vũ Trọng Phụng có một lối nói rất “đểu” mà lễ phép, trong khi nét mặt vẫn thản nhiên không cảm động. Trong những ngày túng thiếu nhất, không có một ai biết Vũ Trọng Phụng cần tiền. Mà nếu thí dụ có anh trọc phú nào đưa tiền, anh không bao giờ chịu lấy, nhưng trái lại, anh rất sẵn sàng xin bạn một hào đi xe “vì quần áo diện thế này mà đi bộ trông ê lắm”.
Thực ra, Phụng không bao giờ có một bộ quần áo đẹp: mùa rét có một tím “ray ê” mà mùa nực chỉ có hai bộ trắng, nhưng anh giữ gìn hết sức cẩn thận và hễ mặc anh trịnh trọng như thể bận một thứ đồ gì mắc tiền hết sức mà thiên hạ không ai có. Nói như thế không phải là anh “le”. Vũ Trọng Phụng bình dân như không có ai có thể bình dân bằng, nhưng anh yên trí rằng mình nghèo thì càng phải ăn mặc cho cẩn thận, sạch sẽ “như thế không có đứa nào coi thường được mình”. Anh giữ gìn bề ngoài cũng như tâm đức vì anh cho rằng “việc mình làm, lời mình nói ví như không có ai biết thì có trời biết, đất biết, không nên luộm thuộm”. Có lẽ chính vì nghĩ thế, Vũ Trọng Phụng những khi uống trà hạt và hút thuốc lào say vẫn thường gõ cái xe điếu vào bát điếu mà ngâm một câu thơ rất “vè” mà anh cho là hay, trích ở trong truyện “Tống Trân”.
Thịt mỡ thái vuông con cờ,
Lấy ai chấy rận cho bà bà ôi!
Không bao giờ anh em biết tại sao anh lại thích câu thơ đó. Riêng tôi cho rằng có lẽ hai chữ thịt mỡ anh liên tưởng đến câu nói của ông thánh “Thịt thái không vuông không ăn, chiếu trải không ngay không ngồi”. Nhưng đó chỉ là phỏng đoán.
Vũ Trọng Phụng theo Tây học từ thuở nhỏ, nhưng phục đạo Khổng và theo đạo Phật. Vì đau ốm từ lúc lớn lên, anh có tính hay gắt gỏng, nhiều khi về đến nhà chẳng nói chuyện với ai vì sợ nói ra mà nổi quạu lên thì mang tội bất hiếu với bà và mẹ. Lúc làmCông dân và Nhật tân, Phụng ở gian sau một căn nhà bé nhỏ, thấp lụp xụp và tối tăm ở Hàng Bạc. Tất cả nhà chỉ có ba người: một bà nội góa, một mẹ vợ và anh. Có lẽ cũng vì đạo Khổng, lúc nào anh cũng nghĩ đến chuyện “nối dõi tông đường”, vì thế cho nên ngoài những giờ viết báo và đi chơi láo với nhau, anh thường hay tâm sự với các bạn thân về vấn đề đó và quả quyết thế nào cũng phải lấy vợ để có một đứa con trai nối dõi.
Đau đớn thay cho Phụng! Cái thân đa bệnh, nghề văn nghề báo lại không đủ nuôi người, vậy mà lúc nào cũng phải tính toán cách gì để có một người vợ sớm khuya bầu bạn và giúp đỡ anh nuôi mẹ, nuôi bà. Vì mang ở trên vai nhiều gánh nặng, vì óc lúc nào cũng phải tính toán chuyện gia đình, vì không biết xoay xở ra thế nào để đối phó với cuộc đời “xỏ lá” dồn cả đời anh vào thế kẹt. Vũ Trọng Phụng không còn cách gì khác hơn là viết, chũi mũi chúi tai vào viết. Lúc đó người viết văn viết báo ở Hà Nội sống nhàn nhã, ung dung chứ đâu có vất vả như ở đây bây giờ: mỗi tuần viết một hai bài báo, hay vài tháng viết một cuốn sách cũng tạm đủ tiêu, chứ đâu đến cãi nỗi vùi mặt làm tiền bất kể dở hay phải trái, viết đến nỗi phải chích thuốc cho trong con mắt ra không ngủ, viết đến nỗi phải gục xuống ngất đi vì thổ huyết ra trên giấy… Thời đó Vũ Trọng Phụng có lẽ một trong những nhà văn nhà báo rất khan hiếm phải viết cho ba bốn tờ một lúc: tờ thì viết phóng sự, tờ thì viết “pô tanh” trào phúng, tờ thì viết truyện ngắn, tờ thì viết truyện dài… nếu không viết như thế thì không đủ bề nào để trả tiền nhà cửa điện nước, tiền may mặc, thuốc thang, tiền đóng góp khi có tiếng cười tiếng khóc… và nhất là để… dành để dụm lo cưới vợ, kiếm một vài mụn con, nối dòng họ Vũ, vì Vũ Trọng Phụng là con một, không anh trên, không em dưới.
Thôi dĩ vãng đã không kéo lại,
Còn tương lai liệu phải đền bồi.
Họa may cảm động đến trời,
Lấy thân mà trả nợ đời cho xong.
…
Để tiên tổ ngậm cười chín suối,
Nay gia khương còn nối về sau.
Hay ra lại vang cơ cầu.
Hèn ra sơn thủy tiêu sầu cũng khoan.
Chính Vũ Trọng Phụng bị lâm vào một thế “bí” như thế cho nên mới viết nhiều. Riêng tôi biết chắc chắn rằng nếu Phụng không khổ như thế thì văn học sử ngày nay chưa chắc đã có dịp nói đến những kịch như “Không một tiếng vang”, “Lữ cách bao già”, những phóng sự như “Cạm bẫy người”, “Lục xì”, “Làm Đĩ”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, những truyện tình “Vì không duyên kiếp”, “Dứt tình” hay những truyện xã hội như “Giông tố” và trào phúng như “Số đỏ”, “Trúng số độc đắc”…
Thoạt đầu, Vũ Trọng Phụng ham viết, thích nghề báo cũng như hầu hết những người mắc cái nghiệp văn chương sau này, từ sau khi viết chuyện dài “Vỡ đê” (mà anh em thường nhái lại “Vợ đẻ” vì báoTương lai in truyện đó không bỏ dấu) mang cái thân đã bệnh lại gặp nhiều chuyện chán chường Phụng đôi khi tỏ bày tâm sự với tôi chán ngán cái nghề viết “cao quý”… không tả được. Nhưng chán mà cứ phải viết. Mà đặc biệt nhất là thường thường vào những cái “cữ” chán đời, chán nghề như thế thì anh lại đẻ ra những tác phẩm mà bây giờ thiên hạ nhắc đến nhiều!!!
"Rung động" - người mẫu Ngọc Trinh |
Thực ra, trong một hai chục năm làm báo viết văn với Phụng, sống chung với nhau hàng ngày, ăn cùng mâm nằm cùng chiếu trác táng cùng kỹ viện, tôi chưa thấy Phụng viết một tác phẩm nào thật dụng công . Anh quan niệm tất cả những cái gì viết ra đó là viết tạm để lấy tiền, chứ thâm tâm anh nghĩ thì muốn viết những tác phẩm thật giá trị, phải hoàn toàn thơ thới tâm hồn, phải có tạm đủ tiền nong hàng ngày và phải có tiện nghi trong cuộc sống hàng ngày một chút. Phải rồi: Thắp một ngọn đèn dầu hoa kỳ lên, kê một cái ghế trong một cái phòng chật hẹp muỗi cứ như là trấu, bụng lại hơi đói đói mà phải viết, viết để lấy tiền, sao gọi là viết được? Vì thế Vũ Trọng Phụng ít khi ở nhà, thường đến nhà báo, lên gác, tìm một chỗ ít người - nhất là hàng hiên - trải một cái chiếu, dọn một ấm nước uống, khênh một cái điếu thuốc lào để cạnh và nằm phủ phục xuống viết bài báo viết truyện, viết pô tanh và có lúc viết bút chiến rất hăng – như lúc có một số đồng nghiệp chê anh là nhà văn khiêu dâm, anh bút chiến với linh mục J.B. khích chủ nhiệm báo Vì dân hay Vì Chúa gì đó ở Huế… Vũ Trọng Phụng suy nghĩ trước, trong khi bàn phiếm với anh em, đến khi cầm bút là chỉ việc viết thôi, không nghĩ. Anh tiết kiệm từ trang giấy. Chữ anh nhỏ và sít với nhau, ít xóa ít chữa. Lúc thường, mặt anh đã buồn; lúc viết mặt anh liếng, miệng anh há ra, viết nhanh, nhưng tưởng trông rất vất vả nên anh em thường đùa, gọi “bộ Việt Nam vong quốc sử”.
Cô viết đến đâu rồi nhỉ?
Bộ “Việt Nam vong quốc sử” ấy ít khi cười hay giận trước những lời diễu của anh em. Có khi nào bị “phá” quá, không viết được, anh lại ngồi dậy hút thuốc lào, thở khói rất từ từ, hai mắt lim dim, tán chuyện vẩn vơ một lát về thời cuộc, về bài báo "Cannard enchainé” hay “Le monde”. Bởi vì Vũ Trọng Phụng là một người ham đọc ham hiểu. Có thể nói trong bọn chúng tôi lúc ấy anh là người theo sát nhất tình hình quốc tế mà anh cũng là người tìm hiểu nhiều nhất những danh từ khó hiểu trong báo "Cannard enchainé”; nhưng anh ít viết về chính trị chỉ vì một lẽ rất thông thường “viết về chính trị lúc ấy không ăn tiền”.
Vũ Trọng Phụng chuyên chú về phóng sự và tiểu thuyết là vì độc giả hồi ấy chỉ ưa “xơi” hai món đó mà các nhà báo và nhà xuất bản cũng chỉ “đặt” anh hai món đó. Phụng viết cho Công dân, Tương lai, Hà Nội báo, nhà xuất bản “Mai Lĩnh”, nhà xuất bản “Tân Dân”… viết lung tung, vì thế có khi cầm cây bút viết anh giật nẩy mình không biết kỳ trước mình viết đến đâu rồi và hỏi ầm anh em “Kỳ trước tớ viết đến đâu rồi nhỉ?”. Đó là trường hợp các truyện “Giông tố”, “Số đỏ”, “Vỡ đê”, “Lấy nhau vì tình”. Riêng có truyện “Dứt tình" và truyện “Người tù được tha” bán cho nhà “Tân Dân” thường đòi hỏi những truyện viết hết và trả tiền một lúc. Ngoài ra, các phóng sự điều tra của anh đều viết từng kỳ một, in đến đâu, viết tiếp đến đấy, do đó nhiều khi có những đoạn tiểu thuyết viết rồi không biết tiếp ra sao, anh lại hét ầm anh em lên: “Chết bỏ mẹ, bây giờ phải cho Nghị Hách làm gì nhỉ? Hay là cho nó vào tù mẹ nó đi?” Hoặc: “Bà chánh Đoan kỳ trước mê thằng Xuân Tóc Đỏ, kỳ này các ông khuyên tôi có nên cho Xuân Tóc Đỏ hiếp bà ấy chưa? Ấy, chưa biết chừng con mụ ấy lại thích bị người ta hiếp, nếu nó chưa biết người ta!”.
Điệu vũ của cây. |
Bây giờ, tôi không còn nhớ rõ ràng cho lắm, nhưng mang máng biết rằng Vũ Trọng Phụng viết khốn nạn, viết khổ sở như thế mà vẫn chẳng đủ đâu vào đâu cả, nói chi đến chuyện để dành tiền lấy vợ; sở dĩ về sau này anh có một món tiền lo công chuyện, ấy là nhờ vì anh bí quá phải viết cuốn tiểu thuyết “Người tù được tha” bán cho nhà “Tân Dân” lấy một lúc một món tiền kha khá. Nhờ thế, cái mộng của anh ấp ủ từ bao nhiêu lâu nay thành tựu. Anh lấy được người vợ ở Mộc Quan Nhân, quen biết từ hai ba năm về trước, nhưng:
Tình phụ tử cay chua đến ruột,
Nỗi thất gia đau buốt tận xương.
Phụng lấy được vợ mấy tháng thì bệnh lao của anh bắt đầu phát nặng và cũng như Cao Bá Nhạ khi xưa:
Liễu bồ đôi chút cành trơ.
Cho đến khi qua đời, cái mộng của Phụng chỉ thành một nửa, anh chỉ sinh được có một cô con gái. Tôi nói một, là vì lúc từ Hà Nội di cư vào Nam, qua ở Hải Phòng tám tháng, được tin chị Vũ Trọng Phụng “xuống thăm dò đường đất” tôi có đến thăm chị thì chị có chỉ cho tôi cháu gái ấy và chép miệng cho biết là lúc Phụng tạ thế, anh chỉ có một con và anh oán ức một điều từng ám ảnh là không có con trai nối dõi.
Vì biết rõ như thế, và cũng vì lúc Phụng hấp hối tôi có đến nhà thăm, thấy quanh đi quẩn lại không có ai ngoài người vợ hiền và đứa con gái còn nhỏ tuổi mà đã phải đi theo mẹ để tập buôn tập bán, cho nên nghe thấy nói có một thanh niên nghiện hút vỗ ngực nhận mình là con trai Vũ Trọng Phụng, tôi biết ngay là một tên đi bíp và bịp một cách ô nhục là nhận mình là con trai Vũ Trọng Phụng để vận động lòng thương của các bè bạn cũ của Vũ Trọng Phụng và của những người yêu Phụng vì đọc văn của Phụng.
Ở những vùng giáp biển, vào buổi sáng người ta vẫn thấy có những côn trùng tựa như con muỗi, đuôi dài, bay lập lờ trên mặt nước: đó là những con vờ (còn có tên là phù du).
“Sống cuộc đời phù du” tức là sống cái kiếp của những con vờ đó, bởi vì loại côn trùng này sinh ra không hưởng thụ gì cả lại chết liền, chết ngay, có khi cả một kiếp sống chỉ thu vào từ buổi sáng đến xế chiều là hết.
Hôm nay, viết thêm một bài tưởng nhớ Phụng, tôi nghĩ đến con vờ và tôi lại nhớ rằng chính anh, khi mở đầu cuốn truyện “Người tù được tha”, anh có tả nhiều về con dã tràng. Con dã tràng, ở bãi biển, suốt ngày chỉ xe cát nhưng mỗi khi có sóng đánh vào bãi thì lại cuốn những viên cát đi ra khơi thành ra bao nhiêu công trình viên cát hóa ra công cốc.
Vũ Trọng Phụng vừa là một thứ dã tràng mà lại vừa là một thứ phù du: cả một cuộc đời khổ ải, đắng cay viết tối tăm mặt mũi, viết đến nỗi lao tâm lao tứ mà vẫn phải chết trong nghèo nàn túng thiếu, thiết nghĩ bị “đời bóc lột” đến thế là cùng rồi, có “lấy” được gì đâu; ấy thế mà đến lúc chết vẫn còn bị người ta nhục mạ, lừa bịp mang tên tuổi ra để làm tiền! Thật là chua xót.
Sinh thời Phụng, anh là một người cay đời, nhìn sự vật một cách xót xa, thấy cái gì trái mắt chướng tai cũng muốn thóa mạ cho bằng thích, nhưng đồng thời anh lại dễ quên, giàu tha thứ và thương yêu - mà không nói ra - tất cả những người chung quanh.
Tôi biết rằng nếu Phụng còn sống mà gặp một người chửi mình, mạo nhận tên mình để làm chuyện xấu xa thì sau khi nổi sùng lên một lát anh cũng lại tha thứ nữa, nhưng riêng tôi, tưởng nhớ đến cuộc đời chung thân bất mãn, chung thân bất hạnh của Phụng, mà đến lúc chết vẫn không được yên, tôi biết đã làm một việc ác khi thóa mạ “người con trai” Phụng. Giữ cho lòng mình tĩnh làm sao được? Chắc ở dưới suối vàng Vũ Trọng Phụng cũng thể tình và các bạn đọc cao minh cũng lượng xét mà tha thứ cho một kẻ thất phu đã phải thốt ra những lời quá nặng nề với kẻ đã tàn ác với một người bạn sống đã khổ sở, chết chẳng được yên thân.
Nhà văn Vũ Bằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét