Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Cơm thầy cơm cô (P III)

"Hoang dại" - Hot girl Nguyệt Yari
Thằng có cái cổ đầy những thuốc cao góp chuyện: 
- Ừ, bác như thế cũng đã sướng thật, nhưng chưa bằng tôi. Bây giờ tôi bị bệnh tật nên trông mới xấu xí thế này, chứ hồi mới đi ở, còn đẹp giai thì tôi còn sướng bằng vạn các bác. Thầy bói nào cũng bảo tôi có số đào hoa, thực đúng quá. Tôi sướng hơn các bác ở chỗ thỉnh thoảng lại được bà chủ yêu, hoặc con gái bà chủ... (ảnh không liên quan đến bài viết)
Bi hài kịch
Trong khi tôi đương liên miên nghĩ ngợi về những người dân quê dại dột như thế, bỗng lại thấy hai con sen nữa cũng tiến đến. Một đứa mặc váy, cắp một cái thúng nhỏ, tóc còn ngắn, tỏa một cách hỗn loạn xuống trán và gáy, dáng đi lạch bạch như một con vịt bầu. Còn đứa kia, mặt mũi tuy sạch sẽ hơn, lại mặc quần hẳn hoi, song tinh thần ngây ngô dại dột vô cùng, trông cũng không có một chút nào là vẻ đã ở tỉnh thành cả. 
Cả hai đứa loay hoay không biết kiếm một chỗ nào ngồi chứ đừng nói đến nằm. Tôi bảo bà lão già: 
- Bà ngồi dẹp vào cho người ta nằm với. 
Bà lão vâng lời, dẹp chỗ rồi lại phe phẩy quạt cho hai đứa mới đến bằng cái tinh thần một người mẹ già nuông con. 
Tôi đứng, hai tay gãi sườn, ngắm nghía cái đống vô nghĩa lý ấy rồi tự hỏi: Ta sẽ làm gì cái bọn này? Tôi không phải đến chỗ này để nhìn cái cảnh ấy mà thôi. Phải làm thế nào cho bọn ấy nói chuyện với mình, tin mình, phục mình, mến mình, đừng buồn ngủ nữa, đừng đau khổ nữa, đừng đói khát nữa... 
Tự nhiên tôi thọc tay mân mê mấy hào chỉ trong túi. Một rá xôi bán ở nhà ngoài, ấy đó, một cách chiếm lòng yêu của kẻ khác trong thế gian! Khốn thay, nếu như thế, sợ thiên hạ đồn rầm lên, mà rồi tôi sẽ bị mụ chủ hàng cơm nghi hoặc, thì rồi đến mất đi lại. May sao tôi chợt nghĩ đến nhà trinh thám đại tài trong truyện Mephisto. Khi vào đến hang hùm tổ rắn của bọn gian phi là một hàng cơm, muốn khỏi bị nghi ngờ, muốn được yêu mến nữa, nhà trinh thám chỉ việc ép lòng làm một nhà tài tử bê tha và lãng mạn. 
Một bài Nam Ai hay một bài Văn Thiên Tường thí phí của quá mà không hợp, tôi dùng đến mấy điệu hát chèo là lối thịnh hành vùng quê. 
Tôi vừa làm điệu bộ vừa hát: 
Mừng bề trên trường trị, xã tắc muôn năm trường thọ! 
Mừng làng ta đất gồm văn võ 
Đức anh linh ủng hộ muôn nhà 
Nhớ Tống triều niên hiệu Kiến Quang 
Đâu đâu đấy đấy giàu sang 
Trăm họ nơi nơi no đủ. 
Xem trong tích cũ: 
Có một chàng tên gọi Trương Viên 
Cha mất rồi còn mẹ cao niên 
Chàng dốc chí chuyên nghề kinh sử! 
Nhà hàn sĩ nghèo nàn cơ khổ 
Mà được quan thừa tướng gả con cho! 
Chỉ có thế, cả bọn "khán giả" ấy cũng đủ bị tôi thôi miên. Anh chàng đầu trọc và mặt bủng da chì ngửa cổ hề hề cười như một chú khách lồi rốn. Thằng cha có cái cổ đầy những lá thuốc cao hết trầm tư mặc tưởng với trăng sao trên trời, quay lại đăm đăm nhìn tôi. Thằng bé con ho lao hết ho sù sụ như một ông cụ. Bà lão già cũng ngây người ra như một pho tượng sống, hết cả phe phẩy quạt cho những kẻ chung quanh. 
Tôi nhìn cả bọn ấy một cách đắc chí, rồi đổi sang giọng nồi niêu: 
Trách bởi vì đâu ta học dốt như bò 
Bút lông mèo tình chung mà ta ngậm í i 
Để cho ho một đời! 
Bỏ bút lông, ta thử ngậm bút sắt ta chơi! 
Ta thử ngậm bút sắt ta chơi 
Bút sắt ta chơi ! 
Lỗ kia tình chung dù đứt í i mấy ta thời... 
Ta thời đóng đanh 
Chớ cái cuộc văn chương hồ dễ đã tan tành! 
Hồ dễ đã tan tành!
Đến đây xong thì năm sáu đứa trẻ lần lượt ngồi nhỏm dậy. Đứa đã dậy rồi lấy chân đạp vào mạng mỡ để đánh thức đứa khác còn ngủ say, như là khi còn ở nhà với mẹ cha, chúng rủ nhau đi xem chèo vậy. Hai con sen kia cũng đứng phắt lên, cái con mặc quần đứng sau lưng ôm cổ con bé mặc váy, y như ở đình làng. Tôi không thấy ngượng nữa, không biết tự mình là dơ dáng dạng hình nữa. Tôi chỉ thấy tôi oai vệ, sung sướng, đang kiêu ngạo như một thằng cơm thầy cơm cô một trăm phần trăm. 
Tôi bèn cúi khom lưng xuống y như một ông già mà lại gù, mà đi vòng tròn cái sân, lại hát: 
Lão tuy già lụ khụ, nhờ giời cho vẫn khỏe khòe khoe 
Vẫn khỏe khòe khoe!!! 
Kia như cái gậy gục, cái gậy gạc 
Nó có chà, nó có ngạc 
Lão bê vác, hục hà hục hạc 
Quệch quà quệch quạc 
Hạt mưa sa lác đa lác đác 
Lão vẫn khoác kè kè cái áo bông! 
Đầu tóc lão dù trắng xoá như bông 
Kìa thấy các cô con gái má hồng 
Lão vẫn, lão vẫn ! vẫn còn ư say ! 
Say, say, say, ngã chổng cò quay!!! 
Tôi ngã phệt xuống đất rồi ngồi xếp bằng tròn gọn một cái. "Cử tọa" rồ lên cười. 
Hai con sen cười to hơn cả, cười như những đồ đĩ dại, cười như đĩa kèm Fou Rire. 
Rồi một con, cái con mặt mũi sạch sẽ mà mặc quần - ồ lạ - cái con sen ngây ngô ấy - ồ lạ - buông hai cánh tay ôm cổ con bạn nó ra, ngã ngửa người xuống bằng bị giời đánh. 
Thưa các ngài, ấy là nó "cảm" tôi. 
Nếu tôi nói một cách có khoa học, một cách có văn chương, thì trong ái tình, cơn xúc động mạnh ấy, sự phải lòng giai ghê gớm ấy, người ta gọi là " cái tiếng sét", " le coup de foudre" vậy. 
Một người mê ông đến nỗi ngã lăn đùng ra lại không đủ khiến ông sung sướng, và, nếu ông có vợ, thì khiến ông về nhà thấy vợ ông là xấu xí lắm hay sao? 
Tôi đứng lên, khoan khoái... 
Tôi chờ cho con sen ấy gượng ngồi dậy, để rồi đỏ mặt mà xấu hổ. 
Những người khác cũng thế. 
Nhưng con sen ấy ngã xong là nằm cứng đờ... 
Như chết! 
Một vài người chạy đến xem sao... Tôi cũng chạy đến. Than ôi, thì ra nó bị động kinh! Hai mắt nó trợn ngược lên, chỉ còn trông thấy lòng trắng. Chân tay nó run lật bật lên. Rớt dãi của nó ứa ra trắng xóa cả mồm. Sự cười rộ đã thương tổn đến bộ thần kinh của nó. 
Lúc ấy, tôi cũng thấy hoảng hốt, lo sợ. Chung quanh tôi người ta nói đến những câu: phải gió, ngộ độc, chết, tim đau. Bà lão già sắp sửa khóc nữa. Tôi cố cắt nghĩa cho họ hiểu, bảo họ yên tâm. Tôi đuổi mấy thằng nhỏ ít tuổi xuống khỏi đống ván để lấy chỗ cho con sen động kinh nằm. 
- Không việc gì, rồi chốc nữa nó khỏi! 
Rồi tôi cũng ngồi xuống cạnh nó, nghĩ ngợi phân vân. 
Cái con sen mặc váy cắt nghĩa: 
- Chị ấy từ hôm bị điện giật tới giờ thỉnh thoảng lại thế. 
- Bị điện giật từ bao giờ? 
- Độ bốn năm tháng nay. 
- Sao mày biết? 
- Tôi có họ với chị ấy. 
- Thế nó bị điện giật như thế nào? 
- Chị ấy phơi quần áo trên bao lan. 
- Thế nào? 
- Phơi ngay áo ướt vào cái dây điện trước cửa. 
Nghe đến đây, tóc gáy tôi dựng đứng lên. Tôi lại vội hỏi: 
- Sao nó lại dại dột thế? 
- Chị ấy ở nhà quê mới ra thì biết gì! 
- Sao những đứa chủ nó không dặn nó cẩn thận? 
- Nào ai biết? 
- Thế lúc bị điện giật như thế nào? 
Con sen ấy lè lưỡi ra rõ dài một hồi lâu rồi mới đáp: 
- Dây điện hút hai tay chị ấy vào, một nửa người bị lôi ra ngoài bao lan, còn một nửa thì lủng lẳng ở bên trong. Mãi người ta mới gỡ được chị ấy ra. 
Trong lòng tôi bỗng thấy một mối thương tâm vô hạn. Tôi quay xuống nhìn mặt con bé khốn nạn ấy rồi thở dài, rồi tôi hỏi: 
- Bị bệnh động kinh rồi lại bị chủ thải ra có phải không? 
- Tất nhiên. 
- Thế là nó nghỉ việc từ độ ấy đến giờ ? 
- Không, về sau đến làm cho một nhà khác rồi mới thôi việc có hai hôm nay. 
- Sao lại thôi? 
- Chị ấy bưng một cái lọ quý rồi bị động kinh, ngã đánh vỡ lọ, chủ bắt đền, chị ấy sợ mà bỏ trốn. 
- Đồ ngu dại, nếu chủ nó bắt đền thì rồi nó trừ tiền công chứ gì. Bỏ trốn thế, nó lại đi thưa thì lại rũ tù. 
- Cái lọ đáng giá hơn trăm bạc, có làm mọt xương cũng chả bù nổi. Vả lại nếu làm không công thì không có tiền gửi về quê. 
Tôi ngán ngẩm rồi nói bâng quơ: 
- Tiên sư cái kiếp đi ở! Thân phận tôi đòi khổ thật! 
Anh chàng đầu trọc nói: 
- À, cái ấy thì đã đành! 
- Cái nhà bác này! Có phải trong làng cơm thầy cơm cô chúng ta với nhau không? 
- Chính thị ! 
- Ở tù ra, hay ở mạn ngược ốm về mà trọc lốc thế ? 
- Ở "hàng xứ " ra. 
- Sao mà phải tù ? 
- Chủ nó sai mang thuốc phiện lậu, rồi bị ông Tây bắt, rồi chủ nó không nhận. 
- Ai bảo đi ở ?! 
- Vỡ đê, trôi cả nhà cửa, trâu bò. Vợ nó đi ra ở vú em rồi không về. Ra tìm mãi không thấy, phải đi xin kéo xe. Gặp vợ rồi thì chẳng may phải tù. 
Đến anh chàng cổ dán thuốc cao: 
- À tôi đi ở là vì nhà nghèo. 
Thằng bé ho lao đáp : 
- Tôi cũng đi ở đã bốn năm nay rồi. Bố chết, mẹ đi lấy chồng, ở với cô ruột bị chửi nhiều quá, thà đi kiếm lấy mà ăn. Cô tôi giàu có hẳn hoi, có ba bốn cái nhà gạch. Nhưng mà đây không cần. Tử tế thì nhờ, không thì thôi. 
- Thế bà lão này có đứa nào là cháu ở đây không? 
Bà lão trỏ ba đứa trẻ ngồi cạnh mình mà rằng : 
- Ba đứa cháu nội tôi đấy. Dắt cháu ra tìm bố nó, cũng đi kéo xe nhà. Thấy nói bố nó ở Hà Nội, ra tìm mãi không thấy. Lên Quan Thánh lại bảo xuống Hàng Bồ, lại Hàng Bồ hỏi lại bảo xuống Bạch Mai... 
- Thế bà có bao nhiêu tiền trong mình ? 
- Còn được sáu xu. 
Bà lão thản nhiên nói thế, một cách không lo sợ gì cả. Mà có lẽ họ thế mới sống. Chỉ người khác là mới biết lo sợ cho họ, thấy họ là khổ sở đáng thương mà thôi. 
Tôi hỏi một thằng bé khác : 
- Thằng này, sao mày cũng đi ở? 
- Dạ, u tôi bắt thế . 
- Còn thằng nhãi ranh này, ai mướn mà cũng đi ở? 
- Úi chao! Tôi mới đi ở có ba tháng thôi mà nếm cơm có đến tám chín nhà chủ rồi! 
- Còn thằng này nữa, mày cũng nghèo à? 
- Tôi không biết. 
- Bố mày đâu? 
- Tôi không biết. 
- Mẹ mày đâu? 
- Tôi không biết. 
- Làng mày ở đâu? 
- Tôi có làng bao giờ! 
Nó chẳng biết gì cả. Nó chỉ mới độ lên 8 tuổi là cùng mà thôi. 
- Thế mày đã đi ở lần nào chưa? 
- Một lần rồi, chủ nhà chê là nhãi con, mướn năm hôm rồi lại cho ra. 
- Thế bao giờ mày đi làm? 
- Nào biết, trông ở cụ. 
- Cụ nào? 
- Cụ đưa người, vẫn ngồi ngã tư. 
Đến đây, con sen động kinh đã tỉnh. Nó gượng ngồi lên khạc nhổ nốt những chỗ nước dãi đọng trong mồm. Rồi nó lại nằm xuống vẻ mệt nhọc lắm... 
Một hồi gót giầy khua lên... mỗi lúc một to. 
Một người lính mật thám, áo the, mũ dạ giày tây, ống quần có cặp xe đạp thoăn thoắt bước vào. Một cô tân thời, cổ tay đầy những vàng, đi theo sau. Người lính kia vào đến chỗ chúng tôi thì bật đèn to lên, soi rõ vào mặt từng người một. Rồi thấy cô tân thời rú lên : 
- Chính nó đây rồi. 
Người lính kia hỏi: 
- Đứa nào? 
- Con bé mặc quần ấy. 
Con sen cũng khóc: 
- Lạy cô, con trót dại, cô tha cho con. 
Người lính quát: 
- Đứng lên đi theo tao lập tức! 
Cô ả tân thời càu nhàu : 
- Hai ba trăm bạc của người ta chứ ít à? 
Người lính hỏi : 
- Sao cô khai có vài ba đồng? 
- Đấy là nó ăn cắp, ngoài ra nó còn đánh vỡ cái lọ cổ nữa. 
Con sen ấy kêu khóc: 
- Lạy cô, quả con không ăn cắp một xu nào ạ! 
- Im! Câm ngay! Không ăn cắp sao lại đi trốn! 
Thế là người lính kia xích tay nó lại. Cô ả tân thời nói : 
- Ông khám cái thúng này xem! 
- Không, đây là của tôi. 
- Cứ khám. 
Lúc ấy tôi đứng dậy, nét mặt chắc đầy những vẻ bất bình. Người lính kín hỏi tôi: 
- Đưa tao xem thẻ. 
Tôi ngần ngừ, rồi phải đưa. Người lính xem thẻ xong (cũng may Sở phát thẻ Hà Nội có cái thuật chụp ảnh cho người nào cũng như mặt tù) ngẩn người ra, đứng cúi đầu như muốn nhớ lại một điều gì, rồi mới trả thẻ, sau khi nhìn tôi hai ba lượt. 
Không bao giờ tôi quên được cái lúc con sen động kinh bị xích và một cái tát vào gáy nó của cô ả tân thời. 
Khi con sen bị lôi ra thì bọn người nhà hàng cơm chạy vào xem rồi chạy ra theo. 
Tôi ngoảnh lại nhìn bọn cơm thầy cơm cô đằng sau tôi thì mặt ai cũng tái đi, sợ đến phát khiếp.
"Chợ Bến Thành" - tranh của họa sĩ Kingnok
Đầy tớ nói xấu chủ nhà
Việc một con sen ngu đần bị điện giật, rồi bị động kinh, rồi đánh vỡ lọ, rồi bị vu cho là ăn cắp, rồi bị bắt nữa, đã đánh mạnh vào bộ óc suy nghĩ của chúng tôi. 
Lúc ấy có lẽ là những phút độc nhất vô nhị mà cái hạng con ong cái kiến không thấy nản chí trong sự đi kêu oan, nếu thấy bị oan, mà một kẻ đi hưởng cơm thừa, canh cặn thấy rằng mình cũng là một người, mà một thằng nhỏ vừa bị chủ đáng bỏ mẹ thì thôi, lúc ra máy nước không còn ước mơ, không còn tưởng bở mà tự nhiên đập đôi thùng đánh xoảng một cái xuống đường rồi giơ tay ra mà nói " nghĩa là.." một cách kệch cỡm nữa. 
Và lúc ấy là những lúc đầy tớ nói xấu chủ nhà. 
Đấng sinh ra muôn loài cũng không bảo nổi những ông lang băm đừng nói khoác, những kẻ mắc bệnh hoa liễu đừng kêu rên, những anh bồi săm đừng khinh người như rác, ông sư chớ mơ màng thịt chó, và đầy tớ nhịn nói xấu chủ nhà. 
Thằng bé ho lao tả cảnh: 
- Lần đầu tôi đi ở đã gặp bước không may. Lúc mặc cả công, con mẹ chủ đã bằng lòng trả cho tôi mỗi tháng năm hào. Tôi phải gánh đầy ba bể nước, bổ hết hai mươi tạ củi. Nước gánh đầy bể rồi, củi chất chật bếp rồi là bà chủ kiếm chuyện chửi mắng suốt ngày cho mình không ở được nữa mà phải xin thôi. Lúc xin thôi nó kêu rằng "tự nhiên không có chuyện gì" mà giở quẻ xin thôi thế là quân đi nếm cơm vạn kiếp cũng không khá được! Cố nhiên nó không trả tiền công. Các bác ạ, các hạng chủ nhà đều như thế đấy. Lúc cần thì nó tìm người, lúc hết việc nó kiếm chuyện đuổi ra. Mà nó quỵt tiền công hết thẩy! 
Tôi hỏi nó xem trong cái đời đi ở của nó, nó có những ngày sung sướng nào không. 
- Chỉ có một lần. Năm ngoái tôi ở với một nhà vợ chồng trẻ tuổi. Chồng làm ông tham, không hôm nào là chịu về nhà ngủ trước 3 giờ đêm. Mỗi lần đi chơi khuya về, cậu ấy dặn tôi mở cửa xong là thế nào cũng phải đánh vỡ một cái chén hoặc một cái đĩa. Cậu ấy sai tôi phải làm để tôi có cớ đánh vỡ. Hễ thấy tôi làm đánh xoảng một cái là cậu ấy quát tháo ầm nhà lên. Ra oai thế để chặn họng vợ. Bà vợ cuối tháng mà trừ lương thì ông chồng dúi cho mà bù vào. Về sau bà vợ cũng đâm ra cờ bạc, cũng đi suốt ngày, gần đến lúc chồng đi làm về, dúi tiền cho tôi đi mua cơm, mua canh và các món xào ở hiệu cao lâu. Gặp những hôm có giỗ cũng thế, sai đi mua các món ăn hiệu, mua cả xôi, mua cả chè. Thành thử mình chỉ ngủ suốt ngày, chả phải làm gì cả. Thật làm với hạng chủ thế mới sướng. 
Anh chàng trọc đầu vội cướp lời: 
- Thế kể cũng đã sướng nhưng chưa bằng tôi. Khi ra tỉnh lần đầu, tôi đã được vào làm nhà một lão thầu khoán. Lúc đầu mặc cả thì là kéo xe, nhưng mà về sau xe cũng chả phải kéo mấy nữa. Chỉ có việc dắt chó đi rong chơi ngoài đường. Lão mua ba con chó Nhật Bản, mỗi con đáng giá trăm bạc cả, cho ăn toàn là những thịt bò với súp. Tôi chỉ suốt ngày tắm rửa cho chó mà thôi. Chỉ khổ một nỗi là thằng chủ có tính gàn, bắt mình lấy giấy bản chùi đít cho chó. 
Thằng nhỏ ho lao hỏi vặn: 
- Như thế thì đã nước gì mà sướng? 
Anh ta để chúng tôi lấy làm lạ một lúc rồi nói tiếp: 
- Vì ông chủ nuôi chó thì tử tế mà nuôi bố thì lại không tử tế. Ông cụ già thì ăn mặc quần áo nâu cũng như tôi, mà phải còm cõm làm thợ vườn suốt ngày. Một lần ông già tai ác ấy chửi tớ, đánh tớ. Tức quá, tớ nghĩ được một cách: đem cứt chó để lên đầu cái phản dưới bếp là chỗ của ông cụ ngủ. Thế là lão già trúng kế, tìm ngay xe điếu vụt cả ba con chó. Tớ lên mách chủ thì lão chủ tớ chửi tiên sư ông cụ, tức là chửi bố. Từ độ ấy trở đi thì chính tớ cũng chả cần đếm xỉa đến bố ông chủ là gì nữa. Các bác bảo như thế lại không sung sướng à? 
Tôi hỏi : 
- Thế sao không ở cái nhà ấy cho đến mãn kiếp? 
- Kìa, tôi đã nói là lão chủ sai tôi mang thuốc phiện lậu rồi không may bị bắt... 
- Rồi thì chủ nó không nhận nên phải tù chứ gì? 
- Phải, nếu nó nhận thì nó cũng chết. Chẳng may cũng là cái số tôi không ra gì, chứ lão chủ ấy thật tử tế với mình quá. 
Thằng có cái cổ đầy những thuốc cao góp chuyện: 
- Ừ, bác như thế cũng đã sướng thật, nhưng chưa bằng tôi. Bây giờ tôi bị bệnh tật nên trông mới xấu xí thế này, chứ hồi mới đi ở, còn đẹp giai thì tôi còn sướng bằng vạn các bác. Thầy bói nào cũng bảo tôi có số đào hoa, thực đúng quá. Tôi sướng hơn các bác ở chỗ thỉnh thoảng lại được bà chủ yêu, hoặc con gái bà chủ... 
Rồi nó kể những cái... may mắn của nó một cách rất tỉ mỉ, bằng một giọng thành thực vô cùng... 
Trước lúc đó vài giờ đồng hồ, tôi đã phải đứng tần ngần mà tự hỏi: "Ta sẽ làm gì cái bọn này?". 
Bây giờ tôi lại phải tần ngần tự hỏi: "Ta sẽ làm gì những câu chuyện ấy?". 
Thật vậy, những câu chuyện ấy thật là lạ lùng, thật là không ai có thể tưởng là có thật được, thật là nhơ bẩn, thật là chướng tai. 
Một thằng nhỏ không biết thêu dệt như một nhà văn thì chuyện của một thằng nhỏ kể có thể tin là đúng chín mươi phần trăm sự thực. 
Mà đứng trước những sự thực không đáng viết lên mặt giấy, ta phải hãi hùng kinh ngạc về loài người. 
Tiểu thuyết kể những điều mà loài người bảo là không có thật. 
Sự đời, trái lại, lại có những điều mà tiểu thuyết không dám tin. 
Ấy thế rồi tôi đâm ra khinh hết cả loài người, vì tôi tin rằng không một ai trong bọn chúng ta lại trông rõ được thực trạng cuộc đời. 
Thật vậy, bao nhiêu sách vở của loài người, cốt để dạy cho nhau biết mà thôi, vậy mà vẫn công toi cả. Những điều người ta dạy bảo nhau bằng sách ? Đó là những điều mơ hồ, những điều lầm lẫn, những sự văn chương. Văn chương là một sự, sự đời là một sự khác. 
Rồi tôi cảm thấy rằng muốn làm một nhà xã hội học, một nhà tâm lý học, một nhà triết học thì trước hết hãy đăng vào nghề cơm thầy cơm cô. Người phu xe biết hết mọi sự độc ác của loài người hơn là một nhà học giả, người bồi săm biết hết mọi sự dâm đãng của loài người hơn là một nhà giải phẫu học. Và một kẻ đi ở thì cũng biết rõ những tính tình của loài người hơn là một nhà văn sĩ tả chân. 
Nếu ai muốn chửi tôi về những ý nghĩ nói trên, thì tôi xin thưa rằng Jean Jacques Rousseau, trước khi thành ra một nhà đại gia tư tưởng, một bậc đại văn hào, một bậc vĩ nhân, thì đã sống cái đời "cơm thầy cơm cô". 
Biết đâu chẳng phải vì thế?
"Hương mùa Hè" - Hot girl Mi Nhon
Tôi là tôi
Thưa các ngài, bây giờ thì tôi lại là tôi. 
Bỏ cái áo cánh màu hoa đào và cụt tay, bỏ cái quần lĩnh thâm, cái kính đen, đôi mái tóc gài tai, tôi đã dùng đến những quần áo của tôi và nay tôi có thể nói chuyện với các ngài bằng một người ...tử tế. 
Bây giờ tôi đã có thể đứng về địa vị chủ nhà xét bọn cơm thầy cơm cô. 
Tôi đã có thể bịa những chuyện mà các ngài có thể tin là thật hoặc tôi nói những chuyện thật mà các ngài cứ tưởng là bịa. 
Tôi có thể nói chuyện về vú già nhà tôi, một người hay mách tôi, hay đánh tôi, lại hay dọa ma, nhưng mà may sao, đã chết từ... tám đời kia rồi. 
Tôi có thể nói chuyện về một thằng nhỏ mà tôi đã nuôi trong một phút thích khôi hài, và để mỗi khi bạn hữu đến chơi nhà thì lại gọi nó ra hỏi chỉ vì nó có cái tính nói gọn thon lỏn... 
- Mày không có anh chị em à? 
- Mỗi! 
- Mày còn thầy u chú bác mày không? 
- Tiệt! 
- Trước khi chết sao thầy u mày không lấy vợ cho mày? 
- Nào có lấy! 
Rồi các bạn hữu tôi. anh nào cũng gập đôi người lại mà cười như xem phim Charlot. 
Tôi có thể công kích nó ở chỗ mới ra tỉnh thì ngẩn ngẩn ngơ ngơ mà ở được vài tháng thì ăn cắp như ranh, ăn bớt như quỷ, lại đi thông lưng với người gánh nước vo để bữa nào cũng thổi thừa cơm rồi đổ cơm nguội vào nồi nước gạo. 
Tôi có thể đưa cho các ngài đủ những mẫu hạng về giới cơm thầy cơm cô. 
Có những đứa đầy tớ bị chủ nhà đánh chết. 
Có những con sen được ông chủ quý hơn vợ. 
Có những thằng nhỏ bỏ thuốc độc định giết cả nhà chủ nhà. 
Có những anh bếp nhổ đờm vào nồi cá kho. 
Có những vú già quyền hành như mẹ "cậu mợ". 
Có những thằng nhỏ được kỳ lưng cho các tiểu thư. 
Có những anh xe được ngủ giường Hồng kông với bà chủ. 
Có những đứa ở lúc chủ chết khóc như khóc bố mẹ. 
Có những đứa liều mạng cứu chủ. 
Có những quân đốt nhà của chủ. 
Hoặc dắt cướp vào nhà. 
Hoặc thư đi thư lại, làm nghề ma cô. 
Có những thằng nhỏ hiếp con gái ông phán. 
Có những con sen bị ông tham hiếp dâm. 
Có nhiều! 
Anh Lê Tràng Kiều, sau khi xem nốt tập giấy dày, đã nhăn mặt lại. 
Anh ấy bảo tôi: 
- Nếu cứ đi mãi như anh thì sẽ lạc đường. 
Tôi hỏi: 
- Lạc đường? 
Anh ta: 
- Phải, đây là một thứ "mặt trái đời" của thời Hoàng Tích Chu. 
- ... 
- Chỉ khác ở chỗ bằng một hình thể mới. Mà những điều anh tố cáo trong này thì là những sự thực nên kiêng. 
- Lời hứa ấy cũng đã đem thực hành rồi. Đăng tiếp sẽ làm quá lời hứa. Vả lại, khi người ta tự nhận là một nhà văn tả chân thì nghĩa là người ta đã hứa, nhiều nhiều lắm. Nhưng mà không cứ chỉ trong một thiên phóng sự mới giữ được lời hứa. 
Thế rồi chúng tôi cứ trù trừ mãi về những đoạn có sự thực mà không biết là có nên kể hay không. 
May sao, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Công Hoan. 
Ông ta nói chuyện về văn chương. Ông ta đã động đến thiên phóng sự "Cơm thầy cơm cô" này. 
Ông ta nói đến những quân chủ nhà đểu cáng, những đứa đày tớ mất dạy. 
Trong lúc trò chuyện, tôi nói: 
- Kể ra làm một thiên phóng sự về chủ nhà với đày tớ thì dễ có nhiều tài liệu lắm. Nhất là về chỗ chủ nhà độc ác với đày tớ. 
Tôi chưa nói hết, ông Nguyễn Công Hoan đã cười một cách tinh quái mà nói: 
- Mình cứ việc điều tra ngay ở chính mình! 
Lúc ấy tôi không biết nói gì nữa với ông Hoan. 
Nhưng bây giờ tôi có thể nói với hết thảy (các ngài nhớ cho là hết thảy) các độc giả yêu quý của tôi rằng xin các ngài cứ điều tra ngay các ngài. 
Nếu tôi còn bỏ quên thì xin các ngài làm lấy phóng sự mà đọc... 
Nhà văn Vũ Trọng Phụng
Nhà thờ Vũng Tàu - ảnh Việt Nam xưa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét