Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Giải mã “bàn cờ” trên biển Đông

Hải quân Việt Nam tuần tra trên vùng biển đảo Sơn Ca (quần đảo Trường Sa).
Chuẩn Đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm nhận định: "Bàn cờ” trên Biển Đông đang xoay vần và đặt ra trách nhiệm lớn đối với các nước ASEAN trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định trên vùng biển này.
Thế "đa cực” nước lớn
Theo Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, việc đặt lại bức tranh toàn cảnh của tình hình tranh chấp trên vùng Biển Đông không phải là vấn đề mới, nhưng lại đang thu hút đông đảo các chính khách, nhà kỹ trị và các tài phiệt ở nhiều nước quan tâm. Trong đó, bối cảnh khiến Biển Đông trở nên nóng bỏng là do cuộc cạnh tranh giành quyền khống chế nguồn dầu mỏ khổng lồ ở Trung Đông đang diễn ra gay gắt, và một trong những khu vực khác đầy tiềm năng, khả dĩ có thể chia sẻ lợi ích của các nước lớn là Biển Đông. Tuy nhiên, ông cho rằng, hiện có 4 nước chính muốn có quyền lợi ở vùng biển này là: Trung Quốc, Mỹ, Nga và Ấn Độ, ngoài ra còn có các cực Nhật Bản và châu Âu cùng muốn "góp phần”.
Về thực lực quân sự, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng, Mỹ đang có ưu thế lớn nhất, với 4 hạm đội hùng mạnh làm chủ trên Đại Tây dương phía đông và Thái Bình dương. Cùng đó, ông cho rằng các chính sách của Trung Quốc đang gây ra nhiều lo ngại đối với các quốc gia vùng Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Ông Lâm nhận định, Trung Quốc là nước lớn về nhiều mặt, nhưng lại quá đề cao "quốc thể”, "quốc uy”, "quân uy”, nên tham vọng trở thành siêu cường là điều hiển nhiên. "Tuy nhiên, muốn trở thành đại siêu cường số một thế giới, ngoài việc có năng lực mạnh về kinh tế, quốc phòng, ngoại giao,…thì Trung Quốc còn cần phải có một hành xử công bằng, khách quan trong đối ngoại quốc tế”, ông nói.
"Gấu bông" - Hot girl Na Na
Đoàn kết để "kiềm chế” xung đột
Dù không ít các nước lớn thừa nhận họ muốn có lợi ích trên vùng biển Đông, tuy nhiên theo Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, khả năng xảy ra xung đột là rất khó do các nước cùng có những bài học đắt giá từ 2 đại chiến thế giới I và II. "Có rất nhiều lý do để biện minh cho sự kiện đó, song có lẽ bao trùm lên tất cả là sự tỉnh táo của các chính trị gia lớn trong các nước lớn có tiềm lực ảnh hưởng toàn cầu”. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại, Trung Quốc với tham vọng siêu cường, đang tích cực hiện đại hoá quân đội mà trước tiên là hải quân và không quân. "Thời gian qua, Trung Quốc không ngần ngại xua các loại tàu khá hiện đại ra tranh chấp với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam; đơn phương thành lập các khu vực hành chính trên Biển Đông,…Trong đó, họ viện nhiều lý do mơ hồ về để chứng minh sở hữu đường 9 đoạn, chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông mà ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế đã nhiều lần phản đối.
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng, tranh chấp chủ quyền các đảo và nhóm đảo với các nước lân bang như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia… thực chất là Trung Quốc muốn tranh giành quyền làm chủ Tây Thái Bình dương, trong đó có Biển Đông. "Để thỏa mãn nhu cầu phát triển và bành trướng, Trung Quốc muốn áp đặt lối chơi theo ý đồ của họ, bất chấp luật pháp quốc tế, dù đuối lý”.
Ông chia sẻ, để kiềm chế tham vọng của các nước lớn, giữ hòa bình, ổn định khu vực thì các nước ASEAN cần đoàn kết và thật sự tỉnh táo. "Thời gian qua, một số thành viên ASEAN chưa thực sự có chung thiện chí giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông, nhưng tôi cho rằng, mỗi nước dù có lợi ích quốc gia riêng nhưng đứng trước mối đe dọa an ninh khu vực thì ASEAN chỉ có thể thống nhất tiếng nói, thống nhất hành động mới tạo được sức mạnh răn đe những cái đầu xô vanh quá nóng”, ông Lâm nói.
Bên cạnh đấu tranh bằng luật pháp quốc tế và chứng cứ lịch sử Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cũng cho rằng, ASEAN cần kiên trì thương lượng, tìm cơ hội để chung sống hòa bình và hợp tác với Trung Quốc và các nước lớn, ổn định để phát triển tiềm lực mọi mặt của từng nước và của toàn khối. Chỉ khi ASEAN thành cộng đồng kinh tế, chính trị và an ninh thống nhất thì mới có sức mạnh trong chính trường châu Á - Thái Bình dương và thế giới. 
Thành Luân
"Trụ giữa" - tranh của họa sĩ Nguyễn Phú Hậu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét