Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Thập mục ngưu đồ

"Xuân hường" - Hot girl Hàn Quốc
Thập mục ngưu đồ (zh. 十牧牛圖, ja. jūgyū-no-zu) là mười bức tranh chăn trâu nổi tiếng trong Thiền tông, tương ứng với quá trình hành đạo của một người phát nguyện đạt Giác ngộ. Mười bức tranh này có thể xem là biểu hiện cô đọng nhất, trình bày tinh hoa của Phật giáo Đại thừa.

Các bức tranh chăn trâu được sáng tạo trong thời nhà Tống (960-1279) và ngay từ đầu đã được xem như những bức hoạ tiêu biểu, trình bày tinh hoa, cốt tuỷ của Thiền Trung Quốc. Có nhiều bộ tranh - có thuyết nói là bốn, thuyết khác nói là 5, 6 chăn trâu khác nhau - nhưng có lẽ nổi danh nhất và cũng bao hàm ý nghĩa nhiều nhất là bộ với mười bức tranh của Thiền sư Khuếch Am Sư Viễn (zh. kuòān shīyuǎn 廓庵師遠, ja. kakuan shion, ~1150), được lưu lại trong bản sao của hoạ sĩ người Nhật tên Châu Văn (周文, ja. shūbun, ?-1460).
Một bộ khác với sáu bức tranh cũng thường được nhắc đến. Ban đầu, Thiền sư Thanh Cư (zh. qīngjū 清居, ja.seikyo) chỉ vẽ có năm bức nhưng sau, Thiền sư Tự Đắc (zh. zìdé 自得, ja. jitoku, tk. 12) vẽ thêm bức tranh thứ sáu. Trong bộ này, con trâu dần dần trắng ra và cuối cùng thì trắng hoàn toàn, một biểu tượng cho chân tâm thanh tịnh, vô cấu.
Mười bức tranh sau được xem là của Thiền sư Khuếch Am Sư Viễn. Những bức tranh này cũng được chú thích rất rõ, rất hay trong Thiền luận của Daisetz Teitaro Suzuki, bản dịch của Trúc Thiên và Thích Tuệ Sỹ. Bài tụng của Thiền sư Khuếch Am được Thích Thanh Từ dịch.
Lúc còn trụ tại Quy Sơn, Thiền sư Trường Khánh Đại An dạy chúng: "... Sở dĩ, Đại An này ở tại Quy Sơn ba mươi năm, ăn cơm Quy Sơn, đại tiện Quy Sơn mà không học thiền Quy Sơn, chỉ coi chừng con trâu. Nếu nó lạc đường hay vào trong cỏ liền lôi nó lại. Nếu nó ăn lúa mạ của người liền đánh đập điều phục nó… Bây giờ nó đã trở thành con trâu trắng đứng trước mặt, trọn ngày hiện sờ sờ đuổi cũng chẳng đi...".
Mã Tổ hỏi đệ tử mình là Thạch Củng Huệ Tạng: "Làm việc gì?" Thạch Củng thưa: "Chăn trâu." Tổ hỏi: "Làm sao chăn?" Thạch Củng đáp: "Một khi vào cỏ thì nắm mũi kéo lại." Tổ nghe bảo: "Con thật là khéo chăn trâu".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét