Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Cơm thầy cơm cô (P I)

"Tươi mới" - Hot girl Hoàng Thùy Linh
...Vậy thì một bữa, khi nàng dâu để phần chồng một đĩa chả rươi, chẳng may ông bố chồng ăn cơm trước đã đụng đũa vào. 
Đi làm về, ông con trai mở lồng bàn thấy món mỹ vị đã bị thất tiết, bèn quát rầm lên: 
- Đứa nào ăn của ông đây? Ông đi làm khó nhọc mà ông chưa ăn, đứa nào dám ăn trước ông, mau mau khai ra! 
Ông bố chạy lại dịu giọng đáp: 
- Thưa cậu, tôi đấy ạ. Tôi tưởng chị ấy có rươi mới thì làm cho tôi nên tôi nhầm, chót nhỡ ăn phải mấy miếng...(ảnh không liên quan đến bài viết)
Đêm ấy, tại hàng cơm
Tôi không cần nói rõ hàng cơm nào, ở phố nào làm gì. Các ngài chỉ cần biết rằng một hàng cơm như nghìn vạn hàng cơm khác, nghĩa là khi ta mới bước chân vào thì bổn phận ta là lập tức thấy buồn nôn buồn ọe. Nó là mùi cá mè, mùi thịt trâu, thịt lợn thiu, mùi lòng lợn, lòng bò, mùi me chua, mùi dưa khú... Thôi thì đủ một trăm nghìn thứ mùi khó chịu mà lạ nhất là nó không hề bận đến hai lỗ mũi của bà chủ luôn luôn nắm trong tay cái quạt nan, cởi trần trùng trục và thỉnh thoảng lại cao hứng vén quần lên đến bẹn mà gãi sồn sột, tự nhiên như đàn ông. 
Lúc ấy đã khuya lắm rồi. 
Một mụ già làm nghề đưa người đưa tôi đến chỗ này mà bảo bà chủ:" Bà cho anh ấy ngủ đây vài tối, bao giờ anh ấy có việc làm, tôi xin đưa tiền trọ", thì bà chủ chẳng buồn nhìn tôi nữa, đập một con muỗi ở cổ đến bốp một cái, gãi vung lên một hồi nữa rồi mới chọc chọc cái giá quạt về phía sau lưng, ra ý bảo tôi cứ việc vào trong kia mà nằm. Trước khi ra đi, mụ già lại dặn tôi: 
- Ngày mai nhớ ra ngã ba cho sớm đấy! 
- Vâng ạ! 
Tôi đáp xong, rón rén lần vào phía trong. Thật vậy chân tôi chưa bao giờ phải dẫm lên một lớp bùn quánh và nhớp nháp đến như thế. Đến chỗ mấy cái giường cách nhau mỗi giường một manh cót thì tôi không biết nên đặt lưng vào giường nào, vì giường nào cũng đã thấy đầy những người là người, nằm ngổn nằm ngang...Tôi đương bỡ ngỡ thì thấy bà chủ hàng cơm quát: 
- Thằng Hai đâu! Bảo nó lên sân gác, chỗ những đứa ở ấy mà nằm! 
Rồi thì một anh chàng chạy ra dắt tôi qua một cái sân, đến một cái thang tre mà bảo: 
- Lên đây. 
Tôi theo lời, leo thang. Lên đến nơi thì đó là một gian gác cũng khá rộng. Trên mặt sàn chỉ có mấy cái chiếu, mà tường thì vàng ệch những khói ám, từ cái bếp gần ngay đó đưa ra. 
Bọn cơm thầy cơm cô nằm ngổn ngang như lợn cả, bọn đực nằm phía bên kia, bọn cái nằm phía bên này. Bốn thằng nhỏ bằng trạc tuổi tôi với ba con sen, một con độ lên mười, một con 15, còn một con nữa trông đã đứng tuổi. Trong khi hai đứa trẻ tuổi nằm hớ hênh vô ý thì con đứng tuổi khép nép vào một xó tường, khẽ nâng cái quạt nhìn tôi. 
Tôi bèn lần đến phía tụi con trai, ngồi xuống một góc chiếu. Tôi nom trước nom sau không thấy người của hàng cơm mới mạn phép khêu to ngọn đèn hoa kỳ. Rồi tôi lấy cái ống diêm ra dắt thuốc lào vào cái lỗ thủng, để lên miệng... 
Chợt có đứa nói: 
- Tội gì mà hút thế cho nóng! Với lấy cái điếu cầy ở kia kìa. 
Tôi quay cổ lại nhìn thì thằng vừa nói đã ngồi nhỏm lên chạy ra tìm điếu. Sau điếu thuốc lào tôi cho nó hút che tàn thì chúng tôi đã là quen thuộc nhau hẳn hoi. Nó hỏi tôi: 
- Trông đằng ấy có vẻ thạo lắm. Chắc đã ở tỉnh lâu rồi. 
Tôi ngửa cổ ra sau lưng lấy oai mà nạt rằng: 
- A, cái đó thì đã hẳn! 
Chỉ một câu nói đó khiến nó đủ sợ tôi. Vì rằng từ đó trở đi nó luôn luôn gọi tôi là anh để cho tôi cứ tự nhiên gọi nó là mày. 
- Còn mày thì bỡ ngỡ lắm. Mày mới ở nhà quê ra có phải không? 
- Vâng! 
- Mày đã đi làm lần nào chưa? 
- Đã ngót một tháng ở một nhà phố B...rồi không ở được phải xin ra. 
- Làm sao? 
- Nó chửi suốt ngày. 
- Mày thì chưa đủ tư cách nếm cơm đâu! Đừng đứng núi này trông núi nọ mà ông cho có phen chết rã họng! 
Mãi đến lúc ấy vẫn còn thấy tiếng người làm chạy ra chạy vào rộn rịp cả hàng cơm. Bên ngoài người ta đã kỳ cạch lên cửa, vậy mà bên trong hình như lúc ấy người ta mới bắt đầu xào xáo... Tiếng bát đũa chạm nhau lạch cạch, tiếng nước giội xuống sân ào ào, tiếng mỡ nhảy trong xanh ran cả tai. Có lẽ những gia nhân của hàng cơm không biết phân biệt đêm ngày. Một thằng hát vang lên cho cả bọn nói bông nói đùa nhau khỏi buồn ngủ. 
Tôi lại bảo cái thằng ấy: 
- Cứ việc bịt tai lại, chủ nó chửi thì chủ nó nghe, biết không? Cốt sao giữ lấy việc làm khỏi chết đói là phúc! 
Nó chớp mắt sợ hãi rồi sẽ cãi: 
- Bốn hào một tháng mà cấm bữa nào được ăn no, anh bảo một tháng như thế thì "nước mẹ" gì? 
Nhưng mà tôi, tôi cần gì lời cãi của nó. Tôi hãy nói khoác cho nó sợ tôi đã. 
- Bao giờ như anh mày đây này, lúc đó hãy đứng núi này trông núi kia biết chưa? 
Nó họa theo: 
- Phải, như anh thì tất nhiên đã thạo lắm. 
- Chứ lại còn bàn, ra máy chỉ hét một cái là lấy được hai thùng nước. Mà món ăn nào nấu cũng thạo, cả món ăn ta món ăn tây... 
- Thế sao anh cũng mất việc? 
Tôi trừng mắt lườm nó mà rằng: 
- Mất việc à? Hai đồng rưỡi lương tháng rồi, ông đòi thêm năm hào nữa mà không thêm thì ông bỏ đấy! 
Nó lè lưỡi tỏ ý kính phục tôi lắm. Mà ngần ấy điều chỉ cốt để con bé nằm nhìn trộm tôi phải cho tôi là một kiện tướng trong bọn cơm thầy cơm cô. Tôi đã có cơ thành công trong cuộc "giương vây", vì từ lúc này trở đi, con bé cứ mải nhìn tôi, ngắm nghía tôi, "đánh giá" tôi chứ không ngủ. 
Nói khoác mãi cũng thất sách, tôi bèn hỏi: 
- Thế đằng ấy thích làm cho những nhà thế nào? 
Nó đáp: 
- Khốn nạn, nào tôi có tài giỏi gì mà còn dám nếm cơm ai! Tôi chỉ cầu vào một cửa đãi mình cho vừa phải, đừng bắt mình làm quá sức, đừng đánh mình, chửi mình. Mà cái nhà tôi vừa bỏ thì, khốn nạn, nó năm cha ba mẹ quá, ai cũng đánh chửi được mình! Người này sai chưa làm xong việc này, người khác đã lại ới. Thành ra mình là cái thân ba vạ. 
Nó kêu chưa bao giờ nó thấy một nhà nào lại tồi tệ như thế cả. Thật vậy, đến nó là kẻ phải mang thân đi ở mà nghĩ đến nhà chủ là thấy phải khinh. Nó chỉ là con nhà bố cu mẹ đĩ thôi cũng không đến nỗi khốn nạn bao giờ. Thật vậy, nếu những lời nó nói là thật 
Sau khi nghe chuyện, tôi phải xếp đặt lại một cảnh gia đình không ai tưởng tượng là có được, ở giữa đất văn vật ngàn năm... 
Nhà có sáu người, ông bố với bà mẹ già, người con giai cả đi làm tùy phái cho một công sở, cộng thêm hai cô con gái... 
Sáu người cùng chung máu mủ hoặc là vợ chồng mà mỗi bữa mỗi người đều vào bếp thổi một niêu cơm. Lúc ăn người ta tuy ngồi cùng với nhau, song ai cũng có thức ăn riêng của người ấy. Đại khái ông bố đã có đĩa chả, bà mẹ đĩa đậu rán, con trai với con dâu: một đĩa xào, các con gái: bát dưa, bát canh... Người ta tuy cùng ngồi ăn một mâm chung, nếu ai bị sự cám dỗ mà đưa đũa xâm phạm đến món ăn của người khác thì tức khắc sẽ có cái lườm đến nổ trời. 
Ấy là cái cảnh của nhà ấy bằng vài nét vẽ phác. 
Vậy thì một bữa, khi nàng dâu để phần chồng một đĩa chả rươi, chẳng may ông bố chồng ăn cơm trước đã đụng đũa vào. 
Đi làm về, ông con trai mở lồng bàn thấy món mỹ vị đã bị thất tiết, bèn quát rầm lên: 
- Đứa nào ăn của ông đây? Ông đi làm khó nhọc mà ông chưa ăn, đứa nào dám ăn trước ông, mau mau khai ra! 
Ông bố chạy lại dịu giọng đáp: 
- Thưa cậu, tôi đấy ạ. Tôi tưởng chị ấy có rươi mới thì làm cho tôi nên tôi nhầm, chót nhỡ ăn phải mấy miếng... 
Thế thì các ngài có đoán được là ông con trai nói lại như thế nào không? Muốn để các ngài đoán dễ hơn, tôi xin thưa, thằng nhỏ kia đã nói với tôi: ông bố thuê gác trong, ông con thuê gác ngoài. 
Thôi, các ngài đoán chẳng ra đâu, vì Victor Hugo cũng chưa hề tưởng tượng được ra một kẻ khốn nạn đến như thế. 
Ông con đã nói cho ông bố nghe một câu thâm thúy như thế này: 
- Nhầm,... thằng thuê gác trong, thằng thuê gác ngoài, mà vợ người ta để phần cơm người ta, mà lại nhầm! Nhầm kể cũng lạ! 
Rồi thằng nhỏ khí khái kết luận rằng: 
- Tớ nghĩ đi ở mà được chủ hay cũng đẹp mặt, còn đi ở phải những chủ như thế nhục lắm! 
Tôi gật gù đồng ý với nó rồi lại mất thêm cho nó một điếu thuốc, một que diêm, nhưng lãi ở chỗ được cái cười giòn của con bé nằm ở góc tường. Cái cười kia xui tôi có gan cầm đèn soi vào tận mặt nó.
"Tiền ơi về đâu" - tranh của họa sĩ Phạm Huy Thông
Muốn bán mười sáu người
Nếu có những chữ này kẻ thật đẹp vào một cái bảng để trước chỗ chúng tôi ngồi có lẽ những người đi đường mới thèm để ý và chúng tôi mới thoát khỏi nạn ngồi giơ mặt cho ruồi bâu. Theo lời mụ làm nghề đưa người ở, tôi đã ra góc phố Amiral Courbet từ 7 giờ. Thoạt đầu chỉ có bọn bẩy đứa chúng tôi ở hàng cơm ra. Về sau, cứ mỗi lúc lại thấy một vài đứa nữa, không biết từ đâu mà chui ra, dễ ở trên cao rơi xuống cũng chưa biết chừng, cũng đến họp ở ngã tư này, như ruồi thấy mùi mật vậy. Vì chưng tôi không cần có việc nên tôi thản nhiên được mà nhìn bọn người đến tranh cơm cướp áo nhau trong bọn họ. Còn cái thằng quít đã thức suốt đêm với tôi hôm qua ở hàng cơm thì mỗi lúc thấy một ai, bất cứ đực hay cái, đến giữ chỗ, là lại càu nhàu: 
- Giời ơi! Lại cứ thêm thêm mãi thì bao giờ cho tôi mới có việc đây! 
Thật vậy, bất cứ ở bực thang nào trong xã hội, một kẻ đồng nghiệp cũng là một kẻ đáng ghét. Mụ vú già cũng cấm cảu chửi một câu bâng quơ: 
- Tiên nhân nhà nó ra! Cứ ùn mãi người lên thế này! 
Cả đám người ấy ngồi tản mạn thành từng tốp nho nhỏ. Trẻ với trẻ, già với già, đàn bà với đàn bà, con trai với con trai. Mà mụ đưa người thì không ngồi, chỉ đi đi lại lại, nhìn người này, nhìn người nọ như một viên võ quan lúc điểm binh và mấp máy cái mồm, không hiểu là đếm hay là đánh giá những kẻ chịu lụy mụ. Người ta nói chuyện rì rầm huyên thuyên lên, cái đó đã cố nhiên. Người ta lại chửi nhau cho vui, và bắt chấy cho nhau cắn đỡ đói. 
Tôi thấy mụ trùm ế hàng mà tôi lo cho bọn khốn nạn kia. Còn chính mụ, mụ lại ra ý sung sướng, tôi chưa hiểu vì lẽ gì. Rồi tôi nghĩ đến bọn thất nghiệp ở Cảng, hẹn nhau một chỗ nhất định, họp đông hơn đám biểu tình. Đằng này, Hà thành không có sự tổ chức, đám dân hạ lưu chia nhau ra khắp các phố, thành thử những người lịch sự tưởng Hà thành lịch sự, mà các nhà xã hội học - cũng tưởng là Hà thành không có chuyện gì bi thương... 
Chính ra, nó rất là thương tâm... 
Nó đã cất tiếng gọi dân quê bỏ những nơi đồng khô cỏ héo để đến đây chết đói một lần thứ hai sau khi bỏ cửa bỏ nhà. Nó đã làm cho giá con người phải ngang hàng với giá loài vật; nó đã làm cho một bọn trẻ đực vào nhà Hỏa lò và một bọn trẻ cái làm nghề mãi dâm! 
Muốn bán mười sáu người! 
Cả buổi sáng hôm nay không có một khách hàng nào muốn mua. 
Vậy 16 kẻ kia đáng giá như thế nào? Đó là tại bán đắt nên ế hàng hay là bán rẻ mà cũng vẫn ế?
"Tạo dáng" - Hot girl Thanh Vân Burin
Cái giá trị làm người
...Nghĩa là có khi không bằng giá súc vật. Thật vậy, tôi thấy vài con chó còn được chủ mua thịt bò cho ăn. Có khi con chó mỗi tháng khiến chủ tốn kém hơn một đứa tôi tớ trong nhà. 
Mười sáu người đủ hàng lớn bé, trẻ già này, mỗi người chỉ cầu như một con chó, nhiều khi kém một con chó, mà lại còn đem chân tay ra làm nhiều việc có ích, rất nặng nhọc, mà vẫn không kiếm được việc. 
Tôi chỉ bọn trẻ, trai và gái chưa qua 12 tuổi và hỏi mụ già : 
- Cái bọn này thì bà định kiếm cho chúng mỗi tháng độ bao nhiêu công? 
Mụ già khinh khỉnh nhìn tôi từ đầu đến chân rồi quay đi chỗ khác. Mãi mới đáp: 
- Thời buổi này, bọn nhãi nhép ấy cứ được người ta mượn cơm không thôi là đã phúc! 
- Thế thì tiền quà của bà chắc chả mấy... 
- Cái đó đã hẳn! Nhưng mà được năm xu một hào thì cũng đủ. Rẻ còn hơn ngồi không... 
Tôi chỉ cái bọn thằng nhỏ bằng loạt tuổi tôi mà hỏi: 
- Thế bọn này? 
- Đứa năm hào, đứa ba hào... 
- Thế mấy bà lão định ở vú già, đang ngồi ăn ngô gốc cây kia kìa ? 
- Cũng quanh quẩn đâu vào cái giá ấy. 
Tôi chỉ vào một người đàn bà đi ở vú mà hỏi: 
- Thế cô vú em kia? 
Mụ ấy đổi giọng đáp : 
- A, cái con mẹ ấy thì phải tìm cho nó chỗ ít nhất cũng hai đồng bạc công mới được ! Mà tiền quà thì ít nhất cũng phải đòi một đồng! Nó sạch sẽ lắm! Sữa tốt hạng nhất đấy. 
Lúc này, mụ ngó ra phía xa rồi về hè ngồi. Một lát sau thấy một bà già đã đứng tuổi , áo the trắng, hoa tai to đến vẫy mụ: 
- Này u! Con vú tháng trước xin phép ra rồi! 
Mụ già đưa người như bị cái lò xo nào đẩy lên kêu: 
- Chết chửa! Làm sao thế ạ? 
- Chồng nó chết, nó xin về 15 hôm. Tôi phải cho nó thôi hẳn. 
- May quá, con tưởng hay lại có điều tiếng gì. 
Thế là, trước cái tin buồn một người chết, mụ đã thở dài một cái, ra ý được nhẹ mình nên sung sướng lắm. Bà kia hỏi tiếp : 
- Mợ ký nó nhà tôi còn mệt lắm, u có người nào ngay bây giờ không? 
Mụ già làm ra vẻ nghĩ ngợi mãi mới đáp: 
- Thưa cụ, đây, có u này đây...Nhưng mà con đã chót hẹn với cụ Lý con ở dưới kia. Không biết có nên để cho nó về ngay với cụ không hay là để nó chờ... 
Bà kia hớ hênh đáp ngay : 
- Thôi, xem có mướn được thì để ngay nó cho tôi. Mợ ký nó nhà tôi mệt chưa khỏi. 
- Bẩm, con nể cụ quá. 
- Ôi chà! Bây giờ khối người ra, chả khó như ngày xưa. Rồi u tìm cho cụ Lý nhà u một người khác cũng được. 
- Đứng lên , ra đây mau lên chứ ngồi ngẩn mặt ra thế à? 
Bà kia nhìn người vú từ đầu đến chân, đoạn gật gù cái đầu mà rằng : 
- Ừ, trông cũng sạch sẽ đấy. Cho xem sữa nào! 
Mụ già vội nói ngay: 
- Bẩm cụ, ấy ở nhà quê, chị ta là vợ một ông phó lý kia đấy. Xưa nay chẳng phải chân lấm tay bùn bao giờ! 
Vú em vạch yếm để hở cái ngực trắng nõn, vắt sữa vào lòng một bên bàn tay. Bà kia xem qua loa, kêu: 
- Tạm được. 
Tức thì mụ già giẫy nẩy người lên mà rằng : 
- Cha mẹ ơi! Sữa như thế mà mẹ lại còn bảo là " tạm được". Tốt vào hạng nhất rồi đấy mẹ ạ. 
Bà kia bĩu môi: 
- Phải, hạng nhất đấy! 
- Chứ gì, chị ấy mới đẻ con so, xưa nay lại không phải chân lấm tay bùn bao giờ, lại là vợ ông Phó Lý, chả phải khổ sở như người khác thì làm gì sữa chả tốt. 
- Thế là bao nhiêu ? 
Người vú em chưa kịp đáp, mụ già đã nói trước: 
- Xin cụ cũng cho như cụ Lý con dặn nó... 
- Thế là bao nhiêu ? 
- Ấy cụ Lý con bảo tìm hộ một chị sữa tốt, sạch sẽ, mỗi tháng độ chừng ba đồng. Ấy con còn bận một tý nên chưa đưa chị ấy lại cụ Lý con đấy. 
Bà đi mướn vú bĩu mồm mà rằng : 
- Thôi, tôi cũng trả công cho như con vú trước, nghĩa là hai đồng. 
Tức thì mụ già chắp hai tay vái lấy vái để như đứng trước một cửa điện nào vậy, rồi quay mặt ra chỗ khác, không đáp. 
- Thế nào? 
- Lạy mẹ, mẹ cứ trả nó hai đồng chín hào chín xu xem nó bằng lòng được không? 
Phát khùng lên rồi, bà kia phải gắt: 
- Thì việc gì đến u đấy nào? U cứ biết cái phận u, cứ nhận tiền quà thôi có được không, sao lại cứ chõ vào công xá của người ta thế? 
Người vú em lấm lét nhìn mụ già, đoạn khẽ thưa rằng : 
- Lạy cụ, cụ có mượn thì xin cụ cũng cho công như cụ Lý con dưới kia. thì con sai hẹn mới bõ. 
Bà kia đứng thừ người ra hồi lâu rồi quay gót. Tôi hỏi mụ già: 
- Này u, lúc nãy tôi thấy u nói chỉ cần hai đồng một tháng... 
- Ấy thế nhưng mà cái món này bóp được hơn. Rồi anh xem, thế nào chốc nữa lại chả ra ngay đây bây giờ. 
Độ nửa giờ sau, quả nhiên lại thấy bà kia ra, nói: 
- Thôi thì tôi cũng bằng lòng trả cho chị ấy ba đồng một tháng vậy. Còn về phần u, lúc nào rỗi thì lại mà lấy tiền quà. 
Một cách rất khả ố, mụ già gãi gãi đầu một hồi, rồi cau có nét mặt mà phàn nàn rằng: 
- Lạy mẹ, thật nể mẹ quá đi mất! Bây giờ con lại phải tìm ngay một con vú khác cho cụ Lý con dưới kia đây... Mẹ cứ cho con xin một nửa trước vậy. 
Vì nhận được của bà kia năm hào rồi, mụ già bảo người vú em kia: 
- Thôi cứ theo cụ về nhà, rồi chiều hôm nay tôi lại lấy nốt tiền quà thì tôi tạt về nhà đem cho cái thúng quần áo...Này, cụ là người phúc đức, cậu ký, mợ ký cũng là người biết thương người thì u cũng ăn ở cho có lễ phép, cho nó nên ơn nên nghĩa, phải ngoan ngoãn mà trông nom em, biết chưa? 
Họ chia tay nhau... Mụ đưa người đã thành công trong cái việc "bóp cổ" người. Cái giá trị làm người, đối với bọn cơm thầy cơm cô, không phải ở cái sức làm việc của con người, nhưng mà treo trên đầu lưỡi của con mẹ nặc nô mềm nắn rắn buông và suốt đời không bao giờ biết nói thật. 
Một buổi sáng qua như thế cho mãi đến chiều. Mụ già chỉ "tiêu thụ" được có một chị vú em thôi, nhưng mụ đã được đồng bạc. Còn 15 người nữa đói thì mụ cần gì, vì chính mụ, mụ có phải đói hộ người khác đâu. Bọn kia cứ việc bày hàng đầy dẫy ở đầu hè, duỗi dài chân ra, hoặc là xoạc cẳng ra, quần vén lên đến đùi để mà "khảo cứu" về lông chân loài người, hoặc để ngủ gật. 
Vậy thì tôi phải hỏi đến cái con sen mà tôi đã hỏi chuyện đêm qua tại hàng cơm. Đứng lên tìm quanh, tôi thấy nó chúi vào một xó hè, ngốn một mẹt bún chả tướng. Tôi hỏi: 
- Gớm, phong lưu lắm nhỉ? 
Nó cười một cách ngây thơ và đáp: 
- Phép quà anh! Anh tính mới thôi việc có dăm ngày, làm gì đến nỗi mà lại chả có thể ăn được 3 xu quà! 
- Này, cái nhà tớ vừa bỏ ấy mà, nó cần người mà chưa mướn được ai cả đấy. Đằng ấy có muốn làm thì tớ mách cho. 
Nó nhạt nhẽo đáp suông một câu: 
- Giã ơn cái bụng tốt của anh lắm. 
- Có bằng lòng không thì nói ngay đi, tớ không nói đùa mà. 
Nó vẫn lãnh đạm: 
- Chủ nhà có tử tế không? 
- Sao lại không? 
Nó cười nhạt : 
- Tử tế đến nỗi anh phải bỏ việc, tử tế lắm nhỉ? 
Tôi cãi rằng: 
- Không, tôi bỏ việc vì một lẽ riêng, chứ không phải tại chủ đểu. 
- Thế à? 
Nó hỏi một câu cho mình đỡ ngượng rồi lại điềm nhiên gục đầu xuống ăn. Thì ra con bé, dầu đương lúc thất nghiệp, cũng không cần có việc làm! Nó cứ thờ ơ thế thôi! 
Tôi quay ra tán với mụ trùm nó: 
- Này u, cái chỗ tôi bỏ đi ấy mà, họ đang cần một con sen đấy. U dắt con bé kia lại nhé? Bằng lòng không thì tôi chỉ chỗ cho. Chắc nó thì sẽ được người ta bằng lòng. 
Mụ già này cũng thờ ơ: 
- Thật hay bỡn? 
- Thật, chứ sao lại bỡn ? 
- Người ta cần thì người ta ra đây. 
- Nhưng mà dắt nó đến cho nó có việc sớm ngày nào lợi ngày ấy có hơn không? Chả hơn để nó chết đói mà chờ việc à? 
Mụ bĩu ngay cái mồm cho rõ dài: 
- Nó đương chết đói ngay đấy! 
- Thế nó có cần đi làm không? 
- Anh hỏi nó xem! 
- Nếu nó cần thì chỗ ấy là tốt nhất! 
Mụ gắt lên mà rằng: 
- Khỉ lắm, đừng nói nữa, anh thử hỏi nó xem nó có cần làm không? 
Ồ! Lạ! Một đứa đi ở, khi mất việc, lại không muốn có việc làm! Thế là nghĩa lý gì? Tôi phải biết tường tận mới được.
Nhà văn Vũ Trọng Phụng
Đường vòng quanh Núi Lớn (Vũng Tàu) - ảnh Việt Nam xưa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét