Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Nhiều tài liệu quý khẳng định: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Các học giả trao đổi bên lề hội thảo khoa học sáng 30-10.
Điều đó, được nhiều học giả, nhà nghiên cứu về biên giới, hải đảo đưa ra tại Hội thảo khoa học "Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm và phát huy giá trị nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam”, do Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức ngày 30-10 tại TP.Hồ Chí Minh.
Thêm nhiều tư liệu quý về Trường Sa, Hoàng Sa
Theo Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước, hiện Việt Nam có 772 tập Châu bản, sử liệu thuộc triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (trước đây là Trung tâm Lưu trữ trung ương thuộc Nha Lưu trữ Thư viện Đông Dương), trong đó có nhiều châu bản, tài liệu mới được công bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 
Hội thảo khoa học được tổ chức nhằm triển khai Quyết định số 644/QĐ-TTg phê duyệt nội dung Đề án "Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam”. Hội thảo tiếp nhận 24 báo cáo nghiên cứu của Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Chăm và Chi cục Văn thư - Lưu trữ một số tỉnh, thành trực thuộc trung ương. Đây là các căn cứ xác thực, có tính pháp lý; là bằng chứng thuyết phục để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong số này, các tài liệu dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức đề cập đến việc nhà Nguyễn cử người đi khảo sát, đo đạc và vẽ bản đồ ở Hoàng Sa. "Nhà Nguyễn có chế độ thưởng phạt rất rõ ràng đới với những người thực hiện công vụ ở Hoàng Sa; cũng như tổ chức hỗ trợ, cứu các thuyền buôn nước ngoài gặp nạn ở Hoàng Sa và Trường Sa. Tất cả đều được các sử gia cũng như quan chức công vụ thời này ghi chép lại cẩn thận”, bà Nguyễn Hồng Nhung - cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết.
Đối với kho tài liệu bản đồ, văn bản hành chính hiện cũng được lưu trữ lên tới hàng ngàn bản. Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoài và nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, hiện kho bản đồ có "tuổi thọ” lâu nhất là các bản đồ do người Pháp vẽ từ những năm giữa thế kỷ XIX nhằm tìm hiểu vị trí địa lý cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên; khảo sát thềm lục địa và các đảo; vẽ bản đồ hải trình và vị trí các ngọn hải đăng trong thềm lục địa Việt Nam;… "Chúng ta cũng lưu trữ một khối lượng khá lớn các nghị định, quyết định thiết lập chế độ hành chính ở các địa phương biên giới và các hải đảo như Hoàng Sa và Trường Sa, mà điển hình là vào năm 1932, Nghị định của Chính phủ bảo hộ Pháp thiết lập quần đảo Hoàng Sa thành một quận hành chánh thuộc tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên - Huế). Nghị định này sau đó được xác nhận bởi Dụ số 10 của Hoàng đế Bảo Đại”, Tiến sĩ Hoài cho biết thêm.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng công bố các nghiên cứu dẫn thêm nhiều tài liệu quý về tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Trong số này, một số tài liệu cho thấy Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm giữ quân sự trái phép tại quần đảo Hoàng Sa, vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam được xác lập từ thời các triều đình phong kiến. 
"Quý phái" - Hot girl Lâm Na na
Không né tránh vấn đề chủ quyền
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông cho biết, các học giả, giới nghiên cứu hiện vẫn khó tiếp cận các văn bản, tài liệu gốc về chủ quyền biển đảo. Bản thân ông đã phải bôn ba khắp nơi để lần tìm bản gốc của một số tài liệu đã được công bố về Hoàng Sa và Trường Sa. "Tôi cho rằng, nhân dân rất cần được hiểu đúng và đủ về chủ quyền, mà muốn vậy giới học giả, nhà khoa học, báo chí phải được tiếp cận các tài liệu bản gốc”. Tiến sĩ Nhã gợi ý, hiện Nhà nước Trung Quốc khuyến khích giới học giả nước họ tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử, đặc biệt là lịch sử về biển đảo. Nếu Việt Nam ta cũng quảng bá thật tốt những chứng cứ lịch sử về Hoàng Sa và Trường Sa thì biết đâu chính giới nghiên cứu Trung Quốc cũng sẽ nghiêm túc trao đổi, nhìn nhận đúng hơn về lịch sử tranh chấp.
Cùng các khuyến nghị liên quan, ông Nguyễn Văn Kết (Tạp chí văn thư Lưu trữ Việt Nam) nêu thực tế, báo chí trong nước hiện vẫn chủ yếu khai thác các nguồn tài liệu về biển đảo Việt Nam từ các hội thảo quốc tế, từ các sưu tập cá nhân hoặc các tổ chức trong và ngoài nước, trong khi nguồn tài liệu tại các Trung tâm lưu trữ vẫn chưa có đầu mối thống nhất trong việc thu thập và quản lý. "Vì những khó khăn trên, tôi tha thiết đề nghị trong thời gian tới, các cơ quan lưu trữ sẽ rộng cửa để các nhà nghiên cứu, các học giả, nhà khoa học được tiếp cận nguồn tài liệu này. Đặc biệt, Nhà nước cần gấp rút tổ chức thu thập các loại tài liệu trong và ngoài nước liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam nói chung và về Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng”, ông Kết đề nghị.
Ghi nhận góp ý của giới học giả, nhà nghiên cứu trong nước, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Vũ Thị Minh Hương khẳng định, Cục sẽ làm hết sức để đẩy mạnh công tác sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm về chủ quyền, đặc biệt là tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng sẽ tổng kết, đánh giá kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong công tác lưu trữ để phát huy giá trị của các nguồn sử liệu, phục vụ cho cuộc đấu tranh pháp lý bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Thành Luân
(Một số ảnh không liên quan đến nội dung bài viết)
"Vết nứt" - tranh của họa sĩ Wafaa Fardani

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét