Bản đồ “Đại Thanh đế quốc” (trong sách “Đại Thanh đế quốc toàn đồ”), Tuyên Thống nguyên niên (1908), Thượng Hải Thương vụ ấn thư quán phát hành, không có Hoàng Sa, Trường Sa. |
Đối với Trung Quốc, tranh chấp biển Đông sẽ là thách thức quyết định Trung Quốc có đủ khả năng vươn lên vị trí siêu cường hay không. Đáng tiếc, Trung Quốc vẫn chưa nhận thức hết mức độ tổn hại đến quan hệ với các nước láng giềng do thái độ hung hăng của họ trên biển Đông gây ra.
Cách đây chưa đầy một thập kỷ, Trung Quốc mới chỉ là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Từ đó đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đã đưa Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và sắp vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 10 đến 20 năm tới. Với dân số khổng lồ và một nền tảng kinh tế năng động, chúng ta có đủ lý do để tin rằng đến một ngày nào đó Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sức mạnh kinh tế vượt trội chưa hẳn là sự đảm bảo cho vị trí siêu cường. Ngay cả Mỹ cũng cần tới hơn 75 năm và hai cuộc chiến tranh thế giới để trở thành một siêu cường toàn cầu có sức mạnh vượt trội về kinh tế và quân sự.
Điều này cho thấy rằng ngay cả khi Trung Quốc vươn lên để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, chưa chắc Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia mạnh nhất. Bài học then chốt đối với Trung Quốc là họ cần phải xây dựng một nền kinh tế tiên tiến, công nghệ cao được thúc đẩy bằng sự điều hành, quản trị tốt, việc hoạch định chính sách hiệu quả và sự tôn trọng từ các quốc gia khác bởi một nền ngoại giao điềm đạm. Duy trì vị trí siêu cường cũng là một thách thức không hề nhỏ. Lịch sử đã có rất nhiều ví dụ về các siêu cường chìm vào quên lãng do bị các đối thủ cạnh tranh vùi dập, do phạm sai lầm chiến lược dẫn đến lãng phí tài nguyên, làm tổn hại lợi ích của công dân nước họ hoặc đánh giá sai ý đồ của đối thủ.
Đối với Trung Quốc, tranh chấp Biển Đông sẽ là thách thức quyết định Trung Quốc có đủ khả năng vươn lên vị trí siêu cường hay không. Điều đáng tiếc là Trung Quốc vẫn chưa nhận thức hết mức độ tổn hại đến quan hệ với các nước láng giềng do thái độ hung hăng của họ trên Biển Đông gây ra.
Trước hết, tranh chấp chủ quyền với một số nước láng giềng ASEAN đã làm suy yếu nghiêm trọng vị thế của Trung Quốc trong và ngoài khu vực. Bắc Kinh rất cần được nhắc nhở về các sai lầm nhận thức chiến lược đã khiến quan hệ của họ với phương Tây xấu đi ra sao sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Trong suốt giai đoạn đó, ASEAN đã đóng vai trò quan trọng như một cầu nối giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài. Thực vậy, phần lớn là nhờ vào mối quan hệ tốt với ASEAN mà Trung Quốc đã dần khôi phục lại quan hệ ngoại giao bình thường với phương Tây.
Sự cứng rắn hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông đang dần dần làm xói mòn hình ảnh tích cực của Bắc Kinh trong mắt các nước láng giềng ASEAN về sự trỗi dậy hòa bình của nước này. Tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực Đông Nam Á đều đang tỏ ra thận trọng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngay cả khi nền kinh tế và vị thế quốc tế của Trung Quốc tăng lên thì ảnh hưởng, hình ảnh và “quyền lực mềm” của họ lại suy giảm một cách đáng kể.
Thứ hai, sự hung hăng của Trung Quốc đã đưa đến việc Mỹ tái xác định các ưu tiên chiến lược toàn cầu của mình theo hướng “xoay trục” hay “tái cân bằng” đối với Châu Á-Thái Bình Dương. Sự điều chỉnh chính sách này của Mỹ đã làm cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thực sự lo ngại và gây ra nỗi sợ hãi rằng Trung Quốc có thể sẽ bị kiềm chế tương tự như cách Liên Xô từng bị kiềm chế trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trung Quốc giờ đây nhìn thấy rõ “bàn tay Mỹ” trong cả vấn đề đối nội và đối ngoại của họ. Có rất nhiều ví dụ về ảnh hưởng của Mỹ trong các vấn đối nội của Trung Quốc trong năm nay như việc Cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy vào Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô xin tị nạn chính trị và việc luật sư khiếm thị Trần Quang Thành chạy trốn tới Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Trong khu vực, tất cả các đồng minh của Mỹ bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippin đều nâng cấp quan hệ hợp tác quân sự vốn đã rất chặt chẽ với Mỹ. Nếu Trung Quốc tiếp tục phớt lờ lợi ích hoặc các mối quan ngại của các nước láng giềng liên quan ở Biển Đông, thì sự hung hăng của Trung Quốc chính là áp lực khiến các nước này thúc đẩy tăng cường hợp tác khu vực với Mỹ.
Thứ ba, rắc rối với các nước láng giềng gần gũi cũng ảnh hưởng đến hình ảnh và vị thế của Trung Quốc trên thế giới. Điều kiện quan trọng nhất đối với bất kỳ quốc gia nào có tham vọng vươn lên vị trí siêu cường toàn cầu là duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không thể hoặc không muốn duy trì một mối quan hệ thân mật với các nước láng giềng gần gũi nhất, thì làm sao các nước ở xa hơn có thể tin tưởng và tôn trọng siêu cường đang lên này? Chừng nào Trung Quốc không thể duy trì được mức độ tin cậy nhất định và tình hữu nghị với các nước láng giềng thì vị thế siêu cường toàn cầu đối với Trung Quốc có thể sẽ mãi mãi chỉ là một ước vọng viễn vông.
Thứ tư, việc Trung Quốc đơn phương khẳng định mạnh mẽ của chủ quyền của mình trên Biển Đông đã tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình mà Trung Quốc đang rất cần để trở thành một siêu cường toàn cầu. Nếu xung đột nổ ra, nó có thể gây ra tác động bất lợi, lâu dài và lan rộng đến môi trường kinh tế và an ninh của toàn bộ khu vực. Bản thân Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì gần 80% lượng dầu nhập khẩu và phần lớn hàng hóa, cả xuất và nhập khẩu của họ, đều đi qua eo biển Malacca và các tuyến hàng hải khác trên Biển Đông.
Trung tâm của tranh chấp Biển Đông là yêu sách đường chữ U mà Trung Quốc tuyên bố là được thừa hưởng từ chính phủ Quốc Dân Đảng và chỉ mới được Trung Quốc đệ trình chính thức lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc vào năm 2009. Vì đường chữ U này không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào và không có tọa độ địa lý cụ thể, Trung Quốc luôn đưa ra những cách giải thích không nhất quán. Cần lưu ý rằng đưòng chữ U mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền chiếm đến 80% diện tích Biển Đông trong khi Trung Quốc chỉ quản lý 15% khu vực đó.
Tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông trong những năm qua đã làm cho phần lớn người dân Trung Quốc nhầm tưởng rằng Trung Quốc thực sự sở hữu toàn bộ khu vực bên trong đường chữ U và đường chữ U chính là đường biên giới phía nam của Trung Quốc. Tuy nhiên, bản đồ mới được phát hiện được vẽ từ năm 1904 vào thời nhà Thanh lại không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thay vào đó, các bản đồ này chỉ đảo Hải Nam là điểm cực nam của Trung Quốc. Và giờ đây, đường chữ U bây giờ lại giống như một miếng xương trong cổ họng của Trung Quốc, nhổ ra không được còn nuốt thì không trôi.
Điểm đáng tôn trọng ở một siêu cường toàn cầu thực sự là khả năng thừa nhận và vượt qua những sai lầm của chính mình trong quá khứ. Chẳng hạn như nỗ lực của Mỹ để bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Trung Quốc là một nền văn minh lớn, đã sản sinh ra những con người vĩ đại như Lão Tử, Khổng Tử, Lý Thời Trân... và luôn làm theo những chỉ giáo của những các bậc hiền triết nổi tiếng đó. Do vậy, Trung Quốc hoàn toàn có thể vượt qua những sai lầm chiến lược của mình trong chính sách Biển Đông.
Trước hết, Trung Quốc cần phải tiến hành các bước đi mang tính xây dựng để đưa đến kết quả tích cực cho các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông. Đồng thời, Trung Quốc cần thực thi chính sách giữ thể diện cho mình bằng việc dứt khoát từ bỏ yêu sách đường chữ U. Chắc chắn, đây sẽ là một quyết định khó khăn cho Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi ích từ sự trỗi dậy hòa bình thực sự của Trung Quốc sẽ vượt xa phạm vi của các nước láng giềng và ranh giới trên Biển Đông.
TS. Hoàng Anh Tuấn là nhà nghiên cứu tại Học viện Ngoại giao Việt Nam và là cộng tác viên nghiên cứu của Chương trình Hòa bình Đông Á tại Đại học Uppsala. Bài viết này được đăng lần đầu tiên trên Asia Pacific Bulletin.
Thiên Hương (dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét