Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Khi chiếc lá nho đã bị vứt bỏ

-Ui da... cái lá nho đâu rồi ta...???
Chao ôi, “xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hỉ nhân” đến “đẳng cấp” này thì Khổng Tử cũng chào thua! Đến cỡ ấy thì còn cần gì phải có lá nho che đậy nữa... (ảnh không liên quan đến bài viết)
Khi nói về hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố mời thầu trên thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam đã nói về chuyện họ “không cần phải có cái lá nho với những chữ này chữ nọ, lá nho của “coi trọng đại cuộc” mà họ vừa dại dột vứt bỏ”. Nay xin bàn tiếp chuyện “cái lá nho” này.
Trong “Sáng thế ký ” có chuyện Adam và Eva sau khi ăn trái cấm thì bỗng nhiên phát hiện ra sự trần truồng của mình. Cảm giác xấu hổ xuất hiện. Và cả hai đều bứt chiếc lá nho [có tài liệu thì viết đó là chiếc lá vả] để che đi bộ phận sinh dục. Chiếc lá ấy, theo Franz Werfel, một nhà văn Đức, là “tài liệu văn hóa đầu tiên của loài người”! Không là chiếc lá đang nằm trên cây, mà là chiếc lá được con người sử dụng để biểu thị nhận thức và cảm xúc của mình, là biểu tượng của con người tự ý thức được về mình. Cái cảm giác “biết xấu hổ” là một thuộc tính người.
Nói về chuyện “biết xấu hổ” này xin được nhắc lại lời của Khổng Tử cũng nói về chuyện “biết xấu hổ” ấy : “Cổ giả ngôn chi bất xuất, sỉ cung chi bất đãi dã”(2), tạm dịch là “Người xưa thận trọng lời nói, sợ sẽ xấu hổ nếu nói mà không làm được”.
Ấy thế mà nghe đâu nhà cầm quyền Bắc Kinh đang toan tính tìm cách dựng lên những “Viện Khổng Tử” tại nhiều nơi trên thế giới nhằm truyền bá tư tưởng của vị “vạn thế sư biểu” của mình. Hình như ai đó ở Việt Nam cũng đang tấp tểnh chuyện dại dột này. Nhưng không biết những “Viện Khổng Tử” ấy khi thành lập được có dám viết to lên lời của “ông thầy của vạn đời” ấy để treo trước cổng Viện: “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã”(2), tạm dịch là “người không có chữ tín sao gọi là người được”! Liệu họ có dám lấy lời của Khổng Tử: “Quân tử sỉ kỳ ngôn nhi quá kì hành”(2), tạm dịch là người quân tử phải lấy làm thẹn vì nói nhiều nhưng làm ít”, để rao giảng với thiên hạ không? Và liệu có phải nhà tư tưởng cổ đại, niềm tự hào chính đáng của dân tộc Trung Hoa, một mốc lớn trong nền văn hóa rực rỡ một thời của họ, đã cảnh báo những hậu duệ bất đễ của mình chuyện nói một đằng, làm một nẻo với thói “xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hỉ nhân”, tạm dịch là “nói năng khéo léo, nét mặt vờ niềm nở, hạng người đó ít lòng nhân”?
Trong cơn khát nhiên liệu nhằm thỏa mộng siêu cường, những kẻ hiếu chiến trong giới cầm quyền Bắc Kinh đã tham quá hóa ngu, quên mất lời thầy dạy, tự phơi mặt “bất tín“, “bất nhân” trước cả thế giới và trước những người Trung Quốc có lương tri, đặc biệt là giới trí thức Trung Hoa vẫn chói sáng trong họ tinh thần của cuộc vận động “Ngũ Tứ”, từng là nạn nhân của các cuộc “đại nhảy vọt”, “đại cách mạng văn hóa vô sản” đã làm chết hơn 50 triệu người, phơi bày một bộ mắt ghê tởm của chủ nghĩa Mao trước cả loài người! Kể cho hết chuyện “bất tín”, “bất nhân” của họ thì bút mực nào cho đủ. Chỉ riêng việc để ngăn chặn sự lớn mạnh của Việt Nam sau cuộc đánh bại một siêu cường, họ đã không ngần ngại hà hơi, tiếp sức cho Polpot, tên đồ tể man rợ gây nên họa diệt chủng khủng khiếp với hơn một phần tư dân số Campuchia bị giết chết, sai khiến y xua lính tấn công vào biên giới phía Nam khi những vết thương chiến tranh trên cơ thể đất nước ta chưa kịp hàn gắn, đã đủ nói lên âm mưu thâm độc và tội ác tày trời của chúng. Khi mưu đồ này bị đánh bại, chúng đã tiến hành cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu ở phía Bắc.
Những tội ác do đám hậu duệ của Vương Thông, Liễu Thăng gây ra cũng không kém cha ông chúng xưa kia “trúc rừng không ghi hết tội, nước bể không rửa sạch mùi” mà Nguyễn Trãi đã lên án trong “Bình Ngô đại cáo” hơn sáu thế kỷ trước! Và rồi, các cuộc xâm lược đều bị đánh tan tác, dấu tích ô nhục còn đó, gò Đống Đa là một minh chứng sống động, nơi vua Quang Trung “cho thu nhặt xương cốt chôn vùi. Bảo lập đàn bên sông cúng tế. Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc. Xuất của kho đắp điếm đống xương khô. Hồn các ngươi đừng vất vưởng dưới trời Nam. Hãy lên đường quay về nơi hương chỉ". Thậm chí, tướng giặc buổi ấy là Sầm Nghi Đống treo cổ tự tử mà với lòng trắc ẩn và sự khoan dung, nhân dân ta vẫn không phá miếu thờ và vẫn thuận cho bà con Hoa Kiều ở ngõ Sầm Công thắp hương cho một hồn ma đang phải “vất vưởng dưới trời Nam” mà chưa thể “quay về nơi hương chỉ"!
Vẫn xử sự như thế, cho dù chúng ta không hề quên sắc chỉ của Minh Thành Tổ gửi tướng viễn chinh Chu Năng ngày 21-8-1406: “Một khi binh lính vào nước Nam… hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ nhỏ, loại sách có câu “thượng đại nhân, khưu ất kỷ” một mảnh, một chữ đều phải đốt hết… Khắp trong nước, phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều gìn giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá huỷ tất cả, một chữ chớ để còn”. Chúng quyết tận diệt văn hóa để thực hiện lâu dài chính sách bành trướng và đồng hóa của chúng. Cùng với việc toan tính dựng “Viện Khổng Tử” rất chi là “văn hóa và hữu nghị", những hậu duệ của Minh Thành Tổ hôm nay còn thâm hiểm, thiết thực và đê mạt hơn khi tung người đi mua móng bò, móng trâu, mua rễ cây của những loại cây thuốc quý với giá rất cao ở các tỉnh biên giới dạo nào, và rồi mới đây là những chiêu lừa tai ác của các thương lái Trung Quốc khiến cho bà con xứ dừa Bến Tre phải đốn bỏ hàng vạn cây dừa, cũng như thế vụ trái cây Tân Thanh trước đó, rồi chủ các vựa tôm, vựa cua ở Cà Mâu mới đây liểng xiểng vì sau những lời chào mời mở hợp đồng mua bán rất “thông thoáng, cởi mở” tiền trao cháo múc sòng phẳng, để đưa được đối tác vào bẫy với những chiêu thu mua trước trả tiền sau để cuỗm một vố rất to rồi chuốn.
Không có “tay trong” dẫn dắt những chiêu lừa mị và cướp đoạt trắng trợn như vậy thì làm sao các “đồng chí” thương lái “giàu tình hữu nghị” này có thể thực hiện trót lọt để rồi sau đó lặn mất tăm? Ai cấp phép cho chúng? Ai để cho chúng trốn chạy một cách “ngoạn mục” như vậy? Cứ xem chuyện các phòng khám Trung Quốc với những lời quảng cáo “nổ” trời trên màn hình tivi, trên những trang báo có lượng độc giả khá lớn, trên những tấm biển chữ vàng chữ đỏ chói lọi ngay trên các đường phố lớn của TP.HCM, không chỉ ở quận 5 mà nhan nhản tại quận 1, quận 3 mời gọi những người nhẹ dạ, đang lúng túng với các dịch vụ y tế nhà nước và tư nhân quá tải, đã chui đầu vào cho các thầy thuốc Trung Quốc với khả năng chữa khỏi bách bệnh “một cách thần kỳ” trên lời quảng cáo để rồi tiền mất tật mang. Và rồi, các “đồng chí” thầy thuốc tài năng này đã trốn mất dạng cũng ngoạn mục như các đồng chí “thương lái” ở Tân Thanh, Bến Tre, Cà Mau kia khi những chiêu lừa mị bị nhân dân và báo chí phát hiện!
Chuyện này thì cũng đã “xưa như quả đất”, điều cần nói là cái sự “hoạt giảo” với những chiêu lừa mị này khi hôn phối được với sự giảo hoạt của kẻ có mưu đồ sẽ tính đến cả chuyện buôn vua chứ không chỉ buôn đất, buôn rừng, buôn khoáng sản! Thì đó, Lã Bất Vi, người có con mắt tinh đời, vừa trông thấy Tử Sở đã nhìn ra “món hàng này lạ, có thể buôn được đây”. Và “món hàng lạ” này dưới bàn tay đưa đẩy của Bất Vi đã trở thành Trang Tương Vương của nước Tần, Lã Bất Vi làm thừa tướng, được tấn phong là Văn Tín Hầu, ăn thuế mười vạn hộ, rồi được tôn làm tướng quốc, gọi là trọng phụ! Xin lưu ý rằng Lã Bất Vi là người chủ xướng biên soạn bộ sách “Lã Thị Xuân Thu” với “tám Lãm, sáu Luận, mười Kỷ gồm hơn hai mươi vạn chữ, cho là đủ hết những việc trời, đất, muôn vật, xưa nay”! Và theo lời bình của Cao Dụ thời Đông Hán thì “sách này chủ trương lấy đạo đức làm mục tiêu, lấy vô vi làm cương kỷ, lấy trung nghĩa làm phẩm đức, lấy công bằng cởi mở làm chuẩn mực” cơ đấy!
Chao ôi, “xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hỉ nhân” đến “đẳng cấp” này thì Khổng Tử cũng chào thua! Đến cỡ ấy thì còn cần gì phải có lá nho che đậy nữa, những lời đạo cao đức trọng rang rảng như chuông đồng này đủ sức thay chiếc là nho tí xíu kia, nhất là trong thời hiện đại kỹ thuật số này.
Thì đấy, chẳng biết hư thực thế nào, ông Tập Cận Bình, người đang chuẩn bị trở thành chủ tịch kế tiếp của Trung Quốc, đã cảnh báo các quan chức tại một hội nghị chống tham nhũng năm 2004: “Hãy kiểm soát vợ chồng, con cái, người thân, bạn bè và thuộc cấp của các đồng chí, và nguyện không sử dụng quyền lực để trục lợi cá nhân“. Thế nhưng, theo tài liệu công khai do Bloomberg biên soạn, được nhóm tác giả Michael Forsythe, Shai Oster, Natasha Khan, Dune Lawrence, Amanda Bennett, Peter Hirschberg, Ben Richardson vừa đưa lên mặt báo, thì gia đình mở rộng của ông đã phát triển lợi ích kinh doanh của họ gồm khoáng sản, bất động sản và thiết bị điện thoại di động… đầu tư vào các công ty với tổng trị giá là 376 triệu đô la, 18% cổ phần đầu tư gián tiếp trong một công ty đất hiếm có trị giá 1,73 tỉ đô la, nắm giữ cổ phần 20,2 triệu đô la trong một công ty công nghệ có trong giao dịch chứng khoán.
Các con số này không hạch toán các khoản nợ và do đó không phản ánh giá trị tài sản thực của gia đình. Đương nhiên là không có dấu hiệu ông Tập can thiệp để thúc đẩy các giao dịch kinh doanh cho người thân của ông, hoặc bất kỳ hành vi sai trái nào của ông Tập, hoặc gia đình mở rộng của ông, vì các khoản đầu tư được nhiều công ty che giấu khỏi ánh mắt công chúng, Chính phủ hạn chế việc tiếp cận các tài liệu của công ty và trong một số trường hợp bị kiểm duyệt trên mạng, các khoản đầu tư đó được xác định trong hàng ngàn trang hồ sơ lưu trữ. Bloomberg cung cấp một danh sách các cổ phần do gia đình của ông Tập sở hữu cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhưng Chính phủ đã từ chối bình luận. Nhưng thôi, là nhân lời dạy của Đức Khổng tử về “xảo ngôn, lệnh sắc” mà tạt ngang mấy dòng về những thực hư của chuyện này thời hiện đại, những chuyện quá phức tạp với thông tin nhiều chiều thực có, giả có nên chẳng dừng lâu ở đây làm gì, xin nói chuyện thiết thực hơn, dễ kiểm chứng hơn.
Chẳng hạn, không thể không nêu ra đây một điều thật khó hiểu: ngay trước mũi Vịnh Cam Ranh, quân cảng số 1 của Việt Nam và của cả vùng Đông Nam Á này lại xuất hiện những mảng nuôi cá bè rất quy mô và hiện đại đã hoạt động nhiều năm cũng do các “đồng chí” thương lái Trung Quốc đầu tư để đến khi đánh hơi thấy báo chí đã vào cuộc thì các “đồng chí” cũng lặn mất tăm một cách “ngoạn mục” không chút dấu vết như vốn có! Mà đâu chỉ ở trước Cam Ranh, chạy dọc bờ biển suốt miền duyên hải, ngay cả ở Đà Nẵng, cũng có những khu “rì dọt” đầy bí hiểm cho những hoạt động nội bất xuất ngoại bất nhập của những nhà đầu tư đáng kính! Báo chí cũng đã từng đặt câu hỏi về 35.000 lao động Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam, tập trung ở một số địa bàn trọng điểm như TP HCM, Tây Nguyên, miền Trung. Đây là những người lao động thô sơ với số lượng hàng “trung đoàn” nói theo ngôn từ nhà binh, đang nhan nhản tại những vị trí xem ra đã được chọn lựa! Cho đến nay, các câu hỏi này vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.
Trong bối cảnh phức tạp và tế nhị này, việc các thế lực hiếu chiến trong giới cầm quyền Trung Quốc tự mình vứt bỏ cái lá nho của “16 chữ vàng” theo kiểu “xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hỉ nhân”, ngang ngược chiếm đất chia lô bán đất ngay trước sân nhà người ta rồi lu loa “Việt Nam tạo sóng ở Biển Đông” để đe dọa “mũi giáo và đối tượng chính cần nhằm vào là Việt Nam” càng phơi bày bộ mặt thật của kẻ lâu nay “bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao” mà nhân dân ta vốn không lạ lẫm gì.
Như bài viết trước đã nêu: “họa trung hữu phúc“, đây là dịp để cho những ai còn mơ hồ trước đòn lừa mị của những lời đường mật, được sơn son thiếp vàng, hiểu ra sự dại dột của mình, đặng mà tỉnh táo hơn, mạnh mẽ hơn như ông cha ta đã từng ứng xử với họa xâm lăng thường trực để vững vàng trong cái vị thế địa-chính trị oái oăm bao đời nay. Điều duy nhất mà ông cha ta chưa có trong những trận chiến oanh liệt với kẻ tù là sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận quốc tế. Hơn nữa, không chỉ có dư luận, mà cùng với nó, là sức mạnh vật chất hiện thực nhờ vào đường lối đối ngoại mềm dẻo, kiên quyết và đầy bản lĩnh để tranh thủ được sự ủng hộ tối đa của thế giới, cô lập được kẻ thù cụ thể.
Và đó chính là điều, để xứng đáng với sự nghiệp của ông cha để lại, thế hệ Việt Nam hôm nay phải biết tận dụng lợi thế mà xưa kia ông cha cha ta chưa có để giữ vững ý chí và bản lĩnh “có cứng mới đứng đầu gió“, gió Biển Đông đang gầm gào giận dữ trước hành động xâm lược của kẻ thù!
GS. Tương Lai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét