Nhức nhối, buồn, muốn viết mà nghĩ nên viết về cái gì nhưng nghĩ mãi “không ra’ - (quá nhiều uất ức nên nó mới không ra); đành phải chọn hai từ tản mạn để tự cho mình cái quyền được dông dài, được bạn đọc lượng thứ…
Bắt đầu là những bài học nóng bỏng từ Senkaku. Chắc chắn tất cả những ai quan tâm đều thấy Senkaku đang ngày càng nóng hơn - nóng đến mức chỉ cần một tàn lửa thiếu kiềm chế (hoặc thiển cận) của mỗi bên là đủ để bùng lên một đám cháy, thiêu đốt sinh mạng hàng vạn con người. Ai sẽ nhượng bộ ai đây khi Nhật Bản chính thức có chủ quyền từ năm 1795 nên dẫu Trung Hoa có rên rỉ là bị lừa đi nữa thì cũng chỉ biết tự trách mình. Cái lý trước bàn dân thiên hạ, NB chắc thắng. Nói cách khác, TQ đã TỰ THUA khi cùng một lúc ôm mộng bá quyền là muốn gặm cả hai khúc xương Senkaku - Biển Đông (!). Nói như thế cũng có nghĩa là TQ đã sai lầm - nhưng nên nhấn mạnh rằng những cái đầu u mê Đại Hán chẳng bao giờ thừa nhận họ sai. Cứ nhìn lên bản đồ sẽ thấy họ lâm vào thế “triệt buộc”: Phía bắc là con gấu tuy đang ngủ đông, mệt mỏi vì mải lo vá víu nhưng chẳng dễ gì qua mặt (không thể trong tương lai gần); phía đông là chuỗi bán đảo – đảo chiến lược từ Hàn Quốc đến tận quần đảo Mariana - Guam của Hoa Kỳ (đảo cực bắc của quần đảo Mariana thuộc Hoa Kỳ chỉ cách đảo cực nam của NB chỉ 300 hải lý), phía Nam là Biển Đông. Như thế, về mặt địa chiến lược, lòng tham như con thú cùng đường nhất định phải tìm cách để thoát ra. Lịch sử phức tạp nhưng có vô số những điều dễ hiểu: 5.000 năm kể từ khi có nhà nước, chưa từng thấy bất kỳ một cường quốc nào không có lối ra BIỂN dễ dàng (!). Người Nga không thể thành cường quốc bởi họ lên phía bắc mắc nạn Bắc Băng Dương, phía tây nam thì bị eo biển Bosphore của người Thổ chặn đứng, muốn xây dựng lực lượng để phát triển từ Vladivostok thì vô nghĩa bởi không thể ứng cứu cho Moscow, Biển Đen… chẳng hạn khi phải đi vòng, bị kiểm soát tối đa… Đế quốc (tạm coi là thế) Mông Cổ chỉ giỏi bắt nạt sa mạc chứ chui vào đầm lầy, rừng rậm của người Việt thì ngay lập tức bị hủy hoại nhanh chóng sức lực bởi muỗi, ruồi, sên, vắt, đỉa, bệnh nhiệt đới…, vì thế, “chọn” giải pháp hòa tan vào Trung Hoa để mất đất, mất hàng triệu người bị đồng hóa.
Nhân đây cũng nói luôn: TQ chưa bao giờ là cường quốc cho dẫu họ luôn nhận là thế. Nếu là cường quốc thì không phải đợi đến thời Khang Hy - Ung Chính - Càn Long (1665-1795) mới chiếm được Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan; nếu là cường quốc thì không đến nỗi phải bỏ ra 500 năm và ít nhất 10 triệu mạng người xây Vạn Lý Trường Thành nhằm ngăn cản vài ba triệu Hung Nô; nếu là cường quốc thì họ đã nuốt chửng Triều Tiên, Việt Nam từ lâu rồi chứ không phải đến nỗi chỉ thống trị Triều Tiên vẻn vẹn có 82 năm dưới thời Hán và Đường và, không thể đồng hóa nổi Việt Nam…
Lịch sử chứng minh điều rất giản dị: TQ muốn nhưng không thể làm gì được bởi những mâu thuẫn nội tại chồng chất mà thời nào cũng có. Ngày xưa mạnh hơn Hung Nô, hơn Triều Tiên… hàng chục, hàng trăm lần nhưng bất lực. Ngày nay cũng thế. Người Nhật biết rõ lịch sử ấy.
Dĩ nhiên, khái niệm cường quốc thời nay khác xưa về vũ khí, phương tiện chiến tranh, các căn cứ trên biển, khả năng huy động của thể chế nhà nước dân chủ thực sự, các tương quan quyền lực, các tổ chức quốc tế, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế… TQ thiếu tất cả những cái đó (ngoại trừ sự dọa nạt, bắt thóp, khóa miệng… lãnh đạo các quốc gia nhỏ hơn).
Câu hỏi đặt ra là, tại sao TQ biết nhưng vẫn phiêu lưu ở Senkaku, Biển Đông? Thứ nhất, không thể thành cường quốc nếu không giải quyết được các tranh chấp ở hai vùng đã vào thế cưỡi hổ đó (nói đến đây, đủ biết vận mệnh dân tộc VN nguy nan đến mức độ nào). Thứ hai, cần một phép thử đối với Mỹ. Thứ ba, dường như họ đang tìm kiếm một cuộc chiến tranh để “thử sức” bởi hai lần thử sức trước đây trong chiến tranh Triều Tiên (1950) và Việt Nam (1979) họ đều thất bại. Thứ tư, nếu “giải quyết” được Senkaku thì hệ lụy tức thì đối với họ là Mỹ sẽ (đã) nhượng bộ, lùi bước ở Okinawa, Biển Đông. Thứ năm, một sự “răn đe” với tất cả các nước láng giềng, kiểu “ngầm ý”: NB có Mỹ mà vẫn lui bước, phần còn lại phải “tự hiểu”…
Câu hỏi nảy sinh là: Gây xung đột (thậm chí là chiến tranh) với NB, khả năng thắng của TQ có thể hay không? Về nội lực, “thế trận” của trò chơi Trung – Nhật là lưỡng bại câu thương, và, TQ sẽ mất nhiều hơn được. Hiện tại, báo chí VN (rất buồn là luôn đưa tin một chiều nghiêng phần thiệt hại nhiều hơn cho các công ty NB) đang cho rằng người Nhật thiệt hại hơn nhưng thực tế, cái mất của TQ là nhiều hơn: Hàng vạn công nhân TQ đang làm cho các công ty Nhật, buôn bán 2 chiều là 345 tỷ USD (ANTĐ, 4.10.2012), không một nền kinh tế EU hay Mỹ hay…, có thể chấp nhận một “đối tác” thích thì hảo, không thích thì pú hảo như Tố Hữu đã tổng kết cách đây nửa thế kỷ “nghĩa tình e sớm nắng, chiều mưa/ chợ trời thật giả đâu chân lý”. Cái sai, cái dở của Tố Hữu thì nhiều, riêng điều này ông đúng: TQ là quân tử chợ trời! Về ngoại lực, lẽ dĩ nhiên cái thời TQ muốn làm mưa làm gió chưa đến, ít nhất là 50 năm tới. Chẳng bao giờ Hoa Kỳ buông đồng minh có vai trò “hòn đá tảng” (nguyên văn “viên đá chìa khóa” – key stone) như NB. Chưa khi nào chúng ta thấy người Mỹ không giữ lời hứa trong các “trò chơi” quốc tế. Bên cạnh đó, TQ sẽ mất rất nhiều những “người bạn một nửa” theo cách nói của Lê Nin: Chỉ cần có lợi thì sẵn sàng “đi cùng” với mọi người bạn một nửa?
Thử ngẫm sẽ thấy rằng nước “sợ” TQ bành trướng ra Biển Đông nhất là… Singapore (!). Thế đó, dù là cùng giống dòng Nghiêu Thuấn nhưng họ lại sợ cái kết cục quái thai là chui vào cái rọ độc tài, tham nhũng, hành dân đại lục. Cũng nói luôn là “hiểu” TQ không ai ở Đông Nam Á này bằng người Thái, người Singapore, người Indonessia (rất tiếc là rất nhiều người Việt có chức có quyền cố tình không hiểu như những lãnh đạo thông minh ở 3 nước trên). Thái là nước đầu tiên đem quân giúp Mỹ ở Iraq năm 2003 và Indonessia thì biết rõ “sự kiện 30.9.1965”, gần 1 triệu đảng viên đảng cộng sản Indonessia (trong đó 1/3 gốc Hoa) đã đòi lật đổ chính quyền như thế nào)…
Từ một vài khái quát trên, chúng ta có thể rút ra kết luận rằng không việc gì phải e ngại cái gọi là sức mạnh của TQ. Những hành động ngày càng trắng trợn của nhà cầm quyền TQ ngày nào báo chí cũng đưa tin và ngày nào cũng không thấy cấp cao nhất phản ứng. Làm sao có thể chấp nhận câu nói “không để Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ Việt Trung”? Nói như thế có khác gì mở cửa cho cáo vào chuồng gà? Làm sao có thể chấp nhận sự “vô tư” “cấp tỉnh hóa” VN theo cách hôm nay Đài truyền hình VN lập cầu truyền hình trực tiếp với tỉnh Q, ngày mai Nhà xuất bản CTQG hợp tác với NXB Thượng Hải? Chúng ta là một nước có chủ quyền chứ không phải ngang cấp với bất kỳ địa phương nào của bất kỳ nước nào, cho dẫu đó là nước trời. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chẳng bao giờ tôi giơ hai tay ra bắt tay quan chức trừ phi họ giơ hai tay ra trước. Chẳng lẽ cái nguyên tắc tối giản trong ngoại giao rằng không được hạ thấp mình mà các ngài có chức quyền không hiểu sao? Mình không tôn trọng chính mình mà đòi kẻ khác không khinh rẻ mình ư? Một câu tiếng Nga tôi học từ hồi xửa hồi xưa cứ làm tôi đau mãi – đó là tên của một cuốn sách của Lê Nin: “Một bước tiến, hai bước lùi” (Sác phpêriốd, đva sácga nazad). Đó là cách ngụy biện cơ hội, biện minh cho sự hèn nhát vô nguyên tắc của tư duy.
Trong những bài học rút ra từ sự kiện Senkaku, có lẽ, bài học quan trọng nhất chính là ở chỗ: TQ chứng tỏ rằng, tham vọng bành trướng của họ là không bao giờ thay đổi; rằng họ sẵn sàng bất chấp tất cả những lợi ích kinh tế, coi thường mọi giá trị pháp lý, sẵn sàng chà đạp mọi nguyên tắc, miễn là đạt đến mục đích giành lấy cho bằng được những cứ điểm có giá trị chiến lược, đồng thời khẳng định vị thế buộc tất cả các nước nhỏ hơn phải khuất phục, mọi cường quốc phải kiêng dè. Một nước có nền kinh tế ba thế giới mà TQ vẫn quyết đe dọa, gây căng thẳng thường trực, thậm chí có thể chấp nhận đối đầu thì những nước nhỏ hơn tất yếu phải tìm kiếm đồng minh; nếu không, thảm họa là không thể tránh khỏi. Vì tất cả những lẽ đó, Senkaku cũng là cơ hội để VN, Singapore, Indonesia, Thái Lan đoàn kết chặt chẽ trên nguyên tắc của sự thật hiển nhiên: Nếu bất kỳ nước nào để mất chủ quyền vào tay TQ hôm nay đồng nghĩa với số phận của của nước kế tiếp, và kế tiếp nữa trong cái “hạn định” nghiệt ngã của lịch sử. Lịch sử không lặp lại nhưng vẫn thường bắt chước chính nó: Tần Thủy Hoàng đã bắt đầu sự thống nhất Đại Hán bằng việc tiêu diệt nước Hàn - gần nhất và nhỏ nhất (230 BC), rồi nước Triệu (228), Ngụy (225), Sở (223), Yên (222) và cuối cùng là Tề (221 BC)…
Nỗi đau lớn nhất là Dân Tộc Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế nhưng lại đang tự đánh mất lợi thế của mình. Người xưa dạy đối thủ của ta là bạn của ta. Tại sao không hiểu rằng Nhật, Mỹ, VN là 3 đối tượng ngày nào báo chí TQ cũng réo lên hằn học? Tại sao không biết cả Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines luôn đứng về phía VN (ít hay nhiều) mà lại đi tin vào kẻ lá mặt lá trái để xây dựng tình hữu nghị như nước C nào đó? Tại sao không chịu hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu Tuyên ngôn Độc lập bằng TNĐL của nước Mỹ? Tại sao không chịu nhận ra rằng từ năm 1959 đến khi “ra đi”, chẳng bao giờ Người gửi điện mừng ngày 1.10? Tại sao vẫn cứ giả điếc, giả mù trước sự thật là hàng hóa TQ đang tàn hại cả nền kinh tế, sức khỏe của cả giống nòi, mỗi ngày? Tuy rất kém về kinh tế học nhưng tôi biết chắc chắn một điều rằng, ít nhất, sự trì trệ của kinh tế VN có 30% là nguyên nhân từ sự chèn ép, lũng đoạn của TQ.
Lẽ ra, Senkaku là cơ hội “trời” cho VN để tìm được một và những đồng minh chưa bao giờ thiết thực hơn, chưa bao giờ có ý nghĩa bền vững hơn… Ôi chao!… Lẽ ra…!
Hà Văn Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét