Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Con đường bình thường của các đồng tiền “An Nam”

Tiền Quang Trung Thông Bảo.
Trường hợp các đồng tiền “An Nam” bàn dưới đây chỉ là một minh chứng nhỏ, được cố gắng đem vào trong toàn cục lịch sử vốn đã từng bị làm méo mó, đến mức có người tưởng là vô phương cứu chữa.
Tóm tắt
Trong các loại tiền thời Tây Sơn có các đồng tiền mang niên hiệu Càn Long và Quang Trung, mặt sau có hai chữ “An Nam” được giới sưu tầm và các nhà nghiên cứu cổ tiền học chú ý. Đã có nhiều ý kiến tranh luận gay gắt xoay quanh cácđồng tiền này, theo những khuynh hướng chính trị, tâm cảm có lúc tách rời với khung cảnh thật của quá khứ.
Từ việc xem cái tên An Nam là quốc danh của nước ta trong mối quan hệ Thiên triều-Phiên thuộc với Trung Quốc,tác giả bài viết cho rằng sự ra đời của các đồng tiền này chính là một biểu hiện của mối quan hệ ấy. Đồng Càn Long - An Nam ra đời nhằm khẳng định việc chiếm hữu của nhà Thanh khiđem quân xâm lược nước ta, cũng như cách Thanh triều đãlàm đối với những phiên thuộc khác. Đồng Quang Trung-An Nam ra đời sau khi Quang Trung được nhà Thanh công nhận là An Nam Quốc vương năm 1789, mang ý nghĩa xác nhận quyền lực, đúng lúc cho nhu cầu cần sự chính danh của vua Quang Trung trong lãnh vực đối nội lẫn đối ngoại.
Đặt đúng vị trí của các đồng tiền này trong bối cảnh lịch sửthời bấy giờ sẽ thấy sự xuất hiện của chúng không phải là một biến cố lớn lao trong lịch sử cổ tiền Á Đông.
Các đồng tiền “An Nam” trong thư tịch cổ tiền học và những giải đáp lạc lõng
Các đồng tiền nói đến ở đây là những đồng tiền của niên hiệu Càn Long (1735-1799) và Quang Trung (1788-1792), mặt sau có hai chữ “An Nam” (Hán, loại rõ rệt hay kiểu cách). Theo tài liệu nắm trong tay, chúng tôi thấy đồng Càn Long có mặt trong sách của A. Schroeder (số 445) nhưng không có Quang Trung “An Nam”[1]. Đinh Phúc Bảo có hình Quang Trung “An Nam”, không dẫn giải nhưng nhắc ở phần Cổ tiền mục lục, quyển 5 mà không có Càn Long “An Nam”[2]. “Nhà văn” (theo cách tự xưng) Phạm Thăng đưa ra một dạng đồng Quang Trung “An Nam” trong sưu tập phong phú của mình[3]. A. Barker thì đưa hình Quang Trung “An Nam” nhưng không có chú thích riêng biệt, khác với trường hợp Càn Long “An Nam” lại dài dòng hơn[4]. Qua Nguyễn Anh Huy (sách và những bài viết khác)[5] mà biết rằng các đồng tiền “An Nam” đã được ghi nhận từ lâu trong nhiều sách, bài cũ của các tác giả Đông Tây khác. Và với tình hình sôi động tình cảm lịch sử trong nước, vấn đề tiền “An Nam” đã nổi lên ở mức độ không bình thường nhưng lại nhân danh nghiên cứu, với những lời lẽ xu nịnh, mắng chửi nặng nề, che lấp tính chất đương nhiên của một xuất hiện hợp lí như thế trong quá khứ đang tiếp diễn.
Cũng thật là dễ hiểu. Trong việc nghiên cứu, kết quả không chỉ tùy thuộc vào kiến thức mà còn là ở tâm cảm nữa. Mà sự tách biệt này không phải lúc nào cũng là điều dễ dàng. Nghiên cứu, xét về mặt thuần lí, đòi hỏi sự thành lập các chuyên ngành cho có sự sâu sát từng vấn đề, từng lãnh vực riêng biệt nhưng không thể xoá bỏ tính chất thực tại vốn chỉ là một nên lại không thể ngăn cách các suy luận chồng lấn lên nhau, phụ giúp cho nhau. Cổ tiền học là một chuyên ngành dính dáng đến sử học vì tiền tệ là của con người làm ra, trong một thời đại lịch sử, các điều này có tác động đến các biến chuyển trong thời gian sinh họat của nó. Nhưng cổ tiền học cũng phải có những phương pháp làm việc riêng biệt để xây dựng chuyên ngành. Không cần phải đi vào chuyên sâu, chỉ là nhà sưu tập bình thường, ví dụ người ta cũng biết các trường hợp tiền có hai mặt giống nhau, hoặc khác nhau mà không cùng nguồn gốc thì chỉ là do lỗi kĩ thuật tạo nên. Mặt “trái” hay mặt “phải” cũng thế. Không có gì là sự cưng trọng, tôn sùng hay ghét bỏ trong hiện tượng ấy cả. Nhưng khi tiến lên một mức độ khác, tình hình lại phải tùy thuộc vào khả năng của người nghiên cứu trong thiện chí tìm tòi sự mở rộng kiến thức của họ. Làm người sưu tầm đã phải khổ tâm, để trở thành nhà cổ tiền học lại tăng thêm cực nhọc mà tiến qua lãnh vực sử học thì sự đòi hỏi không thể dừng lại ở những kiến thức phổ thông được. Nếu có chút hiểu biết về lí thuyết Gresham: “tiền xấu đuổi tiền tốt” – xấu hay tốt hiểu theo nghĩa giá trị trên thị trường, thì không ai lại giải thích việc lưu hành một đồng tiền, lấn át tiền khác bằng lí do tiền mang danh hiệu ông vua (Quang Trung), hay tập họp (Tây Sơn) ưa thích cả. Đã gọi là định luật thì nó mang tính bao quát, không tùy thuộc vào ông danh nhân hay tên bần tiện nào. Nghĩa là khi bước qua một lãnh vực khác, ở đây là sự bắt cầu từ cổ tiền học qua kinh tế/sử học, cần phải thận trọng, phải dè chừng những khoảng trống kiến thức chưa đạt tới, không thể tự phụ từ sự hiểu biết về trước của mình trong khuôn khổ cũ mà cho là có thẩm quyền để bàn tán lung tung về những lãnh vực mình chỉ biết loáng thoáng.
Nguyên cớ sai lầm lại không phải chỉ ở lãnh vực kiến thức. Nhà cổ tiền học khi nhìn các đồng tiền “An Nam” kia đã tìm hiểu xem nó xuất hiện trong thời gian nào, mang đặc tính riêng biệt gì của vật thể để sắp xếp vị trí trong hệ thống chung, do đó cũng liên hệ đến các chủ nhân của vật dụng… nghĩa là phải đoán định cho một kết luận vốn cũng gây tranh cãi như ở bất cứ công trình kiến thức nào khác. Thế mà ở đây, như đã thấy, các nhân vật lịch sử và thời đại lại rơi đúng vào những vấn đề gây nhiều bàn tán sôi nổi, theo các khuynh hướng chính trị, tâm cảm có lúc tách rời với khung cảnh thật của quá khứ, ảnh hưởng đến cả quan điểm của nhà nghiên cứu nước ngoài, vốn với tinh thần cầu thị, cũng muốn dựa vào ý kiến của người bản xứ, cho là có thẩm quyền hơn về vấn đề đang bàn thảo. Như R. Allan Barker đã đem tiền An Pháp ghép vào với nhà Mạc rồi phân vân với địa điểm Hà Tiên, lấn sang một đồng Thái Bình[6] chỉ vì đi theo lập luận đương quyền mang tinh thần địa phương, giải thích đoạn văn của Lê Quý Đôn theo kiểu chính thống, để cho rằng chỉ vương triều Mạc mới có thẩm quyền đúc tiền, không kể rằng ông Tham quân ghi nhận một nhân vật, sự kiện đương thời, không có lí do gì phải nói về triều Mạc trăm năm trước, trong một quyển sách viết về Đàng Trong đang có họ Mạc lái buôn, tổng trấn thần phục họ Nguyễn đã xưng vương mà chưa tìm được người chuẩn nhận.
Tiền và quốc danh
Tất nhiên ở đây không bàn chuyện lan man về tiền tệ nói chung mà chỉ nói về hình thức đồng tiền thông dụng ngày xưa của Việt Nam, vốn cũng là lấy mẫu từ đồng tiền thông dụng của Á Đông, có hình dạng cố định từ 2300 năm trước, khởi thủy từ văn minh Trung Hoa. Ngoài các thứ tiền giấy xuất hiện muộn, còn hầu hết đều làm bằng kim khí – thông thường là chất đồng, có hình thức vành tròn lỗ vuông, cũng phần lớn một mặt có bốn chữ Hán với niên hiệu của ông vua đang trị vì cùng với những dấu hiệu riêng biệt mang dấu vết thời đại, biến động hay ý thích riêng tư, ngẫu nhiên… lúc chế tạo. Như đã thấy ở đây, các đồng tiền xuất hiện từ những thời cơ khác nhau, mang các niên hiệu Càn Long của nhà Thanh, và Quang Trung của đất nước vốn chỉ mới có tên là Việt Nam từ 1804, nhưng với đương thời là Đại Việt, lại mang dấu hiệu An Nam. Cho nên lại phải bàn lan man thêm về Quốc danh và Ý thức về quốc danh mới có thể dẫn đến hiểu đúng về các đồng tiền kia nay đã bị tinh thần thời đại đẩy vào những kết luận quá xa.
Nước có tên nhưng không phải lúc nào cũng được hiểu tách rời với dòng họ, con người đang nắm thực quyền trên vùng đất ấy. Người cầm quyền luôn luôn nhắc thần dân chớ quên điều đó. Hoặc bằng lệnh hẳn hoi như khi Trần Thái Tông buộc gọi vua là “Quốc Gia”. Như liên hệ với vấn đề đang bàn, ở Trung Quốc có các đồng Đường Quốc thông bảo của Hậu Đường (923 – 936), có đồng Chu nguyên thông bảo của Hậu Chu (951 – 960). Nhà Tống có các Tống nguyên thông bảo, Hoàng tống thông bảo để cho nhà Trần cũng đúc Trần nguyên thông bảo, Hoàng Trần thông bảo dù đã thêm chữ “trần” gắn vào các niên hiệu trên những đồng Khai Thái, Thiệu Phong.
Vì buộc hiểu Nước là Của Vua nên cái tên nước Đại Việt lưu truyền đến 7 thế kỉ chỉ được xuất hiện lẻ loi tội nghiệp trên tên vài quyển sách sử (mà có khi còn bị cắt mất chữ Đại), hay trên vài tấm bia đá… Trước đó, Đinh, Lê cũng không màng đến Quốc danh Đại Cồ Việt mà đúc tiền niên hiệu Đại (Thái) Bình, Thiên Phúc để chứng tỏ tính cách chủ nước của mình, vẫn thêm chữ “đinh”, “lê” mặt sau để xác định thêm Quốc tính, khỏi lẫn với các niên hiệu vay mượn của phương Bắc. Và như đã thấy, Đại Việt của Trần cũng không thấy xuất hiện trên đồng tiền. Danh hiệu đó rõ ràng không có được sức cạnh tranh rộng rãi, lâu dài của cái tên gây dị ứng ngày nay, có liên quan đến vấn đề đang bàn thảo: An Nam.
Cái tên chỉ vùng đất này cũng có lịch sử mang tính cách thời đại xuất hiện của nó, không tùy thuộc vào sự tôn xưng hay khinh ghét nào của người sau. Nhà Đường, triều đại trước thời nước Việt độc lập, có một vùng đất thuộc địa phía nam nên đặt tên là An Nam Đô hộ Phủ – cũng như ở phía tây có An Tây Đô hộ Phủ, giản dị như thế mà thôi. Tất nhiên cái tên An Nam có mang ý nghĩa tự phụ, trên trước của người cầm quyền đang ngự trị ở Trường An lúc ấy. Nhưng có vẻ vì thói quen trở thành thông tục, có thể nói đến một sự biếng lười của con người, một khi cái tên đã thành “tên” thì người ta dễ dàng chấp nhận nó như một cách dùng tiện lợi, có lẽ không quan tâm nhiều đến ý nghĩa muốn gán ghép ban đầu nữa. Điều này còn nhiều chứng thực về sau nhưng ngay thế kỉ X, đã có chứng cớ là đời Ngô lấy tên vùng đất mình cai trị là Đô Hộ Quốc, bởi vì Đô Hộ Phủ nay đã có bậc “vương”! Các triều vua Trung Quốc không đủ thực lực phái người đến cai trị vùng An Nam ngày trước thì phong cho người địa phương cầm quyền một chức tước của mình để cầm chân, để lấy uy thế, chìu theo hướng kẻ kia muốn làm chủ vùng đất, xưng “vương”. Thế là có tên An Nam Quận vương. Vị thế tương quan giữa ông Hoàng đế và ông Quận vương trấn nhậm cõi xa kia có lúc thay đổi thì chức tước cũng thay đổi theo. Hoàng đế bị dân mình hay dân ngoài đuổi chạy, lo thân không nổi thì cầu cứu kẻ lạ mình không đặt để kia, nâng cấp cho nó để hi vọng nhờ cậy, thế là vua Tống bị Kim, Mông Cổ uy hiếp liền phong Quốc vương cho vua Lí, không cần phải đợi nài nỉ nữa! Minh bị Thanh rượt đuổi, không những không kì kèo tước Quốc Vương với vua Lê bị con cháu nhà Mạc khiếu nại (cho là chính Trịnh mới nắm quyền thực sự), mà còn níu kéo Trịnh Tráng với danh hiệu Phó Quốc Vương nữa! Nhưng từ đó cũng hình thành một quan niệm chính quyền liên khu vực ở Á Đông được gọi là tương quan Thiên triều Phiên thuộc mà sự thực hiện đã gây ra nhiều tranh cãi dẫn đến nhờ cậy, binh đao. Chuyện sử chung liên quan đến các ý nghĩa gán ghép qua thời gian của đồng tiền đang bàn.
Dù là giới hạn trong khu vực Đông Á, tính chất quốc tế của quốc danh An Nam đó giải thích được sự thất thế của quốc danh Đại Việt mà các ông vua sử dụng cho việc nắm quyền bính bên trong. Lái buôn, giáo sĩ đến vùng đất này không biết đến tên Đại Việt. Marco Polo đưa về châu Âu tên Caugigu (Giao Chỉ Quốc), nơi đã có họ Trần làm chủ. Giáo sĩ tiếp xúc với dân chúng biết đến các tên bình dân Đàng Trong, Đàng Ngoài nhưng về “chữ nghĩa” thì gọi tên các nước Quảng Nam, An Nam/Giao Chỉ/Koche đến mức có thể giải thích danh xưng Cochinchina (Cauchechina 1529) có nguồn gốc liên hệ đến tên vùng “Koche gần China”! Bản đồ Taberd 1838, vào thời Minh Mạng còn ghi Tabula geographica Imperii Annamatici, dù với chữ quốc ngữ là Đại Nam họa quốc toàn đồ. Và không phải đó chỉ là do người ngoài sai lầm, khinh miệt nhạo báng. Cũng như ngày xưa với tên Đô Hộ Quốc, tên An Nam vẫn được chấp nhận trong lớp trí thức, thành thói quen của bình dân. Quyển sử Trần Trọng Kim ban đầu có tên là An Nam sử lược (1920) đến lúc tái bản 1953, qua sự thành lập Quốc Gia Bảo Đại mới đổi tên là Việt Nam sử lược. Đến cuối mùa thuộc địa còn có La civilisation annamite (1944) của Nguyễn Văn Huyên. Rồi không phải chỉ có chuyện phong kiến thực dân, đã có những tên An Nam Cộng Sản Đảng, An Nam Cộng Sản Liên Đoàn. Còn ông Nguyễn Văn Vĩnh thì moi móc: “An Nam ta… gì cũng cười.”
Cho nên suy cho cùng, chữ An Nam ngoài sự vướng víu với ý nghĩa thuộc địa, phiên thuộc xa đã lẩn vào trong tiềm thức, thông thường vẫn được chấp nhận sử dụng không đắn đo. Nó chỉ nổi bật lên như một dấu vết ô nhục từ sau 1945 với sự thất bại của người Pháp, đi theo với một hệ thống văn từ sử học chính trị quy tội người Pháp đã gọi người Việt bằng tên An Nam, kèm theo những bằng chứng tàn tệ, đại loại lời mắng “sales annamites” / “đồ Annam dơ dáy, bẩn thỉu” cũng từng sẽ đi vào văn chương lịch sử của người ngoại quốc khi nói về thời kì Pháp chiếm hữu Việt Nam. Nhưng cũng phải nhận rõ rằng trong văn chương thuộc địa người Pháp vẫn dùng các từ Annam, annamite một cách bình thường. Trừ những miệt thị riêng biệt của một tác giả nào đó, còn thì các từ trên vẫn nằm trong giấy tờ, văn thư trang trọng của nhà nước thuộc địa khi nhắc tới các sinh họat của người dân, các phong tục annamite, các mandarin annamite, về “l’ Empereur annamite”… Nhìn theo hướng xấu xa, người ta viện lẽ rằng khi gọi tên người dân của một xứ, một vùng nào đó người Pháp đã ghép các tiếp vĩ ngữ mang một thứ bực kì thị rõ ràng, ví dụ sang trọng là France/francais, Angleterre/anglais, Saigon/saigonais, Tourane/touranais… thấp hơn, là Chine/chinois, Inde/indien, Hanoi/hanoien, Hue/hueen…. Do đó annamite ít thấy lại càng chứng tỏ vì người ta đã xếp dân Annam vào loại bét trong thiên hạ! Nhất là khi nó đi theo nhóm từ mắng mỏ: sales annamites kia.
Có lẽ hơi oan cho người Pháp khi cho rằng chính họ đã sáng tạo ra từ annamite. Vì thành kiến, vì biếng nhác, không ai chịu khó đi tìm bằng chứng xa hơn nhưng xét các tộc người mang tiếp vĩ ngữ i-t-e thì thấy quy tụ ở vùng Trung Đông là nhiều nhất, vùng của nơi xuất phát tôn giáo vẫn còn mang một mức độ tách biệt với nhiều người Việt Nam! Ở đó có tộc người Sémite, có nước Israel của dân Israelite, có con cháu Moab từ trong Kinh Thánh mang tên Moabites là dân tộc du cư bên bờ biển Chết. Một tông đoàn truyền giáo danh tiếng có mặt ở Việt Nam dựa vào tên chúa Jésus mà lấy tên là Jésuite, tiếng Việt là Dòng Tên (của Chúa… Cả tên của một nước theo đạo Hồi mà cũng là “it”: Arabie Séoudite. Vậy có lẽ nên tạm chấp nhận là chính các giáo sĩ thuộc làu Kinh Thánh đã khai sinh ra từ annamite để gọi người Việt. Còn tức giận vì sự miệt thị “dơ” thì cũng nên nghĩ lại. Dưới thời Minh Mạng, có anh ở đảo Bành Hồ ngoại vi Trung Quốc, đỗ cử nhân nên thành có danh vọng, anh này bị bão dạt vào Việt Nam, không chịu cho nhà nước đưa về bằng thuyền mà lại đi đường bộ về Tàu. Đi đến đâu anh ta cũng được quan chức tiếp đón trân trọng (từ phục trở thành sợ Tàu thấy rõ), có ông quan đầu tỉnh rủi ro đang phơi áo bắt rận thì khách bước tới. Chưa hết chứng cớ: Hai ông danh sĩ, đại thần Lí Văn Phức, Nguyễn Công Trứ đại diện nhà vua/quốc gia cứ gãi sồn sột trong lúc ứng tiếp với người Pháp. Cũng chưa hết nữa: Bức hình anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu lúc nhỏ cho thấy áo xống đàng hoàng nhưng lại đi chân đất, chứng tỏ các cậu ấm con quan Phụ chính Đại thần này, “ban ngày mang mảng đi chơi, Tối lặn mặt trời…” phủi chân lên giường ngủ chẳng cần rửa ráy gì cả[7]. Nói người thì cũng phải nghĩ đến ta. Học trò Collège Quinhon gọi một ông hiệu trưởng là “thằng” Boularand (nhưng lại kêu: Bà Boularand!) Không cần phải nhắc các tiếng gọi: thằng Tây, thằng Mĩ, thằng Nhựt… Ai muốn thêm chuyện đời nay thì cứ góp sức, tiếp tay. Và mong chấm hết chuyện sales annamites. Dài dòng vốn là để chỉnh lại chuyện các đồng tiền An Nam, để đặt chúng trở về vị trí lịch sử bình thường.
Trở lại với tiền Càn Long “An Nam”
Tiền kim khí vành tròn lỗ vuông được định hình từ đế quốc Tần Hán, mang niên hiệu vua trị vì, từ thế kỉ IV nên nhà Thanh cũng không làm gì khác để canh tân một truyền thống lâu đời. Có điều, họ là người “ngoại di” vào cai trị Trung Quốc nên đúc tiền có ghi thêm chữ Mãn Châu của dòng tộc họ, như xác nhận thêm một vai trò chủ nhân riêng rẽ. Đất nước Trung Hoa lại quá lớn rộng nên tiền đúc sử dụng cho vùng ngoại biên phía Tây phải thêm chữ của các tộc Hồi, Mông, ví dụ tiền Càn Long thông bảo do Y Lê Bảo Y Cục đúc (tên sông Yli chảy vào hồ Balkach) là dành cho dân vùng nay thuộc nước Kazakhstan. Trừ các tiền của trung ương do bộ Công (ghi mặt trái bằng hai chữ “nguyên bảo” Mãn), bộ Hộ đúc (có hai chữ “tuyền bảo” Mãn), mỗi tỉnh còn có một cục đúc tiền riêng, ghi ở mặt trái tên tắt của tỉnh ấy (ví dụ “vân” là Vân Nam, “quảng” là Quảng Châu, “phúc” là Phúc Kiến…), nói gọn, có khi là chữ Hán, Mãn tương đương hai bên lỗ, có khi là “ (tên tỉnh) bảo” chữ Mãn hai bên lỗ… Như vậy đồng Càn Long “An Nam” cũng là nằm trong truyền thống ấy, phải được giải thích theo truyền thống ấy. Vấn đề còn lại là chấn chỉnh những chi tiết.
Việc quân Thanh có mặt ở Thăng Long quanh cuối 1788, đầu 1789 xác định đồng Càn Long “An Nam” đã được đúc vào thời kì ấy. Nhưng truyền thống vốn cũng có nhiều dạng, đồng thời. Tiền đúc ra là để tiêu dùng, tiền Càn Long “An Nam” phát sinh vào thời động binh to lớn nên được coi là để phát lương cho quân Tôn Sĩ Nghị, và vì mang tên một ông vua Thanh nên hẳn phải được đúc bên Tàu, như giải thích của A. Barker, và của Ed. Toda theo chỉ dẫn Nguyễn Anh Huy. Nhắc lại, nhiều truyền thống tồn tại đồng thời nếu không có các điều kiện loại trừ nhau. Nước Trung Hoa lớn rộng, tiền đúc nhiều không phải được sử dụng trong nước mà còn theo dòng giao thương đi ra nước ngoài, xa thật xa, đến Ấn Độ, đến tận châu Phi. Cứ coi các lô tiền phát hiện ở Việt Nam, phần rất lớn là tiền Đường, Tống, Thanh… thì đủ biết. Cho nên không cần khi động binh mới lo đúc tiền - chưa kể không dễ mà đúc kịp. Tiền kim khí bền vững, dạng hình vuông tròn có mẫu cố định lâu dài không gây lầm lạc, nên người dân cứ dùng tiền có sẵn, không nệ tên ông vua nào, thằng giặc nào. (Vả lại không thể đọc ra chữ trên ấy, chân còn không được, nói chi đến thảo, triện!)…[8] Kĩ thuật đúc còn nhiều khó khăn, hao phí nhiều, các nước, các nhân vật triều đại yếu thế, kém phương tiện cứ cho dùng các đồng tiền tuôn đổ từ Trung Quốc, qua các trao đổi chuyển sản phẩm ra vật giao dịch chung. Chính vì thế mà trên đất Việt tràn đầy tiền Trung Quốc. Chỉ có lúc đột nhiên mở rộng giao thương, vượt khỏi ao nhà Đông Á, với các thương thuyền phương Tây hiện diện ở các thế kỉ XVII, XVIII, vua chúa Việt mới ra lệnh đúc nhiều tiền, mà lại cũng phải nhái theo các mẫu Trung Hoa (Đàng Ngoài theo tờ Lệnh 1745, Đàng Trong 1725, 1746), điều đó hẳn cũng là nguyên nhân dẫn đến tình hình loạn danh hiệu tiền ta thấy trong các sưu tập bây giờ.
Tiền còn mang dạng truyền thống khác, không phải chỉ là vật trung gian để trao đổi mà còn là vật chứng nhận quyền uy. Cho nên các ông vua phải đúc tiền, không cần phải nhiều, đủ cho dân chúng buôn bán, mà chỉ để lấy uy trong vòng hạn hẹp, như khi Lí Thái Tông đúc tiền Thiên Cảm mang danh hiệu của người thiếp cưng, thêm tước ông con của vợ đó, ông đúc tiền Minh Đạo ban phát cho các quan văn võ trước khi đi đánh Chiêm (1044). Các tay nổi dậy, muốn chứng tỏ sự hiện diện của họ, muốn lôi kéo dân chúng vọng tưởng về một thời đại khác, đều cũng đúc những đồng tiền mà vì tính phù du của những cuộc nổi dậy đã gây khó khăn đoán định cho người sau. Một đồng Trần tân công bảo, cũng có thể đọc Trần công tân bảo được đoán định cho hai nhân vật lịch sử cuối Lê sơ (Trần Tuân và Trần Công Ninh), chẳng ông nào làm thoả mãn người sưu tầm cả – sai lầm có phần là do ông Tây đọc tiếng Việt, như khi cho đồng Thiên Bình thb. là của Trần Thiêm Bình vậy. May mắn là Ninh dân thông bảo của Nguyễn Tuyển 1740 được nhận ra vì sử ghi ông dựng cờ “Ninh dân”. Ðồng Chiêu đạo vương nha của con người khuất lấp Chiêu Ðạo Vương Trần Quang Xưởng đồng thời giúp ta thấy được khía cạnh phức tạp của triều đại Trần, của thời đại Việt Nam đời Lí Trần không như sử cũ tô vẽ, mà dấu hiệu ẩn khuất là nằm trong sự kiện kèn cựa giữa Trần Ích Tắc và Trần Nhật Duật, nơi hội nghị Bình Than của các thành phần sông nước đương thời.
Tóm lại, tiền Càn Long “An Nam” không cần phải đúc ra vì nhu cầu quân dụng của Tôn Sĩ Nghị. Nó chỉ xuất hiện để chứng minh cho một thực tế chiếm hữu của nhà Thanh: Đời Càn Long, vào cuối năm 1788 đó, trên vùng đất có tên là An Nam, vốn là một phiên thần lâu đời của Trung Quốc, nay đã thuộc hẳn vào Trung Quốc, nên phải có tên trong danh hiệu tiền của Thiên tử, giống như các tỉnh, Y Lê ngoại biên hay Phúc Kiến, Chiết Giang ở nội địa vậy. Vì thế giới hạn Càn Long thông bảo trong khoảng thời gian 1788-1802 do A. Barker đưa ra hẳn không thích hợp. Tiền này chỉ được đúc vào thời gian phù du Tôn Sĩ Nghị đóng quân trên đất Đại Việt mà thôi. Trong những biến chuyển quanh các năm 1788, 1789 đó, nhất là với chiến thắng lẫy lừng của Quang Trung, nhân vật Lê Chiêu Thống trở thành tội đồ của lịch sử, tha hồ cho người nay mắng mỏ. Cho đến nay hình như chỉ có ông Nguyễn Duy Chính từ vị thế bên ngoài, cách biệt với những sôi động tình cảm của số đông, đã lên tiếng nhẹ lời bênh vực ông vua thất thế kia. Tuy nhiên đó cũng chỉ là những tỏ bày kêu gọi thông cảm mà không đi vào tính cách duy lí của một tình trạng lịch sử thuộc vào quá khứ khu vực Á Đông: Lê Chiêu Thống cầu cứu nhà Thanh, và quân Thanh tiến vào Đại Việt là nằm trong giao ước Thiên triều Phiên thuộc như đã nói. Sau Chiêu Thống còn có nhiều nhân vật thực hiện trong vô thức mối giao ước đó mà người ta không để ý vì bị những sự kiện khác to lớn hơn che khuất, hoặc vì chưa đủ tâm ý, kiến thức để nhận ra mà thôi.
Cũng vì mối liên hệ đó mà, trước khi nhận xét trên những đồng tiền cụ thể, ta có thể nói rằng tiền Càn Long “An Nam” đã được đúc ngay ở Đông Kinh/Thăng Long. Tiền Trung Quốc đúc ở tỉnh có cơ quan riêng như tiền chữ “phúc” ở Phúc Kiến Bảo Phúc Cục, nên Vân Nam hay Quảng Châu không có phận sự đúc tiền Càn Long “An Nam”. Trong lúc đó Tôn Sĩ Nghị có ngay ở nơi đóng quân một truyền thống đúc tiền cũng lâu đời, có nhiều cơ sở ở ngay Đông Kinh, ở Sơn Tây, Sơn Nam với các đồng Cảnh Hưng dồn dập nhiều loại “thông/đại/thái/cự/chính/chí /thuận… bảo”, mặt sau mang các chữ “kinh”, “trung” từ kho kinh đô, các chữ “sơn tây” từ kho Sơn Tây… Ở đó họ từng đúc các loại tiền rõ ràng mang ảnh hưởng tiền Trung Quốc, tiền Thanh một cách vụng về hay rõ rệt với các chữ Hán, Mãn trên mặt sau. Ngày nay người sưu tập còn thấy đồng Minh Mạng thông bảo có “nguyên bảo” chữ Mãn ở mặt sau, cũng như có đồng Tường Phù “tuyền bảo” Mãn vậy[9].
Và Quang Trung “An Nam”
Một khi đã nắm vững được tính chính danh và sự liên tục của tên nước An Nam thì vấn đề tiền Quang Trung “An Nam” trở nên dễ dàng dù cũng phải ngăn chận những giải thích quá đà như đối với đồng Càn Long. Mà lần này thì phải chận những dẫn dắt tình cảm theo hướng ngược lại.
Tiền đúc với ý nghĩa xác nhận quyền lực thì đồng Quang Trung “An Nam” hẳn chỉ ra đời sau khi Quang Trung được công nhận là An Nam Quốc Vương trong năm 1789. Xác nhận này có thể gây tức giận cho nhiều người, rất nhiều người, cho rằng đã làm hạ giá ông vua anh hùng. Thật ra sự xuất hiện của đồng tiền này là đúng lúc cho một nhu cầu chính danh trong, ngoài. Đây là sự xác nhận với dân Bắc Hà về việc Quang Trung làm chủ nước An Nam cũ của nhà Lê bằng quyền lực thực tế, và được chuẩn nhận về mặt quốc tế (khu vực) bằng việc vua Thanh tấn phong, có sứ thần qua lại. Tiền có lí do tạo tác theo một biến cố, ở vào thời điểm rõ rệt nên số lượng không nhiều, do đó cũng lưu truyền ít oi so với các thứ cùng niên hiệu. Đặt đúng vị trí của nó trong dòng lịch sử cổ tiền Á Đông sẽ thấy sự xuất hiện của nó không là một biến cố lớn lao vượt khỏi ý nghĩa bình thường của một trường hợp tương tự, huống là gán thêm cho nó những danh vị ngô nghê trong những bài tụng ca cứ tưởng vốn không thể lặp lại ở thế kỉ văn minh.
Tất cả những xác định lạc lõng xảy ra chỉ vì phong trào Tây Sơn nói chung từng được ca tụng không hết lời, thêm ông Quang Trung đầy oai võ càng nâng cao thời đại có ông tham dự, dù là chỉ ở một phần đất nước Việt Nam ngày sau. Trong tranh luận về biến cố, nhân vật lịch sử thời đại này, người ta không quan tâm tới lí lẽ bình thường về các tranh chấp cá nhân, triều đại nên loại trừ các sự kiện thực tế đã có ghi chép rành rẽ, do đó lại càng không cần tìm hiểu sâu sát hơn nữa. Bảo rằng Gia Long tận diệt dòng dõi, quan chức Tây Sơn đến mức ví dụ, cho “chém Trần Quang Diệu hàng trăm mảnh” mà không chịu biết rằng trên đà chiến thắng, Nguyễn Ánh đã tha vợ bé (thứ phi!), bà con Nguyễn Nhạc lấy lẽ “chỉ là người đàn bà… là dân thường”. Người ta không thấy rằng theo tính cách một người chỉ huy có tinh thần thực tế, dưới triều ông có đầy các quan chức Tây Sơn cũ, trong đó có người chỉ đầu hàng vào phút chót! Và cũng trong tình hình thực tế sau biến động, Minh Mạng, ông vua cứng rắn nhất triều đại, từng hối tiếc là đã thiêu hủy sách vở Tây Sơn để đến nay cần muốn biết xem thời ấy như thế nào thì không biết phải tìm nơi đâu!
Với quan điểm phe phái thiên lệch quá quắt như thế, người ta không cần đi sâu vào chuyên ngành để tìm ra lí lẽ nên cứ lầm lạc theo đà phê phán có sẵn mà dẫn dắt học giả nước ngoài rơi xuống hố như mình. Sử gia G. Dutton đã dựa vào sách của cơ quan chuyên ngành cao nhất nước mà cho rằng từ lệnh 1839 cấm sử dụng tiền Tây Sơn, để có thể suy ra lòng tưởng nhớ dai dẳng, sâu sắc của dân chúng đối với triều đại thất bại kia đã vượt lên trên những cố công cùng sức của lớp người chiến thắng muốn hủy diệt Tây Sơn đến không còn vết tích nào[10]. Sách viết với quan điểm cũ, được in trong thế kỉ XXI mà không chú ý tìm tài liệu mới, có ông Nguyễn Anh Huy nhắc nhở rằng ngay trong Đại Nam thực lục (từng được dịch trong những năm 1970), đã có tờ chiếu 1816 cho phép vẫn thông dụng tiền Tây Sơn trong 5 năm nữa (1817-1821), như thế thêm thông tin là từ lúc triều Nguyễn phục hưng, dân chúng vẫn dùng tiền ngụy triều. Ông Nguyễn nhắc tờ chiếu kia, chủ yếu vẫn là đề cao (tiền) Quang Trung nói riêng và tiền Tây Sơn nói chung nhưng tờ chiếu kia lại cho thấy thực tế khác mà chính quyền Nguyễn phải chịu đựng, và cũng là yếu tố để nhà cổ tiền học phải lưu ý trong lập luận của mình đối với tiền Á Đông. Lí do thực tế đó là: “… (dân gian) noi theo đã lâu, chợt nghiêm cấm thì người tích trữ đọng lại mà không thông, người không quen thì ngại tiền mới, thực ra không tiện cho dân.” Ai bảo một chính quyền phong kiến độc tài thì không chú ý đến tình hình thực tế phải chịu đựng của người dân? Vậy là mười lăm năm sau khi “đổi đời” người dân vẫn dùng tiền cũ không phải vì nhớ tiếc Tây Sơn. Cho đến năm 1839 kia cũng vậy. Ông Mĩ quen sống ở thế giới bạc giấy Tây phương, máy in loạch xoạch thoáng chốc ra tiền, máy bay thoáng chốc rải ra khắp nước… lầm lạc là phải nhưng “học giả” Việt chỉ mới qua vài vụ đổi tiền để hủy dấu vết cũ, mới qua vài triều thay đổi mà đã quên chuyện tiền đồng với bao khó khăn tạo tác, với người dân mang thói quen dùng vật trao đổi vành tròn lỗ vuông kia, không cần biết các chữ gì trên ấy…
*
Tuy có rất nhiều cách để nhận mặt quá khứ nhưng quá khứ là thứ đã thành hình không thể cải sửa. Điều đó có nghĩa là tuy có khó khăn nhưng quá khứ không phải là thứ gì không nắm bắt được. Nó đã xuất hiện trong những điều kiện cụ thể, theo những trình tự hợp lí trong bộ óc con người nên tuy với thời gian cách biệt, việc tìm ra quá khứ ấy vẫn còn có những đường dây hợp lí để theo dõi. Cứ bám vào các sự kiện cụ thể, ráp nối chúng vào nhau, đâu đấy đã có tông phả, chỉ cần tìm ra vị trí đúng của chúng là ghép xong, là thấy thời xưa hiện về, không hoàn hảo nhưng cũng không phải chỉ là vu khoát, tùy hứng. Trường hợp các đồng tiền “An Nam” đang bàn chỉ là một minh chứng nhỏ, được cố gắng đem vào trong toàn cục lịch sử vốn đã từng bị làm méo mó, đến mức có người tưởng là vô phương cứu chữa.
Tạ Chí Đại Trường
Chú thích:
[1] Albert Schroeder, Đại Nam hoá tệ đồ lục - Annam, Études numismatiques, Paris, Imprimerie Nationale 1905.
[2] Đinh Phúc Bảo, Cổ tiền đại từ điển, Đài Bắc, Thế Giới Thư Cục ấn hành, 5 quyển, 1964. Tựa của tác giả đề Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 27 (1939).
[3] Phạm Thăng, Tiền tệ Việt Nam theo giòng lịch sử. Tập 1: Từ thời Đinh Tiên Hoàng (968) cho đến 1975. Tác giả còn là họa sĩ tốt nghiệp trường Mĩ Thuật Gia Định 1952, có triển lãm tranh 1962, 1964, 1971 tại Sài Gòn, triển lãm tem thư tại Bangkok 1972. Sách do tác giả tự xuất bản tại Canada 1995, có bản in lần đầu 1990 tại Đức. Hình ở trang 128. Vì tình hình thực tế, chúng tôi không theo dõi được tình trạng trao đổi phong phú trên mạng nhờ sự phát triển ở Việt Nam sau 1975, trong đó có tham dự của người Việt di tản.
[4] Dr. R. Allan Barker, The Historical Cash Coins of Việt Nam - Vietnam’s Imperial History as Seen Through its Currency- Part I: Official and Semi-Official Coins,Singapore 2004.
Hình Quang Trung Annam tr. 218, Càn Long Annam tr. 224, 2 mẫu, hình và chú. Theo giới hạn hiểu biết của chúng tôi, đây là quyển sách nói về tiền cổ Việt Nam phong phú, viết và trình bày với tinh thần khoa học cao nhất. Tuy nhiên nền sử học Việt Nam trong nước đã gây ảnh hưởng sai lạc đến tác giả, không riêng gì về các đồng tiền An Pháp và một dạng Thái Bình, ví dụ tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong nhận xét về đồng Thiên Khánh, trang 92.
[5] Nguyễn Anh Huy, Lịch sử tiền tệ Việt Nam - Sơ truy và lược khảo…Nhà xuất bản Văn Hoá Sài Gòn 2010. Từ trong sách cũng được biết thêm các tác giả và luận văn khác. tiền Tây Sơn với tờ chiếu 1819 tr. 197, 211.
[6] A. Barker, sđd, trang 148-150.
[7] Câu hát ru em nguyên vẹn: “Ban ngày mang mảng đi chơi, Tối lặn mặt trời đổ lúa ra xay”.
[8] Tình trạng rối rắm này phát sinh những kiến giải sai lầm từ những hiểu biết thô thiển đến những lập luận mang dáng vẻ chuyên sâu. Như cứ thấy các đồng tiến trùng niên hiệu giữa Việt Nam và Trung Quốc thì gán ngay là tiền Việt. Như đã thấy, tiền là vật thông dụng trong dân chúng nên sự chấp nhận không nằm ở các dấu hiệu bác học (niên hiệu, lời gia tặng, can chi, chữ Hán…) mà là ở các hình thức quan sát, cảm nhận ngay được: đồng hay kẽm, dày hay mỏng, lành lặn hay mẻ sứt… Trên hết, và là điểm cố định lớn nhất trong sử dụng: là hình vành tròn, lỗ vuông theo truyền thống chuẩn nhận khu vực nên người ta không cần biết trong thứ đang cầm mua bán có niên hiệu ông vua Tàu, vua Nhật, có bán lạng hay ngũ thù, có tiền đúng là của vua sai đúc ra, hay của tên loạn thần tặc tử nào làm vua, dù trong thoáng chốc dù khá lâu dài như của ngụy Tây Sơn… Tình trạng tiền tự đúc lấy niên hiệu Trung Hoa (như ở Đàng Trong 1725, Đàng Ngoài 1745), hay việc Nhật đúc tiền bán, Hoà Lan kinh doanh tiền ở Đàng Trong là minh chứng cho sự chuẩn nhận bình thường đó. Vấn đề tính chất tiền xưa là “không biên giới” có khi cố tình được bỏ qua để phục vụ cho lợi ích chính trị cấp thời. Ví dụ trên chùm đảo Cressent của Hoàng Sa bị mất năm 1974 có đảo Money vì thấy có tiền Vĩnh Lạc (1403-1424) nơi đó nên là cớ cho một luận cứ về chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo. Cũng theo tâm thức đó mà người chủ trương triển lãm Hoàng Sa năm 1974 ở Sài Gòn đã lấy tên Quang Ảnh từ Đại Nam thực lục, thay vào. (còn đảo Robert được thay bằng Hữu Nhật, cũng lấy từ sử Nguyễn).
Vì thế đem áp dụng nguyên tắc thô thiển của khảo cổ học vào việc định vị thời gian cho một khái quật dựa trên xác nhận của một đồng tiềm kèm theo, sẽ dẫn đến lầm lạc rất xa. Chúng tôi đã chú ý đến tình trạng này nên đã có ý kiến từ 1988 là: “Sự hiện diện của một đồng tiền trong một ngôi mộ chỉ mang tính chất tiêu cực cho việc đoán định thời điểm chôn cất: Nó chứng tỏ rằng người chết chỉ được chôn sau khi đồng tiền ra đời mà thôi”. Chưa kể rằng trong thời gian “sống” đồng tiền đã kéo thêm tính chất khác theo với lịch sử lưu hành cho đến khi mòn mỏi của nó. Ví dụ, thấy tiền bán lạng ngũ thù của các thế kỉ đầu công nguyên mà cho rằng ngôi mộ ở vào thời kì (Đông Sơn) đó thì thật tội nghiệp, bởi vì nếu tiền chồng thành từng cục 36 đơn vị thì mộ không thể nào được chôn trước hậu bán thế kỉ XV cả, vì dấu hiệu 36 đơn vị đó chỉ được sử nói đến năm 1467 mà thôi (Khâm định Việt sử cương mục, bản dịch tập Một. Nxb. Giáo Dục, 1998, trang 1059-1060, là dẫn chứng đầu tiên trong sử về tiền gián - với các tầng cấp đơn vị: 1, 36, 360). Trong những năm 1960, lập Ấp chiến lược người ta đã thấy có tiền Ngũ thù lẫn lộn tiền Việt, tiền Đường Tống giống như các tập nhóm khác lưu hành vào thế kỉ XVII, XVIII ở Đàng Trong.
[9] Tạ Chí Đại Trường, Những bài dã sử Việt, Nxb. Tri Thức, Hà Nội 2009, tr. 335. Hình mờ vì dùng một bản in khác.
[10] George Dutton, The Tây Sơn Uprising - Society and Rebellion in Eighteenth Century Vietnam, University of Hawaii Press, Honolulu 2006.
Nguyên văn phần nhận xét về tiền Tây Sơn (pp. 231-232): “Tây Sơn loyalists continued to find ways to stir up unrest, despise the relentless Nguyễn efforts to remove all traces of Tây Sơn rules. The new court’s efforts in this direction continued to confront reminders of the Tây Sơn, both material and psychological. Although the Nguyễn could tear down some of the structures that had been erected by the Tây Sơn, they could not put an end to the use of the TâySơn-minted coinage. These coins, bearing the names of the three emperors, represented a constant reminder of that dynasty well after it had been overthrown. Nguyễn efforts to halt the use of these coins were limited and ineffectual, reflected in the fact as late as 1839 edicts were still being issued against their continued ciculation”. Chú cho biết là dẫn theo Việt Nam những sự kiện lịch sử (từ khởi thủy đến 1858), Hà Nội, Nxb. Giáo Dục 2001.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét