Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Triết lý sống

Dịu dàng người con gái Việt.
Cuộc đời sướng hay khổ, ý nghĩa hay không ý nghĩa, chủ yếu tùy thuộc vào tư tưởng của ta, tùy thuộc vào việc ta có chấp nhận cuộc đời như nó là hay không. (ảnh không liên quan đến bài viết)
Cuộc đời là một thực tại sống động, muôn mặt, nó thay đổi một cách hết sức linh động nơi mỗi người. Hoàn cảnh sống, tính tình, cấu tạo tâm lý, thể lý của mỗi người rất khác biệt nhau, nên không có cuộc đời nào giống cuộc đời nào cả. Vì thế, mỗi người nhìn cuộc đời một cách khác nhau, có lập trường sống khác nhau.
"Những con thuyền sông Đáy" - tranh của họa sĩ Đào Hải Phong
Nếu triết lý là chính cuộc sống, là những suy tư về cuộc sống, để sống cho khôn ngoan, sáng suốt và hạnh phúc, thì hẳn nhiên triết lý rất đa dạng và không bao giờ chấm hết được, vì không bao giờ người ta khám phá được chân lý toàn diện về cuộc đời cả. Vì thế, có thể định nghĩa cách khác về triết lý: triết lý là một nỗ lực không ngừng của con người đi tìm chân lý của cuộc đời. Nhưng chân lý luôn luôn vượt thoát khỏi ý muốn chiếm đoạt của con người. Khi con người cảm thấy mình nắm chắc được nó trong tay, thì đó chính là lúc con người thấy nó vuột ra khỏi tầm tay của mình. Vì cuộc sống là một cái gì hết sức sống động, luôn luôn thay đổi, nên không thể định thức nó trong một cách diễn tả hay quan niệm nào được. Nghĩa là không bao giờ cầm nắm nó được.
Cuộc đời của ta hay của bất cứ ai không phải là một ý niệm, một thực tại khách quan ở ngoài mình, nhưng cuộc đời luôn luôn ở trong ta và chính là ta. Và ta chỉ có thể là ta trong hiện tại. Cái ta của quá khứ hoàn toàn vuột khỏi tầm nắm bắt của ta, ta không còn làm chủ nó, không sửa đổi được nó, nó không còn là ta nữa. Còn cái ta của tương lai, ta cũng không làm chủ được, ta không thể biết cái ta tương lai sẽ ra sao, ta hoàn toàn mù tịt, nó chưa phải là ta. Ta chỉ làm chủ được ta trong giây phút hiện tại, ta muốn cái ta hiện tại thế nào thì tùy ý ta, ta muốn nó tốt thì nó sẽ tốt, ta chấp nhận cho nó xấu thì nó sẽ xấu.
"Hoa ngày" - thiếu nữ Nhật Bản
Chỉ có cái ta trong hiện tại mới chính là ta, ta muốn ta thế nào thì ta sẽ thế nấy, miễn là ta ý thức được điều ấy. Vậy, ta hãy làm chủ nó, tận hưởng nó. Chỉ có sống giây phút hiện tại thật tràn đầy mới giúp ta hạnh phúc và giải thoát ta khỏi những ràng buộc của quá khứ và tương lai. Nhưng giây phút hiện tại không phải là cái gì có thể cầm nắm hay giữ lại được. Ta vừa mới ý thức về nó thì nó đã trở thành quá khứ, nhường chỗ cho một giây phút khác trở thành hiện tại. Hiện tại quả là một mầu nhiệm. Bí quyết sống hạnh phúc, chìa khóa của giải thoát chính là sống hiện tại cho thật tràn đầy, cho thật ý nghĩa.
Cuộc đời là một mầu nhiệm. Càng chấp nhận nó thì nó càng trở nên dễ chấp nhận, thậm chí nó có thể trở nên rất đẹp, rất vui. Càng không chấp nhận nó thì nó càng trở nên khó chấp nhận, thậm chí nó có thể trở nên rất buồn, rất khổ. Cuộc đời sướng hay khổ, ý nghĩa hay không ý nghĩa, chủ yếu tùy thuộc vào tư tưởng của ta, tùy thuộc vào việc ta có chấp nhận cuộc đời như nó là hay không. Nghĩa là cuộc đời xảy ra như thế nào, sướng khổ ra sao, thì hãy chấp nhận nó y như vậy. Đó là cách tốt nhất để được hạnh phúc.
Cắt tóc bên sông Sài Gòn năm 1880 - ảnh Việt Nam xưa
Hạnh phúc là một cái gì đó mang tính chủ quan hơn khách quan, nó tùy thuộc vào tâm trạng của ta hơn vào hoàn cảnh bên ngoài. Thật vậy, hai người cùng sống trong một hoàn cảnh y như nhau, nhưng một người cảm thấy hạnh phúc, một người cảm thấy đau khổ. Người cảm thấy hạnh phúc là do người ấy bằng lòng với cảnh mình đang sống, cho rằng cảnh mình đang sống là hạnh phúc. Kẻ cảm thấy đau khổ là do người ấy không bằng lòng với cảnh mình đang sống, cho rằng cảnh mình đang sống là đau khổ. Điều ấy khác gì hai tù nhân kia cùng nhìn qua song cửa sổ, một người nhìn thấy trăng sao đẹp tuyệt vời trên bầu trời bao la, còn người kia chỉ nhìn thấy trước mắt một vũng bùn dơ bẩn hôi hám. Thấy trăng sao hay thấy vũng bùn đâu tùy thuộc vào ngoại cảnh, mà tùy thuộc vào người nhìn : có nhìn lên trời thì mới thấy trăng sao, còn nhìn xuống đất làm sao khỏi thấy vũng bùn?
Cùng nhìn một vấn đề, nhưng người thì lạc quan, kẻ thì bi quan. Cũng như cùng nhìn một ly nước, người nói : «Ly này đã đầy được một nửa», kẻ nói : «Ly này đã cạn mất một nửa». Cả hai đều đúng, nhưng hai câu nói phát sinh hai thái độ khác nhau và đi tới hai kết quả khác nhau, một kết quả tốt và một kết quả xấu.
"Đường cong" - Hotgirl Trung Quốc Từ Tây Nhi
Cũng như một thầy bói bị chém đầu vì nói với nhà vua : «Vào cuối đời, bệ hạ phải sống trong cô đơn, vì bệ hạ không còn một người thân nào nữa, tất cả những người thân của bệ hạ đều chết trước bệ hạ thậm chí hàng mấy chục năm». Còn một thầy bói khác cũng nói một nội dung y như vậy thì lại được trọng thưởng : «Bệ hạ thật là tốt phước nên được sống lâu hơn tất cả mọi người thân của mình, thậm chí lâu hơn họ mấy chục năm». Ý tưởng y như nhau, nhưng một câu nói nghe xong thì buồn, một câu nghe xong thì vui.
Cách nhìn của ta về cuộc đời định đoạt số phận của ta. Một cái nhìn ảm đạm về cuộc đời tất nhiên phải làm cho cuộc đời thêm buồn thảm. Nhưng cái nhìn phấn khởi về cuộc đời ắt phải làm cho cuộc đời thêm vui tươi. Ca dao ta có câu : «Người vui thì cảnh cũng vui, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?»
Con người tạo ra tư tưởng, cách nhìn, nhưng chính tư tưởng hay cách nhìn ấy lại có thể ảnh hưởng lại con người, có thể làm con người hạnh phúc hay đau khổ. Rất nhiều người tưởng tượng ra một con ma, rồi lại sợ chính con ma do mình tưởng tượng ra. Uy lực của con ma không có thật ấy vô cùng to lớn, nó có thể làm tê liệt thần kinh người tưởng tượng ra nó, làm cho người ấy sợ run bắn người lên, thậm chí có thể đứng tim mà chết.
Thịt xiên satay - món ngon của Singapore.
Nếu người ta có thể tưởng tượng ra một điều gây sợ hãi cho họ, thì trái lại, người ta cũng có thể tưởng tượng ra một điều giúp họ vững tin, phấn khởi, hăng hái. Con người có thể hưởng lợi từ tư tưởng mình, mà cũng có thể là nạn nhân của tư tưởng mình. Vì thế, người khôn ngoan chỉ nghĩ và nuôi những tư tưởng tốt lành, vui tươi, lạc quan. Còn người khờ dại thích nghĩ và nuôi trong lòng những tư tưởng xấu, buồn thảm, bi quan.
Suy tư về cuộc đời, tạo cho mình một quan niệm về cuộc đời, chính là làm triết lý. Do đó, triết lý quan trọng biết bao đối với cuộc sống! Cuộc đời ta hạnh phúc hay đau khổ, đầy ý nghĩa hay vô nghĩa, đầy hữu lý hay toàn là phi lý… tùy thuộc rất nhiều vào triết lý sống của ta.
Như vậy, bạn có triết lý của bạn chứ? Triết lý của bạn ra sao? Nó ảnh hưởng đến đời bạn thế nào? Nếu bạn đang hạnh phúc, cảm thấy cuộc đời thật đáng sống, chắc chắn là do triết lý của bạn rất thực tế và đầy lạc quan. Còn nếu bạn đang đau khổ, cảm thấy cuộc đời đầy cay đắng và vô vị, bạn hãy thay đổi triết lý của bạn đi. Vì triết lý của bạn không thực tế và đầy bi quan. Chúc bạn thành công!
Nguyễn Chính Kết
"Cầu vồng vàng" - người mẫu châu Âu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét